Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2008

"Góp phần trẻ hóa tiếng lòng dân tộc" - Trò chuyện với GS-TS Trần Văn Khê

GS-TS Trần Văn Khê và cô Phạm Thị Huệ trong chương trình Đàn tì bà và đàn đáy

Với mong muốn người trẻ được tiếp cận những loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo, GS-TS Trần Văn Khê đã tổ chức những đêm sinh hoạt nghệ thuật ngay chính trong ngôi nhà của mình (số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh - TPHCM)

Chúng tôi đến gặp ông khi ông đang tất bật chuẩn bị cho đêm sinh hoạt định kỳ lần thứ 4, sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 3-4.

Nếu không làm thì không còn thời gian để làm

. Phóng viên: Thưa giáo sư, đêm sinh hoạt nghệ thuật định kỳ lần 4 tại tư gia đang là tiêu điểm chú ý của dư luận. Hẳn là ông muốn gửi gắm nhiều điều khi thực hiện những đêm sinh hoạt nghệ thuật này?

- GS-TS Trần Văn Khê: Kho tàng âm nhạc Việt Nam có vô số những điều thú vị. Càng sống gần gũi với âm nhạc dân tộc, tôi càng khám phá ra rất nhiều điều tuyệt vời. Nhờ sự ủng hộ và tài trợ của các mạnh thường quân là các nhà doanh nghiệp, tôi đã tổ chức được 3 chương trình sinh hoạt định kỳ (hai tháng một lần). Đây không phải là chương trình giải trí phục vụ khán giả bình thường mà mang tính học thuật với những bài học sinh động được giảng dạy có minh họa, phân tích, đánh giá, đúc kết, thậm chí trao đổi, tranh luận dành cho những ai yêu thích âm nhạc dân tộc và văn hóa cổ truyền Việt Nam. Nhà nước đã trao tặng tôi ngôi nhà này, khi tôi chết, nó sẽ là Nhà Lưu niệm Trần Văn Khê, còn bây giờ nơi đây sẽ là địa chỉ cung cấp, giới thiệu những tư liệu giá trị cho những người yêu âm nhạc dân tộc. Năm nay tôi đã 87 tuổi, nếu không làm thì sẽ không còn thời gian để làm.

. Sau ba chương trình đi vào đề tài âm nhạc thính phòng như: Ca Huế, Ca tài tử và ca trù với đàn tì bà, lần này (đêm 3-4) với chủ đề “Giới thiệu các loại trống và nhạc lễ Việt Nam”, vì sao giáo sư muốn có sự tham gia của các bạn trẻ?

- Tôi nghĩ các bạn trẻ hiện nay chưa hiểu hết về cái hay, cái độc đáo của trống Việt nên mới chạy theo trống điện tử, trống nhạc jazz ngoại lai. Họ cần được tiếp cận với âm nhạc dân tộc, hiểu những ưu điểm của nhạc cụ dân tộc để từ đó biết yêu và gìn giữ vốn quý này. Tôi muốn mở rộng diễn đàn cho các bạn trẻ nên quyết định mời 40 bạn trẻ thực sự yêu thích âm nhạc dân tộc có mặt trong buổi sinh hoạt nghệ thuật định kỳ này, vì không gian nhà tôi còn hẹp, không thể mời đông hơn.

Cảm động vì còn nhiều bạn trẻ yêu thích âm nhạc dân tộc

. Sau chuyên đề này, dự kiến những đêm sinh hoạt nghệ thuật định kỳ tới sẽ đi vào chủ đề gì?

- Bài chòi. Đây là một loại hình âm nhạc độc đáo xuất xứ ở miền Trung. Nhiều người không biết vẫn cho rằng bài chòi là đơn giản, hát ca vui chơi, nhưng chưa hiểu hết thế nào là nét độc đáo ẩn bên trong bộ môn nghệ thuật này. Ngay cả sáng tác bài chòi mới, giữ đúng chất bài chòi nguyên gốc như thế nào vẫn còn là nhiều vấn đề cần bàn bạc, trao đổi.

. Đề ra nhiều chủ đề hấp dẫn về âm nhạc dân tộc nhưng vì sao giáo sư không quyết định tổ chức các chương trình này tại một sân khấu, hội trường lớn để đáp ứng nhu cầu của người xem, trong đó có giới trẻ?

- Dạng chương trình này chỉ có thể thích hợp khi tổ chức tại hội trường Nhạc viện TPHCM. Hiện nay Nhạc viện TPHCM đã có lời mời tôi tới nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thời gian qua, tôi giảng dạy một tháng hai lần (ngày thứ bảy) tại Đại học Bình Dương. Điều làm tôi bất ngờ và cảm động là có rất đông sinh viên đăng ký tham dự các buổi nói chuyện này vì họ thực sự muốn tìm hiểu về cội nguồn âm nhạc dân tộc.

. Liên hệ từ âm nhạc dân tộc đến nghệ thuật ca diễn của sân khấu truyền thống, giáo sư có dự định tổ chức những chương trình đi sâu vào học thuật hát tuồng, chèo, hát bội, cải lương và cải lương tuồng cổ?

- Đó là những đề tài rất hấp dẫn, cần được nhân rộng để giới chuyên môn và khán giả mộ điệu tiếp cận. Tuy nhiên, như tôi đã nói, tất cả hoạt động này chỉ nhờ vào mạnh thường quân. Tôi nghĩ, khi những tâm hồn đồng điệu với âm nhạc dân tộc cùng chung tay góp sức, làm những việc có ích cho kho tàng âm nhạc truyền thống mà ông cha để lại thì sẽ không sợ gì sự bào mòn của thời gian. Quan trọng là mỗi tâm hồn người Việt đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ những giá trị nghệ thuật của dân tộc và nghĩ đến sự phát triển từ bên trong chớ không “vay mượn bừa bãi” những yếu tố bên ngoài.

Thanh Hiệp thực hiện

Ngày 30.3.2007

Báo Người Lao Động

http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/184477.asp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...