Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Sự quan liêu của quan chức cao cấp Việt Nam

Ông Hoàng Trung Hải
Sinh năm 1959, quê quán Thái Bình. Kỹ sư hệ thống điện - thạc sĩ. Các chức vụ đã trải qua: tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực VN, thứ trưởng Bộ Công nghiệp, bộ trưởng Bộ Công nghiệp. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Tôi vừa dự một hội nghị chuyên ngành từ Phú Quốc về, và trong thời gian ngắn ngủi đó cũng được nhìn thấy sự quan liêu và lãng phí ghê gớm trong các quan chức cao cấp ở nước ta.

Hội nghị thu hút khoảng 270 người đến tham dự, với sự tài trợ nhiệt tình của các công ti dược. Khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort được chọn làm nơi tổ chức, và khách tham dự đã đặt phòng từ một tháng trước. Tưởng rằng đã đặt phòng thì chắc ăn sẽ có phòng để ở, nhưng ở Việt Nam “sự đời” không đơn giản như thế. Một số khách đến ngày hội nghị, đến nơi check-in thì được biết là đã … mất phòng! Tại sao? Tại vì phái đoàn tùy tùng của ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ra thị sát hay đi holiday gì đó ở đảo Phú Quốc, và vì khách sạn là của Nhà nước, nên họ phải dành phòng cho tùy tùng của ông Phó thủ tướng, và tống cổ khách đi khách sạn khác. Một kiểu làm business rất đặc thù của các công ti thuộc Nhà nước Việt Nam.

Chưa hết. Khoảng 10 khách mời và diễn giả (speakers) của hội nghị từ Hà Nội cũng không tham dự được, cũng chỉ vì người ta dành ưu tiên cho chuyến bay của ông Hoàng Trung Hải. Cần nói thêm rằng những người này đã mua vé máy bay (Vietnam Airlines) từ cả tháng trước. Nhưng bất chấp mọi qui luật business, Vietnam Airlines vẫn lấy chỗ của các hành khách này để cho đoàn tùy tùng của ông Hoàng Trung Hải! Một số còn “đau” hơn, vì họ đã bay vào Sài Gòn, nhưng đành phải bay về Hà Nội chứ không có chỗ để đi Phú Quốc.

Tôi có cơ duyên được tạm trú tại khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort cùng với ông Hoàng Trung Hải, nhưng không có cơ duyên diện kiến ngài. Tôi thường ăn sáng tại một nhà ăn có 2 tầng, và tôi thường chọn tầng trên để nhìn ra biển. Nhưng vì sự có mặt của Hoàng Trung Hải nên tôi và một số bạn bị đuổi xuống tầng dưới. Làm quan lớn cỡ như ông Hoàng Trung Hải đúng là sướng thiệt vì được “ăn trên ngồi trước [trốc]”, cũng là một hình thức đóng vai các quan thuộc địa của Pháp ngày xưa mà Ba tôi thường kể lại.

Đến ngày ngài Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lên đường về Hà Nội thì lại là một sự kiện trên đảo Phú Quốc. Xe quân đội biển số đỏ chặn các nút đường, và xe công an biển xanh hú còi, dọn đường cho xe của ngài đi.

Nghe nói ông Hoàng Trung Hải và tùy tùng đi thị sát tiến độ thi công sân bay Phú Quốc. Nhưng cũng có tin là ông ta đi thị sát công trình gì đó ở Hà Tiên rồi nổi hứng ra Phú Quốc chơi. Nhưng dù là Hà Tiên hay Phú Quốc thì ông ta cũng chỉ tiêu ra vài phút ngắm nhìn công trình, chỉ tay phía bên này, chỉ tay phía bên kia để phóng viên chụp hình. Tính ra thời gian ông Hoàng Trung Hải lưu lại trên Phú Quốc chỉ có một ngày, nhưng ông ta và tùy tùng ông ta đã gây ra biết bao phiền toái cho người dân. Đó là chưa nói đến khoản chi phí rất lớn để lo cho ông ấy và tùy tùng của ông ấy.

Nói lên sự lãng phí tôi còn chứng kiến một tình hình khác. Số là ngày 13/8 có Hội nghị về quản lí bệnh viện vùng Đông Nam Á do Hội Y học TPHCM tổ chức tại khách sạn Equatorial. Hội nghị thu hút khoảng 300 khách, nhưng có đến 2 quan chức cao cấp trong Chính phủ đến đọc diễn văn: đó là ông Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng y tế Nguyễn Quốc Triệu. Hai ông này phải bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, ở khách sạn Equatorial (phòng dành cho VIP), và mỗi ông có vệ sĩ đi theo cộng với một hay hai thư kí. Ban tổ chức trả tiền phòng mệt nghỉ. Đó là chưa nói đến phong bì cho 2 ông. Hôm đó tôi đi ăn sáng và thấy cho vệ sĩ đi theo, tôi tưởng là họ đi… bảo vệ tôi :-), nhưng không họ bảo vệ 2 ông quan kia đi… ăn sáng. Trời! Đây là khách sạn 5 sao, có ai mà hành hung hai ông ấy để phải có vệ sĩ đi theo! Thật ra, phần lớn khách trong khách sạn cũng chẳng ai biết hai ông ấy là ai. Đúng là hợm hĩnh!

Sống ớ nước ngoài lâu, tôi chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh Bộ trưởng hay Phó thủ tướng đi mà có xe cảnh sát dọn đường, chưa bao giờ chứng kiến cảnh Bộ trưởng, thậm chí Thủ tướng, ăn trên ngồi trước [trốc]. Tôi cũng từng có cơ duyên gặp một hay hai Bộ trưởng Úc nên thấy được phong cách bình dân của họ như thế nào. Thủ tướng Úc đi công tác các tiểu bang chỉ có 2 người (ông ấy và bảo vệ) và đi trên chuyến bay dân sự như mọi người dân khác. Còn ở Việt Nam, tôi thấy các quan chức cứ như là những ông trời hay thần thánh sao ấy.

GS Nguyễn Văn Tuấn
(Chuyên gia y học về xương tại Australia – BVN)

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

http://www.bauxitevietnam.info/c/6169.html

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

Bao giờ có sách Người Việt xấu xí

Tác giả: Hiệu Minh


Thói quen của con người không thích bị chê, chỉ thích được khen. Viết chê bai rất khó lọt tai, nhất là ai dám viết sách về mảng tối văn hóa của một dân tộc. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã in sách về sự xấu xí của dân tộc mình.

 

Người xứ Garbovo (Bungaria) tự giễu tính ky bo kẹt xỉn của mình bằng “Truyện cười Garbovo”. Ban tổ chức thi truyện Garbovo cũng rất keo. Họ thông báo trao giải rất cao cho ai gửi truyện thú vị nhất về sự ky bo. Dân chúng ào ào gửi truyện đến. Cuối cùng ban tổ chức tuyên bố, không có truyện nào hay nhất để…quỵt luôn tiền thưởng, nhưng sách được xuất bản.

 

Khi viết “Người Trung Quốc xấu xí”, nhà văn Bá Dương (Bo Yang) đã viện dẫn, Chính phủ Mỹ coi cuốn “Người Mỹ xấu xí” như một tham khảo quan trọng để ra sách lược phát triển cho đất nước, tại sao Trung quốc không làm thế. Cuốn sách in ở Đài loan của ông đã được phát hành ở Trung Hoa lục địa những năm 1980, dù lúc đầu bị cấm và bị lên án tơi bời.

 

Tuy là dân ngoại giao, lẽ ra phải nói về cái hay cái đẹp của dân tộc, ông đại sứ Nhật ở Argentina lại viết cuốn “Người Nhật xấu xí”. Người Nhật vốn kín đáo, không thích phô cái xấu của mình.

 

Năm 1950, một nhà báo Mỹ viết cuốn sách về lớp tiện dân Ấn sống bẩn thỉu, vô văn hoá bị cả nước Ấn độ lên án. Người cha tinh thần Mahatma Gandhi, khi đọc xong cuốn sách liền nói “chúng ta nên đi cọ chuồng xí thì hơn”. Nói rồi, ông cùng các tông đồ đi quét dọn nhà vệ sinh. Và từ đó, người Ấn không còn tầng lớp tiện dân.

 

Tai hoạ của dân tộc chính là chỉ nhìn thấy mầu hồng mà không nhìn thấy mầu xám. Hoặc  định hướng cho hàng trăm triệu người “dân tộc ta vĩ đại nhất và mang trên vai những sứ mệnh lịch sử của thời đại”. Kết quả, ra đường tham gia giao thông, ai cũng thấy mình ”nhất” nên không biết nhường đường, xếp hàng mua vé thì “ta là vua tại sao phải đợi”.

 

Trước kia, người Nhật dậy con cháu quá đỗi tự hào về “dân tộc Nhật là mặt trời mọc của nhân loại” nên đã thảm bại trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, họ đã thay đổi trong sách giáo khoa cho học sinh “Nước Nhật nghèo lắm, không có tài nguyên. Các em không học giỏi, nước Nhật không thể tiến lên”. Bây giờ, người Việt Nam ta sang phương Tây khi được hỏi xuất xứ, đôi khi phải xấu hổ tự nhận vơ là người Nhật.

 

Nước Mỹ nghiên cứu cái xấu xí để tìm ra đường đi lên của đất nước họ. Ngày nay, nước Mỹ có còn xấu xí hay không hoặc họ đang ở đâu trong thế giới này, chắc ai cũng biết.

 

Ông Bá Dương nói rất nhiều điều về nỗi khổ nhục gian nan của người Hoa trong 5000 năm lịch sử vì thói xấu của họ.

 

Ông cho rằng, một người Trung Hoa là một con rồng. Nhưng nếu ba người đi với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng một con giòi nữa.

 

Người Trung Quốc ưa làm quan, rất phong kiến, khi phán xét, suy luận, không dùng lý trí mà nặng về cảm tính; xã hội dựa trên tiêu chuẩn chính trị đạo đức thời hủ Nho, làm quan là cha mẹ thiên hạ.

 

Lúc tự kiêu thì thành ông chủ, xem mọi người đều là cứt chó hết. Khi tự ty nghĩ mình là tôi tớ, không bằng đống phân chó.

 

Người Hán đọc cuốn sách này có nhiều phản ứng khác nhau. Người lên án ông dám nhạo báng dân tộc mình, nhưng có người thấy nước Trung hoa cần thay đổi.

 

Trong tám năm chuẩn bị Olympics Bắc kinh, ngoài việc bỏ ra 40 tỷ đô la để đầu tư cho hạ tầng cơ sở, người Trung Quốc còn hướng dẫn trên tivi, sách báo  làm sao dân chúng biết ăn ngậm miệng, không nhai tóp tép, đừng lấy tay ngoáy mũi, ra đường không nhổ bọt và xả rác bậy.

 

Hàng tỷ người trên khắp hành tinh theo dõi lễ khai mạc tại sân Tổ chim, chiêm ngưỡng dân tộc Trung hoa vĩ đại thế nào trong 52 phút trình diễn của Trương Nghệ Mưu. Bề dầy văn hoá 5000 năm, sức mạnh đoàn kết dân tộc và kỹ thuật hiện đại được thể hiện hôm khai mạc Olympics đã nói lên tất cả. Một dân tộc tự ví mình là con giòi đã làm được điều kỳ diệu.

 

Người Mỹ không sợ người Nga nhưng họ lo người Hoa với một cộng đồng tỷ rưỡi, dự trữ ngoại tệ đứng thứ 2-3 thế giới và văn hóa Vạn Lý Trường Thành. Ngoài việc ra những chính sách quan trọng về phát triển, đối nội, đối ngoại, họ cho phép in cuốn sách của một người Hoa lưu vong bên Đài Loan nói về sự xấu xí của người Trung Quốc.

 

Ở Việt Nam ta, ông Vương Trí Nhàn định in cuốn “Thói hư, tật xấu của người Việt” thì bị lên án tơi bời. Tôi chưa được đọc cuốn đó nên không thể nhận xét và không biết đã in chưa.

 

Có người lý luận, đoán cái xấu thì dễ, đoán cái tốt mới khó. Do điều kiện lịch sử, đời sống hiện đại của chúng ta đã sinh ra một lớp người lấy chuyện đoán “cái xấu” ra để làm lớp áo tri thức của mình. Thậm chí có những người còn đi xa hơn bằng cách “làm yếu ớt đi, làm nhạt nhòa đi” chính nguồn cội của mình để mưu danh với thiên hạ”.

 

Câu bình luận ấy cũng “bỏ tù miệng” những ai dám nói lên án cái xấu, cái vô văn hoá.

 

Ý tưởng của ông Vương Trí Nhàn và sự dũng cảm của ông rất đáng ca ngợi. Một khi không dám nhìn vào cái xấu thì còn lâu mới có thể loại trừ chúng ra khỏi thói quen của chúng ta.

 

Báo Tiền phong có mục ”Người Việt – Phẩm chất và thói hư tật xấu” được bạn đọc hưởng ứng và họ đã thu thập in thành sách. Nhưng để có cuốn sách tầm cỡ quốc gia như “Người Trung Quốc xấu xí”, cần nhà chính trị dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, những trí thức, nhà văn hóa cần tìm ra những cái xấu, nguyên nhân sâu xa và quan trọng là cách khắc phục.

 

Nước nào cũng có người xấu và người tốt, thói hư và hành vi văn hóa đẹp đan xen. Giữa Paris hoa lệ  thấy đôi người xả rác hay ăn xin, hay dẫm phải phân chó, nhưng không ai bảo người Pháp là ít văn hóa hơn người Việt.

 

Vào khách sạn Metropole hay Hilton Hà nội, gặp người Việt làm việc trong đó ai dám nói là dân ta vô tổ chức hay bất lịch sự, thích chen lấn, ai bảo người Việt ít văn hóa hơn người Nga.

 

Vấn đề là gặp ai, ở đâu và hiện tượng xấu đẹp nhiều hay ít. Khi đó mới có thể phán xét về dân tộc đó. Nơi nào thói xấu nhiều thì dân tộc đó cần nhìn nhận lại chính bản thân mình.

 

Đọc “Người Trung quốc xấu xí”, tôi tâm đắc một câu “Sở dĩ, người Trung quốc xấu xí như ngày nay vì họ không hề biết mình xấu”.

 

Tờ New York Times đã ví ông Bá Dương như Voltaire của nền văn học Trung Hoa. Ông đã mất nhưng di sản “xấu xí của người Hán” để lại cho Trung Quốc chính là những mong muốn tốt đẹp cho ngày mai.

 

Nước Nhật, Hoa Kỳ hay xứ Bungaria được tiến bộ như ngày nay là vì họ đã xuất bản những cuốn sách về “di sản xấu” của chính dân tộc họ cách đây nhiều thập kỷ.

 

Nhiều nước trên thế giới đã khâm phục Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm của nhiều cuộc chiến tranh. Không ít người đã mong làm người Việt lúc đó. Nhưng chiến tranh đã qua, không ai muốn mang súng ra chiến tuyến.

 

Viết về mảng tối văn hóa chính là chiếu sáng cho sự tối tăm và mong ước điều tốt đẹp cho tương lai. Chắc chúng ta cũng mơ mộng, một ngày nào đó, có người châu Á sang phương Tây lại tự xưng là người Việt Nam. Dân tộc lúc ấy mới thực sự hạnh phúc.

Tản mạn về chọn nghề

Tác giả: Hiệu Minh

Washington DC, 2-2006.

Lâu lắm tôi mới gặp lại người bạn cùng trường phổ thông những năm 70. Anh từng là ngôi sao toán trong trường và đã dự thi toán quốc tế. Anh theo ngành này cho đến khi trở thành Tiến sỹ Toán, đỉnh cao của một người làm khoa học. Nhưng anh lại thở dài ngao ngán nói bảo tôi:”Cái danh Tiến sỹ Toán của mình không đủ tiền cho con đi học mẫu giáo. Mình đang lo đi dậy thêm toán cho học sinh phổ thông cấp II để kiếm tiền đây. So với anh bạn nhà bên, học xong trung cấp nông nghiệp, đang chiết ghép khế ngọt để bán ra chợ, tiền thu như nước mình chả là cái đinh gì. Tớ đang cố đầu tư cho con trai chiếc máy vi tính để theo nghề của cậu”.

Giấc mơ làm toán giỏi những năm 70-80 ngày xưa đã một thời thống trị trong đầu óc các sỹ tử khi thi vào các lớp A0 hay đại học vì để giỏi toán chỉ cần cái bút chì và vài tờ giấy nháp là đủ, rất hợp với các sỹ tử nhà nghèo. Người ta cho rằng Toán học sẽ giải quyết tất cả, là chìa khoá của mọi ngành.

Đâu đó tôi đọc được bài báo của chính những người làm toán rất nổi tiếng nói rất hay rằng, lúc đó Toán học là ngành thần tượng của tuổi trẻ, nó mê hoặc bao nhiêu tài năng để rồi những tài năng ấy phí hoài trong những công trình lý thuyết không ai biết tới hoặc may mắn lắm, hàng trăm năm sau họa có ai sử dụng chăng. Ngày nay, những người đỗ đạt cao trong Toán học cũng phải phiêu bạt đi kiếm ăn ở các ngành khác hay chạy đi nước ngoài làm việc. Đôi lúc, tôi cũng nghĩ dại như ai: Việt nam có thật sự cần Toán học hay không?

 Tôi chọn nghề Tin học cũng chỉ vì được Bộ Đại học phân công học ngành Toán. Nhưng thấy mình dốt toán quá nên nghĩ chuyển sang Tin học đi sẽ nhẹ hơn. Thật ra, để học Tin học cần phải giỏi toán. Nếu không thì chắc chắn học tin sẽ chẳng ra gì. Vì vậy, suốt cuộc đời tôi cứ “ỳ ạch mang trên vai cây thánh giá Tin học một cách nặng nhọc”. Những năm 70, thời tôi học đại học ở Ba Lan, nếu ai học kém Toán, Vật lý hay Tin học được tự động chuyển sang trường Kinh tế Vác-xa-va. Và bây giờ, sau vài chục năm, hẳn chúng ta đã biết các nhà Kinh tế và Toán học khác nhau chỗ nào. Tôi vẫn thầm ước, giá như hồi ấy, những người giỏi toán lý chuyển sang học kinh tế thì có khi đất nước mình ngày nay cũng khác hơn. Anh bạn Tiến sỹ Toán của tôi có khi trở thành nhà kinh tế lỗi lạc rồi, đâu phải đi lọc cọc gõ đầu trẻ kiếm tiền.

 Khi tôi tới thăm vài người bạn đều được hỏi là muốn mua một máy tính cho con học tin học nên ở đâu là tốt nhất, nếu học khoa Tin học thì truờng nào nổi tiếng. Ai cũng muốn con mình trở thành nhà Tin học tương lai nên họ đã đầu tư ngay từ bây giờ. Các em học sinh bây giờ phải đi học thêm kể cả vi tính, ngoại ngữ nên chẳng còn có tuổi thơ. Các bạn học giỏi các môn tự nhiên đua nhau thi vào các khoa Tin học Điện tử, Viễn thông hay Công nghệ Thông tin. Họ thường là những người học giỏi nhất, siêu sao trong trường phổ thông.

Tôi không bàn đến những bạn học thêm tin học, thực chất là học cách sử dụng máy vi tính và các phần mềm để tiện cho công việc của mình. Sử dụng thành thạo một số phần mềm vi tính là một trong những điều kiện bắt buộc khi đi xin việc nhất là thi tuyển vào các công ty nước ngoài. Những trung tâm vi tính hay hướng nghiệp cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, nếu theo đuổi tin học như một nghề cần phải xét lại. Trong tương lai, công nghệ máy tính sẽ đạt trình độ cao, dễ sử dụng, dễ bảo trì nên một người có thể đảm bảo công việc cho cả chục chuyên viên tin học như hiện nay. Công nghệ Internet giúp người ta kết nối các máy tính một cách dễ dàng, phần mềm cần thiết được tải xuống từ mạng một cách tự động. Ngoài ra, nghề Tin học phải chịu một sức ép rất lớn theo công nghệ mới. Điều học thấu đáo hôm nay thì ngày mai đã thành lạc hậu. Một vài năm sau hoàn toàn không còn giá trị kể cả kinh nghiệm cũng vứt vào sọt rác. Sự ra đời của phần mềm Oracle, Informix, Access làm cho chuyên gia Foxpro nhanh chóng giải nghệ trừ phi anh ta phải bắt đầu từ số zerô.

Điều tai hại là tư duy của anh ta lúc nào cũng nghĩ đến FoxPro nên người ta thường thích tuyển những người học mới từ đầu. Cái học được ở UNIX thì gần như không thể mang sang áp dụng cho WINDOWS XP. Và bây giờ là nguồn mở Liniux. Khi tôi viết những dòng này, cũng không hiểu Linux là gì. Nếu là lập trình viên, chỉ có tuổi trẻ mới có thể chịu được cường độ lao động cao, đôi khi phải ngồi trước máy vi tính hàng chục tiếng để tìm lỗi. Khi đã ngoài 30 tuổi, khó có thể ngồi quá vài tiếng liền để lập trình. Công nghệ Thông tin là một trong những ngành công nghệ có thay đổi nhanh nhất. Đến một lúc nào đó, do tuổi tác thì đành phải chịu tụt hậu và thế là nguy cơ mất việc làm. Tôi cũng tự cho mình là người lập trình Pascal hoặc C điêu luyện nhưng thời nay có còn ai dùng nó nữa mà chỉ có Visual Basic, Java hướng đối tượng.. Bây giờ, khi đã lớn tuổi, nếu người ta bắt tôi ngồi học lập trình trên Java chắc tôi sẽ xin chuyển làm bảo vệ cơ quan và chắc gì đã được nhận. Nghề tin học chỉ có thể kiếm tiền khi còn trẻ.

Trong khi nghề bác sỹ, kỹ sư chăn nuôi, nhà kinh tế, chuyên gia về giống cây trồng hay môi trường, ngày xưa chót học toán kém một chút, nhưng sau 20-30 năm công tác, những gì họ thu thập được sẽ quý giá biết bao. Mỗi điều họ nói hoặc viết ra là vàng ngọc vì kinh nghiệm được tích luỹ sau bao năm trong nghề. Nếu bạn đến bệnh viện, thấy bác sỹ tóc hoa râm khám, bạn sẽ yên tâm nghe họ khuyên bảo hơn là gặp một bác sỹ trẻ măng. Nhưng nếu bạn mang máy tính đi sửa mà gặp một ông 50 mở máy tính ra “soi” thì cái PC ấy coi như đi tong. Một số Tiến sỹ Toán, Lý rất giỏi của ta được Nhà nước ưu ái, đưa và chức vụ quản lý cao cấp để rồi xảy ra tình trạng “Vật lý hay toán học thì chẳng còn công trình nào được đăng, cơ quan thì nát như bùn” vì thực ra các vị Tiến sỹ ấy làm gì có kiến thức kinh tế để làm quản lý.

Tôi viết những điều này vì nghĩ đến một điều chúng ta cần suy nghĩ khi chọn nghề cho con cháu: nên theo xu hướng thị trường hiện tại hay nhìn xa về tương lai một chút. Điều lưu ý là rất nhiều học sinh ưu tú của ta đã đạt giải cao trong các kỳ thi Tin học, Toán học hay Vật lý, ai cũng thường lựa chọn ngành mà họ đã đạt giải chứ không chọn ngành đơn thuần như kinh tế, tài chính, nông nghiệp, môi trường hay y học. Thật ra, các em học sinh ấy chỉ giỏi môn toán đó được vài năm trong trường phổ thông, giải được vài bài toán khó với đôi ba mẹo vặt. Cả một quãng đời ba bốn chục năm trong độ tuổi lao động với bao nhiêu thách thức, thay đổi thì không thể trông đợi hoàn toàn vào vài năm học giỏi ở trường phổ thông. Tôi thiển nghĩ rằng, những học sinh giỏi đó nếu lựa chọn hơi khác đi một chút thì có lẽ nước ta sẽ có nhiều tài năng được sử dụng đúng mục đích hơn là số Tiến sỹ Toán Lý hiện nay. Tôi không chê nghề làm Toán vì nếu người ta ưa thích thì đấy là chuyện của họ và thật ra nghề Tin học của tôi cũng hơi hướng Toán học nên rất hiểu tại sao. Tuy vậy, trong chính sách chung của Nhà nước và tuyên truyền trên báo chí, ta nên bớt đi sự huyễn hoặc “Việt nam có gien toán học”. Các đoàn đi thi Quốc tế được giải cao cũng không nên đưa lên tít hàng đầu và lấy đấy là niềm tự hào quá lớn lao của dân tộc, làm cho thế hệ trẻ và phụ huynh hiểu nhầm.

Mỗi năm khi xuân về, các gia đình lại bàn chuyện thi cử cho con. Các sỹ tử lại sắp chọn thi vào một ngành để rồi suốt đời vì nó mà buồn vui, thành công hay thất bại. Đôi khi, lúc chọn ngành nghề, nếu suy nghĩ khác một chút lại may mắn và mang lại lợi ích cho đất nước nhiều hơn. Danh Tiến sỹ và kể cả tài ba thực sự trong Toán, Lý hay Tin học chưa chắc đã mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình, xa hơn nữa là đất nước. Và chắc gì thu nhập hay đóng góp chung đã bằng anh cán bộ trung cấp nông nghiệp chuyên chiết ghép cây khế ngọt như anh hàng xóm của vị Tiến sỹ Toán.

Đánh học trò và nền giáo dục

Tác giả: Hiệu Minh. 3-2009

Pháp luật đã qui định rất rõ về việc đánh người. Quy định về “Đạo đức nhà giáo” của Bộ trưởng GD và  ĐT cũng là một “roi mây” mang tính răn đe với những người hành nghề sư phạm. Không ai có thể ngụy biện, thậm chí lôi “truyền thống yêu cho roi  cho vọt” như thời phong kiến xa xưa để giải thích những hành động bạo hành học sinh. 

Ngày 21/2/2009, Thanh nien online đưa tin: Khoảng 11 giờ ngày 18-2, trong tiết học môn Lịch sử tại Trường trung học phổ thông bán công Nguyễn Khuyến (Điện Bàn- Quảng Nam), học sinh Phạm Văn, lớp 10T2 nói chuyện riêng, chỉ có vậy, đã bị thầy Lê Văn Châu gọi lên bảng, dùng tay, chân đánh vào mặt, vào lưng. Sau đó, thầy Châu còn tiếp tục dùng cây gỗ nẹp mặt bàn đánh làm em Văn rạn xương đùi chân trái. 

Rồi từ một câu nói đùa, trêu chọc nhau giữa hai học sinh nữ, một cô giáo đang dạy học lớp 7C, Trường THCS Lý Thái Tổ (Hà Nội)  bắt một em trong số đó “viết ra giấy hoặc viết lên bảng cho cả lớp biết quá trình và kinh nghiệm làm cave như thế nào”. Chuyện chưa từng nghe trên thế giới. 

Mấy ngày gần đây, báo chí lại rộ lên tin cô giáo Lê Hoàng Thụy Anh Thư, giáo viên nhiều lần được khen thưởng ở Trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh (thị trấn Giồng Riềng- Kiên Giang) đang bị đề nghị phạt cảnh cáo sau việc “quất” học sinh 400 roi vì các em không thuộc bài.  

Việc giơ roi lên hạ xuống 400 lần chứng tỏ “sức khỏe và thần kinh” của cô Thư  khá tốt. Thêm nữa, 86 học sinh lớp 6 ngồi “nhìn” và “đợi” đến lượt giơ mông cho cô vụt cũng là hành động đáng phục vì sự “kiên nhẫn” hay còn gọi là “nhẫn nhục” của thế hệ tương lai. Ngay lúc đó, không cô cậu nào dám ra báo với hiệu trưởng về việc bạo hành này. 

Trên đây chỉ là vài ví dụ về nạn bạo hành học sinh trong trường gần đây. Nếu kể ra thì còn nhiều lắm.

Ngày xưa, cảnh thầy đồ với khăn xếp, cắp tráp và…roi mây đến lớp dạy đám “thứ ba” sau quỉ và ma, đối với nhân dân là hình ảnh đẹp của người dậy chữ. Uy của ông đồ dựa trên việc…dữ đòn. 

Thời học  trường làng những năm 1960-1970, thước lim vẫn là công cụ duy nhất đưa đám trẻ chúng tôi vào nếp. Đang trong lớp, ngỡ quay sang hỏi đứa bạn một câu, bỗng cái gỉe lau bảng ném toẹt vào mặt, vừa rát và bụi phấn đầy mồm. Rồi bị phạt tường, quì ngoài hiên dưới nắng hàng tiếng đồng hồ… 

Nhưng cung cách vừa dậy vừa dọa nạt học sinh kiểu ấy đã qua rồi, vì những thông tin khoa học giáo dục ngày nay và nhiều thày cô đã hiểu đánh học trò trên lớp hay trừng phạt chúng không phải là phương pháp sư phạm tốt. 

Tuy vậy, việc mắng nhiếc, sỉ nhục hay thậm chí đánh học sinh vẫn còn phổ biến. Hiện tượng thầy Châu hay cô Thư chỉ là một trong hàng ngàn sự kiện làm “rầu” lòng cha mẹ học sinh, bị báo chí phát hiện. 

Ngày xưa, ta không có phương tiện truyền thông để cha mẹ và học sinh lên tiếng. Nhưng thời nay, học trò mang cả điện thoại di động vào lớp để quay tình huống “phản sư phạm” của thầy. Vài phút sau, clip đã được tung lên internet cho cả thế giới xem. Người thích roi vọt quên là họ đang sống trong thời đại công nghệ thông tin rất hiện đại. 

Thực ra, Bộ GD và ĐT có hẳn một Quy định về “Đạo đức nhà giáo”, trong đó nêu rõ “Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác” (Số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 do Bộ trưởng ký).  

Có lẽ những thầy cô này đã “điếc” với thời đại internet và “khiếm thị” luôn cả với Quy định của chính Bộ trưởng GD và ĐT.. 

Trong khi nhiều bậc cha mẹ và bạn đọc, kể cả học sinh lên án những thầy cô đánh học trò, thì lại có những tiếng nói ủng hộ việc bạo hành trên giảng đường. Một vài độc giả còn đi xa hơn “Hãy bảo vệ những thầy cô giáo hết lòng vì học sinh như cô giáo Thư, vì việc đánh, phạt học sinh đó chỉ xuất phát với tất cả mong muốn của một nhà giáo là học sinh ngoan và giỏi hơn”.  Cứ tưởng tượng, một hôm nào đó, con mình được đưa từ lớp vào thẳng bệnh viện vì thầy cô “quá tay”, sẽ hiểu là việc đồng lõa với bạo hành có hệ lụy như thế nào.

Trong gia đình, ngoài xã hội và kể cả trong trường học vẫn tồn tại hai trường phái “đánh” và “không đánh” học trò. 

Chúng ta biết, bạo lực dễ sinh ra bạo lực. Đứa trẻ bị đánh, bị sỉ nhục trong gia đình hay trên lớp, trong xã hội, làm sao tránh được tâm lý bị tổn thương. Lớn lên chút nữa, các em dễ có tâm lý “hận” đời vì chính những sang chấn tâm lý từ tuổi thơ ấy.  

Nhiều nước văn minh, phát triển qui định rất rõ, đánh đập, thậm chí sỉ nhục học sinh là phạm luật. Người phạm luật có thể bị đuổi việc, bị phạt tiền thậm chí đi tù. Không một lý do nào có thể bào chữa cho việc bạo hành với học sinh.  

Thầy cô thích dùng phương pháp thước lim của các ông đồ ngày xưa cần bị xử lý nghiêm khắc. Pháp luật đã qui định rất rõ về việc đánh người. Quy định về “Đạo đức nhà giáo” của Bộ trưởng GD và  ĐT cũng là một “roi mây” mang tính răn đe với những người hành nghề sư phạm.

Không ai có thể ngụy biện, thậm chí lôi truyền thống “yêu cho roi  cho vọt” như thời phong kiến xa xưa để giải thích những hành động bạo hành học sinh. Đó là cách dậy cho thế hệ tương lai chỉ biết cúi đầu nghe người khác mà cấm được cãi. Nếu được người ta dậy đúng thì may mắn, nhưng được chỉ lối đưa đường sai mà không được phản biện trái chiều dễ biến thành thảm họa cho dân tộc.

Sống trong thời đại văn minh của thế kỷ 21 mà xã hội ta phải chứng kiến chuyện trẻ em bị xúc phạm nặng nề, thậm chí, thầy giáo đánh rạn chân học trò hay cô giáo bắt nữ sinh trình bày kinh nghiệm “làm cave”. Những đứa trẻ bị bạo hành, khi trưởng thành, biết đâu lại trở thành lãnh đạo cao cấp hay nhà quản lý? Nếu họ tiếp tục nhẫn nhục như đã được dậy trong trường hoặc mang máu bạo lực thì không biết đưa quốc gia về đâu?


Hoa Quê Hương lần 33

Start:     Aug 23, '09 09:00a
End:     Aug 23, '09 11:00a
Location:     Hội trường B Cung VH Lao động 55B Nguyễn Thị Minh Khai Q1 TPHCM
Chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc do GSTS Trần Văn Khê và câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương tổ chức thực hiện.
Biên tập chương trình: Nhà giáo ưu tú - Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan
Dàn dựng chương trình: NS Hải Phượng

Mời các bạn đến tham dự.

Vào cửa tự do

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ VỚI DI SẢN VĂN HÓA - ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê vừa tổ chức thân mật với gia đình, bạn bè tri âm sinh nhật 89 tuổi của mình ngày 24.7.2009 bằng một tối nhạc truyền thống ấm áp và thân tình. Cũng thân tình như khi ông nhiệt tình trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ Trẻ cho dù sức khỏe không tốt lắm sau một đợt làm phim với Truyền hình TP.HCM ở quê hương của ông.

 

PV: Kính thưa Giáo sư, ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, giữ gìn, lưu truyền vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam không chỉ với trong nước mà với cả thế giới. Điều gì đã “nuôi” sự đam mê để ông trở thành người nắm giữ “kho” tài sản khổng lồ quý giá đó mà gần như là duy nhất ở Việt Nam?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Không phải một” kho tài sản khổng lồ “mà chỉ là một “ sự nghiệp tinh thần” gồm có những văn bản, hình ảnh ,dĩa hát, băng từ, những  hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiêp của tôi trong mấy chục năm qua.

Tôi giữ gìn những tư liệu để cho người Việt trong và ngoài nước, bạn bè năm châu bốn biển hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân tộc Việt và cho người Việt hiểu văn hóa, nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới. Hiểu nhau để thương yêu nhau.

Đó là lý tưởng của cuộc đời tôi. Nên tôi để cả cuộc đời thực hiện lý tưởng đó.

PV: Lĩnh vực nghiên cứu và sự thông tuệ của Giáo sư về âm nhạc truyền thống không chỉ của Việt Nam mà còn của các quốc gia Châu Á và thế giới như một pho từ điển “sống”, được thể hiện qua số lượng khổng lồ tác phẩm như: Dĩa hát, băng nhạc, băng video, phim, sách…. Giáo sư đã dùng thời gian như thế nào để có thể làm được những công việc phi thường như thế ?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Tôi không tiêu xài tiền bạc làm ra để hưởng thụ. Tôi không uống rượu, không hút thuốc, không đổi xe theo thời trang. Mỗi khi đi nước ngoài dự hội nghị, tôi để tiền mua sách nghiên cứu, dĩa hát ghi nhạc truyền thống của nhiều dân tộc, chụp hình ảnh kỷ niệm. Tôi được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp gởi đi điền dã tại nhiều nước. Unesco gởi đi công cán tại nhiều nơi, được mời tham dư hơn 200 Hội nghị, Hội thảo, Liên hoan âm nhạc quốc tế trên 67 mước, nên tôi mới có dịp sưu tầm, những hiện vật tôi có được đến ngày nay.

PV: Điều Giáo sư tâm đắc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Đúng vậy. Không phải chỉ một lọai nhạc, của một vùng nào mà rất nhiều lọai trong cả nước. Tôi đã gặp gỡ, trao đổi, học hỏi với nhiều nghệ nhân về Ca Trù, Chầu Văn, Quan họ, Hát chèo , múa Rối Nước miền Bắc, các điệu hò lý , ca nhạc thính phòng Huế, nhã nhạc cung đình Huế, các loại dân ca miền Nam, được sống trong không gian đờn ca tài tử, trong gánh cải lương Đồng  nữ ban của cô tôi bà Trần Ngọc Viện, gặp gỡ thân mật với những diễn viên bực nhứt của nghệ thuật cải lương, đã tiếp cận với một số dân tộc ít người Chăm, Mường, Khmer, Ê đê, Gia Lai , đã được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhiều chuyên gia nghiên cứu Việt . Điều đó giúp cho tôi không có` “địa phương tính” .

PV: Giáo sư suy nghĩ như thế nào khi Việt Nam bước vào thế kỷ 21 là bước vào xu thế “tòan cầu hóa”, “hội nhập”, nguy cơ những giá trị văn hóa- âm nhạc truyền thống sẽ bị ảnh hưởng, bị đồng hóa,thậm chí bị mất đi trong nền kinh tế thị trường?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Tôi không lo điều đó lắm, vì dân tộc Việt đã bị chánh sách đồng hóa của Trung quốc trên cả ngàn năm, bị chánh phủ thuộc địa Pháp cai trị gần cả trăm năm, mà dân Việt đã giữ được tiếng nói, phong tục tập quán, và bản sắc văn hóa dân tộc đến ngày nay.

Nhưng lần nầy trong cuộc hội nhập quốc tế tôi có lo âu vì dân tộc Việt chẳng những mất tự do rất lâu lại bị hơn 30 năm chiến tranh, bị những nếp sống mới làm cho lu mờ nền âm nhạc kịch nghệ truyền thống.

Và âm nhạc kịch nghệ truyền thống đã “lâm bịnh trầm trọng” và nay đã thành mạn tính. Vì nhiều hòan cảnh lịch sử, điều kiện chánh trị kinh tế làm cho dân Việt nhứt là tuổi trẻ xa lần, quay lưng với truyền thống nghệ thuật dân tộc mà còn giang tay mở rộng đón truyền thống nước ngoài, bị một mặc cảm tự ti trầm trọng, tinh thần vọng ngọai chi phối, nên tôi thấy,  nếu chúng ta không trang bị cho thế hệ trẻ một sự hiểu biết thấu đáo của truyền thống nghệ thuật dân tộc để làm một phương thuốc “miễn dịch “, thì trong cuộc hội nhập thế giới ngày nay, truyền thống âm nhạc nghệ thuật của chúng ta – và cả nên văn hóa của chúng ta có thể không “hòa nhập” với thế giới mà sẽ bị “ hòa tan” trong cuộc gặp gỡ đó.

PV: Theo như Giáo sư chúng ta nên làm gì để giữ gìn, bảo tồn bản sắc di sản văn hóa-âm nhạc truyền thống?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Tôi không thể trong khuôn khổ một bài phỏng vấn nầy đưa ra đầy đủ những biện pháp, những phương thuốc  để trị bịnh mạn tính đó. Phải có một cách “ trị căn” chớ không phải “ trị chứng”. Xin mời các bạn đọc trên nhiều mạng của Âm Nhạc Viện, Tiếng Hát quê hương , của Trần Quang Hải hay của tôi bài “ Căn bịnh mạn tính của truyến thống âm nhạc dân tộc Việt Nam”

PV: Vừa qua trong kỳ họp Quốc Hội,vào tháng 6.2009, đã thông qua sửa đổi một số điều trong Luật Di sản Việt Nam, trong đó việc xếp lọai di sản phi vật thể vẫn còn rất chung chung. Âm nhạc truyền thống Việt Nam là một lọai hình di sản phi vật thể rất quý giá, đã có một số lọai hình  được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu phi vật thể của thế giới.Theo ý kiến riêng của Giáo sư việc xếp lọai để bảo tồn, giữ gìn, phát triển âm nhạc truyền thống nên làm như thế nào để không bỏ sót, không “bên trọng- bên khinh”?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Quan trọng không phải công việc “ xếp loại” mà phải “thay đổi tư duy” không phải ở một từng lớp mà ở tòan dân ta , bắt đầu là “chánh quyền”. Không phải chỉ đưa ra những “khẩu hiệu” vạch ra “đường lối” mà nên có những “biện pháp cụ thể hữu hiệu” để giúp cho nhiều bộ môn trong di sản phi vật thể và truyền khẩu của chúng ta được săn sóc , nuôi dưỡng thật sự, bằng “ngân quĩ” chớ không phải bằng “lời nói”.

Nghệ nhân phải ý thức rằng mình đang nắm trong tay di sản quí báu của Cha Ông chúng ta đãtruyền lại từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, sẵn sàng trao lại cho thế hệ trẻ “ hết lòng, không giấu nghề”.

Giới trẻ có ý thức rằng các bạn có “bổn phận “ giữ gìn và phát huy” nền văn hóa dân tộc Việt . Nên tìm hiểu, học hỏi với các nghệ nhân.

Các Công ty xuất bản sách báo, các cơ quan truyền thông đại chúng và nhứt là quần chúng cần có ý thức “ủng hộ thiết thực” truyền thống văn hóa bằng những khả năng của mình .

Nếu ngay bây giờ toàn dân có ý thức đó , và hết lòng hỗ trợ, thì vài chục năm sau mới mong thấy được sự hồi sinh của nền văn hóa dân tộc. 
 

