Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đầu năm viếng chùa : Phước Hải tự - chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng là 1 ngôi chùa cổ nổi tiếng ở TP, lần đầu tiên mình ghé chùa là vào tết năm 2007. Lâu lắm rồi mới có dịp quay lại viếng ngôi chùa linh thiêng này.

Tối mùng 7 có rất đông người đến lễ chùa, mình vào tới thì gửi cúng sao. Do chùa quy định chỉ dc thắp 3 cây nhang nên 2 chị em quyết định chỉ vào khấn bái chứ ko mua nhang nữa. Những pho tượng trong chùa dc làm bằng gỗ, cao to khổng lồ uy nghiêm lẫm liệt. Nhìn vào mắt tượng thần nào cũng toát ra biểu cảm rất sống động.

Nhân viên của chùa mặc áo đồng phục vàng tất bật làm việc phục vụ dân chúng đến viếng. Các hoạt động của chùa dc tổ chức bài bản, quy củ, mọi thứ đâu ra đấy từ việc gửi xe, ghi tên đăng ký cầu an, cúng sao, thông báo các hoạt động của chùa, ... Ở bên ngoài sân chùa phía trên có giăng bạt trên những khung sắt, có hàng trăm chim bồ câu bay về chùa nương đậu, nhìn rất thanh bình.

Có điều mình hơi buồn khi nhìn vào hồ cá, hồ rùa, nước đen thui lui và bốc mùi hôi, cá nhỏ chết phơi bụng trắng cả mặt hồ. Cảnh dưới hồ cá làm lòng mình cảm giác thương xót những sinh vật bé nhỏ. Vào dịp lễ tết chùa thu vào cả hàng tỉ đồng mà sao chẳng chăm chút cho nơi nương náu của những con vật nhỏ? Những người viếng chùa, thả rùa thả cá phóng sinh liệu họ có nghĩ đến những con vật tội nghiệp đó ko?

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thông tin về chùa trích từ trang Wiki
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Vị trí: Chùa toạ lạc tại 73 đường Mai Thị Lưu, quận 1thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc điểm: Chùa có tên chữ là Ngọc Hoàng Điện, người Pháp gọi là chùa Đa Kao, từ năm 1984 đổi tên là “Phước Hải tự”. Chùa là nơi thờ tự của đạo Minh Sư do Lưu Minh (người Quảng Đông) sống ở Sài Gòn khởi dựng từ năm 1892 đến 1906.

Năm 1906 là năm chùa Đa Kao làm lễ khánh thành. Có một tương truyền rằng nhờ thần thánh phù hộ, Lưu Minh đã thoát khỏi Trung quốc sau khi bị kết án chung thân tội giết em của ông và đã thề sẽ trả ơn. Ông xây chùa ở vị trí ngay nơi một cây cổ thụ đã bị xét đánh đổ mà các người trú mưa dưới gốc cây không bị hề hấn gì. Thật sự thì không đúng vậy vì sau đó Lưu Minh đã đi Trung quốc nhiều lần không hề hấn gì và ông xây để phù hộ công việc làm ăn của ông và ông có lợi ích trong đó. Chùa được xây ở vị trí trước đó là một miếu cổ mà ta vẫn còn thấy một tường dưới gốc cây cổ thụ [1].

A Di Đà Phật

Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa tráng lệ, mang kiến trúc đền chùa Trung Hoa, mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi.

Chính điện thờ Ngọc Hoàng thượng đế với các thiên binh, thiên tướng; Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát. Có một số tượng là những nhân vật huyền thoại trong kinh Phật quen thuộc với người Trung Quốc như thần Môn Quan (thần cửa), thần Thổ Địa, Phật Mẫu, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Di Lặc, Phật Dược Sư, Phật Như Lai, Ông Bắc Đế, Thiên Lôi... Ngoài ra chùa còn thờ Thành hoàng, Khán Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Kim Hoa Thánh Mẫu, 12 bà mụ. Các pho tượng thờ trong điện thờ Ngọc Hoàng cũng là những tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp.

Hàng ngày khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa rất đông. Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.


Khi Đạo Cao Đài đang trong giai đoạn hình thành, Ngọc Hoàng Điện đã được xem là một trong những đàn cơ phổ độ quan trọng. Có tài liệu nói rằng bài kinh Ngọc Hoàng hay Đại La Thiên Đế được thỉnh từ nơi này. Sau giải phóng, Người Hoa bỏ dần Ngọc Hoàng Điện nên các nhà sư Phật Giáo mới sử dụng Ngọc Hoàng Điện làm nơi tế tự. Sau đó Ngọc Hoàng Điện gia nhập vào hệ thống chùa Phật Giáo, đến năm 1984, Ngọc Hoàng Điện được đổi tên thành Phước Hải Tự cho đến ngày nay, Đối tượng thờ cơ bản và quan trọng nhất trong Phước Hải Tự chính là Ngọc Hoàng Thượng Đế, do đó mà người dân vẫn quen gọi với tên cũ hơn là Phước Hải Tự, cho nên Chùa Ngọc Hoàng hay Chùa Đa Kao vẫn quen thuộc hơn. Ngày nay, Ngọc Hoàng Điện được xem là một trong những dic tích thời khai Đạo của Đạo Cao Đài mặc dù nó vẫn do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quản lý

  1. ^ Nguyễn Đức Hiệp- Saigon đầu thế kỷ 20 đến 1945

----------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết trích từ trang Cinet
----------------------------------------------------------------------------------------------

 Lễ hội chùa Phước Hải được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại số 73, đường Mai Thị Lựu, gần chợ Đa Kao thuộc phường Đa Kao, quận 1.

Chùa Ngọc Hoàng hay Ngọc Hoàng điện, nay gọi là chùa Phước Hải, tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu, gần chợ Đa Kao thuộc phường Đa Kao, quận I, thành phố Hồ Chí Minh.Chùa Ngọc Hoàng được thành lập từ năm 1892 do một người Hoa tên Lưu Minh chủ xướng. Năm 1900, công cuộc xây cất chùa hoàn thành, nhưng đến năm 1906 mới làm lễ khánh thành. Chùa khởi nguyên tên là Ngọc Hoàng Điện, người Pháp gọi là "chùa Đa Kao", năm 1982 chùa gia nhập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam với hòa thượng Thích Vĩnh Khương chủ trì, mới đổi tên thành Phước  Hải Tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng.

Trong sân chùa Ngọc Hoàng, ngoài hai hồ nuôi cá và rùa, có một miếu thờ Hộ Pháp và một nhà bát giác che chiếc đỉnh lớn đúc bằng xi măng giả đồng dành cho khách hành hương thắp nhang trước khi vào chùa cũng như ra khỏi chùa. Chùa Ngọc Hoàng có tổng cộng trên 300 tượng thờ, được phân bố trong ba gian thờ. Gian ở giữa liền với cổng vào, là gian thờ các bậc thiên tướng và Ngọc Hoàng, theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có: Thổ địa (bên trái cửa vào), Môn Quan (bên phải cửa vào)- Phật Dược Sư, tượng phật duy nhất bằng gỗ trầm đặt trong lồng kính, ở giữa chánh điện- Thanh Long đại tướng (bên phải) và Phục Hổ đại tướng (bên trái), tượng to bằng người thật- Cung thờ Ngọc Hoàng ở giữa, cung thờ Chuẩn Đề Quan Âm bên phải và cung thờ Bắc Đế, tức Huyền Võ hay Trấn Võ bên trái.Ở gian thờ Ngọc Hoàng có sáu pho tượng chính: bên phải gồm ba vị, với giữa là Quan Phu Tử (chủ về việc võ) và hai bên là Thiên Tướng và Thiên Thần. Ngoài ra, còn có các tượng thờ khác như: Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà tiên sư, Tề Thiên đại thánh, Quan Thánh đế quân, thần Nhật, thần Nguyệt, Long Mẫu nương nương, Tứ Đại kim quang, Thái ất chân nhân, Hòa thượng Đạo Minh, Khuyến thiện đại sư, hai quan văn, hai quan võ, hai đồng tử, Ông bà bà Thiên Lôi cùng bảy thiên tướng...

Hầu hết các tượng thờ ở đây đều bằng gỗ, một số ít làm bằng giấy bồi. Riêng tượng của Ngọc Hoàng là pho tượng ngồi lớn nhất trong chùa. Đầu tượng Ngọc Hoàng đội mão lớn có mái che trước trán. Hai tay Ngọc Hoàng cầm lịnh tiễn. Mặt Ngọc Hoàng bình thản, không vui cũng không buồn, mắt trong tư thế mở nhưng không thấy rõ tròng mắt, mũi dời và to. Khuôn mặt tượng Ngọc Hoàng hình chữ điền, hai má cao và rộng, có bốn chòm râu tỏa dài xuống ngang vai.Ngọc Hoàng mặc áo choàng rộng, hai tay áo phủ tận đến các ngón tay. áo được chạm nối dính hến vào tượng với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo làm nổi bật đường nét trang trí trên thân áo với một con rồng uốn lượn.Gian bên trái từ ngoài vào, theo thứ tự từ trước ra sau có những hương án với các tượng thờ sau:- Gian đầu tiên thờ Kim Hoa thánh mẫu, mười hai bà mụ và các nhũ mẫu trong các tư thế nuôi dạy cho trẻ nhỏ.Đây là gian cầu tự cho những người hiếm muộn- Gian tiếp theo là Thập Điện Diêm Vương, với mười bức chạm gỗ với cảnh mười cửa ngục phân bổ đều mỗi bên vách năm bức. 

Nối liền gian Thập Điện với gian Kim Hoa thính mẫu, có các tượng thờ: Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Địa Tạng Vương bồ tát (biểu tượng cho sự cứu rỗi), Hoạt Vô Thường, Tư Mạng sứ quân và Dẫn Hồn Tiền (biểu tượng sự dẫn dắt, phân biệt linh bổ lành dữ)- Thần Tài: Trang phục đồ tạng, biểu tượng mang hết sự rủi ro vào mình và ban phát tài lộc cho nhân gian. Tượng đứng cuối gian Thập Điện, tay cầm một cái rổ đựng các gói giấy đỏ bọc mảnh giấy nhỏ ghi hai chữ Hán "Tài Thần" bên trong để khách hành hương xin lộc- Gian nối liền với gian Thập Điện có các tượng thờ: Nhị Vị song án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế- Gian cuối cùng (hiện không còn cho khách vào chiêm bái) gồm hai hương án thờ Thạch Cẩm Đương (tục thờ đá của người Hoa) và thờ Ông Tà (tục thờ đá của người Khmer)- Bên phải gian thờ Ngọc Hoàng là phòng khách của chùa, sau phòng này có cầu thang lên lầu. Nơi đây thờ phụng: Quan Âm bồ tát, Quan Thánh Đế Quân, Hộ pháp và Tổ Lưu Minh - người lập chùa.

Lễ hội còn diễn ra vào những ngày rằm, mùng một âm lịch, nhất là vào các ngày rằm lớn trong năm (15/1 âm lịch, 15/7 âm lịch, 15/10 âm lịch) khách đến lễ chùa đông đến hàng vạn người. Tuy nhiên, dịp lễ hội thu hút khách đông nhất là dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Vào dịp này, tối ngày mùng 8, vị hòa thượng trụ trì chùa tổ chức tụng kinh cầu an. Cả ngày mùng 9 dành cho hàng chục vạn khách đến chiêm bái, có cả người Hoa lẫn người Việt. Khói hương mù mịt khắp trong ngoài...Trong các cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Ngọc Hoàng có thể xem là một trong những điểm có sức thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái rất đông đảo./.

Cinet tổng hợp 


Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Đầu năm viếng chùa: Huê Nghiêm tự

Chùa Huê Nghiêm cũng tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, cách Tu viện Quảng Đức khoảng 1-1,5km. Sau khi viếng chùa về, search thông tin trên mạng mình mới biết đây là ngôi chùa cổ nhất thành phố hiện nay.

Bài viết được minh họa từ hình mình chụp chùa vào chiều nay 29/1/2012

Đây là đoạn trích giới thiệu chùa từ trang Vietgle 

Chùa được thiền sư Thiệt Thụy (Tánh Đường) khai sơn vào thế kỷ XVIII. Tên gọi Huê Nghiêm xuất phát từ việc lấy tên bộ kinh Huê Nghiêm đặt tên chùa. Lúc đầu, chùa xây ở vùng đất thấp, cách ngôi chùa hiện nay khoảng 100m. Về sau, bà Nguyễn Thị Hiên đã hiến đất để xây dựng lại ngôi chùa.

Tại đây còn lưu truyền câu chuyện kể về bà Nguyễn Thị Hiên như sau: khi bà Hiên sắp lâm chung, bà nhờ viết trên lòng hai bàn tay một câu bằng son đỏ: “Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, chùa Huê Nghiêm, An Nam”.

Năm 1821, hoàng hậu nhà Thanh (Trung Quốc) hạ sinh công chúa, trên lòng bàn tay hiện rõ những chữ bằng son đỏ hệt như ở lòng bàn tay bà Hiên. Sau đó vua Thanh sai sứ sang Việt Nam và tìm đến chùa Huê Nghiêm để tìm xác nhận điều linh ứng trên. Sứ nhà Thanh xin trùng tu chùa và xây lại ngôi mộ cho bà Hiên, đồng thời cũng hiến tặng chùa một pho tượng quan âm bằng đồng, cao 80cm.

Dưới thời tổ Huệ Lưu làm trụ trì, chùa đã được đại trùng tu một lần vào cuối thế kỷ XIX. Sau đó, tổ Lệ Phương lại tiếp tục cho sửa sang, tu bổ thêm vào các năm 1960, 1969 và 1990.

Các vị Tổ nối tiếp nhau trụ trì chùa Huê Nghiêm gồm: Tổ Tế Lý, Đạt Lý, Tế Giác, Tế Vĩnh, Huệ Lưu, Hồng Tín, Thiện Bửu, Khánh Bình, Trí Đức. Trong đó, đặc biệt là tổ Huệ Lưu, đã châm lửa tự thiêu mình cúng Phật tại chùa Huê Nghiêm ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1898) vì không muốn bị quấy nhiễu bởi cám dỗ thường tình.

Còn đây là đoạn trích giới thiệu chùa Huê Nghiêm 2 từ trang web vncgarden

 Chùa tọa lạc ở số 204 đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nay, chùa thường được gọi là chùa Huê Nghiêm 1 để phân biệt với chùa Huê Nghiêm 2 ở phường Bình Khánh, quận 2 do HT Thích Trí Quảng sáng lập năm 1975. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa được Thiền sư Thiệt Thụy – Tánh Tường (1681 – 1757) khai sơn vào thế kỷ XVIII. Nhiều tư liệu hiện nay đã xác định năm thành lập chùa là 1721, là ngôi chùa cổ nhất ở thành phố hiện nay.

Lúc đầu, chùa xây ở vùng đất thấp, cách ngôi chùa hiện nay khoảng 100m. Về sau, bà Nguyễn Thị Hiên (1763 – 1821) pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm, đã hiến đất để xây lại ngôi chùa.

Chư vị trụ trì tiền nhiệm của chùa là: HT Thiệt Thụy – Tánh Tường (đời thứ 35 Lâm Tế Chánh Tông), HT Tế Lý – Quảng Đức (đời thứ 36 Lâm Tế Chánh Tông), HT Liễu Xuân – Tiên Minh (đời thứ 37 Lâm Tế Chánh Tông), HT Đạt Lý – Huệ Lưu (đời thứ 38 Lâm Tế Chánh Tông), HT Từ Thông – Hồng Tín (đời thứ 40 Lâm Tế Gia Phổ), HT Lệ Phương – Thiện Bửu (đời thứ 42 Lâm Tế Gia Phổ), HT Hồng Phước – Trí Đức (đời thứ 40 Lâm Tế Gia Phổ), Trụ trì hiện nay là HT Nhật Lượng – Trí Độ (đời thứ 41 Lâm Tế Gia Phổ). Viện chủ là HT Nhật Nghiêm – Trí Quảng (đời thứ 41 Lâm Tế Gia Phổ).

Chùa được trùng tu nhiều lần. Lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu tổ chức. Kiến trúc chùa hiện nay được thay đổi ở những lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 và 2003 do các ngài Thiện Bửu, Trí Đức và Trí Độ tổ chức, với mái ngói chồng diêm, các đầu đao cong vút. Bờ nóc mái trang trí những hoa sen cách điệu.

Khuôn viên chùa khá rộng, có nhiều tháp cổ. Tam quan chùa và đài Quan Âm ở sân trước chùa được xây vào năm 1990. 

Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí). Bàn thờ kế tiếp thờ Thích Ca Tam Tôn (đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền). Trước có tượng Thích Ca Đản sanh và bảy vị Phật Dược Sư. Bàn thờ hai bên thờ Bồ tát Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và Bồ tát Di Lặc. Sau điện Phật, có bàn thờ linh vị chư Tổ và bàn thờ bà Nguyễn Thị Hiên cùng chư vị Phật tử quá cố.

Bài Tổ đình Huê Nghiêm và huyền thoại ở ngôi mộ cổ (Báo Giác Ngộ ngày 10-01-2001) cho biết: “Đến cuối đời, trước ngày tạ thế, bà bảo với mọi người rằng mình sẽ lâm chung vào ngày mồng 1 tháng 6. Rồi bà nhờ người thân viết vào lòng bàn tay bằng sơn đỏ với dòng chữ: Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, An Nam, Hoa Nghiêm Tự. Cùng năm ấy (1821), Hoàng hậu triều Mãn Thanh (Trung Quốc) hạ sanh công chúa, ở bàn tay cũng có những chữ giống như trên tay bà Hiên. Vua Mãn Thanh đã gửi sứ giả qua Việt Nam làm rõ nguyên nhân. Theo địa chỉ trên, họ tìm tới chùa Huê Nghiêm và được Tổ Tế Lý (1763 – 1829) xác thực là đúng. Sứ nhà Thanh đã xin trùng tu lại ngôi chùa và xây cất ngôi mộ bà Nguyễn Thị Hiên trong khuôn viên chùa”.

Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2002) cho biết: “Bà Hiên là một Phật tử chí thành. Bà không chỉ hiến mảnh đất để dựng chùa mà còn là một thí chủ nổi tiếng về lòng từ thiện. Tục truyền, do công đức lúc sanh tiền nên sau khi tạ thế, bà được đầu thai làm công chúa triều nhà Thanh (Trung Quốc). Truyền thuyết kể rằng: Năm 1821, Hoàng hậu nhà Thanh sanh một công chúa, trên lòng bàn tay công chúa nổi một dòng chữ son đỏ: Nguyễn Thị Hiên, Linh Chiểu Đông thôn, Gia Định, Đại Nam. Chính vì vậy, vua nhà Thanh đã sai sứ sang xứ ta để truy tìm tông tích. Tìm đến chùa Huê Nghiêm, xác định rõ lai lịch bà Nguyễn Thị Hiên, sứ giả đã kể lại điều hiển linh kỳ diệu đó, và dâng cúng cho chùa một pho tượng Quan Âm bằng đồng”.

Chùa là nơi phát xuất nhiều vị cao tăng của Phật giáo miền Nam, như Thiền sư Tế Giác – Quảng Châu tức Tiên Giác – Hải Tịnh, Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu, Hòa thượng Thích Từ Văn, Hòa thượng Thích Trí Đức, Hòa thượng Thích Trí Quảng…

Thiền sư Tế Giác – Quảng Châu được xem là vị Tổ quan trọng nhất ở miền Nam vào thế kỷ XIX. Ngài Tế Giác xuất gia với Tổ Thiệt Thụy, sau đấy, trên đường tiến tu, ngài đã đến tham vấn học đạo với Tổ Phật Ý – Linh Nhạc. Vâng lời chỉ dạy của Tổ Phật Ý, ngài cầu pháp với Tổ Tổ Tông – Viên Quang nên có tên là Tiên Giác – Hải Tịnh (theo dòng truyền thừa của hệ Lâm Tế Gia Phổ). Năm 1825, vua Minh Mạng sắc phong chức Tăng cang cho ngài và bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Mụ (Huế). Đến đời Thiệu Trị, ngài được cử làm trụ trì chùa Giác Hoàng. Ngài đã giáo dưỡng, đào tạo nhiều nhân tài cho Phật giáo. Ngài đã trở thành Tổ sư của cả ba tông: Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ và Tế Thượng Chánh Tông.

Hàng hậu học nối tiếp dòng Lâm Tế Chánh Tông của Tổ Tế Giác có Tổ Đạt Lý – Huệ Lưu, nổi tiếng là ông vãi bán khoai. Trên đường hành đạo, ngài đã góp phần giáo hóa dân chúng bằng lối thơ mộc mạc.

Đặt ngôi chùa trong quan hệ thân thiết với cộng đồng làng xã, chùa còn giữ bài thơ của Tổ Huệ Lưu gửi làng Linh Chiểu Đông (Gia Định) năm 1897. Bài thơ có đoạn:

Kính thăm hương chức hai chữ miên trường.
Kể từ tôi cư ngụ bổn hương
Tính đã có chín năm đủ vậy
Thấy trong làng những ai cùng nấy
Trên thuận hòa, dưới cũng thuận hòa …
Chốn non đài tôi ngụ hôm nay
Việc am tự nhờ làng chiếu cố
Tôi cũng muốn dốc lòng bồi bổ
Có lời nguyền phải gắng ra đi
Ở trong chùa cúng kiếng việc chi
Chúng tăng thỉnh làng vô nhắc nhở …

Hải Đường trong bài Chùa cổ Huê Nghiêm – một số linh vị và truyền thuyết (Báo Giác Ngộ ngày 31-7-1999) cho biết: “Có một mỹ nữ con ruột quan Tri huyện, thương yêu Hòa thượng tột cùng, nên đã không ngừng tới chùa dụ dỗ, cưỡng ép Hòa thượng từ bỏ cửa thiền để làm vị hôn phu của cô. Hòa thượng Huệ Lưu vì đã Đạt Lý chơn tu hơn người nên đã phần thân (xà dy – tự thiêu) về cõi Phật, giữ trọn đạo hạnh, khiến tăng chúng kính phục, tôn làm Tổ”. Trên tháp và linh vị Tổ Huệ Lưu có ghi: “Sùng kiến Huê Nghiêm đường thượng, tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập bát thế, húy Đạt Lý, thượng Huệ hạ Lưu Hòa thượng xà dy giác linh miêu tọa …”.

Xuất thân tu học từ tổ đình Huê Nghiêm, HT Thích Trí Quảng, đương nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp trung ương, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.

Hằng năm, rất đông Tăng Ni, Phật tử khắp nơi về chùa dự lễ húy kỵ Tổ khai sơn vào ngày 06–10 âm lịch và húy kỵ Tổ Huệ Lưu vào ngày 12 tháng giêng âm lịch.

Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng ở thành phố xưa nay, đón tiếp thường xuyên Phật tử, du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan, chiêm bái.

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường





Tháp cổ
Nam mô, A Di Đà Phật

Đầu năm viếng chùa : Tu viện Quảng Đức

Mùng 7 Tết Nhâm Thìn (chủ nhật ngày 29/1/2012), cùng bé Trâm đi viếng vài kiểng chùa. Đầu tiên 2 chị em ghé Tu viện Quảng Đứcsố 2 Đặng Văn Bi phường Trường Thọ Quận Thủ Đức.

Chỉ mới một năm thôi tu viện Quảng Đức đã có nhiều thay đổi,  có thêm vài gian thờ phụng, xây thêm 1 tầng có tượng Phật Thích Ca màu trắng nằm ngự. Ai ghé chùa Quảng Đức về cũng ấn tượng với bức tượng khổng lồ này.

Vài tấm hình chụp chùa Quảng Đức đầu Xuân

Cổng vào Tu viện Quảng Đức

Cổng chùa nhìn từ bên trong 

(hàng chữ Hán đọc từ bên phải qua: 
QUẢNG ĐỨC TU VIỆN)
Nhìn từ giữa sân chùa
Ở phía trên là nơi có tượng Đức Phật nằm, hai bên có cầu thang cẩm đá dẫn lên

Vào đây thắp nhang xin tờ xăm quẻ đầu năm
 (quẻ trong phong lì xì đặt trên 2 mâm ở 2 bên)
Mình nhận được QUẺ PHƯỚC LỘC (kiết)
Nhà an, phước lộc đến,
Vinh hoa, gặp kiết tường.
Trăm việc đều vừa ý,
Muôn dặm huệ lan thơm.
Phía bên phải là tiểu cảnh khi Đức Phật ra đời, tiểu cảnh này đã được thu nhỏ diện tích 
Chánh điện, phía trước có tượng Phật Bà Quan Âm
Thành tâm khấn vái cầu Quan Âm phò hộ
A Di Đà Phật, Đại Từ Đại Bi
Tượng Đức Phật nằm

Tu viện Quảng Đức nằm gần ngã tư Bình Thái, khi nào các bạn đến Thủ Đức chơi  mời ghé viếng chùa.
Nam mô, A Di Đà Phật

 

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Bánh xèo miền Trung nhỏ nhỏ dòn dòn 3.500đ/cái

Hồi còn sinh viên, mình với Cám hay đi ăn món này. Lúc đó giá 1 cái bánh xèo nho nhỏ chỉ khoảng 1000-1.500đ/cái thôi, giờ vật giá leo thang, vàng đô-la tăng từng ngày nên giá ở quán gần nhà mình cũng lên theo, 3.500đ/cái, 3 cái 10 ngàn.



Hổng hiểu sao mọi lần mua 3 cái chỉ 10 ngàn,
bữa nay hứng chí mua 4 cái thì 14 ngàn lận



Nhân bên trong chỉ có 1 miếng thịt bé tẹo + 1 con tép nhỏ xíu
vài cọng giá, hấp dẫn ở chỗ vỏ bánh giòn tan, lại mềm mềm ko quá cứng



Bữa nay tới mua sớm nên dĩa rau cũng ko đủ ăn luôn, hix



GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...