Tiểng ơi! Cách đây vài tuần, gặp bạn tại đám giỗ của bác Tôn, đến nắm tay bạn, anh em nhìn nhau mà không nói một lời, tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng anh em mình gặp nhau trên dương thế.
Tuy biết rằng từ nay bạn sẽ không còn vướng lụy cái đau trên trần tục, hương hồn bạn sẽ tiêu diêu nơi cõi thọ nhưng bạn ơi !...“Tử sanh dẫu biết luật vô thường/ Nhưng khó ngăn dòng lệ tiếc thương”.
Chúng ta đã cùng nhau góp sức trong những công việc làm ngoài việc học như tổ chức chương trình văn nghệ cho các Trường trung học Trương Vĩnh Ký, Đại học Hà Nội và nhất là trong khuôn khổ của nhóm Hoàng Mai Lưu. Trong nhóm này, ngoài ba bạn Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước còn có Quách Vũ, Phan Huỳnh Tấng (sau này đổi tên lại là Phạm Hữu Tùng), nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca và tôi. Mà hôm nay, tất cả các bạn kể trên đều đã ra người thiên cổ, hiện giờ chỉ còn có tôi. Không có bạn bè cùng chí hướng thì tôi có cảm giác rằng bắt đầu từ nay nhóm Hoàng Mai Lưu đã thuộc về dĩ vãng.
GS Trần Văn Khê viết những dòng tiếc thương tại nhà tang lễ. Ảnh: THANH MẬN |
Ai cũng biết bạn là một nhà cách mạng lão thành, lúc các bạn khác đang dùi mài kinh sử thì bạn đã dấn thân vào con đường chính trị và đã cùng Dương Đức Hiền, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên ở Hà Nội liên hệ với những nhà cách mạng tiền bối và định hướng cho tất cả sinh viên bắt đầu tìm hiểu giá trị của những chiến công chống ngoại xâm thời xưa. Do đó, bạn đã gợi cho Lưu Hữu Phước sáng tác những bài Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu tá...
Nhà văn hóa Huỳnh Văn Tiểng sinh năm 1920, tại huyện Củ Chi, TP.HCM.
Từ năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Đông Dương đại hội do Xứ ủy Đảng Cộng sản lãnh đạo, đồng thời ông đã lập các nhóm học sinh ủng hộ báo Đảng, lập các tủ sách Mác-xít và vận động học sinh lấy chữ ký kiến nghị phản đối thực dân Pháp bắt giam các dân biểu cộng sản.
Từ năm 1940-1943, ông lập phong trào Câu lạc bộ Học sinh Sài Gòn và là Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên vận động phong trào sinh viên yêu nước bằng những bài hát ca kịch, truyền bá quốc ngữ cho thanh niên.
Từ năm 1944-1989, ông trải qua các chức vụ như Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa V, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM...
Ông đã nhận được nhiều huân, huy chương vì sự đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Do tuổi cao, sức yếu, ông Huỳnh Văn Tiểng từ trần lúc 9 giờ ngày 4-6-2009. Lễ viếng bắt đầu từ chiều 5-6 và truy điệu, an táng vào lúc 15 giờ ngày 7-6 tại nghĩa trang TP.HCM. |
Chẳng những gợi đề tài mà sau này bạn còn tham gia đặt lời cho nhạc. Ít người biết những câu “thét ra lửa” phần nhiều là do bạn đề xướng như trong bài kêu gọi thanh niên, Lưu Hữu Phước mở đầu: “Tám mươi năm sống đời tối tăm” thì bạn đã tiếp liền câu “Ta diệt thù, người thù, diệt người thù”.
Bỏ qua nhiều bài hát khác, chỉ nhắc lại thời kỳ thành lập phong trào giải phóng miền Nam cần có một bài kêu gọi quần chúng tham gia kháng chiến, ba bạn trong Hoàng Mai Lưu đã cùng nhau trong một đêm sáng tác bài Giải phóng miền Nam. Người hát rất đông mà có ai biết rằng một trong những người đặt những lời ca nảy lửa đó là Huỳnh Văn Tiểng.
Cũng không ai biết được bạn là một nhà viết kịch nói rất hay. Ít ai biết rằng vở Lương Kha bạn viết năm 1942 hay vở Đêm Lam Sơn bạn viết lúc đất nước chưa được thống nhất, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu đi vào lòng của quần chúng đều là những đề tài mới lạ, văn phong rất mới, rất trẻ mà nội dung hàm chứa những lý tưởng mới có đượm chút triết lý Đông Tây...
Hôm nay, bạn đã vĩnh viễn ra đi nhưng thanh niên trong nước sẽ có dịp tìm kiếm những sáng tác của bạn trong lĩnh vực văn hóa và tự rèn luyện cho mình chẳng những là một con người dũng cảm, bất khuất mà còn là một người thanh niên thấm nhuần bản sắc dân tộc Việt Nam. Như vậy thì Tiểng ơi, dù bạn vắng mặt trên trần thế mà những hoạt động chính trị, những sáng tác văn nghệ của bạn sẽ còn mãi trên đời.
Tiểng ơi, vĩnh biệt bạn trên trần thế...
Tâm nguyện của ông vẫn chưa thành... Ngày 21-9-2006, ngồi trên xe lăn, ông Huỳnh Văn Tiểng đã đến dự buổi họp mặt ôn lại kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9) do CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM tổ chức. Tại buổi họp mặt, ông đã nhắn nhủ với các bạn trẻ bằng những câu thơ ngắn gọn mà giàu cảm xúc: “Hỡi các bạn trẻ, chúng tôi vẫn sống mãi/ Hóa thân vào các bạn chút lửa hồng/ Bạt núi ngăn sông xây đất nước/ Bừng sáng Sao Việt giữa trời đông”. Khi đó, ông cũng thay mặt cho thế hệ “mùa thu rồi” chia sẻ tâm tư với lãnh đạo TP: “TP chúng ta đã có Công viên 23-9 nhưng lại chưa có một cụm tượng đài các vị anh hùng, chiến sĩ của mùa thu rồi. Một cụm tượng đài đặt tại Công viên 23-9! Hàng năm, kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến, chúng ta sẽ đến nơi này dâng hương, ca hát, ngâm thơ, kể chuyện cùng con trẻ...”. Được biết, năm 2007, UBND TP.HCM có chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng quy hoạch tượng trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh tổng thể mặt bằng TP đến năm 2025. Thành phố đề xuất nghiên cứu sử dụng Công viên 23-9 với diện tích 10 hecta cho cụm tượng đài Thống nhất và Nam bộ kháng chiến. Thế nhưng đến nay, niềm mong mỏi của ông, cũng là của nhân dân TP vẫn chưa thành hiện thực... THANH TRANG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét