Start: | Aug 1, '09 7:30p |
End: | Aug 1, '09 10:00p |
Location: | 32 Huỳnh Đình Hai P.24 Q.Bình Thạnh TPHCM |
ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG PHÁT TRIỂN MÀ KHÔNG NGOẠI LAI
PHẦN 1: GS Trần Văn Khê giới thiệu
Một loại hình âm nhạc được gọi là truyền thống khi do chính người Việt sáng tạo; được đa số quần chúng chấp nhận, biểu diễn và thưởng thức, chắc lọc những nét đặc sắc và lưu truyền qua nhiều thế hệ
Có những loại nhạc rất được ưa chuộng, nhưng chỉ tồn tại trong một giai đoạn rồi chìm vào quên lãng được xem như là thời trang đến rồi đi. Còn âm nhạc truyền thống thì vừa có bề dày của lịch sử vừa có chiều sâu của nghệ thuật, chịu thử thách của thời gian mà vẫn trường tồn.
Nhưng một truyền thống không phải bất di bất dịch mà có thể thay đổi theo thời đại, theo nếp sống và quan điểm thẩm mỹ của quần chúng. Nếu không thì truyền thống đó sẽ bị xơ cứng, không phát triển, dẫn đến việc có thể bị chìm vào quên lãng.
Chính vì vậy, những bài bản nào được phát triển một cách hài hòa từ bên trong của truyền thống thì được phổ biến rộng rãi, như bài “Dạ cổ hoài lang”, biến thể từ nhịp đôi ban đầu đã chuyển sang nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu, nhịp ba mươi hai, cho đến nay vẫn còn được ưa thích.
Trong nhạc tài tử, những dị bản được phát triển theo phong cách “chân phương – hoa lá” thì dễ được chấp nhận, như bài “Lưu thủy khúc” được chuyển thành “Lưu thủy thục giang”, “Lưu thủy đoản”, “Lưu thủy đổi ngón”, đến “Lưu thủy trường”.
Trong bộ môn cải lương, từ sau năm 1945 có thêm những bài bản mới được sáng tác dựa theo các thang điệu âm thức cổ truyền, các chữ đàn có già có non, có nhấn nhá, luyến láy theo phong cách xưa; những bài bản này lại thể hiện bằng các nhạc cụ dân tộc nên được giới trong nghề cũng như quần chúng ưa thích và chấp nhận. Một số bài điển hình như “sương chiều Tú Anh” (theo hơi Quảng), “Đoản khúc Lam Giang” (theo hơi Ai Oán), “Tình Bắc duyên Nam”…
Ít người biết rằng từ năm 1972, ông Nguyễn Tri Khương (Năm Khương) đã sáng tác nhiều bài bản mới theo phong cách tài tử, cải lương cổ trong tuồng cải lương “Giọt lệ chung tình” do gánh hát Đồng Nữ Ban (của cô Ba Viện thành lập tại Vĩnh Kim, chợ Giữa), ông Năm Khương có sáng tác những bài như “Yến tước tranh ngôn” (theo hơi Bắc), “Phong xuy trịch liễu” (theo hơi Xuân nữ, với tiết tấu của bài Nam tẩu); “Thất trĩ bi hùng” (theo hơi Ai, mà trong 3 đoạn theo hơi Bán Xuân Bán Ai), với lời văn chải chuốt và âm điệu ngọt ngào. Tiếc rằng thời gian tồn tại của Đồng Ban Nữ quá ngắn ngủi (chỉ hoạt động vỏn vẹn hơn một năm thì bị chánh quyền thuộc địa rút giấy phép vì cho rằng gánh hát có tinh thần cách mạng) nên những bài bản mới đầy tính nghệ thuật nói trên chưa có đủ thời gian gây ấn tượng trong quần chúng.
Trong lĩnh vực nhạc khí thuộc bộ gõ của truyền thống Việt Nam cha ông chúng ta đã sáng tác những bài bản rất tinh vi cho nhiều loại trống và nhạc khí bằng gỗ hay bằng đồng, để dùng trong các buổi tế lễ trên sân khấu.
Buổi sinh hoạt văn nghệ định kỳ lần 4 với chủ đề “Nhạc lễ VN và các loại trống” – tổ chức hồi tháng 4.2007 tại tư gia GS Trần Văn Khê – đã có dịp giới thiệu những bài bản trống phát triển mà không mang tính chất ngoại lai. Bằng cách sử dụng nhạc khí cổ truyền với phong cách cổ, lần này nghệ sĩ sẽ giới thiệu vài sáng tác mới như “Phát triển Bồng”, “tiết tấu Lý ngựa ô”, ngẫu hứng…
Điều này cho thấy tấm lòng của những nghệ sĩ, chẳng những thiết tha giữ gìn truyền thống bằng cách vay mượng những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như dùng quy luật hòa âm đối vị của phương Tây, biến những bài dân ca đơn âm thành một bài đa âm với nhiều bè,… kết quả là tạo ra một loại nhạc mang âm hưởng ngoại lai. Những loại hình “dân ca cải biên” hay được “nâng cao” đó không tồn tại lâu vì không được đa số quần chúng chấp nhận.
PHẦN 2
- GS Trần Văn Khê giới thiệu một số bài bản với đầy đủ nội dung và xuất xứ
Các tiết mục này là những thí dụ cụ thể về phát triển hay đổi mới âm nhạc truyền thống nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, ko vay mượn bừa bãi những phong cách của nước ngoài, không hướng về các loại nhạc Rock, Pop của phương Tây
Nghệ sĩ minh họa:
Nhóm đàn: Hải Phượng – Huỳnh Khải – Thu Hà
Trống và bộ gõ: Nhứt Dũng – Thanh Hùng – Hiệp Liệt
Nếu sức khỏe cho phép, diễn giả sẽ ca hai bài “yến tước tranh ngôn” và “Thất tri bi hùng”, sáng tác của ông Nguyễn Tri Khương.
PHẦN 3
Giao lưu giữa khác giả với nghệ sĩ và diễn giả
Cám ơn con đã đăng bài này . Chú đã chép lại trên blog của chú .
Trả lờiXóaThăm con mạnh
Tran Quang Hai