Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Đầu năm nói chuyện sex


Đầu năm khai bút với sex

Nguồn bài viết: Cát Khuê Blog

Bài này có từ năm 2007 hơi cũ nhưng nội dung vẫn tươi mới... đánh trúng bệnh mà ai cũng tự cho mình ko bệnh nên tới giờ chuyện "sex" vẫn chưa được giải quyết đâu ra đó

SEX BAO NHIÊU LÀ VỪA?

Vâng, phải đặt lại câu hỏi trên sau khi tập truyện ngắn “I am đàn bà” của nhà văn Y Ban do NXB Phụ nữ, Cty Văn hoá và truyền thôn Nhã Nam liên kết xuất bản vừa bị Cục xuất bản (Bộ VHTT) thu hồi. Nguyên nhân: Cục xuất bản nhận được công văn của NXB Phụ nữ báo cáo cuốn “I am đàn bà” đang lưu hành trên thị trường là sản phẩm chưa hoàn thiện do Nhã Nam không tuân thủ quy trình biên tập. Cụ thể một số đoạn NXB đã gạch bỏ nhưng Nhã Nam vẫn đưa vào, trong đó có những đoạn mô tả khá tự nhiên, tỉ mỉ về tình dục…

Lại nhớ đến hồi truyện “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu ra mắt cũng gây nhiều ý kiến trái chiều về việc miêu tả sex trong đó.

Và nếu bạn có thì giờ thử đọc lướt qua hàng sách xem các tiểu thuyết VN xem. Hầu như không có cuốn nào không mô tả một vài “xen” sex, thậm chí khá dày như “Ngày hoàng đạo” của Nguyễn Đình Chính, “Trả giá”, “Cõi mê” của Triệu Xuân… Đến ngay như nhà văn khả kính Nguyễn Xuân Khánh trong tác phẩm “Mẫu Thượng Ngàn” cũng đưa khá nhiều hàm lượng sex vào.

Phải chăng như nhà văn Y Ban nói khi trả lời phỏng vấn một tờ báo văn chương: “với tôi, tình dục là chuyện hết sức bình thường, nó cổ xưa như loài người vậy, bởi nó trước hết là con đường duy trì nòi giống cho nhân loại, nhưng nó cũng là phương tiện giải trí và văn hoá. Văn chương theo tôi cần tôn trọng sex ở khía cạnh đó”.

Không chỉ văn chương mà ghé mắt sang lãnh vực điện ảnh, mới đây dân tình la rần rần chuyện mấy phim chiếu Tết Đinh Hợi vừa qua như “Chuông reo là bắn”, “Trai nhảy”… cho hở da hở thịt nhiều quá! Có cảm giác không sex không được, đến nỗi một anh chàng xem xong “Chuông reo là bắn” phải thốt lên: nếu gặp mấy cô đó ăn vận kiểu đó ở đường tôi cũng bắn!

Sân khấu thì vở “Hàn Mặc Tử” của Lê Hùng cũng có pha “nude” làm xốn mắt nhiều khán giả. Nhiếp ảnh thì tự nhiên mấy ông chuyên chụp ảnh “nude” tự nhiên thích đăng đàn tợn, từ Thái Phiên, Trần Huy Hoan trong Nam đến Lê Quang Châu ngoài Bắc, và hô to: ảnh nude là thể loại khó nhất!

Thật ra không phải đến bây giờ sex mới “nóng”, ví như điện ảnh chẳng hạn, một dạo ối phim hở nhiều hơn bây giờ nhiều mà chả thấy ai kêu từ “Người tình trong mơ” đến “Số đỏ”. Văn học thì ngay từ hồi xưa, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã đề cập nhiều đến sex.

Có chăng là bây giờ người ta thích bàn nhiều đến sex!

Và đã bàn thì phải bàn cho hết nhẽ!

Sex bao nhiêu là vừa? Không, thật ra vấn đề không phải ở liều lượng mà ở chuyện: có cần sex không? Và nếu cần thì thể hiện nó như thế nào?

Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Giả Bình Ao đã tự cảm thấy mình khó khăn, bất lực với sex nên nhiều đoạn viết đến chỗ hai nhân vật sắp có chuyện đó, ông đã viết thật thông minh, duyên dáng: đoạn này tác giả tự lược bỏ đi 50 chữ!

Tôi không tiện nêu tên, chứ một số nhà văn VN có lối mô tả sex thú thực là rất “mất vệ sinh”. Xem xong, người đọc có quyền nghi ngờ mấy ông này không biết đời thường “chuyện ấy” ra sao? Nếu chỉ bằng một phần trong truyện đã bệnh hoạn quá rồi. Có người chả biết trí tưởng tượng thăng hoa đến đâu cho anh chàng một đêm 11 lần quan hệ- thật hết biết! nhà văn khác nghèo nàn từ ngữ lại chỉ độc một kiểu mô tả cứ tái diễn hết đoạn này sang đoạn khác làm người đọc phát mệt!

Thật ra thì thẳm sâu trong một số nhà văn viết truyện có nhiều yếu tố sex cũng muốn mô tả hấp dẫn mà thanh cao lắm nhưng ngặt nỗi tài hèn sức mọn nên rơi vào lối diễn đạt quá thô!

Quay sang điện ảnh thấy nhiều đạo diễn VN cũng lúng túng với sex lắm! Mà chính vì thế họ làm “nửa dơi nửa chuột” xem càng tức mắt. Trong đó “Đẻ mướn” của Lê Bảo Trung là ví dụ, phim khá tốt về ý tứ và chi tiết nhưng những đoạn sex thì nửa vời nên xem giả quá, thà một lần cho quyết liệt, trần trụi để nói lên khát vọng có con của nhân vật hơn là nhiều lần mà cứ nửa kín nửa hở… Nhân đây cũng xin nói thêm, các diễn viên đóng các cảnh sex hầu hết diễn căng cứng và thô lậu trong khi nhìn sang các phim nước ngoài thấy diễn viên họ đóng cứ tự nhiên như không trong bối cảnh bao mắt nhìn vào, chưa kể ánh sáng, tiếng động…

Tất cả phải chăng là một thứ văn hoá sex- không được các tác giả của chúng ta chú trọng đúng mức. Hay chính xác hơn là việc chưa được giáo dục và học một cách bài bản từ nhỏ (đã đành) nhưng lớn lên, trưởng thành lại không dành thời gian tìm hiểu về sex như một yếu tố văn hoá trước tiên.

Nhà văn Nhật bản Murakami Haruki trong tiểu thuyết “Rừng Na Uy” và mới đây nhất là “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời” có thể coi như bậc thày mô tả về sex. Những tình tiết tình dục trong truyện của ông đầy hiện thực, tự nhiên mà rất con người. Nó không nhằm khêu gợi kích thích phần con của con người mà nó thức tỉnh người ta về sự cảm nhận đến tận cùng của tình yêu da thịt- bước tiếp sau tất yếu của tình yêu tâm hồn. Sex với Murakami Haruki là văn hoá, là nơi con người trốn khỏi nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng đang bủa vây hàng ngày.

Và như thế “Sex bao nhiêu là vừa” không còn là câu hỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...