Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

Nghệ sỹ Nhật Bản Oguri Kumiko: “Cây đàn t’rưng đã hút hồn tôi”

Cây đàn - với hình dáng lạ lùng được đặt chính giữa sân khấu Phòng hòa nhạc thành phố Yokohama - đã thu hút sự tò mò của khán giá xứ Phù Tang ken chật dưới khán phòng. Một cô gái Nhật trong tà áo dài Việt Nam truyền thống bước ra, đôi bàn tay mảnh mai cầm hai chiếc dùi lướt nhẹ trên dãy ống tre nứa. Thanh âm quyến rũ của Trở về Tây Nguyên, của Suối đàn t'rưng réo rắt vang lên. Oguri Kumiko đấy!

Âm sắc của cây đàn t'rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng rất đặc biệt. Thưởng thức tiếng đàn, người ta có cảm giác như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi cơn gió thổi qua. Những ánh đèn flash liên tục lóe lên. Những khán giả hiếu kỳ vây quanh, thận trọng sờ vào từng chiếc ống tre. - "Đàn gì mà kỳ lạ vậy?". - "Cây đàn t'rưng của Việt Nam". Những tràng pháo tay không dứt, những bó hoa nồng nhiệt chúc mừng. Gương mặt cô gái xinh đẹp sáng bừng trong niềm hạnh phúc tột cùng. Bằng buổi biểu diễn duy nhất do chính cô đầu tư kinh phí, Oguri Kumiko đã thoả ước nguyện, đem cây đàn đã từng hút hồn cô vượt biên giới đến với xứ sở hoa anh đào.

Tình yêu đất Việt dẫn tới niềm say mê đàn Việt:

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc (mẹ từng là ca sĩ, giảng viên thanh nhạc tại đại học âm nhạc Kunitachi), Oguri Kumiko được sống trong không khí đàn ca từ bé. Ba tuổi, Kumiko đã bắt đầu học đàn piano với mẹ. Năng khiếu âm nhạc và đam mê các loại nhạc cụ khiến cô bé ngày càng tò mò muốn khám phá cả một thế giới âm nhạc rộng lớn xung quanh. Chơi kèn trombone và trở thành thành viên của câu lạc bộ âm nhạc tại trường cấp ba, vài năm sau, cô lại chuyển niềm say mê sang cây đàn marimba và hiện vẫn đang là thành viên Hiệp hội marimba "Những ngôi sao phương Bắc" của Nhật Bản.

Với vốn tiếng Việt đã rơi rụng phần nào vì "mấy năm gần đây, tôi không có điều kiện sử dụng ngoại ngữ này nên quên rất nhiều", Oguri Kumiko khá chật vật khi tâm sự với tôi về chặng đường dài đến với cây đàn thuần Việt của mình.

 Nghệ sĩ Nhật Bản Oguri Kumiko say mê với cây đàn t’rưng của Việt Nam.
"Đến năm 17 tuổi, tôi vẫn chưa có chút khái niệm gì về đất nước các bạn. Vốn yêu thích ngoại ngữ, yêu thích người châu Á nên tôi cố tìm hiểu đời sống, nền văn hóa của các nước xung quanh, nhất là các nước Đông Nam Á. Các bạn trẻ Nhật Bản thường chọn theo học tiếng Trung, tiếng Hàn..., nhưng tôi thì không. Rồi hàng ngày, tivi và báo chí ở Nhật đưa tin rất nhiều về đất nước Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng nhanh và đang trong quá trình hội nhập. Vì vậy, tôi chọn theo học tiếng Việt, tại trường đại học Ngoại ngữ Tokyo".

"Năm thứ nhất đại học, vào phòng nghiên cứu của thầy Imai - chuyên gia về lịch sử tư tưởng Việt Nam, tôi thấy một cây đàn xinh xắn, bé tí đặt trên bàn. Thấy tôi tò mò ngắm nghía mãi, thầy giải thích, đó là đàn của một vài dân tộc thiểu số Việt Nam. Tên đàn là gì thì thầy cũng... chịu. Hình dáng ấn tuợng của loại nhạc cụ này ngay lập tức đã quyến rũ tôi, như một mối duyên tiền định vậy. Bụng bảo dạ, nếu có dịp được đặt chân tới mảnh đất Việt, tôi nhất định sẽ tìm kiếm nó cho bằng được".

"Rồi kỳ nghỉ năm thứ nhất, tôi cùng 9 người bạn rủ nhau làm một tour du lịch xuyên Việt, từ Hà Nội tới Huế, đi Đà Nẵng rồi tới TP. Hồ Chí Minh. Ở điểm dừng chân cuối cùng, tôi đã được nhìn tận mắt cây đàn t'rưng (quả thật cái tên đó khá khó đọc, với một người nước ngoài) và xin người chủ cửa hàng cho đánh thử. Âm thanh vang lên từ những ống tre đơn sơ thật đẹp. Niềm ao ước tập chơi đàn, được sở hữu một chiếc t'rưng đã theo tôi suốt cả chặng đường dài về nước".

"Cuối năm học thứ hai, tôi lại có ba tuần quý giá ở Hà Nội, được học đàn t'rưng với một giảng viên của Nhạc viện. Mỗi tuần năm buổi, mỗi buổi hai tiếng. Ba mươi giờ đồng hồ ngắn ngủi, tôi đã có thể chơi được dăm tác phẩm mang đậm âm hưởng núi rừng Tây Nguyên như Anh hùng Núp, Đi săn, Múa nón, Cô gái vót chông... Trở về quê hương, tôi kiên nhẫn tập luyện liên tục, tự tìm tòi tài liệu học hỏi thêm để dùng cây đàn Việt chuyển tải được cả một số tác phẩm mang âm hưởng dân ca Nhật Bản kiểu như Akatonbo (Con chuồn chuồn đỏ) nữa"

Hành trình tìm về cội nguồn T'rưng

Tốt nghiệp đại học, Kumiko tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài: "Tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua nhạc cụ dân tộc cổ truyền". Bởi theo cô gái Nhật Bản xinh đẹp và rất dịu dàng này, "tôi muốn vừa nghiên cứu vừa biểu diễn âm nhạc Việt, bằng một loại nhạc cụ Việt". Đã năm lần trở lại mảnh đất mà cô tự nhận là quê hương thứ hai này, Kumiko có nhiều trải nghiệm rất thú vị. "Món ăn của các bạn rất tuyệt vời. Khi mới đến đây, tôi đã cảm thấy hòa đồng ngay vì nền văn hóa hai nước có nhiều điểm tương đồng, gần gũi. Tiếng Việt và tiếng Nhật có nhiều từ phát âm cũng na ná giống nhau. Và người Việt luôn tạo cho tôi cảm giác dễ chịu, thân thiện".

Cùng với cô bạn gái người Việt, Kumiko đã đặt chân tới nhiều buôn làng Tây Nguyên. Trên những nẻo đường cao nguyên, cô đã kịp trang bị cho mình vốn kiến thức khá sâu về lịch sử hình thành, về nét đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa cũng như tín ngưỡng của vùng đất đậm màu sử thi huyền thoại này. Kumiko đã được chiêm ngưỡng cả cây đàn nguyên sơ lẫn chiếc t'rưng đã được cải tiến rất nhiều. Cô cũng đã kỳ công lắng nghe và cố gắng phân biệt được sự khác nhau trong âm giai của từng bản nhạc, khi được nghe người địa phương biểu diễn giữa rừng già đại ngàn và lúc do các nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu Hà Nội - TP. HCM.

T'rưng là loại nhạc cụ gõ phổ biến ở Tây Nguyên, đặc biệt quen thuộc với dân tộc Gia Rai và Ba Na. Đàn làm bằng một số ống tre lồ ô hay nứa có kích cỡ khác nhau. Đàn chuyên nghiệp có khoảng 12 đến 16 ống xếp thành hàng trên giá đàn, theo thứ tự đi dần lên từ ống lớn đến ống nhỏ, từ ống dài đến ống ngắn (loại đàn t'rưng dân gian chỉ có 5 ống với cách xếp ngược lại, ống trên cao lớn rồi đi dần xuống là những ống nhỏ hơn). Mỗi đầu ống đều bịt kín do còn nguyên các đầu mấu, đầu kia đuợc gọt vát một phần ống để tạo âm. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau tùy độ to, nhỏ, dài, ngắn của ống. Ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao.

Theo truyền thống, t'rưng là nhạc cụ do nam giới sử dụng, chỉ được chơi trên nương rẫy, kiêng cữ đánh trong nhà và trong làng. Vì người dân tộc tin rằng trong mỗi ống đàn có một vị thần cư trú, giúp con người bảo vệ cây trồng trên rẫy. Nhưng theo nhận xét rất vui của Kumiko, hiện trên các sân khấu chuyên nghiệp, người chơi đàn t'rưng lại thường là... nữ giới.

Cũng theo cô gái trẻ, "t'rưng là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí Tây Nguyên. Càng thêm hiểu biết, tôi càng bị tiếng đàn t'rưng hút hết cả hồn vía. Tôi nghĩ mọi người có thể hiểu nhau qua âm nhạc. Cũng như nền văn hóa các nước có thể hội nhập thông qua cây cầu nối hiệu quả này. Vì thế, tôi đã nảy ra ý định khi về Nhật sẽ giới thiệu thật kỹ những gì mình biết về cây đàn t'rưng. Tôi tin là đồng bào mình sẽ đón nhận nó như một món ăn tinh thần lạ lẫm nhưng cũng thật thú vị".

Và chặng đường đưa t'rưng đến với Nhật Bản

Cây đàn đầu tiên mà Kumiko được sở hữu do chính tay cô giáo dạy nhạc lựa tre, đặt thợ thực hiện. Giá trị vật chất của nó không nhiều, nhưng để mang về tới nơi thì cũng đúng là "của một đồng, công một nén". Kumiko cười hóm hỉnh, khi nhớ lại những rắc rối nho nhỏ tại sân bay Nội Bài. Nhân viên hàng không yêu cầu cô phải gửi chiếc đàn theo dạng hành lý chứ không được mang theo người vì kích thước quá cồng kềnh. Cô nằn nì, "nếu gửi thì em sợ bị vỡ. Và nếu nó không còn nguyên vẹn thì văn hoá Việt Nam bị vỡ mất". Anh nhân viên phì cười và đồng ý. Khi chuyển máy bay ở sân bay Hồng Kông, lại lực lượng an ninh sân bay tỏ ra rất ngạc nhiên, có người còn ngửi thử một số ống tre. Khi nghe Kumiko giải thích, rằng đây là nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, họ cũng cho đi, tuy vẫn nhìn cô với ánh mắt rất tò mò.

Ngoài biểu diễn các nhạc cụ, công việc chính của Kumiko hiện nay là cô giáo dạy đàn marimba. Đã có rất nhiều học trò, sau khi nghe cô độc tấu t'rưng đã năm nỉ xin theo học. Khổ một nỗi là đàn chỉ có một chiếc, lại rất dễ hỏng, nên cô đành phải từ chối. Gặp tôi cách đây vài hôm, cô than thở, lại phải sang Việt Nam, tìm mua chiếc t'rưng mới để "khuân" về Nhật. "Có cách nào đỡ tốn công, tốn của hơn không?". "Chịu thôi, trót yêu cây đàn thì phải chịu" - Kumiko cười.

Thỉnh thoảng, Oguri vẫn mang cây đàn t'rưng, yểu điệu trong trang phục áo dài đi biểu diễn tại các buổi liên hoan giao lưu văn hoá Nhật - Việt ở Tokyo. Hai cây dùi lướt trên dãy ống tre tạo nên những thanh âm đẹp mê hồn, cô có biết mình đã trở thành một nhịp cầu sống động, giúp mang văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế?

Đàm Ngọc Bảo (Sức khỏe & đời sống)

Thứ năm, 30/10/2008

http://www.suckhoedoisong.vn/20081030162627453p0c15/nghe-sy-nhat-ban-oguri-kumiko-cay-dan-t%E2%80%99rung-da-hut-hon-toi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...