Nụ cười thân thiện của Alienor Anisensel (24 tuổi, sinh viên Đại học Paris 10 – Pháp), người vừa bảo vệ luận án thạc sĩ âm nhạc dân tộc về đề tài ca trù Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, đã chinh phục người đối diện khi lần đầu trò chuyện với cô
Sự xuất hiện của Alienor Anisensel trong thời điểm Việt Nam sắp tổ chức hội thảo quốc tế về ca trù vào tháng 6 năm nay tại Hà Nội, đã làm nóng lên bầu không khí vốn lặng lẽ của bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Ký ức tuổi thơ
Alienor Anisensel từ nhỏ đã có những khái niệm rất đẹp về đất nước Việt Nam nằm ở phương Đông xa xôi, nơi cụ cố nội của cô đã từng xây dựng một khách sạn và sinh sống tại Sài Gòn. Alienor lớn lên trong một gia đình có 2 chị em, cô là chị của cậu em trai năm nay 20 tuổi. Tuổi thơ của cô đã được nghe những câu chuyện kể về cuộc đời của cụ cố nội. Ông không phải là lính Pháp có mặt trong cuộc chiến ở Đông Dương, mà ông sang Việt Nam làm ăn, sinh sống như một công dân Pháp bình thường. Từ nhỏ, Alienor đã đặc biệt yêu thích âm nhạc, cô khao khát được tìm hiểu những bộ môn ca hát, nhất là lịch sử phát triển của nó.Tại Pháp, qua sự quen biết với một vài người bạn Việt Nam là Việt kiều đang sinh sống tại quận 13 - Paris, Alienor đã được diện kiến Giáo sư -tiến sĩ Trần Văn Khê. Tại căn hộ ngoại ô Paris những ngày hè 2003, Alienor đã được làm quen với ca trù qua sự giới thiệu hết sức ấn tượng của thầy Khê. Cô kể với ánh mắt vui tươi: “Thầy Khê là người đầu tiên nói với tôi về ca trù. Thầy đã dạy tôi về môn nhạc ấy và chính vì lẽ đó tôi chịu ơn thầy rất nhiều. Nếu không có thầy và các nhà nghiên cứu khác như ông Ngô Linh Ngọc - một người chuyên nghiên cứu về ca trù mà tôi đã may mắn được gặp năm 2003 trước khi ông qua đời tại Việt Nam - thì tôi đã không thể đến với ca trù một cách tự tin. Ông Ngô Linh Ngọc đã biên soạn một tuyển tập về ca trù và nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Khoái cũng vậy. Tôi nghĩ, nếu không có những tài liệu quý báu đó thì ca trù đã bị rơi vào quên lãng”.
Đến với quê hương ca trù
Chuyến đi Việt Nam năm 2003 đã đưa Alienor đến Hà Nội. Trong 2 tháng, cô đã tìm hiểu về ca trù qua những lần tham gia các buổi trình diễn của nhóm ca trù Thái Hà và CLB Ca trù Bích Câu của bà Bạch Vân. Cô học hát qua sự hướng dẫn của nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hòa và việc làm quen với bài ca nổi tiếng Hồng hồng, tuyết tuyết cùng với đoạn mưỡu mở đầu thật lý thú đối với cô. Chính trong buổi ca trù tổ chức tại tư gia dược sĩ Lê Văn Thuần, Alienor đã gặp ông Nguyễn Quản Tuân, một giáo sư văn chương người đã hướng dẫn cô hiểu về thể văn hát nói và tặng cô tập thơ sáng tác ca trù của ông. Alienor bắt đầu tìm đến làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, địa danh được xem nhe là một kho tư liệu hát cửa đình, những bài hát trong đình và ngoài đình, những bài hát về dâng thần hoàng làng. Alienor phấn khởi: “Ấy là bài hát Gửi thư, tôn vinh thần hoàng làng mà lại tả một mối tình đúng với bản chất con người. Tôi yêu làm sao làn hơi đổ hột rất thú vị của các nghệ sĩ hát ca trù, kể cả tiếng trống phách, tiếng đàn đáy trầm buồn da diết. Tôi đã say mê tìm hiểu, lắng nghe, ghi chép với lòng ngưỡng mộ những nghệ nhân ca trù của làng Lỗ Khê”.
“Tây ba lô” Alienor
Có một vài nghệ sĩ và nhà nghiên cứu ca trù miền Bắc đã khuyên cô không nên vào Nam, chỉ mất thời gian vô ích, vì theo họ, ở miền Nam không có ca trù hát theo truyền thống. Một số người lại góp ý cô không nên về làng Lỗ Khê vì đến đó hiện nay cũng chỉ mất thời gian. Thế nhưng cô vẫn cứ đi và không thất vọng, vì dẫu ở Lỗ Khê ngày nay không còn nhiều nghệ sĩ, nhưng dân làng còn giữ được một bộ sưu tập các bài hát cửa đình mà các chuyên gia ở Hà Nội không biết hoặc biết rất ít. Từ tháng 11 năm ngoái, Alienor đã đến Việt Nam để hoàn tất luận án thạc sĩ. Trước khi làm luận án, cô đã nghe và tìm hiểu rất nhiều bộ môn âm nhạc của các dân tộc trên thế giới, để qua đó chứng minh ca trù có những nét đẹp lý thú. Cô được Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp cấp học bổng 2.000 euro để sang Việt Nam lần thứ hai hoàn tất công việc nghiên cứu ca trù. Và để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống của một “tây ba lô” cứ ăn no rồi lang thang, Alienor nhận dạy thêm tiếng Pháp ngoài giờ cho một học sinh người Việt, và qua đó cô học thêm tiếng Việt. Hai mươi bốn tuổi, chưa có bạn trai, Alienor được gia đình ủng hộ về quyết định tìm đến Việt Nam để học ca trù.
Cô cười và nói bằng tiếng Việt: “Bố mẹ và em trai tôi rất tự hào về công việc của tôi. Họ ủng hộ tôi lắm. Sau khi xong luận văn thạc sĩ, tôi chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ, cũng về đề tài ca trù. Tôi biết, dẫu tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cũng sẽ khó tìm được việc làm. Nhưng tôi hy vọng sẽ có được một công việc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu CNRS của Pháp. Tôi cũng sẽ tiếp tục “theo đuổi” ca trù ở Hải Dương, Hải Phòng vào tháng giêng năm 2007. Và không có điều gì ngăn cản tôi tìm hiểu thêm về những bộ môn nghệ thuật khác của Việt Nam”.
Cuộc sống ở VN của Alienor
Ở TPHCM, Alienor tạm trú trong một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Cô ở nhờ nhà một sinh viên Việt Nam có mẹ là giáo viên dạy Pháp ngữ tại Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp. Mỗi ngày đi ra phố, Alienor thường vẫy tay đón một chiếc xe ôm. Khi đói, cô ăn bánh mì hoặc vào một quán mì xào, phở mà cô yêu thích. Cô đã làm quen và thích thú khi đến sinh hoạt tại CLB Ca trù Bình Thạnh của nhà giáo Nguyễn Nhã. Tại đây, cô đã xuất hiện trong buổi sinh hoạt với chiếc áo dài tứ thân duyên dáng của phụ nữ miền Bắc.
Alienor cười và nói bằng tiếng Việt: “Tôi, một cô gái có cá tính, cởi mở và đôi lúc thích ẩn dật, riêng tư. Tôi là con người lãng tử, thích phiêu du. Hiện nay mong ước của tôi là muốn kéo dài thời hạn visa để ở lại Việt Nam tham dự hội thảo quốc tế về ca trù. Tại đây, tôi đã chuẩn bị một bản tham luận về “Tính đa dạng của ca trù” qua đợt khảo sát ca trù tại miền Bắc, miền Nam”.
Khi trả lời câu hỏi vui, có bao giờ Alienor nghĩ mình sẽ làm dâu người Việt Nam. Cô trố mắt cười: “Tôi không phải là thầy bói để biết được điều đó. Tuy nhiên tôi có duyên với ca trù và cảm ơn cái duyên may này”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Ngày 9.4.2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét