Sáng thứ 6 22/7, nhờ cầm tờ báo Phụ nữ TPHCM lên đọc mới biết vài thông tin về chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 2. Sau đó tìm hiểu 1 chút thì biết năm nay bán vé với các mức giá 100.000-200.000-500.000đ.
Rồi tình cờ biết được vé đang ế dù ngày mai 23/7 đã biểu diễn. Search 1 vòng thấy chỉ có vài bài báo đưa tin và đăng sát ngày diễn.
Theo báo PN thì "E-mail của NSƯT Phạm Thúy Hoan ngoài tiêu đề “Hội ngộ đàn tranh lần II – 2011” chỉ vỏn vẹn tấm ảnh poster của chương trình và dòng nhắn gửi nhờ thông tin hỗ trợ. Điều đó hoàn toàn khác so với những liveshow ca nhạc tràn ngập thông cáo báo chí với lắm lời văn hoa và hình ảnh nghệ sĩ như dội bom hộp thư của giới phóng viên"
nghệ sĩ Hải Phượng vẫn không khỏi trầm ngâm khi nói về ước mơ quảng bá âm nhạc dân tộc
...
Đọc bài này, bỏ tờ báo xuống, mình suy nghĩ ít nhiều... bởi vì có nhiều sự mâu thuẫn giữa ước mơ và cách thực hiện.
Các nhà âm nhạc dân tộc theo nghề phải vất vả khó khăn bởi kiếm được ít tiền, ít khán giả ủng hộ, giới trẻ ko hiểu, ko yêu nhạc truyền thống...
Phần lớn lý do là bởi cách quản lý tầm vĩ mô, bởi phương pháp giáo dục, bởi sự tấn công ồ ạt của nhạc trẻ, nhạc nước ngoài cùng vô số những loại hình giải trí mới mẻ, hiện đại khác.
Bởi vậy, nhạc dân tộc sống & cạnh tranh 1 cách èo uột. Còn vất vả hơn cả cải lương vì dẫu sao cải lương vẫn còn kha khá người hâm mộ sẵn sàng bỏ vài trăm đến hàng triệu đồng mua vé xem thần tượng ca diễn.
Nhưng nói qua nói lại thì "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Sự thành công vang dội chinh phục cả thế giới của K-Pop (nhạc HQ) trong thời gian ngắn chính là nhờ đội ngũ quảng bá chuyên nghiệp. Rất nhiều người, như tôi và mọi người trong gia đình, nghe nhạc HQ như sự tra tấn. Vậy mà bọn nhóc thì say mê như điếu đổ những thần tượng ẻo lả son môi, nhảy nhót sành điệu, nụ cười hút hồn... Tất cả được nhào nặn và bước lên bục vinh quang nhờ 1 hệ thống đào tạo hỗ trợ mạnh mẽ.
Những bước nhảy điệu nghệ, những ca từ mềm mại hay mạnh mẽ, những ánh mắt cuốn hút,... công nghệ hình ảnh, âm thanh đỉnh cao...
Bước về ao nhà, hàng loạt ca sĩ già trẻ bé lớn với đủ thể loại từ sang trọng đến bình dân làm ngây ngất các khán giả từ đồng quê đến thành thị. Nghe câu dân ca, bài vọng cổ ngọt đến nao lòng,...
>>> Tại sao người ta thích, người ta mê vậy? Theo cá nhân tôi, có lẽ vì người ta hiểu... người ta cảm qua giai điệu, người ta hứng thú với lời ca, người ta thích thú với vẻ ngoài của người nghệ sĩ, ... Dĩ nhiên, chỉ có ít ỏi khán giả có khả năng hiểu giá trị nghệ thuật của nghệ thuật vọng cổ cải lương, của nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc đương đại, ...
Và con số khán giả hiểu được cái hay, cái đẹp, cái tài hoa của đàn tranh, của âm nhạc dân tộc còn hiếm hoi hơn.
Bởi vậy, theo thiển ý của tôi, trong cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt này, âm nhạc dân tộc hãy chịu khó học hỏi công nghệ quảng bá - lăng xê để tiến ra cạnh tranh giành thị phần. Hơn nữa, quan trọng nhất là giúp cho khán giả nghe 1 câu đờn biết thế nào là hay, là dở. Biết phân biệt các tiếng đờn. Biết câu rao, nhịp phách. Người ta nghe hiểu rồi, người ta mới thích, mới yêu, mới thương & mới đến với nhạc dân tộc
Tại sao người ta phải mất công tìm đến khi mà xung quanh có sẵn hàng trăm món hấp dẫn mời mọc suốt ngày đêm trên truyền hình, truyền thanh, internet, biển hiệu, báo chí, ...
Hãy chịu khó tiếp thị âm nhạc truyền thống thay vì ngồi đợi người ta đến với mình như cách làm của nhà hát Trúc Mai
Học miễn phí nhạc dân tộc
TT - Nhà hát Trúc Mai của “gia đình sáo trúc” Đinh Linh - Tuyết Mai đã từ lâu không còn xa lạ với người yêu nhạc dân tộc trong và ngoài nước (“Chuyện kể về nhà hát Trúc Mai”, Tuổi Trẻ ngày 11-4-2010).
Sau lần ra mắt lần đầu tiên vào năm 2009 nhận được phản hồi tích cực từ nhiều phía, NSƯT Tuyết Mai tiếp tục dự án dạy nhạc dân tộc miễn phí bắt đầu từ ngày 15-7 kéo dài đến 18-9 tại nhà hát Trúc Mai (104 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Đây là lớp học nhạc dân tộc miễn phí dành cho tất cả mọi người quan tâm đến văn hóa truyền thống. Hơn 40 học viên sẽ cùng nghệ sĩ Tuyết Mai tìm hiểu về các loại nhạc cụ, lịch sử nhạc dân tộc cũng như nhạc lý căn bản vào chủ nhật hằng tuần.
|
Lớp học nhạc dân tộc trong ngày khai giảng 15-7 - Ảnh: L.N. |
>> Những sân khấu tại gia
Đến với lớp học đặc biệt này mỗi học viên đều có một lý do riêng. Có bác sau khi về hưu tìm đến lớp học như cách để thấy mình vẫn còn có ích với cuộc sống. Có bác cựu chiến binh đến với lớp để nối lại ước mơ học nhạc từ thuở xưa mà vì chiến tranh đã không thể theo đuổi.
Hay như bạn Ngọc Quyên, sinh viên năm 2 khoa Hàn Quốc học, ĐH KHXH&NV TP.HCM, thì lý do chỉ đơn giản mình là người VN phải biết gì đó về âm nhạc VN. Những mái đầu bạc xen lẫn đầu xanh ngồi cạnh nhau cùng chia sẻ sự trân trọng với dòng nhạc dân tộc.
Với nghệ sĩ Tuyết Mai, mục đích của khóa học kéo dài hai tháng này chỉ giản dị là giúp người học gọi đúng tên và hiểu đúng cách chơi của nhạc cụ dân tộc VN. Đây cũng là điều những người tâm huyết với nhạc dân tộc trăn trở.
Không bi quan vào tương lai của nhạc truyền thống, qua nhiều năm nghiên cứu và biểu diễn, nghệ sĩ Tuyết Mai khẳng định giới trẻ không quay lưng với nhạc dân tộc, thậm chí nhu cầu được tìm hiểu là rất lớn.
Vì lý do đó, lớp học đặc biệt này ra đời như một điểm đến để từ đó nhạc dân tộc có thể lan tỏa vào đời sống hôm nay sâu rộng hơn.
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Am-nhac/446775/Hoc-mien-phi-nhac-dan-toc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét