Thứ Năm, 16 tháng 10, 2008

'Chưa có nghiên cứu việc lái xe thấp bé gây nhiều tai nạn'


"Tôi sẽ rà lại quy định của Bộ Y tế xem có hợp lý không, có thể từ 35 đến 40 kg là được lấy bằng lái xe trên 50 cm3", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí, chiều 16/10.

- Bộ Y tế vừa đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, trong đó người dưới 40 kg hoặc 1,45 mét không được đi xe máy trên 50 phân khối, dưới 1,5 mét không được lái ôtô. Quan điểm của Bộ Giao thông về vấn đề này thế nào?

- Nghị quyết 32 của Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng tiêu chuẩn sức khỏe để điều khiển xe cơ giới. Bộ Giao thông Vận tải chỉ góp ý, nêu một số nguyên tắc về sử dụng các loại phương tiện. Bộ Y tế quy định cụ thể.

Hiện một số nước cũng có quy định về cân nặng, chiều cao để cấp bằng lái xe, tuy nhiên mức cụ thể thì cần phải xem xét kỹ. Tôi sẽ xem lại quy định của Bộ Y tế có hợp lý không, có thể nên giao động từ 35 đến 40 kg là được lấy bằng lái xe trên 50 cm3.

- Đa số xe máy ở VN đều trên 50 phân khối, nhiều xe kiểu dáng nhỏ, gọn thiết kế dành cho người có thể hình thấp bé. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng, người thấp bé vẫn phù hợp với những loại xe trên?

- Dung tích thường cân đối với kết cấu xe, xe phân khối nhỏ thường có kiểu dáng gọn nhẹ. Lâu nay, chúng ta vẫn dùng dung tích xe để làm căn cứ, ví dụ xe Honda phân khối 50 cho lứa tuổi nào, trên 50 phân khối cho lứa tuổi nào. Nếu đưa ra một loạt yếu tố như dung tích, kích cỡ, kiểu dáng... để làm căn cứ thì quá phức tạp.

- Với những trường hợp đang có bằng lái nhưng dưới mức chuẩn của Bộ Y tế hoặc khi thi lấy bằng được trên 40 kg nay sút cân thì giải quyết thế nào?

- Một quy định mới ra đời cần có thời gian tuyên truyền giống như quy định đội mũ bảo hiểm trước đây. Quy định mới của Bộ Y tế cần có thời gian tuyên truyền, sau đó, chúng ta mới tiến hành chế tài xử lý. Việc khám sức khỏe định kỳ để sát hạch là cần thiết nhưng cần quy định thời gian tái khám, chi phí khám hợp lý.

Bộ Giao thông sẽ xem xét khoảng thời gian cần thiết để chuyển đổi bằng lái.

- Một số ý kiến cho rằng, cân nặng, chiều cao và sức khỏe không đồng nhất với nhau. Xin được hỏi ông, đã có nghiên cứu nào ở Việt Nam chứng minh số vụ tai nạn do lái xe thấp bé gây ra nhiều hơn bình thường?

- Bộ Giao thông chưa có nghiên cứu cụ thể số người thấp bé gây ra nhiều tai nạn giao thông. Nhưng tôi nghĩ không nên đợi nghiên cứu đối tượng này gây nhiều tai nạn mới đưa ra chế tài. Chúng ta đảm bảo quyền đi lại của công dân nhưng cũng phải trên cơ sở an toàn giao thông cho người khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Người gầy quá không nên lái xe.

Quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đã được chúng tôi nghiên cứu chặt chẽ, không phải do cảm tính. Bộ đã nghiên cứu dựa trên số liệu về con người Việt Nam để đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện. Ngoài quy định về chiều cao, những người gầy gò quá không nên lái xe.

Việt Anh thực hiện

Ý kiến bạn đọc:

Người gửi: Huyền Trang

Với tư cách là một luật gia, tôi nhận thấy quyết định của Bộ Y tế quy định người nặng dưới 40 kg, cao dưới 1,45 m không được đi xe gắn máy trên 50 cc đã vi phạm Điều 52 Hiến pháp do sự phân biệt đối xử dựa trên chiều cao, cân nặng của các cá nhân. Chiều cao, cân nặng và sức khỏe là những vấn đề khác nhau.

Việc xác định chiều cao, cân nặng thế nào thì đảm bảo điều khiển phương tiện an toàn nên được Bộ Y tế và các nhà sản xuất phương tiện bàn bạc thống nhất dựa trên các nghiên cứu khoa học và nên thể hiện dưới dạng "Hướng dẫn xử dụng, cảnh báo" của từng loại phương tiện. Chỉ có làm như vậy mới không ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng và nhà sản xuất phương tiện.

Theo tôi biết, ở một số nước phát triển, những người tàn tật vẫn được điều khiển phương tiện giao thông (như ô tô), tất nhiên, những phương tiện được nhà sản xuất bổ sung các thiết bị an toàn dành cho những người tàn tật.

Người gửi: Trần Hồng Đào

Cũng may là mình nặng 43 kg, và cao được 1,53 m nếu mình thấp và lùn hơn chắc sẽ đứng ngồi không yên với quy định của Bộ Y tế. Trường hợp như vậy chắc mình phải thuê tài xế hằng ngày chở mình đi làm và đi chợ, và lương mình phải tăng gấp đôi để bảo đảm chi phí đi lại.

Mình không thể đi xe đạp vì không biết đi đến bao giờ mới tới chỗ làm, mình không thể đi xe dưới 50 phân khối được, vì các xe này không đủ lực để leo lên các vỉa hè khi kẹt xe, mình cũng không đi được xe buýt vì kẹt xe triền miên. Một người cao 1,45 m mà nặng 39 kg vẫn có khi khỏe mạnh hơn nhiều với người cao trên 1m7 mà nặng 48 kg. Quy định này thật quá nhạy cảm…

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/10/3BA07812/

Thứ năm, 16/10/2008

“Vỗ béo” để đủ chuẩn đi xe máy!

Dân nói: "đi an toàn dù không đủ chuẩn"

“Tôi cao 1m52, nặng 45kg nhưng sau khi sinh đôi hai cô công chúa, giờ tôi “ngót” chỉ còn 38,5kg. Thế nhưng tôi đi xe chưa gây ra một vụ va chạm nào. Tôi thấy mình đủ sức khoẻ, tinh thần để điều khiển xe”, chị T.Nga (Đông Anh) nói.

Rồi chị “giật mình” nhớ ra vừa làm mất bằng lái xe, có nghĩa rằng nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chị sẽ không thể thi lấy bằng lái. Chẳng lẽ vứt xó “con” sirius ở nhà để leo lên xe buýt, đi 3 tuyến mới đến được nơi làm việc?

“Chắc tôi phải “vỗ béo” lên 40kg để đủ tiêu chuẩn thi lấy bằng nhưng mỗi tháng tăng được 1 - 2 lạng đã khó, đằng này… Chắc tôi vẫn phải gắn bó với chiếc xe máy, dù bằng lái vừa mất”, chị Nga chia sẻ.

“Đâu phải người nhỏ bé là không thể lái xe “ngon””, cô gái có nick name Vivaforever294 chia sẻ. Cô cũng là một người “bé hạt tiêu” nhưng lại hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Nếu bỏ xe máy, đi xe buýt tới các cuộc phỏng vấn, hội họp thì thật là điều không tưởng. 3 năm nay, cô vẫn gắn bó với chiếc xe tay ga Mio đi tác nghiệp, và cũng thật may mắn là chưa từng gây tai nạn, vi phạm luật giao thông. Cô tự thấy mình đủ bình tĩnh, nhanh nhẹn cũng như sức khoẻ để xử lý tốt các tình huống giao thông chật chội như ở Hà Nội.

Chiều cao của tôi chỉ đạt 1m48, cân nặng chưa vượt qua con số 40kg nhưng tôi đã lấy vợ, có con. Tôi làm việc quần quật 12 tiếng một ngày, lượn trên đường phố vài ba tiếng mỗi ngày. Tôi vẫn chở vợ, con trai về quê ngoại, quê nội bằng xe máy. Giờ bảo tôi không đủ tiêu chuẩn đi xe máy thì tôi biết lấy gì mà sinh nhai. Hơn nữa, đi xe máy an toàn hay không, tôi nghĩ ngoài thể lực còn là tính cẩn trọng của mỗi người. Tôi là người khoẻ mạnh, thận trọng nhưng chỉ hơi thấp bé”, anh Nguyễn Lưu Thành, nhân viên chụp ảnh tự do bức xúc nói.

Anh Thành cũng chia sẻ, chuyển sang phương tiện khác như xe dưới 50 phân phối thì anh không thích vì xe đó thường xấu, cũ, còn chuyển sang xe buýt là điều không thể. Vì đôi khi, anh phải đi chụp ngoại cảnh ở những vùng ngoại ô, vùng mà xe buýt không có tuyến. Còn đi xe ôm thì thu nhập của anh không thể đủ để “gánh” thêm chi phí khổng lồ đó.

“Vì thế, tôi chắc chắn không thể bỏ xe máy nhưng sẽ phải đi đứng cẩn thận hơn rất nhiều. Còn gặp cảnh sát giao thông thấy mình nhỏ bé muốn kiểm tra ư? Bằng cách nào? Không lẽ đem cân đến, cân người điều khiển xe giữa đường để xác định”, anh Thành nói. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định, rất khó để những người có thể lực nhỏ như anh có thể từ bỏ xe máy vì với nhiều người, đó là phương tiện đi lại, kiếm sống không thể thiếu.

“Cũng may, tôi chỉ thiếu cân nặng. Nếu bí quá thì ở nhà vài ngày “vỗ béo” cho đủ tiêu chuẩn. Còn với những người thiếu tiêu chuẩn chiều cao mới thực sự khổ sở”, anh Thành chia sẻ.

Cơ quan quản lý bảo: “Đã tính toán hợp lý”

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Trần Quý Tường, các tiêu chí về tiêu chuẩn sức khỏe cho người điều khiển xe cơ giới được xây dựng dựa trên các yếu tố phù hợp với sự phát triển chung của xã hội Việt Nam trong bối cảnh thể lực, chiều cao của người Việt Nam đã được cải thiện. Đồng thời, đảm bảo yếu tố an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông.

Theo ông Tường, bản tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn VN hiện tại vì chiều cao trung bình của nam giới VN là 1,6m; nữ là 1,58m, tức là cao hơn mức tối thiểu của quy định này rất nhiều. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn này (gần một năm), đã có sự tham gia ý kiến của rất nhiều ban ngành, các Bộ liên quan.

Ông Tường cũng cho rằng, với người trưởng thành mà thấp 1m45, nhẹ hơn 40kg, có thể họ vẫn điều khiển xe máy được nhưng không an toàn, khó có thể xử lý tốt các tình huống phức tạp trên đường. Còn yếu tố tầm nhìn, khả năng nghe của tai cũng là rất quan trọng. Thật khó có thể an toàn nếu tai ngễnh ngãng không nghe rõ còi xe, rồi mắt nhìn kém dễ gây tai nạn…

Vì thế, theo quy định này, những người không đạt tiêu chuẩn thể lực sẽ không đủ điều kiện điều khiển xe máy trên 50 phân phối. Họ buộc phải có lựa chọn khác như xe buýt, xe máy dưới 50 phân phối, xe đạp…

Tất nhiên, ông Tường cũng khẳng định, quy định nào cũng cần kiểm nghiệm qua thực tiễn. Vì thế, Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dù đã được tính toán kỹ, trên cơ sở ý kiến chung của nhiều ban ngành… nhưng nếu trong thời gian áp dụng, thực thi, thấy có bất cập, Ban soạn thảo sẽ tính đến phương án chỉnh sửa để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, vừa đảm bảo an toàn giao thông.

Hồng Hải

Thứ Năm, 16/10/2008

http://dantri.com.vn/suckhoe/Vo-beo-de-du-chuan-di-xe-may/2008/10/255576.vip

Đừng tước mất cơ hội đi lại của người thiếu may mắn!

"Quy định khung về sức khỏe cho người lái xe là cần thiết, nhưng Bộ Y tế cần có thêm quy định "mở" để "chiếu cố" với những người thấp bé, hay yếu về khả năng vận động để không tước mất cơ hội được đi lại của họ"!

VietNamNet
10:42' 16/10/2008
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/808735/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...