“Cơn sốt” Marc Levy
Hàng tháng trước ngày nhà văn Marc Levy dừng chân tại Hà Nội, Fan Club Việt Nam đã xăng xái lên lịch chụp hình, làm poster, chuẩn bị cờ quạt - băng-rôn - biểu ngữ và gói quà tặng “thần tượng”. Mọi thông tin, hình ảnh về tác phẩm và cuộc sống riêng của “anh Vy” (theo cách gọi thân mật của các fan) cũng được cập nhật sốt dẻo trên các diễn đàn cùng những comment (bình luận) rất sôi nổi, hào hứng.
Hội trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn (ghi chú: ĐHKHXHVN Hà Nội) sáng 8.10 cũng “tắc nghẽn” đến mức nhiều bạn trẻ phải ngồi bệt xuống sàn nhà và đứng trên các lối đi vì không còn ghế ngồi. Không chỉ người trẻ, nhiều độc giả đầu bạc phơ cũng tò mò đến dự. Và dĩ nhiên, muốn xin chữ ký của “anh Vy”, “chú Vy”, các bạn trẻ phải xếp hàng chờ suốt hàng giờ. Thế nhưng, “thời gian, vật chất chả là gì, chỉ tinh thần thôi cũng đủ” (comment của một fan hâm mộ), nên fan nào cũng hồ hởi ra mặt, mà vui nhất là được tặng “chú Vy” một bài thơ... bằng tiếng Việt !
Có tác phẩm được bình luận rôm rả khắp nơi và được chào đón nồng hậu chắc chắn là niềm mơ ước của không ít nhà văn Việt Nam trong một đất nước mà số đầu sách văn học xuất bản hằng năm quá khiêm tốn (chỉ khoảng 1.000 bản/sách) so với con số hơn 80 triệu dân. Nhưng vì sao với văn chương Việt Nam, con đường “đi từ chân trời của một người đến chân trời của muôn người” (nói theo cách của nhà thơ Neruda) lại quá nhọc nhằn đến thế? Vì sao một nhà văn ở xứ sở xa xôi lại có sức hút hơn rất nhiều lần hàng trăm, hàng nghìn nhà văn trong nước? Vì “công nghệ tổ chức” sự kiện quá hoàn hảo, nhất là khi Nhã Nam - đơn vị mua bản quyền tác phẩm của Marc Levy, đã “bày binh bố trận” cho việc ra đời và hoạt động của Marc Levys fan club? Vì vẻ ngoài nhã nhặn, khiêm tốn, lịch thiệp của nhà văn đã ngoại tứ tuần? Vì “hiệu ứng” lan tỏa của tâm lý đám đông? Hay còn những lý do nào khác?
Sức hút từ đâu?
Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho rằng: “Chỉ có 10% nhà văn thực sự nổi tiếng nhờ năng lực, 90% còn lại đều nhờ công nghệ lăng-xê. Marc Levy có được sức mạnh của công nghệ lăng-xê, của giá-trị-ti-vi”. “Hơn nữa, Marc Levy lại có những giá trị nằm ngoài giá trị tác phẩm. Thái độ khiêm tốn, lịch lãm, ứng xử nhẹ nhàng, biết người biết ta, không hoắng huýt, không lên giọng giúp Levy “ăn điểm” rất nhiều trong mắt các độc giả nữ và người già”. Còn tác phẩm của Marc Levy thì Nguyễn Quang Lập cho rằng: “Tôi có đọc lướt qua vài trang, thấy... chả có gì nên không muốn mất thời gian”.
Đồng quan điểm đó, nhà văn Nguyên Ngọc - một người am hiểu sâu sắc văn học Pháp, cũng nói: “Tôi có sách Marc Levy nhưng chưa đọc vì đọc cái gì cũng phải chọn lựa kỹ càng”. Giải thích cho lý do “phải chọn lựa”, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng ông đang hướng sự chú ý tới những nền văn học khác, chứ không phải văn học Pháp đương đại, bởi nền văn học này không còn những tác phẩm lớn, bởi thời kỳ của những “người khổng lồ”, những A.Camus, những Jean Paul Sartre đã qua, và bây giờ là “thời kỳ của những cái tầm thường”, những cái không lạ, không tinh tế.
@ bình loạn: hố hố, thưa các ngài đại nhà văn Việt Nam... các ngài có nghe ông Mrc Levy (ông ấy không dám xưng là nhà văn) nói rằng bên Pháp 1 năm có 400-500 tiểu thuyết xuất bản hay không? Các cụ chê văn của người ta, thế ra văn các cụ hay à... ra là giờ mới biết cái sự cao siêu của văn học VN, trình độ cử nhân ngữ văn của mình chưa đủ khả năng thưởng thức ...chả biết các cụ chọn lọc cái chi để đọc???
Lý giải sức hút của “hiện tượng” Marc Levy trong bối cảnh văn hóa đọc bị coi là thụt lùi, nhiều người cho rằng văn của Marc Levy “hợp khẩu vị đám đông” bởi nhà văn này vẽ ra các viễn cảnh lãng mạn, kỳ ảo, những cái kết có hậu, những câu chuyện tình băng qua mọi không gian - thời gian, mọi ranh giới sống - chết...
Thế nhưng “hợp khẩu vị đám đông” có phải là điều đáng lên án? Nói một cách công bằng, phải chăng tác phẩm của Marc Levy chỉ là thứ minh họa cho “tay nghề khá và kỹ thuật viết tốt”? Và nếu chỉ là tác phẩm điêu luyện về kỹ xảo nhưng vô hồn về cảm xúc thì liệu có đủ sức hấp dẫn người trẻ - những người luôn bị cảm xúc, cảm giác, cảm tính chi phối? Trả lời báo giới, Marc Levy nói rằng ông luôn ưu ái cho cảm xúc, bởi “kỹ thuật mà không có cảm xúc thì chỉ là kỹ thuật thuần túy mà thôi”.
Còn thực tế tác phẩm thì sao? Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Lê Hồng Sâm phân tích: “Marc Levy thiên về miêu tả con người như lẽ ra nó nên như thế, chứ ông không miêu tả như lẽ ra nó là như thế. Ông ấy muốn nhìn sự vật ở khía cạnh đẹp đẽ. Ngay cả những sự thật khắc nghiệt nhất như chiến tranh (trong tác phẩm Những đứa con của tự do), Marc Levy vẫn tìm ra được khía cạnh thi vị.
Người trên 20 tuổi đọc Marc Levy có lẽ sẽ mỉm cười và cho rằng Marc Levy tô hồng hiện thực, nhưng với người trẻ dưới 20 tuổi, tác phẩm của Marc Levy gieo vào họ niềm tin, niềm hy vọng mát lành về cuộc sống. Tác phẩm của Marc Levy là một thứ thức ăn lành”. “Một điểm nữa khiến Marc gần gũi với người Việt Nam là vì ông ấy có lối suy nghĩ phương Đông. Tư duy phương Đông là tư duy tổng hợp, không rạch ròi duy lý như phương Tây, vì thế, những câu chuyện về luân hồi, kiếp sau của Marc không có gì xa lạ với độc giả Việt Nam, trong khi với độc giả phương Tây thì có thể là điều bất thường”, bà Sâm nhấn mạnh thêm một khía cạnh thành công của Marc Levy.
Sau một “tour” quanh Hà Nội, ngày 9 - 10.10, Marc Levy đã có mặt tại TP.HCM để chinh phục độc giả phía Nam, và trở về Pháp vào tối 11.10, kết thúc chuỗi “sự kiện” Marc Levy tại Việt Nam. Và dẫu cho có bị giới phê bình văn chương, giới nghiên cứu hàn lâm, khả kính coi là “nhạt nhẽo”, “phát sốt”... thì sự thành công của nhà văn “thị trường” này có lẽ cũng khiến không ít người phải ngẩn ngơ.
Tối 9.10, khán phòng Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF-TP.HCM) - nơi diễn ra cuộc giao lưu đầu tiên giữa Marc Levy với độc giả TP.HCM - không còn chỗ chen chân. Khá đông fan của Marc Levy cầm lăm lăm cuốn sách Nếu em không phải một giấc mơ trên tay đã năn nỉ ỉ ôi bảo vệ cho vào “nhìn ông ấy một chút thôi cũng được” trong tuyệt vọng, bởi những cánh cửa vào khán phòng đã bị đóng kín. Không ít độc giả người Pháp cũng đành đứng ngoài. Một số fan là sinh viên không vào được đành rủ nhau chụp hình ngay trước áp-phích giới thiệu buổi giao lưu với “chú Vy” làm kỷ niệm. (Tin, ảnh: Phạm Thu Nga)
Y Nguyên
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200841/20081011220440.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét