Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

GS. Trần Văn Khê bàn về “Xuân trong Nhạc”

Là một bạn yêu nhạc, hẳn bạn đã từng nghe đâu đó khái niệm “nhạc xuân” – những tác phẩm viết về mùa xuân, tác phẩm biểu diễn trong mùa xuân hoặc có liên quan đến mùa xuân… Điểm danh trong kho tư liệu nhạc Việt chúng ta có không ít tác phẩm dạng này. Nhưng, theo ý kiến của giáo sư Trần Văn Khê thì không chỉ trong âm nhạc Việt Nam mà cả nhạc trong nhạc quốc tế, những tác phẩm thực sự có thể gọi tên là nhạc xuân lại chỉ là một con số rất nhỏ, thậm chí có thể nói là không có. Nhân dịp xuân về, mời bạn cùng chúng tôi nghe lời bàn của giáo sư về nhạc xuân và xuân trong nhạc.

Thứ nhất, xin được thưa cùng các bạn rằng âm nhạc thể hiện tình cảm con người nhiều hơn là gắn với khái niệm mùa. Tuy nhiên cũng có những điệu nhạc, những làn điệu dân ca đi liền với mùa xuân.

Mùa xuân là lúc nghỉ ngơi để mọi người có thể gặp gỡ nhau, trò chuyện, tạm quên đi những công việc hàng ngày. Từ đó chúng ta có kiểu hát đối ca nam nữ như trống quân, cò lả, quan họ, hát đúm, hát ghẹo, hát giậm… Những điệu hát này hầu hết đều được hát vào mùa xuân, trong những ngày lễ hội như trong ngày hội Lim. Quan họ, tuy lúc nào cũng có thể hát được, nhưng người ta cũng thường chỉ hát theo xuân thu nhị kỳ - mùa xuân và mùa thu bởi đó là hai mùa mà công việc đồng áng không quá bận rộn, người người có thời gian để hát với nhau. Điều này thực ra vì sự tiện lợi nhiều hơn vì mùa xuân mang đến một cái gì mới mẻ, khiến lòng người bật lên cảm xúc.

Trong âm nhạc tài tử, chúng ta có nhiều hơi. 6 bài Bắc, 3 bài Nam, 4 bài Oán, và 7 bài nhạc Lễ.

3 bài Nam chia thành các hơi Xuân, Ai và Đảo. Hơi xuân trong trong nhạc tài tử để diễn tả tâm trạng thư thái, bình yên, không bận rộn, không buồn mà cũng chẳng vui – trạng thái của một cụ già ngồi uống trà, ngắm hoa hay một người dạo vườn xem hoa nở. Hơi Bắc là hơi vui. Hơi Ai là buồn thảm. Hơi Hạ nghiêm trang. Hơi xuân thanh thản. Tôi cho rằng cách đặt tên xuân của cha ông chúng ta nhằm để diễn tả, hướng đến trạng thái con người trong mùa xuân – dẹp bỏ ưu tư, chỉ nhớ đến cội nguồn, ông bà cha mẹ, thầy cô… Nhớ một cách thanh thản, không phải nhớ để đau buồn hay lo lắng. Như tôi, nhiều lúc ngồi chơi cùng bạn bè, tôi cũng thích rao một hơi xuân để cho lòng nhẹ nhàng, thanh thản.

Trong hát tuồng, hát bội cũng có câu Nam Xuân và Nam Ai. Câu Nam Xuân trong trường hợp này cũng mang ý nghĩa như trên. Mùa nào chúng ta cũng có thể dùng hơi xuân, hát câu nam xuân để biểu đạt sự thư thả chứ không nhất thiết phải hát vào mùa xuân. Một điểm đặc biệt chúng ta cần chú ý đến hơi xuân là câu hát bắt đầu như thế nào thì kết thúc cũng như vậy. Chẳng hạn chữ “xang” bắt đầu là “xang” thì sau khi luyến láy phải trở về “xang” chứ không chuyển sang một âm khác. Đây cũng chính là điểm thể hiện sự thư thái, nhẹ nhàng. Còn “xang” buồn sẽ có thể là “xang… hò xề liu xàng xề xáng…”.

Khi tôi dạy tại Bắc Kinh, có sinh viên hỏi tôi tại sao xang rồi quay lại là tốt mà xang đi luôn là buồn. Tôi đã trả lời rằng xang là khởi điểm. Trở lại được khởi điểm là toàn vẹn. Không trở về được là điều đáng buồn. Cũng như một người ra khỏi nhà, đi chơi, rồi quay về nhà thì mọi chuyện đều thư thả. Còn đi chơi, về nhà mà nhà cháy mất rồi chẳng hạn thì không còn gì nhẹ nhàng nữa. Đó không phải là hơi xuân. Hơi xuân ở đây chính là an nhiên tự tại.

Đề tài mùa xuân trong âm nhạc thực ra không nhiều. Từ dân ca cho đến thính phòng, đề tài xuất hiện nhiều nhất là tình thương của đôi lứa, đất nước, con người, thiên nhiên. Chúng ta chỉ có thể thấy hơi xuân trong các điệu hát, trong nhạc tài tử. Ngay cả trong hát chèo cũng không có hơi xuân. Nhiều người cho rằng ta có nhạc xuân dựa trên số lượng ca khúc viết về mùa xuân. Nhưng tôi cho đó chỉ là vì lời ca được gắn với mùa xuân chứ không phải nhạc. Âm nhạc Việt Nam thường dùng để diễn tả tình cảm con người chứ không thuần diễn tả sự vật bên ngoài. Trong điệu nhạc, chúng ta chỉ tìm thấy cái vui, buồn, nhớ thương, nghiêm trang, thờ cúng… chứ không thấy mùa xuân. Đi lễ xuân đầu năm là tâm trạng của người đi lễ, những lời cầu nguyện. Rộn ràng vui trong ngày Tết cũng là tâm trạng. Còn nhạc? Nếu ta thay lời khác thì nhạc đó có còn là nhạc xuân đâu.

Ta không có nhạc xuân hay nói đúng hơn là rất ít, còn Trung Quốc thì có. Chẳng hạn như bài Dương xuân bạch tuyết hay Xuân giang hoa nguyệt dạ (Dạo xuân, ngắm hoa trên sông vào đêm trăng) của đàn tỳ bà. Âm nhạc hàn lâm châu Âu là những khái niệm trừu tượng, nhưng hầu hết cũng chỉ để thể hiện tình cảm. Các nhà soạn nhạc chỉ viết các nốt, các cung, nhịp, cho nhạc cụ nào… chứ không có chuyện là đoạn, câu, bản nhạc nào đó được viết cho mùa xuân, mùa hè cụ thể. Chẳng hạn như bản giao hưởng số 3 (Eroica) của Beethoven viết tặng cho Napoleon Bonaparte. Ông viết với một tâm trạng ngưỡng vọng. Nhưng khi Napoleon đã lên làm vua thì Beethoven lại không muốn tặng nữa vì ông tặng bản nhạc là tặng cho một người anh hùng đã góp sức vào cuộc cách mạng Pháp chứ không tặng cho một hoàng đế.

Trở lại với mảng ca khúc có liên quan đến mùa xuân trong nhạc nhẹ thì ít nhiều chúng ta cũng có nhạc xuân, nhưng vẫn là những ca khúc thể hiện tình cảm. Mùa xuân, trong cảnh đổi mới của đất trời, người ta thường dễ mở lòng để cảm nhận mình, cảm nhận người hơn nên cũng dễ dàng viết ra những tác phẩm theo tâm trạng đó.

Âm nhạc, văn học, hội họa và nhiều bộ môn nghệ thuật khác là để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc nội tại của mỗi người và khơi gợi suy nghĩ, cảm xúc nơi người khác. Còn mùa xuân hay mùa thu chỉ là những cái cớ để chúng ta sáng tác mà thôi. Trọng tâm vẫn là tình cảm. Còn nếu nói nhạc xuân là phải vui thì không đúng vì mùa hè cũng sẽ có người vui vì được nghỉ, được vui chơi hay mùa Đông có nhiều lễ hội, cũng vui. Nói tóm lại, mùa xuân hay mùa thu có tần suất xuất hiện nhiều hơn trong âm nhạc bởi nó là môi trường, là bối cảnh để người ta thể hiện cảm xúc hơn là một đề tài sáng tác.

LÊ HOÀNG ghi

09/02/2008

http://giaidieuxanh.com.vn/bantron-amnhac/2008/02/767927/

Xem video chương trình Sức Sống Mới phỏng vấn GS Trần Văn Khê âm nhạc dân tộc ngày xuân

http://www.vnhoathinhdon.net/giangtuyen/forum/viewtopic.php?t=1551&sid=40cf232367ee60d263077bf282eba9a8


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...