Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Đi lại trong thành phố : cơn ác mộng của cư dân đô thị lớn tại Việt Nam

Tình trạng kẹt xe tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được cảnh báo từ lâu, đã bắt đầu xuất hiện từ rất nhiều năm nay, nhưng ngày càng trở nên nặng nề, và càng lúc càng chi phối sinh hoạt cư dân tại chố. Các cấp chính quyền đã từng đề ra nhiều biện pháp giải quyết nhưng thực tế cho thấy là hiệu quả không cao.

Cảnh tắc đường ở khu vực phiá sau chợ Tân Định Sài Gòn(Ảnh : DR)

Cảnh tắc đường ở khu vực phiá sau chợ Tân Định Sài Gòn
(Ảnh : DR)

Du khách đến Việt Nam vào lúc này đều ngỡ ngàng trước tình trạng giao thông tắc nghẽn trong các đô thị lớn, không chỉ vào các giờ cao điểm, mà hầu như mọi lúc, mọi nơi. Trước đây, những ai có dịp qua Bangkok đều đã kinh hoàng trước tình trạng kẹt xe ở thủ đô Thái Lan, thế nhưng nạn ùn tắc lưu thông hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, được cho là khủng khiếp hơn Bangkok gấp bội.

Báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh gần đây đã nêu bật điển hình của vụ kẹt xe ghê gớm vào hôm 7/9 và nhất là vào chiều 21/9, khi mà cả trăm ngàn người đã bị kẹt cứng trong vòng 3 tiếng đồng hồ, trong lúc hầu hết các tuyến giao thông ở các quận nội thành đều bị tê liệt. Bên cạnh đó, báo trong nước cũng nhấn mạnh là từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xẩy ra gần 60 vụ kẹt xe lớn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban đêm đường phố Sài Gòn cũng vẫn đông nghẹt xe cộ(Ảnh : DR)

Ban đêm đường phố Sài Gòn cũng vẫn đông nghẹt xe cộ
(Ảnh : DR)

Đó chỉ mới là những vụ ùn tắc giao thông có quy mô lớn. Còn các vụ khác, nhỏ hơn thì đã trở thành chyện đời thường. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay ở Hà Nội, chỉ cần ra đứng ở một số trục lộ giao thông chính vào khoảng từ 6 gìờ cho đến khoảng 9 giờ sáng, hay từ 5 cho đến 7 giờ chiều là mọi người có thể cảm nhận ngay tính chất dữ dội của tình trạng giao thông tắc nghẽn.

Khối lượng xe tăng quá sức chịu đựng của hệ thống đường phố

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưu thông bị tắc nghẽn thì rất nhiều, nhưng tập trung vào hai điểm chủ yếu : Một là cơ sở hạ tầng đường xá tại các thành phố còn quá ít không đáp ứng kịp đà tăng vọt của những phương tiên chuyên chở, đặc biệt là các loại xe 4 bánh vốn chiếm dụng rất nhiều diện tích của lòng đường. Hai là thái độ thiếu tôn trọng luật lệ giao thông của những người sử dụng xe, như không tuân thủ các tín hiệu chỉ đường, không tôn trọng đèn xanh đèn đỏ, chạy ngược chiều...

Về vấn đề khoảng cách giữa hạ tầng cơ sở đường xá và số lượng xe lưu hành, Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 20/10 đã công bố một vài số liệu về Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rõ tình trạng này.

Vào cuối năm 2007, nhìn chung thành phố Hồ Chí Minh có hơn 3300 con đường, với tổng chiều dài hơn 3200 cây số. Tỷ lệ diện tích đường giao thông so với diện tích thành phố chỉ là 1,7%,  một mức quá thấp so với chuẩn mực quốc tế là từ 15% đến 25% để bảo đảm cho lưu thông.

Trong lúc cơ sở hạ tầng đường xá tăng rất chậm chạp, thì mật độ xe cộ lưu thông tăng vọt. Theo ghi nhận của Sài Gòn Giải Phóng, vào năm 2000 : thành phố chỉ có hơn 130.000 xe hơi, và gần 1,6 triệu xe gắn máy có đăng ký. Hiện nay con số này đã biến thành : 500.000 xe ô tô và 4 triệu xe gắn máy. Trước mắt đà tăng vẫn tiếp tục theo tốc độ 100 xe hơi và 3000 xe gắn máy mỗi ngày. Số liệu nói trên chưa kể đến khoảng 1 triệu xe gắn máy và 60.000 xe ôtô từ các tỉnh đổ vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh hai lý do cơ bản nói trên,  còn có một số nguyên nhân khác mang tính chất ''xã hội'', ví dụ như thói quen sử dụng xe riêng, ít dùng phương tiện chuyên chở công cộng như xe búyt.

Các "lô cốt" mọc lên góp phần làm tắc nghẽn giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài ra còn có những nguyên nhân có thể gọi là ''ngẫu nhiên'', trên nguyên tắc chỉ xuất hiện trong một thời gian nhất định, nhưng đã cộng hưởng với các yếu tố cơ cấu nói trên làm cho tình hình tắc nghẽn lưu thông trở thành khủng khiếp. Trong số những nguyên nhân này có thể kể đến triều cường hay những cơn mưa làm đường xá ngập nước. Nhưng nhức nhối nhất hiện nay là các công trình chỉnh trang trên đường phố, gọi nôm na là ''lô cốt'', đã xuất hiện đồng loạt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây.

Sự xuất hiện của các lô cốt đã làm cho giao thông vốn đã khó khăn lại càng cam go hơn vì đã thu hẹp hẳn lộ giới sử dụng. Tại một''lô cốt'' ở giữa đường Hai Bà Trưng chẳng hạn, có nhiều chiếc tắc xi khi lên vào kẽ để trống, đã chồm hẳn lên lề để chạy. Ngoài ra, do các công trình này, nhiều con đường trước đây chạy hai chiều đã trở thành một chiều gây khó khăn không ít cho người chạy xe. Đó là chưa kể đến tình trạng một số đoạn đường bi cấm hẳn.

Một chiếc lô cốt trên đường 3 tháng 2, quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh)(Ảnh : DR)

Một chiếc lô cốt trên đường 3 tháng 2, quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh)
(Ảnh : DR)

Các lô cốt đã xuất hiện từ năm ngoái, ai cũng tưởng là chỉ tồn tại trong thời gian ngắn thôi, nào ngờ cho đến nay vẫn còn đấy và có nguy cơ còn trụ lại thêm một thời gian nữa. Sự hiện diện lâu dài của các lô cốt trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh đã gây thắc mắc rất nhiều trong dư luận tại chỗ.

Ngoài những khó khăn do công việc chỉnh trang thành phố, nạn kẹt xe còn đến từ những người sử dụng xe. Một hình ảnh có thể đập mắt mọi người là ở khu vực trường ngoại quốc đường Tú Xương. Buổi chiều, hằng loạt chiếc xe hơi, nhất là loại 4x4 hay Lexus sang trọng đến đấy chờ đón học sinh. Các loại xe cồng kềnh này đã ''chiếm dụng'' hầu như toàn bộ lòng đường khiến cho không ai qua lại được nữa. Điều này tất nhiên tác hại đến giao thông không chỉ ở đấy mà cả ở những nơi khác.

Nạn kẹt xe làm thay đổi thói quan sinh hoạt của cư dân

Công việc di chuyển khó khăn trong thành phố đã ảnh hưởng đáng kể đền sinh hoạt của người dân. Tâm lý chung là tránh đi lại được chừng nào hay chừng đó. Ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, nếu co việc phải đi từ Tân Định lên Chợ Lớn, thì thông thường người ta bố trí công việc để giải quyết xong tại chỗ, tránh phải đi đi lại lại. Nhiều gia đình đã phải thay đổi nhịp độ sinh hoạt, sao cho tránh được tình trạng phải vướng vào những vụ kẹt xe, dạy sớm hơn để đưa con đi học sớm hơn, buổi chiều, khi tan sở, nếu giờ giấc không cho phép thì phải nhờ người khác.

Thời gian gần đây, do việc xuất hiện các lô cốt, lưu thông bị đổi chiều, giới tái xế tắc xi thường phải có thêm động thái là hỏi khách hàng xem có đồng ý đi đường vòng không, và như vậy trả tiền cước cao hơn. Giới xe ôm thì thích thú hơn, vì nhiều tuyến đường cấm hẳn xe 4 bánh, chỉ có xe 2 bánh qua được mà thôi. Trong trường hợp đó, đi tắc xi vừa phức tạp hơn, vừa tốn kém hơn vì phải đi đuờng vòng, trong lúc đi xe ôm thì tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc.

Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển hệ thống xe buýt(Ảnh : DR)

Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển hệ thống xe buýt
(Ảnh : DR)

Lẽ dĩ nhiên, trong thời gian qua, các giới chức Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng kẹt xe, như tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng tập thể như xe búyt, trong khi chờ đợi các hệ thống xe điện, xây dựng ''bùng binh'' ở một số giao lộ, cấm xe vận tải cồng kềnh đi vào thành phố trong ban ngày. Thành phố cũng tính tới những biện pháp như làm việc lệch giờ hay là hạn chế xe cá nhân...

Tựu chung, các biện pháp này vẫn chưa mang lại kết quả, và giao thông ách tắc vẫn là một cơn ác mộng cho cư dân các đô thị lớn tại Việt Nam, Tình hình ở Thành phố Hồ Chí Minh như kể trên trong một chừng mực nào đó cũng là những gì diễn ra ở Hà Nội.

Giao thông trong nội thành Hà Nội cũng "khủng khiếp"

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Vũ Thế Long, thuộc Trung tâm Hỗ trợ các Chương trình Phát triển Xã hội tại Hà Nội, một người quan tâm theo dõi vấn đề lưu thông trong thành phố cho biết :

Tôi sống ở nội thành Hà Nội và quả thật việc đi lại là mối lo ngại của tất cả mọi người. Khi có công việc đi đâu đó, mỗi lần đi đối với tôi là một lần khủng khiếp, vì tắc đường, vì hít khói bụi do động cơ xe máy, xe ô tô phà ra, đặc biệt là trong mùa hè. Cái chuyện người ta có thể đi bộ qua đường đươc hay không, đi xe máy, xe đạp an toàn hay không, là cả một vấn đề cực kỳ lớn mà hiện nay Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác, đang phải đối đầu.

Thế theo ý anh, nguyên nhân hay các nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông ?

Hà Nội giờ cao điểm(Ảnh : Reuters)

Hà Nội giờ cao điểm
(Ảnh : Reuters)

Tôi nghĩ là vì lưu lượng xe cộ đi lại trên đường phố và dân số tăng một cách đột biến, trong khi đó, đường phố không được triển khai và mở rộng. Cái nguyên nhân thứ hai là lượng xe lớn rất nhiều : ô tô lớn, ô tô nhỏ. Xe nhỏ còn lách được, xe to nằm ngang ra đó, tự nhiên tắc đường ngay. Cho nên theo tôi thủ phạm chính là ôtô. Ngay cả các đại lộ ở Hà Nội, như phố Hai Bà Trưng nơi tôi ở, đường rộng lắm, nhưng hai bên đường có xe ô tô đỗ, thì hẹp hẳn lại, hai chiều đi ngược nhau, chỉ cần một chiếc ô tô quay ngang là tắc cả đường.

Thế tại sao có nhiều ô tô như thế ? Tại vì những người cho phép bán hay sản xuất ô tô để tư nhân đi lại ở Việt Nam, đã không tính đến chuyện là có bao nhiêu đường, hay là ô tô sẽ chạy ở đâu. Tất nhiên xã hội phát triển cần có nhiều phương tiện đi lại, cần phải có xe hơi. Nhưng mà một cái xe hơi, diện tích mặt bằng nó chiếm bằng bao nhiêu chiếc xe đạp và xe máy ! Khi lưu thông, loại xe đó choán một diện tích rất lớn trên đường phố.

Tôi nghĩ một cách đơn giản, thủ phạm chính là sự phát triển xe 4 bánh một cách bừa bãi. Hiện nay thì người ta vẫn cứ xếp hàng mua xe 4 bánh, coi đó là một vật dụng sang trọng, là thước đo của giá trị, của những kẻ thành đạt, nhưng mà xét về mặt chiếm dụng không gian giao thông thì chính thủ phạm là những cái ô tô. Ô tô to, ô tô nhỏ mà nhảy vào các đường hẹp, đường bé thì sẽ gây tắc đường.

Thưa anh, bên cạnh đó còn nguyên nhân nào khác không ?

Điểm thứ hai là luật lệ giao thông của Việt Nam, có luật mà coi như không có luật. Bởi vì không có ai kiểm soát nổi thì luật lệ cũng vô ích. Có rất nhiều kẻ vi phạm luật lệ, không tôn trọng luật giao thông, luật tối thiểu để tồn tại trong một đô thị, cái luật ấy bị vi phạm, không tự giác thực hiện, nhất là trẻ con, không đủ điều kiện để đi xe máy cũng đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm, rồi lạng lách... Xã hội lên án rất nhiều nhưng không thể bắt được hết cả những trường hợp ấy. Hiện nay Công an cũng hết sức tìm bắt những trường hợp ấy, nhưng không xuể.

Giới quản lý giao thông đã đề ra những biện pháp nào để giảm ùn tắc ?

Tôi có đọc báo, có xem đài, xem tin tức trên mạng về giao thông, thì tôi biết là người đã tìm được rất nhiều giải pháp khác nhau. Có giải pháp đưa ra thì hiệu quả. Ví dụ như ở một số ngã tư mà hay tắc đường, người ta làm đường vòng, đường tránh, thay vì để hai luồng gọi là đối kháng với nhau. Có giải pháp nữa làm cái đảo giao thông mà ở miền Nam gọi là cái 'bùng binh' đó, ai đến đấy thì tự giảm tốc độ và tự đi vòng, cũng thoát ra được hơn là bị đèn xanh đèn đỏ rồi bị ứ lại. Đó lại một giải pháp thuần túy kỹ thuật. Hiện có có người nói rằng biện pháp đi vòng đó, vài tháng rồi nó cũng bế tắc. Tôi đang theo dõi xem kết quả ra sao.

Giải pháp nữa là người ta luôn luôn lập chiến dịch kiểm soát giao thông. Thế nhưng khi anh cảnh sát giao thông có mặt thì tốt, nhưng khi không có cảnh sát thì ý thức mọi người không còn được nghiêm chỉnh. Bản thân tôi bị xe đâm mấy lần, may không gẫy xương. Đèn xanh đến lượt mình đi thì có một anh cố tình vượt đèn đỏ. Cho nên cái luật giao thông phải được thi hành một cách triệt để. Phải trừng trị những kẻ vi phạm luật.

Bây giờ rộ lên cái gọi là văn hoá giao thông, nhưng mà chỉ văn hoá trên giấy, trên báo không, thì không được ! Phải có những thiết kế giao thông, muốn thiết kế thì phải có tổ chức giao thông.

Làm thế nào để giải quyết được vấn đề giao thông thì tôi nghĩ là cũng khó khăn lắm, bởi vì mình đã trót quá đà rồi. Giá mà ngay từ đầu có những biện pháp để hạn chế, bán xe máy vừa phải, hạn chế ô tô vừa phải, không bán nhiều hoặc có những chính sách  chế tài để giảm thiểu cho đến khi nào mà phát triển được hệ thống giao thông tốt hơn !

Bây giờ ta có quá nhiều phương tiện đi lại, mà đường thì luôn luôn hẹp. Chuyện tắc không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ là trên thế giới cũng vậy thôi.Tôi đã từng bị tắc đường ở Ý, ở Pháp. Tại Paris cũng có những ngõ hẹp như ở Hà Nội, thế nhưng tại sao ít tắc đường ? Kể ra họ cũng bị tắc nhiều, nhưng họ giải quyết được, vì có luật lệ đi cùng. Có nhiều người không đi ôtô mà đi tàu điện ngầm, đi xe búyt, rồi xe búyt thì có những tuyến riêng. Nhưng mà ở Việt Nam thì tôi thấy là mình đã mắc sai lầm rồi nhưng không học hỏi được kinh nghiệm từ những sai lầm đi trước.

Cách đây 20 năm tôi có dịp đi qua Bangkok, tôi thấy tắc đường, tôi sợ lắm. Tôi có nói với anh em, tôi sợ nhất là Hà Nội cũng thành Bangkok, bây giờ thì quả thực những chuyện ấy đã xẩy ra. Nếu như có tầm nhìn xa, thì người ta đã phải biết để tránh trường hợp Bangkok, để Việt Nam đi đường khác. Thế nhưng chúng ta đã đi theo cái sơ đồ khác của bên ngoài,  mà lại mắc phải cái trầm trọng hơn, và sửa cái đó thì không biết đến bao giờ mới sửa được. 

Tình hình đã nghiêm trọng như vậy rồi thì theo anh, ta phải làm gì ?

Tôi không phải chuyên gia về những chuyện này, nhưng tôi chỉ có mỗi một cách là vận động mọi người cố gắng trong những điều kiện như thế. Truớc hết là hãy chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ của nhà nước về giao thông : đèn xanh đèn đỏ thì dừng lại, đi đúng làn đường của mình, không tranh nhau, đi phải đội mũ..v..v.. Như thế, ít nhất ta hạn chế được tai nạn, góp phần giảm nhẹ tính trạng tắc đường, chứ còn với lưu lượng người đi lại như thế, với các phương tiện như thế, với đường xá như thế, thì chuyện tắc là cái chuyện bất khả kháng. Chẳng nhẽ bây giờ ta thôi, không đi lại nữa, ở nhà không đi đâu cả ? Đó là vấn đề khó khăn.

Còn đầu tư vào làm xe điện ngầm, xe điện nổi, cái đó cũng tốt, nhưng mà tôi sợ là phải vài thế hệ nữa mới may ra mới làm được, nhưng mà đâu tư vào đó cũng là tiền, phải đi vay, phải trả. Thế thì cái vay, cái trả, và cái lợi ích nằm ở đâu, đấy cũng là vấn đề. Dân cũng có lợi, nhưng cuối cùng thì mỗi người cũng phải bỏ tiền túi ra để làm cái đó. Nhưng mà thà có còn hơn không. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là chuyện xa vời, không biết bao giờ mới xong được.

Thú thật là nhìn giải pháp giao thông Việt Nam, tôi thấy có rất nhiều điều bất cập và rất mong là nhiều nhà khoa học cùng nhau bàn, và nhũng người xử lý luật pháp và những người tổ chức cùng nhau nghe ngóng, cùng nhau tìm hiểu, cùng nhau thí điểm để tìm ra biện pháp, có thể tạm thời như là những cái đảo tròn để người ta tránh đèn xanh đèn đỏ đở tắc, hoặc là đi vòng đi vèo như những tháng rồi ở Hà Nội, thì nó cũng giảm được. Chứ còn đây là một căn bệnh, muốn chữa được, đòi hỏi phải có đầu tư và phải có nhiều giải pháp đồng bộ may ra mới giảm được, chứ còn đã mắc vào rồi thì khó mà chữa được.


Trọng Nghĩa


http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5459.asp


Bài đăng ngày 26/10/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...