Người xưa đâu tá!, một bản hùng ca gợi nhớ những chiến công của người xưa oai hùng đất Việt của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Trước gì tôi chỉ biết bài hát này qua lời kể của Thầy trong tập "Hồi ký", tối hôm qua lần đầu tiên tôi được nghe bài hát tuyệt vời này...
Thật tình cờ, tôi may mắn được đến giúp Thầy soạn bài trả lời phỏng vấn một tờ báo. Trả lời cho câu hỏi về kỷ niệm sâu sắc thời thanh niên tại miền Bắc, Thầy đã chọn sự kiện Hội sinh viên Việt Nam trình diễn bài "Người xưa đâu tá" ở trường ĐH Hà Nội...
Tôi giúp Thầy tìm lời chính xác của bài hát nhưng sau thật khó, một tác phẩm vĩ đại bị lãng quên, cũng may có 1 bài do NSND Quang Thọ trình bày đăng trên website Hội nhạc sĩ Việt Nam.
http://www.vnmusic.com.vn/music/index.php?aid=nghenhac&id=3169
Nhìn Thầy nghe bài hát và nhẩm theo lời tôi như nhìn thấy hình ảnh của những thanh niên sôi nổi nhiệt huyết vào năm 1942 tại buổi trình diễn. Những khoảnh khắc lịch sử ghi dấu ấn thời trai trẻ, hình ảnh các anh chị sinh viên đốt cháy mình vì quê hương đất nước, vì tình yêu dân tộc...
Trong buổi chuyên đề nghệ thuật định kỳ của Thầy vào tối thứ 7 25/9, có bạn trẻ hỏi Thầy "làm sao để có tình yêu quê hương đất nước"...
Tôi chạnh lòng trước sự băn khoăn của các bạn trẻ, thời nay các bạn năng động lắm, làm việc, học tập, sinh hoạt, dường như thời gian không bao giờ đủ với các bạn... Các bạn học rất giỏi, cũng say mê khám phá, hoặc thỉnh thoảng bỏ quên thời gian trong quán cafe... Nhưng mà các bạn lại mất phương hướng trong khái niệm tình yêu quê hương, yêu dân tộc
Có lẽ những bài học nặng nề không khơi gợi được trong tâm hồn các bạn... Các bạn hoạt động liên tục nhưng rồi lại không hiểu vì sao...
Tôi nhìn ánh mắt của Thầy chứa chan niềm vui khi nhắc lại hồi ức thời đã qua, lúc đó tôi đã cố gắng kiềm những giọt nước mắt của mình trước một nhân chứng lịch sử...
Tối nay, trong khi cố gắng tìm bài "Người xưa đâu tá" xem ngoài trang web của Hội nhạc sĩ Việt Nam còn có ai nhớ đến không... rất tiếc là không có...
Mà thay vào đó, tôi gặp lại hình ảnh của Thầy và những người bạn của Thầy trong bài viết của cụ Huỳnh Văn Tiểng... Những ký ức sống động mà ngày nay hiếm người bạn trẻ nào có được
Từ những hoạt động này, một ngọn lửa hồng đã cháy rực trong tim soi sáng cho Thầy Khê, bác Phước, bác Tiễng và hàng trăm thanh niên yêu nước ngày ấy nỗ lực sống, học tập và làm việc vì non sông đất Việt. Và họ đã để lại cho cuộc đời biết bao thành quả quý báu
… Sau thời kỳ học sinh, rồi đỗ tú tài, năm 1941 tôi ra trường Đại học Đông Dương tại Hà Nội, trường Đại học duy nhất ở Việt Nam lúc đó. Tôi theo học ngành Luật. Từ đó lại lao vào phong trào hoạt động. Anh em trong Nam đi học ngoài đó có đến 60, 70 người, cấy vào tổ chức: Hội Nam kỳ tương tế (gồm những người trong Nam ra Bắc làm việc). Hội này có quỹ rất lớn. Có nhà rất to ở Hàng Vôi, có nghĩa trang riêng. Tổng đốc Hà Tây hồi đó là người Nam kỳ nên hội đó rất mạnh. Anh em trong phong trào sinh viên học sinh yêu nước Nam kỳ khi ra Bắc lại nắm giữ hầu hết chứ vụ trong Ban Chấp hành của Hội Nam kỳ tương tế.
Dùng trụ sở Hàng Vôi thành nơi hoạt động cho Hội sinh viên, chúng tôi tham gia Đại hội Tổng hội sinh viên Đông Dương viết tắt là AGI, chiếm lấy địa vị chủ chốt trong Ban Chấp hành như tôi là Phó chủ tịch, ủy viên phụ trách tuyên truyền thể thao, âm nhạc... Bên cạnh tôi có vài chục anh em và có những gương mặt nổi bật như Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ. Chúng tôi huy động thanh niên trí thức vào luồng cách mạng Cứu quốc. Nếu không, lớp thanh niên đó học đại học, ôm mộng ra làm quan, làm giàu. Phần lớn họ là con ông cháu cha, nhà giàu nên con đường của họ phải thế nhưng chúng tôi cố gắng thuyết phục họ thay đổi cách nghĩ. Bên cạnh lớp thanh niên con ông cháu cha còn có những sinh viên gia đình trung lưu. Chúng tôi cũng tìm cánh thuyết phục họ tham gia phong trào của cách mạng. Ngày đánh dấu bước ngoặt của phong trào sinh viên là ngày 16 tháng 3 năm 1942, nhằm ngày giỗ tổ Hùng Vương, chúng tôi thuê ba toa xe lửa, cùng học sinh trường Bưởi đi lên đền Hùng. Và lễ viếng vua Hùng thành lễ tuyên thệ của lớp thanh niên trí thức mới trung thành với Tổ quốc. Trong đêm đó bài hát Tiếng gọi sinh viên ra đời, gây ấn tượng rất mạnh. Bài hát do tôi viết lời, Lưu Hữu Phước phổ nhạc. Bài hát có đoạn: "Này sinh viên ơi đứng lên đáp đền sông núi Cùng nhau ta đi mở đường theo lối Vì non sông nước xưa, cùng nhau ta đi lên! Dù gian lao khó khăn ta cùng nhau kết đoàn". Bài “Tiếng gọi sinh viên" ra đời đúng lúc và phù hợp với tâm lý của thanh niên nên được chấp nhận nhanh lắm. Bài hát kêu gọi tha thiết: "Thanh niên ơi! Ta quyết đi đến cùng Sinh viên ơi! Ta nguyện đem hết lòng Tiến lên cùng tiến, sá chi đời sống Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng" Bài hát đó là công cụ chủ lực của sinh viên, kết đoàn thanh niên cả nước, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng. Sau này chúng tôi cho in bài hát này gửi đến nhiều nơi. Bên cạnh bài “Tiếng gọi sinh viên" tôi còn có thêm một số bài hát hỗ trợ nữa. Bài "Người xưa đâu tá" gợi lại hình ảnh các bậc tiền nhân: "Ngàn năm lưu dấu có tiếng nước non vang gọi Người xưa đâu tá có khóc trong đêm lạnh lẽo? Người xưa đâu tá có khóc những khi trời chiều? Tưởng nhớ tới bao khi ai kia trên sóng Bạch Đằng làm chủ. Tưởng nhớ tới bao khi ai kia kéo quân mở mang miền Trung. Người nay đâu tá cho thổi bùng ngọn lửa Người nay đâu tá còn nhớ bao lâu nữa Trời nay đâu tá, say mê lên đường lợi danh Người nay đâu tá hãy nhớ đến dân Lạc Hồng..." Bài hát kêu gọi những người còn mê mải trên đường lợi danh bừng mở mắt sáng soi gương những lớp người tài, đồng cam nổi lên. "Người xưa đâu tá hãy giúp thiếu niên dũng cảm chớ nên thiệt thòi" Giai điệu lắng xuống: "Người xưa đâu tá hãy giúp thiếu niên dũng cảm Người xưa đâu tá hãy giúp nổi gió mưa lửa sóng Người xưa đâu tá hãy giúp cho dân Lạc Hồng!" Bài này chúng tôi giới thiệu ngay trong đêm hội trên đền Hùng trước đông đảo học sinh trường Bưởi. Hàng trăm người cùng hợp xướng tạo nên không khí sôi động thúc đẩy sinh viên phải biết đoàn kết. Bài hát nữa là bài Bạch Đằng giang có câu kết thúc: "Đằng giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung". Các bài hát có sức cổ vũ động viên sinh viên rất mạnh. Từ văn hóa ra phong trào. Một khi vỡ vạc ra, người tri thức không còn quanh quẩn với mơ ước hẹp hòi, vợ đẹp con khôn nữa mà làm sao cho xứng đáng với tổ tiên như trong lời thề trong hội đền Hùng. Cũng trong đêm 16 tháng 3 năm 1942 đáng nhớ đó anh Dương Đức Hiền (Chủ tịch), tôi cùng anh Nguyễn Sĩ Dư là Phó Chủ tịch Hội sinh viên đến trước đền Thượng có đặt một bên chiêng, một bên trống, chúng tôi đánh liên tục mấy hồi, còn thanh niên, sinh viên thì lần lượt đi từ dưới lên. Anh Dương Đức Hiền, Chủ tịch Hội sinh viên khi đó là cử nhân Luật học, chuẩn bị lên hàng tiến sĩ nhưng cũng đã vứt bỏ tất cả đi theo con đường tranh đấu cho tự do của đất nước. Anh đã bước lên thay mặt cho toàn thể thanh niên trí thức cất lời thề thiêng liêng. "Thưa các bậc tiền nhân! Chúng con là con cháu, ngày nay gặp nỗi nhục mất nước nên đứng lên hoạt động, đoàn kết nhau lại để tìm lại tự do. Mong các bậc tiền nhân chứng giám và hỗ trợ cho chúng con!"... Hội đền Hùng đánh dấu bước ngoặt trong công tác tư tưởng của Hội sinh viên. Chúng tôi hướng tới đích giáo dục lòng yêu nước trở về tổ tiên, đoàn kết với nhau phụng sự đất nước. Sau đó tôi ở ban tuyên truyền phụ trách báo viết bằng tiếng Pháp Le bloc, tuyên truyền trong giới học sinh, sinh viên. Báo ra hai kỳ một tháng, lấy một bài xã luận ngắn gọn kêu gọi lớp trẻ. Luôn luôn có khẩu hiệu mào đầu trên măng sét: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". "Thất phu” có trách nhiệm thì sinh viên phải có trách nhiệm chứ. Tờ báo đó rất có ảnh hưởng. Ban đầu chỉ là thông báo những hoạt động của sinh viên như phóng sự về đêm tuyên thệ tại đền Hùng. Sau là tiếng gọi thanh niên, sinh viên đoàn kết tương trợ. Thứ ba là trở về nguồn gốc dân tộc. Các lễ hội dân tộc luôn luôn được đưa lên báo. Chúng tôi mới ra Hà Nội nên luôn luôn ao ước giữ lấy ý tưởng yêu nước. Đặc biệt chúng tôi sống xa miền Nam, nơi quê hương chôn nhau cắt rốn nên càng đề cao lòng yêu đất nước, quê hương. Chúng tôi luôn động viên sao cho xứng đáng con Rồng, cháu Lạc. Vừa ra Bắc chúng tôi đã tổ chức những cuộc "hành hương". Hà Nội thì hành hương đến đền "Hai Bà Trưng". Chúng tôi ngủ tại đó, hội thảo tại đó quy mô lắm. Chúng tôi muốn qua đó giữ truyền thống ông cha yêu nước dựa vào tinh thần tự hào dân tộc và tự hào vì gương oanh liệt của cha ông. Có tờ báo trong tay, chúng tôi cổ vũ phong trào yêu quê hương đất nước, đem lại lòng tin cho sinh viên. Chúng tôi kết hợp tuyên truyền những bài hát, những tờ báo. Phong trào yêu nước trong sinh viên đã lên đến cao điểm không chỉ ở Hà Nội mà trong cả nước. Bước ngoặt thứ hai trong phong trào sinh viên là dấy lên phong trào thương dân. Năm 1941, chúng tôi tổ chức các trại hè của sinh viên. Thời kỳ này thực dân Pháp chủ trương chính sách xoa dịu, mua chuộc sinh viên, thanh niên trí thức ở Đông Dương. Tên phó Toàn quyền Đông Dương, Tổng ủy trưởng thể thao thanh niên dùng mọi cách xoa dịu chúng tôi. Khi biết chúng tôi có ý định tổ chức trại hè, hắn gọi lên nói thế này: "Các anh là người trí thức cao cấp, sau sẽ là người cai trị đất