Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

'Xây dựng giá trị thật cho Quan họ'

Giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ những trăn trở về hồ sơ quan họ bởi ngày 30/9, Việt Nam sẽ gửi UNESCO hồ sơ đề nghị công nhận nghệ thuật này là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

- Thưa giáo sư, tiến độ đề nghị UNESCO công nhận Quan họ được thực hiện ra sao?

- Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam là nơi chịu trách nhiệm lập hồ sơ và mời tôi làm cố vấn để đưa ra nhận xét. Theo tôi biết, về cơ bản đã xong, tức là đủ hình ảnh, phim và văn bản bằng hai thứ tiếng Việt, tiếng Anh. Các tài liệu tập trung giới thiệu lịch sử, hiện trạng của Quan họ cũng như kế hoạch phục hồi nét cổ, giữ lại chất xưa và giảm bớt tính ngoại lai hiện nay. Viện Văn hóa nghệ thuật tìm kiếm những nghệ nhân, những người lưu giữ các tư liệu về quan họ, rồi dựng lại phim về sinh hoạt quan họ xưa.

- Hiện, hồ sơ Quan họ vẫn còn vướng mắc về tên gọi, sau khi UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị thêm 18 làng quan họ của tỉnh này vào đề cử. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Từ trước đến giờ, Quan họ vẫn được biết đến là sinh hoạt của tỉnh Bắc Ninh, kể cả trong những nghiên cứu mà tôi đọc được ở bên Pháp. Vào thời Pháp thuộc, ông thống đốc Henry Maspiraux, rất đam mê ngành dân tộc học, sai chức sắc ghi lại những đặc điểm của mỗi tỉnh, trong đó có bộ sách như Thanh Hóa tỉnh tục lệ chí dị, Bắc Ninh tỉnh tục lệ chí dị…

Quan họ được ghi lại chép trong cuốn sách về Bắc Ninh. Tuy các địa phương khác cũng có sinh hoạt giống như quan họ như hát ghẹo chẳng hạn, nhưng đó chỉ là sự đa dạng trong đối ca nam nữ, chứ về cách hát, cách sinh hoạt thì không giống nhau. Sau này, mặc dù có sự phân chia hay sáp nhập địa chính nhưng tên gọi Quan họ Bắc Ninh vẫn là cụm từ thông dụng.

Nếu Quan họ được UNESCO công nhận, theo giáo sư, việc này sẽ giúp gì cho sự phát triển nghệ thuật dân tộc?

- Tôi muốn lưu ý một điều: thế giới có công nhận hay không thì cũng chưa phải là điều quan trọng nhất. Lâu nay, chúng ta thường không tự ý thức được cái hay cái đẹp của dân tộc mình, cứ phải chờ đến khi thế giới nói hay thì mình mới thấy hay. Việc thế giới công nhận chẳng qua chỉ là động lực thúc đẩy, chứ không thể định đoạt giá trị đích thực của Quan họ.

Quan họ ngày nay bị biến thể khá nhiều, coi trọng hình thức mà để mất dần nội dung. Bản thân quan họ xưa là trò chơi đối ca nam nữ, hát giao duyên với nét văn hóa cao. Ngày xưa, trong các cuộc giao lưu, bên nam cầm dù, tượng trưng cho dương vật (linga), bên nữ cầm nón quai thao, tượng trưng cho âm vật (yoni), nam nữ ra hát đối đáp, có âm có dương, thể hiện sự kết hợp hài hòa.

Giờ hai bên ra hát mà đi tay không, là làm mất đi cái ý nghĩa sâu xa đó. Ngày xưa phải có hai người đối đáp, giờ có khi chỉ một người hát như ca sĩ. Ngày xưa người ta hát không cần nhạc mà chủ yếu là nghe giọng hát, tài ứng đối văn thơ. Ngày nay quan họ được biểu diễn như một bài hát thông thường, có khi lại còn đệm đàn organ. Nếu đem giới thiệu những hình thức lệch lạc như vậy ra thế giới, như một loại hình nghệ thuật đặc thù của dân tộc, thì thật là sai lầm.

- Vậy theo giáo sư, để Quan họ có một sức sống thật sự thì cần phải như thế nào ?

- Tôi đã làm một bản Đề xuất chương trình hành động, nêu rõ những gì sẽ phải làm để phục hồi nét đẹp truyền thống. Về phía chính quyền, rất cần có được định hướng, cấp phương tiện để thực hiện, đưa quan họ nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung vào trong giáo dục học đường cho trẻ em. Về phía nghệ sĩ, cần có ý thức gìn giữ những nét văn hóa nguyên bản mà cha ông để lại. Tôi nghĩ, điều quan trọng hơn hết là chính bản thân mỗi người Việt Nam phải nhìn nhận được giá trị đích thực của di sản.

Trước đây, các di sản được UNESCO vinh danh 3 năm một lần, với tên gọi là Kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, thông qua một cơ chế bình chọn hết sức gắt gao. Theo công ước mới của UNESCO từ tháng 4/2006, việc công nhận sẽ diễn ra mỗi năm một lần với hai tên gọi mới: Di sản phi vật thể của nhân loạiDi sản phi vật thể cần được bảo vệ (dành cho những loại hình nghệ thuật có nguy cơ thất truyền). Theo GS Trần Văn Khê, UNESCO hiện nay công nhận di sản quý của một quốc gia chứ không công nhận ở tầm thế giới. Cách tôn vinh trước kia có thể sẽ khiến cả thế giới quan tâm, còn cách làm mới chỉ khiến trong nước hãnh diện và là điều kiện để các quốc gia tiếp thị hình ảnh mà thôi.

Kim Vân Thực hiện

http://www.baodatviet.vn/Home/Xay-dung-gia-tri-that-cho-Quan-ho/20089/14418.datviet



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...