Ngày Xuân, nhà văn Văn Tâm đi hỏi vợ
Văn Tâm (1933-2004), ham mê văn chương từ sớm. Khi còn học phổ thông, anh đã làm thơ, viết truyện ngắn, soạn kịch. Các vở Ánh sáng hay bóng tối (1952), Giải tán (1953) được in ở Thanh Hóa là những tác phẩm đầu tay. Có thể coi đây là những thử nghiệm, sau đó anh đã nhanh chóng chuyển hướng, đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu. Trong hơn 50 năm cầm bút, anh lần lượt cho xuất bản những công trình nghiên cứu dày dặn, công phu: Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực (1957), Tản Đà- Khối mâu thuẫn lớn (1964), Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm (1995) và các tập tiêu luận, phê bình: Giảng văn văn học lãng mạn (1991), Góp lời “Thiên cổ sự” (1992), Vườn khuya một mình (2001).
Người làm văn chương thường hay đa cảm, đa tình. Văn Tâm cũng không là ngoại lệ. Ngay cuối bậc học phổ thông, do tham gia “kịch cọt” nên anh có dịp gần giới nghệ sĩ Liên khu IV, lúc đó chủ yếu tập trung ở Thanh Hóa. Anh bị một nữ diễn viên múa thuộc loại hoa khôi “hớp hồn”. Nhưng nhà văn trẻ sớm tỉnh, nhận ra tính vô vọng của mối quan hệ tình cảm một chiều, nên đã lặng lẽ “rút lui”.Cuối năm 1953, bước vào ngưỡng cửa lớp Dự bị đại học hết sức hiếm hoi, danh giá ở vùng kháng chiến Liên khu IV, Văn Tâm là một trong vài ba sinh viên xuất sắc, được các giáo sư Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, … rất mến. Anh là bạn học thân thiết với anh Cao Xuân Hạo, con trai giáo sư Cao Xuân Huy. Anh Hạo lại có người em gái xinh đẹp, dịu dàng: chị Cao Thị Xuân Cam, lúc đó đang là học sinh phổ thông. Người hữu ý (Văn Tâm), kẻ vô tình (Xuân Cam). Tình yêu “sét đánh” đến với cây bút trẻ của chúng ta. Văn Tâm muốn chuyện “chung thân đại sự” này sớm rõ ràng, ngã ngũ. Tốt thôi! Chỉ có điều cách anh xúc tiến quá đặc biệt: Thay vì ướm ý ngỏ lời trực tiếp với người mình thầm yêu trộm nhớ, nhân dịp đầu xuân năm Giáp Ngọ (1954), trong buổi đến chúc tết giáo sư Cao Xuân Huy, anh đã thu hết can đảm đặt vấn đề… xin được làm con rể thầy.
Bậc học giả uyên thâm chỉ biết say với Đạo chứ khá ngơ ngác trước Đời, rất ngỡ ngàng trước việc cầu hôn đột ngột, “xưa nay hiếm” của Văn Tâm. Như trên đã nói, vốn quý Văn Tâm, vả lại bản tính điều đạm phóng khoáng, nên cụ Cao Xuân Huy hẹn với Văn Tâm sẽ trả lời sau.
Cụ cho con gái biết chuyện và hỏi ý kiến chị. Có một điều lạ: chị Xuân Cam không bất ngờ khi nghe cha nói, vì dù rất ít khi gặp gỡ trò chuyện với Văn Tâm và dù Văn Tâm cố giấu kín, nhưng chị đã linh cảm thấy tình cảm đặc biệt của chàng sinh viên xuất sắc ấy dành cho mình. (Rõ ràng phụ nữ xoành xĩnh ở lĩnh vực nào không rõ, nhưng trong vương quốc tình yêu, họ như có “giác quan thứ bảy” nên rất nhạy cảm!) Chị hỏi lại người cha mà chị kính yêu rất mực: “Theo cha, anh ấy là người thế nào?”
Học giả họ Cao Xuân đã cảnh báo cho chị một điều tiên tri tiên giác: “Đó là một người tài năng vượt trội hơn người, nhưng lấy anh ta chắc chắn sau này con sẽ khổ. Con hãy nghĩ cho thật kỹ!”
Chị đã trả lời cha: “Con không sợ khổ, con chỉ sợ lấy phải người không có tài có đức”.
Mối tình của hai người được hai gia đình chấp thuận. Hè năm 1955, Văn Tâm bước vào năm cuối Trường đại học văn khoa Hà Nội, chị Xuân Cam tốt nghiệp phổ thông và được xét duyệt đi du học Liên Xô. Trước tình thế có phần “phức tạp”, nhớ lại lời dạy của ông cha “Lấy vợ thì cưới liền tay…”, Văn Tâm bàn chuyện cưới với chị Xuân Cam. Chẳng biết anh thuyết phụ tài như thế nào mà chị đồng ý, dù chuyện đi học nước ngoài – một nguyện vọng thiết tha của biết bao chàng trai cô gái trẻ - đành coi như “xóa sổ”.
Cuối năm 1955, lễ cưới được tiến hành. Giản dị nhưng rất đầm ấm. Và rồi họ là bạn đời chung thủy, vui buồn sướng khổ có nhau suốt 50 năm. Cho đến ngày 24/6/2004, ngày anh đi gặp Vũ Trọng Phụng, Tản Đà, Đoàn Phú Tứ…
Trần Hữu Tá
Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 558, ngày 10/2/2006
[…] Đang sáng tạo sung sức, năm 1996 căn bệnh tai biến mạch máu não đã hạ gục ông (Văn Tâm). Liệt nửa người, đi lại, nói năng rất khó khăn, vậy mà với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của người vợ hiền (bà Cao Thị Xuân Cam, ái nữ của GS Cao Xuân Huy), ông vượt qua số phận, để năm 2001 cho ra đời tập tiểu luận, chân dung văn học Vườn khuya một mình. Một tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh bệnh tật như vậy cho nên nó có giá trị đặc biệt. Một lần nữa, ông vượt qua số phận để sáng tạo và những ý tưởng sáng tạo trong hoàn cảnh ấy được viết ra từ máu. Cuộc đời Văn Tâm lận đận nhưng chỉ trong nghiệp văn, còn cuộc sống của ông được đền bù xứng đáng. Ông mê nghệ thuật, mê văn chương, yêu ca trù, chèo, thích chơi tranh một cách sành điệu, mê đồ cổ, tất cả, duy nhất, chỉ vì cái đẹp. Ông còn có một người vợ tuyệt vời, một người bạn hiền thảo. Những ngày cuối đời của ông, bà Cam đọc sách Phật, sách Thiền cho ông nghe để ông thanh thản tâm hồn.
Và ông ra đi, thanh thản vào cõi vĩnh hằng.
VĨNH HY (Trích Văn Tâm: Người rũ bụi đường văn học, báo Người Lao Động, ngày 10-07-2004)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét