Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2008

Truyền thống cũng sẽ thay đổi…

Mời các bạn tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa Gs. Ts. Trần Văn Khê với Giai Điệu Xanh về nhữnng vấn đề liên quan đến di sản âm nhạc...

Với việc tạo cho di sản một đời sống xã hội, theo Gs. nước nào trên thế giới đã làm tốt công tác này?

Cho tới bây giờ, việc bảo vệ di sản có hiệu quả nhất là Nhật Bản. Chánh quyền tuy khuyến khích học nhạc phương Tây, nhưng cũng tôn trọng âm nhạc truyền thống, tặng cho các nghệ nhân danh hiệu “Quốc gia chi bảo” với một số quyền lợi vật chất, và sự kính nể của dân chúng. Các nghệ nhân cũng thiết tha với nghề nghiệp, không bị tự ti mặc cảm Rất nhiều nhà dân tộc nhạc học làm công việc sưu tầm ghi âm, nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nhật từ nhiều thế hệ qua. Theo tôi biết từ đầu thế kỷ XX, đã có Hisao Tanabe, tiếp tục thế hệ học trò của ông là Shigeo Kishibe, sau đó là thế hệ Fumio Koizumi, và sau nữa Osamu Yamaguti, Hiroshiko Tokumaru ..v.v... Quần chúng còn đi nghe biểu diễn nhạc koto (một loại đàn tranh), shakuhachi (ống tiêu) ... trong những phòng hòa nhạc; khán giả vẫn xem kabuki; ở đồng quê vẫn còn những buổi  biểu diễn nhạc múa dân gian. Tuy ít hơn xưa nhưng vẫn còn.

Đàn koto Nhật Bản là một ví dụ, họ sưu tầm ghi âm những bản nhạc của đàn koto trong quá khứ, tổ chức những lớp dạy đàn koto, tổ chức những buổi biểu diễn, khán giả đến nghe đồng thời được giảng giải, phát phiếu thăm dò ý kiến công chúng. Họ tạo điều kiện cho koto có cuộc sống trong xã hội ngày nay, bằng cách tuyên truyền giáo dục để quần chúng hiểu những nét đẹp của nó, thưởng thức nó và yêu nó. Nước Nhật là nước đã mở cửa rộng rãi để tiếp thu những thành tựu của âm nhạc phương Tây tới cùng, nhưng công tác bảo tồn âm nhạc cũng triệt để. Cho đến nay họ vẫn duy trì được cách đào tạo gagaku (nhã nhạc) theo phong cách như ngày xưa, từ ngón đàn cho đến cách đi đứng, sinh hoạt… nhưng mỗi nhạc công gagaku cũng được học các loại nhạc của phương Tây.

Những nhạc sĩ sáng tác cũng đều để tâm đến âm nhạc dân tộc của mình trong những sáng tác hiện đại của họ.

Giáo sư có thể nói về việc các nhạc sĩ sáng tác hiện đại Nhật Bản đã ứng dụng những di sản âm nhạc vào những sáng tác của họ?

Các nhạc sĩ sáng tác Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đều có những thành công trong việc tiếp thu di sản dân tộc, nhưng thành công nhất có thể kể đến Nhật Bản. Họ sáng tác những tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc, dùng nhạc cụ dân tộc trong những biên chế dàn nhạc mới, hoặc dùng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc trong những sáng tác mới. Nhạc sĩ Toru Takemitsu là một ví dụ, ông đã dùng đàn shamisen, sáo shakuhachi, nhứt là đàn biwa (tỳ bà) theo phong cách heike, biwa phụ họa thêm tiếng hát kể chuyện anh hùng ca … Những nhạc cụ này ngày xưa có một cách đánh khác, ông đem vào những tác phẩm mới của mình với cách đánh cơ bản là giữ cái cũ nhưng với tư tưởng, cú pháp, mạnh/nhẹ, chậm/nhanh… được làm mới. Nghe thì mới nhưng âm hưởng vẫn là của dân tộc. Toru Takemitsu thấm nhuần âm nhạc dân tộc Nhật, tinh thông âm nhạc phương Tây, nhưng ông không để nhạc phương Tây lấn át, thay thế nhạc dân tộc mà bổ sung cho nhạc dân tộc những kỹ thuật, những phương tiện thể hiện mới. Ông chẳng những được trong nước hoan nghênh mà thế giới cũng nể phục.

Một người khác là Irilo, ông đã dùng hình thức, phong cách kịch Noh để sáng tác những điệu nhạc mới làm kịch Noh có một hơi thở mới, sáng tác nổi tiếng của ông là vở kịch Noh Tambour de soie (Trống lụa)…

Với Việt Nam, theo Gs., ngoài việc rút kinh nghiệm từ công tác bảo tồn, phát triển di sản của các nước, chúng ta còn cần lưu ý thêm những gì?

Việt Nam có học tập, đưa ra đường lối đúng, nhưng thi hành đường lối thì chưa đúng. Ví dụ: đường lối “dân tộc, khoa học, đại chúng” là rất hay nhưng dân tộc là gì thì chưa định nghĩa được…

Mỗi nước có một hoàn cảnh khác nhau, Nhật Bản theo phương Tây là do họ chủ định như thế, khác với chúng ta trong nhiều giai đoạn lịch sử bị ngoại bang đô hộ không được làm chủ văn hóa của mình. Đất nước chúng ta trải qua nhiều chiến tranh và sức lực toàn dân tộc tập trung vào các cuộc chiến giành độc lập, vì vậy văn hóa ít có điều kiện được xây dựng. Từ đặc điểm về chính trị - xã hội - kinh tế mà chúng ta mang nặng tâm lý tự ti mặc cảm, nghĩ rằng cái gì mình cũng thua nước ngoài. Lại cũng có một số nghệ nhân tự tôn thái quá, nghĩ rằng cái gì mình cũng hay không thèm học hỏi nghiên cứu những tinh hoa của thế giới.

Theo Gs., với những di sản âm nhạc của cha ông, ngoài công tác bảo tồn, chúng ta có cần tiếp tục phát triển để nó phù hợp với cuộc sống trong từng giai đọan lịch sử nhất định?

Truyền thống cũng sẽ thay đổi, không có truyền thống nào bất di bất dịch, nhưng sự thay đổi là từ bên trong đi ra chứ không phải vay mượn bên ngoài và áp đặt vào. Vay mượn bên ngoài và áp đặt sẽ chịu một nguyên tắc chung là phù hợp hay không phù hợp. Nếu phù hợp nó sẽ đơm hoa kết trái, không phù hợp thì nó sẽ bị đào thải. Nếu nó không bị đào thải thì nó sẽ giết chết bản sắc dân tộc mình. Nó sẽ không phải là sự bổ sung mà làm biến chất, không phải làm giàu mà là thay thế. Đối với những di sản cũng cần tiếp tục với những phong cách mới, nhưng phong cách mới đó phải từ bên trong mà ra. Chẳng hạn từ bài Dạ cổ hoài lang của nghệ nhân Sáu Lầu, nhờ sự sáng tạo không ngừng, nhưng là sự sáng tạo theo phong cách tài tử cải lương Nam bộ nên nó mới trở thành bản Vọng cổ phong phú như ngày nay. Nó mang những dấu ấn của thời đại mới nhưng không phá nát cái cũ.

Vậy với các nước trên thế giới có nước nào mà di sản mà âm nhạc của họ ngày nay vẫn còn là món ăn tinh thần của công chúng xã hội hiện đại?

Theo tôi biết hiện nay có hai nước mà công chúng thời hiện đại còn thưởng thức những di sản của họ như một món ăn tinh thần phổ biến, đó là Ấn Độ và Ba Tư. Ở Ấn Độ, những buổi biểu diễn nhạc truyền thống có đến 3.000 người đến xem trong lúc tôi đã chứng kiến những nhóm quatuor (tứ tấu), trio (tam tấu) của Đức rất hay đến biểu diễn, phát giấy mời rất nhiều cũng không đến 100 người đi nghe… Các trường âm nhạc ở Ấn Độ rất ít học sinh học nhạc Tây phương mà chủ yếu là học nhạc dân tộc.

Với Ba Tư thì nhạc Tây phương chỉ có ở thành thị, còn nông thôn thì phổ biến là nhạc dân tộc. Cũng có những cuộc “thành thị hóa nông thôn” trong âm nhạc nhưng không thành công. Tuy rằng  có những sự thay thế, như đờn kemantche được thay thế bằng đờn violon nhưng là violon đờn theo phong cách Ba Tư...

Xin cảm ơn Gs.

·         Hữu Trịnh thực hiện

Ngày 9.1.2006

http://giaidieuxanh.com.vn/bantronamnhac/2006/01/530529/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...