Về việc đào tạo và cấp bằng
tiến sĩ tại Việt Nam
Trần Văn Thọ
Bài này vạch ra một số nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ:[1]
1) Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng tiến sĩ; bằng tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học;
2) Nghiên cứu sinh (NCS) không cần phải có đề tài mới để được nhận vào chương trình tiến sĩ, nhưng NCS phải có đủ trình độ để từ quá trình học, nắm được phát triển lý thuyết cơ bản và kiểm chứng lý thuyết bằng thực tiễn trong ngành trên thế giới, từ đó biết được vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp và từ đó có đóng góp mới về mặt học thuật.
3) Luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa ba vụ; luận án tiến sĩ phải có tính học thuật (academic), triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình; quan trọng nhất luận án phải có tính độc sáng (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.
Từ những nhận định trên bài viết bàn về yêu cầu thẩm định lại trình độ của giáo sư hướng dẫn, và các trường, viện đào tạo hiện nay, chấm dứt ngay những cơ sở không có tư cách cấp bằng.
Một trong những căn bệnh trầm trọng mà chế độ giao dục đào tạo của Việt Nam trong mấy mươi năm qua gây ra cho xã hội ta là làm lạm phát văn bằng tiến sĩ, là đưa chuẩn mực của học vị cao nhất trong khoa học nầy xuống mức thấp ngoài sự tưởng tượng của người làm khoa học nghiêm túc. Nhiều người, kể cả người viết bài nầy, đã cảnh báo, phê phán vấn đề nầy từ rất sớm và đã có nhiều đề nghị cải cách rất cụ thể và khả thi. Thế nhưng vấn đề nầy không được cấp lãnh đạo cao nhất quan tâm, còn các cơ quan quản lý trực tiếp, chủ yếu là Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT), thì hầu như bất lực.[2] .
Gần đây nhà nước có vẻ đã thấy không thể không hành động trước tình trạng đã quá trầm trọng. Cụ thể là vào tháng 1/2008 Bộ GD ĐT đã công bố bản Dự thảo qui chế đào tạo tiến sĩ (dưới đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là lần đầu tiên vấn đề đào tạo tiến sĩ được đặt ra tương đối nghiêm túc. Tuy nhiên nội dung Dự thảo có nhiều điểm không khả thi, và nhiều điểm cho thấy người đặt chính sách chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc đào tạo bậc tiến sĩ và yêu cầu của luận án tiến sĩ. Mặt khác, Dự thảo chủ yếu nói đến việc xây dựng qui chế cho những cơ sở đào tạo mới và không đề cập đến việc xử lý những văn bằng tiến sĩ sản sinh trong quá trình vàng thau lẫn lộn vừa qua, cũng như không nói rõ vấn đề cải tổ, thanh lọc những cơ sở đào tạo ra đời trong bối cảnh bê bối hàng chục năm qua. Vì đã có nhiều dịp phát biểu ý kiến về vấn đề đào tạo và cấp bằng tiến sĩ (xem danh mục ở cuối bài viết nầy), dưới đây tôi chỉ nêu lại một số vấn đề xét thấy cần đặt lại hoặc viết thêm ở thời điểm hiện nay:
Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là gì?
Thế nào là một luận án tiến sĩ?
Tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn và cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Việc đánh giá và cấp bằng tiến sĩ nên làm như thế nào?
Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là gì?
Trong kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ (đến năm 2020), suy nghĩ của người làm kế hoạch khá đơn giản và không thực tế. Ngoài tính bất khả thi, ta thấy nhà nước có suy nghĩ rất đơn giản: để phục vụ nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần phải có một đội ngũ những nhà khoa học, cụ thể là đội ngũ của nhũng người có học vị tiến sĩ. Không biết từ bao giờ đã có một quan niệm sai lầm rằng bất cứ người làm trong ngành nào, kể cả quan chức và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người có học vị càng cao càng “lãnh đạo” giỏi!. Do quan niệm sai lầm nầy, nhà nước đã cấp kinh phí cho quan chức đi học (làm nghiên cứu sinh) tại chức để lấy bằng tiến sĩ, và xem văn bằng nầy là một trong những tiêu chuẩn để đề bạt lên chức vụ cao hơn. Do vậy quan chức tranh nhau đi học để lấy bằng và nạn học giả lấy bằng thật trở thành phổ biến. Quan điểm và chính sách nầy đã làm lãng phí nguồn lực xã hội và gây ra nạn lạm phát văn bằng tiến sĩ. Quan niệm sai lầm và chính sách chạy theo số lượng trong khi các tiền đề xây dựng cơ sở đào tạo chưa được xác lập đã hạ thấp (một cách kinh khủng) chuẩn mực văn bằng tiến sĩ là hệ quả đương nhiên.
Do đó hơn bao giờ hết cần xác định mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Đó là tạo ra một đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện ở đại học hoặc các viện nghiên cứu của cơ quan nhà nước hoặc của doanh nghiệp (nhất là nghiên cứu ứng dụng), nhưng người thuần tuý quản lý doanh nghiệp hoặc quản lý hành chánh không cần văn bằng tiến sĩ. Dĩ nhiên có trường hợp một số quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có bằng tiến sĩ. Đó là trường hợp những người nguyên đã có dự định theo con đường nghiên cứu hoặc giảng dạy ở đại học nhưng sau đó tìm thấy khả năng của mình ở lãnh vực quản lý doanh nghiệp hoặc nhà nước. Cũng có trường hợp họ không thành công trong dự định ban đầu. Ở Nhật hay ở Mỹ người có bằng tiến sĩ khó tìm việc ở cơ qụan hành chánh nhà nước hoặc doanh nghiiệp hơn là người chỉ có bằng đại học (dĩ nhiên trừ truờng hợp xin vào các viện nghiên cứu của doanh nghiệp hoặc của nhà nước).
Thế nào là một luận án tiến sĩ?
Mới đây (tháng 3 năm 2008) một lãnh đạo Bộ GD-ĐT có nói một câu được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Nếu không tìm được vấn đề gì mới thì đừng đi học tiến sĩ”. Tôi ghi nhận chủ ý tích cực của câu nói nầy. Bối cảnh của ý kiến nầy là tình trạng có nhiều luận án tiến sĩ chỉ là sự sao chép hoặc tổng kết các nghiên cứu của người khác và cần phải chấm dứt tình trạng nầy. Nhưng câu nói nầy khó hiểu đối với người làm khoa học, nhất là đối với người phụ trách đào tạo tiến sĩ nghiêm túc. Ta có thể đặt lại vài câu hỏi sau: Thứ nhất, một người định thi vào bậc tiến sĩ (thi làm nghiên cứu sinh) có cần phải có sẵn một đề tài mới? Hay là đề tài mới chỉ được phát hiện trong quá trình học tập vất vả, phải biết vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp? Thứ hai, thế nào là “mới”? Có thể là mới trong một thực tiễn nào đó nhưng chẳng có ý nghĩa gì đối với khoa học. Chẳng hạn, làm sao để huy động vốn trong dân ở tỉnh A hay tại một thành phố B có thể là mới vì chưa ai nghiên cứu vấn đề cụ thể nầy nhưng đề tài tự nó chưa nêu ra được điểm gì mới về học thuật. Cần nói thêm là các đề tài luận án tiến sĩ kinh tế trong hơn 10 năm qua ở VN phần lớn đều có tính cách thưc tiễn và thiếu tính học thuật như vậy. Tôi đã víết khá chi tiết về điểm nầy trên Tia Sáng (9/2003).
Vậy trình độ của người được cấp bằng và chuẩn mực khách quan của luận án tiến sĩ là gì? Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Người được cấp bằng tiến sĩ do đó phải am hiểu các lý luận cơ bản, các khung phân tích trong ngành mình và nắm vững các khái niệm, các khung phân tích, các lý luận và những tiến triển nghiên cứu mới trong ngành chuyên môn hẹp của mình. Những kiế n thức cơ bản nầy được trang bị từ các cấp bậc đại hoc và thạc sĩ nhưng ở bậc tiến sĩ phải được tiếp tuc ở trình độ cao hơn và nhất là phải có cơ chế kiểm tra nghiêm túc để bảo đảm cho ứng cử viên học vị nầy hội đủ các điều kiện đó.
Trình độ của ứng cử viên tiến sĩ được thử thách và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ phải có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là tính học thuật (academic) trong đó vấn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai là tính độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới. Cái “mới” trong khoa học là như vậy.
Cần nói thêm rằng đòi hỏi chính của luận án tiến sĩ là sự đóng góp về mặt lý luận và luận án là bằng chứng cho thấy ứng cử viên tiến sĩ có trình độ nghiên cứu độc lập, chứ không đòi hỏi phải giải quyết một vấn đề thực tế (dĩ nhiên nếu kết quả nghiên cứu góp phần giải quyết một vấn đề thực tiễn thì càng tốt nhưng đó là thứ yếu). Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tuỳ theo nhu cầu công tác lúc đó mới cần nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tại Việt Nam, chí ít là trong lãnh vực kinh tế, hình như đa số hiểu sai về ý nghĩa của luận án tiến sĩ. Các đề tài của một luận án tiến sĩ kinh tế học ở Việt Nam thường là ‘”Những giải pháp để…” (chẳng hạn, những giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ chiến lược công nghiệp hoá, v.v..). Những vấn đề nầy dĩ nhiên có thể được chọn là đối tượng nghiên cứu nhưng đó chỉ là trường hợp được chọn để kiểm chứng một vần đề có tính cách lý luận chứ không phải nhằm để giải quyết một vấn đề thực tế. Ở Việt Nam, được biết nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ tốn hàng tỉ đồng và huy động hàng chục nhà nghiên cứu nhưng ít có công trình trực tiếp giải quyết vấn đề thực tiễn mà tại sao lại kỳ vọng ở công trình của một nghiên cứu sinh? Các đề tài nầy chẳng nêu ra được những câu hỏi có tính lý luận nên chẳng có giá trị về mặt học thuật, và về mặt thực tế cũng chẳng thấy cơ quan nào của nhà nước đã tham khảo các luận án ấy. Thật ra một người tốt nghiệp đại học thuộc loại giỏi chỉ cần vài tháng là có thể hòan thành một bản báo cáo về những đề tài như vậy. Trong thời gian qua ở nước ta các bản báo cáo như vậy vẫn được gọi là luận án tiến sĩ. Chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam quá thấp là vì vậy.
Cũng do quan niệm sai lầm ở Việt Nam về việc “ép” nghiên cứu sinh phải chọn một đề tài về mới về thực tiễn[3] (dù không có giá trị về học thuật) mà trong quá khứ một số đề tài liên quan đến an ninh, quốc phòng, được phép bảo vệ không công khai. Bản Dự thảo nói trên cũng có quy định về những trường hợp không công khai việc bảo vệ luận án tiến sĩ. Theo tôi, mọi luận án tiến sĩ đều phải được công khai. Nếu vì an ninh hoặc quốc phòng thì không cho nghiên cứu sinh chọn những đề tài như vậy. Nói chính xác hơn, nghiên cứu sinh nếu không tiếp cận được các tài liệu thuộc lọai bí mật quốc gia thì họ phải tránh chọn các đề tài mà việc kiểm chứng cần các tài liệu đó. Như đã nói ở trên, mục tiêu đào tạo tiến sĩ là xây dựng những con người khoa học có trình độ nghiên cứu độc lập và đảm trách việc giáo dục đại học chứ không phải là nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế hay an ninh, quốc phòng. Những đề tài thực tiễn và cấp thiết như vậy thì nên giao cho người đã có khả năng nghiên cứu độc lập, kể cả người đã lấy bằng tiến sĩ.
Về giáo sư hướng dẫn và cơ sở đào tạo tiến sĩ
Với bối cảnh hỗn loạn, vàng thau lẫn lộn, về học hàm học vị trong thời gian qua, những tiêu chí cứng để định tư cách của giáo sư hướng dẫn (số công trình nghiên cứu, kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh, v..v..) hoặc tư cách của cơ sở đào tạo (số người có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư, số người có học vị tiến sĩ,…) có lẽ không hoàn toàn thích hợp. Tốt nhất là nhà nước thành lập các ban thẩm định chuyên ngành gồm những nhà khoa học có thành tích nổi bật (mà xã hội đã biết đến), những nhà nghiên cứu đã lấy bằng tiến sĩ tại các đại học có uy tín ở nước ngoài, hoặc nhũng trí thức người Việt đã có kinh nghiệm hoặc đang hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài. Các ban nầy sẽ đánh giá tư cách tham gia đào tạo tiến sĩ của những giáo sư hoặc phó giáo sư trong danh mục những người có nguyện vọng, và đánh giá tư cách tham gia đào tạo của các viện nghiên cứu hoặc các khoa ở đại học.
Những cơ sở đào tạo tiến sĩ đã có cũng phải được thẩm định trở lại. Trước mắt tạm ngừng các chương trình đào tạo tiến sĩ tại các viện, các trường nầy cho đến khi có kết quả thẩm định nói trên.
Sau chừng nửa năm hoặc một năm hoạt động, các hội đồng thẩm định công bố danh sách các trường, các viện và tên các giáo sư đã qua thẩm định và được thừa nhận có tư cách đào tạo tiến sĩ. Những nghiên cứu sinh đã được nhận vào các viện, các trường không đủ tư cách đào tạo tiến sĩ phải thi lại vào các viện, các trường có tư cách đó. Ngoài ra, cần khuyến khích những “tiến sĩ” đã lấy bằng tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn mạnh dạn xin bảo vệ lại tại những viện, những truờng có đủ tiêu chuẩn đào tạo.
Cơ chế và phương pháp đánh giá luận án tiến sĩ
Khi các vấn đề về chuẩn mực của luận án, về cơ chế nghiên cứu học tập của sinh viên và về tư cách giáo sư hướng dẫn được giải quyết đúng đắn thì việc đánh giá luận án không còn là vấn đề khó khăn. Hơn nữa, giáo sư hướng dẫn là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc đánh giá. Không một giáo sư chân chính nào thấy luận án của học trò mình chưa đạt tiêu chuẩn khách quan về học thuật và độc sáng mà dám đưa ra hội đồng bảo vệ. Có thể còn nhiều dư địa để cải thiện hơn nữa mà giáo sư hướng dẫn không thấy hết nhưng ít nhất 2 tiêu chí nói trên của luận án tiến sĩ được xem là đạt rồi mới cho bảo vệ. Trên cơ sở đó, các giáo sư khác trong hội đồng, cũng trên uy tín của mình, phải đánh giá thẳng thắn. Ở đây không cần bảo vệ kín mà vẫn giữ được sự khách quan là vì vậy. Cần nói thêm nữa là trong quá trình chuẩn bị luận án, nên để nghiên cứu sinh được báo cáo trước hội đồng chấm luận án một hoặc hai lần trước khi bảo vệ cuối cùng ít nhất là một năm để nhận các ý kiến hướng dẫn cho giai đoạn tới
Ngoài ra, để bảo đảm tối đa sự khách quan của việc đánh giá, ở Nhật đặt cơ chế xã hội hoá việc đánh giá trước khi cho nghiên cứu sinh bảo vệ. Có hai hình thức xã hội hoá. Một là để được bảo vệ cuối cùng, nghiên cứu sinh phải có ít nhất từ một đến ba (tuỳ trường đại học) công trình liên quan đến luận án đăng ở các tạp chí có thẩm định độc lập (referee). Tạp chí có thẩm định độc lập là tạp chí khi ban biên tập nhận bài xin gửi đăng sẽ gửi bài đó (sau khi che giấu tên người viết) đến ít nhất 2 nhà nghiên cứu cùng ngành để nhờ thẩm định. Tên tuổi của những người thẩm định dĩ nhiên không được công bố. Người thẩm định sẽ dựa trên tiêu chuẩn học thuật và tính độc sáng của bài viết khi đưa ra quyết định đăng hay không. [4] Hai là, cho nghiên cứu sinh báo cáo trước đại hội toàn quốc hằng năm của ngành chuyên môn. Ở Nhật nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ có thể trở thành thành viên của các hội khoa học. Để được báo cáo, nội dung tóm tắt của luận án phải được thông qua ở ban tổ chức đại hội. Điều quan trọng là trước mặt các nhà khoa học trên toàn quốc, luận án của học trò mình bị chê là không độc sáng hoặc thiếu sót lớn về mặt khoa học thì người chịu tai tiếng đầu tiên là giáo sư hướng dẫn.
Dự thảo của Bộ GD- ĐT về qui chế đào tạo tiến sĩ cũng đưa ra quy định là nghiên cứu sinh phải có ít nhất một bài viết đăng ở một tạp chí uy tín thế giới. Tạp chí uy tín thế giới là khái niệm mang tính chủ quan nên có thể bị giải thích tùy tiện và do đó điều kiện có ít nhất một bài viết trên một tạp chí như vậy không phải là khó, hoặc ngược lại nếu đưa ra một định nghĩa khắc khe thì khó có nghiên cứu sinh nào thoả mãn điều kiện nầy. Theo tôi nên thay cụm từ “tạp chí uy tín thế giới” bằng cụm từ tạp chí khoa học chuyên ngành có thẩm định độc lập. Trước mắt hầu hết các tạp chí nầy đều ở nước ngoài nhưng tùy theo ngành, trong nước cũng có thể từng bước xây dựng những tạp chí như vậy, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu nước ngoài (hoặc người Việt Nam ở nước ngoài) trong ban biên tập.
Việc tuyển chọn nghiên cứu sinh có thể linh hoạt nhưng phải có cơ chế kiểm tra năng lực. Ở Nhật nhiều đại học chú trọng kiểm tra đầu vào qua kỳ thi ngoại ngữ và chuyên môn và quy định phải lấy đủ các tín chỉ cần thiết. Có đại học, nhất là những nơi có khoa tổng hợp nhiều ngành, thì chú trọng thi ngoại ngữ và đánh giá luận án thạc sĩ thay cho kiểm tra năng lực chuyên môn. Nhiều đại học ở Mỹ thì dễ dãi đầu vào nhưng có chế độ kiểm tra gay gắt về chuyên môn và đề cương luận án trươc khi cho nghiên cứu sinh tiếp tục nghiên cứu để hòan thành và bảo vệ luận án.
Ở thời điểm nầy (đầu năm 2008), nhận thức của nhà nước về vấn đề đào tạo bậc tiến sĩ đã có vài mặt tiến bộ. Tuy nhiên một số vấn đề cơ bản chưa được hiểu một cách đúng đắn. Trên đây là 4 vấn đề tôi thấy cần bàn thêm.
Ghi thêm: Sau đây là danh sách các bài viết tôi đã phát biểu liên quan đến vấn đề đào tạo tiến sĩ:
(1) “Về đào tạo và cấp bằng tiến sĩ kinh tế học,” Nhân Dân (mục Ý kiến nhà khoa học), 17/7/1997.
(2) “Vài ý kiến về những điều đã được bàn,” Tia Sáng (mục Khoa học công nghệ), 9/2001.
(3) “Bàn lại vấn đề học vị tiến sĩ,” Tia Sáng, 9/2003.
(4) “Đào tạo tiến sĩ: Cải tổ từ cơ sở và ông thầy,” Vietnamnet 1/2006.
(5) “Kế hoạch đào tạo tiến sĩ: cần có một cuộc cách mạng chất lượng,” in trong GS. TS Hoàng Tuỵ Sĩ phu đời nay, do Nguyên Ngọc, Phan Đình Diệu, Hà Huy Khoái, Ngô Việt Trung và Nguyễn Xuân Xanh chủ biên, Nhà xuất bản Trí thức, 2007, tr. 319-330.
[1] Tác giả cám ơn tiến sĩ Vũ Quang Việt đã đọc và góp ý vào bản thảo đầu tiên. Phần tóm tắt ở đầu bài là của anh Việt. Bài viết nầy chủ yếu nhìn từ các ngành trong khoa học xã hội, nhưng trên cơ bản, tính chất của luận án tiến sĩ (tính học thuật và tính độc sáng) không khác nhiều với khoa học tự nhiên. Điểm nầy được xác nhận trong quá trình trao đổi ý kiến với giáo sư Hồ Tú Bảo, chuyên gia về công nghệ thông tin. Tác giả cám ơn anh Bảo đã đọc bài viết và tham gia thảo luận về đề tài nầy.
[2] Lần đầu tiên tôi phát biểu về vấn đề nầy (và đưa kiến nghị cải cách) trên mục Ý kiến nhà khoa học của báo Nhân Dân ngày 17/7/1997. Bài báo được chọn là một trong 10 bài quan trọng trong ngày để ban thư ký tóm tắt cho thủ tướng đọc. Chiều hôm đó, ông Phạm Sĩ Tiến, Vụ trưởng Vụ sau đại học, từ Hà Nội điện thoại đến tôi (lúc đó đương ở Thành phố HCM) để cảm ơn đã góp ý kiến. Sau đó ít lâu, ngày 6/3/2000, ông tổ chức cho tôi đến thuyết trình về vấn đề nầy tại Học viện Chính trị Quốc gia HCM, nơi mà theo ông, đang rất “dễ dãi” trong việc cấp bằng tiến sĩ. Ngày 20/12/2005, tôi nhận được thư của Vụ trưởng Vụ đại học và sau đại học Trần Thị Hà thay mặt Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đề nghị tôi góp ý cải cách việc đào tạo tiến sĩ. Tôi đã viết bản góp ý và gửi về ngay nhưng được Vụ trưởng Trần Thị Hà trả lời là bộ trưởng đã đọc nhưng rất tiếc là các kiến nghị nầy khó thực hiện trong tình hình ở Việt Nam. Bản kiến nghị nầy ngay sau đó được dăng gần như toàn văn trên Vietnamnet (1/2006) và bản tóm tắt đăng trên Tia Sáng số Tết năm 2006..
[3] Xem thử các luận án tiến sĩ ở Việt Nam ta thấy có mục “Tính cấp thiết của đề tài”. (Tính cấp thiết ở đây là về mặt thực tế nhằm đưa ra kiến nghị về mặt chính sách)
[4] Ở Mỹ ít có đại học đỏi hỏi nghiên cứu sinh phải có bài viết đăng ở các tạp chí có thẩm định, nhưng thay vào đó, phải thi đỗ các kỳ sát hạch về các lý luận cơ bản trong ngành, và về một chuyên môn tự chọn. Ngoài ra, nghiên cứu sinh phải nộp một bài viết (essay) liên quan đến đề cương chi tiết của luận án (bài viết phải được thông qua trong hội đồng xét duyệt gồm 3 giáo sư trong ngành. Bài viết được thông qua trong hội đồng xét duyệt thì cũng dễ triển khai đê đăng trên tạp chí có thẩm định. Do đó cách làm ở đại học Mỹ và Nhật không khác nhau mấy trên thực chất.
© Thời Đại Mới
Số 13 - Tháng 3/2008
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai13/200813_TranVanTho.htm
Đọc bài viết này chợt nhớ bài thơ tiến sĩ Giấy của cụ Nguyễn Khuyến mình học ở những năm tiểu học
Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2)
Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3)
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời! (4)
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!
Chú thích:
1. Hoa man: người thợ làm nghề hàng mã.
2. Giáp bảng: bảng đề tên từ học vị tiến sĩ trở lên.
3. Văn khôi: đầu làng văn. ở đây chỉ người có đỗ đạt cao.
4. Hời: giá rẻ.
Không nhớ là học năm lớp 1, lớp 2 hay lớp 3... nhưng mãi đến 2 năm gần đây mình mới hiểu sâu sắc bài thơ này, hồi nhỏ đọc tới đọc lui chả hiểu cái bài ấy nó viết về cái gì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét