Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

Honolulu Thiên đàng hạ giới - Hồi ký Gs Trần Văn Khê [ Phần I ]

HỒI KÝ GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

TẬP 4

TẠP CHÍ KIẾN THỨC NGÀY NAY

SỐ 411 10.01.2002

HONOLULU THIÊN ĐÀNG HẠ GIỚI

(Trang 42)


Ngay trong tuần lễ đầu năm 1988, tôi phải rời nước Pháp bắt đầu một chuyến viễn du qua tận Honolulu (Mỹ) một năm để dạy về Dân tộc nhạc học tại Trường đại học Hawaii I Manoa thuộc bang Hawaii trong chương trình của Fulbright Scholarship.


Chương trình giáo dục quốc tế Fulbright do Thượng nghị sĩ J.William Fulbright thuộc bang Arkansas thành lập năm 1946, được Cháh phủ Mỹ bảo trợ, do Bộ giáo dục văn hóa Mỹ quản lý với sự điều hành của Ban học bổng nước ngoài Fulbright, nhằm mục đích “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Mỹ và nhân dân các nước khác”. Hiện nay chương trình này hoạt động trên 140 nước, hằng năm cấp khoảng 4.500 học bổng cho các giáo sư, học giả, chuyên viên, sinh viên và nhân viên quản lý của Mỹ cũng như các nước trên thế giới.

Nhưng hồ sơ của tôi chuyển sang Bộ ngoại giao Mỹ thì bị từ chối vì lúc đó Hoa Kỳ chưa đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trường đại học Hawaii at Manoa đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ nghiên cứu giải quyết. Khi biết tôi tuy mang hộ chiếu Việt Nam nhưng sanh sống và làm việc tại Pháp gần 40 năm, Bộ ngoại giao Mỹ cho biết có thể cấp thị thực nhập cảnh cho tôi với tư cách là một giáo sư tại Đại học Sorbonne của Pháp. Lần này đến phiên Đại học Sorbonne không đồng ý vì tuy tôi là giáo sư của nơi nầy nhưng không phải là công dân Pháp, nếu giải quyết cho tôi coi như phía Pháp mất đi một trong số bốn học bổng trong niên khóa 1988 của chương trình Fulbright cấp cho Pháp.


Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ gởi văn thơ cho Đại học Sorbonne cho biết chỉ yêu cầu xác nhận tôi có phải là giáo sư dạy tại trường này hay không. Lẽ tất nhiên nhà trường phải xác nhận tôi đã dạy tại đây hơn 20 năm rồi. Sau đó tôi nhận được thơ của Bộ ngoại giao Mỹ báo tin: “Theo lời đề nghị của các giáo sư trường đại học tại Hawaii, chúng tôi rất hân hạnh cấp cho ông học bổng Fulbright để giảng dạy tại Đại học Hawaii at Manoa trong một năm.”


Do phải ở tại Mỹ suốt một năm trời, tôi chuẩn bị rất nhiều tư liệu đựng trong bốn vali lớn đồng thời đem theo thêm cây đờn tranh nhỏ xách tay. Hôm trước khi đi tôi lên đại sứ quán Mỹ, tuy tôi mang hộ chiếu Việt Nam nhưng khi biết tôi nhận được Fulbright Scholarship thì họ tiếp đãi vô cùng nồng hậu, cấp chiếu khán nhập cảnh vô Mỹ nhanh chóng. Số hành lý thặng dư của tôi mang theo đều được chương trình này đài thọ hết. Tôi trình bày với sứ quán nhờ giải quyết vụ cây đờn tranh, do hãng máy bay không đồng ý tính theo hành lý xách tay vì cây đờn quá dài, mà tôi lại không dám gởi theo hành lý sợ bị bể. Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ đến Hãng hàng không TWA điều đình nhưng họ cũng không chấp thuận và yêu cầu nếu không gởi theo hành lý thì phải mua cho nó một vé. Vậy là lần đó tôi đi Mỹ với hai vé, một vé của “Trần Văn Khê” còn vé kia ghi “Trần Zither” cho cây đờn. Mỗi khi đi qua cửa nào tôi cũng bị hỏi: “Còn người kia đâu?” Tôi chỉ cây đờn: “Đây, nó đây” làm ai cũng bật cười. Lên tới trên máy bay tôi để cây đờn “ngồi” ghế kế bên, lúc máy bay chuẩn bị cất cánh, hãng hàng không thông báo: “Xin hành khách vui lòng cột dây an toàn”, tôi đang loay hoay lo cho mình thì cô tiếp viên hàng không đã mau mắn đi tới cột dây an toàn cho cây đờn của tôi để nó đừng cục cựa. Tôi thấy vui vui vì bỗng nhiên giống như mình đi với một đứa con tên “Trần Zither” ngồi kế bên. Khi dọn ăn cô tiếp viên cũng hỏi: “Thưa ông, có cần thêm phần ăn thứ hai không?, tôi cười nói: “Thôi, tôi ăn một phần đủ rồi.”


Tại Đại học Hawaii ai Manoa, hàng tuần tôi chỉ phải dạy hai tiết, một tiết về việc xếp loại nhạc cụ nhạc khí hoặc là thang âm điệu thức cùng những phương pháp nghiên cứu, tiết còn lại đặc biệt dành cho âm nhạc Việt Nam, từ dân ca tới nhạc thính phòng, nhạc cung đình, nhạc sân khấu, có minh họa bằng ảnh dương bản và băng ghi âm. Tôi thú vị quá vì ít khi có dịp dạy được âm nhạc Việt Nam từ đầu chí cuối. Nhưng niềm vui vẫn không trọn vẹn vì tôi phải dạy bằng tiếng Anh. Trong lòng tôi luôn day dứt mỗi khi nghĩ rằng mình bỏ nhiều công sức thâu thập được biết bao nhiêu tài liệu, vậy mà chỉ truyền dạy được cho những người nói tiếng Anh, tiếng Pháp.


Những ngày sống ở Honolulu đối với tôi là quãng đời hết sức đẹp đẽ, rõ ràng tôi đi dạy học mà như đi du lịch tại một nơi vẫn được mệnh danh là thiên đàng hạ giới. Từ nơi tôi ở, đi xe chỉ mất bốn phút là tới biển, nửa giờ là lên tới núi, nơi cây cối xum xuê, phong cảnh hữu tình, thời tiết dễ chịu không nóng mà cũng không lạnh quá. Người dân sống thoải mái, ăn bận không cầu kỳ, đồ ăn thức uống đa dạng mà lại rẻ. Đi dạy học cũng không cần ăn mặc nghiêm chỉnh, có thể mặc loại áo truyền thống Aloha (loại áo đủ màu bông sặc sỡ) thậm chí có người còn mặc quần short và cả thầy lẫn trò đều ăn mặc giống nhau. Học trò rất đàng hoàng tử tế và dễ thương.


Hôm cuối khóa học, sinh viên tổ chức một buổi tiệc nhỏ chia tay, tặng cho tôi vòng hoa đeo cổ, sách và đĩa hát về Honolulu. Sau một khóa học, các sinh viên người Mỹ đã hát được một vài bài quan họ, cùng đối đáp với những thiếu nữ Việt Nam học chung trong lớp.


Thời kỷ ở đây tôi có thêm kỷ niệm vui khác nữa là kết thân với một số người Việt sang sống bên đó. Đầu tiên hai vợ chồng Viên và Thư mời tôi đến nhà để nói chuyện âm nhạc, chồng là bác sĩ, còn người vợ làm công tác xã hội. Bạn bè họ tới chơi thấy vậy bèn đề nghị sẽ thay phiên nhau mời tôi tới nhà để nói chuyện. Ở Honolulu có tục lệ hễ gia đình nào mời khách ăn tối thì đốt 2 ngọn đuốc sáng rực trước cửa. Nhà nào cũng có hồ bơi nên khách tới chơi khoảng 4 giờ chiều, bơi lội thoải mái một tiếng đồng hồ rồi lên ngồi hóng gió trò chuyện khoảng 6 giờ rưỡi bắt đầu ăn tối. Đến bảy giờ rưỡi, tôi nói chuyện luôn tới 10 giờ về thi ca, văn chương, lịch sử và nhứt là âm nhạc truyền thống Việt Nam, có đờn minh họa. Mọi người hỏi tôi về đủ thứ chuyện, chẳng hạn những biến chuyển trong sáng tác của Phạm Duy, về những hoàn cảnh dẫn đến các sáng tác của Lưu Hữu Phước như Tục Lụy, Hương Giang dạ khúc, … Cứ như vậy trong một tháng hai lần đổi địa điểm khác nhau mà tâm hồn mọi người cùng hướng về một nơi là đất nước Việt Nam. Tôi hưởng niềm vui đem tiếng nhạc cho đồng bào ở phương xa còn các cháu vô cùng xúc động được dịp trở về với cội nguồn.


Ngoài Đại học Hawaii ai Manoa, tôi còn được mời dạy tại trường tiểu học Queen Lydia. Lần đầu tiếp xúc, ông hiệu trưởng ngần ngại nói với tôi:

Trường chúng tôi đang có chương trình 5 tuần lễ dạy về văn hóa của 5 dân tộc Triều Tiên, Nhựt Bổn, Trung Quốc, Việt Nam và người bản xứ cho các học sinh trong trường. Chúng tôi đã mời người đến nói chuyện về lịch sử, văn hóa, âm nhạc của từng nước cho các em nghe, nhưng riêng âm nhạc Việt Nam thì trong cả cộng đồng người Việt tại đây không ai dám nhận lời thuyết trình mà họ giới thiệu chúng tôi đến mời giáo sư. Tôi ngại quá vì chuyên dạy đại học còn trường chúng tôi chỉ dạy trẻ nhỏ từ 8 đến 12 tuổi, không biết liệu giáo sư có nhận lời hay không? Hơn nữa nhà trường chỉ có thể trả thù lao theo mức lương cho giáo viên tiểu học tại nội địa chớ không phải theo lương cho giáo sư đại học quốc tế nên e rằng không xứng đáng với công sức của ông.”


Tất nhiên tôi không từ chối và nhà trường sắp xếp cho tôi dạy gần 10 lớp, mỗi lớp khoảng 20 học sinh trong vòng vài ngày. Đây cũng là một thử thách chớ không phải chuyện dễ dàng, vì phải làm sao cho trẻ con có một ý niệm về âm nhạc Việt Nam trong vòng nửa giờ đồng hồ. Tôi đem theo cây đờn tranh, một đờn cò, trống và một cái song lan. Bước vô lớp học, việc đầu tiên tôi dạy cho các cháu nói tiếng Việt Nam thay cho lời chào theo tiếng địa phương “Aloha” bằng câu “Kính chào Thầy” và tiễn thầy giáo bằng câu: “Cám ơn Thầy”.

Tiếp theo tôi lần lượt dạo vài tiếng đờn mỗi loại nhạc cũ cho các cháu nghe rồi dạy phát âm tên gọi từng cây đờn, sau đó hỏi lại cả lớp. Tôi chỉ cây đờn nhị, chúng đồng thanh hô to: “đờn nhị”, chỉ đờn tranh thì hô “đờn tranh”. Tôi đưa ra thành câu đố nên lũ trẻ thích lắm, đứa nào cũng la thật lớn để to ra là mình nhớ. Thầy trò vừa học vừa chơi trong 15 phút mà chúng thuộc hết tên mấy cây đờn. Tiếp theo tôi dạy lũ trẻ vừa diễn tả điệu bộ giống như đang sử dụng cây đờn đồng thời hát nhái theo điệu của từng loại đờn, chẳng hạn như khi tôi hỏi: “How can you play the đờn nhị?” (Muốn đờn nhị em đờn cách nào?” thì chúng vừa làm điệu bộ kéo tay như đang đờn nhị vừa hát lớn: “ é e e e ò e”. Rồi tôi cho các cháu đố lẫn nhau, đứng nào làm sai thì bạn sửa, khiến giờ học trở nên rộn rả, sinh động và vui vẻ. Tiếp theo tôi nói chuyện âm nhạc Việt Nam có hát, có đờn mà không có múa, nói một cách đơn giản nhứt cho các cháu có thể tiếp thu được. Cứ như vậy tôi dạy hết lớp này qua lớp khác, bọn trẻ rất vui thích học hỏi, thậm chí khi ra chơi chúng cũng tiếp tục hát đố với nhau, cả mấy trăm đứa ồn ào khiến mọi người trong nhà trường đều ngạc nhiên về kết quả của tôi đạt được chỉ sau nửa tiếng đồng hồ dạy nhạc Việt Nam. Hễ gặp mặt tôi là chúng vui vẻ hét lớn: “Kính chào Thầy” hoặc “Cám ơn Thầy”.


Tôi cảm động nhận thấy rằng mình đem lại sự vui thích cho lũ học trò bé nhỏ, nhưng không dè việc làm này mang lại một kết quả bất ngờ khác. Sau mỗi niên khóa, nhà trường có thông lệ cho học trò chọn lựa trong số những người thầy được mời dạy ngoại khóa để bầu ra người được mang danh hiệu “Super Citizen”, được nhà trường trao tặng một bằng chứng nhận lớn có chữ ký của hiệu trưởng, giáo viên cùng đại diện học sinh và tổ chức tiệc chiêu đãi long trọng.


Năm đó tôi vinh dự được chọn là Super Citizen của trường tiểu học Queen Lydia và nhận được vô số bài thơ của những nhà thơ tí hon gởi tặng có cả hình vẽ minh họa. Đứa thì vẽ tôi bận áo xanh đưa tay chỉ ra phía xa nơi có chữ “Vietnam”, đứa khác lại vẽ tôi đưa hai tay lên cao với tới mấy nốt nhạc phía trên, có cháu vẽ tôi bận áo xanh trên túi áo có ghi hai chữ “Vietnam”. Trong buổi tiệc long trọng nhân lễ trao bằng danh dự, nhà trường giao cho học sinh tự thu xếp, mỗi lớp chọn một đại diện lên ngồi chung bàn với tôi, tổng cộng có 14 cháu. Sau đó ông Hiệu trưởng kể lại có một việc tôi hết sức cảm động: Đầu tiên các lớp họp lại bàn với nhau: “Giáo sư Trần Văn Khê là người Việt Nam do đó ưu tiên chọn học sinh Việt Nam được ngồi với Thầy.” Vì vậy bốn học sinh người Việt được chọn nhưng các em Việt Nam lại nói: “mặc dầu chúng tôi rất thích được ngồi gần Thầy nhưng chúng tôi cũng muốn các bạn khác được dịp biết rõ hơn về người thầy Việt Nam nên xin tình nguyện nhường hai chỗ cho các bạn.” Tôi không ngờ các cháu còn nhỏ mà đã có ý thức dân tộc cao như vậy lại biết nhường nhịn nhau. Trong một buổi họp mặt đầy ấn tượng, tôi lại dạy cho các cháu bài hát vui để ghi nhớ các loại nhạc cũ truyền thống Việt Nam, bài hát đó về sau trở thành một trò chơi của học sinh trong trường dùng để đố nhau.

[Bổ sung] Lê Ngọc Hân


Ông Michael Di Gregorio, Giám đốc phụ trách Giáo dục học thuật, truyền thông, Nghệ thuật và văn hóa của Quỹ Ford Foundation tại Việt Nam, là học trò của GS TS Trần Văn Khê tại đại học Hawaii at Manoa năm 1988 đã giúp đỡ nhiều bộ môn ca trù của Việt Nam. Khi gặp lại giáo sư, ông Michael xúc động nói bằng tiếng Việt “chúng em không đứa nào quên Thầy cả. Chúng em nhớ mãi năm 1988 Thầy dạy chúng em trong 40 tiết mà chúng em biết được đại cương của Âm nhạc truyền thống Việt Nam”.

(theo lời kể của GS Trần Văn Khê)

Vào ngày 9.7.2008, tình cờ thấy trên Youtude có 1 comment của 1 người nước ngoài về GS Trần Văn Khê, tôi đã gửi comment đó cho Thầy đồng thời gửi message báo cho người đó biết. Thật tình cờ, người này cũng là học trò của Thầy tại Hawaii vào năm 1988. Sau đó, chú David Singhiser đã gửi cho tôi vài message kể những kỷ niệm về Thầy. Khi đọc những message này, Thầy Khê đã xúc động nói "Thầy cảm động lắm, Thầy không ngờ Thầy đã gieo ấn tượng rất tốt và rất sâu trong tâm trí học trò"

Trích đoạn tin nhắn chú David Singhiser kể về Thầy


Tin nhắn đầu tiên

"He is a true hero".


Tin nhắn thứ hai

"A few years ago I was in Saigon and mentioned to someone that I had taken a class given by Dr. Tran Van Khe. A few days later a complete stranger walked up to me and said that he heard that I was a musician!

Thank you again for letting Bac Khe how much he has enriched my life. That is the honest truth."


Tin nhắn thứ ba

"When I told my friend's mother that I was going to study with Dr. Khe, she got so excited and called all her friends in around the US and I think even in France saying, "My son's friend will study with Tran Van Khe!"

For 5 months all she talked about was Tran Van Khe.

When I got to Hawai'i, we had a picnic on the beach and this older gentleman walked up to me and ask me about myself and where I was from. I told him that I was from Texas and he asked questions about Texas and America for maybe 20 minutes. I had no idea who he was, he was just very nice. About an hour later he was introduced as Tran Van Khe! I was so surprised! He was so humble and wanted to know every thing from everybody. He was always learning and had respect for every person he met.

I have tried to copy his way as much has possible. To always learn, always respect another person, love life and love music. To have our own hoa la (flowers and leaves) in each thing we do."

Tin nhắn thứ tư
"He really has been one of my heroes, and I have told many of my students about him in Hawai'i and Thailand.

I hope one day to meet you and possibly to see Bac Khe again when I go to Viet-Nam. "

Tin nhắn thứ 5

"He taught me not only to love Vietnamese classical music, but music in general, and how to see and love the world and people, and to love to learn new things. He is an example of a master being completely humble and willing to learn anything new.

I only got to spend 10 weeks in his class, but they were very important 10 weeks of my life. I'm sure you will learn as much as you can from him too."


(còn tiếp phần 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...