Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

Ly con sao - hoa tau dan tranh




Nhận xét sau Đại hội đàn tranh châu Á lần II - GS TS Trần Văn Khê

(từ blog GS TS Trần Quang Hải)

Nghệ sĩ các nước tham gia nhạc hội lần này đều là những nghệ sĩ thượng thặng, bài bản chọn lựa rất kỹ và có nhiều sáng tác mới được giới thiệu

Các chương trình nghệ thuật của các đoàn tham dự nhạc hội Đàn tranh châu Á lần II – năm 2008 có rất nhiều tiết mục, nhưng phần cổ nhạc truyền thống ít hơn những sáng tác mới. Lần này BTC có hàm ý giới thiệu cây đàn tranh xưa và nay và ước mong có một số nhạc sĩ trẻ tham dự.

Sau mấy đêm trình diễn, chúng tôi nhận xét rằng các nghệ sĩ tuổi cao hay mới vào nghề đều có kỹ thuật biểu diễn rất cao. Bài bản được sáng tác đa số còn giữ phong cách truyền thống. Một điểm khác làm cho chúng tôi ngạc nhiên là các nghệ sĩ lão thành như giáo sư Ishise Akiko, trên 70 tuổi, đã mang danh hiệu nghệ sĩ bậc thầy mà vẫn sẵn sàng luyện tập những bài bản mới sáng tác từ năm 2007. Bà chính là môn sinh của nhạc sư Yuize Shinichi – là người đã cùng tôi tham dự buổi hòa nhạc quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại phòng A của cơ quan UNESCO Paris năm 1958. Các nghệ sĩ trẻ đều có một phong cách biểu diễn nghiêm túc, trầm lặng mà cũng nhiều khi sôi động của truyền thống đàn koto.

Giáo sư Lee Chae Suk (Hàn Quốc) là một chuyên gia về đàn gayageum. Tôi đã gặp nhạc sư lúc mới ra trường với một luận án về cách đàn sanjo (tán điệu) của gayageum. Cô đã biểu diễn có phần ngẫu hứng theo các chu kỳ tiết tấu thay đổi từ chậm đến mau, một phong cách mà người Triều Tiên gọi là changdan (trường-đoản) dài hay ngắn. Đến nay sau mấy mươi năm nghề, ngón đàn đó chẳng những sâu sắc, phong phú hơn ngày xưa, kỹ thuật đàn có rất nhiều thay đổi để tiếng đàn không những có phần mạnh mẽ mà có nhiều đoạn dùng dây cao đánh lên những tiếng líu lo như chim hót. Nhất là lần này giáo sư lại giới thiệu cây đàn gayageum trước kia 12 dây, tới nay đã phát triển, cải tiến thành 25 dây.

Trong đoàn Hàn Quốc chúng ta còn gặp một số nghệ sĩ trẻ như Kim Hee Sun, là một chuyên gia âm nhạc Á châu lại có thêm bằng tiến sĩ nhạc dân tộc tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), đã viết một quyển sách rất công phu về âm nhạc đương đại Hàn Quốc sáng tác trên đàn gayageum.

Giáo sư Kim Sun Ok lại là người biểu diễn đàn komunggo (hay geomunggo) tuyệt vời, đàn này khác hơn các loại đàn tranh của các nước châu Á, nó không phỏng theo đàn guzheng mà được sáng tạo tại Vương quốc Koguryo miền Bắc Triều Tiên vào thế kỷ thứ VI (phỏng theo đàn cổ cầm) nên chỉ có 6 dây; 3 dây được 3 con nhạn đỡ lên, 3 dây giữa phải nhấn đứng trên 16 phím tre, được gắn trên mặt đàn. Khi đàn, người chơi dùng một que bằng tre chuốt nhọn như viết chì và tiếng đàn vừa mạnh dạn vừa có một cường độ khác thường. Giáo sư lại chuyên đánh trống djanggo (trượng cổ).

Phái đoàn Trung Quốc gửi đến những nghệ sĩ đàn tranh thuộc thế hệ trẻ nhưng tài cao như: Liling, Funa đã từng đoạt giải nhất trong nhiều cuộc thi biểu diễn nhạc khí quốc gia. Hai nam nghệ sĩ Chen Xiaoran và Chen Dong trong đoàn Trung Quốc không biểu diễn đàn tranh nhưng là những nghệ sĩ chuyên thổi sáo, tiêu , kéo đàn Yêhu (gần giống đàn gáo của Việt Nam) với những sáng tác mới đậm màu dân tộc.
Funa đã từng đoạt giải nhất trong cuộc thi biểu diễn nhạc cụ tại Chongping. Hiện nay cô là nghệ sĩ biểu diễn đàn tranh trong dàn nhạc cổ truyền dân gian tỉnh Quảng Đông và đã từng được mời biểu diễn nhiều nơi ở Châu Á .và Châu Âu. Liling là một tài năng trẻ đàn tranh đã từng đoạt giải nhất cuộc thi biểu diễn nhạc cụ quốc gia dành cho nghệ sĩ trẻ vào các năm 1994 và 1996. Liling đã phát hành nhiều CD độc tấu cũng như hòa tấu cùng dàn nhạc, tiếng đàn của cô cũng đã được sử dụng trong nhiều bộ phim cũng như trong nhiều chương trình truyền hình khác nhau. Phái đoàn Trung Quốc đã có 4 nghệ sĩ trẻ thật sư tạo được ấn tượng tại Nhạc Hội Đàn Tranh Châu Á lần II - năm 2008 được tổ chức tại Việt Nam .

Đoàn Đài Loan có giáo sư Tei- Don Wel là môn sinh bậc nhất của cố nhạc sư Liang Tsai Ping (Lương Tại Bình), một danh sư về đàn guzheng nay đã quá vãng. Giáo sư chẳng những chuyên về nhạc truyền thống mà còn có óc sáng tạo rất dồi dào. Những tác phẩm của ông tuy mang trình thức rất mới mà vẫn còn giữ phong vị của những bản truyền thống.

Riêng đoàn Việt Nam năm nay đã giới thiệu một chương trình rất đặc sắc. Các em trong đội đàn tranh CLB Tiếng hát Quê hương (Cung VHLĐ TPHCM) không những biểu diễn những bản dễ, ngắn mà còn giới thiệu trong ngày khai mạc và trong chương trình buổi đầu những bài bản lớn như: Xàng xê, Long ngâm (một trong bảy bản nhạc lễ thường được dùng trong nhạc tài tử). Đội ngũ hùng hậu mặc đồng phục rất đẹp, cách ra vào sân khấu có kỷ luật. Đẹp nhất là các nam nhạc công mặc quốc phục rất đồng bộ với những chiếc áo dài thướt tha với các nữ nhạc công.

Trong những người tham dự, ngoài giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan còn có những tài năng trẻ như: Hải Phượng (TPHCM), Trà My (Hà Nội), Hồng Nga (Huế) đều có kỹ thuật vững chắc, cách nhấn nhá sâu sắc tế nhị làm rõ nét, đúng hơi của truyền thống ba miền đất nước. Công tâm mà nói, trong nhạc hội lần này chương trình nghệ thuật của đoàn Việt Nam phù hợp với tinh thần giới thiệu biểu diễn cây đàn tranh xưa và nay một cách nhuần nhuyễn.

Nói chung, những nghệ sĩ các nước tham gia nhạc hội lần này đều là những nghệ sĩ thượng thặng có biệt tài. Bài bản tham dự được chọn lựa rất kỹ và có nhiều sáng tác mới được giới thiệu. Nhạc khí cũng đã được cải biên, kích thước đàn tranh lớn hơn xưa, số dây cũng nhiều hơn và các tiết mục biểu diễn rất mới, mang sắc thái rất riêng. Tuy nhiên, phần đông các tiết mục biểu diễn chú trọng đến kỹ thuật và tính hoành tráng mà về mặt nghệ thuật, tinh tế có phần kém đi. Có những sáng tác mới phối hợp với cả nhạc khí phương Tây (violon, piano) là những thể nghiệm chứ không phải những mẫu mực của tác phẩm đương đại. Chúng tôi xem qua rồi cảm nhận như thế, chứ không thể khen đó là hướng đi đúng.

Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần II – năm 2008 rất thành công về nhiều mặt, nhưng chưa phải là hoàn hảo vì chi phí ít và thời gian chuẩn bị chưa nhiều lắm, nên có nhiều điều mong muốn chưa được thực hiện. Chúng ta mong rằng trong những Nhạc hội Đàn tranh châu Á sắp tới, những khó khăn đã gặp lần này sẽ không còn nữa.

GS TS Trần Văn Khê

Hòa tấu Lý ngựa ô Bắc trong đêm bế mạc

Tối 4-9, Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần II – năm 2008 do LĐLĐ TP, Cung Văn hóa Lao động TP, Nhạc viện TP và Trung tâm Văn hóa TPHCM phối hợp tổ chức đã làm lễ bế mạc và biểu diễn tổng kết tại Phòng hòa nhạc Nhạc viện TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Huy Cận - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, đã trao kỷ niệm chương, bằng chứng nhận cho tất cả các nghệ sĩ tham gia Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần II - năm 2008. Một chương trình biểu diễn báo cáo đã được dàn dựng tinh tế và ấn tượng, nhất là tiết mục hòa tấu Lý ngựa ô Bắc của tất cả nghệ sĩ đã được khán giả cổ vũ nồng nhiệt.

T.Hiệp

3 nhận xét:

  1. Mình có xme tiết mục này. Rất tuyệt vời. Và sau khi tiết mục kết thúc mọi người đã đứng lên tán thưởng rất nồng nhiệt.
    Mà mình nhớ đây là bài Lý ngựa ô chứ không phải là lý con sáo.

    Trả lờiXóa
  2. hi ghi nhầm cái tựa. Cám ơn bạn đã nhắc

    Trả lờiXóa
  3. Tiếng đàn tranh réo rắt, tiếng đàn bầu nỉ non từ lâu đã đi được vào lòng mỗi người dân Việt Nam, cho đến ngày nay với xu thế hội nhập thì hai cây đàn này không những có chỗ đứng trong lòng gười Việt mà bạn bè quốc tế cũng yêu mến và muốn được tìm hiểu về 2 cây đàn này.

    Trả lờiXóa

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...