Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

“Tôi về quê hương như chim về tổ...” - GS Trần Văn Khê

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động ở nước ngoài, ông trở về với Tổ quốc. Ông bảo, đó là quy luật tự nhiên của một người “thân cư tại ngoại” mà “tâm tại cố hương”...

. Với cái danh ''Sứ giả của âm nhạc dân tộc'', giáo sư được thấy Việt Nam đứng ở vị trí nào trên bản đồ âm nhạc thế giới?

- GS. Trần Văn Khê: Trước đây thì yếu... ghê gớm. Trong một cuốn bách khoa từ điển do Konpsp, một người Bỉ, biên soạn, âm nhạc truyền thống Việt Nam không được đánh giá đúng mức. Thậm chí, một số loại nhạc cụ còn bị dịch sai nghiêm trọng. Đơn cử như ''trống quân", họ dịch là "đối chọi", rồi ''đàn tỳ bà" thành đàn tỳ vào bà"... Hay nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống trên thế giới còn tin rằng, âm nhạc Việt Nam là một phần của Trung Quốc...

Năm 1960, một cuốn từ điển âm nhạc thế giới được biên soạn. Lúc ấy tôi vừa sáng lập Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương nên người chủ biên có cho tôi xem bản thảo. Tôi rất "tủi thân". Trong cuốn từ điển đó, Trung Quốc có 24 trang, Ấn Độ cũng 24 trang, Nhật Bản có 20 trang, hay một nhạc sĩ phương Tây lên tới mấy chục trang. Vậy mà, chẳng có dòng nào nhắc tới âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi cự: “Đây thực chất là lịch sử nhạc cổ điển phương Tây chứ đâu phải thế giới!”. Người chủ biên bảo: “Thế ông có bằng lòng viết lịch tâm nhạc Việt Nam không?". Tôi bằng lòng. Tuy nhiên, số lượng trang đã được ấn định, nên Hội đồng Biên soạn phải cắt xén bớt các nước khác, để cho Việt Nam được 9 trang. Tôi đã viết lịch sử âm nhạc Việt Nam trên 9 trang đó.

. Việc ''Không gian văn hóa cồng chiêng'' được UNESCO công nhận ''Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại'' là niềm tự hào của chúng ta. Thế nhưng, phải chăng, đó cũng là một nỗi lo? Bởi lẽ, thường thì những thứ sắp mất đi mới được người ta ''vội vàng'' trân trọng và tìm cách gìn giữ, thưa giáo sư!

- Cách đây chưa lâu, tôi đã viết bài ''Căn bệnh mãn tính của âm nhạc dân tộc Việt Nam". Bài viết đó khá dài, tôi chỉ tóm tắt lại thế này. Đứa nhỏ giờ sinh ra đã không còn tiếng hát ru của người mẹ. Lớn lên không còn được nghe nhạc dân tộc, không được đối ca nam-nữ... Trên đài, âm nhạc dân tộc "bị" phát thật khuya hoặc thật sớm. Học đàn cò thì bị coi thường. Học đàn violon thì được coi là sang trọng. Cồng chiêng bị đánh theo kiểu đô, rê, mi hoặc bán phế liệu. Người ta lại còn nói nâng cao âm nhạc dân tộc. Ai đánh giá âm nhạc dân tộc thấp mà phải nâng cao?

Cái lỗi đó không hoàn toàn thuộc về thanh niên Việt Nam. Chúng ta không may bị thuộc địa mấy chục năm, bị văn hóa phương Tây tràn vào... Nhiều người mặc cảm đã bắt chước người phương Tây.

. Theo giáo sư, chúng ta phải làm gì?

Muốn trị ''căn bệnh" này phải trị từ căn chứ không phải từ chứng. Phải có chính sách rõ ràng ủng hộ âm nhạc dân tộc. Trước kia, chúng ta chưa có một hình thức hay chương trình nào để bảo tồn âm nhạc dân tộc. Vài năm trở lại đây, Nhà nước đã bắt đầu quan tâm đến việc bảo tồn nguồn tư liệu quý này. Việt Nam cần có định hướng để bảo tồn và tôn vinh âm nhạc dân tộc bằng cách thuyết phục, giảng dạy về âm nhạc dân tộc tại các trường học hay qua các phương tiện thông tin đại chúng...

Vậy còn những thành quả sau mấy chục năm dạy âm nhạc truyền thống của giáo sư?

Nhưng đáng buồn, đó hầu hết là sinh viên nước ngoài. Trong số 400 sinh viên tôi dạy ở Đại học Sorbonne thì 200 người mê và tìm mua đĩa ca trù. Thậm chí, có một sinh viên nữ còn định làm luận án cao học về ca trù. Tôi ngăn cô ấy, người Việt Nam còn chưa làm được nữa là... Vậy mà, cô ấy vẫn quyết làm. Cô ấy đã sang Việt Nam 2 tháng, xuống tận Lỗ Khê nghe bà Mùi hát. Lúc trả bài bằng bản ''Hồng Hồng, Tuyết Tuyết'', nghệ nhân đánh trống khen cô ấy tới 16 lần. Khi trở về Pháp, cô ấy hát lại cho tôi nghe. Tôi vừa nghe vừa chảy nước mắt, không hết nổi bài. Cô ấy cũng khóc và nói bằng tiếng Việt rất sỏi: “Thầy ơi, cho con làm đứa con tinh thần của thầy!''.

. Thưa giáo sư, như thế có phải là một nghịch lý? Người nước mình thì là không mê âm nhạc dân tộc trong khi người nước ngoài lại quyết chí theo học thứ mình ''bỏ quên''?

- Đó là do nhận thức! Nhiều người đã không nhìn nhận đúng về giá trị âm nhạc của chính nơi mình sinh ra. Nhạc phương Tây có các thang âm bình quân. Trong khi đó, thang âm của Việt Nam, Trung Quốc khác, Ấn Độ khác... Á Châu có không biết bao nhiêu cách dựng thang âm. Đó là điều khiến người phương Tây rất kính trọng. Tôi đơn cử như ca trù. Tiếng phách trong ca trù chia thời gian đều và không đều, có tiết tấu một âm một dương. Cách hát của ca trù rất đặc biệt. Phải ém hơi, hát không được cần mở lớn, nhưng vẫn phải tròn vành rõ tiếng. Khi trống đánh "tom, chát'' ''song châu", tức hai giọt lệ. Đánh liên tục là ''liên châu". Giảng cho ''người Tây” như thế, họ hiểu và yêu ca trù ngay. Còn người Việt thì... Về với cố hương, phải chăng là để có thể “làm'' nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc, thưa giáo sư?

Tôi về cố hương như chim về tổ, nhạc gặp nước. Tôi thật không ngờ, cả những người lao động nghèo khổ cũng biết đến tôi. Có lần, một anh xích lô hỏi tôi: “Giáo sư Trần Văn Khê phải không?''. Hơi ngỡ ngàng, tôi trả lời: ''Vâng". Anh ta tiếp: "Âm nhạc dân tộc Việt Nam!''. Tôi cảm động muốn khóc.

Chỗ ở của tôi tại Việt Nam cũng là nơi tôi tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy, gặp gỡ các bạn bè trong việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống. Đó cũng là nơi tàng trữ tư liệu tôi thu thập từ mấy chục năm nay...

. Giáo sư đã tìm được người để truyền ''y bát''?

- Người muốn nghiên cứu âm nhạc truyền thống ngoài vốn Hán học còn phải có thêm tiếng ngoại quốc. Như thế, ra thế giới, nói về âm nhạc truyền thống nước mình, người ta mới hiểu được. Năm 1979, tôi đã nói với anh Tố Hữu cho một người đi theo để tham dự các hội nghị quốc tế vài năm. Còn bây giờ, tôi đang đề nghị anh Tô Ngọc Thanh thay thế. Con trai tôi là Trần Quang Hải cũng khá vững các hơi, điệu nhưng chưa sâu.

. Giáo sư còn điều gì chưa làm được?

Người ta trách tôi, ông Khê là người miền Nam sao không đề cử âm nhạc của miền Nam. Thú thực, âm nhạc truyền thống của miền Nam nổi trội nhất là đờn ca tài tử. Tuy nhiên, loại hình âm nhạc này chưa có bề dày lịch sử (mới xuất hiện ở thế kỷ 19) và không có chiều sâu như ca trù. Tôi là người miền Nam, nhưng không thế vì thể mà nhắm mất...

. Cảm ơn giáo sư về cuộc phỏng vấn!

Theo Tiếp thị Xuân 2006

http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/141073.asp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...