Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Giáo Sư Nguyễn Sĩ Huyên: ĐẠI DỊCH COVID-19: suy nghĩ góp ý cho một giải pháp Việt Nam

 Phỏng vấn Giáo Sư Y khoa Nguyễn Sĩ Huyên

ĐẠI DỊCH COVID-19: suy nghĩ góp ý cho một giải pháp Việt Nam

Việc Covid-19, đặc biệt là với biến thể Delta hiện nay đang lây lan mạnh là chuyện không tránh khỏi vì tính chất lây lan mạnh của nó, đặc biệt là trong một xã hội nhiều người trẻ với mức độ di động cao vì điều kiện sinh hoạt đời sống kinh tế hàng ngày. Theo kết quả của nghiên cứu Gutenberg COVID-19 như đã trình bày trên, số ca lây nhiễm ở Đức không có triệu chứng là 42,4%. Như vậy, như đã nói, cứ 10 người bị nhiễm COVID-19 ở Đức có triệu chứng, thì phải tính thêm là có đến 8 người lây nhiễm không có triệu chứng. Theo bài phỏng vấn thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn ngày 14.7.21 trên trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Bộ Y Tế (xem 14) thì con số F0 không có triệu chứng trong thời gian qua tại Việt Nam là 70-80%. Như vậy, cứ 10 người ở Việt Nam bị nhiễm bệnh có triệu chứng thì phải tính đến có thêm 40 người nữa đã có bị lây nhiễm không có triệu chứng! 1000 người bị lây nhiễm, thì con số người lây nhiễm không triệu chứng đi kèm sẽ là 4000 người. Với con số lây nhiễm không triệu chứng trong suy luận trên, hy vọng kiểm soát được F0 trong thời điểm dịch lan rộng bởi biến thể Delta là không thể thực hiện được. Chưa kể là theo thông tin dịch bệnh hàng ngày của Bộ Y Tế con số ghi nhận những ca mới trong ngày phần lớn là xuất phát từ những khu cách ly hay phong tỏa. Đây cũng là những tụ điểm nguy cơ cho biến thể Delta lây mạnh, một khi khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế không thể được tuân thủ nghiêm chỉnh trong tâm trạng hoang mang của người dân bị giữ trong những khu này trước một loạt câu hỏi đặt ra cho nhiều ngày đến: phải ở lại đây bao lâu, giải quyết vấn đề gia đình con cái ra sao, tiền đâu cho gia đình sinh sống, ăn uống thế nào, vệ sinh cá nhân hàng ngày …

Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành biện pháp giãn cách xã hội 14 ngày, bắt đầu từ ngày 9.7.2021. Giãn cách xã hội là một giải pháp triệt để trong phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, nhưng không nên quên rằng, biện pháp này tự nó cũng mang đến những hệ lụy về kinh tế xã hội, tâm lý cho người dân chưa lường hết trước được.

Trước khi trả lời câu hỏi, Việt Nam trong lúc này cần những biện pháp gì, tôi nghĩ là chúng ta cần ghi nhận một số nhận thức chủ yếu rút ra từ những trải nghiệm của các quốc gia đã nói trên:

1.So sánh hiển thị của họa đồ các nước Anh, Do Thái và Đức về số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong hàng ngày ta thấy nó theo một khuôn mẫu tương đối đồng nhất. Những ca tử vong tăng cao tương ứng với ca nhiễm mới trong ngày ở đợt dịch 1 và 2. Trong đợt dịch 3 ca nhiễm mới tăng trở lại dưới ảnh hưởng lây lan mạnh của biến thể Delta, nhưng tử vong thấp nhờ vào chủng ngừa COVID-19 rộng rãi trong dân chúng, đặc biệt đã ưu tiên chủng ngừa sớm cho nhóm người có hệ nguy cơ cao. Thành phần được chủng ngừa với phản ứng miễn dịch hiệu quả chống SARS-CoV-2 đã là rào cản cho sự lan rộng lây nhiễm và giảm biến chứng nghiêm trọng của COVID-19 trong trường hợp tái nhiễm.

2. Trong những điều kiện nhất định, thì con số lây nhiễm mới hàng ngày không phải là mối lo âu, nếu tử vong thấp (lệ thuộc vào tỷ lệ chủng ngừa nhóm nguy cơ có đầy đủ chưa) và số ca nhiễm cần nhập viện điều trị thấp (nhờ phần còn lại hầu như là giới trẻ chưa chích ngừa). Nước Anh trong thống kê ngày 14.7.2021 cho thấy con số nhiễm trong ngày là 37.341 ca, tử vong là 36 ca. Nhưng thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn không thay đổi quyết định chấm dứt những biện pháp phòng chống COVID-19 vào ngày thứ hai đến, 19.7.2021, khi không thấy có những dấu hiệu quá tải chăm sóc y tế có thể xảy ra. Một quyết định đang được tranh luận sôi nổi ngay cả trong giới chuyên môn. Nhưng theo tôi, quyết định của Johnson, mặc dầu số ca lây nhiễm trong ngày còn rất cao là chấp nhận được trong tình hình dịch bệnh tạm ổn định (tử vong thấp) và vì sự cần thiết của việc ổn định kinh tế và giảm dịu tâm lý xã hội trên đất nước của ông.

3. Sự khác biệt cơ bản của diễn tiến dịch bệnh ở Việt Nam với các nước trên là đợt dịch 1 rất ít ca lây nhiễm và không có tử vong, đợt dịch 2 chủ yếu là dịch bộc phát tại Đà Nẵng với 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 có ghi nhận gia tăng lây nhiễm nhưng không đáng kể. Trong đợt dịch mới hiện nay, ta lại thấy có một sự tương đồng nhất định về diễn tiến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước Anh, Do Thái và Đức. Sự tương đồng đó, là số ca lây nhiễm tăng nhanh, nhưng tử vong thấpMột hiện tượng chỉ có thể thấy được ở những quốc gia có mức độ chủng ngừa cao. Việc này nói lên sự kiện là chủng ngừa đã tạo ra phản ứng miễn dịch rất hiệu quả trong phòng chống COVID-19. Nhìn vào diễn tiến dịch bệnh tại Việt Nam, chúng ta sẽ không có giải trình nào khác hơn, trong điều kiện tỷ lệ chủng ngừa cực thấp, để phải đi đến kết luận là dịch bệnh từ Vũ Hán đã qua đường khách du lịch và khách nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc đến Việt Nam rất sớm, lây nhiễm mạnh ở người trẻ không gây triệu chứng và tình trạng hiện nay có khả năng lớn là biểu hiện cho phần lớn dân số đã được miễn nhiễm (xem 15). Số ca lây nhiễm trong thời gian tới sẽ vẫn tăng dưới ảnh hưởng lây nhiễm lan nhanh của biến thể Delta, trong thành phần người mới nhiễm, theo giả thuyết miễn dịch đã nêu, một phần sẽ là tình trạng tái nhiễm. Số ca nhiễm không có triệu chứng ở Việt Nam cao bất thường (70-80%) cũng có thể là một biểu hiện của tình trạng tái nhiễm. Đó cũng là một giải thích cho tử vong và số ca cần nhập viện điều trị thấp.

Từ những nhận thức trên và dựa vào kết quả của nghiên cứu Gutenberg COVID-19 ta có thể ghi nhận một số biện pháp áp dụng cho Việt Nam trong điều kiện dịch bệnh hiện nay:

1. Quan trọng hàng đầu là việc tiến hành chủng ngừa sớm như có thể được, đặc biệt là trong lúc thuốc chủng ngừa chưa được cung cấp đầy đủ cho dân chúng và thấy trước là sẽ còn khó khăn lâu dài, ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ tử vong cao (người trên 65 tuổi, bệnh nền, suy giảm chức năng hệ miễn dịch), qua đó trước mắt giảm thiểu nguy cơ quá tải chăm sóc y tế. Thống kê của nghiên cứu phân tích tổng hợp và riêng rẽ của các quốc gia cho thấy tử vong dưới 65 tuổi là 0.01-0.4% (xem 16). Không chủng ngừa sớm thành phần có nguy cơ tử vong thì khả năng lây nhiễm lan rộng nhanh như hiện nay đến một lúc nào đó, trong thời gian gần, dịch sẽ xâm nhập được vào nhóm nguy cơ và hậu quả sẽ không còn nói trước được nữa. Mỗi một tiêm chủng cho người trẻ lành mạnh hiện nay (nguy cơ tử vong 0.01-0.4%) về dịch tễ học là một điều không thể hiểu nổi trong tình hình người cao tuổi trong nhóm nguy cơ phần lớn chưa có được bảo vệ của chủng ngừa.

2. Theo như phần trình bày trên, thì những con số những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng ở Việt Nam nhiều gấp bốn lần người bị nhiễm có triệu chứng. Cộng thêm vào đó là sức lây nhiễm nhanh của biến thể Delta, ta cũng nên thấy một thực tế là con số lây nhiễm thật sự không còn kiểm tra được nữa. Những phát hiện lây nhiễm hàng ngày chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì vậy cách thức phòng ngừa dịch cũng cần thay đổi:

a. Gây ý thức cao cho người dân về lây nhiễm dịch bệnh: thấy có triệu chứng bệnh thì tự ra y tế phường hay quận làm test SARS-CoV-2 (điều này nhà nước phải lo cho dân được làm miễn phí). Test dương tính thì cách ly tại nhà 14 ngày có kiểm tra qua điện thoại hay thăm viếng bất chợt của phường hay quận. Nếu vì lý do gì ngại ngùng không muốn làm test thì cũng nên tự ý thức cách ly 14 ngày ở nhà.

b. Không nên cách ly người bị lây nhiễm trong cộng đồng, nếu điều kiện sinh sống trong hộ gia đình của họ cho phép (xem phần kết quả nghiên cứu Gutenberg COVID-19). Chưa kể là ở những khu cách ly, mức độ lây nhiễm theo những báo cáo y tế gần đây, cho thấy là tăng cao hơn ngoài cộng đồng rõ rệt. Trong điều kiện hiện nay với số ca lây nhiễm càng ngày càng tăng, e rằng cũng sẽ không còn cơ sở để chứa, nhìn về mặt dịch tễ học đúng ra cách ly cũng chỉ cần thiết cho một số trường hợp nhất định, không đại trà cho F0 và F1, ví dụ như cách ly khách nhập cảnh vào Việt Nam với test SARS-CoV-2 dương tính để bảo đảm cho theo dõi kiểm dịch từ ngoài vào.

c. Giãn cách xã hội chỉ cần thiết khi khả năng chăm sóc y tế có nguy cơ bị quá tải. Trên thực tế, giãn cách xã hội bao giờ cũng làm giảm tình trạng lây nhiễm cấp thời, nhưng cũng đồng thời gây nên bất ổn về đời sống kinh tế và xáo trộn nặng nề về tâm lý xã hội, đặc biệt cho nhóm người dân có thu nhập thấp.

d. Do đó, trong tình hình hiện nay với diễn tiến dịch bệnh theo kịch bản 2 (xem 17): lây nhiễm tăng, tử vong thấp và cũng chưa có dấu hiệu quá tải chăm sóc y tế, không nên kéo dài tình trạng giãn cách xã hội. Tạo điều kiện cho người dân trở về lại sớm cuộc sống thường ngày, nhưng đặc biệt phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế, những biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao (nghiên cứu Gutenberg COVID-19 của Đại học Y Khoa Gutenberg Mainz). Cần lưu ý giữ khoảng cách tiếp xúc ngay cả trong gia đình và đặc biệt là đối với người cao tuổi.

e. Đề nghị nhà nước tổ chức làm test miễn phí cho người dân tại mỗi quận. Khuyến khích người dân tự ý thức đến kiểm tra và tự cách ly tại nhà (xem phần a.). Đồng thời thực hiện test SARS-CoV-2 theo chiến lược cụm để ngăn chặn siêu lây nhiễm (superspreader).

f. Theo nghiên cứu Gutenberg COVID-19 thì ảnh hưởng của đại dịch vào thu nhập của người dân nặng nề nhất là vào nhóm người có thu nhập thấp. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chánh cho thành phần này trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch là cần thiết. Ở đây, cần ghi nhận hết sức trân trọng là đã có nhiều tổ chức tự nguyện dân sự từ nhiều nơi hoạt động tích cực hỗ trợ cho người nghèo trên nhiều địa phương khác nhau (xem 18,19, 22) và nhà nước cũng đã công bố những chính sách hỗ trợ tài chánh cho thành phần thu nhập thấp (xem 20).

g. Và cuối cùng là một câu hỏi gợi ý để nhận định về thực tại của nền y tế trong nước và hướng vọng về một phát triển của ngành y học nước nhà trong tương lai: khi nào thì chúng ta có được một nghiên cứu PHAM NGOC THACH về COVID-19?.


GS TS Nguyễn Sĩ Huyên, đồng phó chủ nhiệm khoa Khoa Y Việt Đức (thành viên được bổ nhiệm từ Đại Học Y Khoa Johannes Gutenberg Mainz, CHLB Đức) của Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM. Ông là một trong những thành viên sáng lập Khoa Y Việt Đức. Đây là một thành quả mới của ngành đào tạo và giáo dục tại Việt Nam với một chương trình kết hợp đào tạo giữa hai Đại học có sự công nhận chương trình đào tạo của cơ quan trách nhiệm về đào tạo và cấp giấy phép hành nghề bác sĩ tại Đức.


Xem toàn bộ bài phỏng vấn tại trang Diễn đàn khai phóng: https://diendankhaiphong.org/dai-dich-covid-19-suy-nghi-gop-y-cho-vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...