Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Âm nhạc là định mệnh cuộc đời

Hoa Thiên

Được báo chí nước ngoài đặt cho biệt danh “Cinderella Việt Nam” nhưng cuộc đời của nữ danh ca Bạch Yến lại không có những đôi giày pha lê định mệnh.

Đi từ những ngày ấu thơ gian khó tới những đỉnh cao vinh quang, dường như ở người phụ nữ 67 tuổi ấy không có chỗ dành cho những đua chen, ganh đua. Chị sống bình lặng và giản dị, đón nhận vinh quang cũng bình thường như những ngày nhỏ im lặng cùng cả nhà ngồi nhìn nồi cháo trắng chẳng còn gì bên trong… Chị chỉ sống động khi nói về âm nhạc.

Người Đô Thị có một buổi trò chuyện cùng chị.

Có người Tây nào dùng violin chơi cò lả ?

Ở tuổi 67, thời gian dường như vẫn đang bất lực trước vẻ đẹp của chị, vậy còn giọng hát, chị tự nhận về mình thế nào?

Bạch Yến: Vẫn hát Đêm đông hay như thời 15 tuổi nhưng bây giờ có thêm nhiều trải nghiệm rồi (cười).

Ed Sullivan Show, một chương trình tạp kỷ nổi tiếng bậc nhất của Mỹ, nơi từng trở thành cầu nối đưa nhóm Beatles đến với công chúng Mỹ. Năm 1965, chị xuất hiện tại đây và điều đó đã giúp chị gặt hái được những gì?

Thật ra tôi gặt hái thành công từ khi còn trong nước. Ra nước ngoài thì tôi học được nhiều hình thức biểu diễn cũng như trau dồi văn hóa và được cọ xát mình trong môi trường chuyên nghiệp.

Là một người sống trong lòng của bầu không khí nhạc trẻ Sài Gòn từ thời kỳ đầu, chị có nhận xét gì về sự phát triển của nó và ý nghĩa của nó trong thời điểm hiện nay hay không?

Điều dễ thấy nhất của thời xưa và thời nay chính là cái tên. Cái tên tượng trưng cho một giọng ca, cho tài năng của họ, cho sự khác biệt của họ với những ca sĩ khác. Ngày xưa, nhắc tới Bích Chiêu, Lê Uyên Phương, Khánh Ly… là ngay trong đầu bạn hình dung được lập tức giọng hát như thế nào, khàn trong ra sao… Còn bây giờ, vợ chồng tôi nhiều khi nghe cả 10 đĩa nhạc của 10 ca sĩ khác nhau mà vẫn cứ ngợ ngợ là một người hát, họ thiếu một “nhân tính trong giọng hát”, một nhãn hiệu. Khi mới sang Pháp học thanh nhạc (1961), thầy dạy bảo tôi hát nhạc Dalida tôi hát y chang, hát Edith Piaf tôi cũng làm y hệt, cứ tưởng được khen ai ngờ bị mắng té tát “thế cái riêng của em đâu?”.

Suốt một thời gian khá dài theo đuổi và thành công với âm nhạc phương Tây, lí do gì chị quyết định quay sang nhạc dân tộc?

Phải thừa nhận một điều chắc chắn, hát nhạc Tây phương, hát những ca khúc thịnh hành vào thời ấy thì luôn đảm bảo được cho mình một cuộc sống đầy đủ. Khi tôi ở Việt Nam hay sau này ra hải ngoại, khi đã có được chỗ đứng thì hát nhạc Tây phương giúp tôi kiếm được khá nhiều tiền. Mãi sau này khi yêu và lấy anh Hải (nhà nghiên cứu Trần Quang Hải, con trai giáo sư Trần Văn Khê) thì tôi bị anh “thôi miên” và quyết định thay đổi dòng nhạc của mình.

Khoảng gần 3 thập niên nay khi quay sang âm nhạc dân tộc, đi nhiều và thấy nhiều, cá nhân chị nhận xét thế nào để có thể lưu giữ và truyền bá âm nhạc truyền thống Việt?

Nói thật sòng phẳng nhé, nghề làm nhạc, đặc biệt là nhạc dân tộc ở Việt Nam không sống được. Người làm nghề này, sáng tác, lưu giữ ít được công chúng chú ý. Tôi để ý trong các khách sạn lớn ở Việt Nam có khá nhiều nhóm nhạc truyền thống được mời biểu diễn cho khách xem. Và tôi đã rất ngạc nhiên, thậm chí là sốc khi thấy nhiều người chơi nhạc cụ ta nhưng giai điệu toàn là nhạc Tây cả. Có thể tôi khó tính nhưng tôi không chấp nhận được chuyện đó, nhạc truyền thống Việt là ngũ cung lại chơi trên nền nhạc thất cung của Tây phương. Nếu muốn anh có thể chơi những giai điệu đó trên piano hay violin chứ một khi anh đã đem cây đàn tranh ra thì hãy đàn những giá trị bao đời nay của người Việt, vì nó là hồn Việt, người nước ngoài và cả Việt kiều họ cần nghe cái đó vì nếu muốn nghe tân nhạc họ có thể vào discothèque, phòng trà… Giữ gìn bản sắc đôi lúc cũng phải mạnh mẽ lên chứ. Ngay cả áo dài họ mặc biểu diễn cũng không giống truyền thống. Bạn thấy người Tây nào dùng violin chơi cò lả chưa? Đó chỉ là một ví dụ tôi muốn đề cập trong việc gìn giữ, lưu giữ và phát huy âm nhạc dân tộc.

Hiểu thế nào là hạnh phúc và mất mát

Cuộc hôn nhân với nhạc sĩ/nhà nghiên cứu Trần Quang Hải đã mang đến điều gì trong âm nhạc của chị?

Sự thay đổi. Và từ đó tôi thay đổi (cười).

Chị có nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời âm nhạc của mình?

Nhiều lắm chứ. Tôi vẫn giữ bộ đồ đi hát hồi 7 tuổi, bộ duy nhất đi hát thời ấy. Tôi nhớ những ngày đầu tiên đến Pháp mẹ tôi đã ra 3 điều kiện, nếu chấp hành thì mới được ở lại học: Không mặc bikini, không lấy chồng nước ngoài, không được cắt tóc ngắn và tôi đã làm đúng lời mẹ dặn. Cả kể khi tôi ra những đĩa nhựa phát hành ở Pháp hay Mỹ tôi cũng luôn để hình ảnh mái tóc dài trên bìa đĩa của mình, đó luôn là nét Á đông mà tôi luôn muốn gìn giữ. Tôi cũng nhớ những lần diễn ở Ed Sullivan, được gặp những anh tài như Rolling Stones, Frank Sinatra… luôn cho tôi những động lực để phát triển và hoàn thiện mình hơn. Kỉ niệm cũng là những chất xúc tác giúp bạn có hồn hơn trong giọng hát của mình.

Nhìn lại cuộc đời mình, chị thấy mình được và mất gì?

Trong cuộc đời mình, tôi mất mát về tinh thần nhiều lắm, tôi đã từng gặp phải những người yêu tôi nhưng chỉ yêu giả thôi, tôi thích những đứa con lớn lên bên cạnh mình nhưng tôi lại không thể có con… Nhưng bù lại tôi đã có âm nhạc, âm nhạc như là định mệnh của cuộc đời tôi vậy, giúp tôi khuây khỏa và đem cho tôi những niềm vui, trải nghiệm. Và chồng tôi, người giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn, trong cuộc sống và cả giai đoạn tôi chuyển mình sang hát nhạc dân tộc.

Nói về trải nghiệm thì nhìn qua thời thơ ấu của chị có lẽ chị đã có rất nhiều trải nghiệm?

Phải, tôi có một thời ấu thơ không êm đềm. Cha đi bước nữa, mẹ mang cả nhà lên Sài Gòn sinh sống, cuộc sống rất khó khăn. Tôi mê hát và đi hát từ khi còn rất nhỏ, từng giành huy chương vàng của đài Pháp Á. Lúc đó tôi gần như là nồi cơm chính của gia đình. Rồi khi người Pháp rút đi, đài Pháp Á bị dẹp bỏ thì đài Sài Gòn khi ấy lại quyết định không nhận tôi vì thấy tôi từng hợp tác với Pháp. Đối với một đứa trẻ hơn 10 tuổi lúc ấy thì đó là một lí do chẳng hiểu nổi. Mất việc, gia đình tôi càng lao đao. Và cũng thời điểm ấy, nhà tôi bị cháy, cháy hết không còn cái gì, 5 mẹ con tôi trắng tay. Tôi nhớ lúc ấy, hội thiện nguyện đến cho lon gạo và cá khô, tôi bật khóc tủi thân vì nghĩ “cho gạo thì lấy đâu củi với lửa mà nấu?”. Thời điểm đó gia đình tôi cùng quẫn lắm. Cũng may ông cậu ở dưới Cần Thơ nghe tin nên lên Sài Gòn đón cả nhà về và lập gánh xiếc đển chị em tôi kiếm tiền sinh sống.

Vậy thì đúng ra bây giờ chúng ta phải có một nghệ sỹ xiếc mang tên Bạch Yến rồi chứ?

Cũng chưa hẳn bởi cho dù đi làm xiếc tôi cũng vẫn mê ca hát, những lúc rạp giải lao, mấy chị em tôi lại đứng giữa bục tròn và hát, chẳng cần trống kèn gì cả. Giờ nhớ lại tôi thấy thời kỳ đó tuy vất vả nhưng giúp tôi được khá nhiều những trải nghiệm. Trong đoàn xiếc tôi được giao nhiệm vụ lái mô tô bay, rồi một lần trong lúc biểu diễn tôi ngủ gật và thế là người và xe ngã nhào. Tôi thì đi nằm bệnh viện còn gánh xiếc tan rã bởi diễn viên toàn dưới tuổi quy định. Có những lúc trong cuộc đời bạn cứ tưởng thế là đến ngưỡng bất hạnh rồi nhưng nhiều khi nó còn xuống nữa. Cho nên vì thế tôi rất hiểu thế nào là hạnh phúc và mất mát

http://nguoidothi.vn/home/chuyen-cua-sao/am-nhac-la-dinh-menh-cuoc-doi

Đọc & hiểu hơn về cô Bạch Yến... chim én trắng thanh khiết giữa bầu trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...