Thân cư tại ngọai, tâm tại quê hương
Nhiều lần ông bày tỏ tâm ý để giãi bày với mọi người lý do ông trở về Việt Nam: Ở Pháp, tôi đã thực hiện được hoài bão và nguyện vọng là đem tiếng nhạc Việt Nam giới thiệu khắp năm châu bốn biển. Việt Nam là quê hương và là nơi tôi thừa hưởng di sản nghệ thuật âm nhạc dân tộc. GS-TS Trần Văn Khê
Do vậy, lần này về quê hương tôi có ý định sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy, gặp gỡ các bạn bè trong và ngoài nước trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống.
Bên cạnh đó, tôi sẽ công bố và đưa ra những gì mình đã chuyên tâm nghiên cứu về âm nhạc suốt mấy chục năm qua tới các trường học cũng như đối với những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân yêu mến âm nhạc. Tôi mong muốn, những tài liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu về âm nhạc của tôi sẽ được mọi người tiếp nhận và phát huy.
Thưa Giáo sư, ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, giữ gìn, lưu truyền vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam không chỉ với trong nước mà với cả thế giới. Điều gì đã “nuôi” sự đam mê để trở thành người nắm giữ “kho” tài sản khổng lồ và gần như là duy nhất ở Việt Nam?
- Không phải một “kho tài sản khổng lồ” mà chỉ là một “sự nghiệp tinh thần” gồm có những văn bản, hình ảnh, dĩa hát, băng từ, những hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiêp của tôi trong mấy chục năm qua.Tôi giữ gìn những tư liệu để cho người Việt trong và ngoài nước, bạn bè năm châu bốn biển hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân tộc Việt và cho người Việt hiểu văn hóa, nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới. Hiểu nhau để thương yêu nhau.
Giáo sư đã sử dụng thời gian như thế nào để có thể làm được những công việc phi thường như thế ?
- Tôi không tiêu xài tiền bạc làm ra để hưởng thụ. Tôi không uống rượu, không hút thuốc, không đổi xe theo thời trang. Mỗi khi đi nước ngoài dự hội nghị, tôi để tiền mua sách nghiên cứu, dĩa hát ghi nhạc truyền thống của nhiều dân tộc, chụp hình ảnh kỷ niệm. Tôi được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp gởi đi điền dã tại nhiều nước. UNESCO gởi đi công cán tại nhiều nơi, được mời tham dự hội nghị, hội thảo, Liên hoan âm nhạc quốc tế trên 67 nước, nên tôi mới có dịp sưu tầm, những hiện vật tôi có được đến ngày nay.
Điều khiển xe lăn điện đi lấy sách trong nhà |
Điều Giáo sư tâm đắc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam?
- Không phải chỉ một loại nhạc, của một vùng nào mà rất nhiều loại trong cả nước. Tôi đã gặp gỡ, trao đổi, học hỏi với nhiều nghệ nhân về ca trù, chầu văn, quan họ, hát chèo , múa rối nước miền Bắc; các điệu hò lý , ca nhạc thính phòng Huế, nhã nhạc cung đình Huế, các loại dân ca miền Nam, được sống trong không gian đờn ca tài tử, trong gánh cải lương Đồng nữ ban của cô tôi bà Trần Ngọc Viện, gặp gỡ thân mật với những diễn viên bực nhứt của nghệ thuật cải lương, đã tiếp cận với một số dân tộc ít người Chăm, Mường, Khmer, Ê đê, Gia Lai, đã được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhiều chuyên gia nghiên cứu Việt . Điều đó giúp cho tôi không có “địa phương tính” .
Rất tiếc tôi vẫn chưa có truyền nhân
Giáo sư suy nghĩ như thế nào khi Việt Nam bước vào thế kỷ 21với xu thế “toàn cầu hóa”, “hội nhập”, có hay không việc những giá trị văn hóa- âm nhạc truyền thống sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ biến mất trong nền kinh tế thị trường?
- Tôi không lo điều đó lắm, vì dân tộc Việt đã bị chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc trên cả ngàn năm, bị chính phủ thuộc địa Pháp cai trị gần cả trăm năm, mà dân Việt vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán, và bản sắc văn hóa dân tộc đến ngày nay.
GS Trần Văn Khê (đánh đàn). Nguồn: vietbao |
Nhưng lần nầy trong cuộc hội nhập quốc tế tôi có lo âu vì dân tộc Việt chẳng những mất tự do rất lâu, lại bị hơn 30 năm chiến tranh, bị những lối sống mới làm cho lu mờ nền văn hóa-âm nhạc truyền thống. Văn hóa của chúng ta có thể không “hòa nhập” với thế giới mà sẽ bị “ hòa tan” trong cuộc gặp gỡ đó.
Giáo sư đánh giá thế nào về âm nhạc dân tộc Việt Nam trong việc giao lưu, hội nhập với âm nhạc thế giới, và làm công tác “ngoại giao văn hóa”?
- Chúng ta phải đầu tư về chất xám cũng như về kinh phí để các đoàn nghệ thuật dân tộc ra trình diễn tại nước ngoài, với những chương trình âm nhạc dân tộc có chất lượng nghệ thuật với lời giới thiệu khoa học, ngắn gọn mà đầy đủ.
Ngoài ra, chúng ta cần tạo điều kiện hơn nữa cho nghệ sĩ đi dự liên hoan quốc tế cũng như đưa các nhà nghiên cứu đi dự hội nghị quốc tế về âm nhạc, kịch nghệ. Văn hóa và âm nhạc của chúng ta được giới thiệu và thảo luận trong các hội nghị quốc tế sẽ được nhiều nước tham dự quan tâm và thưởng thức.
Theo như Giáo sư chúng ta nên làm gì để giữ gìn, bảo tồn bản sắc di sản văn hóa-âm nhạc truyền thống?
- Thuyết phục, nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc tại các trường học hay qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên liên hệ với các Nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới để đưa các khái niệm về âm nhạc truyền thống Việt Nam vào trong bách khoa từ điển hay liên hệ với nhiều hãng in băng, đĩa để giới thiệu các bộ môn âm nhạc dân tộc.
Với kho kiến thức khổng lồ của mình, giáo sư đã tìm được truyền nhân kế thừa chưa?
- Người ta “tầm sư học đạo”, còn tôi “đốt đuốc tìm học trò”. Học trò tôi, những hậu nhân ngày nay cùng lãnh vực của tôi có những người rất có tài nhưng các cháu mạnh mặt này, yếu mặt nọ, chưa thực sự tổng hợp được những yếu tố mà tôi có được! Các cháu là những người rất nhiệt huyết, có tình yêu nghệ thuật Việt Nam cao, có tâm đi theo con đường âm nhạc truyền thống nước nhà…
Tuy nhiên trong các cháu vẫn luôn có những yếu tố khách quan khác để tôi không thể chọn là “truyền nhân kế thừa”. Con trai lớn của tôi, có khá đầy đủ yếu tố để kế thừa những tâm huyết cuộc đời tôi theo đuổi nhưng cháu cũng có sự nghiệp riêng và theo bộ môn nghệ thuật “Đồng song thanh”. Vậy thì cho tới giờ, thực sự có thể nói rằng tôi vẫn chưa có “truyền nhân” !
Hoài Hương (thực hiện)
http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/2009/08/861325/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét