Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Hãy thừa nhận đi, bạn ghét nghệ thuật đương đại!


Nghệ thuật đương đại  ở đây được hiểu là loại hình nghệ thuật cách tân với những điểm kỳ dị, không tuân theo chuẩn mực thông thường. Từ lâu loại hình nghệ thuật này đã trở thành “mốt” trên thế giới và bây giờ là Việt Nam. Những bức tranh trừu tượng, nghệ thuật sắp đặt, rồi cả loại âm nhạc không theo một thang âm nào cả. Rất nhiều người tò mò nhưng không ai biết bao nhiêu người trong số đó thực sự hiểu hoặc thực sự thích. Nhà bình luận Spengler cho rằng ngay cả ở phương Tây, sự đam mê với kiểu nghệ thuật này cũng là một thứ “giả đò” màu mè.
Bạn quả quyết: “Tôi không biết nhiều về nghệ thuật. Nhưng tôi biết cái tôi thích”. Thực tế là bạn không biết. Bạn bị cuốn vào một sự ham thích giả điệu về cái được gọi là nghệ thuật mà trên thực tế đã làm bạn sởn da gà, và bạn đã sợ phải thừa nhận nó vì lo rằng bạn sẽ trở nên ngốc nghếch. Điều này đã diễn ra quá lâu đến nỗi bạn quên mất gu của chính bạn.

Bạn không đơn độc. Các bảo tàng đầy những khách viếng thăm ngắm nhìn các tác phẩm mà họ âm thầm ghét, và giá được trả cho các tác phẩm của nghệ thuật đương đại không ngừng tăng lên. Một trong những bức tranh kiểu nhỏ giọt của Jackson Pollock được bán năm ngoái với giá 140 triệu USD, một kết quả đáng kể cho một người say chưa bao giờ học vẽ và chỉ biết rắc màu vẽ lung tung trên toan.

Còn đối với người được coi là cha đẻ của thứ nghệ thuật trừu tượng, Wassily Kandinsky (1866-1944), tranh của ông được bán với giá cao nhất là 40 triệu USD. Kandinsky là bạn và người hợp tác với cha đẻ của nhạc trừu tượng, Arnold Schoenberg (1874-1951). Cả đôi được thế giới nhìn nhận là những người sáng tạo ra chủ nghĩa hiện đại.

Điều khác biệt nhất giữa hai cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại này là: giá một tác phẩm khiêm tốn nhất của Kandinsky cũng lớn hơn số tiền mà hoàng gia trả cho buổi biểu diễn nhạc của Schoenberg. Dù chương trình biểu diễn đó là không phải bắt buộc đi nữa, các nhạc công luôn luôn chơi nhạc Schoenberg vào giữa buổi và không bao giờ vào cuối buổi, vì khán giả sẽ bỏ về khi nghe một thứ hỗn độn chói tai. Schoenberg chết trong nghèo đói năm 1951, vợ và ba con của ông hầu như chỉ sống lay lắt với tiền bản quyền từ những bản nhạc của ông. Gia đình ông vẫn nghèo trong khi con cháu của những họa sĩ hiện đại nổi tiếng lại rất giàu có.

Nghệ thuật đương đại mang tính tư tưởng và chính những người sáng tạo ra nó cũng thừa nhận điều này. Chính những nhà tư tưởng, mà chủ yếu là những nhà phê bình, đã tạo danh tiếng cho trường phái ấn tượng trừu tượng, nổi tiếng nhất chính là sự ủng hộ mà Clement Greenberg dành cho Jackson Pollock qua bài viết trên tờ The Partisan Review. Ông này cho rằng nghệ thuật đó không làm hài lòng người thưởng thức từ cái nhìn đầu tiên mà thách thức người thưởng thức phải nghĩ hoặc cân nhắc.

Nhưng tại sao những người hâm mộ nghệ thuật đương đại chỉ hạnh phúc khi tiếp thu những bức thông điệp mang tính tư tưởng của chủ nghĩa hiện đại khi dạo quanh các phòng triển lãm tranh, nhưng lại miễn cưỡng phải nghe bức thông điệp tương tự ở các phòng hòa nhạc?

Khi bạn nhìn một bức tranh trừu tượng, bạn có thể kiểm soát được thời gian. Bạn có thể thưởng thức lâu hoặc chóng, tặc lưỡi và cố gắng nói điều gì đó ra vẻ hiểu biết, và nếu bạn tự phụ một chút thì có thể trích dẫn một số câu nào đó về những nghệ sĩ này mà bạn đã đọc được trên mạng trước khi đến phòng triển lãm. Khi bạn nghe thứ âm nhạc không theo nhịp điệu, ví dụ như Schoenberg, bạn bị dính chặt vào cái ghế của bạn trong vòng 15 phút với cảm giác giống như ngồi hàng giờ trong chiếc ghế của nha sĩ. Bạn không thể chạy trốn. Bạn không chiêm ngưỡng sự trừu tượng từ một khoảng cách mà bạn thực sự sống trong đó.

Đó là lý do tại sao một số họa sĩ hiện đại kiếm được bộn tiền nhưng không một nhạc sĩ trừu tượng nào có thể kiếm sống từ âm nhạc của mình. Chỉ có nhạc sĩ thành Viên Alban Berg (1885-1935) có bản opera Wozeck trở nên một hiện tượng ở Châu Âu năm 1925, một thứ âm nhạc pha trộn giữa phong cách trừu tượng của Schoenberg với chủ nghĩa lãng mạn thông thường. Tiểu sử của ông nói rằng vở opera mang lại cho ông “một cuộc sống thoải mái”.

Sau nhiều thập kỷ ủng hộ một cách từ thiện cho âm nhạc trừu tượng (âm nhạc không theo nhịp điệu), các dàn nhạc giao hưởng đã từ bỏ việc tra tấn những thính giả bất đắc dĩ, và thay vào đó là tìm mua nhưng tác phẩm từ các nhà soạn nhạc có phong cách sáng tác dễ tiếp cận hơn. Theo một bản báo cáo trên tờ Wall Street Journal, việc trở lại với âm nhạc nhịp điệu truyền thống “diễn ra khi các dàn nhạc lớn phải đối mặt với tình trạng người nghe giảm. Số lượng người đến nghe các dàn nhạc giao hưởng trên khắp nước Mỹ đã giảm 13% xuống còn 27,7 triệu trong mùa 2003-2004 so với mùa 1999-2000, theo Liên đoàn nhạc giao hưởng Mỹ”.

Bức thông điệp về tư tưởng vẫn như vậy, nhưng các phòng tranh thì kín người, trong khi những phòng hòa nhạc thì vắng vẻ. Đó là bởi vì bạn có thể giữ một khoảng cách an toàn khi các bức tranh được treo trên tường, nhưng bạn không thể trốn khỏi nó khi nó chui vào tai bạn. Nói một cách khác, sự chán ngán bản năng của bạn đối với thứ âm nhạc trừu tượng phản ánh thực chất sự cảm nhận thông thường của bạn đối với nghệ thuật trừu tượng. Và rất đơn giản là bạn có thể kiềm chế những cảm nhận này tại các phòng tranh.

Tất nhiên cũng có những người thực sự ngưỡng mộ nghệ thuật trừu tượng. Nhà sưu tập nổi tiếng Charles Saatchi, người sở hữu một công ty quảng cáo, là một trong những ví dụ hiếm hoi về sự ngưỡng mộ đối với thứ nghệ thuật này. Khi Damien Hirst tổ chức buổi triển lãm đầu tiên của mình tại London Docklands, báo viết: “Saatchi đã đến buổi triển lãm trong chiếc Rolls-Royce màu xanh và đứng há mồm kinh ngạc trước tác phẩm sắp đặt “động vật” đầu tiên của Hirst, tác phẩm Một nghìn năm là một cái cốc thủy tinh lớn chứa những con giòi và ruồi đang ăn một cái đầu bò đã bị thối rữa”. Cũng ông này đã mua tác phẩm đó.

Nhưng bạn không phải là người như vậy. Bạn chỉ giả vờ thích nghệ thuật đương đại bởi vì bạn muốn tỏ ra là mình sáng tạo. Nhưng trên thực tế, bạn không sáng tạo. Trong lịch sử nhân loại, chỉ có vài trăm người thực sự được coi là sáng tạo.

Trong suốt lịch sử của nghệ thuật và khoa học, bao nhiêu người được coi là không thể thiếu được, và lịch sử đã không như vậy nếu thiếu những đóng góp của họ. Có thể tranh luận rất nhiều điều xung quanh vấn đề này nhưng những cái tên được nêu ra là không nhiều. Châu Âu không tiến mấy khỏi định luật của Acsimet cho đến khi Isaac Newton và Gttfiried Leibniz sáng tạo ra toán học. Sau Kepler chỉ có Newton, và sau Newton chỉ có Albert Einstein thay đổi cơ bản quan điểm của chúng ta về sự vận động của các hành tinh.

Vậy có bao nhiêu nhà soạn nhạc đã tạo ra nền nhạc cổ điển phương Tây? Trong số hàng trăm nhà soạn nhạc được biểu diễn trên sân khấu hoặc tại nhà thờ ở thời Johann Sebastian Bach, ngày nay chúng ta chỉ còn nghe 1 số rất ít các tác phẩm của họ. Những nhạc sĩ của thế kỷ thứ 18 không phấn đấu để đạt tới thiên tài, mà chỉ mong muốn đạt tới một kỹ năng bền vững.

Để thỏa mãn tham vọng sáng tạo của các nghệ sĩ, thế kỷ 20 đã biến phát minh của thế giới nghệ sĩ thành một kiểu kinh doanh sản xuất hàng loạt. Thay vì những kỹ năng khiêm tốn của thời Bach, thế giới nghệ sĩ ngày nay chia nghệ thuật của mình thành các phong trào. Để được nhìn nhận đến trong thế kỷ 20, các nghệ sĩ phải sáng tạo ra phong cách riêng và ngôn ngữ riêng của mình. Các nhà phê bình coi thường những nghệ sĩ chỉ đơn giản là tái sản xuất các sản phẩm đã được định hình trong quá khứ, và ca ngợi những người sáng lập ra các trường phái: Ấn tượng, Lập thể, Nguyên sơ, Biểu hiện, Trừu tượng,… và rất nhiều thứ khác nữa.

Nếu không được thế kỷ giàu có này đỡ đầu, nghệ thuật đương đại đã không có cơ hội thành công. Hàng ngày, chúng ta đều đọc thấy tin về những bức tranh được bán ra với mức giá kỷ lục mới, như bức tranh của Jackson Pollock được bán cho gã khổng lồ về truyền thông David Geffen với giá 140 triệu USD. Những người rất giầu có thích thể hiện rằng họ là những thiên tài, và rằng kỹ năng hay sự may mắn của họ trong việc quảng bá âm nhạc có thể biến họ thành những trọng tài về gu thẩm mỹ. Những doanh nhân thành công thường rất thông minh, nhưng họ có xu hướng là những nhà bác học ngu ngốc với cái nhìn sắc bén về ngành công nghiệp tạo ra của cải nhưng lại không có ý niệm gì về những vấn đề nằm ngoài chuyên môn của họ. Bởi vì thế giới đua nhau ca tụng sự giàu có, những người giàu lại càng có xu hướng nghĩ rằng họ là những vị chúa nhỏ và dễ nhạy cảm hơn với niềm đam mê sáng tạo trong nghệ thuật.

Một thế hệ những nhà phê bình mới lại mọc ra phục vụ cho những niềm đam mê ngu ngốc này. Tại sao người ta đến bảo tàng để xem bức vẽ lung tung của Pollock mà lại không bao giờ nghe tác phẩm âm nhạc 12 quãng của Schoenberg? Nhạc trưởng Thomas Beecham đã từng có câu nói nổi tiếng rằng họ không thích nhạc đó, nhưng họ thích nghe cái cách mà nó vang lên. Trong trường hợp của Pollock, mọi người không thích tác phẩm của ông ta và cũng không thích cách mà nó được vẽ; cái mà mọi người thích là ý tưởng rằng họa sĩ với sự kiêu căng của mình có thể định hình lại thế giới theo cách riêng của ông ta.

Thomas Mann trong cuối tiểu thuyết Doktor Faustus kể câu chuyện về một nhà soạn nhạc dựa trên cuộc đời của Schoenberg. Nhân vật chính của Mann không thể sáng tạo, trong sự giận dữ muốn trả thù của mình, ông ta đã tìm cách “phá hỏng” các tác phẩm của Ludwig van Beethoven, bằng cách viết những bản đả kích không theo nhạc điệu về những tác phẩm của Beethoven với hy vọng sẽ phá hủy khả năng thưởng thức bản gốc của người nghe.

Bằng cách áp đặt lên chúng ta những thứ xấu xí, các nghệ sĩ đương đại tin rằng họ sẽ xóa bỏ được khả năng thưởng thức cái đẹp của chúng ta. Tôi nghĩ, đó chính là lý do họ đặt xác động vật chết vào những cái bình thủy tinh lớn hoặc những thùng phoóc-môn và gọi đó là nghệ thuật.

Bảo Bình (VieTimes) lược dịch

Thứ ba, 23/10/2007

http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/3850/index.viet

Phản hồi của độc giả: Vinh

Rất tiếc là bài viết chưa đề cập đến "nghệ thuật đương đại" ở VIệt Nam. Tôi tin chắc rằng cũng có rất nhiều người ghét thứ nghệ thuật thiếu sự sáng tạo và hổ lốn này. Từ những bức tranh bôi quệt lem nhem, những bài hát vô nghĩa với thứ nhạc tạp nham chẳng giống cái gì liên tục ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng đến những triển lãm sắp đặt màu mè và rỗng tuếch... Tất cả gây nên sự phản cảm và đầu độc dần dần một lớp người trẻ. Bản thân tôi cũng là một người trẻ nhưng tôi ghét cay ghét đắng thứ nghệ thuật đang được cho là mốt, là thời thượng này. Tại sao lại có thứ nghệ thuật phi nghệ thuật đến thế? Những con người VIệt Nam đang nghĩ gì khi cổ vũ cho thứ canh thập cẩm tạp nham này phát triển, mặc dù có lẽ họ chẳng hiểu thế quái nào là nghệ thuật cả. Đó chỉ là thói ăn theo và bắt chước đáng xấu hổ. Hi vọng trong một bài viết sau tác giả sẽ đề cập đến vấn đề "nghệ thuật đương đại" của người Việt. Xin cảm ơn.


9 nhận xét:

  1. nực cười tác giả bài viết hay nực cười những kẻ không biết thưởng thức nghệ thuật?

    Trả lờiXóa
  2. câu này khó trả lời quá. những kẻ không biết gì mà tán thưởng nghệ thuật đương đại thì nực cười là đương nhiên. nhưng tác giả bài viết cũng nực cười không kém, đang "đương đại" lại thành "ấn tượng, trừu tượng"... loạn cào cào.
    nếu bạn chưa thỏa mãn với câu trả lời của tôi thì bạn hãy add YM: bithuchibo

    Trả lờiXóa
  3. Thưa chú,

    Cháu là 1 kẻ ngoại đạo, không biết thưởng thức nghệ thuật nên thấy bài báo này lạ lạ nên post lên. Chú là người trong giới nghệ thuật thì sẽ có cách nhìn, cách nghĩ khác và thấy những sai sót của bài viết. Đây chỉ là 1 bài dịch, lỗi có thể do người dịch, có thể do biên tập, cũng có thể do tác giả...

    Nghệ thuật đương đại, văn học đương đại, ... khó thưởng thức vì nghệ sĩ thỏa mãn sự sáng tạo của chính mình và đi trước khán giả... bởi vậy ai đúng ai sai còn phải đợi sự thẩm định của thời gian

    Trả lờiXóa
  4. - vấn đề nằm ở chữ "đương đại", mọi người dễ hiểu thành "bây giờ". "nghệ thuật đương đại" là tên một dòng nghệ thuật mà đóng góp của nó là không thể chối cãi, bạn có thể search google để tìm hiểu.
    - nghệ thuật đương đại khá khó hiểu đối với nhiều người (kể cả tôi) nên nó dễ bị lạm dụng bởi những nghệ sỹ lười biếng, nhưng không thể mang vài tác phẩm ra để đánh giá về một trào lưu.
    - tác giả không am hiểu tranh trừu tượng đã đành, nhưng lại gom "trừu tượng" vào trong "nghệ thuật đương đại" thì có thể khẳng định rằng tác giả không hề biết gì về hội họa. lại còn lôi Wassily Kandinsky ra để chế nhạo thì tôi thật sự sửng sốt.
    - không có bất cứ ngành nghệ thuật nào lại chạy theo khán giả, nghệ sỹ luôn cố gắng để đi trước là lẽ dĩ nhiên. khán giả không tự bỗi dưỡng kiến thức của mình thì không phải lỗi của nghệ sỹ (đặc biệt ở vấn đề trừu tượng từ thế kỷ 19)
    - không cần thêm thời gian để thẩm định nữa đâu bạn. các nước tiên tiến đã đưa nghệ thuật đương đại vào giáo trình đại học chính thức từ vài chục năm nay. các đoàn nghệ thuật đương đại nước ngoài sang VN biểu diễn cũng được hoan nghênh nhiệt liệt đấy thôi, lên cả VTV nữa. VN cũng đã có Trung tâm nghệ thuật đương đại nằm ở đường La Thành, mặc dù hoạt động của nó chán phèo.

    đôi lời ba hoa.
    thân mến.

    Trả lờiXóa
  5. Em đã đọc bài viết này. Và thực sự lấy làm không thích. Không thích ngay từ cái title bởi nó quá áp đặt.

    Trả lờiXóa
  6. Chào bạn NgocHan, tôi xin phép viết vài dòng nhé .

    Tôi không chắc lắm, nhưng có thể bản này có những lỗi về dịch thuật .
    Riêng tôi thấy thích cách đặt vấn đề này, nó không mới nhưng nó nhắc nhở ta về một góc nhình, có thể là khác ta nhưng rất đáng để suy nghĩ .
    Cảm ơn vì đã được đọc ! (chủ nhà có thể cho biết năm ra đời của bài viết không ?)

    Riêng tôi khi đứng trước tranh của Jackson Pollock thì chỉ có thể nói rằng : bị chết lăn quay ngay lúc đó cũng thấy hạnh phúc . "một người say chưa bao giờ học vẽ và chỉ biết rắc màu vẽ lung tung trên toan" , 140 triệu là còn quá rẻ .
    Còn nữa, ai mà chẳng có thể bị chế nhao, ông Dũng sửng sốt làm gì . Haha .

    Trả lờiXóa
  7. Tác giả bài viết không muốn hiểu nghệ thuật nhưng hình như lại băn khoăn hơi nhiều về chuyện tiền .

    Còn câu chuyện có người không hiểu mà vẫn giả bộ thích thú thì thời nào chẳng có, cứ gì "đương đại" .

    " một người say chưa bao giờ học vẽ và chỉ biết rắc màu vẽ lung tung trên toan ", 140 triệu là còn quá rẻ . Phần lớn người say chỉ biết chửi bậy, đánh nhau và . . . ÓI .

    Trả lờiXóa
  8. tác giả có lẽ là người ghét nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại
    1 người không cảm thụ được cái đẹp và hô hoán mọi người bước vào phe của mình
    những tác phẩm văn học hậu hiện đại ẩn chứa biết bao vẻ đẹp lạ kỳ.
    những nghệ sĩ đương đại phương Tây chinh phục biết bao trái tim khán giả qua hành động, âm nhạc ...

    Giá như tác giả đọc những bài phản hồi ở trên thì hay biết mấy :)

    Trả lờiXóa

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...