(VnMedia) - “Phim tư nhân thì bát nháo. Phim nhà nước nộp lên Cục thì lãnh đạo điện ảnh chỉ thích chọn những kịch bản tròn như bi ve, phục vụ tuyên truyền, phim làm xong để cất vào kho. Chưa có một nền phê bình đích thực, đáng tin. Tôi cho rằng đây là một thực trạng đáng báo động đối với nền điện ảnh”.
Đang bận rộn xem hàng trăm tập phim với nhiệm vụ giám khảo giải Cánh diều vàng phim truyền hình dài tập, đạo diễn Nhuệ Giang vẫn nhiệt tình chia sẻ những bức xúc với điện ảnh nước nhà.
Đào tạo điện ảnh: Bất cập từ khâu tuyển sinh
- Chị đang giảng dạy tại lớp Biên kịch – Lý luận phê bình của quỹ Ford. Nhìn nhận của chị qua các khoá học viên ở đây?
Tôi cho rằng ý tưởng xây dựng dự án này rất hay. Giáo trình Mỹ hiện đại và cập nhât, nguồn phim tư liệu dồi dào, các em không phải học chay. Đầu vào là đã tốt nghiệp ĐH nên nền tảng tương đối. Lại đa phần là dân các ngành xã hội: báo chí, văn chương… đều là những người quen viết.
Các khoá biên kịch vừa qua đã đóng góp thêm một số biên kịch trẻ cho truyền hình.
Ngành phê bình lý luận thì khó hơn, không thể ăn xổi, phải tích luỹ, nghiên cứu, trong khi môi trường làm việc chưa thuận lợi. Báo chí nghiên cứu sâu thì thiếu, mà để viết một bài phê bình thực sự rất phức tạp, nhuận bút lại ít… Ở mỗi khoá cũng nổi lên vài người viết tốt, nhưng để làm nghề thì cần thị trường và môi trường. Thị trường mà không cần và môi trường không tốt thì họ lại phải nhảy sang làm những việc khác.
- Lực lượng làm điện ảnh chủ yếu xuất thân từ 2 nơi đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, công tác đào tạo tại các cơ sở trên vẫn tồn tại khá nhiều bất cập?
Bất cập từ khâu tuyển sinh. Ngoài số ít tài năng thực sự thì hiện tượng “chạy trường” khá phổ biến.
Không biết bây giờ ra sao, nhưng thời tôi học thì sách chuyên ngành trong trường rất hạn chế, giáo trình toàn do các thầy tự soạn, không cập nhật. Qúa trình học Lịch sử điện ảnh thế giới, lại ảnh hưởng của Nga thiên về chủ nghĩa xã hội nên không toàn cảnh. Học xem phim nhưng hầu như không hề có phim để dẫn chứng, trừ 1-2 phim kinh điển như “Chiến hạm Potemkin”, “Bài ca người lính”… Học làm phim nhưng không có máy móc để thực hành.
Chắc thực trạng đào tạo vẫn chưa cải thiện được nhiều. Nhưng thời kỳ này thuận tiện hơn nhiều vì cơ hội tiếp cận phim ảnh rất rộng mở, kể cả những xu hướng mới và những dòng kinh điển. Hơn nữa, bây giờ kỹ thuật phát triển, có nhiều cơ hội làm phim. Làm những phim ngắn, ít tiền… cũng là một cách học.
Thời tôi chưa có phim video, cơ hội làm phim hầu như không có. Bài tốt nghiệp của tôi viết kịch bản trên giấy, bảo vệ trên giấy.
Nhiều người yêu nghề cảm thấy chơi vơi
- Hiện nay xu hướng làm phim ngắn khá hấp dẫn nhiều người làm phim trẻ, được coi là một cách thực tập nghề và giới thiệu mình. Là trưởng BGK LHP ngắn toàn quốc năm 2008, chị thấy thế hệ làm phim trẻ có khả quan không?
Cơ cấu giải thưởng ở LHP ngắn là khoảng 10 giải trên tổng số 60-70 phim tham gia mỗi năm. Đây cũng có thể coi là tỷ lệ những người có tiềm năng. Số trung bình và kém là vô cùng nhiều. Tuy nhiên, giáo dục nghệ thuật được tỷ lệ 1/10 đã là mừng.
Tìm ra được những tài năng đã không dễ, vấn đề là cần tạo điều kiện cho họ làm việc. Cũng cần phấn đấu để nâng mặt bằng chung cao hơn. Nhưng nhà nước chưa có một chiến lược phát triển điện ảnh.
- Thế hệ trước đa phần lứa tuổi 40 mới làm phim đầu tay. Trong khi thế hệ trẻ nhiều người lứa tuổi 30 đã sở hữu vài đầu phim. Chị có cho đây là 1 tín hiệu vui?
Cái thuận lợi chung là bây giờ cơ hội nhiều hơn, làm phim dễ dàng hơn, nhanh chóng nổi tiếng hơn. Nhưng tôi có cảm giác họ không đam mê và kiên nhẫn như chúng tôi ngày xưa. Nhiều người trẻ vội chạy theo danh và lợi, không quyết chí, không bền bỉ, thiếu khát vọng lớn. Điều này cũng hợp với xu thế thời đại bây giờ, nhưng khi cái đích của họ chỉ như vậy thì nghề nghiệp khó phát triển.
Cái khó khăn chung là thực tế điện ảnh còn đầy chộn rộn, bát nháo, nhiều người yêu nghề sẽ cảm thấy chơi vơi. Nhà nước thì không có hỗ trợ, đầu tư cho tài năng. Tư nhân thì lăng nhăng sao cũng được miễn là kiếm tiền. Người làm nghề phải vật lộn, tìm kiếm, nhiều khi bị cuốn vào kiếm tiền…
Đây là giai đoạn đi xuống của điện ảnh
- Tức là chị phản đối xu hướng làm phim thương mại?
Làm phim giải trí, phim thương mại không xấu nhưng nghệ thuật phải cực đoan.
Lớp trẻ bây giờ thực tế và cũng thực dụng hơn. Tôi ví dụ Vũ Ngọc Đãng, anh ta cũng có khả năng, nhưng dễ bằng lòng, làm phim để thoả mãn công chúng dễ tính.
Một điều tôi thấy là Vũ Ngọc Đãng và Nguyễn Quang Dũng, 2 người làm phim trẻ đắt sô hiện nay có một cái xấu là “ăn cắp”. Phim Tết vừa qua của cả 2 đều có các tình huống giống cơ bản một số phim nước ngoài. Phim của Đãng thì ý tưởng, câu chuyện y như một phim của Hàn Quốc, có khác là đặc điểm thoại bất tận tự nhiên chủ nghĩa kiểu phim truyền hình là đặc sản của Đãng. Phim của Dũng thì nhiều tình huống nhái lại một số phim teen của Mỹ.
Đây là vấn đề nghiêm túc, vậy mà không thấy báo nào lên tiếng. Các đạo diễn vẫn ngang nhiên lấy và hưởng. Các nhà sản xuất vẫn tự hào là thu hút khán giả.
Ngoài ra, xu hướng làm phim thương mại còn kéo theo nhiều sự lẫn lộn giá trị. Nền phê bình của chúng ta còn kém. Báo chí chưa có độ tin cậy. Công chúng cũng ít hiểu biết về điện ảnh. Thị hiếu của lớp trẻ đôi khi đáng báo động. Giai đoạn này, tôi thấy lộn xộn.
- Chị nghĩ rằng đây là thời kỳ quá độ, hay do mặt bằng dân trí của ta chưa cao?
Tôi thấy đây là 1 giai đoạn đi xuống của điện ảnh.
Trước đây, nhà nước là cán cân. Bây giờ phim tư nhân thì bát nháo, chủ yếu là phim thương mại để tập trung kiếm tiền. Bản thân phim nghệ thuật chất lượng cũng giảm sút vì thiếu nguồn kinh phí.
Muốn làm phim nhựa phải chờ dài cổ. Mấy năm liền tôi gửi kịch bản “Không có EVA” lên nhưng toàn trượt. Nhiều kịch bản nộp lên chung số phận cứ nằm chờ đắp chiếu. Lãnh đạo điện ảnh thì thích chọn những kịch bản tròn như bi ve, phục vụ tuyên truyền, phim làm xong để cất vào kho.
Nói chung, theo dõi toàn cảnh điện ảnh Việt
Xin cảm ơn đạo diễn Nhuệ Giang!
Nguồn: Hoàng Lê - VNMedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét