Báo Pháp Luật TPHCM
30-08-2008 22:43:54 GMT +7
Đang trong mùa mưa, ngay sân khấu kịch hay ca nhạc vốn có ưu thế thu hút mạnh khán giả vẫn phải lo chuyện vắng khách, vậy mà tại rạp Hưng Đạo, cải lương đang liên tục được diễn xôm tụ. Rạp Hưng Đạo liên tiếp sáng đèn các ngày trong tuần, kể cả thứ Hai, ngày “kỵ” của các chương trình biểu diễn vì vắng khách.
Mừng thì mừng nhưng những người tâm huyết trong nghề không khỏi lo lắng cho tương lai cải lương - đặc sản văn hóa Nam bộ khi mà các nghệ sĩ trẻ đang làm “mới” cải lương một cách tùy tiện.
Nàng Tấm mặc áo hở cổ!
Nhiều ngôi sao cải lương trẻ đang có xu hướng “làm mới” mình bằng phục trang sân khấu càng lúc càng gợi cảm và lóng lánh.
Trong đêm diễn Xử án Phi Giao, nữ nghệ sĩ Trinh Trinh mặc bộ cổ trang thời Mạnh Lệ Quân nhưng lại giống như một chiếc sườn xám dạ hội rất mode khiến khán giả sốc. Đây không phải là lần “làm mới” đầu tiên của Trinh Trinh. Cô và nữ nghệ sĩ Tú Sương trong vai những nhân vật thời phong kiến nhưng lại khoác lên mình những bộ cổ trang áo khoét sâu trễ ngực mà người xem bình luận là quá hở hang so với phụ nữ thời ấy.
Mới đây nhất, nhân vật nàng Tấm của Tú Sương lại một lần nữa làm khán giả ngơ ngác với kiểu áo hở cổ khá rộng, khác xa hình ảnh cô Tấm nền nã trong truyện cổ tích thời xưa. Chẳng thua kém Tú Sương, nhân vật vua, chồng nàng Tấm, của Vũ Luân cũng lạ hoắc với bộ đồ rực rỡ, kiểu dáng giống hệt một ông vua Đường-Tống!
Phục trang cổ đã vậy, phục trang xã hội của những nghệ sĩ trẻ cũng rất oái oăm. Diễn vai Hương trong Nửa đời hương phấn, nghệ sĩ Phượng Liên rất kỹ lưỡng với những chiếc áo bà ba phục trang của mình. Chị chăm chút từng màu áo đẹp nhưng cũng chú trọng áo phải là kiểu cổ tròn kín đáo đúng với cách ăn mặc của phụ nữ những năm 1950-1960. Thế nhưng diễn lại Nửa đời hương phấn sau Phượng Liên chỉ vài tháng, Thanh Ngân đã biến Hương thành một nhân vật xa lạ với khán giả bởi những chiếc áo bà ba cổ tim xẻ sâu hay áo dài cách điệu như hiện nay.
Quá nhiều sự cẩu thả, thiếu hiểu biết về phục trang trong từng cảnh diễn của nghệ sĩ cải lương trẻ nổi bật qua vở diễn Về đất Kinh Châu. Kịch bản quy định rõ nhân vật Triệu Tử Long mặc “bạch bào bạch giáp” nhưng trong khi diễn viên ra rả lời thoại “bạch bào bạch giáp” đến năm, bảy lần thì khán giả cứ thấy một ông Triệu Tử Long mặc áo bào và áo giáp màu xanh xen màu vàng chói lóa đứng lù lù trên sân khấu!
Nàng Tấm của Tú Sương khác với nàng Tấm trong truyện cổ tích. Ảnh: NGUYỄN THU |
Yêu đương thoải mái
Không chỉ “làm mới” phục trang một cách kinh dị, diễn xuất tinh tế đặc trưng của cải lương cũng đang bị một số nghệ sĩ trẻ “làm mới” quá đáng. Xem Thanh Ngân và Kim Tiểu Long diễn Bên cầu dệt lụa, người xem hỡi ôi vì Quỳnh Nga và Trần Minh cứ ôm ấp, âu yếm nhau thoải mái như kiểu tình nhân trong phim... Titanic.
Chiều sâu văn hóa Việt Nam ở sự tiết hạnh của người phụ nữ, chính nghĩa của người đàn ông qua cách diễn mới đã không còn. Cái hay trong tính cách nhân vật Quỳnh Nga vừa mạnh mẽ, phóng khoáng dám vượt vòng lễ giáo ra dựng quán dệt lụa bên cầu nuôi người yêu ăn học, vừa đoan trang, nết na trong từng hành động chừng mực, thủ lễ giữa nàng với Trần Minh từng được những nghệ sĩ xưa thể hiện tinh tế làm nên giá trị sâu sắc của cải lương cũng bị nghệ sĩ trẻ phá hủy.
Ông Quốc Hùng - Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang bức xúc: “Nhiều diễn viên trẻ bây giờ lên sân khấu ăn mặc theo ý thích, bất chấp hoàn cảnh nhân vật, lịch sử xã hội khiến khán giả phàn nàn rất nhiều. Chúng tôi đang chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật đối với diễn viên thuộc nhà hát. Ai xem việc chạy show là chính, chúng tôi không cho tham gia vở. Với vở diễn của nhà hát, chúng tôi buộc diễn viên chỉ sử dụng phục trang quy định. Với những nghệ sĩ tự do, chúng tôi vẫn nhắc nhở nhưng nếu họ không ý thức thì chúng tôi cũng không thể can thiệp, chỉ trông mong vào sự lên tiếng của dư luận”.
NSƯT Ngọc Giàu: Khán giả đâu có xem cải lương vì sự màu mè bên ngoài
Nghệ sĩ trẻ bây giờ với nghề ít trau chuốt vào chiều sâu ca diễn như lớp chúng tôi, mà các em quá lo trau chuốt hình thức sao cho bắt mắt để hơn thua nhau. Nhưng cải lương đâu phải vậy. Khán giả đâu có xem cải lương vì những cái màu mè bên ngoài. Người ta xem sự ca diễn chân thật xuất phát từ trái tim người nghệ sĩ khiến họ rung động, khóc cười rồi nhớ mãi. Cải lương còn dạy người ta những bài học ở đời, muốn diễn phải học, phải nghiên cứu kỹ càng, đâu có diễn bậy được.
Nghệ sĩ Lệ Thủy: Cải lương bây giờ diễn kỳ quá!
Thời của chúng tôi phải quan sát, tìm hiểu học nghề lẫn nhau, học diễn từng buổi, từng ngày. Diễn cảnh ôm nhau phải vừa biết đứng làm sao cho đẹp để khán giả thích, vừa phải biết giữ khoảng cách với bạn diễn chứ đâu có ôm xà nẹo được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét