Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Nghèo + Văn hóa vùng miền = Liều mạng lấy chồng... Hàn Quốc ?

Trích bài phỏng vấn trong loạt phóng sự "Những cô dâu không thể… chạy trốn" về những cô gái lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan,...

GS VS Trần Ngọc Thêm nói về văn hóa phương Nam

Ông cho biết: "Trước hết, tôi phải khẳng định ngay rằng đúng là miền Tây Nam Bộ có điều kiện thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi nhất nước, nhưng để từ đó suy ra rằng cuộc sống của người dân ở đây sung sướng nhất nước thì điều đó đã trở thành quá khứ. Đó là thời của văn hóa Nông nghiệp. Còn hiện nay, thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những ưu đãi của thiên nhiên không phải là tất cả.
[.............]

Cũng phải nói thẳng rằng, trình độ dân trí của người dân nơi đây còn thấp. Lý do đơn giản là trước kia họ luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại nên không thấy cần học hành cao, không cần đỗ đạt cao. Ở đây, những gia đình có con học lên đến cấp 3 (phổ thông trung học) là đã hài lòng lắm rồi. Số chịu khó vươn lên học tới đại học hoặc cao hơn thì rất ít. Trình độ dân trí thấp, cuộc sống quen đơn giản, nên việc họ suy nghĩ đơn giản, ít đắn đo cân nhắc trước sau là chuyện dễ hiểu.

Trong khi đó, con cái đều có phẩm chất của văn hoá truyền thống Việt Nam là yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ. Thấy ba má nghèo, muốn giúp đỡ. Nhiều cô gái chọn cách lấy chồng ngoại để có tiền giúp bố mẹ, để bố mẹ mở mày mở mặt với chòm xóm. Ý định, mong muốn này của các cô gái khi thể hiện ra lại được bố mẹ chấp thuận dễ dàng. Bố mẹ và con cái gặp nhau ở cùng một kiểu suy nghĩ. Nhiều người như thế, nhiều gia đình như thế tạo nên một bối cảnh văn hoá hoàn toàn khác hẳn với miền Bắc và miền Trung, nơi mà con người bị bị tác động rất nhiều bởi dư luận xã hội, mà dư luận xã hội thì rất chặt chẽ, khắt khe.

[....................]

Tóm lại, nghèo, trình độ văn hóa thấp cùng bối cảnh văn hóa vùng là những nguyên nhân sâu xa khiến cho con gái miền Tây lấy chồng ngoại qua các công ty môi giới hôn nhân nhiều đến vậy, nhiều nhất cả nước."

Phóng viên (PV): Như vậy, người miền Tây, đặc biệt là phụ nữ quan niệm như thế nào về tình yêu, hôn nhân và gia đình ạ?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (TNT): Như đã nói, người miền Tây Nam Bộ thường quan niệm, nhìn nhận mọi vấn đề khá đơn giản. Tâm lý này bắt nguồn từ việc thời xưa họ được thiên nhiên rất ưu đãi. Phụ nữ miền Tây quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình có khác so với phụ nữ miền Bắc và miền Trung. Ở miền Bắc và miền Trung, vai trò của người phụ nữ trong gia đình tương đối lớn, tương đối bình đẳng hơn trong quan hệ với nam giới. Nếu người chồng lo việc xã hội, việc nước thì người vợ là nội tướng trong gia đình, một tay quán xuyến tất cả mọi việc tề gia nội trợ. Họ luôn có ý thức chăm lo, vun vén cho gia đình, từ việc cắt đặt việc nhà đến việc nuôi dạy, giáo dục con cái… Đồng thời, họ cũng đòi hỏi khá nhiều phẩm chất ở người chồng như tu chí làm ăn, công danh sự nghiệp sáng láng… Phụ nữ miền Tây thì dễ dãi hơn. Họ rất chiều chuộng chồng, dễ dàng chấp nhận chuyện chồng nhậu nhẹt, say xỉn, thậm chí đánh đập mình. Trong khi đó, họ cũng ít lo vun vén cho gia đình như phụ nữ miền Trung, miền Bắc. Chồng mang bao nhiêu tiền về là xài hết bấy nhiêu, trưng diện cho bản thân trong khi nhà cửa có thể vẫn dột nát. Đối với con cái, cách giáo dục của họ cũng dễ dãi hơn rất nhiều. Con cái muốn học đến đâu thì học, không định hướng, không ép buộc…

PV: Tâm lý này, quan niệm này liệu có thể lý giải thêm một thực tế cũng rất nhức nhối ở nhiều tỉnh miền Tây là bên cạnh hiện tượng con gái lấy chồng ngoại nhiều, còn có hiện tượng không ít người vào thành phố làm gái mại dâm, thưa giáo sư?

TNT: Đúng là từ tâm lý dễ dãi ấy đã sinh ra một quan niệm dễ dãi là cứ nghề gì kiếm ra tiền, có lợi thì làm. Tuy vậy, chỉ một lý do đó thôi thì chưa đủ. Lý giải thực tế này còn phải nói đến quan niệm về vấn đề trinh tiết của người phụ nữ.

Khái niệm trinh tiết chỉ hình thành khi chế độ sở hữu xuất hiện. Trong xã hội phụ quyền, người đàn ông coi vợ là một vật sở hữu – giống như tài sản – của mình, vì vậy trinh tiết được chọn làm một dấu hiệu của sự sở hữu đó. Xã hội nào phân hóa sớm thì quan niệm đó xuất hiện sớm. Nền văn hóa nào coi đàn ông là tối thượng thì quan niệm đó là quan trọng. Còn nơi nào ý thức sở hữu không mạnh, ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đến chậm thì quan niệm về chữ trinh cũng nhẹ nhàng hơn.

Miền Tây Nam Bộ với bối cảnh văn hóa vùng có nhiều điểm riêng biệt chính là một nơi như thế. Thiên nhiên ưu đãi khiến ý thức sở hữu không mạnh. Trong khi miền Bắc chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo với quan niệm nặng nề về chữ trinh, và sự ảnh hưởng này là rộng khắp, phổ biến, đồng đều do đặc điểm sống quần cư trong các làng xóm nhỏ, thì ở miền Tây, đạo Nho chỉ ảnh hưởng trong một bộ phận nhỏ dân cư (là những trí thức gốc Nho giáo). Tầng lớp dân cư còn lại (dân dưới đáy, dân nghèo) ít bị chi phối bởi hệ tư tưởng này. Bên cạnh đó, việc các gia đình sống cách xa nhau (sống trong các bưng biền, chia cách bởi sông ngòi, kênh rạch) khiến cho mối quan hệ trong cộng đồng làng xã lỏng lẻo hơn nhiều so với miền Trung và miền Bắc. Điều đó đồng nghĩa với việc áp lực xã hội không mạnh, dư luận xã hội không khắt khe, khiến cho ngay cả những việc như phụ nữ vào thành phố làm gái mại dâm cũng dễ được chấp nhận hơn.

Xem chi tiết tại http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/3890/index.viet

1 cách suy nghĩ rất Trần Ngọc Thêm, không hẳn đúng 100% nhưng có vài điểm có thể chấp nhận. Gần đây mình đi phỏng vấn các học sinh giỏi thì nhận ra đúng là những người không biết dạy con cái, chỉ biết chiều chuộng đa phần là người Nam, và kinh tế thấp. Còn người Bắc, biết kiếm tiền, dạy con kỹ... nhưng chỉ là những trường hợp mình đã gặp chỉ là số ít.... mà mình đã thấy bức xúc với kiểu cấm đầu sanh con vô tội vạ của 1 số người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...