Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

Nghệ sỹ Nhật Bản Oguri Kumiko: “Cây đàn t’rưng đã hút hồn tôi”

Cây đàn - với hình dáng lạ lùng được đặt chính giữa sân khấu Phòng hòa nhạc thành phố Yokohama - đã thu hút sự tò mò của khán giá xứ Phù Tang ken chật dưới khán phòng. Một cô gái Nhật trong tà áo dài Việt Nam truyền thống bước ra, đôi bàn tay mảnh mai cầm hai chiếc dùi lướt nhẹ trên dãy ống tre nứa. Thanh âm quyến rũ của Trở về Tây Nguyên, của Suối đàn t'rưng réo rắt vang lên. Oguri Kumiko đấy!

Âm sắc của cây đàn t'rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng rất đặc biệt. Thưởng thức tiếng đàn, người ta có cảm giác như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi cơn gió thổi qua. Những ánh đèn flash liên tục lóe lên. Những khán giả hiếu kỳ vây quanh, thận trọng sờ vào từng chiếc ống tre. - "Đàn gì mà kỳ lạ vậy?". - "Cây đàn t'rưng của Việt Nam". Những tràng pháo tay không dứt, những bó hoa nồng nhiệt chúc mừng. Gương mặt cô gái xinh đẹp sáng bừng trong niềm hạnh phúc tột cùng. Bằng buổi biểu diễn duy nhất do chính cô đầu tư kinh phí, Oguri Kumiko đã thoả ước nguyện, đem cây đàn đã từng hút hồn cô vượt biên giới đến với xứ sở hoa anh đào.

Tình yêu đất Việt dẫn tới niềm say mê đàn Việt:

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc (mẹ từng là ca sĩ, giảng viên thanh nhạc tại đại học âm nhạc Kunitachi), Oguri Kumiko được sống trong không khí đàn ca từ bé. Ba tuổi, Kumiko đã bắt đầu học đàn piano với mẹ. Năng khiếu âm nhạc và đam mê các loại nhạc cụ khiến cô bé ngày càng tò mò muốn khám phá cả một thế giới âm nhạc rộng lớn xung quanh. Chơi kèn trombone và trở thành thành viên của câu lạc bộ âm nhạc tại trường cấp ba, vài năm sau, cô lại chuyển niềm say mê sang cây đàn marimba và hiện vẫn đang là thành viên Hiệp hội marimba "Những ngôi sao phương Bắc" của Nhật Bản.

Với vốn tiếng Việt đã rơi rụng phần nào vì "mấy năm gần đây, tôi không có điều kiện sử dụng ngoại ngữ này nên quên rất nhiều", Oguri Kumiko khá chật vật khi tâm sự với tôi về chặng đường dài đến với cây đàn thuần Việt của mình.

 Nghệ sĩ Nhật Bản Oguri Kumiko say mê với cây đàn t’rưng của Việt Nam.
"Đến năm 17 tuổi, tôi vẫn chưa có chút khái niệm gì về đất nước các bạn. Vốn yêu thích ngoại ngữ, yêu thích người châu Á nên tôi cố tìm hiểu đời sống, nền văn hóa của các nước xung quanh, nhất là các nước Đông Nam Á. Các bạn trẻ Nhật Bản thường chọn theo học tiếng Trung, tiếng Hàn..., nhưng tôi thì không. Rồi hàng ngày, tivi và báo chí ở Nhật đưa tin rất nhiều về đất nước Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng nhanh và đang trong quá trình hội nhập. Vì vậy, tôi chọn theo học tiếng Việt, tại trường đại học Ngoại ngữ Tokyo".

"Năm thứ nhất đại học, vào phòng nghiên cứu của thầy Imai - chuyên gia về lịch sử tư tưởng Việt Nam, tôi thấy một cây đàn xinh xắn, bé tí đặt trên bàn. Thấy tôi tò mò ngắm nghía mãi, thầy giải thích, đó là đàn của một vài dân tộc thiểu số Việt Nam. Tên đàn là gì thì thầy cũng... chịu. Hình dáng ấn tuợng của loại nhạc cụ này ngay lập tức đã quyến rũ tôi, như một mối duyên tiền định vậy. Bụng bảo dạ, nếu có dịp được đặt chân tới mảnh đất Việt, tôi nhất định sẽ tìm kiếm nó cho bằng được".

"Rồi kỳ nghỉ năm thứ nhất, tôi cùng 9 người bạn rủ nhau làm một tour du lịch xuyên Việt, từ Hà Nội tới Huế, đi Đà Nẵng rồi tới TP. Hồ Chí Minh. Ở điểm dừng chân cuối cùng, tôi đã được nhìn tận mắt cây đàn t'rưng (quả thật cái tên đó khá khó đọc, với một người nước ngoài) và xin người chủ cửa hàng cho đánh thử. Âm thanh vang lên từ những ống tre đơn sơ thật đẹp. Niềm ao ước tập chơi đàn, được sở hữu một chiếc t'rưng đã theo tôi suốt cả chặng đường dài về nước".

"Cuối năm học thứ hai, tôi lại có ba tuần quý giá ở Hà Nội, được học đàn t'rưng với một giảng viên của Nhạc viện. Mỗi tuần năm buổi, mỗi buổi hai tiếng. Ba mươi giờ đồng hồ ngắn ngủi, tôi đã có thể chơi được dăm tác phẩm mang đậm âm hưởng núi rừng Tây Nguyên như Anh hùng Núp, Đi săn, Múa nón, Cô gái vót chông... Trở về quê hương, tôi kiên nhẫn tập luyện liên tục, tự tìm tòi tài liệu học hỏi thêm để dùng cây đàn Việt chuyển tải được cả một số tác phẩm mang âm hưởng dân ca Nhật Bản kiểu như Akatonbo (Con chuồn chuồn đỏ) nữa"

Hành trình tìm về cội nguồn T'rưng

Tốt nghiệp đại học, Kumiko tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài: "Tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua nhạc cụ dân tộc cổ truyền". Bởi theo cô gái Nhật Bản xinh đẹp và rất dịu dàng này, "tôi muốn vừa nghiên cứu vừa biểu diễn âm nhạc Việt, bằng một loại nhạc cụ Việt". Đã năm lần trở lại mảnh đất mà cô tự nhận là quê hương thứ hai này, Kumiko có nhiều trải nghiệm rất thú vị. "Món ăn của các bạn rất tuyệt vời. Khi mới đến đây, tôi đã cảm thấy hòa đồng ngay vì nền văn hóa hai nước có nhiều điểm tương đồng, gần gũi. Tiếng Việt và tiếng Nhật có nhiều từ phát âm cũng na ná giống nhau. Và người Việt luôn tạo cho tôi cảm giác dễ chịu, thân thiện".

Cùng với cô bạn gái người Việt, Kumiko đã đặt chân tới nhiều buôn làng Tây Nguyên. Trên những nẻo đường cao nguyên, cô đã kịp trang bị cho mình vốn kiến thức khá sâu về lịch sử hình thành, về nét đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa cũng như tín ngưỡng của vùng đất đậm màu sử thi huyền thoại này. Kumiko đã được chiêm ngưỡng cả cây đàn nguyên sơ lẫn chiếc t'rưng đã được cải tiến rất nhiều. Cô cũng đã kỳ công lắng nghe và cố gắng phân biệt được sự khác nhau trong âm giai của từng bản nhạc, khi được nghe người địa phương biểu diễn giữa rừng già đại ngàn và lúc do các nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu Hà Nội - TP. HCM.

T'rưng là loại nhạc cụ gõ phổ biến ở Tây Nguyên, đặc biệt quen thuộc với dân tộc Gia Rai và Ba Na. Đàn làm bằng một số ống tre lồ ô hay nứa có kích cỡ khác nhau. Đàn chuyên nghiệp có khoảng 12 đến 16 ống xếp thành hàng trên giá đàn, theo thứ tự đi dần lên từ ống lớn đến ống nhỏ, từ ống dài đến ống ngắn (loại đàn t'rưng dân gian chỉ có 5 ống với cách xếp ngược lại, ống trên cao lớn rồi đi dần xuống là những ống nhỏ hơn). Mỗi đầu ống đều bịt kín do còn nguyên các đầu mấu, đầu kia đuợc gọt vát một phần ống để tạo âm. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau tùy độ to, nhỏ, dài, ngắn của ống. Ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao.

Theo truyền thống, t'rưng là nhạc cụ do nam giới sử dụng, chỉ được chơi trên nương rẫy, kiêng cữ đánh trong nhà và trong làng. Vì người dân tộc tin rằng trong mỗi ống đàn có một vị thần cư trú, giúp con người bảo vệ cây trồng trên rẫy. Nhưng theo nhận xét rất vui của Kumiko, hiện trên các sân khấu chuyên nghiệp, người chơi đàn t'rưng lại thường là... nữ giới.

Cũng theo cô gái trẻ, "t'rưng là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí Tây Nguyên. Càng thêm hiểu biết, tôi càng bị tiếng đàn t'rưng hút hết cả hồn vía. Tôi nghĩ mọi người có thể hiểu nhau qua âm nhạc. Cũng như nền văn hóa các nước có thể hội nhập thông qua cây cầu nối hiệu quả này. Vì thế, tôi đã nảy ra ý định khi về Nhật sẽ giới thiệu thật kỹ những gì mình biết về cây đàn t'rưng. Tôi tin là đồng bào mình sẽ đón nhận nó như một món ăn tinh thần lạ lẫm nhưng cũng thật thú vị".

Và chặng đường đưa t'rưng đến với Nhật Bản

Cây đàn đầu tiên mà Kumiko được sở hữu do chính tay cô giáo dạy nhạc lựa tre, đặt thợ thực hiện. Giá trị vật chất của nó không nhiều, nhưng để mang về tới nơi thì cũng đúng là "của một đồng, công một nén". Kumiko cười hóm hỉnh, khi nhớ lại những rắc rối nho nhỏ tại sân bay Nội Bài. Nhân viên hàng không yêu cầu cô phải gửi chiếc đàn theo dạng hành lý chứ không được mang theo người vì kích thước quá cồng kềnh. Cô nằn nì, "nếu gửi thì em sợ bị vỡ. Và nếu nó không còn nguyên vẹn thì văn hoá Việt Nam bị vỡ mất". Anh nhân viên phì cười và đồng ý. Khi chuyển máy bay ở sân bay Hồng Kông, lại lực lượng an ninh sân bay tỏ ra rất ngạc nhiên, có người còn ngửi thử một số ống tre. Khi nghe Kumiko giải thích, rằng đây là nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, họ cũng cho đi, tuy vẫn nhìn cô với ánh mắt rất tò mò.

Ngoài biểu diễn các nhạc cụ, công việc chính của Kumiko hiện nay là cô giáo dạy đàn marimba. Đã có rất nhiều học trò, sau khi nghe cô độc tấu t'rưng đã năm nỉ xin theo học. Khổ một nỗi là đàn chỉ có một chiếc, lại rất dễ hỏng, nên cô đành phải từ chối. Gặp tôi cách đây vài hôm, cô than thở, lại phải sang Việt Nam, tìm mua chiếc t'rưng mới để "khuân" về Nhật. "Có cách nào đỡ tốn công, tốn của hơn không?". "Chịu thôi, trót yêu cây đàn thì phải chịu" - Kumiko cười.

Thỉnh thoảng, Oguri vẫn mang cây đàn t'rưng, yểu điệu trong trang phục áo dài đi biểu diễn tại các buổi liên hoan giao lưu văn hoá Nhật - Việt ở Tokyo. Hai cây dùi lướt trên dãy ống tre tạo nên những thanh âm đẹp mê hồn, cô có biết mình đã trở thành một nhịp cầu sống động, giúp mang văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế?

Đàm Ngọc Bảo (Sức khỏe & đời sống)

Thứ năm, 30/10/2008

http://www.suckhoedoisong.vn/20081030162627453p0c15/nghe-sy-nhat-ban-oguri-kumiko-cay-dan-t%E2%80%99rung-da-hut-hon-toi.htm

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

NSƯT Nguyễn Thị Kim Anh: Đưa đàn bầu Việt Nam đến "Phút vinh quang" - Chương trình của Đài TH Nga

(LĐCT) - Không được nhiều người ngoài giới biết đến, mặc dù đã từng tham gia rất nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế và giành được không ít giải thưởng trong và ngoài nước, nhưng là một nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT, Kim Anh đã tạo được chỗ đứng riêng của mình trên sân khấu âm nhạc dân tộc.

Với chị, cây đàn bầu - nhạc cụ gắn bó suốt quãng thời gian học ở Nhạc viện Hà Nội - hay đàn tì bà, đàn klôngpút, t'rưng, những "món" sau này chị tự học, cũng đều "máu thịt" như nhau.

Dăm năm trở lại đây, thính giả trong cả nước yêu thích Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí của Đài Tiếng nói VN thường được nghe tiếng nói một biên tập viên với chất giọng khá ấn tượng; đó là giọng của NSƯT Kim Anh, chị đã chuyển qua làm công tác biên tập của Đài.

Vậy mà, trong những ngày đầu tháng 10 này, Kim Anh lại bất ngờ xuất hiện trước hàng triệu khán giả Nga qua chương trình "Phút vinh quang" của kênh 1 Đài Truyền hình Nga (Ostankino), phát vào "giờ vàng" tối Chủ nhật. "Không phải vì tiết mục của tôi được cả Ban giám khảo bỏ phiếu vào vòng trong, mà bởi cây đàn bầu của VN đã được chào đón một cách đặc biệt". Kim Anh bày tỏ.

"Phút vinh quang" là phiên bản của "America's got talent" (tạm dịch: "Người tài ở nước Mỹ" - PV) với giải thưởng cho người thắng cuộc là 1 triệu rúp (tương đương 40.000USD) và là chương trình có đông khán giả nhất của kênh 1 hiện nay - kênh có tỉ lệ phủ sóng lớn nhất LB Nga (98,8%).

NSND LB Nga Philipp Kirkorov - thành viên ban giám khảo -  lên sân khấu để tìm hiểu về cây đàn bầu VN. Ảnh: Quang Vinh.

Được biết, "Phút vinh quang" là cuộc thi dành cho mọi công dân thuộc SNG (cũ) với mọi loại hình nghệ thuật, vậy lý do nào khiến chị có mặt tại chương trình?

- Một đạo diễn trên kênh 1 của Đài Truyền hình Nga rất thích cây đàn bầu của VN qua các buổi biểu diễn nghệ thuật của "Những ngày Hà Nội tại Mátxcơva" và "Những ngày Văn hoá VN tại Mátxcơva" vừa qua. Ông thuyết phục để lãnh đạo Đài cũng như Ban tổ chức đồng ý để tiết mục đàn bầu của VN được là một "ngoại lệ" trong chương trình.

Và chị đã là "ngoại lệ" của "ngoại lệ", khi đã 5 năm rồi, "bỏ cuộc chơi" - sân khấu chuyên nghiệp trong nước, để rồi xuất hiện trên sân khấu của Ostankino nổi tiếng và được đón nhận ngoài sự mong đợi?

- Có thể nói như vậy nếu chỉ xét về chức danh công chức hiện giờ. Còn những phẩm chất làm nên một nghệ sĩ thì không thay đổi được, nó như máu thịt của nghệ sĩ. Do vậy, thực tế, tôi chỉ phải chịu áp lực (nếu có thể nói như vậy) một "ngoại lệ" từ BTC thôi...

"Tiếng đàn bầu" VN đã "nói" những gì với khán giả Nga?

- Do yêu cầu về thời lượng nên tôi quyết định chọn "Volga xinh đẹp" (dân ca Nga) và "Mùa xuân Tây Nguyên" do tôi tự chuyển soạn cho đàn bầu từ bản nhạc "Mùa xuân đến" của nhạc sĩ Hữu Xuân. Các bản nhạc này đều có giai điệu đẹp và quan trọng hơn là có những đoạn để "trổ" được những âm thanh đặc biệt của cây đàn.

Đã từng tham dự nhiều cuộc thi, "Phút vinh quang" có còn làm chị hồi hộp?

- Tôi đã thực sự "choáng" khi thấy cuộc thi cùng lúc lại diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật (ca, múa, nhạc, xiếc,…) và nhiều thành phần như vậy (từ trẻ đến già, từ chuyên đến không chuyên…). Nhưng thật lòng khi đến với cuộc thi này, tôi không nghĩ nhiều đến giải thưởng, đến việc vào được vòng sau hay không mà chỉ có một mong ước là làm sao giới thiệu thật ấn tượng những âm thanh của đàn bầu tới khán giả Nga.

Với sự đồng thuận 100% của BGK để tiết mục được vào vòng sau (tuy nhiên, còn phải đợi kết quả bầu chọn qua mạng và hệ thống tin nhắn nữa - PV), có thể nói một phần mong muốn của chị đã trở thành hiện thực. Cảm tưởng của chị trong phút giây ấy?

- Tự hào. Có lẽ chưa bao giờ tôi cảm nhận được hết ý nghĩa của từ đó như lúc tiết mục kết thúc. Đây không phải là lần đầu tiên cây đàn bầu của VN được giới thiệu ở Nga, nhưng chắc chắn chưa bao giờ tiếng đàn bầu lại cùng lúc đến với nhiều người ở đất nước này, như chương trình đã làm. Sau nữa, tôi nghĩ đến cha mẹ, đặc biệt là cha tôi - nhạc sĩ Nguyễn An (giải thưởng Nhà nước về VHNT - PV), ông luôn là nguồn động viên cho tôi trong mọi hoàn cảnh: Khi vui cũng như lúc buồn.

Xin chúc cho "Tiếng đàn bầu" của VN tiếp tục trên con đường tiến tới "phút vinh quang"!

Trương Hoàng thực hiện

Lao Động Cuối tuần số 42 Ngày 19/10/2008

http://www.laodong.com.vn/Home/Dua-dan-bau-Viet-Nam-den-Phut-vinh-quang/200810/110587.laodong

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

Chuông chì vọng cổ !!!!!!!!

Đang tính đánh răng đi ngủ mà cái chương trình "Chuông vàng vọng cổ" của HTV làm tức quá phải mở máy lên rủa vô blog mấy câu mới ngủ được

Hổng biết là cái đài HTV này nó muốn chấn hưng cải lương hay đạp đổ như mấy cái nhà máy công nghiệp đang hủy hoại môi trường Việt Nam. Cái gì mà cứ 1,2 thí sinh hát thì có ca sĩ tân nhạc ra hát, lại thêm 1 đám múa minh họa lung tung nhặng xị cả lên... còn cái màn giới thiệu quảng cáo để khán giả nhắn tin nữa, cái đài HTV này lì quá cỡ, ai chửi mặc ai tiền thầy bỏ túi...

Mà thôi, ráng nhịn mà coi cải lương chân chất của thí sinh (nói chớ dân amateur nó loại ráo trọi, còn toàn thí sinh gà nòi).. tới bà ca sĩ Thanh Thúy ra hát bài "mùa hoa anh đào" với 1 đám múa minh họa bận đồ Nhât Bản là điên lên, chịu hết nổi... hổ lốn không thể tả, mấy ca sĩ trước thì hát cũng có chữ dạ cổ hoài lang hay chuông vàng vọng cổ chi đó, còn ráng mà chịu đựng...

Chương trình làm chi cho hoàng tráng, tốn tiền mà tạp nham như mấy cái hội chợ rẻ tiền, hông có tôn trọng khán giả chi hết...

Tức quá là tức, cầu trời mấy hôm nữa báo chí chửi nó tiếp...(nói ra công nhận mình cũng ác, mà cái bọn phá hoại văn hóa truyền thống thì thà đừng có làm, làm càng phá cho hư thêm)

Lò mò kiếm được 1 bài phỏng vấn ông Lê Thụy, tổng đạo diễn chương trình chuông vàng vọng cổ lần 2... đọc xong tức nghẹn ngào

http://www.cailuongvietnam.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3658

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2008

Sao phải "cố đấm ăn xôi"?

19/10/2008

Trong đời sống có câu "biết mình biết người trăm trận trăm thắng". Có những trường hợp "cố đấm ăn xôi" với danh vị - tước hiệu - thành tích, đặt bản thân vào vị trí không hợp với mình có thể vẫn thắng; nhưng không dễ khiến công chúng "tâm phục khẩu phục" khi nhìn vào.


Bốn câu chuyện quanh danh vị, tước hiệu

1. Trước khi Liên hoan Giọng hát Vàng ASEAN khai màn tại Việt Nam, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đứng trước nguy cơ bị loại vì quá tuổi (khi được cử đi, có thể chính anh không ngờ tới điều này).

Theo thể lệ BTC công bố trong buổi họp báo giới thiệu về Liên hoan, độ tuổi dành cho ca sĩ tham gia thi dòng nhạc Pop là dưới 35. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sinh năm 1971, tức là đã quá 2 tuổi so với quy định.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong đêm thi nhạc dân gian

Nếu đúng nguyên tắc đó, Đàm Vĩnh Hưng - một trong những ca sĩ ăn khách nhất thị trường âm nhạc Việt Nam - bị loại. Nhưng Liên hoan năm nay lại do Việt Nam đăng cai, nên lấy "uy" chủ nhà,  BTC đã linh động... nới rộng độ tuổi dành cho ca sĩ tham gia dòng nhạc Pop (không những thế, về sau Đàm Vĩnh Hưng còn được "đặc cách" thi luôn cả phần thi nhạc dân gian). 

Theo dự đoán, Đàm Vĩnh Hưng có thể đoạt ngôi vị cao với đêm thi Pop hát ca khúc tiếng Anh vào 18/10 (sau khi bộc lộ sự đuối sức với ca khúc "Đợi chờ" của Thuận Yến ở đêm thi dân gian), bởi dù sao anh cũng hát trên sân nhà, vốn có lượng "fan" hùng hậu lâu nay và một trong những yếu tố để xét giải là khán giả có thể bình chọn bằng tin nhắn.

Sẽ có người thắc mắc, đâu phải BTC "thiên vị" có mỗi Đàm Vĩnh Hưng, nước bạn Lào và Myanmar còn cử hai đại diện "lão làng" đã 45 tuổi đi thi kìa! Thưa rằng, họ thi dòng nhạc dân gian, hát dân ca của đất nước họ chứ không phải "thí sinh" dòng nhạc đại chúng - Pop, như thế mạnh thực sự của "Mr Đàm".

Cũng nói về độ tuổi, khi đại diện của Việt Nam 37 tuổi thì Thái Lan cử nữ ca sĩ mới 14 tuổi Pimnara Varahajirakul đến Việt Nam ứng thí. Malaysia cũng có một thí sinh 17 tuổi.

Một điều đáng nói nữa là đại diện dòng nhạc nhạc Pop của VN có ca sĩ Ngọc Anh, Minh Quân. Cùng với NSƯT Hồng Ngát thi dòng nhạc dân gian thì hai ca sĩ vừa nêu đều thuộc "biên chế" của Đoàn Ca múa nhạc Đài Tiếng nói VN (đơn vị cùng Đài truyền hình TPHCM và Công ty Cát Tiên Sa đồng tổ chức).

Với đại diện như vậy, không ít người thắc mắc: Đây là cuộc thi quy mô ASEAN (có cả các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Bulgari "góp vui"), tại sao ca sĩ cử đi lại mang tính "cục bộ" như thế và chỉ phát trên sóng Đài Truyền hình TPHCM?! Dẫu mang tính giao lưu, nhưng nếu các nước khác cũng vậy thì tên Liên hoan là Giọng hát vàng trên sóng Phát thanh - Truyền hình ASEAN sẽ đúng hơn?

2. BTC cuộc thi Hoa hậu VN tuyên bố không thu hồi danh hiệu Hoa hậu của cô gái 18 tuổi Trần Thị Thùy Dung. Lý do: Thùy Dung không vi phạm thể lệ cuộc thi đã được công bố rộng rãi.

Khoan lật lại tính đúng sai của thể lệ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 mà nhìn vào bản chất vụ việc là BTC cho rằng Thùy Dung xứng đáng, nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch lại cho rằng "bất cứ BTC nào vi phạm điều lệ để xảy ra hiệu ứng xã hội không tốt sẽ bị tước quyền tổ chức. Với những sai sót từ cuộc thi Hoa hậu VN 2008 vừa qua, theo Quy chế mới đang chỉnh sửa, Báo Tiền Phong sẽ không được tổ chức cuộc thi hoa hậu tiếp theo vào năm 2010".

Nếu như vậy, liệu danh vị Hoa hậu của Thùy Dung có xứng đáng hay không khi mà đến cả đơn vị chủ trì cuộc thi này cũng bị mất quyền tổ chức?

Hoa hậu VN Thùy Dung (giữa) trong đêm đăng quang


Riêng Thùy Dung, ngay sau đó đã lần đầu tiên lên tiếng sau khi hay tin mình giữ được vương miện. Cô nói với phóng viên: "Cảm giác vô cùng hạnh phúc thì ngay giây phút đăng quang đã đến với tôi rồi. Giờ đương nhiên tôi thấy vui và luôn tin tưởng vào quyết định của BTC. Tôi cũng hiểu ra rằng Hoa hậu hay không Hoa hậu thì tôi vẫn là tôi...". Ngoài ra không thấy Thuỳ Dung giải thích cuốn học bạ và bẳng điểm "ảo" từ đâu ra...

Hành động của BTC chưa giúp Thùy Dung ý thức hết về ý nghĩa của chiếc vương miện đã được đặt lên đầu cô và những ồn ào dư luận xoay quanh chiếc vương miện ấy trong thời gian qua. Nhớ lại, vào lúc làn sóng đồng tình - phản đối Hoa hậu VN 2008 dâng cao, những tưởng bà Bích Hà, mẹ Hoa hậu Thùy Dung, nói "tôi chỉ mong con tôi về để trả lại vương miện cho BTC" như có báo đưa tin, nhưng không phải vậy. Khi có tin BTC không tước vương miện của Thùy Dung, người mẹ Hoa hậu mởi mở lòng hơn để Thùy Dung và chính bà tiếp xúc với báo chí.

3. GS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, kể trên Sinh Viên Việt Nam về thời điểm ra đời của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ VN (CPD), nơi ông được mời làm giám đốc: Ông muốn thêm mấy từ "và các nhà khoa học" sau chữ "Di sản Tiến sĩ" của tên Trung tâm. Nhưng vì sợ nó quá dài nên người ta đã bỏ ra.

Hội nghị khởi động Dự án Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản Tiến sĩ VN (CPD) ngày 27/9/2008 (Ảnh: Hoàng Lan Anh)


Thế là cái tên Trung tâm nghe kêu vang và (có vẻ) thiếu thuyết phục đó đã góp phần gây nên tranh cãi nảy lửa về tính khả thi và ý nghĩa của nó, khi mà chuyện phân biệt tiến sĩ "chuẩn" với tiến sĩ "giấy" trong ngày hôm nay chỉ là ranh giới mong manh, nếu chỉ nhìn vào "nhãn mác" thì rất dễ tôn vinh nhầm người.

Và sự việc cũng sẽ không quá phức tạp nếu thay vì cố tạo ra vẻ hào nhoáng, với những cái tên kêu như "Trung tâm Di sản Tiến sĩ" hay "Văn Miếu đương đại", Trung tâm CPD mang một cái tên phù hợp hơn, tránh gây hiểu lầm và quan trọng là cho thấy họ đang làm việc bằng cái tâm và tầm nhìn xa trông rộng trong việc lưu giữ những giá trị khoa học, tôn vinh đúng người, đúng việc, góp phần lưu trữ những giá trị đích thực cho cộng đồng.

4. Vẫn là chủ đề "cô đấm ăn xôi", câu chuyện thứ tư về hai người đẹp Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ của chúng ta đã đua nhau làm rùm beng trên báo chí việc mình đóng phim của Hollywood.

Các cô lên báo (thậm chí còn tổ chức họp báo) công bố, tung hô mình sánh vai cùng những ngôi sao thế giới như Củng Lợi, Châu Nhuận Phát... trong bộ phim "Shanghai" (Thượng Hải) của đạo diễn Mikael Hafstrom. Những hình ảnh của các cô khi ra bên ngoài tức tốc được truyền về trong nước. Nhưng có lục tung thông tin về bộ phim này trên các website, diễn đàn cũng không thấy tên Vũ Thu Phương hay Lý Nhã Kỳ trong dàn diễn viên được nhắc đến.

Đâu phải quá khó khăn để chụp ảnh với Củng Lợi như Vũ Thu Phương thế này?


Ở đây, không phải hai người mẫu sắc nước hương trời "xạo". Họ vẫn góp mặt trong phim, nhưng vai diễn của họ chỉ là xoẹt qua màn ảnh. Vậy thì cớ sao họ phải làm ầm ĩ quá đáng như thế?

Rõ ràng qua "sự kiện" này, tên Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ đã được nhắc đến liên tục (điều rất cần thiết trong thế giới biểu diễn đầy tính cạnh tranh); nhưng cũng không dưng, các cô đã góp phần quảng cáo không công cho bộ phim kia ngay từ lúc nó chưa bấm máy.

Ít nhất với sự tham gia trong khoảnh khắc của hai người mẫu, diễn viên thuộc hàng "vơ đét" trong nước thì bộ phim kia cũng gây tò mò ít nhiều với khán giả Việt Nam (một trong những nước châu Á mà bộ phim hướng tới khi ra rạp).

Lý Nhã Kỳ ở trường quay phim "Shanghai"

Nhìn lại chuyện này, tạp chí Đẹp nói rằng ít nhất Vũ Thu Phương, Lý Nhã Kỳ cũng là người mẫu hạng A, hạng B ở xứ mình, sao họ không biết "giữ giá" cho mình?

Bài báo cũng dẫn lời NSND Trà Giang khi được mời tham gia một vai - dạng có cũng được rồi sau cắt đi cũng chẳng sao - trong phim Hollywood "Người Mỹ trầm lặng" (có vai xứng đáng dành cho diễn viên VN Hải Yến): "Cô gửi lời cảm ơn đến thiện ý của chú Minh (vì đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi lời mời, khi ấy thuộc tổ đạo diễn thứ hai, chuyên trách những cảnh nhỏ của diễn viên phụ VN - PV). Vai này mời ai đóng chả được, chứ đâu nhất thiết phải mời cô?". Phát biểu ấy thật đáng suy ngẫm...

Tạm kết

Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nói, thế hệ mình như nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ, Thanh Tùng, Phó Đức Phương, Phú Quang... thì "na đã ra na, mít đã ra mít", có nói khác đi, làm khác đi cũng không thay đổi được mình, khó vượt khỏi mình. Ý đó còn có nghĩa là vị trí của mỗi người thế nào, ở đâu thì đã được xác lập đúng trật tự, quy định, vai trò và quá trình cống hiếm. Có muốn "lấn sân", ham hố cái không phải của mình, không dành cho mình cũng khó. Tóm lại là nên "đi chỗ khác chơi"!

Những câu chuyện kể trên có thể cho thấy được ngay ví von so sánh, hay nói cách khác là đúc kết ấy. Nếu cứ "cố đấm ăn xôi" hoặc đứng nhầm vị trí thì lấy đâu ra chỗ cho người khác đứng, người khác nói, nhất là người trẻ. Và xem ra, danh hiệu, tước vị, thành tích hay việc được nhắc đến tên với tần suất thế nào... vẫn là lực hút khó cưỡng với những người tưởng chừng tiếng tăm đã quá đủ đầy.

Nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, cuộc sống phát triển, sinh sôi này nở thì phải như tán rừng nguyên sinh có phân tầng, phân lớp. Mỗi lớp, mỗi tầng đứng và đảm nhiệm vai trò khác nhau; nếu ai cũng cố chen lên để rồi hàng hàng lớp lớp không ai chịu ai, cứ cố khua chiêng gõ mõ thì chưa gọt được chân cho vừa giày thì giày đã rách!

http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5092/index.aspx

ĐÓNG GÓP CỦA BẠN ĐỌC CHO CHUYÊN MỤC

Email: fye0310@yahoo.com

4 vấn đề được nêu thật xác đáng. Tại sao cứ phải "cố đấm ăn xôi", hay đó là kiểu "tiểu nông" muốn làm gì theo ý thích, tự AQ chính bản thân mình, và không có lòng tự trọng bản thân và danh hão.

Tôi hôm qua đã xem chương trình Tiếng hát vàng Asean, thấy ngượng với đại diện VN quá. Hát tiếng Anh đã ngô ngọng, không ra chữ mà lại còn chọn những ca khúc đã quá nổi tiếng trên thế giới. Chúng ta như vậy phải gọi là "điếc không sợ súng". Nghe tiếng vỗ tay vì lịch sự và vì sĩ diện cho 3 ca sĩ VN hát nhạc Pop thấy sao mà đắng thế.

Trong khi các nước bạn thì sao, chọn ngay chính ca khúc của nhạc sĩ nươc mình được dịch sang tiếng Anh, và thứ tiếng Anh của họ, cho dù  là một ca sĩ trẻ 17 tuổi cũng rất tròn vành, rõ chữ, có thể hiểu được nội dung ca khúc không cần đọc chữ chạy phía dưới dịch nghĩa.

Không biết mấy ca sĩ VN nghĩ gì? Nhất là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng? Có phải anh đang cần thêm danh tiếng mà không biết tự lượng sức mình hay là quá kiêu ngạo với tài năng do anh tưởng tượng?

Khi người ta đã cho là "quá" tuổi, nếu anh biết rút lui thì có lẽ không đến nỗi trong 2 đêm diễn khán giả nhìn thấy anh khác đi trước khách quốc tế và khán giả truyền hình. Hay bên trong còn có "uẩn khúc" gì vì anh là người của Ban tổ chức chọn?

Còn mấy "em" người mẫu, thôi thì xá cho vì cũng chỉ là muốn PR cho bản thân, vì không có gì nên chớp được cơ hội ngàn năm một thuở nên các "em" tự PR cho chính mình, tự sướng khi có 1 phút huy hoàng cận kề Hollywood.

Đàn bà thích khoe khoang, thôi thì du sao cũng là có chùt danh tiếng,vẫn còn hơn nhiều "em" phải đưa những scandal khác của chính mình để PR kiểu đánh ghen, phát biểu gây sốc, khoe hình ảnh gọi cảm...

Còn em Hoa hậu, cũng không nên chấp vì em nhỏ dại quá, BTC như tiếp tay để em chưa ý thức được hết chữ  "công, dung, ngôn, hạnh" của người đẹp VN.

Họ và tên: Trịnh Hoàng Giang-VNPT.group-
Địa chỉ: Hà Nội
Email: dienbienphuvietnam@yahoo.com

Tôi phải dùng hai chữ "lộ liễu và quá trơ trẽn". Thời đại này, và bây giờ là "mấy giờ rồi" và vẫn cứ ...."cố mà diễn" nhỉ ?! Vốn lộn xộn từ trước, lập lờ, lằng nhằng không rõ ràng nên cứ hư hư ảo ảo, nhưng xã hội rất tỉnh táo, rõ ràng chứ không ù ù cạc cạc để mấy "đạo diễn" thôi miên đâu.

Nói về Đàm Vĩnh Hưng khi thể hiện bài "Đợi chờ" phải nói là quá kém, từ kỹ thuật thanh nhạc đến biểu diễn, hay nôm na chúng ta gọi là vũ đạo. Người cứng, giọng đuối, hát hơi lệch lạc, và cũng không thể hiện hết những ẩn dụ trong lời bài hát.

Không thiếu gì sân chơi, không thiếu gì cách thể hiện, chứng tỏ mình, tất nhiên ai ai cũng hiểu giọng hát ASEAN 3+ này là giao lưu văn hoá, thắt chặt tình đoàn kết chứ đâu phải tìm Sao, thể hiện Sao, khẳng định Sao?!

Vấn đề Hoa Hậu thì miễn bàn cãi, ngay cái Đức còn chưa "tròn" thì làm sao mà đại diện cho Phụ Nữ Việt Nam, đẹp nhất Việt Nam được nhỉ?

Nói về Tiến sĩ, hãy để cho Tiến sĩ chứng minh năng lực của mình, khảo thí, thẩm định, mà tóm lại tất cả phải rõ ràng, cụ thể và minh bạch, thì có làm sao đâu. Diễn kịch mãi làm gì, vì có ai cạc cạc ù ù đâu.

Họ và tên: Đào Xuân Phú
Địa chỉ: Dương Ổ-Phong khê-T.P Bắc ninh T. Bắc ninh
Email:

Tôi là một nông dân, tôi không biết nhận xét sâu sắc, phân tích khoa học, chỉ xin nêu suy nghĩ của tôi: Nên xây dựng bên cạnh "Văn miếu đương đại" khu nhà vinh danh những vị như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Hiệu...

Nếu ghi 16.000 tiến sỹ hiện hành, theo thiển nghĩ của tôi sẽ gây phản cảm lớn trong nhân dân và ngay trong những người tự trọng của hàng ngũ những nhà khoa học chân chính.

Tôi tán thành ý kiến đưa các thông tin về các vị tiến sỹ lên một trang web riêng. Xin cảm ơn !

Họ và tên: Dai Nguyen
Địa chỉ: Sydney, Úc
Email: dnguyen@une.eu.au

Cảm ơn bạn Bùi Dũng có nhận xét rất chí lý về công tác tổ chức các hoạt động văn hóa hiện nay. Tuy nhiên, sao bài viết của bạn thì được đăng nhưng tôi thường có ý kiến không bao giờ được đăng.

Chuyện lình xình Hoa hậu, tôi muốn bày tỏ vài nỗi băn khoăn. Thứ nhất, tôi đọc thể lệ của Báo TP (báo giấy) yêu cầu thí sinh dự thi phải tốt nghiệp Trung học PT nhưng sao ông Nam cứ khẳng định rằng thí sinh không phạm quy. Và ông quyết như "đinh đóng cột" rằng cô Dung không phạm quy nên không tước vương miện?

Thứ hai, tại sao khi một ai dùng giấy tờ giả sẽ bị cơ quan điều tra hỏi thăm nguồn gốc những chữ ký và con dấu giả mạo để tìm đường dây làm giấy tờ giả. Tuy nhiên, khi biết cuốn học bạ của cô Dung có hơn chục chữ ký giả mạo và cả cái dấu đóng vào trang cuối không biết từ đâu ra nhưng không nghe cơ quan chức năng điều tra. Phải chăng vì Hoa hậu là "niềm tự hào" của TP Đà Nẵng nên chủ tịch TPĐN không cho điều tra? Hay cơ quan chờ những người bị mạo chữ ký phải có đơn kiện mới điều tra?

Thứ ba, nghe Chủ tịch TP ĐN trả lời báo chí cứ cuống cả lên khi cứ khăng khăng "hoa hậu là niềm tự hào của TP" và bỏ qua trọng tâm câu hỏi của phóng viên. Ông Chủ tịch làm như Đà Nẵng không có Hoa hậu sẽ không phát triển được. Không có nhân tài Đà Nẵng sẽ tụt hậu nhưng không có "nhân sắc" Đà Nẵng không nghèo đâu. Nhưng có một Hoa hậu lùm xùm với xì-căng-đan thì Đà Nẵng thêm buồn chứ đừng đem "niềm hãnh diện" đó ban cho cả miền Trung nhé, thưa ông chủ tịch TPĐN.

Việc Hoa hậu giữ được vươn miệng nhưng trong lòng người dân có HH Thuỳ Dung không? Điều tôi muốn cơ quan chức năng bóc gỡ những người giả mạo chữ ký hàng chục người và mạo con dấu của Trường Quang Trung.

Họ và tên: PGS,TS. Bùi Xuân Đức
Địa chỉ: B6 Ngõ 7 Kim Mã Thượng Hà Nội
Email: bxducvl@yahoo.com

Tôi thật thất vọng khi thấy mấy ngày gần đây nhiều người, trong đó có cả người xưng là TS nhao nhao phản đối Dự án Trung tâm nghiên cứu bảo tồn di sản Tiến sỹ VN. Họ nhạo báng các TS ta đa phần là "TS giấy" và không đáng lưu giữ mà làm gì.

Tôi tự hỏi tại sao họ lại có những lời nói thiếu tôn trọng và xúc phạm như vậy nhỉ. Tôi nghĩ rằng trong số hơn 16 ngàn TS VN chắc cũng có người thế này thế nọ nhưng quyết không thể đa phần là TS giấy như họ nghĩ.

Dù gì thì người ta cũng đã được đào tạo và công nhận một cách chính thức và cũng đã có những đóng góp lớn cho nền học vấn nước nhà. Lẽ ra chúng ta nên tự hào mới phải. Còn nếu không thì chúng ta nên tôn trọng họ. Tôn trọng họ cũng chính là tôn trọng mình. Nếu bạn chưa là TS thì tôi khuyên bạn hãy thử đi học TS đi rồi bạn sẽ hiểu có phải TS ta là TS giấy không!

Điều tôi muốn nói là ở chỗ khác. Việc nghiên cứu lưu giữ di sản hiền tài của dân tộc từ trước đến nay ông cha ta vẫn làm không phải chỉ là để tôn vinh những TS (mà trong số đó chắc cũng có người không xứng đáng hoặc sau khi thành TS rồi không có đóng góp gì) mà cái chính là thể hiện thái độ trân trọng đối với hiền tài từ đó làm gương động viên cho con cháu noi theo.

Giá trị của Văn Miếu - QTG không phải là để cho dân đến đó đọc tên và tôn vinh ai đó là TS, mà chính là qua di tích VM-QTG biết được và tự hào là nước ta đã có trường ĐH từ TK 11, nhà nước trân trọng hiền tài đã ghi danh TS lên bia đá, qua các đời có bao nhiêu TS, còn họ là ai, họ có chạy chọt mua danh hay sau này có làm được gì không, ai mà biết (toàn chữ Hán mà) và có lẽ với những người tham quan cũng không cần biết.
 
Với ý nghĩa đó thì việc ra đời dự án trên là rất đáng làm. Chúng ta làm việc này không phải vì các TS (họ cũng chẳng cần đâu) mà chính vì chúng ta, vì sự phát triển nền học vấn nước nhà. Hãy làm như ông cha đã làm: khuyếch trương thái độ trân trọng hiền tài vì "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".

Họ và tên: Lê thị thanh Loan
Địa chỉ: Hà Nội
Email: loan_1802@yahool.com

Tôi rất đồng cảm với bài viết của tác giả và ý kiến của Dai Nguyen. Thời gian qua tôi cũng khá quan tâm và bức xúc với sự việc của Hoa Hậu Việt Nam 2008. Rõ ràng Thùy Dung không xứng đáng đại diện cho vẻ đẹp và trí tuệ Việt Nam.

Khi scandal nổi lên thì em né tránh những câu hỏi có liên quan của nhà báo, đến khi BTC quyết định không tước vương miện thì em dành cho báo Dân Trí 1 cuộc "phỏng vấn độc quyền" để nói lên niềm vui của mình và...."niềm tin vào quyết định của BTC". Rõ ràng em chỉ mong giữ được ngôi vị chứ không nghĩ đến việc liệu mình có xứng đáng hay không.

Không biết chuyện học bạ giả của em là có thật hay không, nếu là thật thì em đã có hành động không trung thực, còn nếu không có bộ hồ sơ đó thì khi em cũng không trung thực khi khai báo thông tin. Chẳng lẽ em không thấy..."giật mình thon thót" mỗi lần nghe MC đọc thông tin về mình "vừa tốt nghiệp PTTH".
 
Về phía BTC, rõ ràng đã sai nhưng vẫn không thừa nhận khuyết điểm, hơn nữa còn không chịu sửa chữa khuyết điểm khi quyết định để TD giữ vương miện, phải chăng các vị làm vậy để chứng tỏ ngay từ đầu mình đã không sai. Không chịu sửa sai, làm sao mà tiến bộ được. Để TD là người đại diện cho sắc đẹp, trí tuệ cuả PNVN, phải chăng các vị đánh giá quá thấp người PNVN thế kỷ 21?

Họ và tên: Khanh
Địa chỉ:
Email: akhanhz@yahoo.com

Tôi rất hài lòng về nhan đề bài viết: Sao phải "cố đấm ăn xôi ", có lẽ ai cũng mê danh lợi, nên quên ý thức mình đang ở đâu và nên làm gì ? Miễn là cá nhân mình được nổi bật và mọi người khâm phục, nhưng sự thật vẫn là điều quan trọng nhất, từ hơn tháng nay, sự cố Hoa hậu Việt Nam đã làm cả gia đình cô Thùy Dung im lặng, và khi thông tin không tước vương miện được đăng tải, gia đình cô có thái độ khác ngay, lảng tránh những vấn đề "đã qua.. ".
 
Cá nhân tôi lại nghĩ, sao không ai chịu nhìn thẳng vào hiện tại và tương lai nhỉ ? Nếu ông CT TP Đà Nẵng có can đảm tìm hiểu gốc gác cuốn học bạ giả thì sẽ thế nào nhỉ? Tuy là cư dân Đà Nẵng nhưng tôi chẳng lấy gì làm hãnh diện.

Họ và tên: Cung Chính Đoàn
Địa chỉ: Hà Nội
Email: ccdoan@gmail.com

Tác giả Bùi Dũng có bài viết rất hay. Nhưng sự thật xã hội chúng ta còn rất nhiều cái vòng luẩn quẩn . Mấy ngày trước , tôi nghe thông tin nói không tước vương miện hoa hậu thì trộm nghĩ - BTC "lì lợn"thật. Dám phớt lờ ý kiến của Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch. Thế nhưng rốt cuộc tôi vẫn nghĩ ra cái lẽ: Ban tổ chức đã sai quy chế là đã không được công nhận nên BTC ấy tước hay không thì cái vòng treo trên đầu cô hoa hậu ấy liệu có ý nghĩa như ta mua cho cháu gái ta ở phố Hàng Mã khi trung thu?

Họ và tên: Lê Hoài Châu
Địa chỉ:
Email: lehoaichau_1008@yahoo.com

Tôi cũng không hiểu tại sao Đàm Vĩnh Hưng lại tự tin đến mức dám dự thi cuộc thi này. Đến bây giờ, khi anh dự một cuộc thi theo cách của "gà nhà" như thế, liệu có đáng ngại không? 

Việc Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kì thì gần như là chuyện thường ngày ở ta rồi, chỉ là 1 vai diễn bé = cái móng tay nhưng các em vẫn cứ tung hô như mình là vai thứ chính, chỉ sau Củng Lợi mà thôi.

Có gì đâu, khi con ếch muốn to bằng con bò thì phải thế thôi, trong khi ếch vẫn có thể được nổi tiếng như con bò khi mình là chính mình, cái gì cũng phải chính danh, chính phận.

Họ và tên: LM
Địa chỉ: HCM
Email: phongnguyet1206@yahoo.com

Tôi có xem cuộc thi Giọng hát vàng Asean, tôi thấy thí sinh VN hát được chứ không hay, riêng Mr Đàm hát ... kém nhất so với MQ và NA (đêm nhạc Pop). Còn một số nước bạn thì hát khá chuẩn và chọn lựa bài hát phù hợp.

Tôi cũng thấy bất bình về BTC, tại sao, Mr Đàm quá tuổi lại vẫn được thi, chẳng lẽ cả nước VN, không có ca sĩ nào đủ...tuổi để tham gia à. Cho thấy ngay cả giao lưu văn hóa, đại diện tổ chức VN vẫn... thể hiện bệnh thành tích và quá chú trọng đến các mối quan hệ sẵn có (kiểu này người ta gọi là cậy quyền - 1 căn bệnh trầm kha của VN).

Riêng về cuộc thi Hoa hậu, BTC sai mà hoa hậu vẫn giữ được vương miện thì cũng... bó tay!

Họ và tên: The Ton
Địa chỉ:
Email: theton@myway.com

Tôi đọc bài viết này của Bùi Dũng thấy rất hay. Không chỉ có 4 "hiện tượng" nêu trên mà còn rất nhiều, rất nhiều các hiện tượng tương tự như thế. Cái người ta cần là "hữu thực" chứ không phải "hữu danh vô thực".

- Về Mr. Đàm, tôi cũng là một fan của anh ấy, tôi rất khâm phục tài năng của anh ấy, nhưng ngay khi biết tin anh ấy tham gia Giọng hát vàng ASEAN sau một loạt các "sự kiện" gần đây của anh ấy, tôi đã hơi thất vọng và một chút lo lắng cho uy tín của anh ấy trong lòng những người hâm mộ. Quả thực, đúng như vậy!

- Về cô Hoa hậu VN 2008: không xứng đáng một chút nào! Tôi thường không quan tâm lắm đến những cuộc thi Hoa hậu, nhưng tôi luôn quan tâm đến Người sở hữu vương miện là người như thế nào. Trừ Hà Kiều Anh cách nay hàng chục năm rồi, còn Hoa hậu nào chưa tốt nghiệp PTTH không? Tại sao BTC cứ "cố đấm ăn xôi" làm gì?

Tại sao không nhìn thẳng vào bản chất sự việc và sửa chữa sai lầm của mình? Cứ như thế này thì đất nước phát triển làm sao được khi ta cứ bao che cho những sai phạm, cứ bám theo lấy cái hư danh kia chứ!

- Về cái Trung tâm bảo tồn di sản Tiến sĩ gì đó: Sẽ hay hơn và thực tế hơn, nếu chúng ta có những hành động thiết thực, nhất là trong cải cách giáo dục, để tôn vinh những người có công lao trong việc nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà.

- Còn mấy cô người mẫu, đó là bản chất "tự PR" của họ rồi, cá nhân tôi gọi đó là một cách PR "trơ trẽn" nhất! Than ôi! Hãy thực chất, chính danh chứ đừng chạy theo cái danh hão mà thôi

Họ và tên: Lê Đức Phong
Địa chỉ: Phú Vang, Huế
Email: tinhyeubandau64@yahoo.com

Bài viết này rất hay tôi thích kiểu viết báo như thế này đề cập rất nhiều vấn đề của xã hội mà không ít người cầm bút đã ngoảnh mặt làm ngơ vì sợ đụng và chạm...

Tôi đã đọc hết cả bài và cả ý kiến của mọi người bình luận xung quanh bài viết này của anh Bùi Dũng khen cũng có mà chê cũng có.
 
Theo tôi mọi chuyện xảy ra như trên vừa nêu ai cũng đưa ra những ý kiến riêng tuỳ theo góc độ của vấn đề ví dụ như một tảng đá đang nghiêng sắp đổ xuống anh đứng ở góc độ này anh thấy khác, tôi đứng ở góc độ này tôi thấy khác và chung lại nó sẽ đổ xuống...và xã hội cũng thế.
 
Ngày hôm nay tôi nói và ngày hôm sau anh nói cũng một vấn đề vậy thì sự phát triển nó tồn tại ở chổ nào ??? có phát triển được không ??? cái chính là ở chổ sai là phải biết sửa và nhận sai... chứ không phải như cái ban tổ chức thi hoa hậu rồi ông chủ tịch TP ĐN rồi đến cô hoa gì đó Thuỳ Dung...!

Thử hỏi chúng ta cứ để cho cái ác nó hoành hành cái thiện, cái gian xảo nó thắng cái công lí và sống ngoài vòng pháp luật như thế mà không cơ quan chức năng nào sờ gáy... thì niềm tin chúng ta đặt vào đâu, phải chăng cá mè một lứa à ???

Tôi xin thưa 4 vấn đề mà anh Bùi Dũng nêu trên đây tôi chỉ rõ một vấn đề và bức xúc nhất đó là cái cô hoa gì đó Thuỳ Dung và mọi người thấy đấy, không phải vô cớ mà cứ thấy cô ấy, kể cả việc cô ấy và mẹ chủ động trả lời phỏng vấn là mọi người lại không thể chịu nổi!

http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5092/index.aspx

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Trung Quốc, Nhật Bản – hai thái độ với giải Nobel (nghĩ về Việt Nam)


Giải Nobel Hóa học 2008 được trao cho phát minh ra chất protein huỳnh quang màu xanh, vốn đã trở thành một công cụ quan trọng trong sinh học. 3 nhà khoa học đoạt giải, từ trái qua phải: Osamu Shimomura, Martin Chalfie và Roger Y. Tsien (Tiền Vĩnh Kiện). (Ảnh: Science Centric)

Tân Kinh Báo (xuất bản tại Bắc Kinh) ngày 9/10 đưa tin: Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Hóa học 2008 được trao cho nhà khoa học Mỹ Marin Chalfie, nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa Tiền Vĩnh Kiện (tên Mỹ là Roger Tsien) và nhà khoa học Nhật Osamu Shimomura.

Trước đó các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã tỏ ra phấn khởi một cách ngạc nhiên về thông tin dự kiến Tiền Vĩnh Kiện – cháu họ của Tiền Học Sâm (*) – có hy vọng đoạt giải này.

Ngược lại, nước Nhật từ hôm bắt đầu công bố giải Nobel năm nay đến giờ đã có 3 nhà khoa học được tặng vinh dự ấy thì lại tỏ ra tự kiềm chế.

Trung Quốc phấn khởi

Bình luận về thông tin về giải Nobel Hóa học, báo “Thanh niên Trung Quốc” ngày 10/10 viết: Khoa học không có biên giới quốc gia nhưng nhà khoa học thì có quốc tịch. Vì năm nào cũng có trao giải Nobel mà năm nào giải này cũng không “bén duyên” với người Trung Quốc (Trung Quốc), khiến cho công chúng và giới truyền thông Trung Quốc cảm thấy một nỗi đau buồn khó hiểu.

Khi người Trung Quốc bỏ cặp kính râm xuống, rốt cuộc họ phát hiện: suy cho đến cùng giải Nobel vẫn là giải lớn cấp bậc cao nhất thế giới, đại diện cho trình độ mũi nhọn của khoa học thế giới. Bởi vậy khi người các nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Độ được trao giải Nobel, riêng Trung Quốc thì... vô duyên, điều ấy thể nào cũng khiến chúng ta cảm thấy có một nỗi bất bình gì đó.

Lần này thì tốt rồi, cháu họ của Tiền Học Sâm là Tiền Vĩnh Kiện (Roger Y. Tsien) được tặng giải Nobel!

Chưa nói chuyện báo đài Trung Quốc trước đó đã đưa nhiều tin về việc Tiền Vĩnh Kiện có thể đoạt giải ấy, mà nhiều báo Trung Quốc hôm 9/10 vừa rồi đều đăng tải tin giật tít: “Cháu họ của Tiền Học Sâm gặt hái giải Nobel Hóa học” và đăng ảnh Tiền Vĩnh Kiện lên vị trí hàng đầu.

Người ta quên mất cái tên Tiền Vĩnh Kiện, lại càng chẳng nói tới quốc tịch của ông ấy. Cái tạt vào mặt người đọc là một kiểu ám thị mạnh mẽ: đây là niềm kiêu hãnh của họ Tiền, niềm kiêu hãnh của Trung Quốc.

Thật ra, nhiều năm trước đây các nhà khoa học gốc Hoa quốc tịch Mỹ như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo v.v... đã mang lại vinh quang cho người Trung Quốc rồi, lần này rốt cuộc lại có người kế tục, sao không phấn khởi chúc mừng nhỉ?

Nhật Bản kiềm chế

Ngược lại, người Nhật tỏ ra tự kiềm chế. Người Nhật tự nhắc nhở mình là nền giáo dục nước họ hãy còn khiếm khuyết và mong rằng nhân dịp này nên uốn nắn thái độ “kính nhi viễn chi” của giới trẻ Nhật đối với các môn khoa học tự nhiên, nhằm tăng cường sức sống cho công tác nghiên cứu khoa học cơ bản nước họ.

Năm nay ngoài Shimomura đoạt giải Nobel Hóa học còn có Yoichiro Nambu (sinh ở Nhật, sau vào quốc tịch Mỹ) và hai người Nhật là Makoto Kobayyashi và Toshihide Maskawa giành giải Nobel Vật lý.

Trước nữa, từng có 3 người Nhật được trao giải Nobel Vật lý do thành tích trong nghiên cứu hạt cơ bản – điều đó chứng tỏ Nhật Bản có thực lực mạnh trên lĩnh vực nghiên cứu này.

Thế nhưng báo Nhật Yomiuri Shimbun ngày 8/10 đăng xã luận viết: mấy năm nay có hiện tượng lớp trẻ Nhật “kính nhi viễn chi” (coi trọng nhưng lại xa lánh) với các ngành khoa học tự nhiên; trước tình hình đó nhà nước và các trường ĐH Nhật cần cải cách hệ thống đào tạo cán bộ nghiên cứu nhằm giúp thanh niên Nhật tăng cường ý chí tiến công khoa học.

Xã luận báo Mainichi Shimbun cũng thẳng thừng vạch rõ: chính sách khoa học kỹ thuật của Nhật nặng chú trọng lợi ích kinh tế, nhà nước coi khoa học kỹ thuật là chỗ dựa chính để kích hoạt nền kinh tế, công tác nghiên cứu của các trường đại học cũng theo đuổi hiệu quả lợi ích và ứng dụng.

Rõ ràng, các cơ quan truyền thông đại chúng Nhật có được sự tỉnh táo và lý trí hiếm thấy, các ý kiến của họ thật sự có tác dụng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính quyền Nhật.

Sự khác biệt về giáo dục

Xem xét lại nỗi hồ hởi quá đỗi của người Trung Quốc, có thể giải thích điều này như thế nào?

Tiền Vĩnh Kiện sinh tại New York năm 1952, từ bé đã say mê môn hóa học; vì mắc chứng hen xuyễn nên không được ra ngoài, phải thường xuyên ở nhà; thế là cậu ta bày biện đủ thứ chai lọ dưới tầng hầm để làm thí nghiệm hóa học.

Tiền Vinh Kiện (searlescholars.net)

Nếu Tiền Vĩnh Kiện từ nhỏ đều sống ở Trung Quốc thì sẽ thế nào? Dưới sức ép căng thẳng của kiểu giáo dục thi cử, e rằng những sở thích nho nhỏ và thiên tài sáng tạo của cậu sẽ sớm bị chết yểu.

Khỏi phải nói gia đình không khoan dung mà ngay các trường ĐH cũng chưa chắc đã dung nạp nổi một học trò kém sức khỏe như cậu.

Còn như Toshihide Maskawa (giải Nobel Vật lý) thì lại còn kém về môn ngoại ngữ. Nếu ông này ở Trung Quốc hiện nay – nơi chỉ đề cao Anh ngữ – thì thật là không thể tưởng tượng.

Nói cho tới cùng, thực ra là sự khác biệt về giáo dục. Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc Dương Thúc Tử, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học kỹ thuật Hoa Trung từng vạch ra: nền giáo dục Trung Quốc đang theo đuổi cái tài giỏi mất linh hồn – trọng danh lợi thị trường, coi nhẹ ngành học, coi nhẹ giảng dạy, coi nhẹ sáng tạo ban đầu, coi nhẹ sự bồi dưỡng nhân cách đạo đức của học sinh, quên mất rằng những cái đó mới là linh hồn của nền đại học.

Sự suy ngẫm nói trên của báo Thanh niên Trung Quốc số ra ngày 10/10 rõ ràng đã đánh trúng "vấn nạn" giáo dục ở Trung Quốc hiện nay. Đây không những là sai sót của các trường ĐH cũng như của các hiệu trưởng trường đại học mà là cơ chế giáo dục và cơ chế đánh giá còn tồn tại những thiếu sót chết người.

-------------------

(*) Nhà bác học Tiền Học Sâm (Tsien Hsue-she) sinh ngày 11/12/1911 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1934, tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải. Năm 1935, ông sang Mỹ du học.

Nhà khoa học Tiền Học Sâm

Sau khi có bằng thạc sĩ ngành động cơ hàng không, Tiền Học Sâm vào làm việc tại Học viện California. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Von Kame chuyên gia hàng đầu thế giới về động cơ tên lửa, Tiền Học Sâm đã bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ năm 1938.

Những kết quả kiệt xuất mà Tiền Học Sâm thu được về phương diện nghiên cứu động cơ tên lửa đã được các nhà khoa học và Chính phủ Mỹ đánh giá rất cao. Năm 1945, Bộ Quốc phòng và Bộ Không quân Mỹ đã trao tặng Tiền Học Sâm Huân chương hạng nhất vì “sự nghiệp phụng sự quốc gia”.

Vào những ngày tháng 8/1955, Chính phủ nước CHND Trung Hoa và Chính phủ Mỹ đã có một cuộc trao đổi hy hữu. Chính phủ Mỹ đồng ý cho Tiền Học Sâm được trở về Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc trả tự do cho 11 phi công Mỹ đang bị Trung Quốc giam giữ được trở về Mỹ. Sự kiện này lúc đó được coi là chuyện "thâm cung bí sử" với cả hai bên.

Tiền Học Sâm là người từ thập niên 1950 đã góp một phần không nhỏ vào việc phát triển ngành không gian cho Trung Quốc và nhờ đó mà trong năm 2007, Trung Quốc đã trở thành nước hàng thứ ba trên thế giới về vũ trụ và không gian, chỉ đứng sau hai đàn anh Nga và Mỹ.

Ông về hưu từ năm 1991 và sống một đời sống yên tỉnh ở Bắc Kinh. (Theo Công an nhân dân, erct.com)

Phản hồi của độc giả

HP: Đất nước mà từ người dân dến lãnh đạo sống khiêm tốn, thực tế thì mới tạo ra nước Nhật giàu có hạnh phúc như ngày nay. Tôi mong mọi tầng lớp người dân VN hãy học tập như người Nhật, chúng ta hãy khiêm tốn làm việc, cống hiến.

Phần thưởng lớn nhất là chúng ta sẽ được sống hạnh phúc, giàu sang...và tự thế giới sẽ công nhận. Không cần phải so sánh, hơn thua với một quốc gia nào, trong bất cứ lĩnh vực nào vì hơn, kém là bản chất tự nhiên và nó đã và mãi mãi tồn tại.

Họ và tên: Lý Thanh Xuân
Địa chỉ: Thượng 3 - Phú Mỹ - Phú Tân - An Giang
Email:

Thật thú vị khi có nhiều người châu Á đoạt giải Nobel năm nay và cũng rất tự hào về người châu Á. Nhưng gẫm lại mà chua xót thay cho người Việt Nam chúng ta. Có quá nhiều Tiến sĩ nhưng lại chưa có được một người nào được đề cử (chứ đừng nói tới đoạt giải Nobel).

Đề nghị Chính phủ và ngành Giáo dục nên xem lại chính sách về giáo dục của nướic ta. Hy vọng rằng trong vòng 20 năm tới VN sẽ có người đật giải Nobel.

Họ và tên: Nguyễn Văn Tạo
Địa chỉ: HCM
Email: vantaohcmy@yahoo.com

Nhìn lại hoàn cảnh của VN, chúng ta thấy điều mà bài báo đề cập đến vấn nạn của GD TQ hoàn toàn giống hệt "căn bệnh" của nền GD ta đang mắc phải: Trọng bằng cấp, thích khoe khoang thành tích (dù là thành tích ảo) dẫn đến sự dối trá lan rộng khắp.

Học tủ, học nhồi nhét những số liệu vô hồn dẫn đến tình trạng quá tải. Không chú trọng tư duy độc lập, tư duy sáng tao dẫn đến sản phẩm là những con người không thể thích ứng được với một thị trường lao động toàn cầu hoá vốn năng lực thật sự, nơi mà không có đất cho những lá đơn xin việc dựa trên "quan hệ".

Vì vậy, cải cách giáo dục ở VN sẽ là chuyện lẩn quẩn chừng nào chính những quan chức của bộ GD vẫn còn giữ não trạng "giáo dục đã đạt được những thành tựu đáng tự hào" và "cần phải quán triệt tinh thần của thông tư ABC, nghị quyết XYZ... vv và vv.

Nói chung tư duy định hướng cho nền GD VN vẫn quanh quẩn ở cái luỹ tre làng và đóng cửa dạy nhau mà thôi.

Họ và tên: Đông Hoàng
Địa chỉ:
Email: vonglongl@hn.vnn.vn

Thi thoảng, nhân cái giải Nobel, được đọc một cao kiến về một con người đoạt giải ở đâu đó, về một nền giáo dục, về một lĩnh vực chuyên ngành nào đó mới thấy sao thế giới cao vời vợi thế mà ta thì cứ loay hoay kiểu gì ấy như gà mắc tóc.

Một nước Nhật đang ở đỉnh cao của thế giới cũng còn biết "khiêm tốn" rằng mình cần phải học hỏi nhiều mới dám "so sánh" với ai đó... Họ có Minh Trị, và tư tưởng Duy Tân, muốn vươn lên mãi mãi của họ đã duy trì suốt vài trăm năm qua thật đáng nể, đáng học, đáng ngưỡng mộ...

Thương lắm VN ơi, bao giờ dân tộc ta mới có cái tư duy tầm cao ấy ? Bao giờ dân tộc ta mới dám mơ đứng trên đỉnh cao của khoa học, văn minh nhân loại để giơ cao giải Nobel?...

Họ và tên: Nghệ Quân
Địa chỉ: Huế
Email: nghe@pilc.com

Trung Quốc tự hào về Roger Y. Tsien cũng phải thôi. Điều đó chứng tỏ dân tộc TQ cũng rất thông minh không thua kém bất cứ ai nhưng bên cạnh đó họ cũng đã tự nhận thấy rằng tại sao tất cả những nhà khoa học TQ đoạt giải Nobel đều sống ở Mỹ cả? 

Vấn đề của tất cả những thất bại là do ở nền tảng xã hội và cái nền giáo dục sai lầm của họ, một nền giáo dục chỉ chạy theo hư danh, nhồi nhét nói sao nghe vậy, thi cử gian lận đã làm thui chột biết bao nhiêu tài năng Trung Hoa.

Họ và tên: Hữu Đạt
Địa chỉ: tổ 4
Email: trungtantrungtan@yahoo.com

Tôi nghỉ cho đến khi nào tính cách khiêm tốn của ngưới VN được như người Nhật thì khoa hoc VN mới có chỗ đứng trên TG.

Người VN mình thường không nhận ra minh sai, mình không đủ trình độ mà cứ biện lí do này, lí do nọ , như vậy thì làm sao mà tiến thân được đây. Không riêng gì trong KHCN mà trong tất cả mọi lĩnh vực.

Tốt nhất là người VN nên học theo cách làm người của NB. Hãy loại bỏ hết những tư tưởng phong kiến bị ảnh hưởng, không có lợi cho sự phát triển. Có như vậy VN mình mới đáp lại lòng mong mỏi đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Họ và tên: Tuan Anh
Địa chỉ:
Email: tuananhpkd@yahoo.com

"Rõ ràng, các cơ quan truyền thông đại chúng Nhật có được sự tỉnh táo và lý trí hiếm thấy, các ý kiến của họ thật sự có tác dụng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính quyền Nhật".

Tôi mong rằng giới truyền thông Việt Nam cũng làm được như thế này, chứ cứ chạy theo dư luận, bề nổi... như một sô cơ quan truyền thông của ta bây giờ thì thất vọng quá...

Họ và tên: Banh Minh Cuong
Địa chỉ: 719 Tran Hung Dao, Q5,TPHCM.
Email: banhminhcuong@yahoo.com

Khát khao của người Trung Quốc đối với giải thưởng Nobel

Sự kiện  nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa Tiền Vĩnh Kiện (tên Mỹ : Roger Y.Tsien ) được nhận giải Nobel hóa học 2008 thực sự gây ra một sự hứng khởi cho người Trung Quốc cho đến khi chính nhà khoa học này phát biểu một cách nghiêm túc khi được phóng viên Tân Hoa Xã phỏng vấn, rằng: Tôi không phải là nhà khoa học Trung Quốc, tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tôi rất vui mừng nếu thành tựu của tôi có thể mang lại sự khích lệ và chú ý của tuổi trẻ Trung Quốc đối với nghiên cứu khoa học.”

Người  Trung Quốc hứng khởi vì giải Nobel hầu như không có duyên đối với các nhà khoa học bản địa , họ cố tìm sự liên hệ qua mối liên kết huyết thống của người đoạt giải .

Hơn nữa, người TQ cũng có vẻ mất kiên nhẫn khi năm nay lại là một năm đặc biệt với thành công vang dội đưa người hoạt động bên ngoài phi thuyền Thần Châu 7, tiếp sau một thành công rực rỡ khác là Olympic 2008.

Có vẻ như sự thiếu duyên với Nobel là sự đáng tiếc sâu sắc đối với bảng kê thành tích của một cường quốc vừa trình làng những thành tựu KHKT, sức mạnh quốc gia vượt bậc của mình.

Sự khát khao cháy bỏng giải thưởng Nobel đúng lúc này đây chính là sự tiếc nuối pha lẫn chút chua xót trong tâm trạng của người TQ. Tâm trạng ấy hoàn toàn có thể hiểu được. Thậm chí, cư dân mạng và báo chí TQ còn đặt cả vấn đề có yếu tố chính trị hoặc kỳ thị trong quá trình bình chọn trao giải .

Người TQ cũng cụt hứng vì phát biểu của nhà khoa học Roger Y.Tsien. Có người cảm thấy ê chề vì cho rằng tiến sĩ Tsien không nhận mình là người TQ . Người khác cho rằng người TQ bị bẽ mặt chính vì tâm lý thấy người sang bắt quàng làm họ v.v…

Nhưng, dư luận luôn tỉnh táo !

Trên các mạng thông tin & báo chí TQ bắt đầu tranh luận vì sao người TQ bản địa (sinh trưởng , học tập, nghiên cứu ngay tại TQ)  lại chưa thể đoạt giải Nobel ?

Thứ nhất, tố chất của người TQ chắc chắn không tệ. Bằng chứng là những nhà khoa học như ông Tiền còn nguyên vẹn phẩm chất, thiên tư của giống nòi.

Thứ hai, trong quá khứ có những nhà khoa học sinh trưởng tại quê hương nhưng du học và nghiên cứu tại nước ngoài cũng được giải Nobel, điển hình như ông Tiền Học Sâm, bác của ông Tiền Vỉnh Kiện.

Thứ ba, môi trường giáo dục được hầu hết mọi người nhận định là yếu tố then chốt trong việc nuôi dưỡng, khơi dậy một tố chất, một thiên tư có mầm mống ưu việt.

Tiếc thay, hệ thống giáo dục của TQ hiện nay lại tồn tại quá nhiều hạn chế không dễ khắc phục. Thí dụ như đầu óc nặng khoa cử, trọng bằng cấp, từ chương … nhẹ về phat hiện, khơi dậy , nuôi dưỡng khích lệ óc sáng tạo của nhân tài.

Tục ngữ TQ xưa có câu đại ý là hạt giống gieo trồng ở phía nam sông Hoài thì ra trái quít , nếu trồng phía bắc sông Hoài thì có thể ra trái quất (không phải là quít). Thổ nhưỡng khác nhau sẽ cho ra quả với chất lượng rất khác nhau !

Tóm lại, người TQ đã biết thông qua một sự kiện riêng biệt để sáng suốt nhận định và thảo luận, hối thúc cái mới phải xuất hiện. Phải chăng đó chính là cái được kỳ vọng nhất của XH TQ hiện đại.

Phải chăng đó cũng là những trăn trở đối với người có tâm khi nhìn nhận thực trạng & hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam ?

Họ và tên: Lê Anh Dũng
Địa chỉ: Hà Nội
Email: Dunggiao61@yahoo.com

Hàng ngày bật tivi, đài, báo chỉ thấy đa phần là các thông tin Hoa hậu, bóng đá, giọng hát hay, nhà quản lý giỏi, nhà kinh doanh giỏi. Và những lời tung hô, tôn vinh cùng những khoản tiền thưởng khổng lồ ....

Mấy em học sinh đoạt giải Quốc tế mang danh cho đất nước, dân tộc thì ngậm ngùi, với những giải thưởng khiêm tốn và những thông tin ngắn ngủi. Với một tư duy, nếp nghĩ như vậy, thì thế hệ trẻ làm gì có khát vọng, đất nước và dân tộc bao giờ mới có người tài.


15/10/2008

http://www.tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/5047/index.aspx

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2008

'Chưa có nghiên cứu việc lái xe thấp bé gây nhiều tai nạn'


"Tôi sẽ rà lại quy định của Bộ Y tế xem có hợp lý không, có thể từ 35 đến 40 kg là được lấy bằng lái xe trên 50 cm3", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí, chiều 16/10.

- Bộ Y tế vừa đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, trong đó người dưới 40 kg hoặc 1,45 mét không được đi xe máy trên 50 phân khối, dưới 1,5 mét không được lái ôtô. Quan điểm của Bộ Giao thông về vấn đề này thế nào?

- Nghị quyết 32 của Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng tiêu chuẩn sức khỏe để điều khiển xe cơ giới. Bộ Giao thông Vận tải chỉ góp ý, nêu một số nguyên tắc về sử dụng các loại phương tiện. Bộ Y tế quy định cụ thể.

Hiện một số nước cũng có quy định về cân nặng, chiều cao để cấp bằng lái xe, tuy nhiên mức cụ thể thì cần phải xem xét kỹ. Tôi sẽ xem lại quy định của Bộ Y tế có hợp lý không, có thể nên giao động từ 35 đến 40 kg là được lấy bằng lái xe trên 50 cm3.

- Đa số xe máy ở VN đều trên 50 phân khối, nhiều xe kiểu dáng nhỏ, gọn thiết kế dành cho người có thể hình thấp bé. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng, người thấp bé vẫn phù hợp với những loại xe trên?

- Dung tích thường cân đối với kết cấu xe, xe phân khối nhỏ thường có kiểu dáng gọn nhẹ. Lâu nay, chúng ta vẫn dùng dung tích xe để làm căn cứ, ví dụ xe Honda phân khối 50 cho lứa tuổi nào, trên 50 phân khối cho lứa tuổi nào. Nếu đưa ra một loạt yếu tố như dung tích, kích cỡ, kiểu dáng... để làm căn cứ thì quá phức tạp.

- Với những trường hợp đang có bằng lái nhưng dưới mức chuẩn của Bộ Y tế hoặc khi thi lấy bằng được trên 40 kg nay sút cân thì giải quyết thế nào?

- Một quy định mới ra đời cần có thời gian tuyên truyền giống như quy định đội mũ bảo hiểm trước đây. Quy định mới của Bộ Y tế cần có thời gian tuyên truyền, sau đó, chúng ta mới tiến hành chế tài xử lý. Việc khám sức khỏe định kỳ để sát hạch là cần thiết nhưng cần quy định thời gian tái khám, chi phí khám hợp lý.

Bộ Giao thông sẽ xem xét khoảng thời gian cần thiết để chuyển đổi bằng lái.

- Một số ý kiến cho rằng, cân nặng, chiều cao và sức khỏe không đồng nhất với nhau. Xin được hỏi ông, đã có nghiên cứu nào ở Việt Nam chứng minh số vụ tai nạn do lái xe thấp bé gây ra nhiều hơn bình thường?

- Bộ Giao thông chưa có nghiên cứu cụ thể số người thấp bé gây ra nhiều tai nạn giao thông. Nhưng tôi nghĩ không nên đợi nghiên cứu đối tượng này gây nhiều tai nạn mới đưa ra chế tài. Chúng ta đảm bảo quyền đi lại của công dân nhưng cũng phải trên cơ sở an toàn giao thông cho người khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Người gầy quá không nên lái xe.

Quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đã được chúng tôi nghiên cứu chặt chẽ, không phải do cảm tính. Bộ đã nghiên cứu dựa trên số liệu về con người Việt Nam để đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện. Ngoài quy định về chiều cao, những người gầy gò quá không nên lái xe.

Việt Anh thực hiện

Ý kiến bạn đọc:

Người gửi: Huyền Trang

Với tư cách là một luật gia, tôi nhận thấy quyết định của Bộ Y tế quy định người nặng dưới 40 kg, cao dưới 1,45 m không được đi xe gắn máy trên 50 cc đã vi phạm Điều 52 Hiến pháp do sự phân biệt đối xử dựa trên chiều cao, cân nặng của các cá nhân. Chiều cao, cân nặng và sức khỏe là những vấn đề khác nhau.

Việc xác định chiều cao, cân nặng thế nào thì đảm bảo điều khiển phương tiện an toàn nên được Bộ Y tế và các nhà sản xuất phương tiện bàn bạc thống nhất dựa trên các nghiên cứu khoa học và nên thể hiện dưới dạng "Hướng dẫn xử dụng, cảnh báo" của từng loại phương tiện. Chỉ có làm như vậy mới không ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng và nhà sản xuất phương tiện.

Theo tôi biết, ở một số nước phát triển, những người tàn tật vẫn được điều khiển phương tiện giao thông (như ô tô), tất nhiên, những phương tiện được nhà sản xuất bổ sung các thiết bị an toàn dành cho những người tàn tật.

Người gửi: Trần Hồng Đào

Cũng may là mình nặng 43 kg, và cao được 1,53 m nếu mình thấp và lùn hơn chắc sẽ đứng ngồi không yên với quy định của Bộ Y tế. Trường hợp như vậy chắc mình phải thuê tài xế hằng ngày chở mình đi làm và đi chợ, và lương mình phải tăng gấp đôi để bảo đảm chi phí đi lại.

Mình không thể đi xe đạp vì không biết đi đến bao giờ mới tới chỗ làm, mình không thể đi xe dưới 50 phân khối được, vì các xe này không đủ lực để leo lên các vỉa hè khi kẹt xe, mình cũng không đi được xe buýt vì kẹt xe triền miên. Một người cao 1,45 m mà nặng 39 kg vẫn có khi khỏe mạnh hơn nhiều với người cao trên 1m7 mà nặng 48 kg. Quy định này thật quá nhạy cảm…

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/10/3BA07812/

Thứ năm, 16/10/2008

“Vỗ béo” để đủ chuẩn đi xe máy!

Dân nói: "đi an toàn dù không đủ chuẩn"

“Tôi cao 1m52, nặng 45kg nhưng sau khi sinh đôi hai cô công chúa, giờ tôi “ngót” chỉ còn 38,5kg. Thế nhưng tôi đi xe chưa gây ra một vụ va chạm nào. Tôi thấy mình đủ sức khoẻ, tinh thần để điều khiển xe”, chị T.Nga (Đông Anh) nói.

Rồi chị “giật mình” nhớ ra vừa làm mất bằng lái xe, có nghĩa rằng nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chị sẽ không thể thi lấy bằng lái. Chẳng lẽ vứt xó “con” sirius ở nhà để leo lên xe buýt, đi 3 tuyến mới đến được nơi làm việc?

“Chắc tôi phải “vỗ béo” lên 40kg để đủ tiêu chuẩn thi lấy bằng nhưng mỗi tháng tăng được 1 - 2 lạng đã khó, đằng này… Chắc tôi vẫn phải gắn bó với chiếc xe máy, dù bằng lái vừa mất”, chị Nga chia sẻ.

“Đâu phải người nhỏ bé là không thể lái xe “ngon””, cô gái có nick name Vivaforever294 chia sẻ. Cô cũng là một người “bé hạt tiêu” nhưng lại hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Nếu bỏ xe máy, đi xe buýt tới các cuộc phỏng vấn, hội họp thì thật là điều không tưởng. 3 năm nay, cô vẫn gắn bó với chiếc xe tay ga Mio đi tác nghiệp, và cũng thật may mắn là chưa từng gây tai nạn, vi phạm luật giao thông. Cô tự thấy mình đủ bình tĩnh, nhanh nhẹn cũng như sức khoẻ để xử lý tốt các tình huống giao thông chật chội như ở Hà Nội.

Chiều cao của tôi chỉ đạt 1m48, cân nặng chưa vượt qua con số 40kg nhưng tôi đã lấy vợ, có con. Tôi làm việc quần quật 12 tiếng một ngày, lượn trên đường phố vài ba tiếng mỗi ngày. Tôi vẫn chở vợ, con trai về quê ngoại, quê nội bằng xe máy. Giờ bảo tôi không đủ tiêu chuẩn đi xe máy thì tôi biết lấy gì mà sinh nhai. Hơn nữa, đi xe máy an toàn hay không, tôi nghĩ ngoài thể lực còn là tính cẩn trọng của mỗi người. Tôi là người khoẻ mạnh, thận trọng nhưng chỉ hơi thấp bé”, anh Nguyễn Lưu Thành, nhân viên chụp ảnh tự do bức xúc nói.

Anh Thành cũng chia sẻ, chuyển sang phương tiện khác như xe dưới 50 phân phối thì anh không thích vì xe đó thường xấu, cũ, còn chuyển sang xe buýt là điều không thể. Vì đôi khi, anh phải đi chụp ngoại cảnh ở những vùng ngoại ô, vùng mà xe buýt không có tuyến. Còn đi xe ôm thì thu nhập của anh không thể đủ để “gánh” thêm chi phí khổng lồ đó.

“Vì thế, tôi chắc chắn không thể bỏ xe máy nhưng sẽ phải đi đứng cẩn thận hơn rất nhiều. Còn gặp cảnh sát giao thông thấy mình nhỏ bé muốn kiểm tra ư? Bằng cách nào? Không lẽ đem cân đến, cân người điều khiển xe giữa đường để xác định”, anh Thành nói. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định, rất khó để những người có thể lực nhỏ như anh có thể từ bỏ xe máy vì với nhiều người, đó là phương tiện đi lại, kiếm sống không thể thiếu.

“Cũng may, tôi chỉ thiếu cân nặng. Nếu bí quá thì ở nhà vài ngày “vỗ béo” cho đủ tiêu chuẩn. Còn với những người thiếu tiêu chuẩn chiều cao mới thực sự khổ sở”, anh Thành chia sẻ.

Cơ quan quản lý bảo: “Đã tính toán hợp lý”

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Trần Quý Tường, các tiêu chí về tiêu chuẩn sức khỏe cho người điều khiển xe cơ giới được xây dựng dựa trên các yếu tố phù hợp với sự phát triển chung của xã hội Việt Nam trong bối cảnh thể lực, chiều cao của người Việt Nam đã được cải thiện. Đồng thời, đảm bảo yếu tố an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông.

Theo ông Tường, bản tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn VN hiện tại vì chiều cao trung bình của nam giới VN là 1,6m; nữ là 1,58m, tức là cao hơn mức tối thiểu của quy định này rất nhiều. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn này (gần một năm), đã có sự tham gia ý kiến của rất nhiều ban ngành, các Bộ liên quan.

Ông Tường cũng cho rằng, với người trưởng thành mà thấp 1m45, nhẹ hơn 40kg, có thể họ vẫn điều khiển xe máy được nhưng không an toàn, khó có thể xử lý tốt các tình huống phức tạp trên đường. Còn yếu tố tầm nhìn, khả năng nghe của tai cũng là rất quan trọng. Thật khó có thể an toàn nếu tai ngễnh ngãng không nghe rõ còi xe, rồi mắt nhìn kém dễ gây tai nạn…

Vì thế, theo quy định này, những người không đạt tiêu chuẩn thể lực sẽ không đủ điều kiện điều khiển xe máy trên 50 phân phối. Họ buộc phải có lựa chọn khác như xe buýt, xe máy dưới 50 phân phối, xe đạp…

Tất nhiên, ông Tường cũng khẳng định, quy định nào cũng cần kiểm nghiệm qua thực tiễn. Vì thế, Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dù đã được tính toán kỹ, trên cơ sở ý kiến chung của nhiều ban ngành… nhưng nếu trong thời gian áp dụng, thực thi, thấy có bất cập, Ban soạn thảo sẽ tính đến phương án chỉnh sửa để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, vừa đảm bảo an toàn giao thông.

Hồng Hải

Thứ Năm, 16/10/2008

http://dantri.com.vn/suckhoe/Vo-beo-de-du-chuan-di-xe-may/2008/10/255576.vip

Đừng tước mất cơ hội đi lại của người thiếu may mắn!

"Quy định khung về sức khỏe cho người lái xe là cần thiết, nhưng Bộ Y tế cần có thêm quy định "mở" để "chiếu cố" với những người thấp bé, hay yếu về khả năng vận động để không tước mất cơ hội được đi lại của họ"!

VietNamNet
10:42' 16/10/2008
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/808735/


Thứ Ba, 14 tháng 10, 2008

Giải mã “hiện tượng” Marc Levy

Trong thời đại công nghệ giải trí nghe - nhìn lấn át, hiếm thấy nhà văn nào được chào đón rộn ràng, với lượng fan hâm mộ hùng hậu, trải dài từ Bắc tới Nam như Marc Levy.

“Cơn sốt” Marc Levy

Hàng tháng trước ngày nhà văn Marc Levy dừng chân tại Hà Nội, Fan Club Việt Nam đã xăng xái lên lịch chụp hình, làm poster, chuẩn bị cờ quạt - băng-rôn - biểu ngữ và gói quà tặng “thần tượng”. Mọi thông tin, hình ảnh về tác phẩm và cuộc sống riêng của “anh Vy” (theo cách gọi thân mật của các fan) cũng được cập nhật sốt dẻo trên các diễn đàn cùng những comment (bình luận) rất sôi nổi, hào hứng.

Mọi cuộc họp báo, ký tặng sách, hội thảo, giao lưu của Marc Levy trong những ngày qua đều không thiếu bóng dáng fan nào. Hội trường LEspace tối 7.10 đông nghịt. Kế hoạch giao lưu với Marc Levy được Đại sứ quán Pháp sắp xếp từ 18 giờ đến 19 giờ 30, nhưng Marc Levy đã phải nán lại thêm... 2 tiếng đồng hồ để ký mỏi tay.

Hội trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn (ghi chú: ĐHKHXHVN Hà Nội) sáng 8.10 cũng “tắc nghẽn” đến mức nhiều bạn trẻ phải ngồi bệt xuống sàn nhà và đứng trên các lối đi vì không còn ghế ngồi. Không chỉ người trẻ, nhiều độc giả đầu bạc phơ cũng tò mò đến dự. Và dĩ nhiên, muốn xin chữ ký của “anh Vy”, “chú Vy”, các bạn trẻ phải xếp hàng chờ suốt hàng giờ. Thế nhưng, “thời gian, vật chất chả là gì, chỉ tinh thần thôi cũng đủ” (comment của một fan hâm mộ), nên fan nào cũng hồ hởi ra mặt, mà vui nhất là được tặng “chú Vy” một bài thơ... bằng tiếng Việt !

Có tác phẩm được bình luận rôm rả khắp nơi và được chào đón nồng hậu chắc chắn là niềm mơ ước của không ít nhà văn Việt Nam trong một đất nước mà số đầu sách văn học xuất bản hằng năm quá khiêm tốn (chỉ khoảng 1.000 bản/sách) so với con số hơn 80 triệu dân. Nhưng vì sao với văn chương Việt Nam, con đường “đi từ chân trời của một người đến chân trời của muôn người” (nói theo cách của nhà thơ Neruda) lại quá nhọc nhằn đến thế? Vì sao một nhà văn ở xứ sở xa xôi lại có sức hút hơn rất nhiều lần hàng trăm, hàng nghìn nhà văn trong nước? Vì “công nghệ tổ chức” sự kiện quá hoàn hảo, nhất là khi Nhã Nam - đơn vị mua bản quyền tác phẩm của Marc Levy, đã “bày binh bố trận” cho việc ra đời và hoạt động của Marc Levys fan club? Vì vẻ ngoài nhã nhặn, khiêm tốn, lịch thiệp của nhà văn đã ngoại tứ tuần? Vì “hiệu ứng” lan tỏa của tâm lý đám đông? Hay còn những lý do nào khác?

Sức hút từ đâu?

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho rằng: “Chỉ có 10% nhà văn thực sự nổi tiếng nhờ năng lực, 90% còn lại đều nhờ công nghệ lăng-xê. Marc Levy có được sức mạnh của công nghệ lăng-xê, của giá-trị-ti-vi”. “Hơn nữa, Marc Levy lại có những giá trị nằm ngoài giá trị tác phẩm. Thái độ khiêm tốn, lịch lãm, ứng xử nhẹ nhàng, biết người biết ta, không hoắng huýt, không lên giọng giúp Levy “ăn điểm” rất nhiều trong mắt các độc giả nữ và người già”. Còn tác phẩm của Marc Levy thì Nguyễn Quang Lập cho rằng: “Tôi có đọc lướt qua vài trang, thấy... chả có gì nên không muốn mất thời gian”.

Đồng quan điểm đó, nhà văn Nguyên Ngọc - một người am hiểu sâu sắc văn học Pháp, cũng nói: “Tôi có sách Marc Levy nhưng chưa đọc vì đọc cái gì cũng phải chọn lựa kỹ càng”. Giải thích cho lý do “phải chọn lựa”, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng ông đang hướng sự chú ý tới những nền văn học khác, chứ không phải văn học Pháp đương đại, bởi nền văn học này không còn những tác phẩm lớn, bởi thời kỳ của những “người khổng lồ”, những A.Camus, những Jean Paul Sartre đã qua, và bây giờ là “thời kỳ của những cái tầm thường”, những cái không lạ, không tinh tế.

@ bình loạn: hố hố, thưa các ngài đại nhà văn Việt Nam... các ngài có nghe ông Mrc Levy (ông ấy không dám xưng là nhà văn) nói rằng bên Pháp 1 năm có 400-500 tiểu thuyết xuất bản hay không? Các cụ chê văn của người ta, thế ra văn các cụ hay à... ra là giờ mới biết cái sự cao siêu của văn học VN, trình độ cử nhân ngữ văn của mình chưa đủ khả năng thưởng thức ...chả biết các cụ chọn lọc cái chi để đọc???

Lý giải sức hút của “hiện tượng” Marc Levy trong bối cảnh văn hóa đọc bị coi là thụt lùi, nhiều người cho rằng văn của Marc Levy “hợp khẩu vị đám đông” bởi nhà văn này vẽ ra các viễn cảnh lãng mạn, kỳ ảo, những cái kết có hậu, những câu chuyện tình băng qua mọi không gian - thời gian, mọi ranh giới sống - chết...

Thế nhưng “hợp khẩu vị đám đông” có phải là điều đáng lên án? Nói một cách công bằng, phải chăng tác phẩm của Marc Levy chỉ là thứ minh họa cho “tay nghề khá và kỹ thuật viết tốt”? Và nếu chỉ là tác phẩm điêu luyện về kỹ xảo nhưng vô hồn về cảm xúc thì liệu có đủ sức hấp dẫn người trẻ - những người luôn bị cảm xúc, cảm giác, cảm tính chi phối? Trả lời báo giới, Marc Levy nói rằng ông luôn ưu ái cho cảm xúc, bởi “kỹ thuật mà không có cảm xúc thì chỉ là kỹ thuật thuần túy mà thôi”.

Còn thực tế tác phẩm thì sao? Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Lê Hồng Sâm phân tích: “Marc Levy thiên về miêu tả con người như lẽ ra nó nên như thế, chứ ông không miêu tả như lẽ ra nó là như thế. Ông ấy muốn nhìn sự vật ở khía cạnh đẹp đẽ. Ngay cả những sự thật khắc nghiệt nhất như chiến tranh (trong tác phẩm Những đứa con của tự do), Marc Levy vẫn tìm ra được khía cạnh thi vị.

Người trên 20 tuổi đọc Marc Levy có lẽ sẽ mỉm cười và cho rằng Marc Levy tô hồng hiện thực, nhưng với người trẻ dưới 20 tuổi, tác phẩm của Marc Levy gieo vào họ niềm tin, niềm hy vọng mát lành về cuộc sống. Tác phẩm của Marc Levy là một thứ thức ăn lành”. “Một điểm nữa khiến Marc gần gũi với người Việt Nam là vì ông ấy có lối suy nghĩ phương Đông. Tư duy phương Đông là tư duy tổng hợp, không rạch ròi duy lý như phương Tây, vì thế, những câu chuyện về luân hồi, kiếp sau của Marc không có gì xa lạ với độc giả Việt Nam, trong khi với độc giả phương Tây thì có thể là điều bất thường”, bà Sâm nhấn mạnh thêm một khía cạnh thành công của Marc Levy.

Sau một “tour” quanh Hà Nội, ngày 9 - 10.10, Marc Levy đã có mặt tại TP.HCM để chinh phục độc giả phía Nam, và trở về Pháp vào tối 11.10, kết thúc chuỗi “sự kiện” Marc Levy tại Việt Nam. Và dẫu cho có bị giới phê bình văn chương, giới nghiên cứu hàn lâm, khả kính coi là “nhạt nhẽo”, “phát sốt”... thì sự thành công của nhà văn “thị trường” này có lẽ cũng khiến không ít người phải ngẩn ngơ.

Tối 9.10, khán phòng Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF-TP.HCM) - nơi diễn ra cuộc giao lưu đầu tiên giữa Marc Levy với độc giả TP.HCM - không còn chỗ chen chân. Khá đông fan của Marc Levy cầm lăm lăm cuốn sách Nếu em không phải một giấc mơ trên tay đã năn nỉ ỉ ôi bảo vệ cho vào “nhìn ông ấy một chút thôi cũng được” trong tuyệt vọng, bởi những cánh cửa vào khán phòng đã bị đóng kín. Không ít độc giả người Pháp cũng đành đứng ngoài. Một số fan là sinh viên không vào được đành rủ nhau chụp hình ngay trước áp-phích giới thiệu buổi giao lưu với “chú Vy” làm kỷ niệm. (Tin, ảnh: Phạm Thu Nga)

Y Nguyên

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200841/20081011220440.aspx

Nhà văn Pháp Marc Levy: Tôi bắt đầu từ câu chuyện kể cho con...

Bài viết thực hiện từ tháng 2.2008

Nhận cú điện thoại Marc Levy gọi lúc 1 giờ sáng từ London, tôi có cảm giác như nền đất dưới chân mềm nhũn ra. Cứ ngỡ như mình hãy còn là một cô bé mới lớn, lần đầu tiên được tiếp xúc với thần tượng. Đầu dây bên kia là Marc Levy, tiểu thuyết gia người Pháp của những cuốn tiểu thuyết lãng mạn đang được các quý bà, quý cô khắp thế giới say sưa bàn tán quanh bàn cà phê.

Thực ra Marc Levy cũng không phải là thần tượng của tôi. Tôi chỉ yêu mến văn chương cũng như những câu chuyện tình yêu đẹp lấp lánh như pha lê của ông. Giọng nói trầm ấm của người đàn ông này khiến tôi cảm thấy lâng lâng kỳ lạ. Một sức quyến rũ mê hồn từ lối phát âm tiếng Anh đặc trưng kiểu Pháp. Từ trước đến nay, tôi vẫn tin rằng giọng nói của một người có thể chuyển tải thông tin về tính cách của người đó. Giọng Marc trầm ấm và du dương như văn của ông. Tôi ngạc nhiên khi Marc gọi tên Việt Nam của tôi, vốn rất khó phát âm đối với người nước ngoài một cách chuẩn xác. "Quỳnh Như, hy vọng cô chưa ngủ, cô muốn bắt đầu cuộc phỏng vấn của chúng ta  như thế nào?". 

Đêm ấy, sau cuộc đàm thoại với Marc, tôi không ngủ được. 4 giờ sáng, tôi email cho ông liền một mạch 20 câu hỏi khác. Khoảng hơn một tháng sau, Marc Levy gởi cho tôi một đĩa CD thu âm những câu trả lời cho tôi bằng chính giọng nói của ông. Đĩa CD còn kèm theo những bức hình ông chụp bên bàn cà phê buổi sáng. Nhìn dấu bưu điện, tôi biết rằng Marc gởi đĩa chiếc đĩa này từ văn phòng của mình ở London. Sau đây là một số câu trả lời của Marc, trích ra từ CD này và một cuộc trao đổi khác nữa giữa chúng tôi:

* Bước ngoặt nào đã dẫn ông đến nghiệp văn chương với tác phẩm đầu tay Nếu em không phải là giấc mơ?

- Mọi chuyện bắt đầu vào những đêm tôi kể chuyện cho đứa con trai tên Louis của tôi trước giờ nó đi ngủ. Mỗi đêm, tôi phải bịa ra phần tiếp theo của câu chuyện tối hôm trước. Thằng bé rất chăm chú nghe và dễ dàng phát hiện ra những lỗ hổng mỗi khi tôi quên một chi tiết nào đó. Vậy là khi Louis ngủ say, tôi phải ngồi xuống để viết ra phần nối tiếp cho đêm sau. Cứ mãi như thế cho đến khi thằng bé tròn 9 tuổi. Tôi hiểu rằng Louis càng ngày càng thích thú với tiết mục kể chuyện đêm khuya của cha. Bỗng dưng trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ điên rồ rằng tôi sẽ viết ra một câu chuyện để kể cho nó nghe vào lúc nó là một người đàn ông trưởng thành. Thay vì kể cho con nghe những chuyện thần tiên, tôi sẽ kể một câu chuyện mang tính đời thực hơn. Tôi nghĩ rằng, mấy chục năm sau tôi mới đưa nó cho Louis xem. Tôi hình dung con tôi lúc ấy ắt ở độ tuổi 35-37, hệt như tôi lúc bắt đầu viết ra câu chuyện và chúng tôi sẽ mãi coi nhau như những người bạn thân nhất trên đời. Tiểu thuyết Nếu em không phải là giấc mơ... đã ra đời như thế vào năm 1998.

* Nhưng để  một câu chuyện viết riêng cho con trai trở thành một tiểu thuyết bán chạy không phải điều đơn giản. Bằng cách nào, ông khiến nhà xuất bản lưu ý đến nó?

- Tôi có may mắn là thừa hưởng một chút "mực" trong máu. Cha tôi từng viết một cuốn sách được liệt vào hàng best selling vào năm 1977. Tôi còn có người chị làm nghề viết kịch bản. Chị tôi đã đưa cuốn sách cho nhà xuất bản Éditions Robert Laffont. 8 ngày sau, chị tôi nói nó sẽ được đem đi in. Tôi thậm chí không thể tin nổi và phải tự mình gọi điện đến nhà xuất bản để kiểm tra thông tin. Lúc ấy tôi vừa vui sướng, vừa lo sợ. Dù gì, câu chuyện này tôi viết về người đàn ông mà tôi muốn con trai mình sẽ trở thành sau nhiều năm nữa. Nếu được xuất bản, cuốn sách sẽ chẳng là chuyện riêng tư giữa cha con chúng tôi. Vốn là người nhút nhát,  nên lúc đó tôi cứ băn khoăn mãi việc làm này có đúng đắn không nữa. 

* Cuốn Nếu em không phải là giấc mơ đã rất thành công. Phần tiếp theo của nó là Gặp lại cũng được đón nhận rất nồng nhiệt. Hollywood đã gộp 2 phần này để dựng thành phim Just Like Heaven (Như ở thiên đàng) phải không?

- Các vị ở Hollywood làm phim theo phong cách của Mỹ. Tôi nghĩ rằng sách của tôi mà được dựng theo trường phái phim châu Âu thì sẽ khác. Dẫu sao, tôi cũng rất vui khi sách của tôi được dựng thành phim. Tôi cũng có dịp gặp gỡ đoàn làm phim. Tôi nghĩ Reese Witherspoon đóng vai nữ chính trong phim rất đạt. Hiện tại, tôi cũng nghe đâu đó có một dự án làm phim dựa trên cuốn Bạn tôi, tình tôi.

@ Bình Loạn: tình cờ hồi đầu năm, bật tivi lên, vừa xem chưa được 1 phút mình đã biết chắc đây là tiểu thuyết "nếu em không phải là giấc mơ của Marc Levy... thích thú ngồi xem... xem hết thì vô cùng bực bội, sau đó đọc bài viết này trên báo Thanh Niên thì thấy tác giả cũng đồng tình

1 bộ tiểu thuyết lãng mạn như thế mà bị Holywood bóp méo thành 1 bộ phim toàn những pha hành động, các chi tiết đắt giá trong bộ sách bị bỏ qua hoặc thoáng qua, không nhấn mạnh. 2 diễn viên chính thì thật là khủng khiếp... Ôi Arthur & Laura

* Thời thơ ấu của Marc Levy như thế nào?

- Gia đình tôi lúc nhỏ không khá giả gì lắm. Sau chiến tranh, bố tôi kiếm sống bằng nghề bán áo sơ mi. Mẹ tôi làm việc cho một công ty bất động sản lúc tôi ra đời. Khi đi học, chưa bao giờ tôi là học sinh giỏi trong lớp. Nói thế không có nghĩa là tôi học dở tệ nhưng tôi hay mơ mộng nhìn qua cửa sổ lúc thầy giảng bài. Tôi trải qua những tháng ngày tuổi thơ tươi đẹp bên bờ biển miền Nam nước Pháp nên tôi yêu biển lắm. Tôi đi mọi nơi trên thế giới này cốt chỉ để tìm ra nơi chốn bình yên để sống nốt quãng đời còn lại.

* Làm thế nào mà ông thu xếp cuộc sống bận rộn của một nhà văn nổi tiếng để làm một người chồng, người cha tốt? 

- Tôi là người đàn ông đã có vợ và một con. Tôi chẳng quan tâm mấy đến việc trở thành một nhà văn nổi tiếng. Khi chết, tôi chỉ mong bạn bè và những người thân của tôi nói với tôi rằng tôi đã sống trọn vẹn với nghĩa vụ của một người bạn, người chồng, người cha tốt. Việc cố gắng sống để trở thành người hoàn hảo đối với tôi là một việc nhàm chán hết sức. Tôi không muốn mình là người hoàn hảo.

* Câu hỏi cuối cùng, ông có điều gì muốn nói với độc giả Báo Thanh Niên?  

- Sang năm 2008, chắc chắn tôi sẽ thu xếp thời gian đến Việt Nam để quảng bá cho một cuốn sách mới của mình. Nhưng tôi xin phép chưa thể tiết lộ thời gian cụ thể vì việc chọn ngày giờ đi còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Tôi sẽ bàn bạc với nhà xuất bản của tôi để thực hiện chuyến thăm đất nước của bạn vào năm nay. Tôi rất tò mò về Việt Nam vì tôi có một cô bạn rất thân tự nhận mình "nghiện" Việt Nam quá đỗi. Cô ấy năm nào cũng đến Việt Nam và khi trở về lại châu Âu sau mỗi chuyến đi cô ấy lại kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện lý thú về đất nước này. Hiện tại, tôi đang thực hiện chương trình giới thiệu sách và ký tặng cuốn sách mới có tên Children of Freedom (tạm dịch: Những đứa trẻ của tự do) ở nhiều quốc gia.

Sinh vào ngày 16.10 năm 1961 tại Boulogne-Billancourt, thuộc nước Pháp, Marc Levy là một trong những nhà văn lãng mạn đương thời nổi tiếng nhất của xứ Gaulois. Sách của ông đã được dịch sang 38 ngôn ngữ và tiêu thụ hơn 13 triệu bản trên toàn thế giới. Vài năm trở lại đây, độc giả Việt Nam đã quen thuộc với những tác phẩm bán chạy của Marc Levy được dịch sang tiếng Việt như Nếu em không phải là giấc mơ..., Em ở đâu?, Bảy ngày cho mãi mãi, Kiếp sau, Gặp lại, Bạn tôi tình tôi...

Quỳnh Như (thực hiện)

04/02/2008

http://www.thanhnien.com.vn/News/0108/Pages/200806/225588.aspx


GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...