(TuanVietNam) - Khuôn viên nhà GS Trần Văn Khê ở 32 Huỳnh Đình Hai, Quận Bình Thạnh, TP HCM cũng là nhà lưu niệm, với hàng nghìn hiện vật được ông tặng lại Việt Nam sau bao năm bôn ba xứ người.
Tại đây, đúng dịp năm mới 2009 đến, Giáo sư hào hứng trò chuyện về cuộc đời, quan niệm sống và tham gia vào chủ đề mà Tuần Việt Nam mở ra: Giao hòa cổ nhạc và tân nhạc: Lối đi ngay dưới chân mình.
Học về để bổ sung cái hay chứ không phải thay thế VN
* Thưa giáo sư, bây giờ, có khách nước ngoài đặt ra hai câu hỏi "Âm nhạc VN có gì và hay ở chỗ nào”, ông sẽ giải đáp thế nào?
- Để nói một điều gì hay thế nào thì cần đưa ra ví dụ, đi từ cụ thể tới trừu tượng. Khi nào làm chuyện gì thì nhìn thật rõ, đủ mọi góc độ, trong chiều dài thời gian và chiều rộng trong không gian, đi từ dễ đến khó, gần đến xa...; từ đó mình biết thuở xưa thế nào, bây giờ thế nào, rồi nó sẽ biến đổi thế nào trong tương lai.
Như đàn tranh, dài trong thời gian là nó có từ bao giờ, ngày xưa biến chuyển thế nào, sẽ đi về đâu. Rộng trong không gian là miền Nam, miền Trung, miền Bắc khác nhau. Rộng hơn nữa là so với các cây đàn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Học cây đàn tranh là không chỉ biết có cây đàn tranh ở VN mà học tất cả các cây đàn tranh ở châu Á.
Nhạc cụ VN nhiều lắm, phong phú lắm, trong đó không thể không kể đến cây đàn tranh, đàn đáy và đàn bầu, đều phát ra những âm thành bổng trầm chen nhau.
Âm nhạc VN, một chữ nhạc mà không tô điểm thì giống như một đêm không trăng, một hồ không nước, một vườn không hoa. Như đàn đáy, âm sắc của nó tô điểm được nhiều thứ lắm, với nhiều cung khác nhau, cung nam thế nào, bắc ra sao… Tiếng đàn đáy có âm và có dương, phù hợp với nếp sống của chúng ta. Có cây đàn nào đem lại được nhiều điều thú vị đến thế!
Cây đàn bầu cũng vậy. Đàn Trung Quốc có một dây tơ. Đàn Nhật Bản, châu Phi, Campuchia cũng có một dây. Đàn bầu VN cũng một dây nhưng khảy chỗ nào cũng có thể tạo ra bồi âm. Cây đàn này đã được nhiều nhà thanh học nước ngoài thán phục vì sự tinh vi và tính khoa học trong kết cấu của nó.
Còn hay, đó là nét đặc thù của âm nhạc VN. Nhạc phương Tây, có hình thức, tổng thể, tỉ lệ… theo khuôn thước. Khi nghe nhạc phương Tây là nghe bề ngang và nghe luôn cả bề sâu, vì thế mới có hòa âm.
Còn nhạc VN, nghe nhạc không phải nhìn thấy đá trong vách mà là nhìn thấy một bức họa, bức thêu, biết đường kim mũi chỉ, biết chỗ nào bắt đầu chỗ nào kết thúc, biết chỗ đi và chỗ tới. Khúc giữa thế nào thì tùy hứng, có thể thêm hoa thêm lá vào thế nào. Đưa sáng tạo riêng vào trong lúc biểu diễn là ứng tác, ứng tấu, là ngẫu hứng.
Âm nhạc VN rất tinh vi, nó là âm thanh động mà mở, không phải tĩnh mà đóng, cũng như đất nước VN có cấu trúc động và mở. Với phương Tây, bản nhạc làm ra rồi, không ai có thể thay đổi dù chỉ một chữ. Còn nhạc của chúng ta, mỗi lần đờn là sáng tạo, tái tạo, thiên biến vạn hóa.
Tiết tấu chúng ta hơn cả phương Tây, chỉ thua Ấn Độ thôi. Tiết tấu cũng linh động, động mà mở, động là sức sống.
* Để có thể trả lời đơn giản thế là nhờ ông đã đi rất nhiều nơi, qua nhiều năm nghiên cứu ở xứ người và lưu giữ tình cảm với quê hương bản quán, dù không sống trong lòng VN...?
- Không chỉ có như vậy. Tôi sinh trong gia đình 4 đời nhạc sĩ, ông cố nhạc sĩ, ông nội nhạc sĩ, ông ngoại nhạc sĩ, cha nhạc sĩ, cậu, dì nhạc sĩ, bác nhạc sĩ, rồi con tôi - GS Trần Quang Hải cũng là nhạc sĩ.
4, 5 năm thế hệ như thế nên âm nhạc đã thấm trong người. Tôi thương yêu âm nhạc cho nên dù nghe nhạc Ấn Độ, phục nhạc Ấn Độ nhưng không bao giờ nghĩ rằng âm nhạc Ấn Độ phải thay thế cho nhạc VN, mà nó phải bổ sung cho âm nhạc VN.
Âm nhạc phương Tây có nhiều cái hay lắm, nhưng những cái hay đó tôi cái lấy tinh thần của nó để tô điểm, để hiểu hơn về âm nhạc VN, chứ không phải thay thế âm nhạc VN.
Trong nhà đã có sẵn ngọc quý
* Vấn đề văn hóa của đất nước ta mà ông quan tâm nhất hiện tại là gì?
- Tất cả hình thức văn hóa, gồm ăn, mặc hay những vấn đề nghệ thuật như âm nhạc, kịch nghệ, kiến trúc, hội họa… tất cả cần thay đổi, cần làm sao để bản sắc dân tộc có ở đó.
Trong thời hội nhập quốc tế hôm nay, người ta sẽ nhìn chúng ta là ai, chúng ta có gì đặc thù chứ không nhìn chúng ta bắt chước người Pháp, người Mỹ, người Âu châu, Trung Quốc… giỏi đến mức nào.
Chúng ta có khách đến nhà thì lại đem khoe cái mình đã học từ người ta thế nào mà không biết đem khoe cái tinh túy mình có, vừa phù hợp với người ta - vừa là cái đẹp nhất, hay nhất, ngon nhất, thú vị nhất của mình.
Trong mỗi nước có một thứ rượu. Uống rượu Sake người ta biết Nhật Bản. Uống rượu Vodka người ta nghĩ đến nước Nga. Có Whisky ngon, người ta nghĩ đến người Anh hay người Mỹ.
VN chúng ta có rượu bầu đá, rượu làng Vân, rượu Bến Tre, Gò Công..., bao nhiêu loại rượu ngon vô cùng. Nhưng chúng ta, không phải không biết tận dụng mà là không dám tận dụng!
Có bao giờ chúng ta dám đem những thứ rượu đó ra đãi khách hay vẫn lấy rượu Tây ra mời? Trong nhà có sẵn ngọc quý mà chúng ta phải ngưỡng vọng đâu xa.
Mấy năm nay, có một gia đình đã mời tôi uống rượu Hoàng hoa, làm từ hoa cúc nở cuối hạ sang thu. Người ta đem hoa ra, rửa bằng nước mưa hứng ngoài trời cho sạch rồi ngâm với đường phèn, ấp ủ kỹ càng thành men… Rượu đó uống tuyệt vời.
Hay mới đây thôi, cũng ở Sài Gòn này, tôi được mời rượu Tường vi. Chúng ta đã có rượu mai quế lộ, làm bằng cánh hoa mai, nhưng rượu làm từ cánh hoa cúc, cánh hoa tường vi thì chưa thấy có. Người ta đã làm ra những thứ rượu vô cùng ngon và hiếm nhưng người ta thấy trong thiên hạ không mấy ai quan tâm, không thưởng thức được, nên không dám nói, không công bố.
* Những vốn quý - như giáo sư nói là trong nhà đã có sẵn ngọc quý - nhưng còn nằm dưới đáy giếng phải không, thưa ông?
- Đúng vậy. Những thứ quý giá đó có đi tìm mới thấy. Tôi lâu nay tôn vinh văn hóa VN, xem trọng người VN, sản phẩm của VN, nên họ biết thế, cảm động, mới nói cho tôi biết. Bình thường, họ vẫn chưng cất một năm mới đem ra uống một lần, trong gia đình thưởng thức với nhau hoặc bạn rất thân mới đem ra thưởng thức. Thưởng thức xong đem đổ lại bên gốc cây hoa cúc.
Những điều này có tôi và đạo diễn Lê Quý Dương chứng kiến. Bạn trẻ này cũng là người đi học bốn biển năm châu, có đủ hiểu biết về kỹ thuật cũng như về nghệ thuật, đã trở về VN, để không phải thay thế mà là bổ sung vào nghệ thuật VN nhưng gì tốt đẹp học được từ thế giới – người mà tôi rất quý mến.
- Cháu thấy hơi ngạc nhiên, vì không hiểu sao bây giờ mà còn có những gia đình chưng cất và có cách uống rượu kiểu ấy, như trong truyện “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân ngày xưa… Rõ ràng, những gì tinh lọc vẫn được có nơi, có người gìn giữ. Nhưng thưa ông, phải làm sao để những điều ông vừa nói ấy được nâng lên thành quốc hồn, quốc túy chứ không phải sẽ ngày một nhạt phai theo thời gian?
- Tôi đã nghĩ rằng ví như chuyện những khúc rao của VN, mới được 3 phút thì hết khách còn rao Ấn Độ, 45 phút vẫn có khách nghe, dù rao VN không thua kém gì.
Tôi đã phải mất rất nhiều công để trả lời cho câu hỏi tại sao đó và đã thể nghiệm với con trai tôi là Trần Quang Hải. Rồi tôi đưa rao VN ra với khách ngoại quốc, khách trong nước đều hoanh nghênh, nhưng chưa dám coi đó là hoàn hảo.
Rao, tức là là đưa cho người ta nghe nét nhạc đặc thù mà mình muốn đưa. Trong nét nhạc đặc thù đó, được sắp xếp trở lại thành các thang âm, từ thấp đến cao.
VN mình có 5 thang âm chính là hò, xừ, sang, xê, cống. Trong khi rao, lâu nay, vẫn như mình giới thiệu với khách, xin mời quý vị, nhà tôi có 5 đứa con là "Hò, xừ, sang, xê, cống…, ra đi các con!". Thế là hết rồi.
Ấn Độ nói, nhà tôi có 7 đứa con… Rồi giới thiệu từng đứa để khách thấy rõ, hiểu thấu về từng đứa ấy mà chưa thấy đứa khác, rồi lần lượt mới bước ra, rõ ràng, uyển chuyển, bổ trợ lẫn nhau.
Điều này cũng như khi mình giới thiệu những chữ nhạc, đầu tiên phải tuần tự như tiến, chữ này rồi tới chữ kia. Thứ nhì, phải biết vận dụng tuyệt đối tất cả cách tô điểm của chữ nhạc đó. Thứ ba, dù chữ nhạc đó đi lên hay đi đâu cũng phải trở về nguồn gốc, tức là đi theo chu kỳ.
Thứ tư, không ngần ngại đi thật cao và cũng không ngần ngại đi thật thấp. Nắm được không gian mình đi thế nào, thời gian mình đi thế nào, hình tượng mình đi thế nào. Đi lên đi xuống hết rồi vẫn lại trở về với hình thức cũ.
