Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Nét đa dạng của đàn tranh Việt Nam

Start:     Oct 21, '09 7:30p
Location:     32 Huỳnh Đình Hai P.24 Q.Bình Thạnh TPHCM
SINH HOẠT NGHỆ THUẬT ĐỊNH KỲ LẦN 12

NÉT ĐA DẠNG CỦA ĐÀN TRANH VIỆT NAM

GSTS Trần Văn Khê thuyết trình

Nghệ sĩ minh họa: Thanh Thủy – Hoàng Cơ Thụy

Vào lúc 19h30 ngày thứ tư 21.10.2009 tại 32 Huỳnh Đình Hai P.24 Q.Bình Thạnh

Chương trình gồm 3 phần:
PHẦN I: GSTS Trần Văn Khê giới thiệu

Đàn tranh có nguồn gốc từ đàn cổ tranh (guzheng) của Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XIII trải qua gần 700 năm đã trở thành một nhạc khí truyền thống thuần túy Việt Nam hoàn toàn phù hợp với sắc thái dân tộc. Đàn tranh thường dùng để phụ họa các bài ca hay ngâm thơ, cũng có thể độc tấu, và có mặt trong dàn ngũ tuyệt ca Huế, dàn nhạc tài tử miền Nam.
Riêng tại miền Bắc, đàn tranh không có vị trí quan trọng trong âm nhạc cổ truyền như vai trò của đàn đáy trong ca trù, đàn nguyệt trong chầu văn hay đàn nhị trong Hát chèo. Chỉ có vài thập niên gần đây, các nghệ nhân miền Bắc mới bắt đầu sử dụng đàn tranh để biểu diễn những làn điệu độc đáo của hát chèo, với những nét lạ, cách nhấn nhá khác hẳn các hơi, các điệu ở miền Trung hay miền Nam. Các bản nhạc này có tiết tấu đa dạng, nghệ sĩ sử dụng tay mặt khảy nhiều chữ bay bướm, tay trái nhấn nhá tế nhị, uyển chuyển, gợi lên những tâm trạng khác nhau như nhớ nhung – chờ đợi trong bài “Luyện năm cung”, buồn tha thiết trong bài “Tò vò” hay vui vẻ - rộn ràng trong bài “hề mồi”, trữ tình – duyên dáng, vui tươi nhưng đằm thắm trong “Đường trường tiếng đàn”, cách nhấn gân guốc- sâu sắc gần hơi Xuân trong Tài tử Cải lương, tỏa ra một hương vị mới làm phong phú thêm khả năng biểu diễn của đàn tranh.
Trong giới nghệ sĩ đàn tranh trẻ của cả nước, có hai gương mặt xuất sắc nổi bật:
- Nghệ sĩ Hải Phượng: Giải Nhất cuộc thi “Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc” năm 1992 – Giải Nhất biểu diễn các sáng tác mới – từng được mời biểu diễn, giảng dạy tại nhiều nước châu Âu, châu Á.
- Nghệ sĩ Thanh Thủy: Giải Nhất cuộc thi “ Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc” năm 1998 – giải Nhất biểu diễn nhạc dân tộc – Từng được mời biểu diễn ở nhiều nước, đặc biệt tại Thụy Điển và Singapore.

Trong những buổi sinh hoạt văn nghệ định kỳ trước đây, nghệ sĩ Hải Phượng đã nhiều lần trình diễn đàn tranh theo phong cách cổ truyền miền Nam, cũng như những bài bản mới do Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ Phương Bảo, nghệ sĩ Xuân Khải sáng tác.

Chương trình sinh hoạt văn nghệ định kỳ lần 12 đặc biệt giới thiệu tiếng đàn của nghệ sĩ trẻ Thanh Thủy, ngoài một vài bài bản trong truyền thống nhạc tài tử miền Nam, sẽ trình bày một số bản nhạc đàn tranh theo làn điệu Chèo miền Bắc mà có lẽ khán thính giả Sài Gòn ít có cơ hội thưởng lãm.

Ngoài ra, buổi sinh hoạt lần này còn có sự tham gia của nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy – đồng thời cũng là thầy dạy nhạc truyền thống dân tộc, và thầy dạy Thanh Thủy đàn Tài tử - một người không chỉ đàn tranh điêu luyện mà còn nổi tiếng về tiếng đàn tỳ bà trang nhã.
Đặc biệt tiếng đàn tranh của nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy rất độc đáo trong cách sắp chữ bay bướm, cách nhấn nhá sâu sắc và tinh tế qua những bài biểu diễn độc tấu.
Tất cả cho thấy nét đa dạng của tài năng các nghệ sĩ, sự phong phú của việc tạo giai điệu, điểm tế nhị trong cách nhấn nhá và một vài phát triển của nghệ thuật đàn tranh, có thể tự hào sánh ngang với các nhạc khí cùng trong một họ tại Trung Quốc (gu-zheng), Nhật Bản (koto) hay Triều Tiên (kayakeum)

PHẦN 2: Biểu diễn
- Nghệ sĩ Thanh Thủy độc tấu đàn tranh một số bài bản theo làn điệu Chèo.
- Nghệ sĩ Thanh Thủy đàn tranh hòa với nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy đàn tỳ bà một vài bản nhạc Tài tử miền Nam
- Nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy độc tấu đàn tranh
- Nghệ sĩ Thanh Thủy biểu diễn một sáng tác đàn tranh theo phong cách mới (bài “Cửu Long Quê hương tôi” của Hòa Bình)
PHẦN 3: Giao lưu giữa khán giả với nghệ sĩ và diễn giả

1 nhận xét:

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...