Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Tư duy nửa vời của doanh nghiệp tư nhân VN

Các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh nhau bằng dịch vụ, tiếc rằng các dịch vụ đó luôn nửa vời, thường chỉ tiện nghi cho doanh nghiệp hơn khách hàng và cách xử lý sự cố không hiệu quả.
Là người hiếm khi nào giao dịch hay đến làm thủ tục giấy tờ mà tôi cũng có 1 mớ kinh nghiệm về cái dịch vụ nửa vời này

Nhân cái phong trào người Việt sử dụng hàng Việt đem ra giải trình:

- Năm ngoái, khi đến trường Apollo phỏng vấn học sinh, khi ra lấy xe thì phát hiện mất giấy giữ xe. Bảo vệ như đúng quy trình giữ xe lại không cho tôi lấy. Gọi điện cầu cứu nhân viên Apollo vừa tiếp mình hồi nãy  thì họ làm như không quen biết (hãi thế đấy) Trình giấy tờ xe cùng CMND ra xong vẫn không giải quyết được. Bảo vệ cho 2 lựa chọn: để CMND lại lấy xe hoặc để xe lại mai quay ra lấy... Lý luận của họ là nếu người khác đem thẻ xe tới thì họ lấy xe đâu ra để giao... Đúng là đỉnh cao nhân loại luôn. Chủ xe dù có đầy đủ giấy tờ pháp lý vẫn không bằng miếng giấy nhỏ xíu có hiệu lực trong 24h... Đứng tranh cãi 1 hồi cuối cùng phải để CMND lại và tức muốn chửi thề vì cái sự "thông manh" của đám bảo vệ...

- Cách đây mấy ngày xách hộ khẩu, hộ chiếu của mami ra TT Mobifone để đăng ký thông tin sim. Cái sim này khi mua ở cửa hàng đã được đăng ký rồi, nhưng mà gia đình sống và làm việc theo pháp luật nên đi đăng ký để hợp thức hóa... Khổ nổi đến nơi thì nhân viên bảo là phải chính chủ sim đi đăng ký mới được.... đây là quy định mới. Về nhà gọi điện lên Mobifone lẫn gửi email thì câu trả lời vẫn vậy, còn được tư vấn thêm là làm giấy ủy quyền (cái này phải bò ra phường chứng) hoặc nhờ ai đó mạnh khỏe đi đăng ký giùm đi. Chúng tôi không giải quyết được.
Tại sao không có thủ tục đơn giản để hỗ trợ khách hàng lớn tuổi??? Tại sao dịch vụ mà chỉ tiện cho doanh nghiệp còn khó khăn dồn vào khách hàng????

- Cuối cùng là cái cty PA VN cung cấp domain và host. Khách hàng lên website xem thông tin, sau đó tải tờ đăng ký về điền thông tin, ký tên đóng dấu rồi đem lên cty nộp để mua domain. Đến nơi thì nó lại chìa ra 2-3 tờ khai bắt ngồi điền vô. Lần trước mua bị thế này rồi nên lần này cẩn thận gọi điện hỏi sao không để khách hàng tải hết mớ đơn đó về điền luôn mà lại bắt lên cty điền tay thì đươc giải đáp rằng "tại tờ khai trên cty có dấu mộc nên phải điền trực tiếp không cho khách hàng tải về được" Hỡi ôi ........ CNTT VN phát triển mạnh đến thế đó. Mắc gì lên cty PA rồi đóng cái mộc vô tờ khai của khách hàng luôn??? Đơn giản thế mà ...

Bởi vậy với trình độ tư duy nửa vời của doanh nghiệp VN như thế nên hỏi sao khách hàng không chạy sang các doanh nghiệp nước ngoài. Toàn là gây khó cho khách hàng, chỉ hơn được hành chánh công một tí tẹo... bước ra ngoài thì thấy chẳng bằng ai.

3 năm nay tôi có cơ hội tiếp xúc với khá nhiều dân CNTT, từ sinh viên đến nhân viên quèn đến giám đốc, cả những giám đốc vỗ ngực là người đầu tiên khai phá ngành thiết kế website... tôi thấy dân CNTT VN cao ngạo lắm, họ cho cái tôi họ lớn và chê bai những người khác, suốt ngày chỉ giỏi đi bới móc cái sai chỗ này chỗ kia thay vì tập trung để phát triển CNTT... tính ra cũng hơn 10 năm mà tôi chưa cảm thấy hài lòng với website do VN thiết kế hoàn toàn... luôn luôn có thiếu sót. Xem những website của nước ngoài thiết kế mới thấy sự vượt bậc của thế giới về mặc kỹ thuật, thiết kế và ý tưởng... cả tính tiện nghi và dễ sử dụng nữa. Gần đây nhất là khi sử dụng website về chỉ số thịnh vượng quốc gia http://prosperity.com/  và kiểm tra chỉ số hạnh phúc cá nhân http://www.myprosperity.com/ cảm thất rất hài lòng về dịch vụ chăm sóc của website, nội dung và tính năng tạo sự gần gũi, thân thiện và quan tâm đến khách hàng tối đa...

Dùng rồi lại ước ao chừng nào VN có được một website như thế này...

Lang man

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Đi lại trong thành phố : cơn ác mộng của cư dân đô thị lớn tại Việt Nam

Tình trạng kẹt xe tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được cảnh báo từ lâu, đã bắt đầu xuất hiện từ rất nhiều năm nay, nhưng ngày càng trở nên nặng nề, và càng lúc càng chi phối sinh hoạt cư dân tại chố. Các cấp chính quyền đã từng đề ra nhiều biện pháp giải quyết nhưng thực tế cho thấy là hiệu quả không cao.

Cảnh tắc đường ở khu vực phiá sau chợ Tân Định Sài Gòn(Ảnh : DR)

Cảnh tắc đường ở khu vực phiá sau chợ Tân Định Sài Gòn
(Ảnh : DR)

Du khách đến Việt Nam vào lúc này đều ngỡ ngàng trước tình trạng giao thông tắc nghẽn trong các đô thị lớn, không chỉ vào các giờ cao điểm, mà hầu như mọi lúc, mọi nơi. Trước đây, những ai có dịp qua Bangkok đều đã kinh hoàng trước tình trạng kẹt xe ở thủ đô Thái Lan, thế nhưng nạn ùn tắc lưu thông hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, được cho là khủng khiếp hơn Bangkok gấp bội.

Báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh gần đây đã nêu bật điển hình của vụ kẹt xe ghê gớm vào hôm 7/9 và nhất là vào chiều 21/9, khi mà cả trăm ngàn người đã bị kẹt cứng trong vòng 3 tiếng đồng hồ, trong lúc hầu hết các tuyến giao thông ở các quận nội thành đều bị tê liệt. Bên cạnh đó, báo trong nước cũng nhấn mạnh là từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xẩy ra gần 60 vụ kẹt xe lớn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban đêm đường phố Sài Gòn cũng vẫn đông nghẹt xe cộ(Ảnh : DR)

Ban đêm đường phố Sài Gòn cũng vẫn đông nghẹt xe cộ
(Ảnh : DR)

Đó chỉ mới là những vụ ùn tắc giao thông có quy mô lớn. Còn các vụ khác, nhỏ hơn thì đã trở thành chyện đời thường. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay ở Hà Nội, chỉ cần ra đứng ở một số trục lộ giao thông chính vào khoảng từ 6 gìờ cho đến khoảng 9 giờ sáng, hay từ 5 cho đến 7 giờ chiều là mọi người có thể cảm nhận ngay tính chất dữ dội của tình trạng giao thông tắc nghẽn.

Khối lượng xe tăng quá sức chịu đựng của hệ thống đường phố

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưu thông bị tắc nghẽn thì rất nhiều, nhưng tập trung vào hai điểm chủ yếu : Một là cơ sở hạ tầng đường xá tại các thành phố còn quá ít không đáp ứng kịp đà tăng vọt của những phương tiên chuyên chở, đặc biệt là các loại xe 4 bánh vốn chiếm dụng rất nhiều diện tích của lòng đường. Hai là thái độ thiếu tôn trọng luật lệ giao thông của những người sử dụng xe, như không tuân thủ các tín hiệu chỉ đường, không tôn trọng đèn xanh đèn đỏ, chạy ngược chiều...

Về vấn đề khoảng cách giữa hạ tầng cơ sở đường xá và số lượng xe lưu hành, Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 20/10 đã công bố một vài số liệu về Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rõ tình trạng này.

Vào cuối năm 2007, nhìn chung thành phố Hồ Chí Minh có hơn 3300 con đường, với tổng chiều dài hơn 3200 cây số. Tỷ lệ diện tích đường giao thông so với diện tích thành phố chỉ là 1,7%,  một mức quá thấp so với chuẩn mực quốc tế là từ 15% đến 25% để bảo đảm cho lưu thông.

Trong lúc cơ sở hạ tầng đường xá tăng rất chậm chạp, thì mật độ xe cộ lưu thông tăng vọt. Theo ghi nhận của Sài Gòn Giải Phóng, vào năm 2000 : thành phố chỉ có hơn 130.000 xe hơi, và gần 1,6 triệu xe gắn máy có đăng ký. Hiện nay con số này đã biến thành : 500.000 xe ô tô và 4 triệu xe gắn máy. Trước mắt đà tăng vẫn tiếp tục theo tốc độ 100 xe hơi và 3000 xe gắn máy mỗi ngày. Số liệu nói trên chưa kể đến khoảng 1 triệu xe gắn máy và 60.000 xe ôtô từ các tỉnh đổ vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh hai lý do cơ bản nói trên,  còn có một số nguyên nhân khác mang tính chất ''xã hội'', ví dụ như thói quen sử dụng xe riêng, ít dùng phương tiện chuyên chở công cộng như xe búyt.

Các "lô cốt" mọc lên góp phần làm tắc nghẽn giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài ra còn có những nguyên nhân có thể gọi là ''ngẫu nhiên'', trên nguyên tắc chỉ xuất hiện trong một thời gian nhất định, nhưng đã cộng hưởng với các yếu tố cơ cấu nói trên làm cho tình hình tắc nghẽn lưu thông trở thành khủng khiếp. Trong số những nguyên nhân này có thể kể đến triều cường hay những cơn mưa làm đường xá ngập nước. Nhưng nhức nhối nhất hiện nay là các công trình chỉnh trang trên đường phố, gọi nôm na là ''lô cốt'', đã xuất hiện đồng loạt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây.

Sự xuất hiện của các lô cốt đã làm cho giao thông vốn đã khó khăn lại càng cam go hơn vì đã thu hẹp hẳn lộ giới sử dụng. Tại một''lô cốt'' ở giữa đường Hai Bà Trưng chẳng hạn, có nhiều chiếc tắc xi khi lên vào kẽ để trống, đã chồm hẳn lên lề để chạy. Ngoài ra, do các công trình này, nhiều con đường trước đây chạy hai chiều đã trở thành một chiều gây khó khăn không ít cho người chạy xe. Đó là chưa kể đến tình trạng một số đoạn đường bi cấm hẳn.

Một chiếc lô cốt trên đường 3 tháng 2, quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh)(Ảnh : DR)

Một chiếc lô cốt trên đường 3 tháng 2, quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh)
(Ảnh : DR)

Các lô cốt đã xuất hiện từ năm ngoái, ai cũng tưởng là chỉ tồn tại trong thời gian ngắn thôi, nào ngờ cho đến nay vẫn còn đấy và có nguy cơ còn trụ lại thêm một thời gian nữa. Sự hiện diện lâu dài của các lô cốt trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh đã gây thắc mắc rất nhiều trong dư luận tại chỗ.

Ngoài những khó khăn do công việc chỉnh trang thành phố, nạn kẹt xe còn đến từ những người sử dụng xe. Một hình ảnh có thể đập mắt mọi người là ở khu vực trường ngoại quốc đường Tú Xương. Buổi chiều, hằng loạt chiếc xe hơi, nhất là loại 4x4 hay Lexus sang trọng đến đấy chờ đón học sinh. Các loại xe cồng kềnh này đã ''chiếm dụng'' hầu như toàn bộ lòng đường khiến cho không ai qua lại được nữa. Điều này tất nhiên tác hại đến giao thông không chỉ ở đấy mà cả ở những nơi khác.

Nạn kẹt xe làm thay đổi thói quan sinh hoạt của cư dân

Công việc di chuyển khó khăn trong thành phố đã ảnh hưởng đáng kể đền sinh hoạt của người dân. Tâm lý chung là tránh đi lại được chừng nào hay chừng đó. Ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, nếu co việc phải đi từ Tân Định lên Chợ Lớn, thì thông thường người ta bố trí công việc để giải quyết xong tại chỗ, tránh phải đi đi lại lại. Nhiều gia đình đã phải thay đổi nhịp độ sinh hoạt, sao cho tránh được tình trạng phải vướng vào những vụ kẹt xe, dạy sớm hơn để đưa con đi học sớm hơn, buổi chiều, khi tan sở, nếu giờ giấc không cho phép thì phải nhờ người khác.

Thời gian gần đây, do việc xuất hiện các lô cốt, lưu thông bị đổi chiều, giới tái xế tắc xi thường phải có thêm động thái là hỏi khách hàng xem có đồng ý đi đường vòng không, và như vậy trả tiền cước cao hơn. Giới xe ôm thì thích thú hơn, vì nhiều tuyến đường cấm hẳn xe 4 bánh, chỉ có xe 2 bánh qua được mà thôi. Trong trường hợp đó, đi tắc xi vừa phức tạp hơn, vừa tốn kém hơn vì phải đi đuờng vòng, trong lúc đi xe ôm thì tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc.

Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển hệ thống xe buýt(Ảnh : DR)

Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển hệ thống xe buýt
(Ảnh : DR)

Lẽ dĩ nhiên, trong thời gian qua, các giới chức Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng kẹt xe, như tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng tập thể như xe búyt, trong khi chờ đợi các hệ thống xe điện, xây dựng ''bùng binh'' ở một số giao lộ, cấm xe vận tải cồng kềnh đi vào thành phố trong ban ngày. Thành phố cũng tính tới những biện pháp như làm việc lệch giờ hay là hạn chế xe cá nhân...

Tựu chung, các biện pháp này vẫn chưa mang lại kết quả, và giao thông ách tắc vẫn là một cơn ác mộng cho cư dân các đô thị lớn tại Việt Nam, Tình hình ở Thành phố Hồ Chí Minh như kể trên trong một chừng mực nào đó cũng là những gì diễn ra ở Hà Nội.

Giao thông trong nội thành Hà Nội cũng "khủng khiếp"

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Vũ Thế Long, thuộc Trung tâm Hỗ trợ các Chương trình Phát triển Xã hội tại Hà Nội, một người quan tâm theo dõi vấn đề lưu thông trong thành phố cho biết :

Tôi sống ở nội thành Hà Nội và quả thật việc đi lại là mối lo ngại của tất cả mọi người. Khi có công việc đi đâu đó, mỗi lần đi đối với tôi là một lần khủng khiếp, vì tắc đường, vì hít khói bụi do động cơ xe máy, xe ô tô phà ra, đặc biệt là trong mùa hè. Cái chuyện người ta có thể đi bộ qua đường đươc hay không, đi xe máy, xe đạp an toàn hay không, là cả một vấn đề cực kỳ lớn mà hiện nay Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác, đang phải đối đầu.

Thế theo ý anh, nguyên nhân hay các nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông ?

Hà Nội giờ cao điểm(Ảnh : Reuters)

Hà Nội giờ cao điểm
(Ảnh : Reuters)

Tôi nghĩ là vì lưu lượng xe cộ đi lại trên đường phố và dân số tăng một cách đột biến, trong khi đó, đường phố không được triển khai và mở rộng. Cái nguyên nhân thứ hai là lượng xe lớn rất nhiều : ô tô lớn, ô tô nhỏ. Xe nhỏ còn lách được, xe to nằm ngang ra đó, tự nhiên tắc đường ngay. Cho nên theo tôi thủ phạm chính là ôtô. Ngay cả các đại lộ ở Hà Nội, như phố Hai Bà Trưng nơi tôi ở, đường rộng lắm, nhưng hai bên đường có xe ô tô đỗ, thì hẹp hẳn lại, hai chiều đi ngược nhau, chỉ cần một chiếc ô tô quay ngang là tắc cả đường.

Thế tại sao có nhiều ô tô như thế ? Tại vì những người cho phép bán hay sản xuất ô tô để tư nhân đi lại ở Việt Nam, đã không tính đến chuyện là có bao nhiêu đường, hay là ô tô sẽ chạy ở đâu. Tất nhiên xã hội phát triển cần có nhiều phương tiện đi lại, cần phải có xe hơi. Nhưng mà một cái xe hơi, diện tích mặt bằng nó chiếm bằng bao nhiêu chiếc xe đạp và xe máy ! Khi lưu thông, loại xe đó choán một diện tích rất lớn trên đường phố.

Tôi nghĩ một cách đơn giản, thủ phạm chính là sự phát triển xe 4 bánh một cách bừa bãi. Hiện nay thì người ta vẫn cứ xếp hàng mua xe 4 bánh, coi đó là một vật dụng sang trọng, là thước đo của giá trị, của những kẻ thành đạt, nhưng mà xét về mặt chiếm dụng không gian giao thông thì chính thủ phạm là những cái ô tô. Ô tô to, ô tô nhỏ mà nhảy vào các đường hẹp, đường bé thì sẽ gây tắc đường.

Thưa anh, bên cạnh đó còn nguyên nhân nào khác không ?

Điểm thứ hai là luật lệ giao thông của Việt Nam, có luật mà coi như không có luật. Bởi vì không có ai kiểm soát nổi thì luật lệ cũng vô ích. Có rất nhiều kẻ vi phạm luật lệ, không tôn trọng luật giao thông, luật tối thiểu để tồn tại trong một đô thị, cái luật ấy bị vi phạm, không tự giác thực hiện, nhất là trẻ con, không đủ điều kiện để đi xe máy cũng đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm, rồi lạng lách... Xã hội lên án rất nhiều nhưng không thể bắt được hết cả những trường hợp ấy. Hiện nay Công an cũng hết sức tìm bắt những trường hợp ấy, nhưng không xuể.

Giới quản lý giao thông đã đề ra những biện pháp nào để giảm ùn tắc ?

Tôi có đọc báo, có xem đài, xem tin tức trên mạng về giao thông, thì tôi biết là người đã tìm được rất nhiều giải pháp khác nhau. Có giải pháp đưa ra thì hiệu quả. Ví dụ như ở một số ngã tư mà hay tắc đường, người ta làm đường vòng, đường tránh, thay vì để hai luồng gọi là đối kháng với nhau. Có giải pháp nữa làm cái đảo giao thông mà ở miền Nam gọi là cái 'bùng binh' đó, ai đến đấy thì tự giảm tốc độ và tự đi vòng, cũng thoát ra được hơn là bị đèn xanh đèn đỏ rồi bị ứ lại. Đó lại một giải pháp thuần túy kỹ thuật. Hiện có có người nói rằng biện pháp đi vòng đó, vài tháng rồi nó cũng bế tắc. Tôi đang theo dõi xem kết quả ra sao.

Giải pháp nữa là người ta luôn luôn lập chiến dịch kiểm soát giao thông. Thế nhưng khi anh cảnh sát giao thông có mặt thì tốt, nhưng khi không có cảnh sát thì ý thức mọi người không còn được nghiêm chỉnh. Bản thân tôi bị xe đâm mấy lần, may không gẫy xương. Đèn xanh đến lượt mình đi thì có một anh cố tình vượt đèn đỏ. Cho nên cái luật giao thông phải được thi hành một cách triệt để. Phải trừng trị những kẻ vi phạm luật.

Bây giờ rộ lên cái gọi là văn hoá giao thông, nhưng mà chỉ văn hoá trên giấy, trên báo không, thì không được ! Phải có những thiết kế giao thông, muốn thiết kế thì phải có tổ chức giao thông.

Làm thế nào để giải quyết được vấn đề giao thông thì tôi nghĩ là cũng khó khăn lắm, bởi vì mình đã trót quá đà rồi. Giá mà ngay từ đầu có những biện pháp để hạn chế, bán xe máy vừa phải, hạn chế ô tô vừa phải, không bán nhiều hoặc có những chính sách  chế tài để giảm thiểu cho đến khi nào mà phát triển được hệ thống giao thông tốt hơn !

Bây giờ ta có quá nhiều phương tiện đi lại, mà đường thì luôn luôn hẹp. Chuyện tắc không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ là trên thế giới cũng vậy thôi.Tôi đã từng bị tắc đường ở Ý, ở Pháp. Tại Paris cũng có những ngõ hẹp như ở Hà Nội, thế nhưng tại sao ít tắc đường ? Kể ra họ cũng bị tắc nhiều, nhưng họ giải quyết được, vì có luật lệ đi cùng. Có nhiều người không đi ôtô mà đi tàu điện ngầm, đi xe búyt, rồi xe búyt thì có những tuyến riêng. Nhưng mà ở Việt Nam thì tôi thấy là mình đã mắc sai lầm rồi nhưng không học hỏi được kinh nghiệm từ những sai lầm đi trước.

Cách đây 20 năm tôi có dịp đi qua Bangkok, tôi thấy tắc đường, tôi sợ lắm. Tôi có nói với anh em, tôi sợ nhất là Hà Nội cũng thành Bangkok, bây giờ thì quả thực những chuyện ấy đã xẩy ra. Nếu như có tầm nhìn xa, thì người ta đã phải biết để tránh trường hợp Bangkok, để Việt Nam đi đường khác. Thế nhưng chúng ta đã đi theo cái sơ đồ khác của bên ngoài,  mà lại mắc phải cái trầm trọng hơn, và sửa cái đó thì không biết đến bao giờ mới sửa được. 

Tình hình đã nghiêm trọng như vậy rồi thì theo anh, ta phải làm gì ?

Tôi không phải chuyên gia về những chuyện này, nhưng tôi chỉ có mỗi một cách là vận động mọi người cố gắng trong những điều kiện như thế. Truớc hết là hãy chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ của nhà nước về giao thông : đèn xanh đèn đỏ thì dừng lại, đi đúng làn đường của mình, không tranh nhau, đi phải đội mũ..v..v.. Như thế, ít nhất ta hạn chế được tai nạn, góp phần giảm nhẹ tính trạng tắc đường, chứ còn với lưu lượng người đi lại như thế, với các phương tiện như thế, với đường xá như thế, thì chuyện tắc là cái chuyện bất khả kháng. Chẳng nhẽ bây giờ ta thôi, không đi lại nữa, ở nhà không đi đâu cả ? Đó là vấn đề khó khăn.

Còn đầu tư vào làm xe điện ngầm, xe điện nổi, cái đó cũng tốt, nhưng mà tôi sợ là phải vài thế hệ nữa mới may ra mới làm được, nhưng mà đâu tư vào đó cũng là tiền, phải đi vay, phải trả. Thế thì cái vay, cái trả, và cái lợi ích nằm ở đâu, đấy cũng là vấn đề. Dân cũng có lợi, nhưng cuối cùng thì mỗi người cũng phải bỏ tiền túi ra để làm cái đó. Nhưng mà thà có còn hơn không. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là chuyện xa vời, không biết bao giờ mới xong được.

Thú thật là nhìn giải pháp giao thông Việt Nam, tôi thấy có rất nhiều điều bất cập và rất mong là nhiều nhà khoa học cùng nhau bàn, và nhũng người xử lý luật pháp và những người tổ chức cùng nhau nghe ngóng, cùng nhau tìm hiểu, cùng nhau thí điểm để tìm ra biện pháp, có thể tạm thời như là những cái đảo tròn để người ta tránh đèn xanh đèn đỏ đở tắc, hoặc là đi vòng đi vèo như những tháng rồi ở Hà Nội, thì nó cũng giảm được. Chứ còn đây là một căn bệnh, muốn chữa được, đòi hỏi phải có đầu tư và phải có nhiều giải pháp đồng bộ may ra mới giảm được, chứ còn đã mắc vào rồi thì khó mà chữa được.


Trọng Nghĩa


http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5459.asp


Bài đăng ngày 26/10/2009

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Xây nhà hỗ trợ các giáo sư về nước làm việc


Hình chỉ mang tính minh họa, nguồn: google

Nhà nước đưa ra chủ trương thu hút người Việt tài giỏi về VN làm việc mấy năm nay. Nhiều báo chí trong nước cũng như các nhà trí thức đã có nhiều thảo luận quanh đề tài này. Tới nay thì ý kiến đóng góp vẫn là ý kiến, còn chủ trương thì vẫn là chủ trương trên giấy, tình hình vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều.

Mọi người bàn về cơ chế, môi trường làm việc, ưu đãi, cơ sở vật chất, tiền lương, thăng tiếng... nói chung là chế độ đãi ngộ... mình cũng trộm nghĩ vài điều trong lúc đọc blog GS TS Trần Văn Tuấn khi nhàn rỗi...

Thông thường các nhà nghiên cứu khoa học nghèo, thu nhập chỉ đủ sống chứ cũng không dư dả gì mấy. Họ dành tất cả thời gian để nghiên cứu, giảng dạy, cống hiến cho khoa học. Nói vậy để đề xuất thêm trong chánh sách ưu đãi cần thêm thứ tối thiểu là nhà ở cho các nhà nghiên cứu.

"An cư" mới "lạc nghiệp" được chứ! thiết nghĩ chánh phủ hay chánh quyền địa phương nên dành ra một khu đất dành cho những nhà khoa học, giáo sư được mời về VN làm việc. Tùy địa phương mà khu đất đó nhỏ hay lớn.

Khu nhà ở được chia thành 2 khu vực chánh:

Khu nhà biệt lập dành cho các giáo sư về định cư hoặc giảng dạy lâu dài từ 3 năm trở lên. Mỗi người sẽ được 1 căn nhà nhỏ gồm phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc, nhà bếp và nhà vệ sinh. Nên có loại nhà 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ, 3 phòng ngủ dành cho người độc thân, người có gia đình... mỗi căn nhà sẽ nằm trong khu vườn nhỏ xinh xắn và cách nhau vài mét để có sự biệt lập. Nếu GS giảng dạy và làm việc liên tục ở Việt Nam liên tục từ 20 năm trở lên sẽ được sở hữu chánh thức căn nhà.


Khu nhà chung cư dành cho các giáo sư về giảng dạy trong thời gian ngắn dưới 3 năm. Được xây dưới dạng chung cư 4, 5 tầng có thang máy và chia 2 khu nam nữ riêng biệt. Mỗi căn hộ cũng có đầy đủ phòng ngủ, phòng làm việc,.... và dĩ nhiên diện tích sẽ nhỏ hơn nhà biệt lập.

Về tiện nghi thì khu biệt lập và khu chung cư đều có tiện nghi giống nhau. Mỗi căn hộ đều được cung cấp đầy đủ điện, nước, gas, Internet băng thông rộng, truyền hình cáp. Phòng được trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, máy lạnh, cửa sổ có rèm, giường ngủ, bàn ghế, kệ sách, tủ quần áo (có cả móc áo), trong bếp có cả bộ chén đĩa muỗng đũa, tủ lạnh, tivi......

Ngoài ra còn có trung tâm giặt ủi quần áo, dọn dẹp vệ sinh, siêu thị mini, bảo vệ, chăm sóc cây cối hoa lá trong khu nhà ở...

Lưu ý là trồng nhiều cây xanh để tạo không khí trong lành cho khu nhà.

Nếu như các địa phương hỗ trợ các nhà khoa học nơi ở tiện nghi cơ bản như vậy thì dẫu tiền lương không cao mấy thì các giáo sư cũng đồng ý quay về cống hiến cho nền khoa học nước nhà.

Thực ra cái ý tưởng này chẳng có gì mới cả, các nước phương Tây, Mỹ cũng như các nước trong khu vực đã áp dụng từ lâu. Còn quan chức VN hết đi học hỏi kinh nghiệm đến hô hào lung tung thì đến nay vẫn chưa làm gì cả.

Đây chỉ là 1 phần nhỏ trong nhiều vấn đề khác mà rất nhiều người đã đề cập đến. Nói thì nói vậy nhưng đây cuối cùng chỉ là ý tưởng trong mơ không thể thực hiện được.

Thôi thì thôi ta cứ mơ cho đời tươi đẹp

Tổng kết quý 3 và cuối năm

Kết thúc quý 3 năm 2009, bạn Hân lại già thêm một tuổi (thật khủng khiếp) và cực kỳ lãng phí thời gian vì chẳng làm được việc gì ra hồn.

Tất cả dự án ấp ủ đều bị phá sản, đi thi thì rớt, đăng ký đi học thì bị trễ nên cuối cùng thất học luôn, công việc thì tham gia công ty hay dự án nào cũng vô cùi bắp.... Tình hình các mối liên hệ thì hầu như chỉ phát triển thêm bạn bè mới trên mạng, một số mối liên hệ bị mất tích, bạn bè ở ngoài thì suy nghĩ của mình với họ nằm trên 2 con đường khác nhau nên không hòa hợp. Vì vậy năm nay hạn chế tối đa những cuộc gặp chán phèo mà thời gian chờ đợi thường dài như cao su, hạn chế đi dự những buổi tiệc cưới, tránh đến những nơi mình không thích...

Nói chung là 1 năm vô cùng thất bại.

Chỉ được cái là lang thang lung tung trên mạng, có thời gian đọc và tìm hiểu nhiều kiến thức hay của các học giả, giáo sư uyên bác.... "bị" biết nhiều hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa về tình hình lịch sử xã hội...

Đây là cái tội biết nhiều của kẻ nhàn cư vi bất thiện, tiền ko có chỉ có những thứ linh tinh

Sang năm sẽ cố gắng hơn, hy vọng sẽ tìm được bến đỗ an toàn để hết sức cống hiến, học hỏi và làm việc........... (trên hết là kiến được nhiều tiền)

18h ngày 26.10.2009

Xã hội VN sau 1975 qua hồi ký học giả Nguyễn Hiến Lê

Học giả Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương nỗ lực tự học đáng kính, người để lại gia tài kiến thức đồ sộ cho nền nghiên cứu Việt Nam. Tôi được biết đến Nguyễn Hiến Lê lần đầu qua cuốn hồi ký của ông mượn trong thư viện. Tuy chỉ đọc một lần và chưa đọc trọn vẹn cuốn hồi ký nhưng trong thâm tâm tôi lúc nào cũng ngượng mộ học giả đáng kính này.

Trong số những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê mà tôi đã mua, cuốn sách tôi yêu thích nhất là "Dạy con theo lối mới", tuy được viết cách đây hơn 50 năm nhưng khi đọc tôi thấy rất gần gũi và thời sự... lại còn tân tiến hơn cả quan niệm giáo dục lỗi thời của xã hội Việt Nam hiện nay. Nếu như tư tưởng của cuốn sách được áp dụng rộng rãi thì trẻ em Việt Nam sẽ phát triển tốt biết bao.

Tình cờ xem trên blog GS BS Nguyễn Văn Tuấn đọc được tài liệu mà trong cuốn hồi ký Nguyễn Hiến Lê ở VN đã lượt bớt như một minh chứng cho những ngày tháng lịch sử. Sự thật hay không? thời gian sẽ trả lời

Link nguồn:
http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=2522
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2008/07/hc-gi-nguyn-hin-l.html

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) sinh tại Hà Nội, nguyên quán ở Quảng Oai, Sơn Tây (Hà Tây). Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh (1934), được điều vào Nam Bộ công tác. ở đây ông đã viết văn và nghiên cứu văn hoá. Là tác giả và dịch giả của 122 tác phẩm, 250 bài báo và 23 đề tựu cho công trình các bạn bè, Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương lao động miệt mài và có khoa học trong lĩnh vực truyền bá văn hoá.

.........

Thân phụ Nguyễn Hiến Lê là con út, tên Bí, hiệu Đặc Như, có chút tính nghệ sĩ, ham chơi, học kém hơn các anh, dạy con rất nghiêm khắc. Nguyễn Hiến Lê là trưởng nam, sau ông còn một em trai, hai em gái. Trước ngày Nguyễn Hiến Lê chào đời, ông Đặc Như nằm mộng, thấy cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy đến trao cho quả lê, vì thế đặt tên con là Hiến Lê (hiến tặng quả lê). Mẹ Nguyễn Hiến Lê tên Sâm, sớm mồ côi cha, mẹ bà làm lược nuôi con. Bà Sâm không biết chữ, rất đảm đang, biết dạy con. Bà và người anh chồng (ông Phương Khê) đã sớm ảnh hưởng rất nhiều đối với sự nghiệp của Nguyễn Hiến Lê sau này.
............
Đời ông bảy mươi ba năm, từ ấu thơ cho đến khi quay lưng đi vào cõi vĩnh hằng, đã kinh qua biết bao nỗi thăng trầm bi tráng của lịch sử một đất nước chiến tranh ly loạn triền miên. Nhưng ông đã tự chọn cho mình một con đường tu thân, tu đức, trau giồi học vấn không ngừng. Ông miệt mài đem trí tuệ mẫn tiệp, sức học uyên bác, lương tri và tâm huyết... để bằng nghị lực phi thường lướt qua những bệnh tật đeo đẳng tấm thân mảnh khảnh, và đã lặng lẽ nuốt nỗi khổ riêng vào tận đáy lòng, để cho những dòng chữ lời văn của ông mãi mãi chỉ tinh tuyền là hương thơm vị ngọt và vẻ mỹ miều của một tình yêu quê hương đằm thắm và một lòng nhân ái kín đáo
...............

Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau năm 1975 qua cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê

Lời nhà xuất bản trong mấy trang đầu của cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê do Nhà xuất bản Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần thứ sáu, năm 2006, có viết như sau:

“Ngòi bút của Nguyễn Hiến Lê, tâm hồn và con tim Nguyễn Hiến Lê ngay từ đầu đã thuộc về nhân dân, những người lao động, những ai cực khổ, bần hàn và bất hạnh. Niềm tự hào về dòng giống, tổ tiên và nỗi đau về dân tộc trước những cuộc ngoại xâm đã kéo Nguyễn Hiến Lê, một nhà văn luôn ý thức lánh xa những gì phù phiếm như chức tước, địa vị và sự giàu sang không lương thiện xích gần với Cách mạng và tự coi mình là người của Cách mạng, bởi lẽ dễ hiểu, những điều Cách mạng đang làm cũng chính là mơ ước của ông.”

“Trên tinh thần tôn trọng một học giả nghiêm túc và được nhiều người mến mộ, kính nể ấy, Nhà xuất bản Văn học trân trọng giới thiệu cuốn hồi kí của ông. Tuy là hồi kí một người, một nhà văn, nhưng qua đấy người đọc cảm nhận được xã hội Việt Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược mà nét hào hùng lẫn những vệt máu và nước mắt vẫn còn thấm đẫm mới rọi trên từng trang sử của dân tộc chúng ta. Từng sự kiện, từng con người (từ nhà chính khách cho đến nhà văn…) đều được cách nhìn Nguyễn Hiến Lê soi rọi và đánh giá.”

“Vì tác giả đã mất, Nhà xuất bản không thể cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập, chúng tôi chỉ lược bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm.”

Những đoạn bị “lược bớt” là (viết nghiêng):

Cảm tình của tôi với kháng chiến

Tôi vốn có cảm tình với Việt Minh, với cộng sản; ghét thực dân Pháp, Mĩ, nhất là từ 1965 khi Mĩ đổ quân ào ạt vào miền Nam; tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mĩ. Tôi phục tinh thần hi sinh, có kỉ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp.

Chế độ mới

Ai cũng biết chế độ cộng sản là chế độ độc đảng, chuyên chế của giai cấp vô sản… Họ nắm hết cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nếu trong nước có đảng dân chủ, đảng xã hội thì những đảng này cũng phải theo đường lối của đảng cộng sản, không thể độc lập, đối lập được… Bất kể việc lớn nhỏ gì cũng do đảng quyết định hết, cơ quan nào dù lớn, quan trọng tới mấy cũng chỉ có việc thừa hành.

Dưới đây tôi ghi vắn tắt những điều tôi thấy về chế độ cộng sản ở miền Nam. Tôi không chép nhật kí, mà kí tính tôi mấy năm nay suy; tôi lại chỉ sống ở Sài Gòn, giao du ít, nên nhận xét của tôi chắc chắn là thiếu sót, có thể sai nữa, sai nhiếu nhất là năm, tháng. Tôi sẽ ráng giữ tinh thần khách quan và trung thực.

Hành chánh

Tổ chức

Một gia đình (cha mẹ, con cái, anh em, bà con…) ăn chung, ở chung với nhau thì thành một hộ… Ba bốn chục nhà (thường gồm bốn năm chục hộ) họp lại thành một tổ… Tổ trưởng là gạch nối giữa chính quyền và nhân dân, loan báo chỉ thị của chính quyền xuống nhân dân, đạo đạt nguyện vọng của nhân dân lên chíng quyền… Tổ trưởng thường ít học nên hay nói, nói dai, đáng lẽ 15 phút xong thì kéo dài cả giờ, giờ rưỡi, mất thì giờ của dân…

Và hãy đọc một chuyện vui về “cán bộ ba d.” của ông:

Thỉnh thoảng lại có buổi học tập chính trị do cán bộ, thường là công an tới giảng cho 5-6 tổ gồm trên trăm học viên… Trình độ văn hoá của cán bộ chỉ vào hạng có tiểu học, bài học rất chán, mà cũng có một số người vỗ tay khen, có khi chưa hết câu đã vỗ tay, khiến cho các học viên miễn cưỡng vỗ tay theo. Trò đó có vẻ lố bịch, sau dân chúng phá bằng cách đáng lẽ chỉ vỗ tay một thì họ vỗ tay hai, kéo dài ra, bọn nịnh kia thấy ngượng phải bỏ… Tôi nhớ lời này của một bạn ở Hà Nội vào: “Bọn cán bộ đó nói dài, nói dai, nói dở, gọi là cán bộ ba d.”

Nhiều tổ họp thành một khóm… Phường có công sở lớn, nhiều phòng: hành chánh, y tế, giáo dục, kinh tế, công an… dân trong phường bầu đại diện, đại diện lại bầu một hội đồng nhân dân, chủ tịch hội đồng này là phường trưởng. Cách thức bầu cũng như bầu quốc hội. Đảng lập danh sách những người Đảng cho phép ứng cử… và dân chỉ được bầu cho những người đó. Chỉ là vấn đề hình thức. Dân đi bầu khắp mặt cho xong việc, không cần biết kết quả ra sao. Ứng cử viên chẳng cần ra mắt quốc dân. Riêng tôi suốt 5 năm không thấy mặt ông chủ tịch uỷ ban nhân dân phường một lần nào, hai lần xin gặp mặt thì cô thư kí bảo ông ấy đi vắng cả hai… Trên phường là quận… Trên quận là thành phố… do nhân dân trong tỉnh bầu lên theo cách thức đã kể trên.

Sở nào cũng rất nhiều nhân viên mà công việc thì ít, vì giám đốc sở nào cũng đưa người thân hay người quen vào làm. Người ta gởi gắm lẫn nhau. Một cán bộ cao cấp chủ nhiệm hay phó chủ nhiệm một tờ báo nọ có lần bảo tôi, tờ báo của ông ta có non 100 nhân viên (trước ngày 30-4-75 một tờ báo như vậy chỉ có vài chục nhân viên mà lại nhiều trang, nhiều bài hơn), dư người rồi; vậy mà sáu tháng sau khi ông ta giao lại toà soạn cho một cán bộ khác, thì số nhân viên đã tăng lên tới 170; có những “kí giả” tới toà soạn mà chẳng có việc gì làm, nói chuyện láo một lúc, sửa một cột ấn cảo rồi đi dạo phố hoặc về nhà, tự thẹn mang tiếng kí giả mà cả năm không hề viết một hàng chữ cho tờ báo.

Nhân viên càng nhiều, công việc lại càng bê bối. Vì cái nạn bè phái tranh giành nhau, dẫm chân lên nhau, không ai chịu trách nhiệm cả, ai cũng đùn công việc cho người khác.

Tinh thần nhân viên

Đa số công sở rất dơ dáy, lộn xộn, nhân viên nấu ăn ngay trong phòng giấy. Vào nhiều công sở ta có cảm tưởng vào những nhà việc ở thôn quê Nam Việt nửa thế kỉ trước: có 3-4 bàn giấy nhưng chỉ có hai nhân viên ngồi nói chuyện phiếm bên một bình trà, mấy cái chén, chỉ khác là có thêm một bình điếu thuốc lào. Nhân viên tới giờ nào thì tới.

Đói thì không làm việc được, công việc bê trễ, người ta chán nản, xin thôi… Xin thôi không được thì người ta cứ ngang nhiên bỏ sở; hoặc ở lại thì làm tà tà, lấy lệ… Có kẻ ỳ ra không làm gì cả.

Hình như người ta không có một kế hoạch, chương trình gì cả, ra lệnh rồi phản lệnh liền liền mà tới giờ chót mới thông báo cho nhân viên hay; máy móc mua về đủ rồi mà vì lẽ này lẽ khác, không dùng tới, để cho nó sét. Rồi còn cái tệ dưới không tuân lệnh trên, một phần do tinh thần bè phái, một phần do chính sách địa phương tự trị… Đó là cái nạn cán nặng hơn gáo.

Tôi không kể những cái bê bối trong công sở: đánh mất hồ sơ, thụt két, ăn cắp của công, kho vật liệu không có sổ sách, cứ ít tháng lại thấy mất đồ mà không tìm ra được thủ phạm, v.v…, vì nếu kể thì dài quá.

Tỉnh huyện lập ra nhiều cơ quan quá thì phải xây cất thêm nhiều, tịch thu nhà cửa đất đai của dân. Theo hiến pháp, tư sản được tôn trọng. Chỉ bọn tư bản bóc lột, một số nguỵ quân nguỵ quyền có tội nặng và những người vượt biên “chui” (lén) mới bị tịch thu nhà cửa. Nhưng một số cán bộ nhỏ muốn dâng công hoặc vì tư thù, tư lợi, tịch thu bừa bãi nhà cửa, đồ đạc của dân… Còn các gia đình có mặc cảm tội lỗi thì đành chịu ức hiếp: đương đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra đường để chúng chiếm nhà. Tệ đó gây bao phẫn uất trong dân chúng, các ông lớn ở trung ương có biết cho không?


Cán bộ cao cấp và trung cấp còn biết những sở đoản của chế độ, lẽ nào các nhà lãnh đạo và đảng không biết. Tôi cho rằng người ta biết đấy, nhưng đó là bệnh cố hữu (inhérent) của chế độ, không thể chữa được, trừ phi có một cuộc thay đổi lớn lao mà không ai dám nghĩ tới.

Ngân hàng - Hưu bổng - Đổi tiền

Công việc đầu tiên của chính quyền 30-4-75 là chiếm hết các ngân hàng, các sở ngân khố. Không còn ngân hàng của tư nhân mà cũng không còn sở ngân khố…

Ai gửi tiền ở ngân hàng quốc gia mà mua công khố phiếu (tức quốc trái, được lời nhiều hơn là gửi ngân hàng tư: 30% mỗi năm, chứ không phải là 24%) thì chính phủ không trả cho đồng nào hết, vì đó là nợ của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, mà Thiệu đã lưu vong, ôm hết quí kim đi rồi. Nhiều người ở trong trường hợp đó.

Nhà tôi buồn vì chính quyền không cho lãnh tiền hưu bổng (khoảng 30 đồng mới, 15.000 đồng cũ một tháng) mà không cho hay ngay, cứ làm thinh, bắt mỗi tháng lại sở hưu bổng hỏi han, chầu chực, như vậy hai năm, tới khi thấy người ta hạ cái bảng tên sở đi mới tuyệt vọng, không trông vào số tiền dưỡng lão đó nữa.

Còn hoàn cảnh của những nạn nhân khác thì sao?

Biết bao người ở trong trường hợp đó, nhiều người nghèo không trông cậy vào đâu được, phải tự tử. Có người đã mất hết số tiền và tư trang gởi ngân hàng, rồi lại mất luôn tiền hưu trí, hoá điên.

Chính sách đổi tiền của chính phủ càng thất nhân tâm hơn nữa. Vụ đổi tiền thứ nhất xẩy ra tháng chín hay tháng mười 1975, và xẩy ra rất đột ngột. Sáng sớm hôm đó dân chúng mới hay rằng phải đổi tiền nội trong 24 giờ và mỗi người dân già trẻ lớn bé được đổi một số tiền là bao nhiêu đó tôi quên rồi, chỉ còn nhớ số tiền này như gia đình tôi chỉ đủ tiêu trong một tháng hay tháng rưỡi là cùng… rất nhiều người phẫn uất, tuyệt vọng; có người tự tử, có người đốt hằng thúng giấy bạc, hoặc từ trên lầu vãi giấy bạc xuống đường, không ai thèm lượm; ở Mỹ Tho, nhiều tiệm Trung Hoa thồn giấy bạc vào cà roòng, thả trôi sông.

Ba năm sau, năm 1978 lại đổi tiền một lần nữa, mà lần này ở khắp nước. Cũng đột ngột, cũng hạn chế số tiền được đổi, nhưng có tổ chức hơn, đỡ khổ cho dân… Vụ đổi tiền năm 1978 làm Bắc Việt xôn xao cũng bằng ở trong Nam, và cũng có đủ các tệ như ở Nam… Lần này người ta biết tin trước vài ngày: ai có nhiều tiền (ở Bắc cũng như ở Nam) cũng tung tiền ra mua vàng, xe đạp, vải, tủ lạnh, chén đĩa, bất kì thứ gì với bất cứ giá nào… Có người không biết mua gì, năn nỉ hàng xóm để lại cho con gà, con vịt. Người nghèo có từ nải chuối trở đi cũng đem đi bán. Ở Bắc có kẻ nhiều tiền quá thồn cả vào một cái bao, chở trên xe đạp, đến một chỗ vắng, làm bộ đánh rớt xuống đường rồi phóng đi như bay. Hạn chế, kiểm soát rất gắt, vậy mà ở Hà Nội ngay tối đêm mới đổi tiền, công an lại xét một nhà thấy một số tiền gấp trăm số gia đình đó được phép đổi. Và chính phủ cũng phải làm ngơ.

Sau một phần tư thế kỉ được giáo hoá mà như vậy thì chúng ta phải kết luận ra sao? Có chế độ nào thay đổi được bản tính con người trong một hai thế kỉ không? Bao giờ mới đào tạo được con người xã hội chủ nghĩa để họ xây dựng xã hội chủ nghĩa đây, như Hồ Chủ tịch nói?

Nông nghiệp

Về nông nghiệp, hai nước cộng sản đàn anh Nga và Trung Hoa đều thất bại. Sau 60 năm làm cách mạng, Nga vẫn thiếu lúa mì, phải mua của Mĩ, mà đất đai Nga Xô rất rộng chứ; Trung Hoa thì sau 30 năm, dân vẫn thiếu gạo, thiếu thịt.

Ông thầy của chúng ta đã thất bại thì ta làm sao không thất bại được?... Hỏi thăm các bạn ở Bắc, ai cũng bảo hợp tác xã nông nghiệp ngoài đó, xét chung, thất bại, chỉ trừ một vài nơi ở Thái Bình… Trong nhiều hợp tác xã còn đất bỏ hoang, vì khó khai phá, không có lợi… Ở trong Nam mấy năm đầu dân phải đóng thuế nặng, lúa bị thu mua nhiều quá với giá rẻ mạt, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng nhớt lại bị cán bộ ăn cắp bán chợ đen v.v… Do đó nông dân chán ngán, không ham sản xuất.

Chúng ta đừng nên quá tự tín, tự hào, mà nên so sánh nước mình với các nước láng giềng cũng nông nghiệp như mình, đất rộng cũng như mình, tức Thái Lan, Miến Điện… Quá tin ở sự khai phá đất hoang lại càng không nên.

Tóm lại tôi nghĩ rằng hoà bình trở lại, lo sản xuất lúa gạo để đủ nuôi dân đã là may, không mong gì làm giàu được. Năm 1975 tôi trình bày lại ý đó với một cán bộ cách mạng, họ cho tôi là bi quan, bảo: “Dân tộc mình thắng được Mĩ, hùng cường thứ nhì Đông Á, chỉ 5 năm nữa thì kinh tế mình sẽ thịnh, hai chục năm nữa sẽ đuổi kịp Nhật rồi vượt họ.”… Có những người dễ tin bánh vẽ quá. Họ thật sung sướng, tối chắc ngủ ngon.

Một nguyên nhân thất bại nữa của chính sách nông nghiệp là thiếu kĩ thuật gia giỏi… từ ngày 30-4-75, các công tác thuỷ lợi hầu hết do các cán bộ nông thôn mới học hết cấp I (hết tiểu học) điều khiển. Các đồng chí ấy bất chấp kinh nghiệm của nông dân, đã dốt mà lại độc đoán… Cán bộ của mình không được học, không biết tính toán gì cả (một cán bộ tài chánh xã mà không biết chia 72 cho 24), mạnh làng nào làng ấy đào, chẳng hề xét hậu quả gì bất lợi cho làng bên hay không; và kết quả nhiều khi trái ngược với ý muốn… Người ta đào kinh rất nhiều, miền nào cũng khoe đào được mấy chục con kinh, mấy trăm cây số kinh trong một mùa nắng. Có tốn kém gì đâu. Chỉ cần bắt thanh niên làm xâu, làm càng nhiều càng được tiếng “vinh quang”. Tới nỗi có miền dân phải ta thán, đặt ra câu ca dao này:

Mồ cha thằng Thiệu dời dinh,
Để tao ở lại đào kinh suốt đời.

Tập cho thanh niên lao động chân tay, góp sức vào việc kiến thiết quê hương là điều tốt, nhưng người ta phí sức dân quá. Dân do đó thấy tủi cho thân phận mình: trong thời chống Pháp, chống Mĩ, dân hi sinh cho anh em kháng chiến, bây giờ bị coi như nô lệ.

Phân phối

Xuất cảng chỉ còn than đá, xi măng, cao su – hơn hay kém trước tôi không biết - những hàng lặt vặt như bia, đồ hộp, tranh sơn mài, tôm… thì không đáng kể, mà mỗi năm một suy như đã nói ở trên. Nhập cảng cũng rất ít vì thiếu ngoại tệ, cho nên thứ gì cần lắm như xăng, nhớt, bột mì, máy móc mới bất đắc dĩ phải nhập khẩu; ngay đến dược phẩm cũng đành chịu thiếu thốn.

Đánh tư bản

Hồi 30-4-75, ai cũng biết tư bản sẽ bị đập, thương mãi bị dẹp. Cho nên khi chính quyền ra lệnh các nhà buôn, nhà kinh doanh có môn bài, cửa tiệm phải đăng kí (kê khai), còn những thứ hàng nào, mỗi thứ bao nhiêu, giá bao nhiêu… (các người cho thuê nhà cũng phải khai) thì những người thức thời làm bản kê khai rồi tặng chính phủ. Trái lại, một nhà xuất bản và nhà sách khác lớn hơn nhiều, tin rằng mình làm ăn đứng đắn, quen nhiều nhà văn cách mạng, sẽ được yên, nên chỉ tặng chính phủ một phần nhỏ tài sản thôi và rốt cuộc mất gần hết nhẵn mà lại phải đi cải tạo mấy năm…

Chiến dịch kiểm kê đầu tiên để đập tư bản xẩy ra cuối năm 1976. Chính phủ đã chuẩn bị kĩ lưỡng, dùng rất nhiều sinh viên, thanh niên, nhốt họ trong trường hay trong cơ quan, không cho về nhà, không cho tiếp xúc với người ngoài, dạy cho họ trong một tuần (?) cách thức kiểm kê ra sao, phát giác những chỗ giấu đồ ra sao - nhất là vàng, kim cương - của bọn tư bản. Thành phố xôn xao dữ dội… Sau vụ đó, một số người bỗng hoá ra giàu. Hậu quả là tài sản của giới này chuyển qua giới khác một phần lớn, chính phủ được hưởng một phần nhỏ.

Phân phối nhu yếu phẩm

Năm 1975, trong nước còn nhiều sản phẩm nên mỗi tháng mỗi người dân ở thành phố được mua đủ gạo ăn, một hay nửa kí đường, một ít thịt cá, xà bông, dầu lửa…

Năm 1979, sản phẩm trong nước cạn dần, chính phủ phân phối cho dân được rất ít: gạo, bo bo, mì sợi may ra còn được đủ, còn những thứ khác thì năm thì mười hoạ mới được một chút ít… nhưng hạng cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn riêng, có “bìa”, thì được phân phối quá đầy đủ…

Đó là chính sách chung của các nước trong phe chủ nghĩa xã hội… Việt Nam y hệt Nga và còn thua Trung Hoa một bực. Ở Trung Hoa, Mao chia giới cán bộ thành 30 cấp (thời Chiến quốc, Trung Hoa chỉ có 10 cấp thôi, theo sách tả truyện), mỗi cấp có tiêu chuẩn, đặc quyền riêng...

Giáo dục – văn hoá

Giáo dục

Chính quyền rất coi trọng giáo dục, mở rất nhiều nhà trẻ, trường học từ mẫu giáo tới đại học. Giáo dục mới đầu hoàn toàn miễn phí, do đó có vẻ rất bình đẳng. Ở đại học, sinh viên nào cũng được trợ cấp mỗi tháng 18 đồng, tuy không đủ, nhưng cũng đỡ cho cha mẹ. Dĩ nhiên phải như vậy, nếu không thì không ai cho con học đại học được. Các đồng bào thiểu số cũng được dạy dỗ như người Kinh, đó cũng là điểm đáng khen nữa.

… sách giáo khoa mà sai – và vẫn thường sai - chẳng hạn bảo Sài Gòn nằm trên bờ sông Cửu Long thì tất cả các giáo viên cũng phải dạy sai như vậy, không được phép sửa; rồi báo cáo lên ti, ti lên bộ. Chỉ có bộ mới có quyền sửa sai, và phải hai ba năm sau, in sách mới, người ta mới sửa. Tôi thấy kì cục quá, không tin nổi, năm sau hỏi một giáo sư đại học Hà Nội, ông xác nhận là đúng: cái gì Bộ Giáo dục in thì phải coi là pháp điển, phải tuân theo triệt để.

Tôi hiểu chính sách của người ta rồi: luyện tinh thần kỉ luật, làm tiêu ma óc phán đoán, ý chí cá nhân; và tôi không trách một đứa cháu tôi ở Hà Nội, một cán bộ cao cấp, vào hạng trí thức, năm nay trên 60 tuổi, có tú tài Pháp hồi thế chiến thứ nhì mà không có một chút tinh thần phê phán nào hết, trên nói sao thì tin vậy, đúng như người Pháp nói; có thể “avaler touts sorts de couleuvres”.

Muốn vô đại học thì sức học không quan trọng bằng lí lịch… Ra trường chắc chắn được bổ dụng… Thủ trưởng bắt làm gì cũng phải làm: cán sự điện tử mà làm lao công, dược sĩ mà giữ kho… Vì tất cả những lẽ trên, ở Nam thanh niên chán học, số học sinh lớp 12 kém xa năm 1974…

Một điểm tấn bộ là chính quyền mở nhiều lớp bổ túc văn hoá cho công nhân viên, cán bộ… Có đủ các cấp I, II, III. Vài cán bộ y sĩ, dược sĩ bốn năm chục tuổi, thời kháng chiến không được học, nay học bổ túc từ lớp tư, lớp năm… Học xong mỗi khoá phải thi. Nhưng thi rất dễ. Nghe nói có thầy đọc câu trả lời cho thí sinh chép, vì bắt những cán bộ mấy chục tuổi đảng thi lại hoài thì cũng kì, mà lại bị cấp trên trách là không biết dạy. Tiện hơn hết là cho đậu bừa đi. Ai cũng biết đó chỉ là hình thức. Có dược sĩ trình độ mới tới lớp tư, học rút trong hai năm hết lớp 10, như vậy đủ rồi. Một nhân viên công an cấp cho tôi giấy phép đi đường một tháng mà đề từ 31-1 đến 31-2-1980.

Văn hoá

Một trong công việc đầu tiên của chính quyền là huỷ tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của Bộ Văn hoá nguỵ, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt.

Năm 1975, Sở Thông tin Văn hoá TP Hồ Chí Minh đã bắt các nhà xuất bản hễ sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt… ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi truỵ trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kì loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Họ không thể vào hết từng nhà được, ghét nhà nào, hoặc công an chỉ nhà nào là vô nhà đó.

Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị “ba huỷ”, chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải huỷ hết, vì nếu không phải là loại phản động (một huỷ), thì cũng là đồi truỵ (hai huỷ), không phải phản động, đồi truỵ thì cũng là lạc hậu (ba huỷ), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lí…

… năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc huỷ sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh huỷ hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kĩ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lí, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của ông cha mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh phụ ngâm… in ở trong Nam đều phải huỷ ráo.

Một độc giả lập một danh sách các tác phẩm của tôi mà ông ta có trong nhà, đem lại Sở Thông tin hỏi thứ nào được phép giữ lại, nhân viên thông tin chẳng cần ngó tên sách, khoát tay bảo: Huỷ hết, huỷ hết.

Sau ngày 30-4-75, tôi muốn tìm hiểu cách mạng Nga từ 1917 đến 1945, nhờ mấy bạn cách mạng tìm sách cho, họ bảo chính họ cũng không được đọc vì không thấy một cuốn nào cả. Sau tôi mới biết rằng loại đó ngay ở Nga cũng không ai được phép viết. Như vậy kiến thức hạng trí thức ngoài đó ra sao, ta có thể đoán được…

Một cán bộ khác cho tôi hay ở Hà Nội người nào có được 50 cuốn sách là nhiều rồi. Anh ta mới thấy ba trong số 9 tủ sách của tôi đã bảo nhà tôi nhiều sách như một thư viện. Nhà bác học Sakharov trong một bài báo tôi đã dẫn, bảo ở Nga không có đời sống tinh thần (vie intellectuelle). Chúng ta có thể tin lời đó được.

Và đây là trí thức của tầng lớp cán bộ văn hoá chỉ huy:

Một nhà văn hợp tác với Viện Khoa học Xã hội lại nhờ tôi giới thiệu cho mươi nhà văn, học giả giỏi tiếng Anh và tiếng Việt để dịch cho viện bộ Bách khoa tự điển Anh gồm 25 cuốn, mà phải dịch gấp vì đó là chỉ thị của một ông “bự”. Tôi bảo có 50 nhà dịch cũng không làm nổi vì phải tạo hằng ức danh từ mới (riêng ngành Informatique trong 30 năm nay đã có một vạn thuật ngữ rồi); mà ví dụ có dịch nổi thì cũng phải mất ít nhất mười năm mới xong; xong rồi lại phải dịch lại hoặc bổ túc rất nhiều vì lỗi thời mất rồi: ở Anh, mỗi năm người ta sửa chữa, bổ túc, in lại một lần; rồi lại phải bỏ cả chục năm nữa, không biết có in xong được không. Xong rồi, bán cho ai, ai đủ tiền mua? Cán bộ văn hoá vào hàng chỉ huy mà dốt tới mức đó!

Trị dân mà không biết một chút gì về tình cảnh của dân cả. Họ có vận dụng trí óc của họ không?

Còn hạng nông dân ngoài Bắc thì khờ khạo, ngớ ngẩn so với nông dân trong này không khác gì một người ở rừng núi với một người ở tỉnh. Mấy anh bộ đội bị nhồi sọ, trước 1975 cứ tin rằng miền Nam này nghèo đói không có bát ăn, sau 30-4-75, vô Sài Gòn, loá mắt lên, mới thấy thượng cấp các anh nói láo hết hoặc cũng chẳng biết gì hơn các anh.

Tóm lại, chính sách là chỉ cho dân được nói theo một chiều, trông thấy một hướng; nên chỉ một số rất ít giữ được tinh thần phê phán, nhưng chẳng thi thố được gì, sống nghèo khổ, bất mãn.

Y tế

Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ (nhân viên y tế nông thôn) trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa ra tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận. Chính sách đó rất họp lí và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Đó là một điểm tấn bộ.

Trình độ nhân viên y tế:

Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình da số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột… chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam… Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa dịch tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết.

Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen.

Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gửi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khoẻ của dân sa sút không biết tới đâu.

Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh… từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy… Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ, và từ trên lầu thượng họ trút nươc dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu… người ta phóng uế đầy đường.

Gần cuối kế hoạch năm năm đầu tiên (1976-1980), người ta làm một “chiến dịch” vệ sinh để “dứt điểm” và người ta lựa ngay khu sạch sẽ nhất trong thị xã làm “thí điểm”, phái một nhóm người đi xịt thuốc DDT cho từng nhà; thuốc đã pha loãng nhiều rồi mà lại chỉ xịt vài phòng tối, vài bụi cây thôi. Không cần xem xét chỗ chứa rác, cầu tiêu. Thế là xong chiến dịch, có thể báo cáo lên trung ương là đã dứt điểm.

Chính sách, đường lối tuy đúng mà thiếu người, thiếu phương tiện, thiếu tinh thần thì cũng hoá dở.

Tư pháp

Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác, đạp xích lô… Đó là chuyện 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên, mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ không làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường.

Trong Nam trước năm 1975 chưa có bộ luật mới, tạm dùng bộ luật cũ. Còn ở Bắc bỏ luật cũ mà không có luật mới (nghe nói năm 1981 người ta mới tính thảo bộ luật mới), không có trường luật thì tôi không hiểu người ta dạy xử án ra sao.

Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị… Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó… Khi phường có toà án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để toà xử. Một “ông toà” là học trò cũ của một bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười, đáp: Cháu đặt ra luật để xử - Thực vậy sao? - Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu?

Tuy nhiên:

Cũng có luật sư do chính quyền chỉ định để bênh vực cho bị cáo… Chính phủ bênh vực giai cấp vô sản; hạng bần dân dù bị tội nặng cũng xử nhẹ - trừ tội phản động dĩ nhiên.

Và:

Hiến pháp vẫn trọng quyền tư hữu nhỏ, nhưng đảng còn trọng lập trường giai cấp hơn. Giai cấp được trọng nhất là giai cấp đảng viên, như giai cấp quí tộc đời Chu ba ngàn năm trước… Giai cấp yên thân nhất là giai cấp vô gia cư, vô nghề nghiệp.

Xã hội sa đoạ

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng, cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng…

Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bên vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đoạ thêm chứ để chúng mau sụp đổ…”

Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi… Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

Và vô số những tệ nạn khác:

Nạn “phe phẩy” (buôn lậu, làm chợ đen) còn bành trướng hơn nữa… Người ta nói đã có những vụ buôn lậu thuốc phiện; nếu cò thì cũng nhỏ thôi, kém xa thời Mĩ, Thiệu. Nhưng đồ lậu như vải, thuốc thơm, thuốc tây… thì khoảng một năm nay lan tràn thị trường…

Có đồ lậu thì luôn luôn có đồ giả… nhiều nhất là dược phẩm Tây phương, vì thứ này vừa hiếm vừa đắt… Chỉ khổ dân quê…

Nạn cờ bạc không công khai như trước, nhưng nạn “xổ số đuôi” thì công khai rồi…

Nạn cho vay nặng lãi cũng kinh khủng… Bạn hàng ở chợ không chơi hụi tháng như xưa nữa, mà chơi hụi tuần, hụi ngày!

Nạn đĩ điếm đã hết đâu. Ngay cuối năm 1975, một cán bộ cách mạng đã bảo các bạn kháng chiến ở bưng về mắc bệnh hoa liễu hết rồi; một số cán bộ rất nghiêm trang đạo mạo – có kẻ ngoài 70 tuổi - từ Hà Nội vào, năn nỉ các bạn trong Nam chỉ chỗ cho họ hưởng thú mê li một lần cho biết mùi… Họ rất thích sách khiêu dâm…

Con người mất nhân phẩm

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hoá ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa…

Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hoá rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi, đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Cái mất tình người:

Sống dưới chế độ cộng sản, con người hoá ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia… Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó…

Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng.

Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lí như vậy. Vì biết mình phi lí nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép các giáo viên nguỵ dạy thêm tại nhà.

Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm Văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp; có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đoạ của con người, sự suy sụp của kinh tế.

Phong trào vượt biên

Tôi không biết trước giờ giải phóng, từ Bến Hải trở vào, trong số trên 20 triệu dân có bao nhiêu người vội vã di cư để trốn cộng sản… Người nào cũng có tâm trạng não nề: bỏ quê cha đất tổ, bỏ thân thích bạn bè, bỏ cả sản nghiệp… để qua nước người ăn nhờ ở đậu, làm thứ công dân “da màu”, một thứ công dân hạng hai, và bắt đầu xây dựng lại từ đầu; như vậy ai mà vui cho được? Những người đi đó hoặc là quân nhân, công chức trong các chính phủ trước, hoặc đã có thời sống với cộng sản ở Bắc, sợ chế độ ngoài đó, đã di cư một lần nay lại di cư lần thứ hai. Những người ở lại, xét chung, đều sẵn sàng chấp nhận chế độ mới, dù chưa biết rõ nó ra sao; một số đông còn hăng hái tiếp tay với chính quyền mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho tương lai nữa.

Nhưng chẳng bao lâu nhiều người thất vọng, qua năm 1976, đã có lác đác một số thanh niên vượt biên… Từ năm 1977 người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức một bà già nông dân miền Tây phải nói: “ Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian lao cực khổ tới mức nào, hễ ra khỏi được nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn ờ lại trong nước mà chết dần chết mòn, người ta nghĩ vậy…

Có ba cách vượt biên. Cách chính thức, sướng nhất là có người thân, cha mẹ, vợ chồng hay con cái ở ngoại quốc xin cho được đoàn tụ gia đình…. Cách bán chính thức, theo nguyên tắc, cho người Việt gốc Hoa, nhưng người gốc Việt mà muốn thành gốc Hoa thì cũng không khó. Có tiền là được hết… Cách thứ ba lá đi chui, nghĩa là đi lậu. Một người đứng ra tổ chức… đút lót cho công an, chính quyền ở làng có bãi biển, đút lút cả cho công an vài nơi chung quanh để người vượt biên khỏi bị xét hỏi, thuyền yên ổn được rời bến ban đêm. Công an những nơi có bãi biển đó nhờ vậy làm giàu rất mau, có kẻ chỉ một hai năm được vài chục lượng vàng và ôm vàng vượt biên. Do đó mà trong dân gian xuất hiện một truyện tiếu lâm dưới đây.

“Môt hôm nọ, người canh Lăng Bác Hồ bỗng thấy xác ướp của bác biến đâu mất, hoảng hốt đi tìm khắp nơi, tìm ở nhà sàn của Bác không thấy, vế quê hương Bác ở Nghệ An cũng không thấy, nghi rằng bác vào chơi thành phố của Bác, liền vào Sài Gòn kiếm, sau cùng một đêm, thấy bác ngồi một mình, rầu rĩ ở bến Sáu Kho, Thành phố Hồ Chí Minh, hỏi bác, sao lại ra ngồi đấy, Bác đáp: “Bác không muốn ở nước này nữa, muốn qua phương Tây đây, mà tụi công an đòi Bác sáu cây, Bác có cây đâu mà nộp cho chúng”.

Thường là thoát được, ít khi gặp tàu tuần; nhưng nhiều khi gặp bão, thuyền chìm, làm mồi cho cá mập’ hoặc gặp bọn cướp biển Thái Lan… Mặc dầu nguy hiểm như vậy, người ta vẫn không sợ, thua keo này bày keo khác. Có người lần thứ tư mới thoát, lại có người lần thứ 10 vẫn chưa thoát, mà sản nghiệp tiêu tán hết, không biết sống bằng gì…

Từ cuối 1979 thêm một cách vượt biên nữa bằng đường bộ, ngã Cao Miên… Cũng nguy hiểm như vượt biển.

Người nào vượt biên được một nước nào tiếp thu rồi, được trợ cấp hay kiếm được việc làm rồi, cũng gởi ngay về cho thân nhân một gói thực phẩm, thuốc uống, quần áo… bán được một hai ngàn đồng. Họ làm lụng cực khổ, (rửa chén trong quán ăn…) nhịn hút thuốc để giúp gia đình vì biết rằng người ở lại thiếu thốn gấp mười họ. Chính nhờ họ mà nhiều gia đình miền Nam mới sống nổi, nhờ họ một phần mà dân miền Nam có thuốc tây để uống, có vải may quần áo, không đến nỗi rách rưới quá. Trong hoạn nạn tình cha mẹ, con cái, vợ ơhồng lúc này lại đằm thắm hơn xưa. Cái rủi thành cái may.

Về vật chất họ được đầy đủ, nhưng về tinh thần họ rất đau khổ. Nhờ bà con họ hàng, nhớ quê hương xứ sở, nhớ day dứt, gia diết. Họ khóc thương thân phận anh hay em ở trong các trại cải tạo mỗi bữa chỉ được nắm bo bo; thân phận cha mẹ chú bác phải đẩy chiếc xe bán củi, bán chuối dưới mưa, dưới nắng, đau ốm không có thuốc uống; thân phận con cháu quanh năm không được một li sữa, một cục đường… Có những thiếu phụ thay đổi hẳn tính tình: ở nước nhà thì thích trang điểm, dạo phố, họp bạn; qua nước người thì suốt ngày ở trong phòng lau chùi, quét tước, nấu ăn cho chồng con, không chịu ra đường, chồng con lôi kéo cũng không đi; một ngày kia họ sẽ loạn tinh thần mất. Khổ nhất là những bà 50-60 tuổi, không biết ngoại ngữ, không sao thích ứng được với đời sống Tây phương, mới xa quê được một năm đã đòi về, ngày nào cũng ngóng tin nhà, và được thư thì đọc đi đọc lại tới thuộc lòng. Ngày đêm họ quay băng “Sài Gòn ơi, li biệt” của Thanh Thuý, băng “Ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong” của Phạm Duy mà khóc mướt. Giọng ảo não không kém bài hát dân tộc Do thái khi bị đày ở Babylon hồi xưa…

Thân phận của những người miền Nam ở lại:

Trong số những người ở lại, đáng thương nhất là những cặp vợ chồng già không có con cái, bị chính phủ chặn lương hưu trí, ráng sống lây lất vài năm bán hết đồ đạc để ăn rồi tự tử.

Rồi tới những người sản nghiệp tiêu tan vì đi kinh tế mới hoặc vì vượt biên mấy lần mà thất bại, sống cầu bơ cầu bất ở vỉa hè các thành phố lớn nhỏ như bọn ăn mày.

Rồi những cô giáo, cô kí chồng đi cải tạo 5 năm đằng đẵng, ở nhà xoay xở đủ cách, làm việc đêm ngày, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bốn năm đứa con, vài tháng lại tiếp tế cho chồng một lần. Họ vì hoàn cảnh mà hoá đảm đang, tư cách lại cao lên, không chịu nhận sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè.

Rồi những thiếu nữ học hết đại học Sư phạm hay Luật mà không muốn làm công nhân viên vì lương thấp quá, kiếm một cái sạp nhỏ nửa thước vuông bán thuốc rời hay quần áo cũ, thuốc tây ở lề đường, vất vả nhưng kiếm được 10-15 đồng mỗi ngày, đủ cơm cháo cho cha mẹ và em. Họ lễ phép, chăm chỉ, dễ thương.

Tất cả những người đó và còn nhiều hạng người khác nữa đáng tự hào là nguỵ. Nguỵ mà như vậy còn đáng quí gấp trăm bọn tự xưng là “cách mạng” mà tư cách đê tiện.

Người ta đã nhận định sai

Vậy dù có lạc quan tới mấy cũng phải nhận rằng công việc xã hội hoá miền Nam này tới nay đã thất bại. Chỉ mới dựng được cái sườn thôi mà đã có nhiều dấu hiệu tỏ rằng sườn đó đã nghiêng ngả: rất nhiều cán bộ đã hủ hoá, hùng hục làm giàu bằng mọi cách, thành một bọn tư sản rồi, tinh thần quân đội đã sa sút, hợp tác xã nông nghiệp đã thất bại, chính sách kinh tế mới phải bãi bỏ; một vài địa phương đã rụt rè lập lại chế độ tư bản…

Ngành nào cũng kẹt, kẹt cứng, chính quyền không biết xoay xở ra sao, vá chỗ này thì toạc chỗ khác, càng dùng những biện pháp nhất thời thì càng lúng túng. Ngay các các bộ trung kiên cũng phải nhận rằng tình hình mấy năm sắp tới còn nguy kịch hơn… Thật bi đát.

Chỉ tại người ta đã tính lầm. Thắng được Mĩ rồi, người ta tin rằng sẽ làm bá chủ bán đảo Đông dương, không nhận định được đúng tình hình thế giới.

Người ta nhận định sai tài năng, đạo đức, tinh thần hi sinh của cán bộ, tưởng rằng cao lắm và có thể dễ dành kiến thiết miền Nam thành một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ngờ cán bộ tuy rất đông mà rất kém cỏi về mọi mặt, mà tối đại đa số không ưa xã hội chủ nghĩa, thích đời sống miền Nam hơn.

Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-75, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kĩ thuật, nghệ thuật, văn hoá; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc…; cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm [Một thím làm tổ phó lo về đời sống, được công an phường gọi đi học tập. Mới hết buổi đầu, thấy công an chỉ dạy cách dò xét, tố cáo đồng bào (ăn uống ra sao, chỉ trích chính phủ không, khách khứa là hạng người nào…), thím ta xin thôi liền, về nói với bạn: “Tôi không làm công việc thất đức đó được”. Lớp học đó bỏ luôn] chứ đừng nói người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là nguỵ hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là nguỵ với nhau mà!

Như vậy mà đưa cán bộ Bắc vào cai trị họ, dạy chính trị họ thì làm sao không thất bại? Bọn đó quê mùa, ngu dốt, nghèo khổ, vụng về, tự cao tự đại, bị người Nam khinh ra mặt, mỉa mai; lớp dạy chính trị cho dân chúng mỗi ngày một vắng, hiện nay cả năm không họp một lần.

Một thất bại nặng nề của cách giáo hoá đó là báo Nhân dân không ai đọc, người ta mua về để bán “ve chai”, ngay cả bộ Lénine toàn tập cũng vậy.

Sau 5 năm, cả triệu cán bộ và thường dân Bắc vào Nam mà Bắc Nam miễn cưỡng sống với nhau, lơ là vói nhau, Nam coi Bắc là bọn thực dân, tự coi mình là bị trị. Làm gì có sự hợp tác?


Sự khinh rẻ giữa Bắc - Nam:

Người Bắc coi người Nam là nguỵ, đối xử người Nam như những thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là nguỵ thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”. Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ Chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hoá, kĩ thuật - điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học – thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là nguỵ nữa, vì nguỵ có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng…”

Và trong chăn mới biết có rận:

Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết…Chính vì thiếu đoàn kết nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và miền Bắc có câu này: nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.

Có người nói một số “ông lớn” đi đâu cũng có người hầu xách bình nước sâm Cao Li để ông lớn uống thay trà; một ông nọ luôn luôn có một bác sĩ ở bên và một thiếu nữ quạt hầu vì ông không chịu được quạt máy. Tôi không biết những tin đó đúng hay không, chỉ biết những tin đó do “anh em cách mạng” đưa ra cả...

Sài Gòn đưọc giải phóng vài năm thì ta thấy xuất hiện ngay một hạng giàu sang mới nổi, thay thế bọn giàu sang thời Thiệu,, và cũng thích những xa xí phẩm (áo hàng thêu, hột xoàn, máy điều hoà không khí v.v…) của thời Thiệu. Tiền đâu mà họ mua những thứ đó nhỉ?

Sự bất công chướng nhất, tàn nhẫn nhất là lương công nhân viên từ năm 1975 cứ đứng yên trong khi sự phân phối nhu yếu phẩm giảm đi gần hết, chỉ còn gạo, bo bo là tạm đủ, nhất là trong khi mãi lực của đồng bạc năm 1980 chỉ còn 1/10 năm 1975; thành thử lương một công nhân viên chỉ đủ để mua củi chụm, lương một bác sĩ mới ra trường chỉ đủ để mua rau muống ăn. Khắp thế giới không đâu có chế độ lương bổng như vậy. Người nào cũng phải bán đồ đi mà xài, nhờ cha mẹ giúp đỡ, nếu không thì phảo xoay xở mọi cách, làm sao sống được thì làm, chính phủ không biết tới. Một cán bộ ở Hà Nội đã phàn nàn: “Người ta có rất nhiều quyền hành mà không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả. Thật lạ lùng!”

Từ ngày 30-4-75, do những đồng bào ở Bắc vào, chúng ta ở Nam mới lần lần biết cảnh điêu đứng của dân tình ngoài đó sau hai chục năm sống dưới chế độ mới. Từ trên xuống dưới ai cũng phải ăn độn có khi tới 60%-70% (tháng 8-1980, một cán bộ giáo dục ở Hà Nội vào bào tôi bây giờ họ phải ăn độn 90%, cực khổ hơn những năm 1973-1974 nhiều lắm, mà tình trạng đó còn kéo dài lâu. Thân phận không bằng con heo ở trong Nam); có hồi gạo quí tới nỗi người ta cất vào trong những cái thố, cái liễn, trân trọng như nhân sâm, chỉ khi nào đau ốm mới lấy ra một nhúm để nấu cháo; ngày tết mà có đủ gạo nấu cơm cúng ông bà là mừng lắm; khi nào được ăn một bữa cơm không độn với nước mắm thôi thì coi như được dự một bữa tiệc. Nước mắm rất hiếm, có người ở Nghệ An hay Hà Tĩnh mấy năm không có nước mắm ăn, gặp người trong Nam ra đem theo nước mắm, xin một vài muỗng rồi nuốt ực ngay hết, không đợi đem về nhà. Bát ăn mỗi người mỗi năm chỉ được một cái, hễ vỡ thì phải ăn bằng sọ dừa. Vài mỗi năm chỉ được phát một hai thước đủ để vá áo (ở miền Nam năm 1980, có nơi mội người chỉ được 6 tấc). Nhiều người vào Sài Gòn thăm bà con, khi ra vơ vét đủ thứ, từ cây đinh, khúc dây chì, lon sữa bò, ve chai…đem ra, vì ở ngoài đó thường cần dùng tới mà không kiếm đâu ra. Họ cho miền Nam này là thiên đường.

Nhưng một người Ba Lan ở trong Uỷ ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bào chỉ trong 5 năm miền Nam sẽ “đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phẩm, quần áo… về gíup bà con ở đây thì chúng ta ngày nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi.

Dân miền Nam từ xưa chưa bao giờ biết đói, phải ăn độn thì năm 1979 thì đã phải ăn độn 70-80%, có những gia đình phải ăn bữa cơm bữa cháo, có cô giáo và học sinh đói quá, tới lớp té xỉu.

Nhà nào cũng bán đồ cũ đi để ăn; nhiều giáo viên nhà đã trống rỗng, không còn bàn ghế nữa, ăn ngủ trên sàn. Ai cũng chỉ lo sao có cái gì nuốt cho đầy bao tử, chứ không dám nghĩ tới miếng ngon. Tết Canh Thân vừa rồi, ở Long Xuyên, nhà một giáo viên hồi hưu, trên bàn thờ ông bà chỉ bày một đĩa có mấy chiếc bánh phồng và bánh gai, không có một đòn bánh tét, một quả dưa hấu.

Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài Gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ… để bán cho ‘ve chai’. Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá.

Ở Bắc tình hình hiện nay điêu đứng hơn những năm kháng Mĩ. Nghe nói ngoài đó đã xuất hiện câu ca dao:


Anh Đồng, anh Duẩn, anh Chinh,
Ba anh có biết dân tình hay không?
Rao muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân.

Ở Nam có nơi hai tháng nhân viên chưa được lãnh lương, chắc nhiều gia đình không đủ tiền mua rau muống cho con nữa. Một bạn tôi đã phải ăn nước mắm kho khô.

Không có tiền mua rau thì làm gì có tiền mua thịt. Muốn lâu lâu có thịt thì phải nuôi heo, gà, cho nên nhiều cơ quan ngay khi mới thành lập đã nghĩ ngay đến việc hùn tiền (hay lấy trong quĩ?) mua heo con, phân công nhau nuôi tại khu ở tập thể, như vậy đến lễ, tết mới có thịt liên hoan. Người ta thèm thịt quá, cho nên liên hoan lu bù, bất kì một dịp gì cũng liên hoan được… mỗi năm liên hoan cả chục lần là ít… Và khi ngồi vào bàn tiệc thì chẳng ai mời ai, đợi ai, mạnh ai nấy gắp, ăn thật mau (tới nỗi có người bảo cứ nuốt trước rồi sẽ nhai sau!), tệ gấp 10 thói ăn uống ở đình làng mà Ngô tất Tố đã mạt sát trong cuốn Việc làng.

Nghèo thì sinh ra ở bẩn. Ngay trong khu tập thể một trường đại học Hà Nội, phòng một giáo sư ở Pháp về cũng dơ dáy, từ sàn gạch đến tường đều đầy vết bẩn… Dù muốn sống sạch cũng không thể được... Nếu tình trạng không thay đổi thì chỉ mươi năm nữa, toàn dân sẽ quen đi, không thấy gì là bẩn nữa. Hiện nay ở trong Nam đã nhiều nhà để bụi đóng đầy bàn ghế - mà trước kia họ sống rất sạch - mạng nhện giăng đầy trần, còn dân thị xã thì đã quen với cảnh bốn năm người cùi nằm trên đường đưa tới chợ, lăn ở giữa chợ để xin ăn.

Câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” của ông cha, chúng ta không giữ được vì chúng ta nghèo tới mức không thể ở sạch được???



Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Nghe Bến Thượng Hải chạnh lòng nghĩ đến nhạc Việt Nam



"Bến Thượng Hải", bài hát chủ đề của bộ phim truyền hình cùng tên do TVB sản xuất năm 1980 đến nay đã 30 năm mà vẫn tràn trề sức sống. Lên youtude xem thấy cô Diệp Lệ Nghi, ca sĩ thể hiện xuất sắc bài hát này vẫn còn trình diễn "Bến Thượng Hải" trên sân khấu. Có thể nói bài hát thành công hơn cả bộ phim  vì đến nay hễ nhạc dạo bài Bến Thượng Hải vang lên thì hầu như ai cũng có thể lẩm bẩm theo giai điệu hùng tráng và chứa chan tình cảm yêu thương hận hù đan xen.

Trên youtude có mấy bản Bến Thượng Hải cô Diệp Lệ Nghi diễn trên một sân khấu lớn với dàn nhạc dân tộc Trung Quốc lẫn nhạc cụ Tây phương hoành tránh. Trong đó tiếng sáo vẫn là nhạc cụ chủ đạo xuyên suốt bài hát. Trung Quốc làm gì cũng to lớn, bề thế để phô trương, họ có rất nhiều sân khấu lớn cho các nghệ sĩ biểu diễn đủ các thể loại từ nhạc dân tộc đến nhạc trẻ, từ xiếc đến ảo thuật....Như vậy dù thu nhập ít hay nhiều nhưng các nghệ sĩ ở TQ có cơ hội trình diễn tất cả khả năng nghệ thuật của mình trước công chúng. Nhìn sang rồi chạnh lòng buồn những sân khấu bé tí teo của Việt Nam, nghệ sĩ phải chen chân nhau đứng không thể trình diễn hết khả năng. Chưa kể là số lượng sân khấu ít nên những nghệ sĩ biểu diễn các thể loại dân tộc hiếm có dịp trình diễn.

Ngoài ra, một ca sĩ hát kèm theo một dàn nhạc lớn từ mấy chục đến mấy trăm nhạc công, đấy chẳng phải là cách giúp các nhạc công có đất sống để tiếp tục học tập và phát triển âm nhạc? Bài hát Bến Thượng Hải tuy là sáng tác theo thể loại nhạc phương Tây những vẫn kết hợp nhuần nhuyễn nhạc cụ dân tộc lẫn nhạc cụ phương Tây và chinh phục cả thế giới.

Còn VN, dòng nhạc dân gian đương đại hiện nay kén người nghe và không đủ khả năng chinh phục mọi tầng lớp khán giả. Một số tác phẩm cũ của các nhạc sĩ Phạm Duy, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Trịnh Công Sơn.... có thể kết hợp nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây nhưng hình như ít nhà sản xuất, nghệ sĩ, nhạc sĩ nào chịu khó đầu tư. Chỉ có ở hải ngoại xem các chương trình có thể thấy sự kết hợp này nhưng quá ít. Giá như Việt Nam chịu khó đầu tư nhiều hơn về âm nhạc thay vì ca sĩ lên sân khấu chỉ bậc đĩa CD rồi nhảy múa hát hò theo thì âm nhạc Việt Nam sẽ phát triển hơn biết mấy. Và các nghệ sĩ dòng nhạc dân tộc hay nhạc hàn lâm cũng có đất sống để tiếp tục đầu tư vào âm nhạc.


 

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Cần quyên góp 1 tấn muối I ốt gấp gấp....

Tình hình là vụ trường ĐH Phan Thiết đã châm ngòi cho mấy vụ ồn ào bàn tán về việc thành lập trường đại học trên các báo hổm rày.... Đủ ý kiến từ các ban ngành, quan chức, giáo sư cho tới dân thường bàn tán xôn xao ầm ĩ (mờ chắc bàn cho zui gòi đâu cũng zô đấy thôi)...

Sáng nay, báo Tuổi Trẻ giật 1 cái tít vừa đọc vào cứ tưởng cầm nhầm tờ Tuổi Trẻ Cười chứ hổng phải tuổi trẻ thông tin thời sự hí hí.... mà lại là chính thức từ 1 Ủy ban khá bự nữa chứ... đọc xong mình thấy tình hình này phải vận động bà con cô bác gửi muối I ốt đến cơ quan này thôi.... khổ quá cơ! cứ như y kiến này chắc Bác Dũng nhà ta phải làm việc liên tục 24g/24g mới giải quyết hết công việc quá chứ không may mắn như bác Nhân còn được ngủ 4 tiếng ngày....

Hà hà, vui nhở, hễ có chuyện gì cãi nhau ầm ĩ là lại khóc lu loa và đẩy hết việc cho ngài thủ tướng giải quyết

Cái tít giật gân là thế này

Quyền thành lập ĐH phải thuộc Thủ tướng
Đó là ý kiến chính thức của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội được nêu tại báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục do bộ trưởng Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp chiều 23-10.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=344063&ChannelID=13

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

Chuyện vui và chút buồn sau chương trình tại tư gia GS Trần Văn Khê

Chương trình đàn tranh lần này rất thú vị, giáo sư Trần Văn Khê cung cấp cho khán giả những kiến thức về các kỹ thuật đa dạng, phong phú của đàn tranh Việt Nam. Sự kết hợp giữa Âm và Thanh tạo ra từ bàn tay phải và bàn tay trái tạo nên những bản đờn tuyệt vời chứa chan tình cảm của người nghệ sĩ. Từ những ngón đờn xàng, xự, xê, cống đầu tiên của bản đờn người nghệ sĩ đã đắm chìm và phiêu lưu trong âm nhạc, từng ngón tay lả lướt như bướm lượn vườn hoa thoắt ẩn thoắt hiện chuyển tải những tâm tư tình cảm từ sâu thẳm trái tim đến khán thính giả. Âm nhạc là ngôn ngữ xuyên biên giới, đúng như vậy. Khán giả bất kể trẻ hay già, người Việt hay người nước ngoài khi bản đờn cất lên mọi người ít nhiều đều cảm giác được sự tuyệt vời điêu luyện trong âm nhạc. Hơn nữa với sự phân tách của giáo sư Trần Văn Khê, sự cảm thụ âm nhạc truyền thống của khán giả càng thêm sâu sắc hơn.

Từ trước giờ đa phần các chương trình của GS Trần Văn Khê đều do Nghệ sĩ Hải Phượng biểu diễn minh họa, hôm nay lần đầu tiên được nghe và xem nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy và nghệ sĩ Thanh Thủy biểu diễn đờn tranh đúng là thật sự bất ngờ. Quá bất ngờ như khám phá một vườn hoa khoe sắc rực rỡ khác.

Chương trình lần này, ngoài sự thăng hoa trong âm nhạc truyền thống của các nghệ sĩ và giáo sư Trần Văn Khê còn một điểm đáng vui mừng nữa là khán giả tham gia chương trình. Hầu hết mọi người ngồi xem chương trình hơn 3 tiếng đồng hồ rất nghiêm túc, không ồn ào hay đi tới đi lui để quay phim chụp hình như mọi khi. Đây là kết quả thành công của Ban Tổ Chức sau nhiều lần nhắc nhở. Do vậy không khí gian phòng nhỏ của GS Trần Văn Khê thêm ấm cúng, lịch sự và trang trọng tạo không gian thưởng thức âm nhạc đầm ấm.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được trọn vẹn khi có những vấn đề cho đến nay chưa được Ban tổ chức giải quyết triệt để nhằm đem lại không khí âm nhạc lịch sự ấm cúng cho nghệ sĩ và khán giả.


Thứ nhứt đó là các nhân viên quay phim của các đài truyền hình lớn như VTV, HTV,…. Không biết khi đến quay phim họ có xin phép trước hay sau đó có trả tiền tác quyền chương trình để phát sóng cho GS Trần Văn Khê mà thái độ cực kỳ bất lịch sự, khiếm nhã, không tôn trọng tất cả mọi người trong khán phòng. Những người quay phim to cao, lại thêm những máy quay to choáng diện tích lớn trong gian phòng nhỏ của GS, những lần trước thường họ chiếm hết hàng trên khiến cho khán giả không xem được chương trình dù ở cách có vài bước chân. Lần này họ chịu khó lùi xuống vài chục cm và vẫn không bỏ được thói quen xách máy quay đi lên đi xuống đi qua đi lại. Chưa kể các nhân viên nhà đài liên tiếp cầm mirco di chuyển từ bàn GS Trần Văn Khê sang kế bên nghệ sĩ liên tục ít nhất 10 lần. Hễ GS nói họ lại cầm micro để lên bàn, nghệ sĩ biểu diễn lại cầm micro chuyển sang gần cây đờn. 2 nhà đài thâu micro tức là có đến ít nhất 20 lần họ chộn rộn như vậy. Khiếm nhã bực nhứt là cầm máy quay đi lung tung trước sàn diễn như không hề có khán giả ngồi đó, kể cả khi GS Trần Văn Khê đang thuyết trình mà nhân viên quay phim của đài VTV lại đứng ngay sau lưng GS và chỉa máy quay vào Á Hậu Dương Trương Thiên Lý đang ngồi trong góc thưởng thức chương trình (hình như cũng gần 5 phút)……….. hầu như khán giả nào quay phim hay chụp hình ít nhất cũng vài lần vướng phải lưng của những người vô cùng kém văn hóa này. (Nhiều lần hỏi thăm GS Trần Văn Khê tôi được biết dù BTC hay GS lên tiếng mà không một đài truyền hình nào gởi đĩa quay chương trình lại tặng GS)


Thứ 2, lần này là một cá nhân mà tất cả những lần tham gia chương trình đều gây phiền cho khán giả. Một anh chàng khá cao lớn cầm máy chụp hình pro với ống kính tele lớn. Với loại ống kính này dân săn ảnh có thể chụp với khoảng cách từ 10-15 mét mà chất lượng hình ảnh vẫn đảm bảo. Dù vậy không hiểu sau anh ta vẫn tìm mọi cách tiếp cận với khoảng cách gần nhất với GS Trần Văn Khê và các nghệ sĩ để chụp trong mọi tư thế như các thợ ảnh chụp các cô người mẫu trong studio. Điều lạ lùng của anh chàng (chừng 28-30 tuổi) này là dù mọi người nhắc nhở vẫn phớt tỉnh như không hề nghe. Tối hôm qua đến giữa chương trình anh ta lại chạy lên trên ngồi chụp ảnh như mọi khi và che cả máy quay của Khánh Vân đang đặc ở sau. Dù Khánh Vân và Bác họa sĩ Lưu Tấn Phước nhắc nhở nhiều lần bảo anh ta tránh ra chỗ khác thì anh ta vẫn ngồi lì ở đấy đến cuối chương trình…………………… chương trình diễn ra với mục đích chánh là cung cấp cho khác giả đến tìm hiểu kiến thức âm nhạc dân tộc và thưởng thức âm nhạc………. chương trình không phải là phòng studio để quay phim hay chụp những tấm ảnh cực đẹp lung linh. Điều đáng nói ở đây là sự tôn trọng cộng đồng ở nhiều người quá thấp, họ tự cho mình các quyền làm những gì mình thích… Từ những điểm nhỏ ở đây có thể thấy bắt nguồn các khiếm khuyết này mà xã hội VN ngày càng lộn xộn chưa kể phần nhiều người Việt thường bị nước ngoài họ coi thường do các bản tánh kém văn minh.


Điều cuối cùng là những khán giả trẻ lên phát biểu sau chương trình. Tôi quả khâm phục những thanh niên dạn dĩ phát biểu trước đám đông như vậy. Đây thực là sự tiến bộ của giới trẻ khi phần lớn thanh niên Việt Nam thường e ngại, rụt rè không dám lên nói trước mọi người người. Nhưng mà hỡi ơi, những thanh niên anh tú đó lại phát biểu cực kỳ lộn xộn đến mức mọi người vừa xem vừa cười vì chẳng hiểu họ muốn nói gì, câu cú từ ngữ và cả nội dung chánh lẫn lộn. Nói vòng vòng hơn 5 phút vẫn không đi vào được vấn đề chánh hay điều mình cần nói. Có người thì lên nói huyên thuyên bất tận về câu chuyện mình đi học đàn tranh không liên quan gì đến chương trình……………… Thời gian là vàng là bạc, các khán giả ơi nếu có lên nói thì vui lòng nói ngắn gọn và nói đúng chớ đừng để GS Trần Văn Khê mất thời gian còn khán giả thì vừa cười vừa sốt ruột.

 

Rất mong những chương trình sau sẽ hoàn thiện hơn và không gặp những cảnh náo loạn như thế này nữa.

 

Buổi sáng sau khi thưởng thức chương trình

 

LNH

Chương trình Nét đa dạng của đàn tranh Việt Nam tại tư gia GS Trần Văn Khê




Chương trình tối nay rất hay, bây giờ tối rồi tạm up hình lên, chừng nào rảnh sẽ viết bài sau.

Một điều bất ngờ là may mắn xin được chữ ký của Cô Bạch Yến và được chụp hình giúp Cô Bạch Yến.

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Nét đa dạng của đàn tranh Việt Nam

Start:     Oct 21, '09 7:30p
Location:     32 Huỳnh Đình Hai P.24 Q.Bình Thạnh TPHCM
SINH HOẠT NGHỆ THUẬT ĐỊNH KỲ LẦN 12

NÉT ĐA DẠNG CỦA ĐÀN TRANH VIỆT NAM

GSTS Trần Văn Khê thuyết trình

Nghệ sĩ minh họa: Thanh Thủy – Hoàng Cơ Thụy

Vào lúc 19h30 ngày thứ tư 21.10.2009 tại 32 Huỳnh Đình Hai P.24 Q.Bình Thạnh

Chương trình gồm 3 phần:
PHẦN I: GSTS Trần Văn Khê giới thiệu

Đàn tranh có nguồn gốc từ đàn cổ tranh (guzheng) của Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XIII trải qua gần 700 năm đã trở thành một nhạc khí truyền thống thuần túy Việt Nam hoàn toàn phù hợp với sắc thái dân tộc. Đàn tranh thường dùng để phụ họa các bài ca hay ngâm thơ, cũng có thể độc tấu, và có mặt trong dàn ngũ tuyệt ca Huế, dàn nhạc tài tử miền Nam.
Riêng tại miền Bắc, đàn tranh không có vị trí quan trọng trong âm nhạc cổ truyền như vai trò của đàn đáy trong ca trù, đàn nguyệt trong chầu văn hay đàn nhị trong Hát chèo. Chỉ có vài thập niên gần đây, các nghệ nhân miền Bắc mới bắt đầu sử dụng đàn tranh để biểu diễn những làn điệu độc đáo của hát chèo, với những nét lạ, cách nhấn nhá khác hẳn các hơi, các điệu ở miền Trung hay miền Nam. Các bản nhạc này có tiết tấu đa dạng, nghệ sĩ sử dụng tay mặt khảy nhiều chữ bay bướm, tay trái nhấn nhá tế nhị, uyển chuyển, gợi lên những tâm trạng khác nhau như nhớ nhung – chờ đợi trong bài “Luyện năm cung”, buồn tha thiết trong bài “Tò vò” hay vui vẻ - rộn ràng trong bài “hề mồi”, trữ tình – duyên dáng, vui tươi nhưng đằm thắm trong “Đường trường tiếng đàn”, cách nhấn gân guốc- sâu sắc gần hơi Xuân trong Tài tử Cải lương, tỏa ra một hương vị mới làm phong phú thêm khả năng biểu diễn của đàn tranh.
Trong giới nghệ sĩ đàn tranh trẻ của cả nước, có hai gương mặt xuất sắc nổi bật:
- Nghệ sĩ Hải Phượng: Giải Nhất cuộc thi “Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc” năm 1992 – Giải Nhất biểu diễn các sáng tác mới – từng được mời biểu diễn, giảng dạy tại nhiều nước châu Âu, châu Á.
- Nghệ sĩ Thanh Thủy: Giải Nhất cuộc thi “ Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc” năm 1998 – giải Nhất biểu diễn nhạc dân tộc – Từng được mời biểu diễn ở nhiều nước, đặc biệt tại Thụy Điển và Singapore.

Trong những buổi sinh hoạt văn nghệ định kỳ trước đây, nghệ sĩ Hải Phượng đã nhiều lần trình diễn đàn tranh theo phong cách cổ truyền miền Nam, cũng như những bài bản mới do Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ Phương Bảo, nghệ sĩ Xuân Khải sáng tác.

Chương trình sinh hoạt văn nghệ định kỳ lần 12 đặc biệt giới thiệu tiếng đàn của nghệ sĩ trẻ Thanh Thủy, ngoài một vài bài bản trong truyền thống nhạc tài tử miền Nam, sẽ trình bày một số bản nhạc đàn tranh theo làn điệu Chèo miền Bắc mà có lẽ khán thính giả Sài Gòn ít có cơ hội thưởng lãm.

Ngoài ra, buổi sinh hoạt lần này còn có sự tham gia của nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy – đồng thời cũng là thầy dạy nhạc truyền thống dân tộc, và thầy dạy Thanh Thủy đàn Tài tử - một người không chỉ đàn tranh điêu luyện mà còn nổi tiếng về tiếng đàn tỳ bà trang nhã.
Đặc biệt tiếng đàn tranh của nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy rất độc đáo trong cách sắp chữ bay bướm, cách nhấn nhá sâu sắc và tinh tế qua những bài biểu diễn độc tấu.
Tất cả cho thấy nét đa dạng của tài năng các nghệ sĩ, sự phong phú của việc tạo giai điệu, điểm tế nhị trong cách nhấn nhá và một vài phát triển của nghệ thuật đàn tranh, có thể tự hào sánh ngang với các nhạc khí cùng trong một họ tại Trung Quốc (gu-zheng), Nhật Bản (koto) hay Triều Tiên (kayakeum)

PHẦN 2: Biểu diễn
- Nghệ sĩ Thanh Thủy độc tấu đàn tranh một số bài bản theo làn điệu Chèo.
- Nghệ sĩ Thanh Thủy đàn tranh hòa với nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy đàn tỳ bà một vài bản nhạc Tài tử miền Nam
- Nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy độc tấu đàn tranh
- Nghệ sĩ Thanh Thủy biểu diễn một sáng tác đàn tranh theo phong cách mới (bài “Cửu Long Quê hương tôi” của Hòa Bình)
PHẦN 3: Giao lưu giữa khán giả với nghệ sĩ và diễn giả

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

CLB Tiếng Hát Quê Hương tập hát bài Về Quê




CLB tập đàn hát bài Về Quê

VẾ QUÊ

Phó Đức Phương

Theo em anh thì về theo em anh thì về thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về
Ơi quê ta bánh đa bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng, phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu.
Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi.

Đưa nhau ta thì về, đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi,
Nơi sáo diều chơi vơi với dòng sông bên lở bên bồi
Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen, phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi,
Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi
Nước qua cầu thời gian trôi mau, nơi bền lâu là nơi lắng sâu
Là thiếu quê hương ta về, ta về đâu

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB Tiếng hát quê hương




Sáng chủ nhật 4.10.2009, CLB Tiếng hát quê hương tập đàn tập hát.
Một bạn nữ xinh xắn thi lên lớp.
Cô Thúy Hoan chỉ huy dàn nhạc
Dàn nhạc đệm đàn với Tranh, sáo, đàn nguyệt...
Thầy dạy hát bài Về Quê của NS Phó Đức Phương

VẾ QUÊ

Phó Đức Phương

Theo em anh thì về theo em anh thì về thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về
Ơi quê ta bánh đa bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng, phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu.
Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi.

Đưa nhau ta thì về, đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi,
Nơi sáo diều chơi vơi với dòng sông bên lở bên bồi
Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen, phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi,
Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi
Nước qua cầu thời gian trôi mau, nơi bền lâu là nơi lắng sâu
Là thiếu quê hương ta về, ta về đâu

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...