Con người cũng như âm nhạc vậy, không thể sống mà không có tiết tấu. Con người sinh ra có tiết tấu, hai tháng đã nghe thấy tiếng động trong bào thai. 6 tháng nghe thấy trái tim đập. Sinh ra khóc một tiếng. Hít vô, thở ra là tiết tấu. Tiếng võng đưa là tiết tấu. Nước thủy triều lên xuống là tiết tấu. Nước lớn nước rộng là tiết tấu. Bốn mùa xuân hạ thu đông là tiết tấu. Sau khi tấu lên khúc rao, khúc nhạc rồi, phải cho tiết tấu nhẹ nhàng đi vô, tiết tấu chậm chậm đưa…
Trong nhạc VN, tiết tấu có biến hóa, tiết tấu có âm – dương, chúng ta phải biết sử dụng sao cho tiết tấu tuần hoàn, trở nên đặc biệt chứ không phải chỉ để nghe thấy đều đều.
Rao VN khác Tây là từ trong tim mà đi ra. Nó có nguyên tắc mà không có hình thức. Theo hình thức là làm cho ngưng trệ cảm xúc trong tim, làm nó biến thể, xơ cứng.
Rao VN không phải mang tinh thần Ấn Độ mà dùng đàn tranh, đàn nguyệt, trống VN, thang âm điệu thức VN, nói ra phong cách VN, dưới tinh thần mới của Ấn Độ. Làm được vậy rao sẽ khác. Tôi đã thử nghiệm rồi, người ta sẽ nghe mình 15, 20 phút mà chưa ai ngán.
Tôi cũng đã truyền cho học trò, cũng chỉ dạy cho khoảng 9, 10 người thôi, nhưng thực sự chưa có ai nắm được cả tinh thần của tôi. Cách đây 2 năm, có cháu Hải Phượng đàn tranh nắm được một phần tinh thần đó. Các cháu rao, rao sa, rao quảng với tôi được rồi, nhưng chưa phải trọn vẹn.
Trong tiếng nhạc có tiếng đời
* Nghe ông nói về rao, về âm nhạc truyền thống, như thể nó còn hàm chứa những triết lý sống?
- Âm nhạc VN có triết lý nhiều lắm. Trong đờn tài tử, người ta nói học lòng bản mà không thay đổi lòng bản. Nhưng lòng bản ấy không phải đưa một cách nguyên xi mà chân phương và hoa lá. Học thì vuông vắn nhưng khi hành thì phải biết thêm hoa thêm lá. Trống cũng vậy mà nhạc cũng vậy, thiên hạ mới mê hoặc. Đó là sự phát triển sinh động, đúng theo cấu trúc VN động và mở, không phải động mà đóng.
* Hiểu được những điều đó trong âm nhạc đó cũng làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú?
- Đương nhiên. Dạy học trò không chỉ trong tiếng nhạc, mà trong tiếng nhạc còn giúp cho phong cách nấu ăn của mình thế nào, mình biết sống ở đời thế nào… Trong một bản đàn, từ lúc khởi đầu thế nào rồi đi đâu cũng trở về khởi điểm.
* Ông thấy trong cuộc đời bôn ba của mình, ông đã trở về khởi điểm chưa?
- Tôi đã trở về VN, trở về nơi tôi đã ra đi. Lúc này tôi thấy mình thanh thản.
Hồi xưa, có chiến tranh, tôi đi học rồi làm việc, nghiên cứu ở xứ người, chưa về được, lúc đó day dứt lắm. Rồi sau đó tôi trở về được, mỗi năm một hai lần để đi điền giã. Còn giờ tôi đã được thỏa sức tắm mình với cuộc sống nơi mình sinh ra.
Giờ tôi ở đây luôn, vĩnh viễn với hơi xuân.
(Còn tiếp...)
-
Bùi Dũng (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét