Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Khép màn sân khấu cải lương tại đêm tưởng niệm cố NSND Phùng Há

Đêm 24/7, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức chương trình nghệ thuật Ngọn nến lung linh để tưởng niệm NSND Phùng Há. Từ khi NSND Phùng Há vĩnh viễn ra đi, các nghệ sĩ thay nhau lên báo khóc lóc tưởng niệm vị Tổ của cải lương Việt Nam...giả dối!!!

Vậy mà... thay vì tiếp bước con đường của vị Tổ sư, chính những nghệ sĩ cải lương đã giết chết bộ môn nghệ thuật dân tộc...

Họ là ai, là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, là những người được sự ngưỡng mộ của khán giả, là... nói ra sự thật này không nên nhưng đúng là họ giàu có biết bao nhiêu ...

Và họ đã đạp đổ cải lương một cách không thương tiếc vì sự cẩu thả, hời hợt của chính bản thân mình...

Đó không phải là yêu nghề kính TỔ... tất cả lời nói đều giả dối... thử xem những chương trình vầng trăng cổ nhạc sẽ thấy... hát múa minh họa rợp trời, quần áo lộng lẫy, trang điểm kiêu sau nhưng diễn và hát thì ngược lại

Sau đêm 24/7 báo Phụ Nữ TPHCM có đăng bài chỉ trích chương trình, về sự cẩu thả hời hợt của các nghệ sĩ như Kim Tử Long, ... bài viết "đúng" này chắc bị nghệ sĩ phản ánh nên không đăng trên mạng... số sau lại có phân trần xin lỗi của NS Kim Tử Long...

Cáo chung rồi cải lương Việt Nam

May thay trên VNN có đăng bài của báo PN TPHCM và của 1 khán giả
Đêm tưởng niệm NSND Phùng Há: Ngọn nến lung linh thành... leo lét!

  Thứ ba, 28/7/2009, 10:19 GMT+7
 
Đêm 24/7, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức chương trình nghệ thuật Ngọn nến lung linh để tưởng niệm NSND Phùng Há.

Toàn bộ nghệ sĩ tham gia chương trình đều không nhận thù lao, doanh thu của đêm hát được góp phần giúp con em của nghệ sĩ nghèo, công nhân hậu đài lo chi phí học hành, đúng theo di nguyện của NSND Phùng Há. Với ý nghĩa cao đẹp ấy, Ngọn nến lung linh thật sự là đêm hội ngộ của nghệ sĩ - khán giả cải lương các thế hệ. Rạp Hưng Đạo không còn chỗ trống, kể cả các lối đi, hành lang cũng chật kín người xem.

Thế nhưng, nếu phần lễ với sự hiện diện đầy trang trọng, xúc động của GS Trần Văn Khê, nghi lễ thắp nến tưởng niệm của các thế hệ NS, toàn bộ khán giả đồng loạt đứng lên trong phút mặc niệm... đem đến những xúc cảm mạnh mẽ thì phần "hội" - biểu diễn nghệ thuật đã bộc lộ sự cẩu thả, hời hợt, ngoại trừ sự chỉn chu, cẩn trọng, điệu nghệ của các NS Bạch Tuyết, Thanh Sang, Minh Vương, Ánh Hoa, Thanh Thanh Tâm...



Nghệ sĩ Kim Tử Long (phải) đã đạt "kỷ lục" về... quên tuồng trong đêm hát 24/7

Phần âm nhạc "đề từ" cho toàn bộ chương trình, thay vì nên là bài Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ, vua của âm nhạc cải lương, thì lại được Ban tổ chức chọn một ca khúc tân nhạc, với phần hòa âm ồn ào, không thể làm nhạc nền cho phần Kinh nhật tụng. Diễn viên Kim Tử Long, một học trò của cô Bảy trong trích đoạn Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga thì hầu như... không thuộc tuồng. Anh có lẽ là người ghi "kỷ lục" về sự quên tuồng trong đêm diễn này, cả trong trích đoạn Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga lẫn Đời cô Lựu; NSƯT Lệ Thủy cũng lẫn lộn trong phần thoại "pha cà phê”, nên đành "dí dỏm" pha trò "tại lâu nên quên, để tui nói lại nè...". NSƯT Phượng Loan lại xuất hiện quá luộm thuộm trong trích đoạn Tiếng trống Mê Linh. Ai đời, nữ vương Trưng Trắc rút gươm ra khỏi vỏ mà thao tác cứ lúng túng, chưa kể hình ảnh chị đưa tay cố gạt vành khăn tang rớt xuống che cả khuôn mặt để nâng kiếm lệnh. Sự cẩu thả này làm mất hẳn vẻ uy nghi, hào hùng của hình tượng nhân vật.

Sinh thời, NSND Phùng Há là một người thầy tận tụy và rất nghiêm khắc. Hẳn cô Bảy sẽ phiền muộn lắm khi có nhiều cô cậu học trò áo mão xênh xang nhưng lại nghèo nàn ý thức làm nghề, ý thức giữ gìn cái đẹp, cái nghiêm túc và cả đạo làm nghề!

Điều đáng nói, đã gọi là đêm tưởng niệm NSND Phùng Há nhưng nhiều trích đoạn, bài ca cứ như thể... lọt ở đâu ra, chả dính dáng gì đến sự nghiệp của nữ NS bậc thầy này. Ví dụ, Tướng cướp Bạch Hải Đường với phần trình diễn nhạt nhẽo, vô duyên, ồn ào của một dàn NSƯT như Vũ Linh, Phượng Loan... Hay tiết mục tấu hài của Chí Tài, Hữu Lộc... càng không thích hợp với không khí của một đêm tưởng niệm. Đâu rồi những Sân khấu về khuya, Mộng hoa vương, Giọt máu chung tình... một thời lừng lẫy cùng cô Bảy đi vào trang vàng của loại hình nghệ thuật cải lương?

Chưa kể, tranh thủ phần giải lao, Ban tổ chức liền phát loa gọi mời khán giả mua băng đĩa. Thật ra, "hiện tượng" rao bán băng đĩa ngay trong rạp hát lâu nay đã khiến nhiều khán giả không đồng tình vì đánh mất văn minh rạp hát, văn hóa thưởng thức. Và ở đêm biểu diễn nghệ thuật có tính tôn vinh – tưởng niệm này lại càng không nên. Chúng ta đang quyết tâm loại bỏ nạn vé chợ đen, ăn uống trong rạp hát, ăn mặc thiếu lịch sự khi đến rạp, vậy mà lại tiếp tay cho cái cảnh vài ba người ôm mấy chục cuốn băng đĩa rao mời ồn ào, thối tiền nhộn nhạo...

Tài năng nghệ thuật, trách nhiệm truyền nghề, đạo đức của người công dân - nghệ sĩ, kiến trúc sư của công trình văn hóa chùa Nghệ sĩ - Nghĩa trang nghệ sĩ, Viện dưỡng lão NS, Ban Ái hữu NS... hầu như đã không được đề cập đến trong đêm tưởng niệm. Những "ngọn nến lung linh" tưởng niệm về người Thầy, vì thế bỗng trở nên... leo lét!

http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/vn/tinnhacviet/26504/index.aspx
Đêm tưởng niệm NSND Phùng Há: Một sự thất vọng...

Sự ra đi của NSND Phùng Há đã để lại bao sự kính trọng, tiếc thương trong lòng các thế hệ nghệ sĩ và công chúng. Và xuất phát từ hai chữ “tiếc thương” đó mà từ Úc, Mỹ cho đến Việt Nam, mỗi nơi đều đã có những đêm diễn để tưởng niệm bà, đồng thời, cũng để dùng số doanh thu này tiếp tục công việc thiện nguyện còn đang dang dở của bà. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa…Tuy nhiên, nếu như chương trình được thực hiện xuất phát từ một cái “TÂM” như thế, thì thiết nghĩ, nội dung và cấu trúc của chương trình cũng phải dàn dựng sao cho xứng với cái “TẦM” của bà cộng với nhiệt tình của khán giả tri âm.

Đến với đêm tưởng niệm NSND Phùng Há được tổ chức tại rạp Hưng Đạo vào tối 24.7.2009, tôi cũng như đa số khán giả khá thất vọng bởi cách tổ chức hời hợt, thiếu chuyên nghiệp của những người thực hiện chương trình.


NSND Phùng Há

Ngay ở những giây phút đầu tiên dành để tưởng niệm bà, người xem cảm giác hụt hẫng bởi hình thức nghèo nàn, nội dung khiên cưỡng , chưa kể quá luộm thuộm trong diễn tiến chương trình. Lạ hơn nữa là nó đã được bắt đầu bằng bài hát “Bông hồng trắng” do một ca sĩ được giới thiệu là ở hải ngoại thể hiện qua đĩa (?!) với sự minh họa của vũ đoàn Vầng trăng.

Thứ nhất giọng ca của ca sĩ này không có gì đặt biệt nếu không muốn nói là tầm thường, âm thanh CD khô cứng. Thứ hai bài hát không nói lên được sự cao cả vĩ đại của NSND Phùng Há vốn là cây đại thụ , là vị Tổ của nghệ thuật Cải lương. Nên chăng và sẽ ý nghĩa biết bao nếu bài Dạ cổ hoài lang được dùng ở đây với toàn thể dàn nhạc dân tộc. Thứ ba , tất cả các nghệ sĩ nhiều thế hệ có mặt trong đêm hát tưởng nhớ Bà chẳng lẽ không một ai có khả năng hát “live” trong giờ phút trang nghiêm quan trọng của ngành nghề? Tiếp theo đó là NSUT Ng.G hát nhép 1 câu nguyện trong quyển Kinh nhật tụng của Phật giáo, nhưng tiếc là câu này lại không ăn nhập gì đến tình huống trên sân khấu mà đúng ra là nên sử dụng 4 câu Hồi hướng dùng kết thúc mỗi bài Kinh, là đầy đủ ý nghĩa.Và lại, giá như chỉ cần GSTS Trần Văn Khê với tư cách là người chủ trì của đêm tưởng niệm gióng ba hồi trống, sau đó, có những giây phút để các nghệ sĩ và khán giả trang nghiêm mặc niệm rồi các nghệ sĩ lần lượt dâng những ngọn nến lên tháp nến đặt dưới khuôn hình bà… trên một nền nhạc đậm chất cải lương, bấy nhiêu đó thôi là đầy đủ sự trang trọng, ấm áp…Tiếc thay!

Sau đó, chương trình biểu diễn văn nghệ được bắt đầu với gần 15 tiết mục với độ dài hơn 5 tiếng đồng hồ nhưng ngoài bài phát biểu ngắn gọn của ông Phan Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát THT nói về những đóng góp của NSND Phùng Há và những lời kể của GSTS Trần Văn Khê về những kỷ niệm của ông với NSND Phùng Há, còn lại xuyên suốt chương trình, người xem không “bắt gặp” một chút “bóng dáng” nào của bà. Đâu rồi công trình nhà Ái hữu , nghĩa trang , Chùa nghệ sĩ , Viện Dưỡng lão ? Trong khi đó, những khán giả đến với chương trình, đặc biệt là những khán giả trẻ rất cần và rất muốn biết những hình ảnh, chân dung của bà mà thiết nghĩ, trong ký ức của những nghệ sĩ thế hệ vàng, rồi những nghệ sĩ trẻ sau này… còn biết bao nhiêu điều chưa nói. Sự dàn trải thiếu hợp lý , thiếu chắt lọc ở một số tiết mục đã khiến cho chương trình hầu như mất đi ý nghĩa của một đêm tưởng niệm, rốt lại chỉ có thể xem như một show diễn “qua quít “ cốt gây quỹ từ thiện đơn thuần.

May thay , có hai tiết mục trong chương trình gây được ấn tượng đối với khán giả đó là trích đoạn “Đời cô Lựu” với sự biểu diễn tuyệt vời của các NS: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Kim Tử Long, Hoài Linh và trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt” của Thanh Thanh Tâm, Trọng Phúc, còn những trích đoạn, những bài ca cổ còn lại đều nhạt nhẽo, đó là chưa kể, trong trích đoạn “Kiều Nguyệt Nga”, NS Kim Tử Long đã bị quên lời cả một đoạn dài khiến cho người xem cảm thấy rất ngỡ ngàng (!). Bên cạnh đó, tiết mục hài của nhóm Nụ cười mới ở cuối chương trình với những mảng miếng chọc cười vô duyên khiến người xem có cảm giác rất khó chịu. Vì vậy , chương trình đã không đủ sức hút để cầm chân khán giả đến những giây phút sau cùng.

Điều đáng ghi nhận ở đây đó là tấm lòng của các nghệ sĩ đối với người Thầy vĩ đại của mình. Nhưng xem ra họ cũng bị hẫng như khán giả vì chương trình được dàn dựng quá hời hợt khiến đêm diễn đáng lẽ thật sự là đêm “tưởng niệm” đã không đạt được thực hiện đúng với nội dung giá trị cần phải có... Tóm lại , cách tổ chức thừa tấm lòng nhưng thiếu chuyên nghiệp của chương trình đêm 26/7 tại rạp hát Hưng Đạo , thêm một yếu tố góp phần làm nản lòng những khán giả từng yêu mến trân trọng với cải lương…

http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/vn/bandocviet/26558/index.aspx


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...