Đi là để cống hiến, nhưng vấn đề là cống hiến cái gì?
Chúng ta tham gia tu sửa đường sá, đào thêm con mương mới, cải tạo một cây cầu, sửa chữa mái trường dột nước… Điều đó tạo nên thiện cảm từ người dân và ít nhiều làm thanh niên sở tại thấy có trách nhiệm với làng quê mình. Nhưng như thế là chưa đủ, đơn giản bởi giá trị mà chúng ta tạo ra chỉ là mặt tinh thần. Trên thực tế, có những con đường sửa xong thêm khó đi, cầu xây xong cần phải chờ thời gian thử tải, nhà lợp xong chưa chắc cơn mưa lớn không dột.
Chúng ta tham gia phổ cập giáo dục, vận động em nhỏ tới trường, tổ chức sinh hoạt hè rộn ràng cả xã. Nhưng ít ai nhìn thấy rằng, sau mỗi mùa chiến dịch, thầy cô giáo lại mệt hơn để vận động các em đến trường. Đơn giản vì thầy cô không tổ chức chơi như chúng ta chơi, không có kẹo bánh để các em nhỏ ngày nào cũng chia nhau sau giờ học.
Chúng ta tổ chức hội thao, vận động thanh niên cùng tham gia, mỗi giải đấu đều để lại ấn tượng đẹp. Tối tối, văn nghệ giao lưu làm quê nhỏ nhộn nhịp như một lễ hội. Nhìn số đông người tham gia, mắt chúng ta sáng ngời niềm vui, xúc động vì thấy chương trình mình có ích, hấp dẫn. Nhưng nào ai biết sau quãng hè sôi động, tổ chức Đoàn tại địa phương trở nên lạc lõng vì trình độ vận động hạn chế, phương pháp tổ chức đơn điệu…
Bản chất Mùa hè xanh là một phong trào. Nhưng giá trị nó thì không nên chỉ lên cao trào trong một mùa hè để rồi lắng dịu cho đến mùa hè kế tiếp. Giá trị không chỉ là cân đong đo đếm: Bao nhiêu em tới trường? Sửa bao nhiêu mét đường sá? Xây bao nhiêu căn nhà tình thương? Tổ chức bao nhiêu giải thể thao, bao nhiêu đêm văn nghệ? Bao nhiêu người được tư vấn về sức khỏe, về nông nghiệp, về pháp luật?...
Trên tất cả là làm sao khi kết thúc chiến dịch, những gì chúng ta tạo ra phải được duy trì và tiếp tục. Chính những giá trị này phải được thực hiện bởi những người có trách nhiệm của địa phương.
Chúng ta có thể tập huấn cho cán bộ Đoàn sở tại về kỹ năng hoạt động và hướng dẫn họ tổ chức thay vì chúng ta đứng ra tổ chức; Tập huấn cho cán bộ khuyến nông về chuyên môn thay vì tập trung đông người nông dân cho chúng ta nói; Hướng dẫn cán bộ tư pháp thực hiện đúng yêu cầu pháp luật thay vì chúng ta làm cho họ…
Tóm lại, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa phương là trọng tâm để gia tăng giá trị lâu dài cho Mùa hè xanh.
Đó là sự cống hiến. Một sự cống hiến chỉ nhìn thấy ở thanh niên và trong chính Mùa hè xanh.
Ở mặt ngược lại, chúng ta nên suy nghĩ rằng đi Mùa hè xanh cũng là để trưởng thành về mặt con người xã hội. Cách chúng ta sống, làm việc, chia sẻ với nhau trong một đội; Cách chúng ta thể hiện với người dân địa phương là cả một quá trình để hoàn thiện bản thân. Quá trình ấy chỉ có hiệu quả khi chúng ta thật sự suy nghĩ rằng đi là để trưởng thành.
Từ tư duy ấy, chúng ta mới chỉn chu hơn trong hành động, cẩn thận hơn trong lời nói, sáng tạo hơn trong việc làm và hoàn thiện hơn trong giao tiếp.
Nguyễn Tử Anh
(Cựu cán bộ trường ĐH Luật TP.HCM)
Nguồn: Báo Thanh Niên
Bài này hay quá! tụi mình xin chép về blog MHX nhen bạn!
Trả lờiXóatụi mình đã edit lại rùi. Cảm ơn bạn nhiều nha
Trả lờiXóa