Không náo nhiệt, đông người như đêm khai mạc Festival Huế 2006 hay “Đêm hoàng cung” nhưng buổi lễ Truyền lô và Vinh quy Bái tổ – tôn vinh hiền tài của đất nước diễn ra tại Ngọ Môn- Phu Văn Lâu- đình làng Dương Nỗ (thuộc huyện Phú Vang) hôm 6-6, trước sự chứng giám của vị “vua Nguyễn” càng tôn thêm sự uy nghi, trang nghiêm của việc học hành, thi cử xưa, đáng để thế hệ ngày nay chiêm nghiệm.
Vua đích thân “đặt hàng” cho tân tiến sĩ
Đúng 7 giờ 30 phút sáng 6-6, tại Ngọ Môn, lễ Truyền lô xướng danh tiến sĩ bắt đầu trong tiếng chuông trống giục hồi liên tục. Nhã nhạc Huế cất lên càng tạo cho chốn cung đình này một không gian hết sức uy nghiêm. 300 diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật của Huế được huy động đóng các vai từ vua, quan văn, quan võ đến bà hoàng, tân tiến sĩ trang phục chỉnh tề.
Vua Nguyễn được rước từ Điện Thái Hòa ra Ngọ Môn chứng giám buổi lễ. Sự có mặt của người đứng đầu Nhà nước như một lời gửi gắm, nhắn nhủ với tân tiến sĩ hãy sớm mang sự hiểu biết, trí tuệ của mình ra giúp dân. Đám rước đi trong tiếng nhạc vang lừng từ Đại cung môn qua cầu Trung Đạo. Vua cùng hoàng thân lần lượt lên lầu Ngọ Môn rồi ngồi vào ngai. Đại thần ngồi ở ghế trái, quan lễ đứng gian bên phải. Hoàng bảng (Bảng vàng ghi tên tân tiến sĩ) được đặt vào gian giữa Ngọ Môn. Hai nghệ sĩ đóng hai viên quan bước đến dẫn các tân tiến sĩ xếp thành 2 hàng, một hàng 3 người, hàng còn lại 4 người, đi từ ngoài hồ Kim Thủy vào chính Ngọ Môn. Tất cả chi tiết diễn ra sinh động khiến du khách cảm nhận buổi lễ như thật.
Sau khi bá quan văn võ, các quan coi thi theo phẩm cấp làm lễ, viên quan trong Bộ Lễ bắt đầu xin vua truyền lô (còn gọi xướng danh tiến sĩ). Quan truyền lô đứng trên Ngọ Môn, uy nghi bước lên chắp tay vái vua rồi xướng tên các tân tiến sĩ. Có 7 diễn viên đóng tân tiến sĩ đến từ làng Dương Nỗ (Thừa Thiên- Huế) và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa... Đỗ đạt theo thứ tự, phẩm cấp khác nhau, lần lượt từng tân tiến sĩ được xướng danh quê quán, tên tuổi, nghề nghiệp trước khi đi thi, đỗ đạt khoa thi... Màn xướng danh vừa xong, quan truyền lô đặt Bảng vàng vào ống Kim phụng, bước ra trước thềm Ngọ Môn, thả xuống lầu. Một viên quan Bộ Lễ quỳ xuống đón lấy ống Kim phụng đặt lên Hoàng án. Viên quan truyền lô hô lên “Bình thân, Hoàng thượng hồi cung”! Vua Nguyễn bấy giờ trở vào Đại nội trong sự vây kín của nhiều du khách trong và ngoài nước xin được chụp hình chung làm kỷ niệm.
Trong cái nắng nóng đến rát bỏng của Huế hôm 6-6, các tân tiến sĩ cùng quan văn - võ đại thần bắt đầu rước Bảng vàng danh dự đến niêm yết ở Phu Văn Lâu. Lễ yết Bảng vàng diễn ra, các tân tiến sĩ cúi lạy tạ ơn. Sau đó, đám rước các tân tiến sĩ tiếp tục đi bộ dưới cái nắng nóng vào Duyệt thị đường nghỉ trưa...
Mong có thêm nhiều buổi lễ như thế
Lần này, làng Dương Nỗ được Ban Tổ chức Festival Huế 2006 chọn làm nơi tổ chức lễ vinh quy bái tổ cho tân tiến sĩ tỏ lòng biết ơn công lao thầy, mẹ, cha, ông bà. Trong 7 vị tân tiến sĩ được xướng danh có một vị người làng Dương Nỗ, đó là tiến sĩ Nguyễn Thế Trâm (nghệ sĩ Nguyễn Nam Trung, ở Đoàn Nghệ thuật cung đình Huế, đóng vai). Do vậy, buổi lễ Bái tổ hôm qua chỉ rước một tân tiến sĩ về làng.
Đầu buổi chiều, tân tiến sĩ được nhận ân tứ vinh quy do vua ban. Sắc ban của vua cho tân tiến sĩ bỏ vào hòm gỗ đóng sẵn, sơn son thiếp vàng. Từ Duyệt thị đường, đám rước đưa tân tiến sĩ đến bờ sông Hương, trước mặt Phu Văn Lâu, lên thuyền rồng về gần đến làng Dương Nỗ, tân tiến sĩ cùng đoàn người lên bờ, cưỡi ngựa đi về làng. Đám rước đi đến đâu tiếng nhạc, trống âm vang đến đó. Tân tiến sĩ cùng đám rước vào sân đình. Hàng ngàn người dân làng Dương Nỗ từ già đến trẻ áo quần chỉnh tề ra đón chào. Trong làng ai có thứ gì quý nhất cũng mang ra để chia vui cùng tiến sĩ. Cụ Nguyễn An, 80 tuổi, người ở làng Dương Nỗ, phấn khởi nói: “Hơn một trăm năm rồi bây giờ dân làng mới có dịp tận mắt chứng kiến một buổi lễ Bái tổ của tân tiến sĩ. Người dân chúng tôi mong có nhiều buổi lễ như thế này".
Theo Ban Tổ chức Festival Huế 2006, đây là lần đầu tiên lễ Truyền lô và Vinh quy Bái tổ được quảng diễn. Do vậy, Ban Tổ chức phục hồi lễ này theo nguyên tắc nhấn mạnh đến tính cộng đồng, đề cao ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Một thông điệp giàu tính thời sự
Giáo sư Trần Văn Khê, người có mặt từ sáng đến tối tại lễ Truyền lô và Vinh quy Bái tổ, nhận xét: “Người xưa đã chú trọng hiền tài đất nước rất đúng mực, kịp thời khích lệ những tân tiến sĩ phát huy hết phẩm chất của người tài cho công cuộc chấn hưng đất nước. Chuyện này lâu nay đã bị lãng quên”.
Theo ông, trong thời buổi hội nhập, nhiều nước trên thế giới hơn ta về kinh tế, nhưng phải phục ta về truyền thống văn hiến, yêu chuộng lễ giáo. Buổi lễ muốn gửi gắm rằng người đời không phải sợ tiến sĩ mà mong muốn tiến sĩ phải ra sức giúp nước, lập nên nghiệp lớn. Học giỏi phải có nghĩa vụ phụng sự xã hội, đưa đất nước ngày càng phát triển. Nếu bây giờ ta làm được nhiều lễ tôn vinh trí tuệ như thế này thì hay biết mấy.
Linh Đan
Ngày 7.6.2006
http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/153377.asp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét