Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn với bộ môn vĩ cầm, năm 1961 Trần Quang Hải sang Pháp học nhạc tại Trường Đại học Sorbonne. Lúc này, Trần Quang Hải vẫn mang theo giấc mộng được trở thành nghệ sĩ độc tấu violon nổi tiếng trên nước Pháp.
Ôm gối cha xin làm đệ tử
GS-TS Trần Văn Khê không cản ngăn ý hướng của con trai, ông khéo léo sắp đặt một cuộc gặp gỡ giữa con mình với GS Yehudi Menuhin – một danh sư nổi tiếng về violon trên thế giới rồi ông kiên nhẫn chờ đợi.
Trần Quang Hải kể lại trong niềm xúc động: “Sau khi tôi trổ tài trước thần tượng của mình trên cây đàn violon, GS Yehudi Menuhin đã cho tôi một lời khuyên. Ông nói rất thẳng thắn: người Pháp không cần có thêm một nhạc công violon gốc Việt khi họ đã có hàng ngàn violonist có tầm cỡ. Điều họ cần là một chuyên gia về âm nhạc dân tộc Việt Nam như GS Trần Văn Khê”. Lúc đó tôi thật sự bừng tỉnh, quay về bên gối cha, quỳ lạy để xin được thọ giáo dù có hơi muộn nhưng đó là hướng đi đúng của tôi”.
Mười năm học tập cha từ ngón đàn cho đến việc nghiên cứu, ghi chép, đúc kết kinh nghiệm, Trần Quang Hải đã thật sự rời bỏ cây đàn violon để học đàn tranh và trở thành người học trò xuất sắc, người trợ lý đáng tin cậy của cha tại Trung tâm Nhạc học Phương Đông (Paris).
Từ nền tảng này, Trần Quang Hải đã hoàn thành chương trình học về ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật và âm nhạc tại các trường đại học Louvre, Sorbonne (Paris), Cambridge (London) và còn học được những “bảo bối” từ nghệ thuật truyền khẩu, truyền ngón từ nhiều nghệ nhân đàn dân tộc Á, Âu.
Tìm một lối đi riêng
Tiếp thu nhanh những bài giảng của cha, nhờ may mắn được tiếp cận với cha là một nhà sư phạm, một chuyên gia âm nhạc dân tộc học lớn, được nghe phân tích, hướng dẫn, dìu dắt không kể giờ giấc.
Chỉ một thời gian sau, Trần Quang Hải được cha giới thiệu vào làm việc tại Viện Bảo tàng con người ở Paris. Tại đây, anh đã may mắn tiếp cận với kho tàng băng dĩa âm nhạc dân gian để bù vào khoảng trống cho hoàn cảnh sống xa quê hương, xa môi trường sinh hoạt âm nhạc dân tộc trong nước.
Không bỏ qua những lợi thế có được từ điều kiện sống, học tập cộng với những nỗ lực bản thân, Trần Quang Hải đã trở thành tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt thứ hai trên đất Pháp, sau cha của mình. Anh còn cố tìm lối đi riêng khi phát huy việc nghiên cứu âm nhạc các dân tộc.
Trần Quang Hải từng bước thâm nhập, tìm tòi, nghiên cứu và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của 54 dân tộc. Hiện nay, với vai trò nhà nghiên cứu, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ sáng tác, người diễn thuyết, nhà sư phạm... GS-TS Trần Quang Hải đã từng bước tiếp nối cha mình giới thiệu âm nhạc Việt trên toàn thế giới.
Nhiều công trình của anh đã đạt hiệu quả ứng dụng cao trong ý nghĩa liên ngành giữa âm nhạc học với nhiều bộ môn khoa học khác như: âm thanh học, dân tộc học, xã hội học, tâm lý học... GS-TS Trần Văn Khê có lần không khỏi băn khoăn khi biết con trai mình bất chấp hậu quả, quyết định cho các nhà nghiên cứu về y học rọi X–quang vào họng để tận mắt tìm hiểu cách vận hành “bộ máy” phát âm của con người mà theo họ, Trần Quang Hải có sợi dây thanh đới cũng như cổ họng đặc biệt so với người thường.
Trong gia tộc, nghệ sĩ Trần Văn Trạch – chú ruột của anh là người đã vang danh với tài dùng khẩu thuật sáng tạo tất cả những thanh âm từ động vật đến tiếng máy cơ động mà công chúng đã từng phong tặng nghệ danh “Quái kiệt Trần Văn Trạch”. Khi nhắc đến việc làm khiến cha mình lo ngại, Trần Quang Hải cho rằng đó là hành động “cảm tử để người sau tiến xa hơn”, nhằm góp phần mang lại hiệu quả cho công trình nghiên cứu có một không hai của anh, đó là lối hát đồng song thanh (hát cùng lúc hai giọng).
“Vua muỗng”, “vua đàn môi”
Với mong muốn truyền bá và làm mới nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân gian trong cuộc sống đương đại, Trần Quang Hải đã học từ những người bạn Nga cách biểu diễn gõ muỗng theo tiết tấu. Anh dùng hai thìa inox khuấy động cả không gian bằng nhiều tiết tấu sinh động. Anh gõ hai muỗng đến ba muỗng, rồi sau đó gõ trên cánh tay, đùi và những ngón tay uyển chuyển. Tại Liên hoan dân nhạc tổ chức tại Anh năm 1967, anh đã được phong tặng danh hiệu “Vua muỗng”.
Điều làm công chúng trong và ngoài nước ngưỡng mộ hơn là Trần Quang Hải đã hòa tấu nhạc muỗng với các loại nhạc cụ dân tộc Việt như: tranh, sáo, bầu, kìm... Không chỉ là “vua muỗng”, anh còn được biết đến với danh hiệu ông “vua đàn môi”. Đi nhiều nơi, tìm hiểu và nghiên cứu một cách tỉ mỉ, hiện nay Trần Quang Hải đã sưu tầm và chơi thành thạo hơn 30 loại đàn môi bằng đồng, thau, tre của người dân tộc thiểu số.
Hơn 30 năm tìm hiểu và trở thành chuyên gia lớn nhất về lối hát đồng song thanh, GS-TS Trần Quang Hải đã phổ biến kỹ thuật hát đặc biệt của người Mông Cổ ra khắp thế giới.
Anh nói: “Chủ trương của tôi là bảo tồn nền âm nhạc truyền thống dân tộc nhưng không bảo thủ, mà phải tích lũy thêm những tinh hoa mới, bồi đắp và phát huy cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà. Ba tôi chính là ngọn đuốc sáng trong đời tôi. Tôi vẫn tiếp tục đi tới, vẫn trân trọng giữ gìn tất cả những điều cha tôi dạy dỗ. Hoài bão của tôi là muốn được trao lại những gì đã học cho thế hệ trẻ yêu thích âm nhạc dân tộc”.
Mối tình tuyệt đẹp với nữ ca sĩ Bạch Yến
Năm 2007 là năm đánh dấu bước ngoặt 50 năm ca hát của vợ anh, ca sĩ Bạch Yến. Hai suất hát tổ chức tại Mỹ và Pháp vào tháng 2 và tháng 10-2007 đã được sự đón nhận của hàng ngàn khán giả mộ điệu. Trước khi đến với nghề ca sĩ, Bạch Yến là nữ diễn viên xiếc mô tô bay đầu tiên của Việt Nam. Sau khi bị té chấn thương trong lúc biểu diễn vào năm 1954, chị chuyển sang nghề ca sĩ. Năm 1957, chị đã nổi tiếng với nhiều bài hát được công chúng yêu mến, trong đó có ca khúc Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
Biết nhau từ dạo đó nhưng đến năm 1961 khi ca sĩ Bạch Yến sang Paris để trau dồi nghệ thuật, rồi từ đó sang Mỹ biểu diễn, tạo dựng sự nghiệp, đến năm 1965 mới tái ngộ với GS-TS Trần Quang Hải. Họ thành hôn và có một con gái năm nay đã 35 tuổi. Cháu ngoại của họ cũng đã vừa tròn 8 tuổi.
GS-TS Trần Quang Hải cho biết: “Vợ tôi là một người phụ nữ phương Đông chánh hiệu. Lo cho chồng, cho con và có sự đồng cảm sâu sắc với sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc dân tộc của gia đình bên chồng. Chúng tôi đã có trên 3.000 buổi biểu diễn dân ca khắp năm châu và thu 7 dĩa hát 33 vòng, 1 dĩa laser, trong đó có một dĩa được giải thưởng Grand Prix du disque de l’Académie Charles Cros năm 1983".
Thanh Hiệp
Ngày 16.12.2007
Báo Người Lao Động
http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/209965.asp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét