Chủ nhật, 05/07/2009, 10:30 (GMT+7)
Sau một tuần vào viện (Bệnh Viện Nguyễn Trãi, TPHCM) để bác sĩ theo dõi, điều trị vì thiếu máu, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nữ NSND Phùng Há đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 0 giờ 30 ngày 5 – 7 – 2009, thọ 99 tuổi.
NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). NSND Phùng Há có tuổi thơ khá cơ cực, năm 12 tuổi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà phải vào lò gạch làm mướn. Nhưng nhờ có giọng ca hay, chất giọng tốt nên được nhiều người thương yêu, choàng gánh công việc. Dần dần giọng ca của bà được ông bầu của gánh Tái Đồng Ban phát hiện mời về “đầu quân”.
Vai diễn đầu tiên mà NSND Phùng Há thể hiện khi mới 13 tuổi qua vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ Qui Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Đến năm 14 tuổi, NSND Phùng Há bắt đầu hát vai chính với nhiều dạng vai khác nhau: từ bi đến hài và cả những vai kép võ.
Vai đào chính đầu tiên mà NSND Phùng Há thể hiện là vai Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. Sau đó, NSND Phùng Há lần lượt đóng vai chính qua nhiều vở tuồng: Tái Sanh Duyên, Mổ tim Tỷ Cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân,...
NSND Phùng Há từng chia sẻ: “Vai diễn nào tôi cũng thích dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ. Là diễn viên phải diễn tròn vai và hết khả năng, nhiệt tình để gởi đến khán giả”. Những bạn diễn ăn ý với NSND Phùng Há lúc bấy giờ là: NSND Nguyễn Thành Châu, Tư Út, Tư Thạch, Từ Anh, Ba Du, Duy Lân, Năm Phỉ...Đến năm 18 tuổi, NSND Phùng Há lập gánh Huỳnh Kỳ, nhưng không bao lâu rã gánh, NSND PHùng Há tiếp tục đầu quân cho các gánh hát: Năm Tú, Trần Đắc, Phước Cương, Phi Phụng.
Sau đó, NSND Phùng Há liên tục lập các gánh hát: Phụng Hảo (1946), Tam Phụng Hảo (1948), Việt kịch - Năm Châu (1949), Phụng Hảo 5 (1950)... lưu diễn khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, thậm chí còn sang Hồng Kông (Trung Quốc), Pháp biểu diễn.
Năm 1948 - 1949, NSND Phùng Há cùng soạn giả Trần Hữu Trang, NSND Nguyễn Thành Châu lập Hội Ái hữu nghệ sĩ tương tế (nay là Ban Ái hữu nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TPHCM. Năm 1963, sau lần đi Pháp về, NSND Phùng Há tham gia giảng dạy tại khoa diễn viên cải lương, Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, góp phần đào tạo nên những nghệ sĩ tài danh: NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thanh Thanh Hoa, NSƯT Nam Hùng...
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, NSND Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo nên các nghệ sĩ ưu tú: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao; nghệ sĩ Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng...
Ngoài những đóng góp nhiều vai diễn hay, đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ ca hay, diễn giỏi, NSND Phùng Há còn là người sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TPHCM, chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, không nơi nương tựa. Đồng thời, NSND Phùng Há còn đóng góp, sáng lập nên Chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ tại Gò Vấp, TPHCM.
Trong quá hình cống hiến cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam, NSND Phùng Há còn được nhiều bà con yêu thương, quý mến bởi tấm lòng “tương thân, tương ái”. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi khi Chùa Nghệ sĩ tổ chức các chuyến đi hoạt động từ thiện, tặng quà cho bà con nghèo, NSND Phùng Há luôn hồ hởi tham gia.
NSND Phùng Há từng tâm sự: “Ở các vùng quê, còn lắm bà con khó khăn, rất cần được chia sẽ, hỗ trợ. Tôi còn sống ngày nào, cố gắng đi làm từ thiện ngày đó”. Trước hình ảnh của một “cây đại thụ” của cải lương Nam bộ, làm việc không biết mệt mỏi, “ông vua vọng cổ” NSƯT Viễn Châu đã tặng NSND Phùng Há mấy câu thơ:
Tuổi già lụm cụm thấy mà thương
Đâu quản gần xa mấy chặng đường
Quà tặng trao tay người khốn khổ
Đẹp đời nghệ sĩ, đẹp quê hương
Và quả tình như thế, tháng 4 – 2009 vừa qua, Chùa Nghệ sĩ tổ chức chuyến đi làm từ thiện thứ 21 ở Bù Đăng, Bình Phước, NSND Phùng Há đã thức dậy từ 5 giờ sáng để cùng các mạnh thường quân, nghệ sĩ mang những phần quà ý nghĩa đến trao tận tay bà con nghèo.
Có thể nói, với những gì mà NSND Phùng Há đã cống hiến, đã làm sẽ là một tấm gương cao đẹp cho nhiều thế hệ trẻ, đặc biệt là giới nghệ sĩ học tập, noi theo.
Sự ra đi vĩnh viễn của nữ NSND Phùng Há tài hoa, giàu lòng nhân ái là một tổn thất lớn đối với sân khấu Việt Nam nói chung và cải lương Nam bộ nói riêng.
Đỗ Hạnh
http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sankhau/2009/7/196068/
Chỉ một năm nữa thôi, ai cũng chờ đợi ngày ngày mừng thọ 100 tuổi cho Má. Nhưng tuổi cao sức yếu, sinh nhật 99 tuổi vừa qua (30-4-2009) đã có một linh cảm về sức khỏe, bởi sau khi sinh nhật NSND Phùng Há lập tức nhập viên vì hôn mê...và 2 ngày qua, sau khi sức yếu đã vào BV Nguyễn Trãi...nhưng tại đây sau khi bác sĩ cho biết tim đã ngừng...gia đình đưa về chùa NS và Má đã qua đời lúc 12h30 đêm thứ bảy (ngày 4-7-2009). Vĩnh biệt NSND Phùng Há, vĩnh biệt cây đại thụ của sân khấu cải lương. Chương trình tang lễ như sau:
- 2h chiều ngày 5/7/2009: Sẽ liệm vào quan tài. Và đưa ra nhà tang lễ Tp tại Lê Quý Đôn - Quận 3, để tại đây đến sáng thứ 4.
- Sáng thứ 4, lúc 10h sẽ đưa quan tài về chùa NS - Gò Vấp.
- Quan tài để tại chùa NS đến sáng thứ 6, lúc 8h sẽ chôn cất tại phần mộ của bà tại chùa NS.
http://www.cailuongvietnam.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=5238
Trong Nghệ thuật cải lương và trong giới nghệ sĩ có nhiều điều hay.
Trả lờiXóaNgười ta xem trọng tổ nghiệp, sống theo đạo lý của tuồng tích.
Có sự kính trọng, yêu nghề, người trước dạy người sau !