Trong cuộc trò chuyện cuối năm với VTC News, GS Nguyễn Lân Dũng tâm sự, năm 2008, ông dự định vẫn tiếp tục nói để Quốc hội hiểu rằng chương trình và SGK của nước mình... chẳng giống ai.
GS Nguyễn Lân Dũng là đại biểu quốc hội 3 khóa liền. Ông cũng là một người gắn bó với giáo dục 51 năm. Kỳ họp Quốc hội nào, người ta cũng thấy ông đứng lên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chương trình và sách giáo khoa (SGK).
Ngồi hàn huyên cuối năm với ông, thấy rằng ông vẫn đau đáu với những bức xúc này. Ông tâm sự: "Đó cũng là hai việc mà tôi đã thất bại trong năm nay. Năm 2008, tôi dự định vẫn tiếp tục nói để Quốc hội hiểu rằng, chương trình và SGK của nước mình chẳng giống ai".
Ý kiến của tôi luôn khác!
* Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều biện pháp mạnh tay của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhằm chấn chỉnh lại những bất cập trong ngành giáo dục. Ông có kỳ vọng vào những biện pháp đó?
- Tôi rất thông cảm với đồng chí Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tôi cũng mong đồng chí chia sẻ với những điều tôi nói.
Bộ trưởng muốn chống tiêu cực trong giáo dục bằng cách không gian lận trong thi cử. Kết quả là 40 vạn em trượt, gây một hậu quả rất lớn: phanh gấp đổ xe. 40 vạn em này ra đời không mảnh bằng trong tay, phải cấp cứu bằng biện pháp thi lại, vớt hơn ½. Như vậy, chẳng phải là quay trở lại bệnh thành tích?
Lúc đầu, Bộ bảo chỉ cho thi lại một năm thôi, bây giờ lại bảo năm nay cũng thi lại, năm sau cũng thế. Chính chúng ta lại mâu thuẫn: muốn chấn chỉnh nhưng lại sợ khó khăn cho xã hội.
Chủ trương "2 không" rồi đến "4 không" dẫn đến hậu quả học sinh bỏ học rất đông. Chưa bao giờ tôi thấy con số nhập học ở bậc tiểu học, THCS thấp như năm nay. Rất nguy hiểm.
* Ông vẫn đang là đại biểu Quốc hội, ông vẫn có thể góp ý cho Quốc hội, cho Bộ trưởng?
- Còn nhiều vấn đề tôi không đấu tranh được. Cái thứ hai tôi thất bại là chương trình và SGK. Quốc hội nghĩ đơn giản là: một cuốn còn chẳng ra gì nữa là nhiều cuốn. Thế nhưng, nếu tôi không nhầm, không có nước nào có một cuốn SGK.
SGK là chuyện của các nhóm tác giả, của các nhà xuất bản chứ không phải là của nhà nước. Có người lo thế thì loạn. Nhưng tôi xin thưa, làm kem đánh răng phải có các tiêu chuẩn kỹ thuật, do Bộ Y tế ban hành. Làm SGK phải có chương trình. Chương trình mới là cái quan trọng. Còn SGK lúc đó không thành vấn đề. Ai làm SGK tốt, đọc dễ hiểu, dễ nhớ, vui thì người dân học mua.
Chính vì chương trình hiện nay của ta rất bất cập, vừa nặng vừa thiếu kiến thức nên chưa thể làm chỗ dựa cho SGK.
Hiện nay, đang có một cuộc cải cách chương trình lớn trên thế giới. Riêng nước ta, lại theo chương trình của Liên Xô cũ, chỉ cải tiến một chút ít. Chúng ta nhầm là thời đại kỹ thuật số, mọi thông tin đều có thể cập nhật dễ dàng. Không có lý gì chúng ta đi học sản lượng than của Ba Lan, bắt học sinh phải nhớ từng cái tên gọi của xương…
Tôi cảm thấy tôi chưa góp sức làm thay đổi được tình cảnh giáo dục, chưa phản ánh hết được những bức xúc của xã hội về giáo dục. Tôi thấy rất đau lòng, nếu SGK như thế này mà chúng ta tuyên bố ổn định 15 năm.
* Mấy năm vừa qua liên tục đổi sách, nhân dân và Nhà nước đã tốn không ít tiền rồi, bây giờ nếu Bộ trưởng đồng ý với quan điểm của ông, tuyên bố chương trình sai, viết lại SGK hẳn sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt.
- Tôi thông cảm với Bộ trưởng, nhưng kiến nghị của tôi lại khác: Vì thế hệ tương lai, vì ngành giáo dục, phải viết lại chương trình và SGK. Nhưng chúng ta sẽ không bán mà cho mượn SGK. Tôi tin là Chính phủ sẽ giảm rất nhiều tiền của, vì một bộ SGK dùng được nhiều năm.
* Vì sao người ta không làm được một việc tưởng rất dễ dàng như ông nói?
- Vì người ta nghĩ nhiều đến kinh doanh bằng SGK.
Tôi chỉ là người chuyển đơn
* Từ đầu cuộc trò chuyện tới giờ, ông nói khá nhiều về những thất bại của ông trên nghị trường. Chẳng lẽ ông không thu lại được gì, chưa làm được gì cho ngành giáo dục?
- Tôi cũng có làm được một số việc nhưng “dương tính” là ít lắm. Nhưng tôi tự hào nhất là đã thuyết phục được lãnh đạo để thành lập viện nghiên cứu ngay trong các trường đại học. Tôi không thể kéo tất cả vào các viện nghiên cứu vào các trường ĐH mà đã đưa viện của tôi vào trường. Ban đầu tôi chỉ xin 2 triệu USD, nhưng Bộ trưởng bộ Tài chính đã cho hẳn 3 triệu USD.
* Xin chúc mừng ông! Vậy trên cương vị là người đại biểu quốc hội, ông đã làm được gì cho dân?
- Tôi chỉ là người chuyển đơn của người dân đến cơ quan chức năng. Có những đại biểu tỉnh khác cũng đến nhờ tôi. Tôi hỏi tại sao họ không gửi cho đại biểu tỉnh họ mà gửi cho tôi thì họ trả lời: Gặp đại biểu quốc hội tỉnh họ khó lắm.
Tôi cũng rất buồn là nhiều lần tôi gửi thư đi, cơ quan chức năng “nể” tôi, có thư trả lời, kiểu như: Cảm ơn giáo sư đã quan tâm đến công tác pháp luật. Chúng tôi đã xem xét hồ sơ và thấy việc này không đáng để phúc thẩm. Nhưng người dân kiện lại là kiện hồ sơ làm sai, ông xem lại hồ sơ để làm gì, phải xem lại cả vụ án chứ.
* Ông có thấy mình thiếu quyền lực để thực hiện những dự định của mình, nhưng nguyện vọng của dân?
- Tôi chả thấy mình có quyền lực gì, ngoài việc chuyển đơn thư đến nơi có trách nhiệm.
* Năm 2008 đã đến, những dự định đấu tranh cho ngành giáo dục của ông trên nghị trường vẫn tiếp tục chứ?
- Tôi sẽ thuyết phục Quốc hội thay đổi chương trình và đa dạng hóa nhiều bộ SGK. Lần này, tôi đang nhờ tất cả mối quan hệ của mình, để sưu tầm chương trình sinh học của các nước, từ Mỹ, Pháp… đến Nepal để chứng minh cho Quốc hội thấy, chương trình và SGK của mình chẳng giống ai.
* Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công!
Theo HIỀN LÊ - VTC news
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=236999&ChannelID=13
"Tôi là người gắn bó với giáo dục 51 năm, không có lý gì tôi lại không quan tâm tới giáo dục. Những bức xúc trong giáo dục luôn gắn liền với tôi. Và tôi phát biểu với tinh thần xây dựng, đóng góp cụ thể cho giáo dục. Có quá nhiều bất cập khiến tôi không thể quay lưng lại".
Thay hoan toan dong y voi GS Ng Lan Dung ve viec sach giao khoa va chuong trinh hoc cua VN Thay thi trong limh vuc am nhac , co nhieu buc xuc khac ve phuong phap day va cach biểu diên.
Trả lờiXóaCam on de bai nay tren mang cua con
Thay TVK
Thưa Thầy,
Trả lờiXóaChuyện SGK nước mình thì hầu như ai cũng biết trừ Bộ Giáo Dục... câu chuyện dài được nhắc đi nhắc lại hết năm này qua năm nọ nhưng vẫn trì trệ chưa được giải quyết... từ học sinh tiểu học đến SV đại học, nghiên cứu sinh phải chịu đựng dồn ép vào đầu những kiến thức cũ kỹ và sai sót nữa...
Những cải cách liên tục của SGK càng làm cho chương trình ngày càng nặng và xa rời thực tế...
Thấy cái ung nhọt trước mắt nhưng không giải quyết được... 1 câu hỏi lớn chứa đầy bức xúc
VN không thiếu những người tài để viết lại hệ thống SGK có điều........họ không có quyền?
Có 1 câu hỏi gần đây được lan truyền trên mạng không biết có phạm vào tội chính trị hay không? Tại sao không đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng?