Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Làm nhân đạo không chỉ vì... nhân đạo!

Cần có những qui định chặt chẽ về con đường đi, cách thức đi của số tiền đã quyên góp được, và có thể chúng ta cần qui định cả những ràng buộc mang tính pháp lý về tiêu chuẩn, điều kiện của người nhận hỗ trợ các khoản tiền nhân đạo, làm sao để đồng tiền thu được từ các tấm lòng chan chứa tình đồng loại đến thẳng được người nhận với sự minh bạch.

Làm từ thiện kèm... "đánh bóng"

Tôi đã từng làm việc trong một cơ quan ngôn luận, có thể do sự may mắn, tôi được đứng trong hàng tứ trụ của cơ quan. May mắn hơn là trong bộ tứ ấy, hầu hết đều có kinh nghiệm tổ chức hoạt động nhân đạo và cũng ham làm nhân đạo, có người đã từng là chủ tịch một quỹ nhân đạo thuộc hàng “sao” của đất nước.

Cùng tụ hội về cơ quan mới, ý tưởng thành lập một quỹ nhân đạo dường như cùng nảy nở trong chúng tôi và nhanh chóng trở thành hiện thực. Sở hữu một quỹ nhân đạo tên tuổi bao giờ cũng là mơ ước của bất kỳ một cơ quan truyền thông nào, nó là chất liệu đánh bóng tên tuổi, làm “sang” cho tổ chức ấy một cách hữu hiệu nhất.

Quỹ vì trẻ em nghèo học giỏi của chúng tôi được thành lập, mọi người nỗ lực chuẩn bị cho ngày ra mắt đồng thời cũng tận tâm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để ngày ra mắt có cái để đọc, có hành động trao – nhận để cánh phóng viên tha hồ chớp máy. Lễ ra mắt quỹ của cơ quan tôi, được tổ chức khiêm tốn nhưng long trọng tại cái nôi tri thức của nước Việt: Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Vừa thành lập xong, tài khoản của quỹ đã có chút đỉnh và đầy dần lên theo năm tháng. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhiệt tình ủng hộ. Là thành viên điều hành quỹ, tôi được thấm đẫm cái tình người của nhân dân và nhận ra rằng những câu phương ngôn trên nó được bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống nhân gian.

Thời gian đầu, do cơ quan ít người, do còn thiếu thốn nên những người như chúng tôi thực sự lấy tinh thần nhân đạo để làm nhân đạo. Xe riêng của anh phụ trách chương trình cùng với xăng được mua bằng tiền túi của chúng tôi cứ thế lăn bánh đến mọi nẻo đường phía Bắc, đến với những trẻ em nghèo.

Mỗi lần về địa phương tặng quà chúng tôi thường thông báo trước rằng địa phương không cần đón tiếp cầu kỳ, thậm chí có nơi chúng tôi kiên quyết từ chối ăn cơm khách bởi nghĩ rằng mang quà cho các em nghèo chẳng đáng là bao, cơ quan tổ chức ở địa phương lo tổ chức cho các em đến nhận quà đã là vất vả lại còn tốn kém thêm tiền tiếp khách nữa chúng tôi không đành lòng.

Cơ quan tôi cũng dần đông người, bộ phận quỹ có thêm vài nhân sự mới, cũng từ đó, cách nghĩ về nhân đạo, cách làm nhân đạo đa chiều hơn. Những quan điểm khác nhau trong các cuộc họp nảy sinh, dần dần những luồng tư tưởng kết hợp giữa làm nhân đạo phải gắn với lợi ích cụ thể của cơ quan có xu hướng áp đảo, và kết cục một chính sách ủng hộ tư tưởng ấy được thông qua bởi quyết định của người lãnh đạo cao nhất, theo đó Quỹ xuất tiền ra tặng quà cho nơi nào đó thì đổi lại nơi đó cũng được gợi ý đáp lại bằng cách trao đổi mua sản phẩm của chúng tôi.

Từ đó, tôi bắt đầu nản và thấy ái ngại khi về địa phương, những ánh mắt của họ mất đi sự trân trọng, họ ơ hờ trước những món quà chúng tôi mang về. Tôi từ giã công việc này và không lâu sau đó rời bỏ cơ quan. Tôi ra đi mang theo nhiều kỷ niệm đẹp về những gương mặt học sinh ở những vùng quê xa xôi, hẻo lánh hân hoan nhận những món quà do chúng tôi trao tặng.

Có thể rất nhiều người trong chúng ta không thể hình dung được rằng, có khi chỉ vài chục quyển vở, cái cặp sách và hộp bút đã giúp được những học sinh phận nghèo đứng dậy đi lên. Tôi cảm nhận được những tháng ngày ngắn ngủi ấy nhưng thật sự có ý nghĩa trong quãng đời làm việc của mình và nghĩ lại tôi bỗng thấy ngượng khi nhớ lại một bài báo tôi đã ca ngợi người lãnh đạo của mình rằng hình như ông ta sinh ra để làm nhân đạo.

Làm từ thiện để.... làm sang

Hoạt động nhân đạo, chương trình gây quỹ từ thiện ngày nay như trăm hoa đua nở, các ngành làm nhân đạo, các tỉnh làm nhân đạo, các tổ chức làm nhân đạo, và trong mọi trường hợp các cơ quan truyền thông (báo, đài) luôn giữ thế độc tôn đối với các hoạt động này, trong đó VTV là “ông lớn” khó ai thay thế.

Đằng sau những chương trình truyền hình trực tiếp hoành tráng lồng ghép nội dung gây quỹ từ thiện được phát sóng toàn quốc là gì? Thâm nhập vào giới các công ty tổ chức sự kiện mới hiểu, những chương trình nghe mùi mẫn dạng như “Từ trái tim đến trái tim”… đều có 1 công ty đứng ra lo liệu.

Không hề thấy họ có tên trong chương trình hoặc có thì cũng rất mờ nhạt, nhưng họ nhân danh và nhất định phải nhân danh một Bộ, ngành, một địa phương nào đó, và nhất định trong tờ giới thiệu chương trình, thư mời tài trợ của họ không thể quên ghi danh một vài vị lãnh đạo cấp cao, không có lãnh đạo cho phép ghi danh thì cầm chắc chương trình đổ bể.

Trong đoạn trường tổ chức các sự kiện ấy, việc hợp đồng được với VTV truyền hình trực tiếp mà giới tổ chức sự kiện gọi là “mua sóng” là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất phải làm. Không quen, không mạnh chi thì xin thưa đừng có hòng mua sóng. Một buổi phát sóng trực tiếp vào giờ vàng phải trả cho VTV vài trăm triệu đồng, ngoài ra cát xê cho người dẫn chương trình, thuê địa điểm, thiết kế sân khấu, cát xê ca sĩ, biên đạo múa, diễn viên múa, quà tặng đại biểu v.v... tất tật đều dồn lên đầu họ.

Thậm chí, dư luận vẫn rỉ tai rằng để mời được nhân vật này, vị quan chức nọ hạ cố đến dự chương trình là chuyện không hề đơn giản, kèm theo đó là sự vận động hành lang không hề nhỏ.

Theo cách này, thực chất hoạt động gây quỹ từ thiện là hình thức đánh bóng, là cái sự làm sang cho các nhà tổ chức, tham gia chương trình. Công ty tổ chức sự kiện lấy đâu ra vài tỉ để làm chương trình, họ buộc phải trông vào nhà tài trợ, thường là các đại gia trong giới doanh nghiệp Việt Nam, họ dùng tiền công tài trợ và khi tiền từ tài khoản công đưa sang tài khoản của công ty tổ chức sự kiện sẽ có một phần không hề nhỏ quay trở lại túi riêng của nhân vật quan trọng bên phía nhà tài trợ.

Đến đây, chúng ta đã hiểu rõ trong các thực thể hàng ngày vẫn miệt mài làm từ thiện ấy, lấp lánh lắm về hình thức, hoành tráng lắm về qui mô nhưng có mấy ai trong số đó động lòng trắc ẩn với người nghèo, với những số phận bi ai? Họ nhân danh người nghèo để huy động tiền từ ngân sách và tạo nên 1 đường dích zắc để tiền công 1 phần vào túi riêng ai đó? Tiếc thay, bài ca nhân đạo được ngân lên bởi một dàn hợp xướng chơi lỗi nhịp.

Làm nhân đạo, cái gốc là ở nhân tâm

Không có những người thiện tâm, thiện đức làm nhân đạo thì y nghĩa thực sự của những chương trình nhân đạo mãi mãi chỉ là hình thức, là nhân danh nhân đạo. Đành rằng, trong các hoạt động ấy, có những người dân thực sự muốn cứu giúp đồng bào hoạn nạn bằng số tiền ít ỏi của mình, nhưng nếu chỉ có họ thì cũng chỉ cần âm thầm lặng lẽ để làm chứ đâu cần tô vẽ gì thêm.

Thiết nghĩ “một miếng khi đói bằng 1 gói khi no”, hoạt động nhân đạo là tất yếu của các hoạt động cộng đồng, nó thể hiện tinh thần dân tộc, là truyền thống văn hóa, là bản chất tốt đẹp của chế độ, là văn minh xã hội, nhưng chúng ta cần những người làm nhân đạo một cách tự nhiên, một cách bình lặng và đặc biệt là một cách thực chất với sự rung động mãnh liệt trước các số phận không may mắn của đồng loại.

Các quy định về thành lập và vận hành các quỹ nhân đạo của Nhà nước ta hết sức chặt chẽ ở khâu thành lập, quyên góp và chi tiêu nhưng chưa đủ ở những khâu vận hành sau. 

Cần có những qui định chặt chẽ về con đường đi, cách thức đi của số tiền đã quyên góp được và có thể chúng ta cần qui định cả những ràng buộc mang tính pháp ly về tiêu chuẩn, điều kiện của người nhận hỗ trợ các khoản tiền nhân đạo, làm sao để đồng tiền thu được từ các tấm lòng chan chứa tình đồng loại đến thẳng được người nhận với sự minh bạch.

  • Thảo Phương

09/10/2008
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5021/index.aspx

@ Nói nhảm

Mở tivi ra thấy game show nhân đạo, chương trình ca nhạc nhân đạo... nhiều quá... toàn tiền tỷ... rồi tiền đi đâu về đâu... khán giả thắc mắc rồi chặc lưỡi bỏ qua...

Tiền không mất đi mà chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác.

Sáng nay, 2 ông cán bộ phường đến trường mẫu giáo... tưởng là có việc chi liên quan đến các cháu nhỏ... ai dè các cụ ấy đưa vài tờ vé chương trình gây quỹ từ thiện chất độc màu da cam... thế là phải ủng hộ chứ sao...

Chua chát thay...

Hồi nhỏ, mình cứ tưởng từ thiện là đem cho vật chất... nhưng không phải... cầm 1 món đồ nhỏ cho bé nhà nghèo, hôm sau nó lại đòi thêm... ơ hay

Đến làng trẻ mồ côi, chỗ ấy khang trang, sạch sẽ, các bé ăn uống toàn đồ ngon. Cô hiệu trưởng bảo con đừng đem gì hết, các bé chỉ thiếu tình thương... Ra thế, mình chỉ cần ẵm bé này, thương bé kia vì sinh viên chỉ có của cải đó thôi...

Từ thiện là phải hành động để tạo 1 con đường cho người ta tự đi bằng đôi chân của mình... rót tiền rót bạc rồi quay đi liệu có ích gì???

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...