Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

LÀM SAO TÌM NHÀ MỚI TỐT CHO CHÓ MÈO

"LÀM SAO GIẢM BỚT RỦI RO KHI TÌM NHÀ CHO CHÓ MÈO?" 
Tác giả: Vi Thảo Nguyên (yeudongvat.org)

Đây là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được từ rất nhiều bạn mới bắt đầu “sự nghiệp" foster. Tôi không có câu trả lời cụ thể và hoàn chỉnh cho câu hỏi này, bởi vì vấn đề liên quan đến yếu tố con người thì không có một đáp án hay công thức chung. Trong khi rất nhiều người cho rằng khâu Re-home (tìm gia đình mới cho chó mèo đang được foster) phụ thuộc vào “người chủ mới" (potential owner) là người như thế nào, thì tôi lại cho rằng khâu này vẫn phụ thuộc chính người Foster - bởi tôi tin rằng người Foster như thế nào, mong muốn của họ ra sao, chuẩn mực (standard) họ đặt ra ở mức nào..., thì họ sẽ có xu hướng gặp được những người chủ mới (potential owner) như vậy. Ở đây tôi tin vào quy luật hấp dẫn (Law of Attraction).
Dù không thể đưa ra một công thức chung, tôi vẫn muốn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như bài học mình có được sau gần 10 năm làm công việc R-F-R (Rescue - Foster - Re-home), và tôi cũng mong mọi người chia sẻ kinh nghiệm của mình, để cùng nhau chúng ta giảm thiểu rủi ro khi tìm gia đình mới cho các bé.
Đây là những việc tôi sẽ lưu ý khi bắt đầu tìm nhà mới cho các bé. Lưu ý đây chỉ là quan điểm và kinh nghiệm cá nhân, một số việc tôi có linh động, trong khi một số khác tôi sẽ tuân thủ gắt gao và không ngoại lệ. Điều này hữu ích với tôi, và tôi cũng mong nó hữu ích với bạn.


1. KHÔNG RE-HOME KHI CON MỚI VỪA ĐƯỢC CỨU VỀ MÀ TRONG TÌNH TRẠNG QUÁ TỒI TỆ (linh động)
Điều này không áp dụng với những bạn chưa có kinh nghiệm chăm sóc chó mèo, vì nếu tìm được người foster hay owner mới cho con mà họ có kinh nghiệm chăm sóc thì vẫn tốt hơn. Tôi thường cố gắng tự tay chăm sóc các con qua giai đoạn nguy kịch (trừ những trường hợp bất khả kháng phải nhờ đến người khác) rồi mới Re-home, lý do của tôi là tôi muốn khẳng định ngay thông điệp của mình: Tôi thật sự quan tâm, tôi thật sự yêu thương, tôi thật sự dành thời gian cho bé chó mèo này, vậy nên nếu bạn nhận nuôi (Adopt) từ tôi, tôi mong bạn hiểu rằng chúng nó quan trọng với tôi thế nào và hãy đối xử với chúng như cách tôi đối xử với chúng.
2. KHÔNG DỄ DÃI VỚI NGƯỜI MUỐN NHẬN NUÔI, NHƯNG CŨNG KHÔNG ĐÁNH ĐỐ VÀ THỬ THÁCH HỌ
Tôi thường chọn cách trao đổi thẳng thắn, bày tỏ mong muốn, hoặc tìm hiểu quan điểm của họ một cách khéo léo; nếu cảm thấy chưa phù hợp thì tôi chọn cách từ chối khéo léo và lịch sự, kèm lời giải thích rõ ràng vì sao họ chưa phải là người chủ phù hợp, thay vì đánh đố hay dạy đời họ. Có khá nhiều bạn trẻ thường thể hiện rõ thái độ “dạy đời" này đối với người-nhận-nuôi-chưa-phù-hợp, việc này biến chuyện Adopt một con vật nào đó thành chuyện căng thẳng không đáng có, thậm chí có thể tạo ra một ấn tượng không tốt về việc “nhận nuôi".
Có những việc như triệt sản, chích ngừa..., không phải ai cũng hiểu. Nếu họ chưa biết, bạn nói cho họ biết; nếu họ biết, mà vẫn ngoan cố không tiếp thu thì chúng ta có thể từ chối họ.




3. TUỲ TÍNH CÁCH CỦA CON VẬT (MÀ TÔI ĐÃ CÓ THỜI GIAN QUAN SÁT TRONG THỜI KHI FOSTER), TÔI SẼ CHỌN CHỦ NUÔI LÀ NAM HAY NỮ, NGƯỜI CÓ XU HƯỚNG HƯỚNG NỘI HAY HƯỚNG NGOẠI (linh động)
Với mèo, 99% tôi sẽ chọn các bạn nữ (nhưng không phải bánh bèo làm việc gì cũng hỏng), 1% còn lại tôi dành cho các bạn Gay và nam nói chung. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, các bạn Gay là những người có khả năng hoà hợp khá tốt với mèo (tất nhiên vẫn phải tìm hiểu nhiều về yếu tố “con người" nói chung).
Đa số những người mong muốn nhận nuôi 1 chú mèo là người hướng nội, nhưng không phải là tất cả. Vì vậy những người hướng ngoại muốn nuôi mèo, tôi sẽ “tiến cử" với họ những bé hiếu động và tăng động; những người hướng nội muốn nuôi mèo, tôi sẽ cho họ gặp gỡ “bản sao" của họ.
4. TÔI TÌM HIỂU VỀ VIỆC HỌ CÓ ĐÃ HAY ĐANG NUÔI MỘT CON VẬT NÀO ĐÓ HAY KHÔNG
Đây sẽ là câu hỏi thẳng thắn tôi không ngại đặt ra ngay từ đầu. Tôi có xu hướng “gả" con cho những người đã từng nuôi một con vật nào đó và chúng đã chết vì tuổi già. Tất nhiên tôi cũng muốn nghe họ kể về con vật đó của họ chứ không chỉ là nghe thông tin. Tôi cũng có xu hướng muốn gửi gắm con mình cho những người “đang có nuôi 1 bé và muốn nhận thêm 1 bé để tụi nó có bạn".
Tôi thường có xu hướng từ chối những người “đã từng nuôi nhưng bị bắt mất", càng không bao giờ dám gửi con cho những người “em không biết vì sao nó chết". Với trường hợp “đã từng nuôi nhưng bị bắt mất", tôi cũng linh động, tuỳ vào cảm xúc của họ khi nói về chuyện đó. Nếu họ nói với thái độ chẳng-có-gì-to-tát tôi sẽ tuyệt đối không dám tin tưởng mà giao con, nhưng nếu tự họ nhận thấy đó là vấn đề và bản thân họ đã tìm cách khắc phục việc này (như chuyển nhà, rào cửa, không thả rong...) thì tôi vẫn sẽ vui vẻ tìm hiểu thêm các yếu tố khác.
5. TÔI TÌM HIỂU VỀ VIỆC HỌ Ở TRỌ HAY Ở NHÀ RIÊNG
Đây hoàn toàn không phải sự phân biệt về vật chất, mà là sự hạn chế những rủi ro ảnh hưởng đến sự an toàn của các con khi họ phải đổi nhà trọ hay lễ tết về quê và phải gửi con...
Tuy nhiên tôi cũng khá linh động việc này, thông qua cách nói chuyện của họ và cam kết của họ mà tôi có thể cảm nhận được. Có những người ở trọ đơn giản vì họ ở trọ, nhưng họ quyết đoán và đủ tự lập để tự quyết định mọi thứ cũng như đủ trách nhiệm để lo tốt cho các con, miễn là họ có khả năng lo ăn uống, cát vệ sinh, chích ngừa...cho các con.

6. TÔI TÌM HIỂU VỀ VIỆC HỌ SỐNG MỘT MÌNH HAY VỚI THÀNH VIÊN NÀO KHÁC TRONG GIA ĐÌNH, VÀ TÔI CŨNG TÌM HIỂU VỀ CÁC THÀNH VIÊN KHÁC TRONG GIA ĐÌNH Ở MỘT MỨC ĐỘ VỪA-ĐỦ-ĐỂ-RA-QUYẾT-ĐỊNH
Nếu ở trọ chung với bạn bè mà có người không thích chó mèo, tôi tuyệt đối không giao con mình cho họ. Tôi có thể tin họ, nhưng tôi không tin được những người bạn của họ vốn ghét chó mèo.
Nếu họ ở trọ hay nhà riêng, với chồng hoặc vợ mà vợ hoặc chồng học không thích chó mèo, tôi cũng sẽ từ chối. Sống cạnh một người vợ hay chồng không thích chó mèo theo tôi là không an toàn (tôi biết ở khoản này tôi hơi cực đoan, nhưng tôi sẽ vẫn duy trì suy nghĩ này).
Nếu ở trọ hay nhà riêng mà sống cùng với bố mẹ, bố mẹ không thích chó mèo, tôi cũng sẽ từ chối. Nói tóm lại, tôi có thể tin người tôi đang nói chuyện, nhưng tôi không thể tin những người quanh họ nếu những người đó không thích hay ghét chó mèo.
7. TÔI TÌM HIỂU VỀ VIỆC HỌ CÓ CON/EM/CHÁU NHỎ TUÔI HAY KHÔNG
Tôi vẫn luôn muốn trẻ nhỏ được làm bạn với chó mèo từ nhỏ, nhưng tôi sẽ từ chối nếu các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, vì tuổi này trẻ em có thể gây nguy hiểm cho chó mèo nếu không có sự giám sát thường xuyên của cha mẹ. Khoản này tôi có linh động, vì một vài đứa trẻ dù nhỏ hơn 5 tuổi hay lớn hơn 5 tuổi đều có thể thể hiện thiên hướng yêu thương động vật rõ ràng. Cũng có những đứa sẽ thể hiện rất rõ chúng không nên ở cạnh bất kỳ một con vật nuôi nào cả.
Và chính vì thế, tôi tuyệt đối không giao con mình cho bậc phụ huynh nào muốn nhận chó mèo về “cho đứa con ở nhà nó chơi". Chó mèo là con tôi, và con tôi thì không thể là đồ chơi của con anh chị.
Tôi sẽ quyết định dễ dàng hơn (và tôi đã may mắn được gặp rồi) khi một bậc phụ huynh chia sẻ rằng “Các con của chị đã lớn và tụi nó có nhu cầu được cưng nựng chăm sóc em nhỏ”.
8. TÔI TÌM HIỂU VỀ QUAN ĐIỂM TRIỆT SẢN CHÓ MÈO
Tôi đã từng rất linh động về việc này, vì tôi cho rằng có những người lớn tuổi có khi họ chưa hiểu được và mình có thể dành thời gian giúp họ hiểu, hoặc có những người trẻ tuổi họ chưa có đủ thông tin và hiểu biết, mình cũng có thể giúp họ hiểu dần ra. Nhưng những bài học tôi rút ra chính là tuyệt đối không gửi gắm con mình cho những người không ủng hộ triệt sản. Vì quan điểm này liên quan rất nhiều đến các vấn đề về chăm sóc sức khoẻ vật nuôi khác.
9. TÔI TÌM HIỂU VỀ KHÔNG GIAN SỐNG TƯƠNG LAI CỦA CÁC CON
Khi Re-home mèo, tôi mong muốn chủ nuôi đang sống trong những căn hộ chung cư, cửa nhà luôn đóng. Vì mèo chỉ cần mở cửa nhà là nó có thể lẻn ra ngoài bất kỳ lúc nào và nó lại “chuồn" rất êm. Tôi chắc chắn sẽ không gửi gắm con mình cho những người luôn khẳng định, “em mở cửa hoài nhưng nào giờ tụi nó không có đi đâu xa" (bạn cần biết rằng cái gì chưa xảy ra hôm nay vẫn có thể xảy ra vào ngày mai ngày kia, cẩn thận không bao giờ thừa).
Với chó, tôi luôn muốn tìm cho chúng được những ngôi nhà có một khoảng sân dù nhỏ thôi cũng được. Khoảng sân này phải nằm bên trong một cánh cổng chính luôn đóng kín. Nếu không thì một căn hộ chung cư mà chủ nuôi có thể dẫn chúng xuống sân sinh hoạt chung chơi mỗi ngày cũng tốt.
Tôi tuyệt đối sẽ không gửi gắm con mình để “bắt chuột", “canh xưởng", “coi nhà"... Tôi cũng sẽ không gửi con mình cho một nhóm hay 1 tập thể nuôi chung ở công ty, ở chợ, ở dãy nhà trọ... Mọi con chó mèo đều có nhu cầu được ôm ấp, nói chuyện, yêu thương, tương tác và cần biết chủ của nó là ai, còn tôi thì luôn muốn biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự an toàn của chúng, thay vì “con chung không ai khóc".
10. NGƯỜI NHẬN NUÔI LÀ NGƯỜI LIÊN HỆ VỚI TÔI TRỰC TIẾP, TÔI TỪ CHỐI VIỆC LIÊN HỆ GIÚP NGƯỜI KHÁC
Tôi luôn có nhu cầu trò chuyện trực tiếp với người sẽ nhận nuôi các con tôi, nên tôi sẽ yêu cầu được trò chuyện trực tiếp với họ, qua bất kỳ kênh liên lạc nào thuận tiện cho họ.
Khi để một người nhận nuôi giùm người khác, “người khác" đó hầu như không cảm nhận và không hiểu rõ được mong muốn cũng như những gửi gắm của bạn, vì vậy những mong muốn của bạn có thể bị hiểu sai thông qua người trung gian.

11. TỪ CHỐI NHỮNG NGƯỜI CÓ TƯ TƯỞNG "THẤY TỘI NÊN NUÔI GIÚP", "ĐƯA ĐÂY MÌNH NUÔI GIÙM BẠN", "NUÔI GIÙM CHO CÒN ĐÒI HỎI"...
Nhận nuôi một bé chó mèo phải xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm, sự động lòng, mong muốn được chăm sóc, mong muốn được bầu bạn... chứ không phải là một việc kiểu “thấy tội nên nuôi giùm". Tâm lý “thấy tội nhận giùm" (chứ không phải thật sự mong muốn được nhận nuôi) có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chăm sóc và ý thức trách nhiệm của chủ nuôi đối với chó mèo về sau.
Tôi tuyệt đối không giao con cho những chàng trai cô gái “xin tặng bạn gái/bạn trai". Chó mèo không phải một món quà tặng trừ khi người ta chủ động chọn nó. Mọi mối quan hệ đang trong thời gian hẹn hò đều có thể gãy gánh giữa đường và sự chia tay của 2 người chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến con chó con mèo đó. Tôi từng biết một bạn trai đã trút cơn giận của anh dành cho cô gái lên cơ thể của chú chó mà 2 người “nhận nuôi chung" sau khi chia tay.

12. TÌM HIỂU VỀ KHẢ NĂNG KINH TẾ
Đây không phải vấn đề về trọng vật chất, đây là vấn đề thực tế về khả năng có thể chăm sóc cho một con vật trong trách nhiệm của mình. Dù thế nào đi nữa thì chúng vẫn cần ăn, uống, ị trong cát chuyên dụng, chích ngừa, triệt sản... Tất nhiên tôi rất linh động về việc này, nhưng tôi cũng hiểu rằng nếu bạn quyết định nuôi một con mèo mà bạn lại không có khả năng mua cát cho nó đi vệ sinh, chỉ có thể dùng cát xây dựng thì đây có lẽ là rủi ro khôn lường cho sự an toàn con mèo. Bởi vì về lâu về dài bạn sẽ cho rằng “con mèo đi ị hôi" (vì cát xây dựng không có khả năng khử mùi hay vón cục), và lúc đó bạn sẽ thấy nó trở thành một điều phiền phức. Và nếu bạn không có khả năng mua cát vệ sinh, hay hạt, thì rủi một ngày nào đó chúng bệnh, cần điều trị lâu dài và tốn kém, thì làm sao bạn có khả năng lo tốt cho chúng được.
13. THIẾT LẬP THOẢ THUẬN ĐẢM BẢO CÁC CON VẪN SẼ AN TOÀN TRỞ VỀ VỚI BẠN KHI CHỦ NUÔI KHÔNG THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC CAM KẾT YÊU THƯƠNG VÀ CHĂM SÓC TRỌN ĐỜI
Tôi luôn đảm bảo chủ nuôi hiểu rằng một khi tôi đã gửi gắm con tôi cho họ, tức là tôi đã đặt lòng tin nơi họ (vì sự thật là không phải ai muốn nhận nuôi tôi cũng đồng ý), và tôi mong muốn họ hãy thay tôi chăm sóc và yêu thương các con trọn đời. Tuy nhiên, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, và nếu một ngày nào đó lòng tin ban đầu của tôi là chưa thật sự đúng đắn, và chủ nuôi có thể có một biến cố nào đó khiến họ không thể tiếp tục thực hiện cam kết yêu thương trọn đời với các con, tôi sẽ rất vui vẻ đón lại chúng trở về với mình. Tất nhiên tôi không mong điều này xảy ra, vì nó sẽ làm rất nhiều người tổn thương, nhưng tôi luôn muốn mọi trường hợp đều có một cách giải quyết mà sự an toàn của các con luôn được đặt lên trên hết.

14. NẾU CHẲNG MAY HỌ MUỐN TRẢ-CON-LẠI, ĐỪNG CHẦN CHỪ ĐÓN CON VỀ DÙ CHỈ 1 GIÂY
Không nên chần chừ hay tìm cách trì hoãn việc đón con về dù chỉ 1 giây trong trường hợp này. Một khi một người nhận nuôi vì lý do nào đó muốn gửi con lại bạn thì bạn hãy biết rằng họ không còn coi con là thành viên trong nhà nữa, và sự có mặt của nó trong nhà họ là một sự thừa thãi, và chắc chắn bạn không muốn con mình bị đối xử như kẻ thừa như vậy. Chúng nó cảm nhận được hết và biết tủi thân. Vì vậy khi chủ nuôi muốn “trả", bạn phải đón con ngay lập tức. Cũng không nên thể hiện thái độ thất vọng, bởi vì bạn đã thiết lập thoả thuận và bạn nên tuân theo. Tất nhiên sẽ không tránh khỏi một vài cảm xúc tiêu cực, nhưng hãy cố gắng kiềm nén nó.
15. SỬ DỤNG TRỰC GIÁC, LẮNG NGHE LỜI MÁCH BẢO TỪ BÊN TRONG
Tôi biết điều này không dễ, vì không phải ai cũng có trực giác hay linh tính mạnh và chính xác. Tôi may mắn có được điều này, và nếu bạn muốn tìm hiểu về trực giác, bạn sẽ hiểu rằng trực giác mạnh và chính xác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào những trải nghiệm của chính bạn. Bạn tiếp xúc nhiều, cảm nhận, lắng nghe, quan sát, phán đoán, phân tích, kết luận, thậm chí là đúc kết từ những bài học đau đớn nhất...mọi thứ sẽ bồi đắp cho khả năng sử dụng trực giác của bạn.
Một số người tôi tin rằng họ cũng có linh tính tốt, nhưng buồn là họ lại bỏ qua và xem nhẹ chỉ vì họ không thật sự quan tâm đến sự an toàn của các con (thường họ cũng cảm thấy có gì đó không ổn, nhưng sự thôi thúc phải-tìm-nhà-bằng-mọi-giá khiến họ tự lừa bản thân)
Nếu bạn nói chuyện mà cảm thấy “có gì đó không ổn", hay “nhìn mặt có vẻ kỳ kỳ", “thái độ có vẻ kỳ kỳ"..., bất kỳ điều gì khiến bạn cảm thấy “không ổn" hay “kỳ kỳ", hãy tin vào trực giác của bạn và đào sâu tìm hiểu về nó. Sau cùng bạn sẽ có câu trả lời.

16. KHÔNG XEM THƯỜNG CÁC YẾU TỐ VỀ NHÂN TƯỚNG HỌC
Nếu bạn có một ít hiểu biết về nhân tướng học, quả thật rất tốt. Nếu không có thì bạn vẫn có thể có nhiều cách tìm hiểu về một người. Nhân tướng học ở đây hoàn toàn không phải chuyện bạn đánh giá một ai đó qua hình thức hay bề ngoài của họ; không phải là chuyện họ thể hiện họ giàu có ra sao, họ đẹp hay xấu, họ tốt đẹp thế nào..., không phải vậy. Nhân tướng học - nói một cách chung chung dễ hiểu nhất - là ấn tượng đầu tiên một người mang lại cho bạn thông qua đường nét trên gương mặt họ là dễ chịu hay khó chịu. Nếu một người bạn nhìn gương mặt họ và bạn cảm thấy “ác”, “không thật", “sao sao" thì trở lại mục (15), hãy sử dụng trực giác của bạn dù là ở mức độ thấp nhất để tìm hiểu thêm. Đừng bao giờ xem nhẹ trực giác của mình.

17. KHÔNG ĐƯA CON ĐẾN NHÀ MỚI NGAY, NGAY CẢ KHI BẠN ĐÃ QUYẾT ĐỊNH TIN VÀ GỬI GẮM CON MÌNH CHO CHA MẸ MỚI
Tôi thường hẹn với cha mẹ mới thời gian khoảng 3 ngày hay 1 tuần rồi mới đưa con qua nhà mới. Tôi muốn chắc chắn rằng tôi có thời gian nói chuyện nhiều hơn với con, ôm ấp nó nhiều hơn, giải thích cho nó nghe về hành trình mới sắp tới của nó, đồng thời tôi cũng muốn người nhận nuôi có thêm thời gian suy nghĩ về quyết định nhận nuôi của họ, vì trong thời gian này nếu họ chưa thật sự nghiêm túc với quyết định nhận nuôi họ hoàn toàn có thể “suy nghĩ lại" và đổi ý. Và tôi thà chấp nhận họ đổi ý không nhận nữa hơn là phải giao con cho một người chưa suy nghĩ kỹ trong quyết định quan trọng này.
Thời gian 3 đến 7 ngày cũng là thời gian để họ chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho con, để đảm bảo rằng khi con về nhà mới là có ngay hạt để ăn, cát để ị (tránh việc không cho con chỗ vệ sinh con lại đi ra nhà thì la con hư, đó là điều vô lý), ổ để nằm, đồ chơi để chơi, và sự chào đón của các thành viên khác trong nhà.
18. KHÔNG GIAO CON CHO NHỮNG AI "BAO NHIÊU ĐỨA CŨNG NUÔI" HAY "MÌNH ĐÃ TỪNG NUÔI RẤT NHIỀU CHÓ MÈO"
“Bao nhiêu cũng nuôi" là tuyên bố của những người thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết, hoặc ảo tưởng về năng lực bản thân. Chăm sóc tốt cho một con chó con mèo dễ không dễ, khó không khó; nhưng thật sự yêu thương và chăm sóc tốt cho nó rất khác với việc coi nó là con vật chỉ cần ăn ngày 3 bữa rồi muốn đi đâu thì đi.
“Mình đã từng nuôi rất nhiều chó mèo" - nếu bạn hỏi tiếp, thường là họ sẽ trả lời “...mà nó lớn xong bỏ đi hết". Hiếm người nào nuôi nhiều chó mèo vì tình thương mà lại có ý muốn nhận nuôi thêm 1 đứa nếu đó không phải là trường hợp vô cùng khẩn cấp.

19. KHÔNG QUẢNG CÁO, NÓI QUÁ LÊN VỀ CON
Tôi cho rằng chúng ta không nên nói quá lên về vẻ đẹp của con dù chúng ta có thấy như vậy thật. Hãy để người nhận nuôi tự cảm nhận về con. Đừng vì khi con còn nhỏ lông xù mà khẳng định con là mèo lai lông xù, cũng đừng vì con còn nhỏ mắt chưa đổi màu mà lại nói "mắt màu xanh dương tuyệt đẹp". Nói như thế là hại con, vì con lớn chút nữa lông sẽ hết xù như cục bông và mắt sẽ tiếp tục đổi màu.
Cũng không nên nói không đúng sự thật về một số thói quen hay tính cách của con. Nếu con chưa đi khay cát được, hãy nói ngay điều đó và cùng nhau tập cho con. Nếu con có thói quen ăn vụng, hãy giúp con bỏ thói quen này trước khi đưa con về nhà mới.

20. NẾU FACEBOOK CỦA HỌ CÓ QUÁ NHIỀU HÌNH SELFIE CỦA HỌ, TÔI SẼ CẨN THẬN TÌM HIỂU NHIỀU HƠN
Nếu họ sử dụng facebook và để chế độ public thì đây chính là cách để bạn cảm nhận tốt nhất về chủ nuôi mới của con, bất kỳ điều gì họ đăng trên facebook cũng có thể phản ánh một phần suy nghĩ và tâm hồn của họ, những điều họ quan tâm... Ở đây, tôi có xu hướng sẽ từ chối những người selfie quá nhiều trên facebook.
Tôi sẽ dễ quyết định hơn nếu facebook của họ chủ yếu đăng hình cảnh vật thiên nhiên, động vật, hội hoạ, đồng nghiệp..., thay vì chỉ selfie về bản thân họ quá nhiều. Quan điểm này của tôi có thể cực đoan, nhưng nó vẫn hữu ích với tôi.
Ngược lại thì nếu fb của họ toàn những hình ảnh thương yêu chó mèo thì cũng không có nghĩa là tôi tin tất cả.

21. ĐI ĐẾN NƠI VỀ ĐẾN CHỐN
Dù người nhận nuôi có ý muốn đến tận nhà đón con, bạn cũng chỉ ghi nhận thành ý đó và phải đưa con đến tận nhà mới. Điều này giúp bạn cảm nhận tốt hơn về gia đình mới của con, và quan trọng là bạn không làm cho con bị cảm giác hụt hẫng hay bỡ ngỡ. Khi đưa con đến gia đình mới, bạn nên xin phép chủ nhà cho bạn được ở lại trò chuyện khoảng 15-30 phút tuỳ khả năng thích nghi của mỗi đứa. Bạn nên là người bế con ra khỏi giỏ và trao tận tay cho người sẽ phụ trách yêu thương con, để con hiểu con được chuyển từ tình thương của bạn sang một tình thương khác mà bạn đã tin tưởng trao con.
Chỉ đưa đón con tại nhà, đúng nơi con sẽ thuộc về, tuyệt đối không hẹn và trao con giữa đường. Điều này sẽ gây bất ổn trong tâm lý của con.
22. GIỮ LIÊN LẠC VỚI GIA ĐÌNH MỚI CỦA CON
Nếu được gia đình mới của con cập nhật hình ảnh và tin tức mỗi ngày hay mỗi tuần là điều may mắn. Nếu gia đình mới của con có thói quen cập nhật thông tin về con trên facebook thì càng vui hơn. Tuy nhiên cũng cần biết rằng có những người không có thói quen chia sẻ những điều riêng tư, cũng có những người không có thói quen sử dụng facebook thường, vậy bạn cần trao đổi để thỉnh thoảng vẫn nhận được tin tức của con bằng một cách nào đó, miễn thuận tiện cho gia đình mới của con.

23. ĐỌC VỊ MỘT SỐ YẾU TỐ TÂM LÝ KHÁC (linh động)
Ở mục (16) và (15), tôi rất mong chúng ta phải phân biệt giữa cảm nhận của mình khi trực giác lên tiếng với việc phán xét người khác. Không ai muốn bị phán xét cả. Cá nhân tôi khi tôi từ chối một người nào đó, không có nghĩa là họ xấu, mà việc này chỉ đơn giản là có thể họ chưa-phù-hợp với việc nhận nuôi một con chó con mèo từ tôi. Đôi khi tôi từ chối họ lần này, nhưng tôi vẫn có xu hướng bắt chuyện, trò chuyện và tìm hiểu nhiều hơn về họ cho lần sau.
Ngoài những yếu tố kể trên, tôi còn thường tập trung cảm nhận về cách họ liên hệ với tôi, cách họ nói chuyện, cách họ gọi một con vật là “bé" hay “nó" (có người gọi “bé" nhưng nghe rất giả, có người gọi “nó" nhưng lại nghe rất thương, và đây là vấn đề bạn phải xử lý bằng trực giác), cảm nhận về họ thông qua ngôn ngữ hình thể (body language), cách họ bày tỏ cảm xúc về một câu chuyện nào đó, và nếu có người tiếp xúc qua điện thoại thì giọng nói chính là một trong những yếu tố quan trọng mà tôi sẽ dựa vào để ra quyết định.
Và sau cùng, điều quan trọng hơn cả, bạn cần nhớ rằng, chúng ta làm việc gì với thái độ thế nào thì vũ trụ sẽ vận hành để đáp ứng việc làm của chúng ta xảy ra thế đó. Thế nên quan trọng hơn cả là bạn đã đặt hết tâm trí của mình cho các con hay chưa; bởi khi bạn thật sự quan tâm, bạn sẽ có câu trả lời.
Tôi thừa nhận dù rất kỹ tính nhưng không có nghĩa là tôi chưa bao giờ phạm sai lầm phải ân hận, vì vậy rõ ràng là nếu muốn các con an toàn các bạn phải kỹ tính hơn cả tôi.
Một số kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ, hy vọng nó hữu ích với các bạn, và rất mong nhận được những kinh nghiệm của các bạn để chúng ta có thể hỗ trợ nhau tìm được gia đình tốt cho các con

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...