TTCN - Tôi đã mê say nghe giáo sư Trần Văn Khê nói bằng giọng rất truyền cảm, khi bằng tiếng Pháp, khi bằng tiếng Việt, khi bằng tiếng Anh về đề tài âm nhạc truyền thống VN, nhã nhạc và về cuốn sách sắp in của giáo sư: Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Từ lâu, khi còn ở trong nước, tôi đã nghe nói đến giáo sư tiên sĩ Trần Văn Khê, một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc có tiếng, một nhà sư phạm đã từng đi giảng bài, nói chuyện ở hầu khắp các nước.
Khi sang công tác tại Paris, tôi định bụng phải tìm mọi cách để tiếp xúc với giáo sư. Và cơ may đã đến: nhân dịp nhã nhạc Huế được UNESCO công bố là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Đoàn nhã nhạc Huế đã sang biểu diễn tại châu Âu vào đầu năm nay, giáo sư đã không quản tuổi cao, sức yếu nhận lời mời đến dự các buổi trình diễn và đã giới thiệu về nhã nhạc một cách sinh động, đầy sức cuốn hút, góp phần đáng kể vào thành công của các buổi diễn.
Sau đó, tôi đã quen «thân» với giáo sư và vào một ngày đầu xuân, chúng tôi đã đến thăm giáo sư tại nhà riêng ở thành phố Vitry sur Seine, ngoại ô Paris.
Khác với sự tưởng tượng của tôi, giáo sư sống trong một căn hộ khiêm tốn nằm tận trên tầng chín của một khu nhà với giá thuê rẻ. Thay vào những tiện nghi của cuộc sống hiện đại là ngổn ngang những sách, tài liệu, băng, đĩa nhạc, các loại nhạc cụ cổ truyền xếp đầy các giá sách, tủ sách, trên bàn, trên ghế và cả dưới sàn. Khắp căn hộ, phòng nào cũng vậy, sách, tài liệu, băng đĩa nhạc... lấn hết chỗ, chỉ còn một chỗ nằm của giáo sư trong phòng ngủ.
Sự giản dị trong sinh hoạt đến mức khó tưởng tượng nổi của vị giáo sư nổi tiếng sống trên đất Paris hoa lệ khiến tôi chợt nhớ lại cách đây khoảng hơn 20 năm, tôi có dịp cùng một nhà báo Pháp đến gặp nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông bà Nguyễn Khắc Viện sống trong một căn phòng vừa là phòng khách vừa là phòng ngủ. Đồ đạc không có gì mà cũng chỉ thấy toàn sách, báo.
Trước mặt tôi là một người mảnh khảnh, mặc chiếc quần kaki với cái áo sơmi cộc tay đã bạc màu. Ông niềm nở mời chúng tôi ngồi xuống mấy cái ghế gỗ cũ kỹ đã tróc gần hết vécni và mời chúng tôi uống nước bằng bộ ấm chén cũng thật đặc biệt, ấm thì sứt vòi, còn chén thì mỗi cái một kiểu... Nhưng ông đã lôi cuốn khách suốt từ đầu đến cuối với sự uyên bác, cách nói say sưa đầy thuyết phục, bằng một thứ tiếng Pháp “còn hay hơn cả người Pháp” như lời ông nhà báo đã nói với tôi sau cuộc gặp ấy. Sự giản dị trong cách sống tỉ lệ nghịch với vốn kiến thức sâu rộng, phong cách lịch lãm và sự tinh tế trong ứng xử của ông đã gây ấn tượng mạnh cho tôi và ông nhà báo Pháp.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng cho tôi cảm tưởng như vậy. Tôi đã mê say nghe giáo sư nói bằng giọng rất truyền cảm, khi bằng tiếng Pháp, khi bằng tiếng Việt, khi bằng tiếng Anh, đến mức không để ý gì đến thời gian trôi qua. Câu chuyện xoay quanh đề tài âm nhạc truyền thống VN, nhã nhạc và về cuốn sách sắp in của giáo sư: Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.
* Thưa giáo sư, nhân duyên nào hoặc duyên nợ đặc biệt nào đã khiến giáo sư gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống VN và nhã nhạc?
- Tôi gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống do một “thiên duyên”.Nhờ trời tôi được sinh ra trong một gia đình, hai bên nội ngoại đến tôi bốn đời đều là nhạc sĩ. Lúc tôi còn ở trong bụng mẹ đã được cậu Năm tôi thổi sáo cho nghe mỗi ngày. Vừa mở mắt chào đời đã được nghe tiếng sáo của cậu Năm tôi. Từ nhỏ đến lớn, khi biết nói là biết ca. Từ 6 tuổi đã biết đờn cò (đàn nhị), đờn kìm (đàn nguyệt), 12 tuổi đờn tranh, 7 tuổi đã theo gánh hát cải lương của cô Ba tôi là bà Trần Ngọc Viện lập ra. Do đó, việc tôi gắn bó với âm nhạc truyền thống đúng là nhờ “duyên trời” vậy.
Tôi đến với nhã nhạc Huế như tôi đã đến với ca trù, chầu văn miền Bắc, hát bội miền Nam, nhạc Phật giáo ba miền - những bộ môn đó gặp khó khăn do những thay đổi về mặt chính trị, kinh tế, xã hội tại VN và có thể bị chìm vào quên lãng. Khi đã thấy các bộ môn ấy thật sự có những giá trị nghệ thuật nhưng chưa được đông đảo quần chúng và các cơ quan hữu trách nhận thức, tôi đã kiên trì phân tích, đúc kết và nêu ra những ưu điểm của các bộ môn ấy bằng những bài viết và những buổi nói chuyện.
Tôi cũng tìm đủ cơ hội để giới thiệu những bộ môn ấy với người nước ngoài bằng đĩa hát, băng từ, băng video để họ có dịp thưởng thức, phê bình, đánh giá. Lần lần những bộ môn ấy đã được hồi sinh.
* Trong cuốn sách Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam sắp ra mắt bạn đọc của giáo sư, “du ngoạn” có thể hiểu như thế nào?
- Từ khi tôi có dịp nói chuyện âm nhạc truyền thống VN cho đồng bào trong nước, tôi thường được nghe thính giả hỏi: «Chẳng biết âm nhạc truyền thống VN có những gì và tại sao giáo sư có thể dành cả cuộc đời mình để tìm hiểu, giới thiệu và giảng dạy nó ở nhiều nơi?”.
Quyển sách sắp xuất bản trong mùa hè tới đây là câu trả lời của tôi, và tôi viết cho quảng đại quần chúng. Không đi sâu vào lý thuyết, không phân tích về thang âm điệu thức, tôi chỉ muốn làm một hướng dẫn viên cho đa số người Việt đi dạo chơi, ngao du trong vườn nhạc của dân tộc Việt, để thưởng ngoạn, nhìn qua một số hoa thơm cỏ lạ.
Tôi chỉ gợi ý cho các bạn thấy trong vườn hoa âm nhạc truyền thống của VN có trăm hương ngàn sắc, mỗi loại có vẻ đẹp độc đáo đặc thù, một nét duyên dáng riêng để các bạn làm quen với những loại chưa quen, tìm hiểu những điểm chưa hiểu, và sau đó sẽ quí yêu thêm những gì cha ông chúng ta truyền từ đời này qua đời nọ, và để lại cho chúng ta một di sản văn hóa rất lớn, rồi… bỏ bớt lòng tự ti mặc cảm và thêm chút ít tự hào dân tộc.
Du ngoạn là như vậy đó. Lúc nào khỏe đi lâu, lúc nào mệt thì dừng chân. Không ai bắt buộc các bạn phải vào cửa này, ra ngõ kia. Các bạn tự do du ngoạn. Cuộc du ngoạn trong âm nhạc truyền thống VN sẽ theo con đường đời của một con người trong xã hội VN từ lúc sơ sinh đến lúc trở về cõi vĩnh hằng.
Trong sách, chúng tôi có nhấn mạnh rằng tiếng hát ru là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên người mẹ truyền sang đứa con. Lớn lên, dù không học trong các trường nhạc hay nhạc viện, nhưng nhờ dựa vào cấu trúc câu hát ru được ghi vào tiềm thức của mình lúc còn là đứa bé nằm trong cánh tay êm ấm của bà mẹ mà chàng thanh niên hay cô thiếu nữ đã tạo ra những câu hò điệu lý rất hay.
Trong quyển sách này, chúng tôi chỉ đưa các bạn đi du ngoạn trong truyền thống âm nhạc của người Kinh để nhận diện và biết qua những gì cha ông chúng ta đã để lại, và hẹn có những chuyến khác, không phải chỉ dạo qua mà dừng chân lâu hơn để có đủ thì giờ nhận thức được những cái hay, những nét đẹp kín đáo của mỗi bộ môn, và sẽ nhờ những hướng dẫn viên khác đưa các bạn đi xem những bông hoa còn ẩn núp trong chôn núi rừng ở các miền cao.
* Trước tác động của nền kinh tế thị trường và nguy cơ đồng nhất hóa các giá trị văn hóa, theo giáo sư, chúng ta phải làm gì để gìn giữ được bản sắc âm nhạc truyền thống nói chung và hát ru nói riêng, không phải chỉ để biểu diễn trên sân khấu bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà còn trả lại nó vào cuộc sống thường ngày, như có ai đó đã từng mơ ước: Bao giờ xóm ngõ đổi đời/Để tôi nghe tiếng ru hời ngày xưa?
- Từ hơn 20 năm nay, tôi đã nhắc đi nhắc lại không nên để tiếng ru tắt trên môi các bà mẹ. Cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã tổ chức liên hoan hát ru đầu tiên năm 1989, sáu tháng trước khi từ giã cõi đời và bài ca cuối cùng của nhạc sĩ mang tên Lời ru chim Lạc.
Giữ gìn tiếng hát ru cũng là bước đầu giữ gìn bản sắc dân tộc. Đã nhiều lần tôi nhận thấy rằng bản sắc dân tộc bị lu mờ, thanh niên thích nghe nhạc nước ngoài hơn nhạc dân tộc là một căn bệnh mãn tính. Muốn trị bệnh ấy phải trị căn chứ không trị chứng. Và những phương thuốc tôi đề nghị là:
+ Làm sống lại tiếng hát ru;
+ Tập trẻ em hát lại đồng dao hoặc những bài hát sáng tác theo truyền thống dân tộc với nội dung phù hợp với trẻ;
+ Khuyến khích nông dân hò trong khi làm việc, hát trong lúc nghỉ ngơi;
+ Khuyến khích thanh niên hát những bài loại đối ca nam nữ;
+ Tổ chức những liên hoan dân ca cổ nhạc, những cuộc thi nhạc khí và tiếng ca dân tộc;
+ Đem âm nhạc vào học đường, từ lớp mẫu giáo, tiểu học lên đến đại học;
+ Báo chí và các phương tiện truyền thông nên có nhiều bài viết, nhiều chương trình phát thanh, phát hình giới thiệu và giảng giải về âm nhạc dân tộc;
+ Tôn vinh những nghệ nhân cả đời phụng sự âm nhạc dân tộc.
Phải nghe thường mới thấm, phải học mới hiểu, có hiểu mới thích, có thích mới thương, có thương mới muốn giữ gìn, mới sẵn sàng luyện tập biểu diễn và phổ biến. Như thế âm nhạc truyền thống mới thêm được sinh lực và bản sắc dân tộc mới được giữ gìn.
* Là người sống lâu năm ở nước ngoài, giáo sư đánh giá thế nào về tình hình truyền bá văn hóa VN nói chung, âm nhạc cổ truyền VN nói riêng đối với cộng đồng quốc tế thời gian qua? Chúng ta cần làm gì để làm tốt hơn công tác này?
- Đến nay, theo tôi, chúng ta chưa làm thật tốt công việc đó.
Chúng ta có thể truyền bá âm nhạc cổ truyền dưới nhiều dạng: đĩa hát, băng từ, băng video, sách báo, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, chương trình trên mạng lưới Internet. Nhưng sống động và hiệu quả nhất là cho những đoàn nghệ thuật dân tộc ra trình diễn tại nước ngoài, với những chương trình âm nhạc dân tộc có chất lượng nghệ thuật, có lời giới thiệu khoa học, ngắn gọn mà đầy đủ.
Chúng ta cần tạo điều kiện hơn nữa cho nghệ sĩ đi dự liên hoan quốc tế, cho các nhà nghiên cứu đi dự hội nghị quốc tế về âm nhạc, kịch nghệ. Văn hóa và âm nhạc của chúng ta được giới thiệu và thảo luận trong các hội nghị quốc tế sẽ được có khi đến cả trăm nước tham dự hội nghị quan tâm và thưởng thức.
* Xin cảm ơn giáo sư, chúc giáo sư luôn mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho việc gìn giữ và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét