Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt

Rating:★★★★★
Category:Music
Genre: Folk
Artist:GS. Trần Văn Khê
Con người đã có một sự nghiệp lừng lẫy ở nơi từng được coi là thủ đô văn hoá của châu Âu, Giáo sư - Tiến sĩ của Đại học Sorbonne lừng danh, từng được tặng Huân chương Văn hoá nghệ thuật của Chính phủ Pháp, từng được tháp tùng Tổng thống Pháp Mitterand thăm Việt Nam, Uỷ viên danh dự của Hội đồng Âm nhạc thế giới của UNESCO, người thầy về dân tộc nhạc học được chào đón nồng nhiệt tại hơn 67 quốc gia, sau hơn 50 năm bôn ba đã trở về quê nhà - đó chính là GS.TS Trần Văn Khê.

Trần Văn Khê sinh ngày 24.7.1921 trong một gia đình 4 đời làm nhạc sĩ ở làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Năm 6 tuổi, Trần Văn Khê được cậu ruột Nguyễn Tri Khương (cháu nội ông Nguyễn Tri Phương), vốn là một thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng hát có tiếng, dạy chơi đàn nguyệt (đàn kìm), đàn cò (đàn nhị); được người cô thứ ba là Trần Ngọc Viện dạy đàn tranh. Từ đó ba cây đàn chẳng rời ông nửa bước, kể cả khi ông là một sinh viên Trường Y Hà Nội hay là một giáo sư danh tiếng ở Paris.

Trần Văn Khê mồ côi mẹ năm 9 tuổi và mồ côi cha năm 10 tuổi. Ba anh em Trần Văn Khê đã được cô Trần Ngọc Viện (tức cô Ba Viện) nuôi và dạy dỗ chu đáo. Khi học tại Trường Pétrus Ký (còn gọi là Trường Trương Vĩnh Ký), (1934 - 1941), Trần Văn Khê đã cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường và dàn nhạc của học sinh trong câu lạc bộ học sinh mang tên Scola Club của Hội Đức trí Thể dục (SAMIPIC).

Năm 1941, được học bổng của chính phủ thuộc địa và học bổng của Hội SAMIPIC, Trần Văn Khê ra Hà Nội học Y khoa tại Đại học Đông Dương. Ông tâm sự: "Ngày khai giảng ở trường đại học (nay ở số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội) để lại ấn tượng không phai mờ trong tôi. Từ nhỏ đến lớn sống ở miền Nam, mỗi lần có lễ lạc gì chỉ nghe bài La Marseillaise trỗi lên cùng với lá cờ tam tài, là quốc ca và quốc kỳ của nước Pháp. Nhưng trong ngày khai giảng này, sau khi dứt bài La Marseillaise thì có một điệu nhạc lạ tai trỗi lên tiếp theo cùng với một lá cờ màu vàng được kéo lên. Một anh bạn miền Bắc đứng kế bên khẽ nói: "Quốc kỳ và Quốc ca của ta đấy!". Tôi vô cùng xúc động, ngây người ngắm lá cờ đang lần lần vươn lên cao, lắng nghe giai điệu mới mẻ mà cả hai dòng nước mắt chảy dài"…

Đấy cũng là lần đầu tiên trong đời ông ý thức được rằng dân tộc mình phải có một đất nước độc lập. Và cũng kể từ ngày đó, trong ông có một ý nghĩ thôi thúc tìm hiểu thêm về đất nước, dân tộc thời xa xưa… Tại Đại học Đông Dương, ông cùng các bạn Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Phan Huỳnh Tấng (tức Phạm Hữu Tùng)… hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội sinh viên, tham gia ban nhạc của trường, cùng nhau khuấy động nên phong trào thanh niên lành mạnh, cũng như khơi dậy tình dân tộc thể hiện qua các hành khúc đầu tay của Lưu Hữu Phước như: "Người xưa đâu tá", "Bạch Đằng giang", "Ải Chi Lăng"…

Ngay từ những năm đầu tiên bậc đại học, Trần Văn Khê tuy thuộc lớp đàn em nhỏ nhất nhưng đã có những suy nghĩ độc lập của riêng mình. Năm 1941, chàng thanh niên 20 tuổi Trần Văn Khê đã đứng trên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội chỉ huy dàn nhạc, hát bài hát tiếng Pháp "Le petit doigt de maman" để nhằm mục đích chính là được giới thiệu dân ca ba miền tiếp sau đó. Ngay từ lúc ấy, ông đã có ý thức giới thiệu âm nhạc dân tộc. Sau buổi biểu diễn, báo La Volonté Indochinoise đã viết bài khen ngợi: "Việt Nam có một sinh viên trẻ tuổi chỉ huy dàn nhạc với phong cách một nhạc sĩ nhà nghề". Đó là một kỷ niệm đẹp về đêm nhạc sinh viên đầu tiên của Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống và văn hóa dân tộc nổi tiếng của Việt Nam sau này.

Năm 1943, Trần Văn Khê lập gia đình với Nguyễn Thị Sương, người bạn gái học cùng lớp Triết ở Trường Pétrus Ký. Sau khi thi đỗ từ năm thứ nhất sang năm thứ nhì Trường Đại học Y - Dược, vì bị sốt rét rừng rất nặng, nạn đói ở miền Bắc bắt đầu hoành hành, lại có phong trào "xếp bút nghiên lên đường" Trần Văn Khê và nhiều bạn bè phải rời trường về Nam.

Đầu năm 1944, ngoài việc tham gia dạy học tại hai trường tư thục ở Sài Gòn (Trường Lê Bá Cang và Trường Nguyễn Văn Khuê), Trần Văn Khê còn tham gia Ban tuyên truyền của tỉnh Bến Tre, đi khắp tỉnh để hát các bài hát của Lưu Hữu Phước nhằm nhắc lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Năm 1945, Trần Văn Khê bắt đầu tham gia kháng chiến, hoà mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Trần Văn Khê tình nguyện tham gia kháng chiến nhưng không muốn cầm súng mà xin được hoạt động văn nghệ. Ông cùng Lưu Hữu Phước đặt các điệu kèn cho quân đội để thay thế các điệu kèn Tây thổi lúc sáng sớm thức dậy, lúc chào cờ, lúc đi ngủ; tổ chức đoàn quân nhạc gồm các nhạc sĩ công giáo làng Lương Hoà, đi khắp vùng Đồng Tháp, chợ Thiên Hộ, đi tới Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... vừa giúp Ban tuyên truyền trong việc vận động toàn dân kháng chiến, vừa quyên góp tiền để giúp nhà thương quân đội, đàn hát những điệu hò dân gian cho thương binh nghe.

Cuối năm 1946, Trần Văn Khê trở về Sài Gòn tham gia nhóm "kháng chiến tại thành". Ông vừa viết cho báo Thần Chung, Việt Báo, tạp chí Sông Hương, tạp chí Mai, vừa dạy Anh Văn tại hai trường Huỳnh Cẩm Chương, Ngô Quang Vinh, và mở lớp dạy tư Anh văn tại nhà. Được phân công phê bình âm nhạc và sân khấu, Trần Văn Khê thường gặp gỡ các đào kép cải lương như Tư Chơi, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Duy Lân... để bàn về sự phát triển của cải lương.

Năm 1948, các tổ kháng chiến tại thành bị lộ, Trần Văn Khê bị bắt và giam tại khám Catinat cùng một lúc với các Giáo sư tư thục Nguyễn Văn Hiếu (sau này là Bộ trưởng Văn hoá, Trần Thọ Phước (sau này là Giám đốc Air Vietnam ở Đông Nam Á). Năm 1949, vì bị lộ nên Trần Văn Khê, sau khi bàn với các bạn, rời Việt Nam sang Pháp, vừa "lánh nạn", vừa du học với hai bàn tay trắng, một bộ đồ vải tropical và bản hợp đồng với các báo kể trên để làm "phóng viên". Ông bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người bằng cách vừa học, vừa làm nhiều việc để sinh sống.

Suốt thời gian từ 1949 tới 1951, ông đọc các báo Pháp để viết mục "điểm báo", làm phóng viên về các sinh hoạt của Việt kiều; viết du ký, phóng sự; cắt gửi về toà soạn những bài xã luận về chính trị quốc tế và chính trị liên hệ đến Việt Nam. Trần Văn Khê thử thi vào Viện Khoa học Chính trị nổi tiếng mang tên Sciences Po (Sciences Po, Institut d'Etudes Politiques de Paris), không ngờ đỗ vào năm thứ hai của Viện. Và rồi, ông đã tốt nghiệp hạng cao (hạng 5) Khoa Giao dịch Quốc tế sau hai năm miệt mài học tập trên ghế nhà trường và học thêm Anh văn tại Đại học Văn khoa Paris.

Tháng 8.1951, 2 tháng sau khi tốt nghiệp, tới tháng 10.1954, do phát sinh nhiều bệnh, ông phải đi từ bệnh viện này tới trung tâm dưỡng bệnh nọ, bị giải phẫu 4 lần. Ngay trên giường bệnh ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, đọc nhiều sách tại thư viện Paris và học tiếng Ả Rập từ những bệnh nhân cùng phòng.

Cuối năm 1954, ông theo học và chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Khoa Anh văn và Âm nhạc học, Trường Đại học Sorbonne, Paris. Để lấy tiền sinh hoạt, ông đã làm nhiều công việc khác nhau như: thuyết trình về các đề tài âm nhạc, kịch nghệ, kể chuyện cổ tích Việt Nam cho đài BBC; đóng phim; lồng tiếng cho phim... Tháng 6.1958, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài chính: "Âm nhạc truyền thống Việt Nam" và hai đề tài phụ: "Khổng Tử và âm nhạc", "Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam". Từ đây, ông bắt đầu đi những bước đầu tiên trên chặng đường dài mà mình đã chọn: sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Ông sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam không phải bởi thấy âm nhạc Việt Nam độc đáo hay đẹp hơn âm nhạc của các dân tộc khác mà đơn giản bởi ông yêu âm nhạc, ông là người Việt Nam. Với ông, đó là một thứ "quốc hồn", "quốc tuý". Luận án tiến sĩ của ông là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về nền âm nhạc Việt Nam thống nhất được giới thiệu trên thế giới khi đất nước còn bị chia cắt. Kể từ khi ông trở thành một giáo sư - tiến sĩ ở Đại học Sorbonne danh tiếng, thế giới bắt đầu biết đến hình ảnh một "thầy đờn" Việt Nam độc đáo và hấp dẫn kỳ lạ. Ông không bỏ lỡ một dịp nào để đem lời ca, tiếng nhạc Việt Nam đến khắp năm châu dù đó là những lần thuyết trình trên các đài truyền thanh, truyền hình hay trong các chuyến đi tham dự hội nghị âm nhạc. Sống nơi đất khách, điều mong mỏi của ông là đem hồn nhạc Việt đi xa, quảng bá rộng rãi cho mọi người yêu nhạc. Bằng tài năng và bầu nhiệt huyết của mình ông đã bước vào làng nhạc quốc tế và thực hiện được điều mong ước đó.

Năm 1975, ông trở về Việt Nam với tư cách Giám đốc nghiên cứu trong Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, một chuyên gia hàng đầu về âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Ông không ngần ngại thừa nhận công khai rằng công trình khoa học về âm nhạc truyền thống Việt Nam làm nên tấm bằng tiến sĩ của ông thực ra còn nhiều thiếu sót, hạn chế do được thực hiện trong hoàn cảnh xa đất nước. Bởi vậy, từ năm 1976 đến năm 1990, năm nào ông cũng về Việt Nam, lặn lội khắp các miền đất nước, ghi âm, chụp hình được trên 500 bài dân ca, dân nhạc các loại nhằm tìm hiểu cặn kẽ một nền âm nhạc đa dạng và sâu rộng, cố gắng ghi lại cũng như phục hồi những gì sắp bị chìm vào quên lãng; kêu gọi gìn giữ cái hay, cái đẹp cho thế hệ sau. Đồng thời, mỗi năm ông dành ra 2 - 3 tháng để thuyết trình tại các trường đại học trong cả nước. Tới mỗi trường đại học của Việt Nam, ngoài việc truyền bá những kiến thức âm nhạc; đem nhiệt huyết, tình yêu âm nhạc dân tộc thổi vào những lớp thanh niên thời đại mới ở Việt Nam, ông còn muốn gửi tới sinh viên Việt Nam một lời nhắn nhủ: Người sinh viên đại học không phải chỉ thụ động như học sinh trung học mà phải chủ động, ngoài những lời thầy giảng phải tự tìm sách báo, tư liệu để hiểu thêm các vấn đề. Dầu được thiên phú có một trí nhớ tốt, luôn luôn phải chăm chỉ nghe thầy giảng, tự học hỏi thêm và luyện tập cả trí nhớ. Khi gặp khó khăn phải bền chí và can đảm để tìm cách vượt qua những khó khăn. Có quyết tâm, có ý chí thì "tự không mình sẽ tạo ra có, tự khó mình sẽ biến thành dễ". Học văn hóa của nhiều nước để mở rộng kiến văn nhưng luôn luôn nên nhớ văn hóa Việt Nam là cơ bản. Nên tự cho mình một khẩu hiệu: "Ngày nay ta phải hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ hơn ngày hôm nay".

Phải dự những buổi nói chuyện của GS.TS Trần Văn Khê, nghe ông nói về cội nguồn âm nhạc dân tộc, mới cảm được hết cái tình của một người nhạc sĩ suốt đời say mê nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông rất bác học, tinh tế qua những cuộc diễn thuyết, minh họa về chèo, tuồng, hát bội, cải lương, hát bài chòi, hò Huế, hò lục tỉnh... Ông không chỉ nổi tiếng là người phổ biến âm nhạc dân gian Việt Nam với thế giới mà còn là người cực kỳ am hiểu âm nhạc dân tộc của nhiều nước, vì với ông: "Hạnh phúc nhất là được làm những điều mình tha thiết mong muốn: đem tiếng nhạc, lời ca dân tộc đến mọi nơi để siết chặt tinh thân hữu giữa dân tộc Việt Nam với bạn bè bốn biển, năm châu, đem được vui tươi nhẹ nhàng cho người nghe, lại có dịp góp sức với đồng nghiệp các nước Á, Phi bảo vệ nền âm nhạc cổ truyền, chống lại tệ nạn vọng ngoài, sùng bái nhạc phương Tây".

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu, hoạt động và giảng dạy âm nhạc ở nước ngoài, GS. Trần Văn Khê đã viết hàng trăm bài báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Nam được dịch ra 14 thứ tiếng. Với ngón đàn điêu luyện và khả năng truyền cảm, ông đảm nhận giới thiệu các chương trình âm nhạc dân tộc Việt Nam trên làn sóng phát thanh, truyền hình, đồng thời ông cũng tham gia thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nhiều hội nghị và các trường đại học lớn tại hơn 50 quốc gia. Ông đã thực hiện được gần 30 đĩa hát 33 vòng và CD về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc một số nước châu Á; đã tham dự 210 hội nghị quốc tế về Âm nhạc và Âm nhạc học trên 67 quốc gia, gần 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc khắp năm châu.

GS. Trần Văn Khê là thành viên của nhiều hội quốc tế về âm nhạc và nghiên cứu âm nhạc như: Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống, Hội đồng Quốc tế Giáo dục Âm nhạc, Hội đồng Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc, Hội Âm nhạc học, Dân tộc âm nhạc học, Hội nhà văn (Pháp), Hội dân tộc âm nhạc học Mỹ, Hội nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nhật Bản, Hội nghiên cứu âm nhạc Ấn Độ. Ông cũng đã tham gia giảng dạy, đào tạo gần 7000 sinh viên, hướng dẫn gần 40 học viên cao học và nghiên cứu sinh về âm nhạc học.

Ông thường tâm sự: "Tuy thân ở nước ngoài nhưng tâm tôi luôn ở trong nước vì đất nước thể hiện trọng tiếng đờn của tôi, trong những món ăn Việt Nam hàng ngày tự tay tôi nấu, nên lúc nào tôi cũng thấy mình gắn bó và gần gũi với quê hương, xứ sở". Năm 2003, sau hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, GS. Trần Văn Khê đã trở về Tổ quốc với dự định: tiếp tục làm công việc nghiên cứu, giảng dạy, gặp gỡ bạn bè trong và ngoài nước để góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống.

Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, GS. Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn "Đại từ điển âm nhạc thế giới", được tặng Giải thưởng đặc biệt về âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Văn hoá nghệ thuật của Chính phủ Pháp (1991), Huân chương Lao động hạng Nhất của nước CHXHCN Việt Nam (1999), giải thưởng "Vinh danh nước Việt" (2003). Và tháng 11.2005 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tổ chức lễ mừng thọ GS.TS Trần Văn Khê tròn 85 tuổi và trao tặng ông giải thưởng Đào Tấn - giải thưởng tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp lớn cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

Người ta thường nói: Đằng sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ. Điều này quả rất đúng với Trần Văn Khê. Được mẹ giáo thai, cho hấp thụ âm nhạc một cách bài bản ngay từ khi chưa chào đời, vừa lớn bà đã truyền cho con tình yêu đất nước. Khi mẹ mất, được người cô thứ ba là Trần Ngọc Viện thay cha mẹ nuôi dưỡng, giáo dục về mọi mặt, nhất là về môn âm nhạc. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Sương đã mang lại cho dòng họ Trần 4 người con: hai trai (Trần Quang Hải hiện là nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tại Paris, một chuyên gia về hát đồng song thanh nổi tiếng nhất thế giới sau 32 năm nghiên cứu; Trần Quang Minh hiện là kiến trúc sư ở thành phố Hồ Chí Minh) và hai gái (Trần Thị Thuỷ Tiên hiện sống tại Paris, và Trần Thị Thuỷ Ngọc, nữ nhạc sĩ đàn tranh và làm việc cho một ban nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở Paris). Khi xa gia đình và quê hương, ở ngoại quốc lúc nào cũng có một phụ nữ là em, con hay bạn, giúp ông công việc nhà để ông có thể dành hết tâm trí vào việc sưu tầm nghiên cứu âm nhạc. Lòng say mê âm nhạc của ông đã truyền sang các con, hiện nay các con ông đều đã trưởng thành và đang cùng ông viết tiếp trang sử thứ năm - đó chính là hạnh phúc lớn nhất của ông lúc tuổi già.

Dầu tuổi cao, sức yếu nhưng dường như chẳng lúc nào GS. Trần Văn Khê rảnh rỗi. Sau những giờ làm việc căng thẳng, ông thường nghe nhạc, dạo vườn xem hoa, so dây độc tấu, thưởng thức vài chung trà trên bàn thạch… để thư giãn, hay luyện tập khí công, xem những chương trình tin tức hoặc nghệ thuật trên truyền hình, đọc vài tờ báo hay quyển sách mà ông thích, ngâm những bài thơ mình mới viết hoặc bạn bè mới cho. Với trí nhớ tuyệt vời được tạo hoá ban tặng, sự nhạy cảm của một tinh nhân, với phương pháp của một nhà khoa học, với sự kiên nhẫn và chuyên cần của một con kiến nhỏ, Trần Văn Khê hôm nay đã trở thành một thư viện sống, một bách khoa thư sống về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với sự tín nhiệm của UNESCO ông đã có cơ hội góp sức vào việc thẩm định Hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế và được giao trọng trách thẩm định hồ sơ Cồng chiêng của Việt Nam. Ông đã chứng minh được những nét đặc sắc, độc nhất vô nhị của hai loại hình nghệ thuật này và Nhã nhạc cung đình Huế rồi mới đây là cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tới đây, ông sẽ cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Viện Âm nhạc đề cử ca trù, quan họ và múa rối nước để UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho Việt Nam.

Trong ông bấy lâu nay vẫn ấp ủ một nỗi niềm với âm nhạc truyền thống Việt Nam. "Tôi mong có một giáo trình dạy nhạc truyền thống Việt Nam ở bậc đại học và một chương trình đào tạo quốc gia cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ về âm nhạc dân tộc. Bởi thực tế đáng buồn hiện nay là các sinh viên Việt Nam thi bằng thạc sĩ âm nhạc dân tộc lại phải dựa vào lý luận... âm nhạc phương Tây", GS. Trần Văn Khê tâm sự.

Dự định của ông còn nhiều, dù sức khoẻ có hạn, nhưng mỗi khi thấy ông xuất hiện trên tivi, lúc ở thành phố Hồ Chí Minh, khi ở Hà Nội, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần làm việc miệt mài của ông và thầm cầu mong cho ông được dồi dào sức khoẻ, tiếp tục thực hiện hoài bão của mình: giữ gìn những giá trị tinh thần của dân tộc và của nhân loại!

Mai Anh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
http://100years.vnu.edu.vn:8080/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7812/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...