PV: Năm 2009 được Bộ Ngọai giao, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch làm năm “Ngọai giao văn hóa”,Giáo sư đánh giá như thế nào về âm nhạc dân tộc Việt Nam trong việc giao lưu, hội nhập với âm nhạc thế giới, và làm công tác “Ngọai giao văn hóa”?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Khi bước vào lĩnh vực ngọai giao để giao lưu hai nền văn hóa trong và ngoài nước, người ta thường tìm những yếu tố mạnh nhứt để giao lưu, để giới thiệu. Văn hóa Việt Nam có nhiều điểm hay và đặc biệt nhưng thực sự chưa được quan tâm đúng và đủ. Nói về văn hóa có rất nhiều lãnh vực không chỉ riêng nghệ thuật. Chúng ta có văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa nếp sống … Văn hóa nếp sống Việt Nam thì đặc biệt thấp ! Trong rạp hát, những buổi biểu diễn, hòa nhạc thì khán giả ăn quà, nói chuyện bàn tán huyên thuyên trong khi nghệ sĩ đang biểu diễn, khán giả thậm chí chẳng vỗ tay với nghệ sĩ. Người nghệ sĩ không chỉ sống bằng cơm ăn, áo mặc mà còn bằng những món ăn tinh thần từ khán giả.  Văn hóa giao thông, ra đường của người dân Việt càng cần được giáo dục triệt để.

Về văn hóa ẩm thực, chúng ta cũng có vài món Việt rất ngon lạ được thế giới công nhận. Rượu Việt ta cũng có những lọai rượu ngon làm từ nếp, từ hoa, từ thực vật … nhưng không biết giới thiệu và làm nổi bật lên. Chúng ta không thể giao lưu văn hóa ẩm thực bằng việc giới thiệu rượu vang ĐL, bia H. là những sản phẩm bắt chước công thức cùng loại ở nước ngoài.

Việt Nam có những ưu thế trong lãnh âm nhạc truyền thống như nhạc Cung Đình Huế, Cồng Chiêng… nhưng các thể loại này vẫn chưa được quan tâm đủ. Trong buổi giới thiệu văn hóa nghệ thuật với đoàn khách nước ngoài tại Hội nghị Apec người ta lại đưa ra dàn nhạc giao hưởng ! Khách nước ngoài đến giao lưu văn hóa nước ta để xem văn hóa của ta là gì, như thế nào không phải xem chúng ta bắt chước hay như thế nào !

Tóm lại để bước vào năm “Ngoại giao Văn  hóa”, toàn quốc phải có một phong trào cổ động việc giáo dục toàn dân về mọi lãnh vực, chuẩn bị tốt mới có thể giới thiệu văn hóa nước mình ra thế giới.

PV: Giáo sư được xem như một pho “từ điển sống” về vốn di sản văn hóa-âm nhạc truyền thống Việt Nam. Rất muốn tò mò được biết Giáo sư có truyền nhân để kế thừa những gì tâm huyết hiện thời và cũng là để giữ gìn cho tương lai nhiều thế hệ sau?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Cám ơn đã cho tôi là một pho “từ điển sống” nhưng thực sự hiểu biết của tôi vẫn luôn có giới hạn. Người ta “tầm sư học đạo”, còn tôi “đốt đuốc tìm học trò”. Học trò tôi, những hậu nhân ngày nay cùng lãnh vực của tôi có những người rất có tài nhưng các cháu có người mạnh mặt này, yếu mặt nọ, chưa thực sự tổng hợp được những yếu tố mà tôi có được ! Các cháu là những người rất nhiệt huyết, có tình yêu nghệ thuật Việt Nam cao, có tâm đi theo con đường âm nhạc truyền thống nước  nhà… Tuy nhiên trong các cháu vẫn luôn có những yếu tố khách quan khác để tôi không thể chọn là “truyền nhân kế thừa”. Con trai lớn của tôi, có khá đầy đủ yếu tố để kế thừa những tâm huyết cuộc đời tôi theo đuổi  nhưng cháu cũng có sự nghiệp và theo bộ môn nghệ thuật “Đồng song thanh”. Vậy thì cho tới giờ, thực sự có thể nói rằng tôi vẫn chưa có “truyền nhân” !

PV: Với những người trẻ, Giáo sư có thể hy vọng điều gì và muốn nhắn gửi điều gì để họ có ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát triển vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại công nghệ cao, du nhập nhiều luồng văn hóa, nhiều lọai hình âm nhạc?

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ : Yêu âm nhạc Việt Nam không có nghĩa là “bế môn tỏa cảng” với âm nhạc nước ngoài ! Trái lại chúng ta càng phải mở rộng tầm nhìn, tầm nghe, tầm hiểu biết về âm nhạc nước ngoài mà phân tích tìm hiểu cái hay, cái mạnh của họ để rồi sau đó chỉnh sửa, bổ sung vào âm nhạc nước nhà.

Kim chỉ nam cho công việc này là luôn nhớ rằng Việt Nam là “Chủ” thì văn hóa Việt Nam phải là “Chủ”. Văn hóa nước ngoài là khách ! Đã là khách vô thăm thì phải ra về ! Khách vô thì ở phòng khách, không phải vô nhà từ đường, không đẩy bàn thờ mà ngồi đó cho thanh niên cúi lạy.

Văn hóa Việt Nam là “cơm”, không có cơm thì chúng ta đói. Văn hóa nước ngoài là gia vị, là món ăn chơi cho ngon miệng. Không thể lấy gia vị, lấy món ăn chơi mà thay cơm !

Văn hóa Việt là nước, không có nước chúng ta khát ! Thỉnh thỏang không uống nước, chúng ta cũng thích dùng một chút rượu. Văn hóa nước ngoài cũng có cái lạ, cái kích thích như rượu. Dẫu là rượu ngon, chúng ta cũng không thể đem rượu mà thế nước.

Được như vậy đó mới là ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát triển vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại công nghệ cao và đang du nhập nhiều luồng văn hóa, nhiều lọai hình âm nhạc.



Hoài Hương (Theo Báo Văn nghệ Trẻ)

http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=5501

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

GS-TS Trần Văn Khê vẫn đốt đuốc tìm học trò

Ông vừa tổ chức sinh nhật 89 tuổi trong một đêm âm nhạc truyền thống thân mật, ấm cúng với gia đình, bạn bè tri âm ngày 24.7.2009. Tuy tuổi cao, nhưng khi nói tới âm nhạc truyền thống ông như người “trẻ mãi không già”. Điều ông trăn trở vẫn là chưa tìm được truyền nhân.

Thân cư tại ngọai, tâm tại quê hương
 

Mô tả ảnh.
GS-TS Trần Văn Khê
Nhiều lần ông bày tỏ tâm ý để giãi bày với mọi người lý do ông trở về Việt Nam: Ở Pháp, tôi đã thực hiện được hoài bão và nguyện vọng là đem tiếng nhạc Việt Nam giới thiệu khắp năm châu bốn biển. Việt Nam là quê hương và là nơi tôi thừa hưởng di sản nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

Do vậy, lần này về quê hương tôi có ý định sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy, gặp gỡ các bạn bè trong và ngoài nước trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống.

Bên cạnh đó, tôi sẽ công bố và đưa ra những gì mình đã chuyên tâm nghiên cứu về âm nhạc suốt mấy chục năm qua tới các trường học cũng như đối với những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân yêu mến âm nhạc. Tôi mong muốn, những tài liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu về âm nhạc của tôi sẽ được mọi người tiếp nhận và phát huy.
 
 Thưa Giáo sư, ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, giữ gìn, lưu truyền vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam không chỉ với trong nước mà với cả thế giới. Điều gì đã “nuôi” sự đam mê để trở thành người nắm giữ “kho” tài sản khổng lồ và gần như là duy nhất ở Việt Nam?
 
 - Không phải một “kho tài sản khổng lồ” mà chỉ là một “sự nghiệp tinh thần” gồm có những văn bản, hình ảnh, dĩa hát, băng từ, những hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiêp của tôi trong mấy chục năm qua.Tôi giữ gìn những tư liệu để cho người Việt trong và ngoài nước, bạn bè năm châu bốn biển hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân tộc Việt và cho người Việt hiểu văn hóa, nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới. Hiểu nhau để thương yêu nhau.

Đó là lý tưởng của cuộc đời tôi. Nên tôi để cả cuộc đời thực hiện lý tưởng đó.
 
 Giáo sư đã sử dụng thời gian như thế nào để có thể làm được những công việc phi thường như thế ?
 

 - Tôi không tiêu xài tiền bạc làm ra để hưởng thụ. Tôi không uống rượu, không hút thuốc, không đổi xe theo thời trang. Mỗi khi đi nước ngoài dự hội nghị, tôi để tiền mua sách nghiên cứu, dĩa hát ghi nhạc truyền thống của nhiều dân tộc, chụp hình ảnh kỷ niệm. Tôi được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp gởi đi điền dã tại nhiều nước. UNESCO gởi đi công cán tại nhiều nơi, được mời tham dự hội nghị, hội thảo, Liên hoan âm nhạc quốc tế trên 67 nước, nên tôi mới có dịp sưu tầm, những hiện vật tôi có được đến ngày nay.
 
Mô tả ảnh.
Điều khiển xe lăn điện đi lấy sách trong nhà

 Điều Giáo sư tâm đắc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam?
 

 - Không phải chỉ một loại nhạc, của một vùng nào mà rất nhiều loại trong cả nước. Tôi đã gặp gỡ, trao đổi, học hỏi với nhiều nghệ nhân về ca trù, chầu văn, quan họ, hát chèo , múa rối nước miền Bắc; các điệu hò lý , ca nhạc thính phòng Huế, nhã nhạc cung đình Huế, các loại dân ca miền Nam, được sống trong không gian đờn ca tài tử, trong gánh cải lương Đồng nữ ban của cô tôi bà Trần Ngọc Viện, gặp gỡ thân mật với những diễn viên bực nhứt của nghệ thuật cải lương, đã tiếp cận với một số dân tộc ít người Chăm, Mường, Khmer, Ê đê, Gia Lai, đã được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhiều chuyên gia nghiên cứu Việt . Điều đó giúp cho tôi không có “địa phương tính” .
 
 Rất tiếc tôi vẫn chưa có truyền nhân
 

 Giáo sư suy nghĩ như thế nào khi Việt Nam bước vào thế kỷ 21với xu thế “toàn cầu hóa”, “hội nhập”, có hay không việc những giá trị văn hóa- âm nhạc truyền thống sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ biến mất trong nền kinh tế thị trường?
 

 - Tôi không lo điều đó lắm, vì dân tộc Việt đã bị chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc trên cả ngàn năm, bị chính phủ thuộc địa Pháp cai trị gần cả trăm năm, mà dân Việt vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán, và bản sắc văn hóa dân tộc đến ngày nay.
 
Mô tả ảnh.
GS Trần Văn Khê (đánh đàn). Nguồn: vietbao

 Nhưng lần nầy trong cuộc hội nhập quốc tế tôi có lo âu vì dân tộc Việt chẳng những mất tự do rất lâu, lại bị hơn 30 năm chiến tranh, bị những lối sống mới làm cho lu mờ nền văn hóa-âm nhạc truyền thống. Văn hóa của chúng ta có thể không “hòa nhập” với thế giới mà sẽ bị “ hòa tan” trong cuộc gặp gỡ đó.
 
 Giáo sư đánh giá thế nào về âm nhạc dân tộc Việt Nam trong việc giao lưu, hội nhập với âm nhạc thế giới, và làm công tác “ngoại giao văn hóa”?
 

 - Chúng ta phải đầu tư về chất xám cũng như về kinh phí để các đoàn nghệ thuật dân tộc ra trình diễn tại nước ngoài, với những chương trình âm nhạc dân tộc có chất lượng nghệ thuật với lời giới thiệu khoa học, ngắn gọn mà đầy đủ.
 
 Ngoài ra, chúng ta cần tạo điều kiện hơn nữa cho nghệ sĩ đi dự liên hoan quốc tế cũng như đưa các nhà nghiên cứu đi dự hội nghị quốc tế về âm nhạc, kịch nghệ. Văn hóa và âm nhạc của chúng ta được giới thiệu và thảo luận trong các hội nghị quốc tế sẽ được nhiều nước tham dự quan tâm và thưởng thức.
 
 Theo như Giáo sư chúng ta nên làm gì để giữ gìn, bảo tồn bản sắc di sản văn hóa-âm nhạc truyền thống?
 

 - Thuyết phục, nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc tại các trường học hay qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên liên hệ với các Nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới để đưa các khái niệm về âm nhạc truyền thống Việt Nam vào trong bách khoa từ điển hay liên hệ với nhiều hãng in băng, đĩa để giới thiệu các bộ môn âm nhạc dân tộc.
 
 Với kho kiến thức khổng lồ của mình, giáo sư đã tìm được truyền nhân kế thừa chưa?
 

 - Người ta “tầm sư học đạo”, còn tôi “đốt đuốc tìm học trò”. Học trò tôi, những hậu nhân ngày nay cùng lãnh vực của tôi có những người rất có tài nhưng các cháu mạnh mặt này, yếu mặt nọ, chưa thực sự tổng hợp được những yếu tố mà tôi có được! Các cháu là những người rất nhiệt huyết, có tình yêu nghệ thuật Việt Nam cao, có tâm đi theo con đường âm nhạc truyền thống nước nhà…
 
 Tuy nhiên trong các cháu vẫn luôn có những yếu tố khách quan khác để tôi không thể chọn là “truyền nhân kế thừa”. Con trai lớn của tôi, có khá đầy đủ yếu tố để kế thừa những tâm huyết cuộc đời tôi theo đuổi nhưng cháu cũng có sự nghiệp riêng và theo bộ môn nghệ thuật “Đồng song thanh”. Vậy thì cho tới giờ, thực sự có thể nói rằng tôi vẫn chưa có “truyền nhân” !
 
 
 Hoài Hương (thực hiện)
http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/2009/08/861325/

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...