Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

Tản mạn về chọn nghề

Tác giả: Hiệu Minh

Washington DC, 2-2006.

Lâu lắm tôi mới gặp lại người bạn cùng trường phổ thông những năm 70. Anh từng là ngôi sao toán trong trường và đã dự thi toán quốc tế. Anh theo ngành này cho đến khi trở thành Tiến sỹ Toán, đỉnh cao của một người làm khoa học. Nhưng anh lại thở dài ngao ngán nói bảo tôi:”Cái danh Tiến sỹ Toán của mình không đủ tiền cho con đi học mẫu giáo. Mình đang lo đi dậy thêm toán cho học sinh phổ thông cấp II để kiếm tiền đây. So với anh bạn nhà bên, học xong trung cấp nông nghiệp, đang chiết ghép khế ngọt để bán ra chợ, tiền thu như nước mình chả là cái đinh gì. Tớ đang cố đầu tư cho con trai chiếc máy vi tính để theo nghề của cậu”.

Giấc mơ làm toán giỏi những năm 70-80 ngày xưa đã một thời thống trị trong đầu óc các sỹ tử khi thi vào các lớp A0 hay đại học vì để giỏi toán chỉ cần cái bút chì và vài tờ giấy nháp là đủ, rất hợp với các sỹ tử nhà nghèo. Người ta cho rằng Toán học sẽ giải quyết tất cả, là chìa khoá của mọi ngành.

Đâu đó tôi đọc được bài báo của chính những người làm toán rất nổi tiếng nói rất hay rằng, lúc đó Toán học là ngành thần tượng của tuổi trẻ, nó mê hoặc bao nhiêu tài năng để rồi những tài năng ấy phí hoài trong những công trình lý thuyết không ai biết tới hoặc may mắn lắm, hàng trăm năm sau họa có ai sử dụng chăng. Ngày nay, những người đỗ đạt cao trong Toán học cũng phải phiêu bạt đi kiếm ăn ở các ngành khác hay chạy đi nước ngoài làm việc. Đôi lúc, tôi cũng nghĩ dại như ai: Việt nam có thật sự cần Toán học hay không?

 Tôi chọn nghề Tin học cũng chỉ vì được Bộ Đại học phân công học ngành Toán. Nhưng thấy mình dốt toán quá nên nghĩ chuyển sang Tin học đi sẽ nhẹ hơn. Thật ra, để học Tin học cần phải giỏi toán. Nếu không thì chắc chắn học tin sẽ chẳng ra gì. Vì vậy, suốt cuộc đời tôi cứ “ỳ ạch mang trên vai cây thánh giá Tin học một cách nặng nhọc”. Những năm 70, thời tôi học đại học ở Ba Lan, nếu ai học kém Toán, Vật lý hay Tin học được tự động chuyển sang trường Kinh tế Vác-xa-va. Và bây giờ, sau vài chục năm, hẳn chúng ta đã biết các nhà Kinh tế và Toán học khác nhau chỗ nào. Tôi vẫn thầm ước, giá như hồi ấy, những người giỏi toán lý chuyển sang học kinh tế thì có khi đất nước mình ngày nay cũng khác hơn. Anh bạn Tiến sỹ Toán của tôi có khi trở thành nhà kinh tế lỗi lạc rồi, đâu phải đi lọc cọc gõ đầu trẻ kiếm tiền.

 Khi tôi tới thăm vài người bạn đều được hỏi là muốn mua một máy tính cho con học tin học nên ở đâu là tốt nhất, nếu học khoa Tin học thì truờng nào nổi tiếng. Ai cũng muốn con mình trở thành nhà Tin học tương lai nên họ đã đầu tư ngay từ bây giờ. Các em học sinh bây giờ phải đi học thêm kể cả vi tính, ngoại ngữ nên chẳng còn có tuổi thơ. Các bạn học giỏi các môn tự nhiên đua nhau thi vào các khoa Tin học Điện tử, Viễn thông hay Công nghệ Thông tin. Họ thường là những người học giỏi nhất, siêu sao trong trường phổ thông.

Tôi không bàn đến những bạn học thêm tin học, thực chất là học cách sử dụng máy vi tính và các phần mềm để tiện cho công việc của mình. Sử dụng thành thạo một số phần mềm vi tính là một trong những điều kiện bắt buộc khi đi xin việc nhất là thi tuyển vào các công ty nước ngoài. Những trung tâm vi tính hay hướng nghiệp cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, nếu theo đuổi tin học như một nghề cần phải xét lại. Trong tương lai, công nghệ máy tính sẽ đạt trình độ cao, dễ sử dụng, dễ bảo trì nên một người có thể đảm bảo công việc cho cả chục chuyên viên tin học như hiện nay. Công nghệ Internet giúp người ta kết nối các máy tính một cách dễ dàng, phần mềm cần thiết được tải xuống từ mạng một cách tự động. Ngoài ra, nghề Tin học phải chịu một sức ép rất lớn theo công nghệ mới. Điều học thấu đáo hôm nay thì ngày mai đã thành lạc hậu. Một vài năm sau hoàn toàn không còn giá trị kể cả kinh nghiệm cũng vứt vào sọt rác. Sự ra đời của phần mềm Oracle, Informix, Access làm cho chuyên gia Foxpro nhanh chóng giải nghệ trừ phi anh ta phải bắt đầu từ số zerô.

Điều tai hại là tư duy của anh ta lúc nào cũng nghĩ đến FoxPro nên người ta thường thích tuyển những người học mới từ đầu. Cái học được ở UNIX thì gần như không thể mang sang áp dụng cho WINDOWS XP. Và bây giờ là nguồn mở Liniux. Khi tôi viết những dòng này, cũng không hiểu Linux là gì. Nếu là lập trình viên, chỉ có tuổi trẻ mới có thể chịu được cường độ lao động cao, đôi khi phải ngồi trước máy vi tính hàng chục tiếng để tìm lỗi. Khi đã ngoài 30 tuổi, khó có thể ngồi quá vài tiếng liền để lập trình. Công nghệ Thông tin là một trong những ngành công nghệ có thay đổi nhanh nhất. Đến một lúc nào đó, do tuổi tác thì đành phải chịu tụt hậu và thế là nguy cơ mất việc làm. Tôi cũng tự cho mình là người lập trình Pascal hoặc C điêu luyện nhưng thời nay có còn ai dùng nó nữa mà chỉ có Visual Basic, Java hướng đối tượng.. Bây giờ, khi đã lớn tuổi, nếu người ta bắt tôi ngồi học lập trình trên Java chắc tôi sẽ xin chuyển làm bảo vệ cơ quan và chắc gì đã được nhận. Nghề tin học chỉ có thể kiếm tiền khi còn trẻ.

Trong khi nghề bác sỹ, kỹ sư chăn nuôi, nhà kinh tế, chuyên gia về giống cây trồng hay môi trường, ngày xưa chót học toán kém một chút, nhưng sau 20-30 năm công tác, những gì họ thu thập được sẽ quý giá biết bao. Mỗi điều họ nói hoặc viết ra là vàng ngọc vì kinh nghiệm được tích luỹ sau bao năm trong nghề. Nếu bạn đến bệnh viện, thấy bác sỹ tóc hoa râm khám, bạn sẽ yên tâm nghe họ khuyên bảo hơn là gặp một bác sỹ trẻ măng. Nhưng nếu bạn mang máy tính đi sửa mà gặp một ông 50 mở máy tính ra “soi” thì cái PC ấy coi như đi tong. Một số Tiến sỹ Toán, Lý rất giỏi của ta được Nhà nước ưu ái, đưa và chức vụ quản lý cao cấp để rồi xảy ra tình trạng “Vật lý hay toán học thì chẳng còn công trình nào được đăng, cơ quan thì nát như bùn” vì thực ra các vị Tiến sỹ ấy làm gì có kiến thức kinh tế để làm quản lý.

Tôi viết những điều này vì nghĩ đến một điều chúng ta cần suy nghĩ khi chọn nghề cho con cháu: nên theo xu hướng thị trường hiện tại hay nhìn xa về tương lai một chút. Điều lưu ý là rất nhiều học sinh ưu tú của ta đã đạt giải cao trong các kỳ thi Tin học, Toán học hay Vật lý, ai cũng thường lựa chọn ngành mà họ đã đạt giải chứ không chọn ngành đơn thuần như kinh tế, tài chính, nông nghiệp, môi trường hay y học. Thật ra, các em học sinh ấy chỉ giỏi môn toán đó được vài năm trong trường phổ thông, giải được vài bài toán khó với đôi ba mẹo vặt. Cả một quãng đời ba bốn chục năm trong độ tuổi lao động với bao nhiêu thách thức, thay đổi thì không thể trông đợi hoàn toàn vào vài năm học giỏi ở trường phổ thông. Tôi thiển nghĩ rằng, những học sinh giỏi đó nếu lựa chọn hơi khác đi một chút thì có lẽ nước ta sẽ có nhiều tài năng được sử dụng đúng mục đích hơn là số Tiến sỹ Toán Lý hiện nay. Tôi không chê nghề làm Toán vì nếu người ta ưa thích thì đấy là chuyện của họ và thật ra nghề Tin học của tôi cũng hơi hướng Toán học nên rất hiểu tại sao. Tuy vậy, trong chính sách chung của Nhà nước và tuyên truyền trên báo chí, ta nên bớt đi sự huyễn hoặc “Việt nam có gien toán học”. Các đoàn đi thi Quốc tế được giải cao cũng không nên đưa lên tít hàng đầu và lấy đấy là niềm tự hào quá lớn lao của dân tộc, làm cho thế hệ trẻ và phụ huynh hiểu nhầm.

Mỗi năm khi xuân về, các gia đình lại bàn chuyện thi cử cho con. Các sỹ tử lại sắp chọn thi vào một ngành để rồi suốt đời vì nó mà buồn vui, thành công hay thất bại. Đôi khi, lúc chọn ngành nghề, nếu suy nghĩ khác một chút lại may mắn và mang lại lợi ích cho đất nước nhiều hơn. Danh Tiến sỹ và kể cả tài ba thực sự trong Toán, Lý hay Tin học chưa chắc đã mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình, xa hơn nữa là đất nước. Và chắc gì thu nhập hay đóng góp chung đã bằng anh cán bộ trung cấp nông nghiệp chuyên chiết ghép cây khế ngọt như anh hàng xóm của vị Tiến sỹ Toán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...