nước. Chúng tôi không đành để các anh khó khăn. Vì vậy nếu anh muốn gì chúng tôi cung cấp quỹ để sinh hoạt, trưng dụng một số biệt thự sang trọng ở Sa Pa, Tam Đảo, Đồ Sơn cho các anh nghỉ ngơi, cung cấp phí cho các anh tập thể thao". Nhưng chúng tôi đã từ chối nhã nhặn: "Chúng tôi rất cảm ơn Tổng ủy trưởng nhưng chúng tôi muốn tự lực khỏi phiền hà đến nhà nước!". Chúng tôi tổ chức đêm văn nghệ dạ hội sinh viên lấy quỹ để tổ chức trại hè. Qua đêm dạ hội, chúng tôi tranh thủ giáo dục lòng tự hào dân tộc bằng cách đưa dân ca 3 miền lên, đưa bài hát yêu nước lên. Chúng tôi còn diễn những vở kịch yêu nước. Ban đầu là những vở kịch có tính chất nhớ nước như là "Sinh viên yêu nước thời đại", giáo dục sinh viên hãy xứng đáng với cha ông giúp đỡ đồng bào. Sau đó diễn những vở kịch kêu gọi cao hơn như vở kịch "Đêm Lam Sơn khởi nghĩa" về Lê Lợi, vở "Nợ Mê Linh” về Hai Bà Trưng. Đây cũng là lần đầu tiên đưa ra vở nhạc kịch giai điệu dân tộc là "Tục lụy”. Vở kịch nói về 3 cô tiên lạc xuống trần gian, một cô ở lại lấy một tiều phu sinh con, phục vụ nhân loại, xã hội. Vở kịch giáo dục thiên chức phụ nữ nhưng còn có ý nghĩa sâu sắc hơn là giáo dục tình yêu nhân dân. Các đêm dạ hội sinh viên ở Hà Nội, Sài Gòn đều rất đông người tham dự. Tiền thu được từ các dạ hội chúng tôi dùng để tổ chức trại hè. Khác với mong muốn của đế quốc là những sinh viên con nhà khá giả, con ông cháu cha, được ưu đãi của xã hội thì sẽ được hưởng những buổi trại hè an nhàn, ở những nơi phong cảnh hữu tình, chúng tôi đã cắm trại ở những nơi bùn lầy nước đọng, ngay bên xóm những người lao động cực nhọc. Ở Hà Nội, chúng tôi cắm trại ở Tương Mai và Khương Hạ là nơi dân nghèo, thất học, bệnh tật nhiều. Chúng tôi đi trại hè không phải để vui chơi đơn thuần giải trí mà đến đó để điều tra xã hội học. Ở Trung Bộ, chúng tôi cắm trại ở Hạc Trì (Thanh Hóa), ở Nam Bộ thì cắm trại nơi suối Lồ (Thủ Đức). Đây là dịp để sinh viên tiếp xúc với nhân dân, trước đây đã hướng về tổ tiên rèn luyện ý chí yêu nước, cứu nước thì nay rèn luyện tình thương yêu dân để giúp dân và cũng nhằm để sau này tập hợp lực lượng cứu nước. Dân tộc có lịch sử là cha ông dựng nên, hiện tại là dân chúng nghèo khổ, phải đứng lên cứu nước. Dịp đó chúng tôi điều tra xã hội học xem bao nhiêu người thất học, bao nhiêu người nghèo khổ, bao nhiêu người bị ức hiếp, bao nhiêu người đã tiếp xúc với phong trào cách mạng trước đây. Chúng tôi lập những hội truyền bá quốc ngữ, truyền bá vệ sinh, phổ thông luật học, phổ biến bài hát yêu nước. Các hoạt động này nâng tinh thần cách mạng thật sự trong mỗi người. Tại ký túc xá Nam kỳ, có mấy sinh viên con đốc phủ, con quan lại Sài Gòn học ở miền Bắc mỗi người thuê một đứa bé con để hầu hạ cơm nước, giặt giũ. Các sinh viên này mắng chửi đánh đập những em bé đó dữ lắm. Chúng tôi bất bình, họp nhau lại ra yêu cầu cấm đánh đập trẻ em, cấm sỉ vả, coi thường dân Bắc Bộ nghèo nàn. Chúng tôi lấy đó làm tiêu chuẩn đầu tiên để đấu tranh bảo vệ dân mình, đồng bào mình. Chúng tôi đã thắng lợi. Đi xuống dân thấy dân khổ càng nuôi thêm lòng yêu nước. Tôi sáng tác bài hát Điều mong gửi gieo ánh sáng: "Lòng vui sướng anh em ơi tim thấm nhuần tình đồng bào Mình đi gieo khắp nơi nơi nông thôn tối tăm, đời mịt mù xót xa Tiếng nông thôn, tiếng đồng quê thiết tha". Qua bài hát, tôi muốn kêu gọi thanh niên đến với dân nghèo khổ, dốt nát giúp đỡ họ. Rồi chúng tôi còn phổ biến bài Khóc Quốc hồn của anh Nguyễn Minh Kha: "Hương tàn theo khói đưa Khơi nguồn thương tiếc xưa Tiếng non nước vang dậy vang". Trong khi phong trào đang dậy, những bài hát yêu nước càng thêm xúc động lòng người. Sau khi phổ biến những bài hát kêu gọi đến với dân, chúng tôi tiến một bước nữa là kêu gọi liên kết những người cùng khổ. Chúng tôi phổ biến bài hát 80 năm sống đời tối tăm: "80 năm sống đời tối tăm Ta diệt trừ… " Chúng tôi còn tiếp tục khơi dậy phong trào thông qua báo chí dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ. Ngày đó do bị địch khủng bố, phong trào phía Nam rất khó khăn. Năm 1943, Tổng bộ Việt Minh (Trung ương Đảng) tiếp xúc với chúng tôi và đến năm 1944 đã khuyên chúng tôi bỏ học vào Nam. Khi đó trục phát xít đã gẫy rồi, thua rồi, thời cơ giành độc lập đã đến. Thế là tôi bỏ học, đạp xe đạp trở về Nam. Ngày đó lưu truyền bài hát: "Mau về Nam mở tung nguồn sống Kiếp tùng chi hùng anh trong thời xanh Hà thành nay suốt đêm còi hú Báo động liền chua xót Ngoài ngày sương đời thanh niên buồn trôi lững lờ Trong hầm tối tăm, đợi âm thầm Nay ta quyết mở tung nguồn sống Ríu rít tàu về Nam". Thế là bao nhiêu anh em miền Nam cùng lấy cớ bom đạn không học được để trở về Nam. Tiếp sau giai đoạn một, kêu gọi yêu nước, giai đoạn hai, xuống dân, chúng tôi thực hiện giai đoạn ba là tập hợp lực lượng để đấu tranh. Tôi viết bài hát Xếp bút nghiên kêu gọi anh em: "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân Sơn hà xao xuyến tiến ta tiến Một lòng yêu non sông, vì dân ta liều thân Thấy đoàn ta tiến tới nước non chào mời Hèn thay đời nhàn cư, hèn thay vui yêu đương Lúc quê hương cần người, xếp lại tơ vương giã từ Hồn Vệt Nam hùng thiêng, từ ngàn xưa bừng rỡ Kêu ta lên đường cứu quốc gia". Khi chúng tôi đạp xe đến Ninh Bình thì bị địch bắt đưa về Hà Nội để lấy cung. Chúng tôi không khai là có quan hệ với Việt Minh nên chúng không khép được chúng tôi vào tội gì. Sau 10 ngày giam giữ ở Hà Nội, bọn chúng thả chúng tôi ra và chúng tôi lại rong ruổi về Nam. Dọc đường qua sông Gianh, tôi viết bài Hồn sông Gianh lên án sự chia rẽ dân tộc. Tôi còn viết bài hát Nam tiến vì dọc đường đi thấy đất nước mênh mông trong tôi trào dâng lòng biết ơn tổ tiên có công khai phá đất nước. Khi về đến Sài Gòn chúng tôi đấu tranh để lập ra Hội Quốc ngữ công khai. Lấy tờ báo Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát làm tờ báo của Hội để hoạt động, tuyên truyền yêu nước. Chúng tôi thuyết phục một đại phú gia, đại địa chủ, Pháp quan Ngân hàng Misenmi Nguyễn theo phong trào, làm Chủ tịch Hội chữ quốc ngữ để Pháp không nghi ngờ. Chúng tôi đang hoạt động rất ăn khớp thì bị địch bắt giam 9 tháng. Chúng tôi giữ bí mật cho Việt Minh nhưng chúng vẫn nghi ngờ vì trước đó chúng đã khám phá biết chúng tôi có ý định mua súng ống, xe ô tô... Trong tù, chúng lung lạc ý chí của anh em dữ lắm. Chúng tôi bị giam trong khám Lớn sau chuyển lên Chí Hòa. Chúng không cho người nhà thăm mà chỉ cho gửi quà vào dịp cúng cô hồn mỗi tháng. Chúng xếp quà dài trên lối đi, cúng cô hồn rất nặng nề. Nhiều người mất tinh thần, tỏ ra bi quan. Nhưng chúng tôi không bi quan, nao núng. Chúng tôi hát vang những bài hát yêu nước của phong trào sinh viên ngày trước. Chúng tôi còn sáng tác bài hát trong tù: Xin giữ lời nguyền: "Xa nhau nhớ nhau Nhớ nhau ta xin giữ lời nguyền lúc nào Ráng gìn tâm trí thanh cao Tấm lòng tranh đấu chớ nao!". Sau khi ra tù, tôi lại tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, tập hợp lực lượng ra hoạt động công khai hợp pháp. Lúc này Nhật sắp đầu hàng nên không dám đàn áp dân, vì vậy Nam kỳ mới có sức để tổng khởi nghĩa. Trong Đoàn Thanh niên Tiền phong bài Lên đàng của tôi được chính thức làm bài đoàn ca tươi sáng. Nhịp lời hai tôi chỉ viết trong mấy tiếng đồng hồ, rất kịp thời. Chúng tôi ra tờ báo Tiến làm đại diện cho đoàn Thanh niên Tiền phong. Rồi Tổng khởi nghĩa bùng lên nhanh, gọn. Chúng tôi cướp chính quyền trong ba tiếng đồng hồ từ 7 giờ đến 10 giờ tối ngày 24-8-1945 đã hoàn thành. Chế độ nô lệ gần một thế kỷ sụp đổ. Sáng ngày 25 tháng 8, hàng triệu dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận chào mừng độc lập. Rồi đến toàn quốc kháng chiến. Người dân Nam Bộ thấy chính quyền là của mình nên họ quyết sống chết để bảo vệ. Tôi từ trong phong trào cách mạng mà trưởng thành. Trong đó luôn khắc sâu những kỷ niệm những ngày hoạt động dùng báo chí kết hợp các bài hát để tuyên truyền, vận động quần chúng, hoạt động cách mạng. Nhiều báo khác đã ủng hộ phong trào như tờ báo Dân tộc, báo Kinh điền… Một số cá nhân và tập thể ở miền Nam cũng ủng hộ chúng tôi như ông Hồ Sĩ Nguyên ủng hộ gián tiếp, trường Quốc ngữ ủng hộ phong trào ca nhạc mới của sinh viên, ủng hộ trại hè… Cũng thời gian này chúng tôi còn ra tờ báo Chàng lính, cơ quan của ủy ban kháng chiến Nam Bộ, tôi làm Phó chủ tịch. Sau đó tôi phụ trách thông tin Nam Bộ, nên khuyến khích đỡ đầu tờ báo của Khu 7, khu 8, khu 9, như báo Tiếng súng kháng địch của Khu 9, báo Cảm tử của Khu 7. Báo các đoàn thể cũng được chúng tôi khuyến khích như báo Độc lập của Đảng Dân chủ. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp gây hấn ở Nam Bộ, mở ra cuộc chiến giữa ta với Pháp. Tuy lúc đó chưa bắt đầu kháng chiến ở Bắc Bộ nhưng Pháp đánh Nam Bộ là coi như bắt đầu chiến tranh rồi. Ta và Pháp đã đàm phán tại Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Phôngtennơblô ý muốn ta nhường Nam Bộ cho chúng. Chúng muốn lấy miền Nam làm bàn đạp. Đồng thời, đây là ban công để đánh lan ra Trung Bộ và Bắc Bộ. Vì thế, không Hội nghị nào có thể cứu vãn. Bác Hồ đã vớt lại bằng cách ký Tạm ước ngày 14-9-1945 để thủ hòa vì biết không thể giải quyết được. Huỳnh Văn Tiểng Nguyên giám đốc Đài phát thanh Nam Bộ Theo “Hà Nội - Mùa thu cách mạng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nxb. Hà Nội. 2000 Nguồn: http://www.thanglonghanoi.gov.vn/channel/21/2010/08/6879/#ibHUQGvcIA5m
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét