Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê vừa tổ chức thân mật với gia đình, bạn bè tri âm sinh nhật 89 tuổi của mình ngày 24.7.2009 bằng một tối nhạc truyền thống ấm áp và thân tình. Cũng thân tình như khi ông nhiệt tình trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ Trẻ cho dù sức khỏe không tốt lắm sau một đợt làm phim với Truyền hình TP.HCM ở quê hương của ông.
PV: Kính thưa Giáo sư, ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, giữ gìn, lưu truyền vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam không chỉ với trong nước mà với cả thế giới. Điều gì đã “nuôi” sự đam mê để ông trở thành người nắm giữ “kho” tài sản khổng lồ quý giá đó mà gần như là duy nhất ở Việt Nam?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Không phải một” kho tài sản khổng lồ “mà chỉ là một “ sự nghiệp tinh thần” gồm có những văn bản, hình ảnh ,dĩa hát, băng từ, những hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiêp của tôi trong mấy chục năm qua.
Tôi giữ gìn những tư liệu để cho người Việt trong và ngoài nước, bạn bè năm châu bốn biển hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân tộc Việt và cho người Việt hiểu văn hóa, nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới. Hiểu nhau để thương yêu nhau.
Đó là lý tưởng của cuộc đời tôi. Nên tôi để cả cuộc đời thực hiện lý tưởng đó.
PV: Lĩnh vực nghiên cứu và sự thông tuệ của Giáo sư về âm nhạc truyền thống không chỉ của Việt Nam mà còn của các quốc gia Châu Á và thế giới như một pho từ điển “sống”, được thể hiện qua số lượng khổng lồ tác phẩm như: Dĩa hát, băng nhạc, băng video, phim, sách…. Giáo sư đã dùng thời gian như thế nào để có thể làm được những công việc phi thường như thế ?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Tôi không tiêu xài tiền bạc làm ra để hưởng thụ. Tôi không uống rượu, không hút thuốc, không đổi xe theo thời trang. Mỗi khi đi nước ngoài dự hội nghị, tôi để tiền mua sách nghiên cứu, dĩa hát ghi nhạc truyền thống của nhiều dân tộc, chụp hình ảnh kỷ niệm. Tôi được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp gởi đi điền dã tại nhiều nước. Unesco gởi đi công cán tại nhiều nơi, được mời tham dư hơn 200 Hội nghị, Hội thảo, Liên hoan âm nhạc quốc tế trên 67 mước, nên tôi mới có dịp sưu tầm, những hiện vật tôi có được đến ngày nay.
PV: Điều Giáo sư tâm đắc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Đúng vậy. Không phải chỉ một lọai nhạc, của một vùng nào mà rất nhiều lọai trong cả nước. Tôi đã gặp gỡ, trao đổi, học hỏi với nhiều nghệ nhân về Ca Trù, Chầu Văn, Quan họ, Hát chèo , múa Rối Nước miền Bắc, các điệu hò lý , ca nhạc thính phòng Huế, nhã nhạc cung đình Huế, các loại dân ca miền Nam, được sống trong không gian đờn ca tài tử, trong gánh cải lương Đồng nữ ban của cô tôi bà Trần Ngọc Viện, gặp gỡ thân mật với những diễn viên bực nhứt của nghệ thuật cải lương, đã tiếp cận với một số dân tộc ít người Chăm, Mường, Khmer, Ê đê, Gia Lai , đã được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhiều chuyên gia nghiên cứu Việt . Điều đó giúp cho tôi không có` “địa phương tính” .
PV: Giáo sư suy nghĩ như thế nào khi Việt Nam bước vào thế kỷ 21 là bước vào xu thế “tòan cầu hóa”, “hội nhập”, nguy cơ những giá trị văn hóa- âm nhạc truyền thống sẽ bị ảnh hưởng, bị đồng hóa,thậm chí bị mất đi trong nền kinh tế thị trường?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Tôi không lo điều đó lắm, vì dân tộc Việt đã bị chánh sách đồng hóa của Trung quốc trên cả ngàn năm, bị chánh phủ thuộc địa Pháp cai trị gần cả trăm năm, mà dân Việt đã giữ được tiếng nói, phong tục tập quán, và bản sắc văn hóa dân tộc đến ngày nay.
Nhưng lần nầy trong cuộc hội nhập quốc tế tôi có lo âu vì dân tộc Việt chẳng những mất tự do rất lâu lại bị hơn 30 năm chiến tranh, bị những nếp sống mới làm cho lu mờ nền âm nhạc kịch nghệ truyền thống.
Và âm nhạc kịch nghệ truyền thống đã “lâm bịnh trầm trọng” và nay đã thành mạn tính. Vì nhiều hòan cảnh lịch sử, điều kiện chánh trị kinh tế làm cho dân Việt nhứt là tuổi trẻ xa lần, quay lưng với truyền thống nghệ thuật dân tộc mà còn giang tay mở rộng đón truyền thống nước ngoài, bị một mặc cảm tự ti trầm trọng, tinh thần vọng ngọai chi phối, nên tôi thấy, nếu chúng ta không trang bị cho thế hệ trẻ một sự hiểu biết thấu đáo của truyền thống nghệ thuật dân tộc để làm một phương thuốc “miễn dịch “, thì trong cuộc hội nhập thế giới ngày nay, truyền thống âm nhạc nghệ thuật của chúng ta – và cả nên văn hóa của chúng ta có thể không “hòa nhập” với thế giới mà sẽ bị “ hòa tan” trong cuộc gặp gỡ đó.
PV: Theo như Giáo sư chúng ta nên làm gì để giữ gìn, bảo tồn bản sắc di sản văn hóa-âm nhạc truyền thống?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Tôi không thể trong khuôn khổ một bài phỏng vấn nầy đưa ra đầy đủ những biện pháp, những phương thuốc để trị bịnh mạn tính đó. Phải có một cách “ trị căn” chớ không phải “ trị chứng”. Xin mời các bạn đọc trên nhiều mạng của Âm Nhạc Viện, Tiếng Hát quê hương , của Trần Quang Hải hay của tôi bài “ Căn bịnh mạn tính của truyến thống âm nhạc dân tộc Việt Nam”
PV: Vừa qua trong kỳ họp Quốc Hội,vào tháng 6.2009, đã thông qua sửa đổi một số điều trong Luật Di sản Việt Nam, trong đó việc xếp lọai di sản phi vật thể vẫn còn rất chung chung. Âm nhạc truyền thống Việt Nam là một lọai hình di sản phi vật thể rất quý giá, đã có một số lọai hình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu phi vật thể của thế giới.Theo ý kiến riêng của Giáo sư việc xếp lọai để bảo tồn, giữ gìn, phát triển âm nhạc truyền thống nên làm như thế nào để không bỏ sót, không “bên trọng- bên khinh”?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Quan trọng không phải công việc “ xếp loại” mà phải “thay đổi tư duy” không phải ở một từng lớp mà ở tòan dân ta , bắt đầu là “chánh quyền”. Không phải chỉ đưa ra những “khẩu hiệu” vạch ra “đường lối” mà nên có những “biện pháp cụ thể hữu hiệu” để giúp cho nhiều bộ môn trong di sản phi vật thể và truyền khẩu của chúng ta được săn sóc , nuôi dưỡng thật sự, bằng “ngân quĩ” chớ không phải bằng “lời nói”.
Nghệ nhân phải ý thức rằng mình đang nắm trong tay di sản quí báu của Cha Ông chúng ta đãtruyền lại từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, sẵn sàng trao lại cho thế hệ trẻ “ hết lòng, không giấu nghề”.
Giới trẻ có ý thức rằng các bạn có “bổn phận “ giữ gìn và phát huy” nền văn hóa dân tộc Việt . Nên tìm hiểu, học hỏi với các nghệ nhân.
Các Công ty xuất bản sách báo, các cơ quan truyền thông đại chúng và nhứt là quần chúng cần có ý thức “ủng hộ thiết thực” truyền thống văn hóa bằng những khả năng của mình .
Nếu ngay bây giờ toàn dân có ý thức đó , và hết lòng hỗ trợ, thì vài chục năm sau mới mong thấy được sự hồi sinh của nền văn hóa dân tộc.
PV: Năm 2009 được Bộ Ngọai giao, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch làm năm “Ngọai giao văn hóa”,Giáo sư đánh giá như thế nào về âm nhạc dân tộc Việt Nam trong việc giao lưu, hội nhập với âm nhạc thế giới, và làm công tác “Ngọai giao văn hóa”?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Khi bước vào lĩnh vực ngọai giao để giao lưu hai nền văn hóa trong và ngoài nước, người ta thường tìm những yếu tố mạnh nhứt để giao lưu, để giới thiệu. Văn hóa Việt Nam có nhiều điểm hay và đặc biệt nhưng thực sự chưa được quan tâm đúng và đủ. Nói về văn hóa có rất nhiều lãnh vực không chỉ riêng nghệ thuật. Chúng ta có văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa nếp sống … Văn hóa nếp sống Việt Nam thì đặc biệt thấp ! Trong rạp hát, những buổi biểu diễn, hòa nhạc thì khán giả ăn quà, nói chuyện bàn tán huyên thuyên trong khi nghệ sĩ đang biểu diễn, khán giả thậm chí chẳng vỗ tay với nghệ sĩ. Người nghệ sĩ không chỉ sống bằng cơm ăn, áo mặc mà còn bằng những món ăn tinh thần từ khán giả. Văn hóa giao thông, ra đường của người dân Việt càng cần được giáo dục triệt để.
Về văn hóa ẩm thực, chúng ta cũng có vài món Việt rất ngon lạ được thế giới công nhận. Rượu Việt ta cũng có những lọai rượu ngon làm từ nếp, từ hoa, từ thực vật … nhưng không biết giới thiệu và làm nổi bật lên. Chúng ta không thể giao lưu văn hóa ẩm thực bằng việc giới thiệu rượu vang ĐL, bia H. là những sản phẩm bắt chước công thức cùng loại ở nước ngoài.
Việt Nam có những ưu thế trong lãnh âm nhạc truyền thống như nhạc Cung Đình Huế, Cồng Chiêng… nhưng các thể loại này vẫn chưa được quan tâm đủ. Trong buổi giới thiệu văn hóa nghệ thuật với đoàn khách nước ngoài tại Hội nghị Apec người ta lại đưa ra dàn nhạc giao hưởng ! Khách nước ngoài đến giao lưu văn hóa nước ta để xem văn hóa của ta là gì, như thế nào không phải xem chúng ta bắt chước hay như thế nào !
Tóm lại để bước vào năm “Ngoại giao Văn hóa”, toàn quốc phải có một phong trào cổ động việc giáo dục toàn dân về mọi lãnh vực, chuẩn bị tốt mới có thể giới thiệu văn hóa nước mình ra thế giới.
PV: Giáo sư được xem như một pho “từ điển sống” về vốn di sản văn hóa-âm nhạc truyền thống Việt Nam. Rất muốn tò mò được biết Giáo sư có truyền nhân để kế thừa những gì tâm huyết hiện thời và cũng là để giữ gìn cho tương lai nhiều thế hệ sau?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Cám ơn đã cho tôi là một pho “từ điển sống” nhưng thực sự hiểu biết của tôi vẫn luôn có giới hạn. Người ta “tầm sư học đạo”, còn tôi “đốt đuốc tìm học trò”. Học trò tôi, những hậu nhân ngày nay cùng lãnh vực của tôi có những người rất có tài nhưng các cháu có người mạnh mặt này, yếu mặt nọ, chưa thực sự tổng hợp được những yếu tố mà tôi có được ! Các cháu là những người rất nhiệt huyết, có tình yêu nghệ thuật Việt Nam cao, có tâm đi theo con đường âm nhạc truyền thống nước nhà… Tuy nhiên trong các cháu vẫn luôn có những yếu tố khách quan khác để tôi không thể chọn là “truyền nhân kế thừa”. Con trai lớn của tôi, có khá đầy đủ yếu tố để kế thừa những tâm huyết cuộc đời tôi theo đuổi nhưng cháu cũng có sự nghiệp và theo bộ môn nghệ thuật “Đồng song thanh”. Vậy thì cho tới giờ, thực sự có thể nói rằng tôi vẫn chưa có “truyền nhân” !
PV: Với những người trẻ, Giáo sư có thể hy vọng điều gì và muốn nhắn gửi điều gì để họ có ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát triển vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại công nghệ cao, du nhập nhiều luồng văn hóa, nhiều lọai hình âm nhạc?
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Yêu âm nhạc Việt Nam không có nghĩa là “bế môn tỏa cảng” với âm nhạc nước ngoài ! Trái lại chúng ta càng phải mở rộng tầm nhìn, tầm nghe, tầm hiểu biết về âm nhạc nước ngoài mà phân tích tìm hiểu cái hay, cái mạnh của họ để rồi sau đó chỉnh sửa, bổ sung vào âm nhạc nước nhà.
Kim chỉ nam cho công việc này là luôn nhớ rằng Việt Nam là “Chủ” thì văn hóa Việt Nam phải là “Chủ”. Văn hóa nước ngoài là khách ! Đã là khách vô thăm thì phải ra về ! Khách vô thì ở phòng khách, không phải vô nhà từ đường, không đẩy bàn thờ mà ngồi đó cho thanh niên cúi lạy.
Văn hóa Việt Nam là “cơm”, không có cơm thì chúng ta đói. Văn hóa nước ngoài là gia vị, là món ăn chơi cho ngon miệng. Không thể lấy gia vị, lấy món ăn chơi mà thay cơm !
Văn hóa Việt là nước, không có nước chúng ta khát ! Thỉnh thỏang không uống nước, chúng ta cũng thích dùng một chút rượu. Văn hóa nước ngoài cũng có cái lạ, cái kích thích như rượu. Dẫu là rượu ngon, chúng ta cũng không thể đem rượu mà thế nước.
Được như vậy đó mới là ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát triển vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại công nghệ cao và đang du nhập nhiều luồng văn hóa, nhiều lọai hình âm nhạc.