- Giáo sư cho biết, nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2 có gì khác so với lần đầu năm 2000?
- Chương trình tổ chức với mục đích mời các nước có nhạc cụ cùng họ với đàn tranh Việt Nam đến biểu diễn, giao lưu văn hóa. Bên cạnh đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, thành phần tham dự năm nay có thêm đoàn Trung Quốc. Về phía Việt Nam lần này có sự xuất hiện của hai gương mặt mới là nghệ sĩ Trà My và Hồng Nga bên cạnh nghệ sĩ Hải Phượng, giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 2002.
- Giáo sư có thể giới thiệu đôi nét về cuộc triển lãm cũng như đêm biểu diễn? - Triển lãm cho thấy quá trình biến đổi của những cây đàn, kể từ khi ra đời cho đến nay. Ví dụ, đàn tranh Việt Nam ban đầu có 16 dây, sau đó có loại 19, 23 dây… Hay đàn Cổ tranh Trung Quốc thời nhà Hán khác với thời nhà Minh cả về hình dáng, chất liệu hay cách đánh… Cuộc triển lãm giúp người xem có khái niệm về những cây đàn cùng họ với đàn tranh. Ba đêm biểu diễn là phần trình bày của mỗi nước, kéo dài từ 1,5 đến 2 tiếng. Về tiết mục, bên cạnh phần cổ nhạc còn có những bản nhạc mới, sáng tác theo phong cách cổ hoặc mang âm hưởng phương Tây. Trước mỗi phần trình diễn, tôi sẽ giới thiệu xuất xứ, chất liệu, cách đánh… mỗi loại đàn để khán giả cảm nhận được sự khác biệt. - Tại sao Ban tổ chức chọn đàn tranh mà không phải loại nhạc cụ nào khác? - Đàn tranh là loại nhạc cụ dân tộc mang nét đặc trưng, chỉ có ở 5 quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á. Tiếng đàn của nó mang nhiều sắc thái khác nhau, trong khi các loại nhạc cụ khác thì phổ biến hơn. Ví dụ như trống, sáo trúc cả thế giới đều có, âm thanh của những loại nhạc cụ này cũng không có gì đặc biệt. - Giáo sư có nhận xét gì về vị trí của nhạc dân tộc trong đời sống xã hội hiện nay? - Nhạc dân tộc Việt Nam đang mai một dần. Giờ đây các bà mẹ không còn ru con, trẻ em không còn hát đồng dao, nông dân ra đồng không còn hò, lý…, tức là chúng ta đã chuyển từ cách thưởng thức âm nhạc chủ động sang thụ động. Nếu không có kế hoạch hành động ngay thì những khúc hát ru, đồng dao, điệu hò, điệu lý ấy sẽ mất đi, ngàn vàng cũng không mua lại được. Để chữa trị tận gốc căn bệnh này, cần có một cuộc cải cách đồng bộ từ nghệ nhân, nhà trường, truyền thông, chính quyền. Nhà trường cần tăng cường dạy nhạc cho học sinh; Báo chí, truyền hình cần tăng cường giới thiệu âm nhạc truyền thống. Ngay trong các nhạc viện hiện nay, sinh viên có thể dễ dàng nhận biết hình ảnh, tác phẩm của các nhạc sĩ Beethoven, Mozart, Chopin… nhưng lại không mấy ai biết đến nghệ nhân Việt Nam. Quan trọng hơn cả, chính quyền phải có đường lối đúng đắn và cung cấp phương tiện thực hiện đường lối đó. Do thiếu phương tiện nên nghệ nhân nhiều khi thấy thất vọng, co hẹp lại, không còn tha thiết với nghề. Cụ thể sự kiện nhạc hội đàn tranh lần này, ban tổ chức gồm những người tâm huyết, phải vất vả tìm kiếm nguồn tài chính chứ không nhận được đủ sự hỗ trợ từ chính quyền. Các đoàn nước ngoài qua biểu diễn đã không lấy thù lao, lại còn phải tự túc chi phí đi lại. Trong khi ở các nước khác, chính phủ sẵn sàng cấp ngân sách cho các hoạt động văn hóa như vậy. Làm văn hóa không phải là chuyện kinh doanh để lấy lời, mà là để phổ biến, gìn giữ và phát triển. http://www.baodatviet.vn/Home/Nhac-dan-toc-bi-lang-quen/20088/11670.datviet
- Cảm ơn giáo sư.
Kim Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét