Thực tại cuộc sống chỉ có một. Không có một thực tại riêng cho trẻ con và một thực tại cho người lớn. Khi người lớn giáo dục trẻ bằng cách cố ý tách cách cái thực tại kia ra làm nhiều mảng (rồi đôi khi quên ghép chúng lại), đứa trẻ không nhìn được đầy đủ các mảng sẽ lớn lên với một bức tranh vỡ.
*
Tôi đọc Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne cách đây ít nhất 10 năm, lúc tôi còn là một cô nhóc 10-12 tuổi. Mẹ tôi làm thư viện nên tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều sách. Tuy thế, muốn đọc sách gì, cũng phải được sự đồng ý của mẹ. Ví dụ như là 10 tuổi thì nhất định chưa đọc đến Hồng Lâu Mộng hay Tiếng chim hót trong bụi mận gai hoặc những chuyện rùng rợn, li kì hay lâm li tình cảm. Nhất là lại có một chút tình dục vào nữa thì nhất định là bị kiểm duyệt. Tôi được đọc Hai vạn dặm dưới biển bởi vì nó được “biên chế” trong khu Sách cho thiếu nhi.
Đã là sách liệt vào loại “cho thiếu nhi” thì hẳn là sách “an toàn” và – theo đúng nghĩa đen của từ - sẽ có nội dung “cho thiếu nhi”. Nghĩa là về thiên nhiên, về gia đình, về súc vật, về tình bạn, về học tập, về lòng dũng cảm, về sự trung thực, về thế giới ngày mai tốt đẹp mọi màu da đều là anh em, vân vân…
Hồi đó, tôi say mê Hai vạn dặm dưới biển bởi những điều kì thú dưới lòng biển khơi, bởi những phát minh của thuyền trưởng Nemo tài ba, bởi các cuộc chạm trán với con bạch tuộc khổng lồ, với thổ dân ăn thịt người, vân vân và vân vân…
Cái mà tôi bỏ qua - cốt lõi của Hai vạn dặm dưới biển - là câu chuyện của thuyền trưởng Nemo: một người quyết định tách rời mặt đất, tách rời thế giới con người để sống trong một chiếc tàu ngầm lang thang giữa biển khơi. Một trí tuệ tài ba, một nhân cách cao cả, một bộ óc tuyệt vời cuối cùng lại căm ghét loài người và muốn xa lánh loài người. Ông xa lánh chính trị kinh tế, chỉ quan tâm tới khoa học. Ông từ chối cái gọi là “xã hội văn minh” và các quy tắc ứng xử của xã hội ấy; với ông, biển là nơi duy nhất ông được tự do theo đúng nghĩa của từ này. Đó là điều tôi không hiểu và đã không tìm hiểu. Tôi đã không tìm cách chất vấn hay trả lời câu hỏi này.
Giờ nghĩ lại, tôi tưởng tượng: lúc ấy nếu đem truyện Hai vạn dặm dưới biển vào dạy trong nhà trường, chắc chúng tôi sẽ được dạy như sau: Thuyền trưởng Nemo có rất nhiều phẩm chất quý báu như X, Y, Z. Tuy nhiên bên cạnh đó, ông cũng là một người có tinh thần bi quan và cực đoan. Ông không tin tưởng vào khả năng chuyển hoá xã hội bằng lòng tốt, tình yêu và niềm tin. Ông đã cực đoan khi đoạn tuyệt với thế giới. Biện pháp đấu tranh với cái ác của ông - tức là việc đánh đắm tàu và cho nổ tung hòn đảo cầm tù – thể hiện một sự manh động… Thuyền trưởng Nemo là điển hình của một người có tài và có tâm nhưng bị hoàn cảnh xã hội xô đẩy vào bước đường cùng... Đại khái thế. Có lẽ người ta còn bình luận thêm rằng thuyền trưởng Nemo là nạn nhân của xã hội tư bản nửa thực dân nửa phong kiến thối nát cuối thế kỷ 19, khi mà tư tưởng của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ còn chưa được phổ biến. Vân vân…
Y như (chúng) tôi đã học phân tích Những người khốn khổ của Victor Hugo, Viên mỡ bò của Balzac, Trưởng giả học làm sang của Molier; thậm chí cả đến Thép đã tôi thế đấy, Tính cách Nga, Tấm Cám, Truyện Kiều, Mảnh trăng cuối rừng, Mặt trời bé con của tôi, vv… Lúc nào cũng phải có chính diện - phản diện; tiêu cực – tích cực; thành công - hạn chế; Tư bản/phong kiến - chủ nghĩa xã hội/cách mạng.
Chẳng ai nói cho (chúng) tôi rằng: Vấn đề không hẳn ở thuyền trưởng Nemo mà còn ở bản chất của xã hội loài người (hay quần thể người), bản chất của cuộc giằng co giữa sự lựa chọn và niềm tin cá nhân (nhất là các cá nhân lỗi lạc, phá cách) với công chúng; vấn đề thân phận thực sự của con người (chứ không phải thứ thân phận đã được phân loại trong sách vở); vấn đề về bản chất các tương tác chính trị, xã hội, kinh tế, lịch sử khác nữa.
Không ai nói cho tôi – dù chỉ bằng cách gợi mở thôi – rằng có nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận vấn đề; và rằng cái mà tôi đang được nghe chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận; hoặc thừa nhận rằng chúng ta đồng ý chọn cách tiếp cận này vì những lí do X, Y, Z.
Thậm chí đến học Toán, Lý, Hoá cũng thế. Chẳng mấy khi có ai hỏi: Vì sao? Để làm gì?
Và cũng giống như hầu như không bao giờ có ai đó hỏi những vấn đề như:
- Quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng là thế nào?
- Đạo đức đích thực là gì? Sự thật cuộc sống là gì?
- Người ta sống vì điều gì?
Nói một cách khác, giáo dục của chúng ta dạy cho trẻ cách nhìn cuộc sống như là người ở trong tàu ngầm đi hai vạn dặm dưới biển, chứ không phải đi hai vạn dặm trên mặt đất thực sự. Đã thế, tàu ngầm này lại do người lớn làm ra và điều khiển; chứ không phải như thuyền trưởng Nemo, tự thiết kế, đóng tàu và làm chủ hành trình của mình.
Bởi vì chúng tôi lúc đó là trẻ con mà (theo luật nước ta, dưới 16 thì là “trẻ con”). Trẻ con thì chưa hiểu hết đâu, đợi lớn lên rồi sẽ hiểu. Và trẻ con thì cần được “bảo vệ”.
*
Năm 1990, Việt Nam thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Năm 1991, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đầu tiên ra đời. Cùng năm đó, Uỷ ban bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng được thành lập. Luật này, cũng tương tự như ở các nước phát triển, nghiêm cấm việc ngược đãi, đánh đập, bỏ bê trẻ em. Trẻ em cũng đuợc quyền phổ cập giáo dục tiểu học.
Tuy thế, theo báo cáo gần đây của UNICEF Việt Nam và của UNDP Việt Nam, hiện chỉ có 66% trẻ em ở độ tuổi 15 tốt nghiệp tiểu học; hàng năm vẫn có hàng triệu trẻ em bị buôn bán qua biên giới cho ngành công nghiệp mại dâm. Số trẻ em bị ngược đãi, lạm dụng nhiều hơn rất nhiều những gì mà chúng ta thấy trong các báo cáo và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tạm bỏ qua việc pháp điển hoá muộn màng và các con số cụ thể kia, cái đáng báo động là những quy tắc bất thành văn, là cái văn hoá và quan niệm giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vô hình ở Việt Nam. Văn hoá của chúng ta vẫn coi việc giáo dục, chăm sóc con cái là quyền riêng, bất khả xâm phạm của các ông bà bố mẹ. Lấy ví dụ như Bố mẹ tôi có đánh tôi đỏ bầm tay, sưng mắt; hay để tôi ở nhà một mình trong khi tôi mới có 5 tuổi thì cũng chẳng có hàng xóm nào có “quyền” can thiệp cả. Bởi vì “yêu cho roi cho vọt”. Bởi vì đấy là “chuyện nội bộ nhà X, mình dây vào làm gì, hàng xóm láng giềng mất lòng nhau”. Mà thêm nữa, con mình thì mình được đánh vì “tao đẻ ra mày…”; người khác đừng động vào.
Ở nhà là thế. Ở trường, giáo viên cũng cho mình quyền “sở hữu” với học sinh. Hơn thế, giáo dục của ta chú trọng đến trồng người hơn là đào tạo năng lực: Tiên học lễ, hậu học văn. Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, trong thực tế, thứ lễ mà các em học ở trường lại là một thứ “lễ” mang đầy tính quy ước; còn cái “văn” thì khá sách vở, phiến diện (như đã dẫn chứng ở trên). Trẻ lớn lên với một ý thức tách biệt: ở nhà - ở trường; trong sách - cuộc sống. Chúng học để đáp ứng đòi hỏi của cái thế giới “nhà trường” mà thôi. Cho nên tư duy của trẻ đầy sự thụ động. Nhìn vào các cuộc thi kiến thức trên truyền hình, các đề án kinh doanh được giải trong các cuộc thi hoặc các đề tài khoa học hiện nay của học sinh, sinh viên Việt Nam, thực lòng tôi cảm thấy rất buồn bởi vì hầu hết những gì các em nghĩ ra chỉ là những thứ “phát kiến” mang đầy tính nhà trường. Nếu cứ hỏi thực sự “Để làm gì?” thì hầu hết những “phát kiến” trên sẽ có kết cục “Chẳng để làm gì cả” mặc dù để trình bày thì chúng có thể rất hay. Cái nguy hiểm hơn là học sinh lớn lên không có một tình yêu kiến thức thực sự; không biết giá trị của kiến thức thực sự trong cuộc sống mà chỉ học đối phó và theo đuổi một thứ kiến thức mang giá trị trưng bày và phô trương.
Nếu cứ suy luận theo phương pháp loại trừ dần các yếu tố có khả năng giải thích cho cái văn hoá giáo dục và bảo vệ trẻ con nói trên ở Việt Nam thì có lẽ tôi phải nói rằng nguyên nhân của kiểu bảo hộ ngặt nghèo trên là vì 4000 năm qua, dân ta chẳng có gì là sở hữu ngoài con cái. Đất đai hiếm. Tài sản hiếm. Phong kiến lâu đời. Có mỗi con cái là cái sở hữu thực sự; cho nên người lớn nào cũng cố gắng tỏ cho hết cái quyền sở hữu ấy (theo như định nghĩa của ngành luật thì quyền sở hữu bao gồm 3 quyền cơ bản: chiếm hữu, sử dụng, và định đoạt). Đi liền với cái ý thức hệ sở hữu kiểu làng xã ấy là ý thức về xuất thân và trách nhiệm với nhân thân của mình. Một đứa trẻ lớn lên luôn được nhắc nhở: Con nhà ai, Xuất thân thế nào, Sau này phải làm gì để xứng đáng với truyền thống. Trẻ hiếm khi được khuyến khích vứt bỏ hoặc thoát khỏi cái bóng truyền thống và trách nhiệm gia đình để làm điều bản thân trẻ muốn làm và có khả năng làm.
Chúng ta quên tạo cho trẻ một ý thức hệ về sự bình đẳng, về quyền tự chủ, về lựa chọn cá nhân và về biên giới giữa trách nhiệm với quyền. Tôi không chắc là thế hệ tôi lớn lên với một ý thức rõ ràng mình có quyền gì, mình có thể làm gì trong xã hội, nỗ lực cá nhân của mình có đảm bảo cho mình thành công không, khả năng chuyên môn, khả năng tư duy có phải là yếu tố quan trọng làm cho mình có lợi thế trong thị trường lao động không; giữa hạnh phúc cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng thì mình nên suy nghĩ thế nào và Vì Sao.
Một trong những điều mà người ta đã dùng để lý giải cho sự thành công của nuớc Mỹ là: nước Mỹ tạo lập trong lòng nó, ngay từ buổi đầu lập quốc, một ý thức hệ rằng mảnh đất này là đất của lao động và tài năng; nếu bạn thực sự có tài và bạn nỗ lực làm việc, bạn sẽ thành công. Dĩ nhiên là có nhiều tranh cãi về điều này, nhưng phải thừa nhận ở một mức độ nào đó rằng ý thức hệ trên có tồn tại trong lòng nước Mỹ. Những câu chuyện về hững người đi lên từ tay trắng là những câu chuyện được phổ biến trong trường học và xã hội. Ở Việt Nam thì sau cái truyền thống “Con vua rồi lại làm vua. Con sãi ở chùa đi quét lá đa”, trẻ lại được ngấm ngầm truyền bá văn hoá “quan hệ”.
Than ôi, cái cách bảo vệ và chăm sóc ấy, khi được thực hiện triệt để bởi các ông bố bà mẹ thiếu hiểu biết - về thực chất là sự ngấm ngầm không thừa nhận khả năng tư duy của trẻ em. Theo một cách nào đó, trẻ em Việt Nam đang bị bảo vệ chứ không phải được bảo vệ.
*
Tôi học ở Mỹ ba năm nay, và mặc dù càng ngày càng nhận thấy nhiều mặt trái của xã hội Mỹ, bao gồm cả giáo dục Mỹ, nhưng vẫn phải công nhận rằng ít nhất giáo dục Mỹ thừa nhận ở trẻ em cái quyền “không bị bảo vệ” kiểu có hại như ở Việt Nam và tạo lập cho trẻ thói quen chất vấn, tự suy nghĩ. Ít nhất, các ông bố bà mẹ ở đây có ý thức tôn trọng khả năng tư duy, đánh giá của con mình, dù là tư suy thô sơ của trẻ nhỏ. Thế nên họ luôn nói cho trẻ biết cái gì đang xảy ra, hoặc ít nhất là gợi cho chúng tìm hiểu sự thật; chứ không uốn chúng nghĩ theo hướng “có lợi cho trẻ.” Trẻ con ở Mỹ thường được hỏi xem chúng muốn gì và suy nghĩ thế nào? Chúng có quyền được trình bày quan điểm và được lắng nghe. Ngay cả với một đứa trẻ 3 tuổi, tôi thấy các ông bố bà mẹ, thầy cô giáo cũng cần mẫn trả lời các câu hỏi của trẻ chứ không nói đãi bôi “Con còn bé chưa hiểu đâu. Lớn lên rồi con sẽ hiểụ” Hoặc “Bố/mẹ/cô đang bận lắm; lúc khác bố/mẹ/cô trả lời” (rồi quên luôn).
Nói đãi bôi, che dấu, nói dối, nói vô trách nhiệm với trẻ con đã hầu như thành một thói quen được chấp nhận ở Việt Nam, trên cơ sở lí luận rằng trẻ con còn bé nên phải “lựa lời” mà nói sao cho có lợi cho chúng. Hiện tượng này xảy ra cả trong nhà, ở trường, ngoài đường phố; đến mức trẻ con lớn lên không còn khả năng phân biệt đâu là thực tại khách quan, đâu là cái thực tại do xã hội tạo lập cho chúng.
*
Hậu quả của tư tưởng nói trên là gì?
Quan sát bản thân và các bạn bè cùng lứa, tôi phải ngậm ngùi nói rằng thế hệ tôi (thế hệ cuối 70 đầu 80) lớn lên với một cái nhìn khá ngây thơ, phiến diện, công thức về cuộc sống; sợ hãi rất nhiều điều; và mong muốn rất ít. Đến hết cấp 3, chúng tôi vẫn còn giống nhau như những chú lính chì chui ra từ trong một lò đúc: học, học, và học. Nhưng chỉ vào Đại học vài năm, trong một môi trường bắt đầu phải tự quyết định và làm chủ, sự phân hoá nhân cách và sự rơi xuống có thể thấy rất rõ. Một nhóm sẽ mất phương hướng hoàn toàn, trôi nổi theo những trào lưu xã hội, không biết mình muốn làm gì và mình là ai. Đa số sẽ cố gắng uốn mình vào cái khuôn xã hội của người lớn, sống một cuộc sống “đứng đắn” nửa vời, thụ động và thậm chí giả trá. Tất cả những thứ giáo dục trước đây về lòng dũng cảm, trung thực, về cái thiện thắng cái ác, vv… sẽ bị vỡ vụn hoặc sứt mẻ nghiêm trọng. Sự sụp đổ tư tưởng cuốn theo nó là những con người. Dù là nhóm nào, hầu hết chúng tôi đều phải có một công cuộc điều chỉnh, đào tạo lại nhận thức. Ai nấy đều ngậm ngùi “than ôi, tuổi thơ tươi đẹp nay còn đâu”.
Bởi vì là từ lâu lắm rồi, chúng tôi đã quên mất việc hỏi: Mình thực sự muốn làm gì? Tôi cũng không chắc là chúng tôi được khuyến khích hỏi câu hỏi đó.
Nhưng cái mà chúng ta, với tư cách là những người lớn có lương tâm, mong muốn nhìn thấy trong các thế hệ tương lai không phải là sự ngộ nhận về cuộc sống dựa trên việc tiếp xúc với một thế giới ước lệ trong sách vở, trường học, gia đình. Cái mà chúng ta – ít nhất là Tôi – mong muốn là những đứa trẻ lớn lên với một tư duy độc lập, với lòng can đảm nhìn nhận cuộc sống và dám sống, dám theo đuổi sự say mê, niềm tin của mình.
*
Lúc 10-12 tuổi, tôi đã mơ ước rằng mình sẽ trở thành người tài giỏi như thuyền trưởng Nemo và có thể đi hai vạn dặm dưới biển, cách xa “loài người” (“loài người” tức là mẹ tôi đang gọi tôi về ăn cơm trong lúc tôi đang đọc sách “hay bỏ xừ” hoặc chị gái tôi đang nhăn nhó vì tôi không chịu rửa bát), để đến những nơi chỉ có những đảo san hô và những con tàu đắm đầy vàng bạc kim cương.
Bây giờ, tôi mong muốn được đi hai vạn dặm trên mặt đất để tìm câu trả lời cho chính cuộc sống của mình, một câu trả lời khác với những gì tôi đã được đưa cho trong những năm lớn lên.
Và tôi mong muốn các con tôi sau này có được ham muốn chinh phục cả biển khơi, mặt đất và bầu trời mà không sợ hãi tự nhiên, không bị giới hạn bởi tầm nhìn bản thân, và không ngại người đời đánh giá niềm tin hay khả năng của chúng.
2003.
Tinyhuong
http://diendantoanhoc.net/forum/index.php?showtopic=2363
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid
Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...
-
Bệnh chốc lở ngoài da (bệnh Impertigo) dễ nhầm với bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đi BS chuyên khoa khám kỹ & cho thuốc điều trị. ...
-
Mình dùng laptop DELL, đang xài bình thường tự dưng mạng wifi không kết nối được, hiển thị dấu X đỏ và báo lỗi The settings saved on this c...
-
2 tiệm rửa hình Minh Trang và Định cách nhau vài mét, mở cửa hơn 20 năm rồi, từ khi tôi còn nhỏ xíu đã biết 2 tiệm này. ngày xưa, 2 tiệm nổi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét