Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện về trống tại tư gia ngày 30.4.2007
HỒI KÝ GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
TẬP 4
TẠP CHÍ KIẾN THỨC NGÀY NAY
SỐ 411 10.01.2002
HONOLULU THIÊN ĐÀNG HẠ GIỚI
( Phần II)
“Xin mời khán giả đón xem buổi gặp gỡ của chúng tôi với giáo sư Trần Văn Khê, một người thầy Việt Nam dạy âm nhạc cho học sinh tại đây. Nói tới Việt Nam thông thường chúng ta luôn luôn liên tưởng tới chiến tranh, nhưng đặc biệt giáo sư Trần Văn Khê lại là người mang theo mình một thông điệp hòa bình (he’s carrying along with him the message of peace)."
Hôm đó Đài truyền hình chiếu lại buổi tối dạy âm nhạc cho các cháu nhỏ và cuối cùng là câu trả lời của tôi: “dân tộc Việt Nam chúng tôi là một dân tộc yêu chuộng thi ca và hòa bình, điều đó thể hiện trong điệu hò câu hát. Để diễn tả tình cảm đối với nhau, đôi trai gái không nói thẳng là I love you mà nói đẩy đưa gió đưa trăng, trăng đưa gió, anh thương nàng, nàng có thường anh? Đem cảnh bên ngoài mà đề cập đến tâm sự của mình. Một dân tộc đầy chất thơ văn như thế tất nhiên phải là một dân tộc ưa chuộng hòa bình.”
Sau buổi phát hình, Đài truyền hình cho biết họ nhận được nhiều cuộc điện thoại người Mỹ gọi đến nói rằng: “ Cám ơn Đài truyền hình đã giúp tôi xóa được ấn tượng từ lâu là Việt Nam dính liền với chiến tranh, giặc giã. Bây giờ khi nói đến Việt Nam chúng tôi nghĩ đến thi ca và hòa bình, điều này rõ ràng đẹp hơn hình ảnh trước đây.”
Tôi thật không ngờ mình làm một công việc đơn giản, tưởng đâu chỉ đem lại một chút hiểu biết về âm nhạc Việt Nam cho các cháu nhỏ, ai dè được đưa lên truyền hình rồi làm thay đổi tư tưởng một số người Mỹ nghĩ về Việt Nam. Điều này làm cho người Việt Nam sống tại Hawaii hãnh diện mà người Mỹ cũng rất vui, riêng tôi càng vui hơn, nghĩ rằng mình chỉ chú tâm làm chuyện nhỏ mà bỗng nhiên trở thành chuyện lớn. Tôi rời Hawaii đem theo tình cảm và nhiều ấn tượng hết sức sâu đậm, cho tới nay mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn thấy ấm lòng.
Sắp kết thúc khóa dạy ở Honolulu, theo chương trình tôi sẽ tới San Francisco vào ngày 1/9 để kịp hôm sau nói chuyện về âm nhạc Việt Nam tại Đại học Berkeley theo lời mời của nhà trường. Không nhờ tôi chưa qua thì có một chuyện khó khăn xảy ra. Buổi nói chuyện nầy tình cờ trùng hợp đúng ngày Quốc Khánh của Việt Nam, vài tờ báo của người Việt di tản ở San Francisco biết chuyện bèn phản đối ầm ĩ: “Trần Văn KHê là một tên tay sai của Cộng sản, cố ý lựa đúng ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh (họ nói sai vì đón là ngày Quốc khánh) để nhắc nhở cho người ta nhớ đến Chánh phủ Cộng sản. Chúng ta phải tẩy chay không đi dự buổi nói chuyện của một kẻ mang tội phản quốc và nối giáo cho giặc.” Các báo này cố tình khuấy động làm thành ồn ào, thậm chí có tờ viết rằng: “Hãy coi chừng hai tên du kích văn hóa cộng sản lợi hại là Trịnh Công Sơn và Trần Văn Khê”.
Họ làm dữ đến độ trường Đại học có phần e ngại và điện thoại hỏi tôi có muốn bỏ buối nói chuyện tại trường không? Tôi trả lời:
- Tôi không hề chủ động đề nghị mà chính các bạn ngỏ ý mời nên tôi mới nhận lời nói chuyện. Bây giờ nếu các bạn e ngại không bảo đảm được an ninh thì cứ tự ý hủy bỏ chớ sao lại hỏi ý kiến tôi? Các bạn tự cân nhắc rồi báo cho tôi biết quyết định.
Những người đại diện nhà trường hỏi:
- Trong trường hợp chúng tôi quyết định vẫn tổ chức liệu ông có dám nhận lời đến nói chuyện không?
- Nếu các bạn đảm bảo được an ninh thì tôi sẵn sàng.
Vậy là họ yêu cầu tôi không đáp chuyến bay vào lúc 10 giờ sáng ngày 31.8 như đã định mà đổi lại chuyến 2 giờ chiều để bảo vệ an toàn cho tôi. Do đó các bạn Việt Nam ra đón tôi buổi sáng nhưng không gặp bèn đi về. Buổi chiều tôi đến nơi có người trong Ban phụ trách an ninh của trường đại học chờ đón và đề nghị tôi không đến ở tại nhà bạn bè như từ trước đến nay mà đưa thẳng về nhà khách của trường. Họ cũng không để tôi ở nhà khách của nam giáo sư mà đánh lạc hướng bằng cách cho tôi ở nhà khách của nữ giáo sư. Tôi được sắp xếp ở tại một từng lầu gồm 12 phòng mà chỉ dành riêng cho một mình tôi, trước cửa có một người cảnh sát đứng gác. Hễ khách Việt Nam tới thì chỉ khi nào tôi đồng ý tiếp mới được vào gặp.
Hôm tôi nói chuyện, sáng sớm nhà trường cho hai xe tới đón, một xe đi trước có nhiệm vụ dò đường, báo cho xe sau biết để tránh những con đường có biểu tình. Một người cảnh sát lên xe ngồi kế bên tôi, có trang bị cả súng ngắn. Sắp tới trường phải dừng lại chờ cho xe nhỏ đến trước, đợi tình hình yên ổn đàng hoàng rồi báo tin cho xe tôi tới.
Tôi cảm thấy hết sức chua chát và đau lòng, nghĩ mình đi về đất nước tìm hiểu những tinh hoa của văn hóa Việt Nam, qua đến đây chỉ có nguyện vọng nói lại trung thực những điều đã thu thập được, nhưng không phải chỉ cho người Mỹ biết mà còn tha thiết muốn cho cả người Việt xa xứ nghe. Thế mà để làm được điều đó, giờ này tôi phải ngồi trên xe do người Mỹ bảo vệ cẩn mật để tránh khỏi tay những người Việt muốn làm hại mình.
Buổi nói chuyện do một giáo sư người Mỹ chủ tọa. Tôi thuyết trình về âm nhạc Việt Nam, giữa bài nói chuyện nhiều người Việt Nam đứng lên đặt câu hỏi, phần nhiều là ngoài đề là có phần không hảo ý. Nhiều lần như vậy khiến ông chủ tọa phật ý lên tiếng:
- Diễn giả nói chưa hết mà quý vị đã đặt câu hỏi, nhứt là có nhiều câu hỏi rất lạc đề. Với tư cách là người chủ tọa, tôi xin phép cắt lời để yêu cầu mọi người chờ cho diễn giả nói xong rồi mới đặt câu hỏi và xin lưu ý chỉ xoay quanh phạm vi âm nhạc và văn hóa mà thôi.
Nhưng tôi đề nghị:
- Thưa giáo sư chủ tọa, trên cương vị là người thuyết trình hôm nay, tôi bằng lòng trả lời tất cả các câu hỏi vào mọi lúc của thính giả.
Nghe vậy một số người vỗ tay hoan nghinh việc tôi chấp nhận đối thoại. Họ đặt nhiều câu hỏi ngoài đề tài thuyết trình nhưng tôi vẫn bình tĩnh và thẳng thắn trả lời. Lúc đầu chỉ có người Mỹ và khoảng mươi người Việt Nam có quen biết tôi vỗ tay, nhưng càng về cuối buổi nói chuyện tiếng vỗ tay càng vang lên nhiều hơn.
Sau khi nghe tôi nói chuyện về dân tộc, về âm nhạc truyền thống, có hai sinh viên một nam một nữ lên phát biểu nhưng không xưng tên:
- Chúng tôi đến đây mang theo sự ác cảm với ông vì chịu ảnh hưởng qua những điều báo chí nói về ông. Nhưng sau khi nghe ông nói chuyện hôm nay, chúng tôi ra về với tất cả thiện cảm đối với ông trong lòng mình. Chúng tôi không cần biết ông cộng sản hay không cộng sản cũng như không quan tâm đến tư tưởng riêng của ông, chỉ biết rằng việc ông trở về đất nước là tìm hiểu những tinh hoa của Việt Nam với mục đích đem ra nước ngoài phổ biến cho mọi người biết. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng ông nên tiếp tục về nước càng nhiều càng tốt.
Như bao nhiêu chuyến đi sóng gió trước đây, tôi lại thêm một dịp chứng kiến hình ảnh hàng trăm khuôn mặt đồng bào lúc mới đến ngồi nghiêm trang có phần căng thẳng, xét nét xem ông này tới đây làm gì, thái độ thế nào, nói năng ra sao? Nhưng sau một hồi nghe nói chuyện về âm nhạc Việt Nam thì lần đầu tất cả các khuôn mặt đều giãn ra, thậm chí có lúc lại tươi cười. Phần tôi luôn quan niệm khi mình làm một việc xét thấy chánh nghĩa thì không có điều chi phải e sợ và tin chắc trước sau gì cũng sẽ làm lay động lòng người. Đồng thời tôi cảm kích thái độ của người Mỹ về khía cạnh văn hóa, từ việc chấp thuận mời tôi qua nước họ, đài thọ chi phí cho cây đờn của tôi đi máy bay như là một con người có cả tên họ, cùng với nhiều vali tài liệu của tôi mang theo mà không phải tốn tiền gởi và cũng không hề bị xét hỏi. Họ lại tổ chức cho tôi được dịp thuyết trình những hiểu biết của mình rồi bảo vệ vô cùng chu đáo, yêu cầu cả lực lượng cảnh sát nhà nước can thiệp chớ không phải chỉ bộ phận an ninh của nhà trường.
Lần đó tôi ra về buồn vui lẫn lộn. Buồn nhứt là người Việt tại hải ngoại có một số chưa hiểu mình, do khác biệt tư tưởng chánh trị mà có nhận định sai lầm đối với công việc của tôi và đối với văn hóa Việt Nam. Tôi cho rằng văn hóa là văn hóa, không thể phân loại văn hóa cộng sản hay văn hóa không cộng sản. Những vấn đề âm nhạc tôi thường xuyên đề cập tới như điệu hát, câu hò, quan họ, ca trù là di sản văn hóa dân tộc từ ngàn đời chớ không của riêng một chánh phủ hay một đảng phái nào. Tôi luôn luôn mong mỏi những câu chuyện tôi đưa ra là cơ hội để xây dựng tình thương chớ không phải làm nảy sinh hận thù và chia rẽ. Vì thế tôi cảm thấy vui mỗi khi chuyển thù thành bạn, bởi làm cho người đang có ác cảm với mình chuyển thành thiện cảm trong vòng hai tiếng đồng hồ không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Buổi nói chuyện tại Berkeley là một trong những kỷ niệm về các khó khăn gay go trong công việc của tôi.
Sau Berkeley tôi tới thủ đô Washington báo cáo về thời gian dạy học ở Hawaii, những người có trách nhiệm nhận xét rằng từ trước đến nay chỉ nghe mọi người nhận định kết quả về tinh thần, học thuật, đây là lần đầu tiên mới có một người nhận bổng của Fulbright mà lại đưa ra kết quả bằng tình cảm lạ lùng như tôi. Họ bèn xin sao chụp toàn bộ hình ảnh, bài thơ của những học sinh nhỏ để làm hồ sơ riêng. Thế là chuyến đi của tôi nay lại mang thêm ý nghĩa mới.
Viện Smithsonian tại Washington cũng mời tôi đến để nói chuyện về âm nhạc. Smithsonian Institution – thành lập vào năm 1846 – là cụm bảo tàng lớn nhứt thế giới. Đây là một trung tâm nghiên cứu có tầm vóc quốc tế, quản lý 13 viện bảo tàng và phòng triển lãm với bộ sưu tập rất lớn gồm khoảng 139 triệu hiện vật mà chỉ 1% trong số đó được đem ra trưng bày.
Tôi được đề nghị viết một bài về múa rối nước Việt Nam có kèm những hình ảnh để đăng trên tạp chí “Nghệ thuật châu Á” của Viện. Người trong giới chuyên môn vẫn cho rằng tác giả nào có bài viết đăng trên tạp chí này cũng giống như được cấp bằng chứng nhận bài của mình có giá trị về mặt học thuật. Khi về Pháp tôi viết bài về Múa rối nước gởi qua cho Viện Smithsonian được họ rất hoan nghinh.
Từ Washington tôi đến Virginia và được trường đại học Maryland Baltimore County mời tới nói chuyện cho sinh viên nghe về âm nhạc Việt Nam. Những buổi nói chuyện tại đại học này rất vui vì nhiều bạn bè tôi tới nghe, tình cảm dạt dào hơn hẳn ở những trường đại học khác. Cũng tại Virginia một cô người Mỹ quen với tôi tên là Patricia tổ chức cho tôi nói chuyện một buổi về âm nhạc Việt Nam do cô đứng ra giới thiệu, người Việt di tản tới nghe rất ít mà phần đông là người Mỹ đến dự, đồng thời Đài phát thanh tại Virginia cũng đến xin phỏng vấn tôi. Chuyến đi Honolulu của tôi xin chấm dứt bằng buổi nói chuyện tại Virginia
GS Trần Văn Khê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét