Nhạc hội đàn tranh châu Á lần II – 2008 vừa diễn ra ở TPHCM đã tạo được nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và công chúng mộ điệu. Từ nhạc hội này cũng mở ra nhiều điều đáng mừng, lẫn đáng lo, cho văn hóa dân tộc. Sau nhạc hội, chúng tôi có cuộc phỏng vấn GS-TS Trần Văn Khê về những điều đang đọng lại...
* PV: Thưa Giáo sư, qua những đêm nhạc hội đàn tranh châu Á lần II - 2008 vừa diễn ra, Giáo sư có nhận xét gì về các đoàn nghệ sĩ tham dự?
* GS-TS TRẦN VĂN KHÊ: Trước tiên là các đoàn tham gia nhạc hội lần này đều chọn lựa những nghệ sĩ thượng thặng, tức là họ có một kỹ thuật vững vàng, điêu luyện, trình độ nghệ thuật ở đẳng cấp cao. Tất cả đều là những nghệ sĩ bậc nhất của quốc gia, đã có những thành tích cao – giải nhất của nhiều cuộc thi.
Ở đoàn Hàn Quốc, tất cả những nghệ sĩ tham gia chẳng những có tên tuổi mà còn là những giáo sư, tiến sĩ trong các trường đại học. Họ hiểu biết về kỹ thuật, lý thuyết, nên phong cách biểu diễn của họ là phong cách của một nghệ sĩ đi tới mức độ tài hoa.
Đoàn Trung Quốc cử sang những nghệ sĩ trẻ tuổi, nhưng tài rất cao.
Còn ở các đoàn nghệ sĩ khác thì có cổ mà cũng có mới. Chẳng hạn như đoàn Nhật Bản có một giáo sư hơn 70 tuổi mà cũng có những người trẻ. Vị giáo sư ấy không phải chỉ đàn những bản nhạc cổ mà còn đàn những bản mới sáng tác năm 2007, phải tập luyện theo một phong cách mới. Tôi cảm thấy người nghệ sĩ cao niên lão thành sẵn sàng đi hai bước để gặp cái mới và thanh niên cũng sẵn sàng đi ba bước tới để gặp truyền thống. Sự gặp nhau như thế thật đẹp và cho thấy không còn một khoảng cách giữa hai thế hệ, không còn sự tranh chấp giữa xưa và nay.Giáo sư đang đề cập đến một vấn đề rất hay, cách bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống phù hợp cuộc sống đương đại nhưng cần có sự chuyển giao - kế thừa - phát triển từ hai thế hệ?
Thực tế diễn ra từ nhạc hội lần này cho thấy ngoài những người lớn tuổi gìn giữ truyền thống, còn có những người trẻ bắt đầu trở lại với âm nhạc truyền thống.
Người xưa không kỳ thị, chê người nay là ngoại lai, người trẻ không chê người thầy là những người cổ lỗ, đó là một điều rất tốt đẹp.
Sự gặp gỡ giữa hai thế hệ để tìm thấy một con đường đi chung, tức là người lớn khuyên giảng trẻ em đừng đi sai đường, và người lớn cũng nên phóng khoáng, mở ra. Tôi rất tâm đắc với điều này. Bởi chúng ta bảo tồn vốn cổ nhưng không bao giờ nệ cổ. Phát triển không nhất thiết phải vay mượn bên ngoài để làm cho vốn cổ bị ngoại lai, biến chất mà ngược lại, phát triển là phải làm thế nào để từ bên trong đi ra, để còn giữ được cái gốc. Nếu trốc gốc cây sẽ khô, lá úa, không nở hoa, trái không kết; dòng sông mà đứt nguồn rồi, sông cũng sẽ khô, dòng cũng sẽ cạn. Vì thế, nếu có được cái tư tưởng đó, nghệ sĩ đi ra bên ngoài mà vẫn giữ được cái gốc của mình thì cái đó sẽ làm nên một cái truyền thống mới trong tương lai.
* Thưa Giáo sư, các nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam lần này đã có một bước tiến đáng kể, Giáo sư thấy thế nào?
* Ở nhạc hội lần này, các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn một chương trình rất hay. Trước kia, ai cũng nghĩ rằng CLB “Tiếng hát quê hương” chỉ đánh những bài dân ca, những bài nhỏ chơi cho vui thôi. Nhưng đó là lúc tập sự để hôm nay đưa tới một thành quả là tất cả các thành viên của “Tiếng hát quê hương” đều đờn được những bản lớn – Xàng xê, Long ngâm, nhịp nhàng rất chững chạc. Các nghệ sĩ luôn biết chịu khó tập luyện đi từ cái dễ đến cái khó, từ cái đơn giản đến phức tạp, từ nhạc dân gian đến nhạc thính phòng.
Khi bước ra biểu diễn, từ cháu Trà My đến Hồng Nga, Hải Phượng, mỗi cháu đều giữ được cái phong thái, hương vị của mỗi vùng, cho thấy vườn âm nhạc của Việt Nam có trăm hoa với muôn hương, ngàn sắc.
Có niềm vui nữa là những sáng tác mới của nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, Xuân Khải… viết luôn luôn dựa trên những cái cổ và phát triển cái cổ. Điều này cho thấy, khi sáng tác, tất cả nhạc sĩ luôn nghĩ đến cội nguồn chứ không phải tưởng tượng ra rồi viết theo phong cách của Tây, Tàu, hay Nhật…
* Thưa Giáo sư, vậy chúng ta cần làm gì để phát huy thành quả của nhạc hội?
* Ở nhạc hội lần này, có rất nhiều khán giả trẻ đi xem. Điều ấy làm tôi phấn khởi vô cùng. Đặc biệt những người trẻ này ngồi xem một cách rất nghiêm túc. Chính điều này khích lệ người nghệ sĩ giống như cánh diều gặp gió đưa lên.
Có một sự giao thoa, đồng cảm giữa nghệ sĩ và khán giả, cả hai được nối kết với nhau bằng một sợi dây vô hình. Nếu chúng ta không tiếp tục tổ chức những buổi gặp gỡ, biểu diễn thì sợi dây vô hình ấy bị cắt đi. Khi ấy, nghệ sĩ chỉ biểu diễn cho cái máy ghi âm, ghi hình; còn người nghe cũng chỉ nghe những cái bóng của nghệ sĩ do máy ghi âm, ghi hình ráp lại. Có thể so sánh nó giống như ăn đồ hộp có chất bổ mà không có chất tươi.
Vì vậy, có những buổi biểu diễn như vừa qua, có tuổi trẻ tham dự ở hai khía cạnh biểu diễn - thưởng thức là rất hay. Và mỗi khi tổ chức, cần có những người am hiểu đứng ra giải thích để cho khán thính giả hiểu. Có hiểu rồi mới thương, thương rồi mới học, học rồi mới luyện, luyện rồi mới biểu diễn, biểu diễn mới có người nghe, người xem. Không thể nào bảo rằng: chúng tôi diễn đó, hãy “lợi” xem, “lợi” nghe nghen! Nhưng nghe ai, nghe cái gì? cho thấy hay ở chỗ nào thì lần lần tuổi trẻ hiểu được mới thích.
Kinh nghiệm cho tôi biết rằng, người phương Tây không hề hiểu gì về nghệ thuật của Việt Nam nhưng khi tôi nói chuyện về cái vai đào điên trong hát bội, vai đào điên ở trong hát chèo, rồi phân tích ra từng động tác, bài hát… thì tất cả đều cho rằng tuyệt vời.
* Nhưng thực tế “người nghe” của chúng ta còn nhiều hạn chế, dường như còn xa lạ với âm nhạc dân tộc, bị ảnh hưởng bởi âm nhạc nước ngoài...
Chúng ta đã đào tạo được các nghệ sĩ rồi bây giờ đã đến lúc phải đào tạo khán thính giả .
Khán thính giả của chúng ta đa phần không tiếp cận được với âm nhạc, vì âm nhạc không có mặt trong học đường, trong các sinh hoạt cũng không gặp âm nhạc.
Trong bài “Căn bệnh mãn tính của âm nhạc dân tộc Việt Nam” tôi đã yêu cầu chính quyền phải có tiếng nói và lập trường rõ rệt. Nghĩa là không phải đưa ra khẩu hiệu mà là phải làm sao thực hiện được khẩu hiệu. Cần có phương tiện, chỉ đạo, ngân quỹ thì mới có thể sáng tác được những nhạc mới mang tính chất hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc.
Cho nên, nếu muốn về nguồn, phải cho ngân quỹ để về nguồn, phải có một chánh sách về nguồn đặc biệt, phải tôn trọng truyền thống. Các nghệ nhân phải biết rằng mình đang giữ những vốn quý của dân tộc, nếu mất đi thì ngàn vàng cũng không thể mua được. Học trò không chịu học, phải kiếm học trò mà dạy.
Ngày xưa người ta tầm sư học đạo. Còn tôi, mấy chục năm nay tôi đốt đuốc đi tìm học trò để mà dạy.
Có thể thanh niên hát rock rất hay, nhảy múa rất giỏi, nhưng làm sao mình có thể hơn được những người thượng thặng của nước ngoài.
Thời kỳ hội nhập, bạn bè các nước đến Việt Nam, họ hát những bài dân ca của họ, còn thanh niên của mình không thể hát được một bài dân ca Việt Nam thì điều ấy vô cùng xấu hổ.
Qua nhạc hội lần này, tôi thấy rằng, bước đầu chúng ta đã làm cho trái tim của tuổi trẻ Việt Nam đang nhảy lại với nhịp của văn hóa Việt Nam chứ không phải nhảy theo rock, theo rap, hay bất kỳ nhịp điệu của đất nước nào cả.
Từ hôm bế mạc nhạc hội đàn tranh châu Á đến nay, trong lòng tôi rất vui nhưng lại lo. Bởi đây là một giai đoạn vô cùng quan trọng, nếu chúng ta không làm tiếp tục để nuôi dưỡng những gì đã mới được nhen nhúm trong tim của giới trẻ thì tất cả sẽ tan rã, rồi nếu muốn gom lại cũng vô cùng khó nhọc.
* Xin cảm ơn Giáo sư.
ĐỖ HẠNH thực hiện
Báo Sài Gòn Giải Phóng
Thứ bảy ngày 6 tháng 9 năm 2008
http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2008/9/164371/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét