Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Thế giới mất Michael Jackson, Việt Nam mất Huỳnh Phúc Điền


Trong khi hằng ngày hằng giờ những thông tin liên quan đến M.J vẫn còn được cập nhập liên tục trên các phương tiện truyền thông, blog, forum thì bất ngờ tin đạo diễn Huỳnh Phúc Điền qua đời ập đến

M.J ra đi quả là mất mát nhưng thực sự đã đến lúc vì anh ta đã cạn kiệt tất cả, cạn kiệt gia sản, cạn kiệt sức khỏe, cạn kiệt tài năng. M.J chỉ sống trong vầng hào quang quá khứ, đã đứng lại từ rất lâu và ko thể bước tiếp tục

Nhưng Huỳnh Phúc Điền, anh đang ở độ chín của tài năng, anh còn nhiều nhiều dự án đang ấp ủ, còn nhiều kế hoạch phải thực hiện. Những đạo diễn sân khấu xuất sắc nhất của VN cũng chỉ có 5 người trong đó có anh. Nhiều liveshow lớn thành công là nhờ bàn tay anh... vậy mà anh đã ra đi

Năm trước anh đi Singapore, mỗi ngày viết nhật ký về cuộc chiến chống lại ung thu... mọi người theo dõi và lo lắng với bệnh tật của anh. Người bày thuốc tây, người bày thuốc tàu, người chỉ chỗ này, người giới thiệu chỗ kia... Anh về nước cứ ngỡ đã diệt hết mầm mống bệnh...

Không ngờ...

Cầu mong anh luôn mỉm cười ở thế giới bên kia

Nỗi đau, mất mát quá lớn...

N.H

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=324169&ChannelID=10

Trong những ngày ra vào thường xuyên ở bệnh viện Huỳnh Phúc Điền đã có ý tưởng thực hiện chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân ung thư, cụ thể hơn là những bệnh nhân K-gan của bệnh viện Chợ Rẫy gặp hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng dự định ấy anh đã không kịp thực hiện...

TTO xin trích lại entry từ blog của anh viết về dự định đó:

Đầu năm nghĩ về một việc làm có ích

Đầu năm, bỗng dưng muốn làm một điều gì đó, dù việc làm ấy như hạt muối bỏ giữa lòng biển khơi....

Có lẽ mọi chuyện được bắt đầu kể từ cái ngày tôi ra vào thường xuyên ở các bệnh viện của Việt Nam nhiều hơn, mà điển hình là bệnh viện Chợ Rẫy nơi có khoa K-Gan. Từ đó mới thấy bệnh nhân ung thư của Việt Nam sao bây giờ nhiều đến như vậy. Mà trong con số nhiều ấy, đa phần đều là những người nghèo. Họ không có tiền để làm những mẫu xéc nghiệm, chụp CT, làm Toce... Rồi may ra có vị bác sĩ nào đó động lòng trước những hoàn cảnh khó khăn mà chuyển hồ sơ họ sang một dạng khác để được nhận tài trợ từ bệnh viện, hay nhập viện chậm hơn dự kiến để kịp thời gian cho việc mua bảo hiểm y tế mà giảm bớt được gánh nặng gia đình.

Người bệnh nghèo khắp nơi đổ về thành phố, mà điển hình là những bệnh viện lớn.

Một buổi sáng đến bệnh viện bạn sẽ bị choáng ngợp bởi không gian chật chội không có chỗ để chen chân, bảo vệ luôn phải la hét cho việc giải tán hành lang dành đường đi lại. Mà đa số những người đi thăm, đi nuôi, đi chữa bệnh đều là những người nghèo.

Tôi đã từng chứng kiến cái cảnh một bệnh nhân lớn tuổi vào phòng khám K-Gan của bệnh viện Chợ Rẫy khi không có tiền để làm Toce lần 2. Mà nếu không làm toce lần 2 thì chẳng khác gì chúng ta đang nuôi mầm móng tế bào ung thư trong người thêm ngày càng phát triển. Cái nghèo là vậy đó, nó có "cái quyền ưu tiên" là can thiệp trực tiếp vào sự sống và cái chết của con người, nhất là những người gặp hòan cảnh khó khăn.... Bệnh viện sửa đổi hồ sơ để tài trợ cho bệnh nhân có hòan cảnh khó khăn này.

Tuy nhiên bên ngoài dãy hành lang chờ đợi kia, còn biết bao nhiêu con người có hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh như người đàn ông lớn tuổi ấy? Có bao nhiêu đứa trẻ hiểu về căn bệnh ung thư, có khái niệm về sự sống và cái chết của căn bệnh hiểm nghèo này? Có bao nhiêu người được tài trợ, trong ngân quỹ eo hẹp của bệnh viện? Có bao nhiêu người đủ kinh phí theo được những phác đồ của bệnh viện đưa ra?

Sẽ thật khó khăn với những mức thu nhập ít ỏi của người dân đa phần làm việc nơi đồng án, hoặc có biết bao người chưa kịp mua bảo hiểm y tế thì tai ương ập xuống. Mà việc mua bảo hiểm y tế cũng đâu phải là thói quen, là lẽ thường của người nhà nông. Để tiết kiệm, giảm chi phí, đa phần trong số họ đành phải quay lưng với những phác đồ của Tây Y mà tìm đến Đông Y, vì ở đó chi phí sẽ nhẹ gánh lo hơn. Đó cũng là một giải pháp. Cách nào cũng được, miễn sao họ có niềm tin để tồn tại là quí lắm rồi.

Cancer. Có thể chữa khỏi?

Có lẽ khoa học vẫn chưa chứng minh được điều này một cách tuyệt đối và thuyết phục. Cho nên tạm mượn thành ngữ Việt mà nói như thế này: "Còn nước còn tát, chớ thấy sóng cả mà ngã quai chèo". Và ta còn niềm tin ngày nào thì ta cứ tin vào cuộc sống vẫn còn đang tiếp diễn để mà tồn tại.

Nghĩ đến đây tôi muốn làm cái gì đó, để một ngày ta làm được việc ích cho một người và rồi nhiều ngày ta sẽ làm được nhiều việc có ích cho nhiều người.

Tôi đang ấp ủ làm một chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân ung thư mà có lẽ cụ thể hơn là những bệnh nhân K-gan của bệnh viện Chợ Rẫy gặp hòan cảnh khó khăn. Đó là một việc làm thiết thực vì nó là công việc, là nghề của tôi, là thế mạnh mà tôi đang có. Có thể số tiền quyên góp từ thiện không được nhiều so với căn bệnh tốn kém này trong hòan cảnh khó khăn chung của xã hội, nhưng ít ra nó cũng góp được một phần nào đó dành cho những người bất hạnh...có hòan cảnh khó khăn.

Ý nghĩ là ý nghĩ, tôi cũng chưa biết mọi việc sẽ được bắt đầu từ đâu và như thế nào, sao cho việc quyên góp đạt được hiệu quả cao nhất với số tiền gây quỹ có được. Và từ đó hy vọng mọi người còn có niền tin yêu vào cuộc sống để thấy rằng "cuộc sống tươi đẹp" luôn chờ ta phía trước.

Huỳnh Phúc Điền




Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Để mùa hè xanh chín!


Tham gia Mùa hè xanh là để cống hiến. Tinh thần tình nguyện là giá trị cốt lõi để những năm qua, Mùa hè xanh trở thành thương hiệu của tuổi trẻ, được xã hội công nhận, ủng hộ, tin tưởng. Do vậy, mỗi bạn trẻ chỉ cần thấy mình có tinh thần tình nguyện, có thời gian vào ngày hè là có thể tham gia. Nhưng, cũng vì nền tảng là tình nguyện nên đôi khi chúng ta đã không có nhiều đột phá với chính hoạt động của mình.

Đi là để cống hiến, nhưng vấn đề là cống hiến cái gì?

Chúng ta tham gia tu sửa đường sá, đào thêm con mương mới, cải tạo một cây cầu, sửa chữa mái trường dột nước… Điều đó tạo nên thiện cảm từ người dân và ít nhiều làm thanh niên sở tại thấy có trách nhiệm với làng quê mình. Nhưng như thế là chưa đủ, đơn giản bởi giá trị mà chúng ta tạo ra chỉ là mặt tinh thần. Trên thực tế, có những con đường sửa xong thêm khó đi, cầu xây xong cần phải chờ thời gian thử tải, nhà lợp xong chưa chắc cơn mưa lớn không dột.

Chúng ta tham gia phổ cập giáo dục, vận động em nhỏ tới trường, tổ chức sinh hoạt hè rộn ràng cả xã. Nhưng ít ai nhìn thấy rằng, sau mỗi mùa chiến dịch, thầy cô giáo lại mệt hơn để vận động các em đến trường. Đơn giản vì thầy cô không tổ chức chơi như chúng ta chơi, không có kẹo bánh để các em nhỏ ngày nào cũng chia nhau sau giờ học.

Chúng ta tổ chức hội thao, vận động thanh niên cùng tham gia, mỗi giải đấu đều để lại ấn tượng đẹp. Tối tối, văn nghệ giao lưu làm quê nhỏ nhộn nhịp như một lễ hội. Nhìn số đông người tham gia, mắt chúng ta sáng ngời niềm vui, xúc động vì thấy chương trình mình có ích, hấp dẫn. Nhưng nào ai biết sau quãng hè sôi động, tổ chức Đoàn tại địa phương trở nên lạc lõng vì trình độ vận động hạn chế, phương pháp tổ chức đơn điệu…

Bản chất Mùa hè xanh là một phong trào. Nhưng giá trị nó thì không nên chỉ lên cao trào trong một mùa hè để rồi lắng dịu cho đến mùa hè kế tiếp. Giá trị không chỉ là cân đong đo đếm: Bao nhiêu em tới trường? Sửa bao nhiêu mét đường sá? Xây bao nhiêu căn nhà tình thương? Tổ chức bao nhiêu giải thể thao, bao nhiêu đêm văn nghệ? Bao nhiêu người được tư vấn về sức khỏe, về nông nghiệp, về pháp luật?...

Trên tất cả là làm sao khi kết thúc chiến dịch, những gì chúng ta tạo ra phải được duy trì và tiếp tục. Chính những giá trị này phải được thực hiện bởi những người có trách nhiệm của địa phương.

Chúng ta có thể tập huấn cho cán bộ Đoàn sở tại về kỹ năng hoạt động và hướng dẫn họ tổ chức thay vì chúng ta đứng ra tổ chức; Tập huấn cho cán bộ khuyến nông về chuyên môn thay vì tập trung đông người nông dân cho chúng ta nói; Hướng dẫn cán bộ tư pháp thực hiện đúng yêu cầu pháp luật thay vì chúng ta làm cho họ…

Tóm lại, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa phương là trọng tâm để gia tăng giá trị lâu dài cho Mùa hè xanh.

Đó là sự cống hiến. Một sự cống hiến chỉ nhìn thấy ở thanh niên và trong chính Mùa hè xanh.

Ở mặt ngược lại, chúng ta nên suy nghĩ rằng đi Mùa hè xanh cũng là để trưởng thành về mặt con người xã hội. Cách chúng ta sống, làm việc, chia sẻ với nhau trong một đội; Cách chúng ta thể hiện với người dân địa phương là cả một quá trình để hoàn thiện bản thân. Quá trình ấy chỉ có hiệu quả khi chúng ta thật sự suy nghĩ rằng đi là để trưởng thành.

Từ tư duy ấy, chúng ta mới chỉn chu hơn trong hành động, cẩn thận hơn trong lời nói, sáng tạo hơn trong việc làm và hoàn thiện hơn trong giao tiếp.

Nguyễn Tử Anh
 (Cựu cán bộ trường ĐH Luật TP.HCM)

Nguồn: Báo Thanh Niên


Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Câu chuyện năm cuối cấp II

Tối nay tivi có chiếu chương trình phóng sự trẻ em ở lớp học tình thương. Chương trình có phỏng vấn bà trưởng phòng giáo dục quận 9, ngày xưa là hiệu trưởng trường cấp II của mình.
Mình vốn là đứa trọng ơn thầy cô, nhất tự vi sư bán tự vi sư. Tuy nhiên bà cô này chưa dạy mình chữ nào nhưng toàn là chửi rủa nên mình rất ghét.
Vốn dĩ bản thân bà ấy là 1 con rắn hiểm độc....

Nhớ hồi đó ra chơi học sinh kéo nhau chơi trò kéo co, thế là bị phạt cả đám... lúc đó đứa nào cũng ngây thơ không hiểu mình phạm lỗi gì. Chơi trò chơi trong trường tức bị phạt, nội quy được đưa ra ngay sau hôm ấy thông báo trên toàn trường.

Trống tiết, lớp hơi ồn, phạt nặng, cả đứa nói chuyện lẫn đứa ngồi ngoan ngoãn

Đầu năm lớp 9, má làm đơn xin cho mình chuyển sang lớp a4. Bước vào phòng hiệu trưởng chưa được 1 phút má đã bị đuổi ra. Chắc bà ta nghĩ mình học ngu, con nhà nghèo nên khinh.

Mình còn nghe tận tai bà ta chửi học sinh học ngu, học dốt không bằng cả mấy đứa lớp bổ túc bà ta dạy. Trò dốt lỗi cũng tại thầy. Nhớ mấy đứa học văn bả dạy, đi thi bài nào y chang bài nấy vì bà ta bắt tụi nó học thuộc lòng. Dạy hay thế đấy, giỏi thế đấy! Học trò dốt thì chỉ dạy cách ấy thôi

Năm đó mình học giỏi nhất nhì lớp, giỏi nhất môn văn. Cuốn sách văn ghi chép rất nhiều tư liệu mình nghe cô giảng hoặc tự thu thập. Mình rất quý sách vở nữa. Vào ngày ôn thi gần tốt nghiệp, bỗng dưng đứa nào lấy mất. Mình lo lắng nhiều lắm. Mà người quản trường hôm ấy là cô giáo nổi tiếng dữ nhất nhì trường. Mình thì rất nhát nên nhờ 1 đứa bạn lên nói cô thông báo giùm để tìm sách. Và cô ấy bảo ai mất đứa đó tự lên báo

Dĩ nhiên là mình ko dám làm. Và mình mất quyển sách giá trị nhất của mình lúc ấy. Mai thi Văn.

Ờ thôi, tấm lòng người Thầy như vậy đó

Cũng may mình thi đậu điểm cao. Môn nào cũng 9, 10.

Bà hiệu trưởng rắn ấy hiện giờ làm trưởng phòng giáo dục. Trường cấp II thỉnh giảng bà ấy về dạy lớp chuyên. Làm quan nên bận rộn hay bỏ lớp. Một bé học sinh bức xúc và nói gọi điện cô đến dạy bù tiết hay là kiện cô gì đấy (mình nhớ ko rõ, đại loại là nói cô đừng bỏ tiết)

Và.... phản hồi là tôi thách em đấy, em là cái thá gì...

GD VN còn nhiều nhiều lắm những con rắn như thế... mà rắn thì mới làm quan to được. Mấy thầy cô hiền lành thương yêu học trò thì cả đời vẫn thế...

Trước mặt người trên thì ngon ngọt , khéo léo, đối với kẻ dưới thì chà đạp chửi rủa.

May mắn là mình cuối cùng cũng cầm được tấm bằng ĐH suôn sẻ

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

“Thương tiếc bạn Huỳnh Văn Tiểng” - GS Trần Văn Khê

06-06-2009 00:47:29 GMT +7
THANH MẬN - QUỐC VIÊT ghi
Bạn bè thăm hỏi ông Huỳnh Văn Tiểng trong một buổi mít-tinh kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến năm 2004. Ảnh: HTD

Tiểng ơi! Cách đây vài tuần, gặp bạn tại đám giỗ của bác Tôn, đến nắm tay bạn, anh em nhìn nhau mà không nói một lời, tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng anh em mình gặp nhau trên dương thế.

Tuy biết rằng từ nay bạn sẽ không còn vướng lụy cái đau trên trần tục, hương hồn bạn sẽ tiêu diêu nơi cõi thọ nhưng bạn ơi !...“Tử sanh dẫu biết luật vô thường/ Nhưng khó ngăn dòng lệ tiếc thương”.

Chúng ta đã cùng nhau góp sức trong những công việc làm ngoài việc học như tổ chức chương trình văn nghệ cho các Trường trung học Trương Vĩnh Ký, Đại học Hà Nội và nhất là trong khuôn khổ của nhóm Hoàng Mai Lưu. Trong nhóm này, ngoài ba bạn Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước còn có Quách Vũ, Phan Huỳnh Tấng (sau này đổi tên lại là Phạm Hữu Tùng), nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca và tôi. Mà hôm nay, tất cả các bạn kể trên đều đã ra người thiên cổ, hiện giờ chỉ còn có tôi. Không có bạn bè cùng chí hướng thì tôi có cảm giác rằng bắt đầu từ nay nhóm Hoàng Mai Lưu đã thuộc về dĩ vãng.

GS Trần Văn Khê viết những dòng tiếc thương tại nhà tang lễ. Ảnh: THANH MẬN

Ai cũng biết bạn là một nhà cách mạng lão thành, lúc các bạn khác đang dùi mài kinh sử thì bạn đã dấn thân vào con đường chính trị và đã cùng Dương Đức Hiền, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên ở Hà Nội liên hệ với những nhà cách mạng tiền bối và định hướng cho tất cả sinh viên bắt đầu tìm hiểu giá trị của những chiến công chống ngoại xâm thời xưa. Do đó, bạn đã gợi cho Lưu Hữu Phước sáng tác những bài Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu tá...

Nhà văn hóa Huỳnh Văn Tiểng sinh năm 1920, tại huyện Củ Chi, TP.HCM.

Từ năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Đông Dương đại hội do Xứ ủy Đảng Cộng sản lãnh đạo, đồng thời ông đã lập các nhóm học sinh ủng hộ báo Đảng, lập các tủ sách Mác-xít và vận động học sinh lấy chữ ký kiến nghị phản đối thực dân Pháp bắt giam các dân biểu cộng sản.

Từ năm 1940-1943, ông lập phong trào Câu lạc bộ Học sinh Sài Gòn và là Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên vận động phong trào sinh viên yêu nước bằng những bài hát ca kịch, truyền bá quốc ngữ cho thanh niên.

Từ năm 1944-1989, ông trải qua các chức vụ như Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa V, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM...

Ông đã nhận được nhiều huân, huy chương vì sự đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Do tuổi cao, sức yếu, ông Huỳnh Văn Tiểng từ trần lúc 9 giờ ngày 4-6-2009. Lễ viếng bắt đầu từ chiều 5-6 và truy điệu, an táng vào lúc 15 giờ ngày 7-6 tại nghĩa trang TP.HCM.

Chẳng những gợi đề tài mà sau này bạn còn tham gia đặt lời cho nhạc. Ít người biết những câu “thét ra lửa” phần nhiều là do bạn đề xướng như trong bài kêu gọi thanh niên, Lưu Hữu Phước mở đầu: “Tám mươi năm sống đời tối tăm” thì bạn đã tiếp liền câu “Ta diệt thù, người thù, diệt người thù”.

Bỏ qua nhiều bài hát khác, chỉ nhắc lại thời kỳ thành lập phong trào giải phóng miền Nam cần có một bài kêu gọi quần chúng tham gia kháng chiến, ba bạn trong Hoàng Mai Lưu đã cùng nhau trong một đêm sáng tác bài Giải phóng miền Nam. Người hát rất đông mà có ai biết rằng một trong những người đặt những lời ca nảy lửa đó là Huỳnh Văn Tiểng.

Cũng không ai biết được bạn là một nhà viết kịch nói rất hay. Ít ai biết rằng vở Lương Kha bạn viết năm 1942 hay vở Đêm Lam Sơn bạn viết lúc đất nước chưa được thống nhất, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu đi vào lòng của quần chúng đều là những đề tài mới lạ, văn phong rất mới, rất trẻ mà nội dung hàm chứa những lý tưởng mới có đượm chút triết lý Đông Tây...

Hôm nay, bạn đã vĩnh viễn ra đi nhưng thanh niên trong nước sẽ có dịp tìm kiếm những sáng tác của bạn trong lĩnh vực văn hóa và tự rèn luyện cho mình chẳng những là một con người dũng cảm, bất khuất mà còn là một người thanh niên thấm nhuần bản sắc dân tộc Việt Nam. Như vậy thì Tiểng ơi, dù bạn vắng mặt trên trần thế mà những hoạt động chính trị, những sáng tác văn nghệ của bạn sẽ còn mãi trên đời.

Tiểng ơi, vĩnh biệt bạn trên trần thế...

Tâm nguyện của ông vẫn chưa thành...

Ngày 21-9-2006, ngồi trên xe lăn, ông Huỳnh Văn Tiểng đã đến dự buổi họp mặt ôn lại kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9) do CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM tổ chức. Tại buổi họp mặt, ông đã nhắn nhủ với các bạn trẻ bằng những câu thơ ngắn gọn mà giàu cảm xúc: “Hỡi các bạn trẻ, chúng tôi vẫn sống mãi/ Hóa thân vào các bạn chút lửa hồng/ Bạt núi ngăn sông xây đất nước/ Bừng sáng Sao Việt giữa trời đông”.

Khi đó, ông cũng thay mặt cho thế hệ “mùa thu rồi” chia sẻ tâm tư với lãnh đạo TP: “TP chúng ta đã có Công viên 23-9 nhưng lại chưa có một cụm tượng đài các vị anh hùng, chiến sĩ của mùa thu rồi. Một cụm tượng đài đặt tại Công viên 23-9! Hàng năm, kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến, chúng ta sẽ đến nơi này dâng hương, ca hát, ngâm thơ, kể chuyện cùng con trẻ...”.

Được biết, năm 2007, UBND TP.HCM có chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng quy hoạch tượng trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh tổng thể mặt bằng TP đến năm 2025. Thành phố đề xuất nghiên cứu sử dụng Công viên 23-9 với diện tích 10 hecta cho cụm tượng đài Thống nhất và Nam bộ kháng chiến.

Thế nhưng đến nay, niềm mong mỏi của ông, cũng là của nhân dân TP vẫn chưa thành hiện thực...

THANH TRANG

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Sau đỉnh Olympia là gì???

Tựa gốc: Thư gửi các nhà vô địch Olympia
Tác giả: NGUYỄN QUỐC TRIỀU

TTO - Từ năm 2000 trở đi, cứ mỗi năm đông đảo các bạn học sinh, sinh viên và nhiều người Việt Nam đều hồi hộp chờ đợi để chiêm ngưỡng chân dung của nhà vô địch Olympia. Đến nay đã có 9 nhà vô địch. 9 nhà vô địch leo núi là 9 ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam và là niềm tự hào rất lớn của người Việt Nam.

Khi đọc bản tóm tắt và tình hình làm việc và học tập của 8 nhà vô địch các cuộc thi trước đăng trên báo Tuổi Trẻ, tôi thấy ngoại trừ 4 bạn (Đỗ Hoàng Lâm, Lê Vũ Hoàng, Lê Viết Hà, Huỳnh Anh Vũ) hiện là sinh viên trên giảng đường đại học thì 4 nhà vô địch trước là Trần Ngọc Minh, Phạm Mạnh Tân, Lương Phương Thảo, Võ Văn Dũng đều đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở Úc.

Các bạn có nghĩ đến ngày nào đó các bạn sẽ quay trở về sống và làm việc tại Việt Nam không? Chắc các bạn cũng hiểu vì sao tôi đặt câu hỏi này. Các bạn đã đi nước ngoài, chắc chắn sẽ rõ hơn chúng tôi một điều rằng dù trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng khoảng cách của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới vẫn còn rất lớn.

Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam chúng ta thì điều cần thiết nhất phải có đầy đủ các nguồn lực để phát triển. Chắc các bạn cũng biết nguồn lực quan trọng nhất để phát triển chính là nguồn lực con người. Và đất nước chúng ta cần lắm những con người tài năng như các bạn đấy, các bạn ạ!

Tôi biết rằng ở nước ngoài các bạn sẽ có môi trường làm việc thuận lợi hơn, cuộc sống tốt hơn. Nhưng đất nước chúng ta thật sự đang rất cần các bạn. Ở Việt Nam hiện còn rất nhiều thách thức, rất nhiều ngọn núi cao hơn cả đỉnh Olympia đang chờ các bạn chinh phục...

Chính nhờ cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” do VTV3 tổ chức, nhờ sự ủng hộ và cổ vũ hết mình của đông đảo người dân Việt Nam, nhờ gia đình và quê hương, tài năng của các bạn đã được phát hiện, được thăng hoa và đem lại đến thành công cho các bạn hiện nay.

Điều đó cũng có nghĩa các phải là những người có trách nhiệm đóng góp và cống hiến nhiều hơn cho đất nước và tôi tin rằng những nhân tài như các bạn sẽ có nhiều đóng góp, nhiều cống hiến cho đất nước hơn chúng tôi.

Ở nước ngoài, các bạn vẫn có những hoạt động đóng góp cho đất nước mình, các bạn đã và đang làm như thế, nhưng nếu như sống và làm việc ở Việt Nam, các bạn sẽ làm được nhiều hơn cho đất nước. Phải không các bạn?

Chúc các bạn thành công!

-----------------------------------------

Trong cuộc thi chung kết năm nay, hình ảnh của tám cựu vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” được ghi lại đã gây xúc động mạnh.

1. Trần Ngọc Minh: đã tốt nghiệp Đại học Swinburne ngành telecom, hiện làm việc ở Canberra, Úc.

2. Phan Mạnh Tân: đang học năm cuối PhD Software Engineering ở Swinburne. Tương lai sẽ làm việc cho IBM ở Melbourne.

3. Lương Phương Thảo: tốt nghiệp master marketing ở Đại học Monash, Melbourne.

4. Võ Văn Dũng: tốt nghiệp Đại học Swinburne - ngành information systems & business (Accouting), hiện là accountant ở Melbourne.

5. Đỗ Lâm Hoàng: sinh viên năm cuối chuyên ngành telecom ở Swinburne.

6. Lê Vũ Hoàng: sinh viên năm 3 chuyên ngành electrical engineering ở Swinburne.

7. Lê Viết Hà: sinh viên năm 2 chuyên ngành robotics ở Swinburne.

8. Huỳnh Anh Vũ: sinh viên năm 1 ở Swinburne.

Nguồn: Tuổi trẻ

Vài lời: Sau khi đọc danh sách các cựu vô địch Olympia đang làm gì ở Úc mình định viết 1 entry trên blog vì buồn cười quá, cứ như chuyện đùa ấy. Nhân tài một đi không trở lại vì cuộc sống bên Úc ắt thú vị hơn đất nước hình chữ S này. Hôm nay định viết cái entry toan tính từ lâu, search trên TTO thấy bài của Nguyễn Quốc Triều nói đúng ý định của mình nên thôi.

Có điều nói đi cũng phải nói lại, kẻo oan ức tội nghiệp các cựu "vô địch". Về VN thì sao? Nhà nước có chính sách thu hút nhân tài đâu? Lại còn đì cho ngóc đầu lên không nổi. Apply vô cty nước ngoài thì lương cũng gần gần lương bên Úc là cao lắm rồi. Chưa kể ra đường khói bụi, kẹt xe, lô cốt, cây đổ, ... ở Úc luôn cho khỏe hỉ... định cư xong rước cả gia đình qua luôn là khỏe. Thay mặt các cựu "vô địch" cám ơn nhà tài trợ, cám ơn đài VTV và các đơn vị đã hỗ trợ he he

À, ấn tượng nhất của mình là Trần Ngọc Minh, vô địch đầu tiên của Olympia (lần đầu tiên và cuối cùng mình theo dõi liên tục CT này, mỗi năm nó mỗi dở hơn). Hình như hồi ấy cô ta rất cao thượng, tuyên bố là nhường học bổng cho em trai... một người chị hy sinh vì em út....he he, nói cho sướng thế thôi chứ cô ta cũng vù đi mất gần 10 năm rồi đó._ LNH





GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...