Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Trung Quốc, Nhật Bản – hai thái độ với giải Nobel (nghĩ về Việt Nam)


Giải Nobel Hóa học 2008 được trao cho phát minh ra chất protein huỳnh quang màu xanh, vốn đã trở thành một công cụ quan trọng trong sinh học. 3 nhà khoa học đoạt giải, từ trái qua phải: Osamu Shimomura, Martin Chalfie và Roger Y. Tsien (Tiền Vĩnh Kiện). (Ảnh: Science Centric)

Tân Kinh Báo (xuất bản tại Bắc Kinh) ngày 9/10 đưa tin: Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Hóa học 2008 được trao cho nhà khoa học Mỹ Marin Chalfie, nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa Tiền Vĩnh Kiện (tên Mỹ là Roger Tsien) và nhà khoa học Nhật Osamu Shimomura.

Trước đó các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã tỏ ra phấn khởi một cách ngạc nhiên về thông tin dự kiến Tiền Vĩnh Kiện – cháu họ của Tiền Học Sâm (*) – có hy vọng đoạt giải này.

Ngược lại, nước Nhật từ hôm bắt đầu công bố giải Nobel năm nay đến giờ đã có 3 nhà khoa học được tặng vinh dự ấy thì lại tỏ ra tự kiềm chế.

Trung Quốc phấn khởi

Bình luận về thông tin về giải Nobel Hóa học, báo “Thanh niên Trung Quốc” ngày 10/10 viết: Khoa học không có biên giới quốc gia nhưng nhà khoa học thì có quốc tịch. Vì năm nào cũng có trao giải Nobel mà năm nào giải này cũng không “bén duyên” với người Trung Quốc (Trung Quốc), khiến cho công chúng và giới truyền thông Trung Quốc cảm thấy một nỗi đau buồn khó hiểu.

Khi người Trung Quốc bỏ cặp kính râm xuống, rốt cuộc họ phát hiện: suy cho đến cùng giải Nobel vẫn là giải lớn cấp bậc cao nhất thế giới, đại diện cho trình độ mũi nhọn của khoa học thế giới. Bởi vậy khi người các nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Độ được trao giải Nobel, riêng Trung Quốc thì... vô duyên, điều ấy thể nào cũng khiến chúng ta cảm thấy có một nỗi bất bình gì đó.

Lần này thì tốt rồi, cháu họ của Tiền Học Sâm là Tiền Vĩnh Kiện (Roger Y. Tsien) được tặng giải Nobel!

Chưa nói chuyện báo đài Trung Quốc trước đó đã đưa nhiều tin về việc Tiền Vĩnh Kiện có thể đoạt giải ấy, mà nhiều báo Trung Quốc hôm 9/10 vừa rồi đều đăng tải tin giật tít: “Cháu họ của Tiền Học Sâm gặt hái giải Nobel Hóa học” và đăng ảnh Tiền Vĩnh Kiện lên vị trí hàng đầu.

Người ta quên mất cái tên Tiền Vĩnh Kiện, lại càng chẳng nói tới quốc tịch của ông ấy. Cái tạt vào mặt người đọc là một kiểu ám thị mạnh mẽ: đây là niềm kiêu hãnh của họ Tiền, niềm kiêu hãnh của Trung Quốc.

Thật ra, nhiều năm trước đây các nhà khoa học gốc Hoa quốc tịch Mỹ như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo v.v... đã mang lại vinh quang cho người Trung Quốc rồi, lần này rốt cuộc lại có người kế tục, sao không phấn khởi chúc mừng nhỉ?

Nhật Bản kiềm chế

Ngược lại, người Nhật tỏ ra tự kiềm chế. Người Nhật tự nhắc nhở mình là nền giáo dục nước họ hãy còn khiếm khuyết và mong rằng nhân dịp này nên uốn nắn thái độ “kính nhi viễn chi” của giới trẻ Nhật đối với các môn khoa học tự nhiên, nhằm tăng cường sức sống cho công tác nghiên cứu khoa học cơ bản nước họ.

Năm nay ngoài Shimomura đoạt giải Nobel Hóa học còn có Yoichiro Nambu (sinh ở Nhật, sau vào quốc tịch Mỹ) và hai người Nhật là Makoto Kobayyashi và Toshihide Maskawa giành giải Nobel Vật lý.

Trước nữa, từng có 3 người Nhật được trao giải Nobel Vật lý do thành tích trong nghiên cứu hạt cơ bản – điều đó chứng tỏ Nhật Bản có thực lực mạnh trên lĩnh vực nghiên cứu này.

Thế nhưng báo Nhật Yomiuri Shimbun ngày 8/10 đăng xã luận viết: mấy năm nay có hiện tượng lớp trẻ Nhật “kính nhi viễn chi” (coi trọng nhưng lại xa lánh) với các ngành khoa học tự nhiên; trước tình hình đó nhà nước và các trường ĐH Nhật cần cải cách hệ thống đào tạo cán bộ nghiên cứu nhằm giúp thanh niên Nhật tăng cường ý chí tiến công khoa học.

Xã luận báo Mainichi Shimbun cũng thẳng thừng vạch rõ: chính sách khoa học kỹ thuật của Nhật nặng chú trọng lợi ích kinh tế, nhà nước coi khoa học kỹ thuật là chỗ dựa chính để kích hoạt nền kinh tế, công tác nghiên cứu của các trường đại học cũng theo đuổi hiệu quả lợi ích và ứng dụng.

Rõ ràng, các cơ quan truyền thông đại chúng Nhật có được sự tỉnh táo và lý trí hiếm thấy, các ý kiến của họ thật sự có tác dụng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính quyền Nhật.

Sự khác biệt về giáo dục

Xem xét lại nỗi hồ hởi quá đỗi của người Trung Quốc, có thể giải thích điều này như thế nào?

Tiền Vĩnh Kiện sinh tại New York năm 1952, từ bé đã say mê môn hóa học; vì mắc chứng hen xuyễn nên không được ra ngoài, phải thường xuyên ở nhà; thế là cậu ta bày biện đủ thứ chai lọ dưới tầng hầm để làm thí nghiệm hóa học.

Tiền Vinh Kiện (searlescholars.net)

Nếu Tiền Vĩnh Kiện từ nhỏ đều sống ở Trung Quốc thì sẽ thế nào? Dưới sức ép căng thẳng của kiểu giáo dục thi cử, e rằng những sở thích nho nhỏ và thiên tài sáng tạo của cậu sẽ sớm bị chết yểu.

Khỏi phải nói gia đình không khoan dung mà ngay các trường ĐH cũng chưa chắc đã dung nạp nổi một học trò kém sức khỏe như cậu.

Còn như Toshihide Maskawa (giải Nobel Vật lý) thì lại còn kém về môn ngoại ngữ. Nếu ông này ở Trung Quốc hiện nay – nơi chỉ đề cao Anh ngữ – thì thật là không thể tưởng tượng.

Nói cho tới cùng, thực ra là sự khác biệt về giáo dục. Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc Dương Thúc Tử, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học kỹ thuật Hoa Trung từng vạch ra: nền giáo dục Trung Quốc đang theo đuổi cái tài giỏi mất linh hồn – trọng danh lợi thị trường, coi nhẹ ngành học, coi nhẹ giảng dạy, coi nhẹ sáng tạo ban đầu, coi nhẹ sự bồi dưỡng nhân cách đạo đức của học sinh, quên mất rằng những cái đó mới là linh hồn của nền đại học.

Sự suy ngẫm nói trên của báo Thanh niên Trung Quốc số ra ngày 10/10 rõ ràng đã đánh trúng "vấn nạn" giáo dục ở Trung Quốc hiện nay. Đây không những là sai sót của các trường ĐH cũng như của các hiệu trưởng trường đại học mà là cơ chế giáo dục và cơ chế đánh giá còn tồn tại những thiếu sót chết người.

-------------------

(*) Nhà bác học Tiền Học Sâm (Tsien Hsue-she) sinh ngày 11/12/1911 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1934, tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải. Năm 1935, ông sang Mỹ du học.

Nhà khoa học Tiền Học Sâm

Sau khi có bằng thạc sĩ ngành động cơ hàng không, Tiền Học Sâm vào làm việc tại Học viện California. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Von Kame chuyên gia hàng đầu thế giới về động cơ tên lửa, Tiền Học Sâm đã bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ năm 1938.

Những kết quả kiệt xuất mà Tiền Học Sâm thu được về phương diện nghiên cứu động cơ tên lửa đã được các nhà khoa học và Chính phủ Mỹ đánh giá rất cao. Năm 1945, Bộ Quốc phòng và Bộ Không quân Mỹ đã trao tặng Tiền Học Sâm Huân chương hạng nhất vì “sự nghiệp phụng sự quốc gia”.

Vào những ngày tháng 8/1955, Chính phủ nước CHND Trung Hoa và Chính phủ Mỹ đã có một cuộc trao đổi hy hữu. Chính phủ Mỹ đồng ý cho Tiền Học Sâm được trở về Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc trả tự do cho 11 phi công Mỹ đang bị Trung Quốc giam giữ được trở về Mỹ. Sự kiện này lúc đó được coi là chuyện "thâm cung bí sử" với cả hai bên.

Tiền Học Sâm là người từ thập niên 1950 đã góp một phần không nhỏ vào việc phát triển ngành không gian cho Trung Quốc và nhờ đó mà trong năm 2007, Trung Quốc đã trở thành nước hàng thứ ba trên thế giới về vũ trụ và không gian, chỉ đứng sau hai đàn anh Nga và Mỹ.

Ông về hưu từ năm 1991 và sống một đời sống yên tỉnh ở Bắc Kinh. (Theo Công an nhân dân, erct.com)

Phản hồi của độc giả

HP: Đất nước mà từ người dân dến lãnh đạo sống khiêm tốn, thực tế thì mới tạo ra nước Nhật giàu có hạnh phúc như ngày nay. Tôi mong mọi tầng lớp người dân VN hãy học tập như người Nhật, chúng ta hãy khiêm tốn làm việc, cống hiến.

Phần thưởng lớn nhất là chúng ta sẽ được sống hạnh phúc, giàu sang...và tự thế giới sẽ công nhận. Không cần phải so sánh, hơn thua với một quốc gia nào, trong bất cứ lĩnh vực nào vì hơn, kém là bản chất tự nhiên và nó đã và mãi mãi tồn tại.

Họ và tên: Lý Thanh Xuân
Địa chỉ: Thượng 3 - Phú Mỹ - Phú Tân - An Giang
Email:

Thật thú vị khi có nhiều người châu Á đoạt giải Nobel năm nay và cũng rất tự hào về người châu Á. Nhưng gẫm lại mà chua xót thay cho người Việt Nam chúng ta. Có quá nhiều Tiến sĩ nhưng lại chưa có được một người nào được đề cử (chứ đừng nói tới đoạt giải Nobel).

Đề nghị Chính phủ và ngành Giáo dục nên xem lại chính sách về giáo dục của nướic ta. Hy vọng rằng trong vòng 20 năm tới VN sẽ có người đật giải Nobel.

Họ và tên: Nguyễn Văn Tạo
Địa chỉ: HCM
Email: vantaohcmy@yahoo.com

Nhìn lại hoàn cảnh của VN, chúng ta thấy điều mà bài báo đề cập đến vấn nạn của GD TQ hoàn toàn giống hệt "căn bệnh" của nền GD ta đang mắc phải: Trọng bằng cấp, thích khoe khoang thành tích (dù là thành tích ảo) dẫn đến sự dối trá lan rộng khắp.

Học tủ, học nhồi nhét những số liệu vô hồn dẫn đến tình trạng quá tải. Không chú trọng tư duy độc lập, tư duy sáng tao dẫn đến sản phẩm là những con người không thể thích ứng được với một thị trường lao động toàn cầu hoá vốn năng lực thật sự, nơi mà không có đất cho những lá đơn xin việc dựa trên "quan hệ".

Vì vậy, cải cách giáo dục ở VN sẽ là chuyện lẩn quẩn chừng nào chính những quan chức của bộ GD vẫn còn giữ não trạng "giáo dục đã đạt được những thành tựu đáng tự hào" và "cần phải quán triệt tinh thần của thông tư ABC, nghị quyết XYZ... vv và vv.

Nói chung tư duy định hướng cho nền GD VN vẫn quanh quẩn ở cái luỹ tre làng và đóng cửa dạy nhau mà thôi.

Họ và tên: Đông Hoàng
Địa chỉ:
Email: vonglongl@hn.vnn.vn

Thi thoảng, nhân cái giải Nobel, được đọc một cao kiến về một con người đoạt giải ở đâu đó, về một nền giáo dục, về một lĩnh vực chuyên ngành nào đó mới thấy sao thế giới cao vời vợi thế mà ta thì cứ loay hoay kiểu gì ấy như gà mắc tóc.

Một nước Nhật đang ở đỉnh cao của thế giới cũng còn biết "khiêm tốn" rằng mình cần phải học hỏi nhiều mới dám "so sánh" với ai đó... Họ có Minh Trị, và tư tưởng Duy Tân, muốn vươn lên mãi mãi của họ đã duy trì suốt vài trăm năm qua thật đáng nể, đáng học, đáng ngưỡng mộ...

Thương lắm VN ơi, bao giờ dân tộc ta mới có cái tư duy tầm cao ấy ? Bao giờ dân tộc ta mới dám mơ đứng trên đỉnh cao của khoa học, văn minh nhân loại để giơ cao giải Nobel?...

Họ và tên: Nghệ Quân
Địa chỉ: Huế
Email: nghe@pilc.com

Trung Quốc tự hào về Roger Y. Tsien cũng phải thôi. Điều đó chứng tỏ dân tộc TQ cũng rất thông minh không thua kém bất cứ ai nhưng bên cạnh đó họ cũng đã tự nhận thấy rằng tại sao tất cả những nhà khoa học TQ đoạt giải Nobel đều sống ở Mỹ cả? 

Vấn đề của tất cả những thất bại là do ở nền tảng xã hội và cái nền giáo dục sai lầm của họ, một nền giáo dục chỉ chạy theo hư danh, nhồi nhét nói sao nghe vậy, thi cử gian lận đã làm thui chột biết bao nhiêu tài năng Trung Hoa.

Họ và tên: Hữu Đạt
Địa chỉ: tổ 4
Email: trungtantrungtan@yahoo.com

Tôi nghỉ cho đến khi nào tính cách khiêm tốn của ngưới VN được như người Nhật thì khoa hoc VN mới có chỗ đứng trên TG.

Người VN mình thường không nhận ra minh sai, mình không đủ trình độ mà cứ biện lí do này, lí do nọ , như vậy thì làm sao mà tiến thân được đây. Không riêng gì trong KHCN mà trong tất cả mọi lĩnh vực.

Tốt nhất là người VN nên học theo cách làm người của NB. Hãy loại bỏ hết những tư tưởng phong kiến bị ảnh hưởng, không có lợi cho sự phát triển. Có như vậy VN mình mới đáp lại lòng mong mỏi đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Họ và tên: Tuan Anh
Địa chỉ:
Email: tuananhpkd@yahoo.com

"Rõ ràng, các cơ quan truyền thông đại chúng Nhật có được sự tỉnh táo và lý trí hiếm thấy, các ý kiến của họ thật sự có tác dụng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính quyền Nhật".

Tôi mong rằng giới truyền thông Việt Nam cũng làm được như thế này, chứ cứ chạy theo dư luận, bề nổi... như một sô cơ quan truyền thông của ta bây giờ thì thất vọng quá...

Họ và tên: Banh Minh Cuong
Địa chỉ: 719 Tran Hung Dao, Q5,TPHCM.
Email: banhminhcuong@yahoo.com

Khát khao của người Trung Quốc đối với giải thưởng Nobel

Sự kiện  nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa Tiền Vĩnh Kiện (tên Mỹ : Roger Y.Tsien ) được nhận giải Nobel hóa học 2008 thực sự gây ra một sự hứng khởi cho người Trung Quốc cho đến khi chính nhà khoa học này phát biểu một cách nghiêm túc khi được phóng viên Tân Hoa Xã phỏng vấn, rằng: Tôi không phải là nhà khoa học Trung Quốc, tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tôi rất vui mừng nếu thành tựu của tôi có thể mang lại sự khích lệ và chú ý của tuổi trẻ Trung Quốc đối với nghiên cứu khoa học.”

Người  Trung Quốc hứng khởi vì giải Nobel hầu như không có duyên đối với các nhà khoa học bản địa , họ cố tìm sự liên hệ qua mối liên kết huyết thống của người đoạt giải .

Hơn nữa, người TQ cũng có vẻ mất kiên nhẫn khi năm nay lại là một năm đặc biệt với thành công vang dội đưa người hoạt động bên ngoài phi thuyền Thần Châu 7, tiếp sau một thành công rực rỡ khác là Olympic 2008.

Có vẻ như sự thiếu duyên với Nobel là sự đáng tiếc sâu sắc đối với bảng kê thành tích của một cường quốc vừa trình làng những thành tựu KHKT, sức mạnh quốc gia vượt bậc của mình.

Sự khát khao cháy bỏng giải thưởng Nobel đúng lúc này đây chính là sự tiếc nuối pha lẫn chút chua xót trong tâm trạng của người TQ. Tâm trạng ấy hoàn toàn có thể hiểu được. Thậm chí, cư dân mạng và báo chí TQ còn đặt cả vấn đề có yếu tố chính trị hoặc kỳ thị trong quá trình bình chọn trao giải .

Người TQ cũng cụt hứng vì phát biểu của nhà khoa học Roger Y.Tsien. Có người cảm thấy ê chề vì cho rằng tiến sĩ Tsien không nhận mình là người TQ . Người khác cho rằng người TQ bị bẽ mặt chính vì tâm lý thấy người sang bắt quàng làm họ v.v…

Nhưng, dư luận luôn tỉnh táo !

Trên các mạng thông tin & báo chí TQ bắt đầu tranh luận vì sao người TQ bản địa (sinh trưởng , học tập, nghiên cứu ngay tại TQ)  lại chưa thể đoạt giải Nobel ?

Thứ nhất, tố chất của người TQ chắc chắn không tệ. Bằng chứng là những nhà khoa học như ông Tiền còn nguyên vẹn phẩm chất, thiên tư của giống nòi.

Thứ hai, trong quá khứ có những nhà khoa học sinh trưởng tại quê hương nhưng du học và nghiên cứu tại nước ngoài cũng được giải Nobel, điển hình như ông Tiền Học Sâm, bác của ông Tiền Vỉnh Kiện.

Thứ ba, môi trường giáo dục được hầu hết mọi người nhận định là yếu tố then chốt trong việc nuôi dưỡng, khơi dậy một tố chất, một thiên tư có mầm mống ưu việt.

Tiếc thay, hệ thống giáo dục của TQ hiện nay lại tồn tại quá nhiều hạn chế không dễ khắc phục. Thí dụ như đầu óc nặng khoa cử, trọng bằng cấp, từ chương … nhẹ về phat hiện, khơi dậy , nuôi dưỡng khích lệ óc sáng tạo của nhân tài.

Tục ngữ TQ xưa có câu đại ý là hạt giống gieo trồng ở phía nam sông Hoài thì ra trái quít , nếu trồng phía bắc sông Hoài thì có thể ra trái quất (không phải là quít). Thổ nhưỡng khác nhau sẽ cho ra quả với chất lượng rất khác nhau !

Tóm lại, người TQ đã biết thông qua một sự kiện riêng biệt để sáng suốt nhận định và thảo luận, hối thúc cái mới phải xuất hiện. Phải chăng đó chính là cái được kỳ vọng nhất của XH TQ hiện đại.

Phải chăng đó cũng là những trăn trở đối với người có tâm khi nhìn nhận thực trạng & hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam ?

Họ và tên: Lê Anh Dũng
Địa chỉ: Hà Nội
Email: Dunggiao61@yahoo.com

Hàng ngày bật tivi, đài, báo chỉ thấy đa phần là các thông tin Hoa hậu, bóng đá, giọng hát hay, nhà quản lý giỏi, nhà kinh doanh giỏi. Và những lời tung hô, tôn vinh cùng những khoản tiền thưởng khổng lồ ....

Mấy em học sinh đoạt giải Quốc tế mang danh cho đất nước, dân tộc thì ngậm ngùi, với những giải thưởng khiêm tốn và những thông tin ngắn ngủi. Với một tư duy, nếp nghĩ như vậy, thì thế hệ trẻ làm gì có khát vọng, đất nước và dân tộc bao giờ mới có người tài.


15/10/2008

http://www.tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/5047/index.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...